Lộc Đình Nguyễn Hiến Lê

Nguyễn Hiến Lê

Lộc Đình

NGUYỄN HIẾN LÊ
1912-1984

 

 

Từ rất lâu, tên tuổi Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) đã được nhiều người biết tới như một nhà văn, một học giả, một nhà giáo dục và hoạt động văn hóa độc lập, với 120 tác phẩm biên soạn và dịch thuật để đời có giá trị, thuộc đủ mọi lãnh vực khác nhau như giáo dục, văn học, ngữ học, triết học, lịch sử, du ký... Ngoài ra, thế hệ hậu bối còn noi gương được ở ông nhiều thứ: gương tự học, tinh thần làm việc nghiêm túc, và nhất là nhân cách cao thượng của một người trí thức chân chính.
Ông Nguyễn Hiến Lê không trực tiếp làm chính trị, nhưng lúc nào cũng đau đáu lo việc cho đời, bằng cách thế hoạt động của riêng mình. Ông tin ở các giá trị văn hóa như một yếu tố sức mạnh tinh thần có ý nghĩa quyết định cho tương lai của dân tộc hơn là những hành động chính trị nhất thời, nên đã tận tụy làm việc cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay, tìm mọi cách lay động trái tim con người nhằm phổ biến và cổ vũ cho những ý tưởng nhân bản thâu góp từ đông tây kim cổ mà ông thấu hiểu và đề nghị mọi người chia sẻ như là căn bản của một nền chính trị bền vững khả dĩ mang lại cuộc sống phát triển trong ổn định và ấm no hạnh phúc của nhân dân.
Đời sống bản thân ông khiêm tốn, giản dị, làm việc nhiều hưởng thụ ít, không thích ồn ào, nhưng tư tưởng, tâm hướng và lòng ông thì thật sâu kín, rộng rãi, nồng nàn, có lẽ vì thế mà viết ra điều gì cũng với lời văn giản dị, dễ hiểu, trung thực với ý mình. Ông luôn đứng về phía nhân dân lao động nghèo khổ mà cả một thời thơ ấu hàn vi ông đã từng chia sẻ, nên đã mạnh dạn phê phán những hành vi sai trái của các nhà đương cuộc mà ông luôn quy trách nhiệm chính cho những tình trạng suy bại xã hội của mọi thời. Trước sau ông không xu phụ, thỏa hiệp với giới cầm quyền đương thời để được hưởng những đặc quyền trong xã hội. Măïc dù vậy, tâm huyết của ông cũng không được đời đáp ứng là bao, nên không tránh khỏi có những lúc phải ngậm ngùi chua xót cho sự bất lực của mình trước thời cuộc. Tâm sự của ông có lẽ cũng giống như Tô Thức, một tác giả Trung Quốc ông yêu thích mà có lần ông đã dẫn chứng mấy câu thơ: Thẹn hoài cho người nước này, đau xót như có gai đâm trong da thịt, bình sinh đọc năm ngàn quyển sách, nhưng không có một chữ nào cứu đói cho dân được.
Nhiều người hiểu Nguyễn Hiến Lê hơn qua tập Hồi ký (NXB Văn Học, 1993) và Đời viết văn của tôi do ông tự viết (NXB Văn Hóa, 1996). Ông cũng tự kể về cuộc đời và việc làm của mình qua bài trả lời phỏng vấn khá dài của ông Nguyễn Ngu Í đăng trên tạp chí Bách khoa (1965) trong mục “Sống và viết với...”, rồi in thành sách (1966), và một bài khác nữa do ông Lê Phương Chi thực hiện (in trong tập Tâm tình văn nghệ sĩ, NXB Thanh Niên, 2001). Ngoài ra còn có cả một tập tiểu sử Nguyễn Hiến Lê, cuộc đời và sự nghiệp của Châu Hải Kỳ (NXB Văn Học, 1993) dày đến trên 300 trang. Để tìm hiểu về ông, tưởng như thế cũng đã tạm đủ. Tuy nhiên càng về sau, nhất là khi sách Nguyễn Hiến Lê được xuất bản sau thời kỳ chuyển hình của đất nước (mà người khai phá đầu tiên là ông Ba Kính, giám đốc NXB Long An trong những năm 90), nhiều người càng biết rõ chân giá trị những tác phẩm của ông hơn, cũng như chí hướng và lòng tinh thành mà ông đã gởi gắm hết vào, thì có nhiều tác giả lại viết thêm về ông đứng từ những góc độ nhìn khác nhau.
Nơi đây tập hợp một số bài viết nói trên về con người và tác phẩm của nhà văn Nguyễn Hiến Lê đã đăng hoặc chưa đăng trên các sách báo.Trừ cụ Quách Tấn đã quá cố, phần lớn những tác giả có bài ở đây đều trẻ hơn ông Nguyễn Hiến Lê; có người có duyên quen biết, giao thiệp với ông, những người khác thì được ảnh hưởng tốt bởi những cuốn sách bài báo do ông viết, thậm chí lập thân theo chí hướng do ông gợi ý qua các sách, và họ đã ghi lại những cảm tưởng, suy nghĩ của mình một cách chân thật, sinh động về ông hoặc về tác phẩm của ông, dựa trên sự hiểu biết trực tiếp qua quen biết (như Quách Tấn, Minh Quân, Lê Minh Đức, Đỗ Hồng Ngọc, Lê Anh Dũng...), hoặc chỉ gián tiếp qua sách báo (như Nguyễn Hoành Xanh, Nguyễn Hướng Dương, Nguyễn Duy Chính, Lê Ký Thương, Trần Khuyết Nghi...).
Để cung cấp được một lượng thông tin tương đối đầy đủ nơi đây, ngoài phần chính là những bài viết ra còn có trích đoạn hai bài phỏng vấn, một của Nguyễn Ngu Í mà bạn đọc bây giờ hơi khó kiếm, một của Lê Phương Chi như đã nhắc ở trên, cùng một ít tư liệu hình ảnh, bút tích...
Vì đây là hợp tuyển của nhiều người, nên nó khó lòng đạt được tính hệ thống chặt chẽ và nhất quán của một công trình tiểu sử hoàn chỉnh, cũng e là không được khách quan đến trăm phần trăm do tình cảm của người viết chi phối, nhưng qua nhiều góc độ trình bày tuy khác nhau mà thật lòng, không có lý do gì để thêu dệt, có thể phản ảnh một cách tương đối toàn diện nhưng sinh động về con người và tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê. Do vậy, mặc dù có thể có những hạn chế nhất định, cuốn sách chắc chắn sẽ mang lại cho người đọc một số chi tiết và cái nhìn mới mẻ về nhà văn này, một tác giả vốn được đa số mọi người trong Nam ngoài Bắc xem như một hiện tượng đặc thù của đất nước, một trường hợp hiếm hoi trong hoạt động văn hóa, học thuật.
Nếu được sống lại, có thể rằng ông Nguyễn Hiến Lê sẽ cảm thấy ái ngại khi người ta nói tốt quá nhiều về ông, hoặc đặt cho ông một cái tên đường, vì xem ra cùng lắm ông chỉ vui vui được đời hiểu thôi chứ không ham hố gì mấy, cũng không thích trở thành vĩ đại, mà chỉ muốn lặng lẽ đóng góp theo khả năng và cách thức chân thành của mình một phần bổ ích nào đó cho những người cùng thời và nhất là cho thế hệ trẻ mà từ 50 năm về trước ông gọi là thế hệ ngày mai. Và vì vậy, nếu có nhắc đến ông với một mỹ cảm hay sự ca ngợi nào đó thì những người tỏ thái độ này trong các bài viết có lẽ cũng chỉ vì muốn nêu gương ông hoặc tiếp hơi nối sức cho ông mà lưu ý, nhắc nhủ thêm lần nữa những điều ông tâm đắc thiết tha cho thế hệ trẻ hơn nữa sau này.
TRẦN VĂN CHÁNH
Tháng 8-2003