NGUYỄN VĂN TỴ dịch
LỜI GIỚI THIỆU

    
iểu thuyết “Hòn đảo ba mươi chiếc quan tài” là một phần trong tác phẩm nhiều tập của nhà văn lớn MAURICE LEBLANC nhan đề “NHỮNG CUỘC PHIÊU LƯU KỲ LẠ CỦA ÁCXEN LUYPANH”.
Tác giả đã xây dựng nhân vật Ácxen Luypanh như một vị anh hùng rất đẹp, sống động và rất gần gũi với mọi người chúng ta, đồng thời còn đặt ra nhiều vấn đề xã hội khá lý thú.
Đây là một bản anh hùng ca vang dội nhất, một vở bi hài kịch chan chứa tình yêu và đầy tính hài hước với những nhân vật độc đáo tế nhị như Ácxen Luypanh, mà mỗi lần anh xuất hiện ta lại thấy nhân vật này dưới một sắc thái mới ngày càng đẹp, thông minh và làm chúng ta ngạc nhiên hơn..
NGƯỜI DỊCH

 

LỜI TỰA

Chiến tranh đã làm đảo lộn cuộc sống đến nỗi ngày nay ít người còn nhớ vụ tai tiếng Đecgơmông xảy ra cách đây chỉ vài năm.
Chúng ta thử ôn lại khái quát diễn biến của sự việc đó.
Ăngtoan Đecgơmông là một người được đánh giá cao qua các công trình nghiên cứu của ông về nền kiến trúc cổ Brơlanhơ. Vào một ngày tháng sáu năm 1902, Ông Đecgơmông dạo chơi trong rừng cùng với con gái, thình lình bị bốn người lạ mặt xông ra tấn công. Họ đánh một gậy vào mặt, ông ngã xuống bất tỉnh. Còn cô Vêrôních “kiều diễm” như các bạn cô thường gọi, thì đã chống trả một cách chiếu lệ và bị lôi vào chiếc ô tô gần đó. Những người chứng kiến màn kịch hôm ấy thấy chiếc xe phóng như bay về phía bờ biển Xanh Cơlu.
Ngay hôm sau người ta đã vỡ lẽ. Đơn giản đây chỉ là một vụ bắt cóc. Bá tước Alêxi Voócki, chàng thanh niên quý tộc Ba Lan luôn tự hào mình thuộc dòng dõi vua chúa. Anh ta có rất nhiều tiếng xấu nhưng bề ngoài vẫn ra vẻ oai vệ. Voócki mê cô Vêrôních Đecgơmông. Cô này hình như cũng yêu anh ta. Nhưng bố cô không tán thành, nhiều lần mắng nhiếc Voócki. Vì vậy Voócki tính chuyện mạo hiểm. Không cần biết Vêrônich có đồng tình với mình hay không.
Công bằng mà nói, Vêrônich xưa nay vốn không ưa tính tình của bố. Hơn nữa một vài bức thư ngỏ cũng công khai nói toạc ra rằng Ăngtoan Đecgơmông là người lầm lì thô bạo, tư tưởng ngông cuồng, tâm địa hẹp hòi, đầu óc biển lận bần tiện, và ngần ấy đức tính đã đủ đem lại nỗi thống khổ cho con gái ông. Đecgơmông thề theo sát Voócki để trả thù. Ông bằng lòng cho anh ta lấy con gái mình. Đám cưới được tổ chức ngay sau đó hai tháng tại Nixơ. Nhưng mới một năm người ta lại được nghe một loạt tin làm chấn động dư luận.
Khư khư với lời nguyền thuở trước, Đecgơmông bắt cóc đứa con đầu lòng của Vêrôních đưa đi Vilơpkơrang, rồi từ đó đưa tiếp sang nước Ý bằng chiếc thuyền du lịch nhỏ ông mới mua.
Dọc đường, biển động, chiếc thuyền bị đắm ở gần bờ biển nước Ý. Bốn thủy thủ cùng đi được một thuyền to cứu vớt. Theo lời họ khai, ông Đecgơmông và đứa bé đã bị mất tích giữa những lớp sóng cao ngất.
Nhận được tin chính xác về cái chết của bố và con trai, Vêrôních xin vào tu viện Cácmelit.
Đó là những sự kiện đã xảy ra. Chắc chắn chúng phải xảy ra mươi bốn năm trước khi có câu chuyện mạo hiểm khủng khiếp ly kỳ có một không hai này, một câu chuyện thật trăm phần trăm mặc dầu một vài chi tiết thoạt nghe có vẻ hoang đường.
Nhưng không sao. Chiến tranh bao giờ cũng làm cho thực tại thêm rắc rối đến mức các sự kiện trong đời sống chúng ta có thể diễn ra ngoài quy luật của nó. Như câu chuyện tôi sắp kể ra đây được vay mượn trong tấn đại bi kịch loài người một vài tình tiết nào đó khác thường, phi lý và đôi khi kỳ quặc nữa.
Phải cần đến toàn bộ ánh sáng chân lý chói lòa mới trả lại cho các sự kiện ấy cái nhãn hiệu sự thât vốn dĩ khá mộc mạc.