- Mấy năm gần đây, một số du ký và bài báo của Phạm Quỳnh (1892-1945) đã được in lại trong các cuốn sách như Mười ngày ở Huế, Luận giải văn học và triết học. Lần này, chúng tôi xin phép được giới thiệu một khía cạnh khác của ngòi bút tác giả, những trang nhật ký ông viết khi đi Pháp 1922 và được in trong Nam phong, từ số 58, tháng 4/1922, tới số 100, 10-11/1925. Việc giới thiệu Pháp du... là nằm trong chương trình của bộ sách Đi Tàu đi Tây mà Nxb. Hội Nhà văn đã cho in tập đầu vào năm 2002 (bao gồm Đi Tây của Nhất Linh, Một chuyến đi của Nguyễn Tuân và Tôi thầu khoán hay là ba tháng ở Trung Hoa của Lê Văn Trương).
- Sinh thời tác giả, cuốn nhật ký này chỉ mới in báo và chưa hề được in thành sách. Việc hình thành bản thảo có phần đóng góp công sức của nhiều người mà trước tiên là những người trong gia đình tác giả. Đại diện của gia đình cũng đã đồng ý để chúng tôi lược bỏ một số đoạn trong văn bản xét ra thấy không cần thiết trong hoàn cảnh hiện nay.
- In lại một cuốn sách đã viết từ khoảng tám chục năm trước, một điều cần kíp là phải có được một bản chú giải tường tận để giúp người đọc tiếp cận một cách chính xác và đầy đủ những điều tác giả đã viết. Song đó là một công việc quá lớn, bước đầu người biên soạn chỉ cố gắng tra cứu để giải nghĩa những chỗ khác nhau trong việc vận dụng ngôn ngữ, nhất là những chữ Hán mà con người đầu thế kỷ quen dùng một cách tự nhiên nhưng ngày nay đã trở nên xa lạ. Chỗ dựa chắc chắn của chúng tôi trong việc này là những bộ Từ điển Hán - Việt của Đào Duy Anh, Thiều Chửu... Có một số trường hợp chúng tôi phải trở lại với cả Huỳnh Tịnh Của. Trình độ của người chú giải có hạn, cuốn sách chắc không tránh khỏi thiếu sót, rất mong bạn đọc góp cho chúng tôi những ý kiến cần thiết.
Vương Trí Nhàn
Viết thêm cho bản đăng trên talawas Khi cuốn sách này đã được in ra ở Hà Nội thì người chú giải có tìm thêm được một tài liệu do Thanh Lãng viết trên Tạp chí Văn Học ra ở Sài Gòn số ra tháng 4-1963, có liên quan đến Pháp du hành trình nhật ký. Mặc dù đã chủ bụng không đi vào tìm hiểu và đánh giá tác phẩm mà chỉ chú giải, song được một đoạn văn quý, chúng tôi xin được phá lệ mà chép ra sau đây để bạn đọc cùng biết: “Người ta có thể từ chối giá trị nghệ thuật của các bài biên khảo của ông chứ ai mà có thể từ chối giá trị nghệ thuật của các bài tuỳ bút trong đó Phạm Quỳnh đã để chan chứa những tình cảm say sưa. Phương chi các thiên hồi ký của ông như Mười ngày ở Huế, Một tháng ở Nam Kỳ, Ba tháng ở Paris (tức là bản tóm tắt của Pháp du hành trình nhật ký - VTN chú), thì ta phải nhận là những tập hồi ký giá trị, giá trị vì những nhận xét tỉ mỉ, những nét tả linh động, nhất là ở tình cảm say sưa của một nghệ sĩ chảy tràn lan trên giấy. Phạm Quỳnh, là một nhà thơ viết văn xuôi. Có đọc các tập hồi ký ấy ta mới thấy Phạm Quỳnh không phải là xa chúng ta lắm, xa dân tộc xa quê hương đất nước như chúng ta tưởng...”