Dịch giả: Lê Trọng Sâm
Lời người dịch
Nguyên tác tiếng Pháp: Monsieur Le Paresseux

 

 
Chiều hôm đó, ngày 30 tháng 6 năm 2002, trên tiền sảnh Nhà hát Les Jacobins ở thành phố Dinan vùng Bretagne đông bắc nước Pháp, trời còn chói chang ánh nắng mùa hè, bà Yveline Féray cùng với chồng là ông Pierre Richard Féray, nhà sử học, giáo sư chuyên về Đông Á đã trao tặng tôi cuốn sách này khi biết tôi đến từ Việt Nam.
Ngọn nắng ấm áp ngoài trời Dinan lúc đó, ngọn nắng nhân văn trong cuốn tiểu thuyết đáng trân trọng này hoà với ngọn nắng say mê trong tâm hồn, đã khiến tôi thích thú đọc và tự cảm thấy như một món nợ đời đeo đẳng, tôi say sưa dịch cuốn "Lãn Ông" – một tấm lòng, một đóng góp văn học quý báu mới của bà Yveline Féray cho tình hữu nghị Việt – Pháp, một tác phẩm chắc sẽ rất bổ ích cho người đọc.
Xin chân thành cám ơn nhà văn Yveline Féray đã cho tôi niềm vui lớn khi làm việc này. Xin chân thành cám ơn bạn bè tôi ở Việt Nam và nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh đã hết sức ưu ái động viên và giúp đỡ tôi khi dịch cuốn tiểu thuyết này.
Lê Trọng Sâm
 
 
Lời tựa cho bản dịch tiếng Việt tiểu thuyết "Lãn Ông"
Sau tác phẩm "Vạn Xuân", tôi nghĩ rằng không cần viết thêm một từ, một dấu chấm, một dấu phẩy nào nữa về Đại việt và  về cuốn tiểu thuyết mà tôi đã cưu mang bảy năm, trải qua bao niềm vui và nỗi gian khó. Nếu người ta sinh ở Vn với một món nợ phải trả, về phần tôi, tôi có cảm giác mình đã thanh toán được món nợ đó khi tôi thực hiện xong "bảy điều cố gắng" như cách nói người dân vùng Bretagne chúng tôi.
Tôi muốn có một quãng lùi đối với Nguyễn Trãi lỗi lạc và tấn bi kịch đời ông để nhìn nhận lại bầu trời phương Tây với nhãn quan của mình. Cho dù từ lâu tôi đã có tình yêu Việt Nam, những nghiên cứu lịch sử, trí tưởng tượng và cả tâm hồn thanh xuân của tôi, "một tâm hồn thanh xuân của vạn mùa xuân" theo cách nói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cho phép tôi đi theo hướng tìm đến sự hiệp thông thực sự về văn hoá và phản bác điều khẳng định của Kipling "Đông là Đông và Tây là Tây" có trong một số người. Tôi hy vọng từ nay với cách nhìn của nhà thơ và nhà văn lớn nước Pháp Victor Segalen (1878 – 1921), nhờ ở Việt Nam tôi  được trở về với nền văn hoá Xente gốc rễ của mình.
Thế nhưng, sự trở về cội nguồn hoài vọng đó chưa thực hiện được. thời gian trôi qua mà tôi không viết được thêm một dòng nào, chứng tỏ tôi còn chưa hết duyên nợ với châu Á.
Thực thế, Việt Nam luôn nằm ở dạng tiềm ẩn mà lần này là dưới những nét đặc sắc của vị danh y thế kỷ XVIII Lê Hữu Trác (1724 – 1791) biệt hiệu Lãn Ông – Ông Lười. một người coi thường vinh hoa phú quý để được buông mình theo thú lười. Với Lê Hữu Trác, tôi đã được đọc Thượng kinh ký sự (bản dịch và chú thích của Nguyễn Trần Huân do trường Viễn đông Bác cổ ấn hành tại Paris năm 1972) và nhiều công trình nghiên cứu của các thầy thuốc người Pháp ca ngợi ông, trong đó có công trình của Giáo sư Pierre Huard viết về tác phẩm đồ sộ Bách Khoa y học (Pierre Huard và Maurice Durand: Lãn Ông và nền y học Trung  - Viế.t trong B.S.E.I., tập XXVII, số 3, in ở Sài Gòn năm 1953).
Khác với Nguyễn Trãi, nhà chính trị, nhà chiến lược lỗi lạc của dân tộc trong bản anh hùng ca vĩ đại nhất của lịch sử Việt Nam, tôi mô tả ở đây một mẫu người "phi anh hùng" hoặc một anh hùng thầm lặng. Lê Hữu Trác theo triết lý vô vi của Lão giáo, đi sâu nghiên cứu y học và hết lòng với người bệnh, đào tạo học trò và mơ ước "mọi người đều có sức khoẻ tốt để mình được hoàn toàn thảnh thơi ngâm thơ và uống rượu nơi chốn ẩn cư thân yêu ở vùng Hương Sơn – Nghệ An.
Nhớ lại trước đây tôi chuộng văn chương hơn y học, môn khoa học mà mẹ tôi rất tâm đắc. Thế rồi như  một ngọn lửa bị gió thổi ngược lại, tôi bỗng nhiên ham muốn nghiên cứu nền y học Trung - Việt, trong đó con người hoà nhập nhịp nhàng và hài hoà với trật tự vũ trụ. Trở lại thời gian cuộc hành trình chín tháng ở kinh đô Thăng Long mà vị y sư đã nói như một nhà thơ về "Bí mật của thận tạng được tiết lộ" hoặc "Ánh sáng rạng ngời của cuộc đời người phụ nữ", Ta tưởng tượng thay cho ông một cuộc hành trình khác với chuyến đi mà ông đã kể trong "Thượng kinh ký sự", đưa ông đến với người bệnh nhỏ tuổi – Thế tử kế nghiệp Trịnh Cán sớm thông minh một cách kỳ diệu – một câu chuyện độc đáo. Chuyện về vị y sư đáng kính bị chao đảo bởi cuộc chiến đấu thầm lặng đầy nguy hiểm để giành lại sự sống trong cái chết. cuộc chiến đấu này diễn ra giữa  bóng tối dày đặc  để cậu bé được sống. Một nhà thơ lớn Việt Nam sau khi đọc bản tiếng Pháp cuốn tiểu thuyết này đã tâm sự với tôi là khi đọc làm ông liên tưởng được các cuộc chiến đấu của Việt Nam trong quá trình lịch sử "ngàn năm tươi trẻ, ngàn năm già dặn!"
Để làm việc này, tôi đã nghiên cứu tất cả các chi tiết của phần lịch sử tiểu thuyết, đắm mình vào thời kỳ được ghi lại trong "Hoàng lê nhất thống chí"  (Bản dịch và chú thích của Phan Thanh Thuỷ) ghi chép những sự kiện diễn ra ở Việt Nam từ những năm 1768 đến 1802, văn bản lịch sử nằm trong bộ tiểu thuyết của "Ngô gia văn phái" và đặc biệt trong thời kỳ Chúa Trịnh Sâm, vị chúa thứ 9 (Đại Nguyên Soái Quốc Công thượng phụ) thân sinh của Trịnh Cán. Đây là thời kỳ đặc biệt rối ren của "thế kỷ ánh sáng Việt Nam", đầy rẫy mưu toan cung đình và báo hiệu sự ra đời của một thời đại mới thấp thoáng sự hiện diện của thương mại và truyền giáo Pháp mà tám mươi năm sau sĩ quan và binh lính họ sẽ đặt nền cai trị lên đất nước Việt Nam.
Đây là cuốn tiểu thuyết lịch sử xoay quanh chủ đề trung tâm "quyền lực và y học" qua hình tượng một vị danh y bị một trong hai phe nhóm đối địch có quyền lực là bà Chánh cung và thế tử kế nghiệp muốn giữ ông làm con tin, buộc phải đem mạng sống của chính mình và cả gia đình ra bảo đảm cho thành công của việc chữa bệnh.
Lịch sử - đây là điểm tự hào của tôi – được hấp thu vào cuốn truyện trong sự bí ẩn của mối liên kết lạ lùng, thắm thiết giữa vị lương y cao niên đã chiến đấu để "đi tìm sự sống trong cái chết" bằng tất cả kinh nghiệm của nền y học Trung – Việt trong việc chữa trị hàng ngày với cậu bé vương gia mắc phải chứng bệnh lạ kỳ và đã chết bởi sự cáo chung được báo trước của chính dòng họ mình!
Vậy ai sẽ cứu ai đây?
Người Việt Nam hiểu rõ lịch sử và sự nghiệp những nhân vật lẫy lừng của họ hẳn sẽ vui lòng tha thứ cho tôi, bởi tôi đã làm theo công thức nổi tiếng của Alexandre Dumas là "sáng tạo ra một đứa trẻ" cho Lê Hữu Trác. Sự liên hệ tưởng tượng giữa Lãn Ông tôn kính với ấu chúa Trịnh Cán mà trên thực tế họ chỉ gặp nhau có hai lần, đã được nảy sinh từ lòng ngưỡng mộ đầy cảm kích của tôi. từ niềm ước vọng không sao cưỡng được muốn tạo ra một cuộc "phiêu lưu" trong cuộc sống của ông, sau khi được cân nhắc kỹ đã làm đảo ngược vai trò các nhân vật đến mức mà sự "ngây thơ trong trắng" của trẻ thơ đã có thể điều khiển được "khối óc khôn ngoan" của người già cả.
Tôi rất mong các vị hậu duệ của Lê Hữu Trác – mà tôi đặc biệt quan tâm là cụ Lê Hữu Hoài – đã bắt tay dịch cuốn tiểu thuyết của tôi để lưu lại như một kỷ niệm cho dòng họ mình – sẽ vui lòng tha thứ cho tôi vì đã dám lấy vị tiên tổ tuyệt vời của họ xây dựng thành một nhân vật tiểu thuyết.
Xin mọi người an lòng! Trên cả thân phận làm người mà tôi đã mô tả với niềm ưu ái và lòng kính trọng cao nhất, như cách nói hiện nay là "sự bố trí hoàn cảnh thời đại ông sống", Lãn Ông trước hết vẫn là vị Đại Tôn Y Sư qua các công trình bách khoa và các quy phạm đạo đức nghề nghiệp. Con người mà mọi người vẫn tiếp tục tôn vinh qua các cuộc bảo vệ luận án y học. Tóm lại, ông là một người xuất chúng không có tham vọng nào khác hơn trong đời là làm một con người hết sức bình thường giữa mọi người.
Để kết thúc, tôi xin thổ lộ tình cảm chân thành của một tác giả phương Tây qua tiểu thuyết Lãn Ông, tôi cảm thấy mình đã hoàn thành xong chu kỳ hoà nhập cá nhân với hy vọng tái hiện được một Việt Nam thế kỷ XVIII với một Việt Nam quen thuộc và bình dị giống sự thật hơn cả sự thật thông qua bóng dáng một nhân vật lớn lao, người đã tìm thấy trong việc hành nghề y "nghệ thuật của lòng nhân nghĩa" và là Đạo mà các bậc hiền triết dấn thân vào.
Cuối cùng tôi xin được nói thêm theo cách nói của Việt Nam: ngôn ngữ bất tận tình.
Yveline Féray