Cách đây khá lâu, dân làng Phan thấy Trường "hấp", gã trai không cha, không mẹ, không họ hàng, dẫn một người đàn bà từ mạn Trại Cau về. Người đàn bà này cả ngày không nói một câu, cũng chẳng ra khỏi nhà.Ban ngày, Trường "hấp" đem dao, cuốc lên đồi hùng hục phát cây cỏ, chẳng cả nghỉ ăn trưa. Đêm, trong căn lều tồi tàn đến mức sắp ụp xuống, người ta thấy bóng hai vợ chồng thấp thoáng diễu qua diễu lại bên cửa sổ méo xệch. Dân làng Phan xì xào bàn tán về lai lịch người vợ của Trường hấp. Họ đoán non đoán già đủ mọi thứ. Có người bảo thị là người dân tộc, kẻ khác khẳng định thị vốn có dòng họ quý tộc từng nổi lên làm giặc, sau bị thất tán. Cụ Cung rỗ, người cao tuổi nhưng háu ăn, ham gái nhất, oang oang tuyên bố vợ Trường hấp là cháu nhiều đời của Liêm Quận công, một tướng chết trận trong cuộc loạn Thái Nguyên thời Giáp Ngọ. Tất nhiên đó chỉ là giả thuyết, không ai dám chắc rằng mình là người biết gốc tích người đàn bà kia. Vả lại vợ Trường hấp cũng chẳng giao tiếp gặp gỡ người nào trong làng cả. Thi thoảng người ta mới thấy Trường ra chợ thị trấn mua các thức ăn vặt, có kẻ hỏi, chỉ cúi đầu, cắn môi cười ngượng nghịu. Bản tính hắn thế, cái gì cũng chỉ cười, nụ cười có duyên như con gái gặp đám trai lơ. Được hơn năm, vợ chồng Trường hấp giầu lên đột ngột, chúng thuê thợ xây nhà, đào ao, bạt đi một nửa quả đồi làm vườn cây ăn quả. Trường hấp liên tục đi mua sắm các thứ, cả máy cole phát điện lẫn đài và xe đạp. Cánh thợ đào ao hùng hục làm ba tuần mới xong. Cái ao to, rộng, vuông vức nằm bên trái nhà, có một rãnh nhỏ thông ra sông Linh Nham, ngay sát chân cầu. Khi đám thợ đi được bốn năm tháng, người ta phát hiện vợ Trường hấp có chửa. Nhiều kẻ ác miệng bảo nhau, con của những thằng thợ đấu, không phải của Trường hấp. Đấy là những kẻ ghen ăn tức ở vì thấy vợ chồng Trường hấp giầu lên không rõ nguyên nhân. Vẫn lại cụ Cung rỗ bô bô:- Nó đào được của. Khặc! Mẹ nó chứ, không tin cứ chặt đầu tôi đi - vừa nói, cụ vừa vươn cao chiếc cổ chằng chịt gân, hai tay chém chém vào không khí để có sức thuyết phục: - Đất này ngày xưa là nơi các quan và bọn cướp giấu của mà lị.Đa số đều tin lời cụ cố Cung, vì họ xét thấy chẳng còn nguyên nhân nào khác nữa. Chỉ có mụ Sinh lùn chống lại giả thuyết đó, cũng như mụ khẳng định rằng vợ Trường hấp tự dưng có chửa, mặc dù không ngủ với thằng đàn ông nào.- Bởi vì nó lưỡng tính.Mụ Sinh lùn chống đôi tay hộ pháp lên hông, hất mặt nhìn mọi người với vẻ đắc thắng. Mụ là người biết nhiều chuyện ở làng, mới tám tuổi đã nổi tiếng là con bé hay đưa chuyện. Mụ từng bị chồng là lão Bính chột đánh thừa sống thiếu chết không biết bao lần vì cái tội xoen xoét đó mà vẫn không chừa được.- Chẳng có gì vui vẻ cả, ngoài cái chuyện ấy!Mụ Sinh lùn nói với chồng sau mỗi lần bị đòn. Câu “chuyện ấy” được hiểu theo nghĩa là ngồi lê mách lẻo hay thói gió trăng của mụ? Vốn hám hơi đàn ông, hễ thấy ai vừa mắt mình là mụ Sinh cứ lăn xả vào bằng được, bất chấp mọi phản kháng, mọi lời ong tiếng ve. Mấy bà trong làng có chồng lực lưỡng, sức vóc đôi chút hễ trông thấy mụ vội vàng ấn giúi chồng vào chỗ khuất để khỏi bị nhìn thấy. Cánh đàn ông có vợ lãnh cảm nhìn nhau nháy máy, sung sướng ra mặt khi gặp mụ. Cũng cần nói thêm, mụ Sinh có thói quen ra sông Linh Nham tắm bất kể đông hay hè. Mụ cứ nồng nỗng vốc nước vã lên người, coi thiên hạ như bị mù tất cả. Chính vì thói quen đó đã dẫn đến tình cảnh cụ cố Cung bị gẫy mất hai cái răng cửa trước khi tự nó rụng. Cụ cố Cung tưởng mụ dễ ăn, lân la ra bờ sông. Lúc đầu còn thều thào đứng trên bờ gạ gẫm, sau mò xuống tận nơi, thò tay bóp vú. Không thấy mụ Sinh phản ứng, thế là cơn hứng già chơi trống bỏi nổi lên, cụ cố Cung bèn quỳ ngập đầu gối xuống nước, định vục mặt vào chỗ ấy của mụ. Chỉ chờ có thế, mụ Sinh co chân giáng cả cái gót to tổ bố vào mồm cụ. Từ hôm ấy hễ thoáng thấy bóng dáng mụ Sinh ở đâu, cụ cố Cung lại đưa tay lên sờ chỗ răng khuyết, lầm bẩm gì đó rồi lảng ra chỗ khác.Trường hấp không phản ứng trước những lời đồn đại xung quanh. Trái lại, hắn còn phởn chí, cuốc bộ ra chợ mua hẳn một cút rượu và nửa cái đùi chó về. Hai vợ chồng hắn trải chiếu ra sân, mở nhạc cùng nhau ăn uống. Bây giờ dân làng mới biết con vợ kia uống rượu cũng không phải loại xoàng. Bà Châu Cải, người hàng xóm quắt queo như củ gừng phơi khô, phải rên lên:- Giời ơi, các bác không biết chứ, chúng nó uống ghê lắm. Chồng làm một hớp, vợ cũng một hớp. Chồng gặm một miếng, vợ cũng một miếng. Mà cái con thổ tả ấy nó còn ngồi khoanh chân bằng tròn và rung đùi gật gù nữa mới khiếp!Vợ chồng Trường hấp ngồi với nhau như hai thằng bạn chí cốt. Mỗi lần uống rượu, mặt hai vợ chồng đỏ lựng lên, đồng bóng, cứ nhìn nhau tình tứ rồi lại cắm cúi ăn tiếp.Ngày mùng 7 tháng 6 giờ Dậu, dân làng thấy trong đáy ao nhà Trường hấp bốc lên một cột khí trắng hình con rắn.Ngày 9 tháng đó, phía Tây có đám mây màu đỏ xuất hiện, hình dáng không khác gì người đàn ông cụt đầu, tay cầm dao quắm.Tháng 11, vợ Trường hấp ốm, nằm liệt giường.Lão Bồi còng đi chơi đêm về, qua nhà vợ chồng Trường hấp, tiện chân đứng đái ngay cổng, nghe có tiếng rên ẹ ẹ rồi tiếng trẻ khóc. Không kịp cài cúc quần, lão vội vàng sấn lại, vạch hàng rào nhìn vào. Đột nhiên lão rú lên, ôm đầu chạy bán sống bán chết. Sớm hôm sau, lão kể với mọi người thấy vợ Trường hấp ôm một đứa trẻ đỏ hỏn, không tã lót gì, đứng giữa sân nhà. Mắt thị xanh lè, tóc xoã sượi, da mặt xám ngoét. Lưng còng sát đất, lão Bồi khum khum tay che mặt, thẽo thợt:- Nó cười, eo ơi, trông như một con ma, các bác ạ!- Thì vốn dĩ nó là thế, còn như với nhiếc gì nữa!Mụ Sinh lùn khẳng định, liền bị lão chồng giáng cho một cú bạt tai, người chúi về phía trước. Đi đâu, gặp ai, dù đang úp mặt vào gốc cây đái, lão Bồi cũng gọi lại để kể về tiếng kêu è ẹ và khuôn mặt ma quỷ của vợ Trường hấp. Đúng là vợ hắn đẻ thật, đêm nào đứa trẻ cũng khóc váng cả làng.- Nó cho bú bằng cái gì nhỉ?Cô Nguyệt góa hỏi bâng quơ rồi phá lên cười một mình. Vợ Trường hấp ngực phẳng lì, mông thẳng đuỗn, loại ấy nuôi con rất khó. Thế mà trái với điều mong muốn, chờ đợi của mọi người, thằng bé lớn như thổi. Vợ chồng Trường hấp đặt tên con là Liêm. Lê Liêm.Năm thằng Liêm lên hai tuổi làng bị hỏa hoạn. Chẳng biết lửa từ đâu cháy lém qua cánh rừng thốc vào làng từ phía sau. Vụ hỏa hoạn chưa thu dọn xong, dân làng thấy đồn lên thị trấn Chùa Hang có con thú lạ xuất hiện. Ba ngày sau nhà cụ cố Cung có những vết chân thú rất lạ, bốn móng in hằn lên mặt đá lát sân. Cô Nguyệt goá lập miếu khấn vái xì xụp cả ngày.Trường hấp quý con như vàng, chăm sóc, lo toan cho thằng bé từ xô nước nóng để tắm đến những bộ quần áo loè loẹt, bé xíu mua tận chợ tỉnh. Được năm tuổi, thằng Liêm đi thơ thẩn khắp làng, gặp ai, nhất là đám đàn bà con gái, nó cũng giương đôi mắt một mí lên nhìn vẻ vừa thông minh, láu lỉnh, vừa dâm đãng. Mụ Sinh lùn ca ngợi cái nhìn của thằng Liêm hết lời:- Giá lão già nhà tôi có đôi mắt như nó, cuộc đời có phải khác đi không!Rồi mụ buông tiếng thở dài rủa chồng:- Đồ chó thiến.Lớn thêm chút nữa, thằng Liêm vào thị trấn chơi những hôm phiên chợ. Mùa thu, dịp nó đi học vỡ lòng, tự nhiên sét đánh cháy một nửa cầu Linh Nham. Chiếc cầu này có từ thời Pháp, toàn bộ bằng những thanh sắt to, dày bản ghép lại. Thằng Liêm lên cấp hai, người vạm vỡ hẳn. Dáng hơi gù, trán ngắn trằn, tóc cứng, mắt nó xếch ngược với đôi mày đen mượt, rậm rì như một gã trung niên. Đến giữa cấp ba, chân thằng Liêm to bè, bố mẹ tìm khắp thị trấn mà không được đôi dép nào vừa chân nó. Gần cuối cấp, Liêm bị đuổi học vì tội dốt và hay rình bóp vú những cô giáo trẻ. Vợ chồng Trường hấp bắt nó ở nhà trông nom vườn cây và giữ ao cá vì hay có kẻ câu trộm. Đặc biệt là lũ con mụ Sinh lùn, chúng nhanh nhẹn, nhỏ thó, chỗ nào cũng luồn lách vào được.Tháng 8 ngày mùng 10, làng bị mưa tơi bời. Mưa suốt ngày suốt đêm, bốn phía chỉ thấy một màu trắng. Nước thượng nguồn đổ về réo như đàn trâu điên. Rạng sáng ngày 12, mưa tạnh. Đang trưa, tự dưng dòi đất bồi dưới chân cầu Linh Nham nứt toác, sâu thẳm, không ai dám đến gầy. Từ kẽ nứt đó có tiếng vọng lên ầm ì như sấm.Liêm tròn mười chín tuổi bỏ nhà ra thị trấn. Hơn tuần sau hắn mò về cùng một lũ bạn sàn sàn tuổi, cả trai lẫn gái, trông đứa nào cũng nhếch nhác, bẩn thỉu. Đám con trai chân đất, đầu trọc lốc, bọn con gái khoác lên người toàn thứ vá víu, chằng đụp. Chúng đem rượu ra sân uống tới sáng mới lếch thếch tản. Trường hấp hộc lên một tiếng, vung thanh củi quật như trời giáng vào lưng thằng con cầu tự:- Đồ chó dái, tao sẽ chôn sống mày.Lão gầm gừ, mặt đỏ găng, bọt sùi trắng hai bên mép như người trúng dại. Lần đầu tiên trong đời người ta thấy Trường hấp nổi cáu. Không khí trong gia đình trở nên căng thẳng, chốc chốc lại bùng lên những cơn va chạm dữ dội. Liêm lầm lì hẳn, mặt lúc nào cũng sẵn sàng gây gổ. Một buổi sáng, sau khi Liêm trốn ra thị trấn chơi hai ngày trở về, người làng nghe tiếng đập vỡ loảng xoảng, lúc sau thấy Trường hấp lạch bạch lao ra hiên nhà, tóc dựng ngược lên. Lão chỉ thẳng vào mặt con trai, hét lạc cả giọng:- Thằng động đực, đồ chết đâm chết dầm, ông sẽ cho mày biết tay. Ông sẽ lấy cho mày một con vợ nửa điên nửa dại xem mày có bỏ được cái thói đòi của nữa hay không.Lão vớ bừa chiếc đôn sứ cạnh lan can cửa, đập đánh choang xuống sân. Liêm lừ lừ cầm cuộn dây cước bỏ ra ao cá. Và lão Trường lấy vợ cho con trai thật. Cùng thời gian đó, quả đồi sau nhà lão có con chim đen to bằng con gà tây đến ở. Con chim chiều nào cũng lượn những vòng ngoằn ngoèo hình số tám. Liêm lấy vợ thì mẹ mắc bệnh kiết lị, nằm liệt giường. Trước khi chết, mụ vợ Trường hấp cho gọi con trai vào thều thào điều gì đó rồi nghẹo đầu, mắt trợn ngược, thân hình còm cõi co rúm lại. Bố con lão Trường chôn bà ta trên đỉnh đồi sau nhà. Riêng việc chọn địa thế đào huyệt, bố con lão phải ngắm đi ngắm lại hàng ngày trời sao cho mộ nằm đúng tâm chóp đồi. Lão Trường xây mộ có mái che xong, nhường quyền cai quản cho vợ chồng Liêm. Vợ Liêm tốt tính, ả ít nói, hay làm, đặc biệt chưa bao giờ hàng xóm thấy cãi lại bố chồng cũng như chồng một câu nào. Ả vốn là dân Thái Bình lên thị trấn làm thuê cho hiệu phở lão Lịch. Người ả to, cao, tóc mượt, phải cái răng vổ cả hàm, trông lúc nào cũng như cười. Hai vợ chồng Liêm ăn ở với nhau được ba đứa con, hai trai một gái. Thằng con đầu lấy tên là Can, sau đó đến Hải, cô con gái út mang tên kiều diễm là Lê Loan. Can tính cục cằn thô lỗ, từ bé đã có ý thức cương quyết không cần biết chữ. Cậu ta không đến trường mặc dù ông bố vừa van nài, vừa đe nẹt. Năm mười bốn tuổi, Can chết đuối ở đoạn sông ngay trước cửa nhà. Cụ Trường nghiến răng bắt vợ chồng Liêm chôn đứa cháu cả cạnh mộ bà, chếch xuống dưới một chút. Cũng từ hôm đó cụ quỵ xuống trông thấy, người hốc hác, tóc bạc trắng. Rồi cụ đổ bệnh thổ huyết, nằm bẹp dí trong góc nhà do vợ chồng Liêm mới cơi nới thêm, cạnh mép ao. Được một dạo tự dưng người cụ khỏe lại, ăn như hùm, mỗi bữa đả đến năm sáu bát, chưa kể đến những thứ ăn vặt khác. Cụ Trường hấp quý đứa cháu gái hơn cả vì nó chịu khó ngồi nghe cụ kể, và nó hay dành những thứ ăn được cho cụ.Mùa đông, tháng 11 ngày mùng 9 giờ Tý, cả làng Phan giật mình vì tiếng hổ gầm ngay cánh rừng bên cạnh. Ngày 23, sao chổi xuất hiện phía Tây, trông như dải lụa trắng.Ngày 13 tháng 12, động đất, thú trong rừng chạy nháo vào làng, có con hổ trắng to bằng con trâu mộng. Nước sông Linh Nham nóng rẫy, cá và ba ba chết dạt trắng hai bên bờ.Thời gian đi vù vù như gió.Thằng Hải học hết cấp hai, cấp ba rồi bỏ không thi đại học. Cái Loan bắt đầu thi chuyển cấp, trông nó ra dáng đứa con gái vào tuổi dậy thì. Vợ chồng lão Liêm mỗi ngày một già đi, một đăm chiêu hơn. Cụ Trường chưa phút nào cảm thấy mình sắp chết, trái lại cứ mong ngóng chiều thứ bẩy đứa cháu gái từ thị trấn về để cụ còn kể chuyện những người mình đã biết. Cụ kể không bao giờ hết chuyện. Nào mụ Sinh lùn chết ra sao, lão Công bị cây đè thế nào. Cả chuyện cố Cung bị gẫy hai cái răng cửa và những cú tát trời giáng lão Bính chột dành riêng cho vợ.Gia sản nhà vợ chồng Liêm không hề suy chuyển, đôi khi còn tăng lên đột ngột. Câu hỏi về nguồn gốc kinh tế nhà lão vẫn là một bí ẩn trong làng, nó được truyền qua những người già cả trở thành sự tò mò của lớp trẻ.Vô thanh IKhông khí ảm đạm và lưu cữu. Hoàng hôn trung du bao giờ cũng rề rà, mỏi mệt. Những quả đồi chầm chậm lùi lại, chầm chậm xuất hiện. Đôi chỗ, chè hoang mọc xanh đậm lên tận chóp đồi. Hương chè nhả ra chát đặc.Ông quan sát hai người thanh niên đối diện với mình. Họ tựa vai vào thành gỗ cáu bẩn, vẻ mệt mỏi hiện rõ trên khuôn mặt phủ bụi. Người thứ nhất có thân hình lực lưỡng, mái tóc húi cua cứng queo và đôi mày xếch chạy thành hai vệt đen bằng ngón chân cái. Người này mặc chiếc áo đen, cáu ghét, nứt nẻ, đôi giầy ba ta rách mõm của anh ta phả ra mùi hôi nồng nặc. Người thứ hai có vẻ trẻ hơn, chiếc quần thụng như váy đàn bà bị gió tạt chéo hằn lên cặp đùi ống sậy dài ngoẵng. Anh ta đeo kính cận, tóc xòa xuống che nửa vầng trán rộng mốc thếch.- Vắt diệt!Gã đánh xe ho khan, vung chiếc roi tre quất vào mông con trâu già cụt sừng. Cả người gã in bật trên nền trời tím nhạt pha chút xanh xám.Ông so vạt cổ áo, lơ đãng nhìn ra ngoài. Con tàu vẫn sóng đôi với tầm nhìn của ông mặc dù nó luôn có vẻ cố gắng bứt lên phía trước. Những vệt khói của con tàu hất về đằng sau như mớ tóc trắng khổng lồ. Ông không nghe thấy tiếng máy tựa hồ như nó đang chạy trên màn ảnh câm.Lộc cộc. Lộc cộc.Chiếc xe nhẫn nại chuyển động, đôi lúc nó nẩy lên rồi tụt xuống một chiếc ổ gà. Thành xe vặn ken két. Mùi da trâu nồng nặc. Ông thò tay vào túi áo đại cán, mân mê chiếc thìa nhôm. Dưới chân ông, mấy củ sắn nằm lăn lóc, lạo xạo đất cát.- Ngủ chiều khác gì đi đái trong mơ!Gã đánh xe quay lại nhìn hai thanh niên, nhếch môi buông một câu. Ông rùng mình, toàn thân run lên, sống lưng lành lạnh như rắn bò. Ông nhìn chằm chằm vào khuôn mặt xoay nghiêng của gã. Một khuôn mặt trì độn, lưu cữu rất khó đoán tuổi. Cách đây lâu lắm rồi, ông nghe một câu như vậy ngay trên chuyến xe như thế này. Ngày đó xe cũng có ba người, ba bố con ông, chỉ có điều ông và em gái thay chỗ hai thanh niên kia, còn bố ông ngồi đúng chỗ ông bây giờ. Bố ông cũng mặc chiếc áo đại cán bạc phếch.- Mình đã bỏ lại cây trẩu sau lưng.Em gái ông lúc đó đã bảo vậy. Nó ngoái cổ về phía sau như níu lại cây chẩu. Còn ông, chú bé vạm vỡ chỉ hầm hừ và nghiêm mặt như người lớn thực thụ. “Mình đã bỏ lại cây trẩu sau lưng”. Em gái ông nhắc lại lần nữa nhưng không ai tỏ thái độ gì. Khuôn mặt bố ông lênh đênh trôi về một xứ sở nào đó, thi thoảng cụ lại ho khan. Gã đánh xe luôn khịt mũi. Con trâu lì lợm thả từng bước một, chiếc dây thừng ở mũi nó kéo lệt sệt trên mặt đường lổn nhổn đá. Nó đã quen đường, không những thế bây giờ nghĩ lại ông còn thấy nó có vẻ thân thuộc với đoạn đường này. Bố ông bảo có lẽ phải nghỉ một chút, đường còn xa. Ông không trả lời, em gái ông cũng vậy. Nó lục trong chiếc làn nhỏ ra một cuốn sổ và loạt xoạt giở. Gã đánh xe không thèm quay đầu, buông một câu:- Ngủ chiều khác gì đi đái trong mơ!Âm sắc hầu như không thay đổi chút nào. Nhưng ngần ấy thời gian chả lẽ gã không già đi ư? Hay đây là con của gã? Mấy chục năm trôi qua. Ông vò mái tóc bạc trắng, mọi ý nghĩ rối tung lên. Hai thanh niên dựa vào thành xe nghẹo đầu lơ mơ, mồm người trẻ chóp chép, còn người to đen lại há hốc như nuốt không khí. Ông toan hỏi điều gì đó nhưng cổ họng đắng nghoét tay lại run run mân mê chiếc thìa. Những ngón tay nóng rực cựa quậy.Bố ông không ngủ, cụ thở khò khè, đăm đăm nhìn qua vai hai anh em ông. Gã đánh xe chồm người ra phía trước. Đoạn lưng gù của gã trông như cái mả cổ xưa.- Đố anh con gì kia?Em gái ông lại nhướn cổ, háo hức hỏi, tay chỉ vào bụi lau ven đường.- Dẽ giun!Ông bĩu môi trả lời. Mặt nó xịu xuống.- Em sẽ học cách câm.Nó buông một câu dỗi. Ông khinh bỉ quay ra phía khác. Ông không thèm chấp vặt lũ con gái. Bố ông cực quậy, lục túi lấy thêm chiếc áo khoác cũ khoác lên người. Gã đánh xe khịt mũi:- Có mùi thuốc súng lẫn cồn i ốt.- Phải, tôi là lính. Bố ông thản nhiên trả lời:- Hai chục năm rồi còn gì.Câu cuối, cụ lẩm bẩm như nói một mình.- ít quá chăng?Gã đánh xe cười khẩy. Ông không chịu nổi nụ cười đó. Nó có vẻ hắc ám và nhẫn tâm.- Cũng chẳng biết. Bố lại ho: - Con người phần lớn là đi…Im lặng. Bánh xe chần lên đá cục lục. Hoàng hôn buông trùng trùng xung quanh. Ông nhìn trời sau những đỉnh đồi và thấy một màu ảm đạm. Em gái vẫn giở sổ loạt xoạt. Mắt nó dướn lên tìm kiếm, môi trễ xuống, thở động đậy.Hai thanh niên choàng mắt từ lúc nào, người gầy gò chỉ cho bạn về phía Tây. Tay anh ta bíu chặt thành xe với thái độ sung sướng như vừa phát hiện ra một chân lý. Nhìn theo tay anh ta, lòng ông rộn lên. Cây trẩu ấy vẫn như cũ. Thân nó chắc lẳn, bình nhiên tạc vào hoàng hôn những chiếc cành đối xứng, khỏe khoắn. Cây trẩu mang trên mình một màu xanh tự tin.- Dễ đến trăm năm đấy nhỉ?Người gầy gò nói nhỏ, mắt anh ta thoáng mơ màng.- Hừ, chỉ bốn ngày là hết cứt!Thanh niên to cao đáp lời bạn. Gã đánh xe vung cây roi vào không khí:- Vắt diệt!Lọc cọc… lọc cọc.Chiếc xe vẫn trồi lên sụt xuống. Ông căng mắt cố bám lấy hình ảnh cây trẩu, tai đón đợi một lời xa xưa nào vẳng đến. Một lời tiếc rẻ của em gái ông. Cây trẩu lùi dần, lùi dần. Lúc đó ông bấu vai em gái, toan chỉ cho nó dãy đồi mang hình cô gái khỏa thân nằm ngửa nhưng nó vùng vằng, mắt lạnh lẽo cụp xuống trang sổ. Ông hé mắt nhìn. Cuốn sổ không có lấy một dòng chữ. Tất cả các trang đều trắng tinh. Em gái vẫn cắm mặt vào đấy với độ chăm chú cao. “Trí thức rởm!” - Ông thoáng bực bội. Hình như đã thỏa mãn với sự trả thù, hình như biết ông sắp cáu, nó ngước mắt nhìn, khúc khích cười rồi lại chăm chú đọc. Lát sau nó thở dài, buông một câu bâng quơ như đọc ra từ cuốn sổ:- Những cặp môi xanh xao!Ông chẳng hiểu gì, nhưng mặt nó nghiêm trang đến mức ông nghi ngờ chính mình. Bố tự nhiên chồm ra phía gã đánh xe hỏi xem đã hết mùi thuốc súng và mùi cồn chưa. Gã đáp cộc cằn:- Mùi của đêm!- Con khỉ! Bố gắt khẽ, rất khẽ.Em gái ông bật cười. Nó suốt đời không thể học câm được. Ông nheo mắt, lục cuộn chỉ và cây kim đưa cho nó. Con bé tái mặt, tay run run rờ môi. Thoáng đó qua nhanh và tất cả bừng tỉnh bằng tiếng cười như phá ra của ông. Ông cười thốc tháo, chẳng biết vì sao nữa. Bố lắc đầu. Gã đánh xe quay phắt lại:- Nấm dại rồi!Em gái ông ngửa cổ, rồi đột nhiên nó khóc. Tiếng cười của ông bị dập tắt.- Nín đi con!Bố ông buồn rầu vuốt ve tóc nó. Bàn tay sần sùi cụt ba ngón chậm chạp lướt từ đỉnh đầu xuống vai con bé.- Con thích về.Em gái ông nói trong nước mắt. Bố lại lắc đầu, trán co rúm, chằng chịt rãnh:- Mình đang về con ạ.