MẠC ĐĨNH CHI (莫挺之) (1272-1346)Nhà văn Việt Nam, danh sĩ đời Trần Anh Tông, tự là Tiết Phu. Vốn người làng Lan Khê, huyện Bình Hà, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang; sau dời đến làng Lũng Động, huyện Chí Linh (nay thuộc tỉnh Hải Dương). Năm 1304, ông đỗ Trạng nguyên. Vua thấy tướng mạo xấu có ý chê, ông dâng bài phú "Ngọc tỉnh liên" (sen giếng ngọc) khiến Vua khâm phục, bổ chức Nội thư gia. Ông làm quan trải ba triều Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông; giữ các chức: Nhập nội hành khiển, Tả tư lang trung, thăng Thượng thư Tả bộc xạ, kiêm Trung thư coi việc quân dân, tước Ðại liêu ban. Tính ông liêm khiết, được sĩ phu trọng vọng. Ông từng đi sứ Trung quốc 2 lần, được các danh sĩ nước ngòai khen ngợi, khâm phục. Sau khi về trí sĩ, ông mở trường dạy học. Nhân dân đời sau vẫn quen gọi là "Trạng nguyên cổ đường". Ông mất năm Bính Dần- 1346. Ông là cháu 5 đời của Trạng nguyên Mạc Hiển Tích (khoa Bính Dần niên hiệu Quảng Hựu thứ 2 (1086), đời Lý Nhân Tông). Ðến đời Mạc Ðăng Dung là cháu 7 đời của ông lên cưới ngôi nhà Lê xưng đế, truy phong ông là Huệ Cảm Linh Khánh vương, có lập điện Sùng Ðức để thờ ông tại phần mộ ở làng Lũng Động.Tác phẩm chính: "Ngọc tỉnh liên phú" (trong "Quần hiền phú tập" ) Bốn bài thơ: "Quá Bành Trạch phỏng Ðào Tiềm cựu cư"; "Tảo hành"; "Hỷ tình"; "Vãn cảnh" (trong "Việt âm thi tập" và "Tòan Việt thi lục")