ột người bạn trao cho tôi bản thảo "Gió về Tùng môn trang" nói tác giả là một "samurai"- Nguyễn Xuân Dũng- con nhà võ với đẳng cấp huyền đai đệ bát đẳng KARATE, đây là hồi ký của tác giả, anh đọc chơi cho biết. Từ lâu, tôi thường đọc hồi ký của các nhà hoạt động cách mạng, hồi ký của các tướng lĩnh, của các chính khách, của văn nghệ sĩ chứ chưa đọc hồi ký của con nhà võ. Hồi nhỏ tôi cũng thích võ, nhưng chẳng có ai dạy, càng ngày càng xa, coi như chẳng biết gì, nhưng đôi lúc lại thấy rất cần. Trong tác phẩm của tôi có nhân vật là con nhà võ, để tả cho đúng, tôi phải đi tìm hiểu, thật vất vả, âu cũng là dịp may cho tôi.. Tên sách "Gió về Tùng môn trang"
hấp dẫn tôi từ đầu đến cuối. Tưởng là võ nhưng không võ mà lại rất võ. Với tôi, không võ là võ sư không dạy cách đấm đá cũng không dạy miếng nào, đòn nào, nhưng lại rất võ ở chỗ tác giả đã dẫn người đọc trở về nguồn gốc của võ. Võ xuất xứ từ Phật, vừa mang tính Đạo vừa mang tính triết lý của Lão và Khổng. Đọc những trang viết về võ của Nguyễn Xuân Dũng, tôi có thể hiểu rành rẽ hơn về võ thuật và võ đạo.
"Con đường đã chọn", "võ thuật trong đời sống" đi từ những trang viết về võ, tác giả như bước qua cầu để về với "Tùng Môn trang". Đây là hồi kí của một người xa quê hương nhớ về một góc của quê hương. " Tùng Môn trang la tên mà Thầy đặt cho một vườn đồi, nằm về phía Đông nam Đà lạt, đó là hai ngọn đồi bát úp, như hình hai mẹ con nằm tĩnh lặng bên nhau, từ ngàn xưa cho đến bây giờ -Mấy cây cổ tùng trên lối đi bọc quanh đồi và những rặng thông xanh lấp lánh muôn tia vàng tươi khi nằng gió bạt qua đồi..." "Tùng Môn trang" là một nơi thời thơ ấu của tác giả, một chân trời quê hương đầy kỉ niệm. Anh viết với nỗi nhớ da diết đêm ngày, đầy những hình ảnh đẹp đẽ về quê hương, nhửng trang vừa đậm đà vừa thiết tha, có đoạn thiết tha đến sướt muớt, không phải là sự sướt mướt của tâm hồn yếu đuối, mà là sự sướt mướt của nỗi nhớ quê hương. Với tâm hồn của con ngưới VN, với ý chí của Samurai có cả một đời lăn lộn, anh đã thành công trên thương trường đất Mỹ - Đọc "Gió về Tùng môn trang" ta sẽ đoán, trước sau gì võ sư Nguyễn Xuân Dũng cũng trở về quê hương góp phần xây dựng lại đất nuớc. Và đúng như vậy, anh trở về năm 1994 không phải trở về để mở trường dạy võ tại đất Sài gòn như những năm 1970, mà về với một hành trang vốn liếng, kinh nghiệm kỹ thuật cao ngành điện tử và công nghệ thông tin, và anh đã thành công. "Gió về Tùng môn trang" của võ sư Nguyễn Xuân Dũng với tôi là một quyển sách hết sức thú vị mà lâu lắm rồi chưa từng đọc. Nguyễn Quang Sáng 10/8/2002 °°°°°°°°°°°°°°°°°°° Kính Dâng Thầy Choji Suzuki, người đầu tiên du nhập Karate vào Việt Nam THƯ GỬI THẦY: Kính thầy! Mấy mươi năm qua rồi mà hình bóng của Thầy vẫn còn đậm nét trong tâm khảm của con.Hình bóng ấy ngoài dáng vẻ âm thầm kham nhẫn, còn toát lên sự dịu dàng tĩnh lặng của một tâm linh đã được thau rửa theo thời gian. Thầy-người sĩ quan của đoàn quân Thiên hoàng bại trận năm xưa, đã tự nguyện nhận Việt Nam làm quê hương thứ hai của mình, để vẫn tiếp tục ngẩng cao đầunhư một người võ sĩ đạo chân chính. Thầy- Võ sư Choji Suzuki, người chưởng môn sáng lập Linh Trường Không Thủ Đạo, người đầu tiên xây dựng và truyền dạy môn võ này tại cố đô Huế.Người đã đem tinh hoa xứ anh đào về với trời Việt-đã gieo trồng và tô thắm cho một thế hệ môn sinh võ đạo đúng nghĩa. Thế hệ ấy nay người mất kẻ còn, cao tuổi cũng đã xấp xỉ "cổ lai hy", nhỏ nhất cũng đã "nhi bất hoặc" không còn nghi ngờ điều gì nữa trong cuộc đời. Trong số đó có con, đã bước qua ngưỡng cửa "tri thiên mệnh", nhưng như là một thiếu niên ngày nào, còn giữ nguyên hoài niệm tinh khôi về thầy-theo những lần trông về quê cũ. Đã bao lần lưu lạc thăng trầm, con vẫn nhớ thiết tha dòng Hương êm đềm muôn thuở...dòng sông chảy hoài trong khúc tình tự nối tiếp nhau cho quá khứ, hiện tại, tương lai trở thành cái mầu nhiệm của diệu hữu. Cái có ấy như tiếng gầm sư tử lớn oai linh dấy động bốn phương trời, làm ngưng bặt mọi suy tưởng, xóa tan tành mọi tạp niệm, không còn ngoại nhiễu-không còn vướng víu sắc không. Gần 30 năm lưu lạc đất khách quê người, nhờ công lao dạy dỗ của thầy ngày xưa, nên con vẫn đứng vững trên đôi chân của mình. từ hai bàn tay không với khối óc và quả tim( bao hàm mọi nghĩa) nhân cách con được hình thành từ những ngày đầu đến với Thầy tại võ trường, nơi đó cũng là nhà của Thầy cô và các em nương náu bên chân cầu Đông ba ngày ấy. Thời gian đổ xuôi về Tây, tóc con không còn xanh nữa. Trong những năm tháng vừa qua, dù trải bao vinh nhục ngọt ngào cay đắng, khổ nạn trăm bề...con vẫn luôn xứng đáng là một trong những cao đồ đầu đàn được thầy trực tiếp chăm sóc, truyền thụ võ nghiệp và những đạo lí cuộc đời. Dù không thành chưởng môn đời thứ hai như Thầy cô đã chọn lựa, con vẫn nhớ sắt son lời thầy dặn: Trong bất cứ hoàn cảnh công việc nào, không cúi đầu trước cái ác, không lùi trước hiểm nạn. Nhìn thẳng và đi trên con đường mình đã chọn: con đường mà sự nhẫn nại bao dung là những bước đi tới, hành trang là những ước mơ vô cùng bé nhỏ-chỉ xin làm một cành dương tưới trên cuộc đời đầy rẫy khô khát và bất trắc. Nhớ hoài ánh mắt và nụ cười hiếm hoi của thầy, khi dạy con bài quyền tinh túy của võ phái mà Thầy gọi là Linh Hồn Không Thủ Đạo, bài quyền cương nhu đầy uy lực ấy, đối với con những động tác nhuần nhuyễn đó giống như bầy chim nhỏ tự tại giữa bao thác ghềnh hiểm hóc nơi thủy tận non cùng...vẫn đùa giỡn giữa ánh trăng khuya từ cổ độ- vẫn tung cánh giữa phiêu bồng trời xanh mây trắng. Thầy không còn nữa, nhưng vẫn còn đó bóng chim thiêng vỗ cánh giữa đời con. Nguyễn Xuân Dũng Đệ bát đẳng huyền đai Karate