- Không biết mình có nên “yêu” trước ngày cưới hay không? Đó là một câu hỏi chung của các cô gái mới, những cô gái văn minh, đa tình, tiến trước tuổi, thời bây giờ, những cô mặc đầm và sống như gái Tây Phương. Đó là một câu hỏi được đặt ra để mà tự hỏi. Dù có tiến bộ đến đâu đi nữa, các thiếu nữ Việt Nam cũng khó có thể mở miệng ra hỏi nhau câu hỏi đó. Những cô có chồng sắp cưới, hoặc có người yêu và dự định lấy người yêu làm chồng, thường tự đặt câu hỏi trên đây. Nên hiểu “Yêu” theo cái nghĩa văn minh nhất, nghiêm trọng nhất, nồng say nhất và cũng nhiều nguy hiểm nhất, nặng hậu quả nhất của nó. Nói thêm một chút nữa “Yêu” đây – cái “Yêu” mà những cô thiếu nữ “mới” thời buổi này thắc mắc không biết có nên làm hay còn chờ là sự việc làm cho các nàng trở thành đàn bà, làm cho các nàng có thể – nếu đúng lúc – trở thành người mẹ. Không những chỉ những cô gái có chồng sắp cưới hoặc có ý định lấy người yêu làm chồng mới tự đặt câu hỏi: “Ta có nên yêu trước ngày cưới không?” mà thôi. Cả những cô gái chưa vị hôn phu đôi khi chưa có cả người yêu, cũng thường thắc mắc như vậy. LAN PHI, hai mươi mốt tuổi, cao một thước sáu mươi phân nặng năm mươi hai ký ba trăm gờ- ram, vòng ngực tám mươi nhăm, vòng bụng ba mươi bẩy, vòng mông tám mươi tám, từ đầu xương hông xuống tới gót bàn chân dài chín mươi phân, nữ sinh viên trường Đai học Châu Phong, tự đặt câu hỏi trên đây. Và nàng biết rằng không phải là người con gái duy nhất trên cái cõi đời này tự đặt câu hỏi ấy và khó trả lời vì nó. Đó là một vấn đề của tất cả những người con gái đang yêu. Những người con gái chưa có người yêu thắc mắc nhiều hơn về chuyện vấn đề làm sao có người yêu và đến bao giờ mình có người yêu. Khi có người yêu rồi, họ sẽ nghĩ ngợi như Lan Phi, trừ những cô ngu si, mù mịt, không biết suy nghĩ là gì. Giờ đây, ngồi nép vào ngực người thanh niên nàng yêu, Lan Phi nghĩ đến cô gái khác trên trái đất này đang thắc mắc như nàng, đang sống trong trường hợp của nàng, họ cần chọn một quyết định và họ không biết phải quyết định sao cho phải trong lúc họ Ở bên người yêu: trong rạp xi- nê, trên bãi biển, bên xa lộ, trong hồ bơi, hoặc trong phòng riêng, trong xe hơi, sau vét- pa, xe sô- lếch. Ngồi bên người yêu, nàng thắc mắc với một vấn đề chung của thiếu nữ toàn thế giới: - Mình nên hay không nên? Hai mươi mốt tuổi. Lan Phi tự cho nàng là một người rất trải đời, sành tâm lý và có đầy đủ “tư cách” để đối phó với cuộc đời. Và nàng tin rằng nàng đã tìm được một giải pháp hữu hiệu, đúng đắn nhất để giải quyết vấn đề cũ xưa như trái đất: vấn đề “tiền dâm, hậu thú”. Sáng nay nàng đã nói qua loa về cái giải pháp đó với Quang, người yêu của nàng, người mà nàng định cho lấy nàng làm vợ – chàng hai mươi nhăm tuổi, năm thứ tư Y Khoa cao một thước bẩy mươi tư, sáu mươi ký – trong lúc họ ngồi ăn sáng trong quán ăn nhà trường. Nhưng giờ đây, giữa một buổi hoàng hôn thật đẹp, ngồi với người yêu trên một điểm mà nàng cho là sạch nhất, nên ngồi nhất bên xa lộ: họ tìm được một đống rạ khô giữa một thửa ruộng lớn vừa được gặt, mấy cuốn sách để vương quanh họ, và nàng ngả đầu vào ngực chàng một tay chàng vòng qua mình nàng, ôm nàng. Lan Phi cảm thấy cái giải pháp của nàng hình như có nhiều điều không ổn. Trước khi cảm thấy rõ rệt là cái quyết định đó không ổn, nàng vội gỡ cánh tay Quang ra khỏi mình nàng. Đôi má đỏ bừng, tóc hơi rối và chiếc áo sơ mi hơi nhầu, trông Nàng càng quyến rũ và đẹp, và đáng yêu. Nàng giơ tay lên vuốt lại mái tóc, hít thở vài hơi dài bầu không khí dịu mát của đồng ruộng và để lấy lại tự tin và lòng tin ở giải pháp. Quang, mặt hơi tái, đôi mắt hơi lạc linh thần, cố níu người yêu lại. Chàng bất đắc dĩ mới chịu buông nàng ra. Thái độ “vạn bất đắc dĩ” của Quang thật dễ hiểu. Lan Phi là một thiếu nữ đẹp – đẹp nhất trong giới nữ sinh viên: thân hình nàng nẩy nở với những đường nét thon, tròn, cong đúng chỗ, gợi cảm, mắt to, môi hồng và đầy, hàm răng trắng, sạch, nước da trắng hồng, làn da phơn phớt lông tơ. Nàng là một thiếu nữ đang phơi phớt tuổi xuân – các cụ ta gọi là “hơ hớ” – trông phây phây như một trái mơ sắp sửa chín tới. Quang nhìn người yêu bằng một đôi mắt có thể làm một khối nước đá tan ra thành nước lỏng trong nháy mắt. Chàng nói, giọng lạc đi – “Anh muốn ôm em mãi mãi, anh muốn hôn em...” Lan Phi – nàng không phải là một tảng nước đá, cũng không phải là một chiếc máy phi- di- đe, trả lời, vai và giọng nói cùng run: - Em cũng muốn anh ôm em, muốn anh hôn em. Điều phiền là em cũng muốn như anh muốn. Quang ngửa mặt nhìn lên trời: - Trước khi gặp em, anh không biết thế nào là sống. Anh chỉ sống từ ngày anh gặp em. Nàng cười: - Bây giờ, anh bị em “chài” rồi. - Bây giờ, anh đang yêu! – Quang sửa lại – Anh đang yêu và được yêu. Cuộc đời thật đẹp. Tất cả mọi thứ điều đẹp. Cỏ cây, hoa lá, người ta... Anh không còn ngại phải học nữa. Lúc nào anh cũng nghĩ tới em. Suốt ngày. Anh nghĩ đến em từ lúc anh vừa mở mắt buổi sáng đến lúc anh nhắm mắt ngủ buổi tối – Chàng hôn nhẹ vào gáy nàng nói nhỏ – Anh muốn được chạm môi vào tóc em như thế này mãi. Anh yêu em, Lan Phi... Em đẹp quá. Anh yêu em. Nàng thở dài: - Chúng mình may mắn và sung sướng, phải không anh? Chúng mình được yêu ngay từ lúc chúng mình còn trẻ. Nàng vội vã đẩy nhẹ người yêu ra, vì những chiếc hôn của chàng đã dần dần di chuyển về phía ngực nàng. - Đừng... Em nhột... - Anh yêu em... Em à... có một chuyện làm anh bực nhất là chúng ta lãng phí thời gian và tuổi trẻ của chúng ta một cách vô ích. Chúng ta làm đám cưới đi, em. Cưới liền lập tức, ngay bây giờ. Lan Phi sợ hãi, nhích ra xa người yêu. Không phải là nàng chỉ yêu Quang mà không thích lấy chàng làm chồng. Không phải là nàng sợ làm vợ. Quang là người chồng lý tưởng của nàng. Chàng trẻ tuổi, đẹp trai, con nhà giàu học giỏi, khoẻ mạnh, lịch sự. Chàng có một nam tính rất hùng hậu. Và nàng, toàn thân nàng là Nữ Tính. Nàng quả quyết lắc đầu: - Không! Em không muốn chúng mình lấy nhau vì... thèm muốn xác thịt. Chàng khổ sở: - Nhưng chúng ta còn tình yêu. Mối tình của chúng ta còn nhiều cái đẹp khác... Nếu em đẹp... Anh muốn... muốn... yêu em... muốn... gần em có gì xấu? - Không. Em muốn lấy anh chỉ vì, Tình Yêu. Tình yêu sâu đậm, Tình Yêu chân thành, Tình Yêu trong trắng thuần túy. Tình Yêu không có gì khác ngoài Tình Yêu. Em không muốn lấy chồng vì sự thèm muốn yêu đương như... vài con bạn thân của em. Anh thử tưởng tượng coi... Khi sự thèm muốn dịu đi, như nhiệt độ trong cơ thể chúng ta hạ xuống, chúng ta còn những gì để mà chung sống với nhau? Những mơ ước không bao giờ thành, những hứa hẹn bị phản bội, những cay đắng và một lũ nhóc con. Không, em không muốn thế! - Từ ngày yêu Lan Phi và được nàng yêu. Quang đã quen chịu đựng những cuộc thuyết trình hùng hồ về Tình Yêu của nàng. Nàng đòi hỏi Tình Yêu không những phải có chữ T hoa mà thôi, cả chữ Y cũng phải là chữ hoa nét đậm và tất cả những chữ đi theo hai tiếng đó đều phải có chữ hoa dẫn đầu, đậm nét như nhau. - Chính vì không muốn như thế em mới nghĩ ra cái chương trình này – nàng nói tiếp một chương trình hoàn toàn, chúng ta sẽ chung sống với nhau trong một nhà, chúng ta sẽ ăn ở với nhau nhưng không... ngủ với nhau. Nghĩa là chúng ta ăn ở chung một nhà trong một thời gian trước khi làm đám cưới. Sống chung nhưng mà không... ngủ chung. Chỉ có cách đó chúng ta mới có thể tìm biết chắc chắn chúng ta có yêu nhau không, mối tình của chúng có lâu dài không!. - Em điên! – chàng nói thẳng không cần lựa lời – Em đòi làm một chuyện không thể nào xẩy ra được. Cảm thấy mình quá lời, chàng vội tiếp: - Anh không muốn nói là anh không theo em. Nhưng sống như vậy rồi sẽ rắc rối lắm. Rắc rối, lôi thôi hơn cả chúng ta chung sống thật sự với nhau trước khi làm đám cưới. - Vì yêu, chúng ta phải cố thử. Chàng kéo nàng đứng lên. Đứng thẳng người trên nệm rạ khô và sạch, đầu nàng chỉ đến vai chàng. Chàng cảm thấy nàng nhỏ bé và yếu đuối quá. Cùng lúc ấy, chàng lại thấy nàng có một sức mạnh tinh thần vô song, nàng muốn làm gì là làm và phải làm cho bằng được. Gần nàng, chàng vừa sung sướng, vừa bực mình. Nếu nàng không có những ý nghĩ riêng về tình yêu. Chàng biết ở đời này có nhiều con gái đẹp, yêu mà không đòi hỏi gì cả. Nhưng với những người con gái ấy, chàng có thể đưa đi ăn, đi nhẩy, làm chuyện sinh lý nhưng không muốn lấy làm vợ. Với Lan Phi thì lại khác. Chàng đi qua cánh đồng khô, bước lên phía chiếc xe Simca Sport đậu bên bờ xa lộ. - Em điên rồi. - Em không điên chút nào! - Nàng vội vã đi theo chàng gót giầy cao làm người nàng nghiêng ngả trên những gốc rạ – Chương trình của em văn minh nhất đời nữa là khác. Chúng ta sống chung với nhau để xem tính nết chúng ta có hợp nhau không. Em chỉ cần biết chắc rằng chúng ta không muốn gần nhau vì xác thịt. Vì sự đòi hỏi của xác thịt. Anh đã chấp thuận cái chương trình của em rồi mà... - Anh thấy nó vô vị và điên rồ... cũng như Cộng Sản không thể sống chung với Tự Do, chó sói không thể sống chung với cừu non, anh không thể sống chung với em mà không được... yêu em. Họ bước lên bờ xa lộ. Nàng níu lấy cánh tay chàng: - Anh đừng nuốt lời hứa. Anh nói lại với em là anh bằng lòng đi. - Anh không bằng lòng, nhưng anh vẫn làm theo ý em, vì anh yêu em. Nhưng anh cần phải nói cho em biết trước là em làm một việc ngu dại và điên khùng. Không một cặp tình nhân nào có thể sống chung với nhau trong một phòng mà không có chuyện gì xẩy ra. Đang nhanh nhẹn đi theo Quang, Lan Phi dừng lại: - Anh! Đó không phải là một tiếng gọi. Đó là một tiếng kêu, trách cứ. - Không sao! Không sao! Anh phản đối nhưng anh vẫn làm theo em. Chàng muốn nói tiếp: - “Anh chống em nhưng anh vẫn theo em. Việc làm của anh chứng tỏ anh yêu em đến là chừng nào!” Nhưng chàng không nói, hy vọng nàng hiểu. Và nàng hiểu. Trước sự hàng phục hoàn toàn và vô điều kiện ấy, nàng không còn lý do gì để giận dỗi hoặc để đòi hỏi thêm nữa, nàng bước lên: - Vấn đề nào đã thanh toán xong là cho xong – nàng nói – Đừng trở đi, trở lại nữa. Bây giờ chúng mình chỉ còn có việc tìm nhà. Quang nở một nụ cười “từng trải” và mệt mỏi: - Em lạc quan quá. Ở thành phố đông đảo dân cư này, nhà cửa người ta để cả đống ra đấy chờ em đến mướn. Chuyện mướn nhà ở cõi đời có phải là chuyện dễ đâu, có cặp vợ chồng cưới nhau đàng hoàng cả mười năm nay rồi mà vẫn chưa mướn được nhà riêng. Họ vẫn phải đi ở nhờ, mà ngày nào họ cũng đi tìm nhà. Với một nụ cười thừa hai triệu bạc tự tin, Lan Phi dơ hai bàn tay nhỏ nhắn ra ngăn người yêu; - Đừng ngại, đừng ưu tư. Chuyện ấy để em lo cho. Em sẽ tìm ra một nơi thật thuận tiện cho chúng mình thí nghiệm. Quang nhăn nhó: - Em nói dễ lắm. Người ta có thừa nhà cũng chẳng cho em mướn. Không phải là vợ chồng mà chung sống với nhau như vợ chồng, ai người ta cho mướn nhà? Người ta đâu biết là mình không ngủ... ngủ... chung giường với nhau. Chỉ còn có nước đi mướn phòng khách sạn. Mà có ở khách sạn cũng bị kiểm tục nó vào xét giấy. - Khổ lắm. Đã bảo chuyện ấy để em lo. Làm sao có nhà đàng hoàng cho anh thì thôi mà! Quang giơ hai tay lên cùng với cái nhún vai để tỏ dấu tuyệt vọng. Rồi chàng đi theo Lan Phi ngồi vào xe, đưa nàng về trường. Nàng vào trường học “cua” tối. Hai cô bạn gái của nàng – Diễm và Vân – đứng chờ nàng trên những bậc đá cửa trường. - Đôi mắt cậu có vẻ... dữ dội lắm! – Diễm nói trêu Lan Phi – Cậu đã định ngày cho chị em uống rượu chưa? - Bọn này vừa có một sáng kiến tối tân hơn vậy nhiều! Lan Phi đáp lời bạn, trong lúc cùng lên cầu thang nàng nói qua cho hai bạn nghe quyết định “sống chung một nhà mà không nằm chung một giường” của nàng với Quang. Vân rên rỉ: - Trời... trời... Quá trời... Cậu bạo gan thiệt. Nghe cậu nói tôi nổi gai ốc cùng mình đây nè! Bạo nhưng mà hay, thông minh... chịu đấy. Lan Phi là người vẫn tự nhận mình thông minh, bèn lấy làm hài lòng. - Các cậu có hiểu tôi làm cuộc thí nghiệm ấy để làm gì không. Các cậu phải công nhận đó là một cuộc thí nghiệm chứ? Để chứng minh coi tôi với hắn có yêu thương nhau thật không, hay là chỉ thèm muốn xác thịt nhau mà thôi! Diễm nhíu đôi lông mày tỏ vẻ khó hiểu: - Nhưng... nhưng làm sao mà cậu phân biệt được tâm hồn với xác thịt trong Tình Yêu? Nghĩa là phân biệt được Tình Yêu và Tình dục? Hai cái đó chúng đồng nhất? Lan Phi cứng cỏi đáp: - Tôi tin là có thể phân biệt được. Việc chứng minh giả thuyết đó cũng nằm trong phạm vi cuộc thí nghiệm này. Vân – chồng sách ôm trước ngực – vỗ nhẹ hai bàn tay vào nhau, như để hoan hô: - Hay! Hay! Để xem kết quả ra sao? Có gì lạ cho mình biết mấy bồ nhé! Lan Phi gật đầu với một vẻ quan trọng. Nàng có cái cảm giác của một nhà phi hành không gian hứa hẹn làm báo cáo thám hiểm Mặt Trăng của mình. Nàng hạ giọng: - Các cậu phải giữ bí mật chuyện này giùm tôi đấy nhé. Ông bô tôi mà biết tôi bỏ Ký Túc Xá đi “sống chung” với đàn ông thì chết đấy. Hai cụ thì khóc thét lên. Vân – người nổi tiếng là hay nhắc đi, nhắc lại những lời mình đã nói – rún vai lại như rùng mình: - Trời... Trời..., việc gì có bị cấm đoán mà mình làm được mới thú. Nhưng tôi không có can đảm làm như bồ. Chỉ nghĩ đến chuyện bồ sắp làm, tôi cũng nổi ốc cùng mình. Buổi tối hôm đó, nữ sinh viên Lan Phi và các bạn của nàng có hai giờ Công Dân. Giảng viên là một nữ giáo sư, Bà Minh Nhung. Jacqueline Trần Thị Minh Nhung. Line Nhung với những người quen thân, và Lin Em Em với những người bạn rất thân. Nữ giáo sư Minh Nhung Tiến Sĩ Triết và Xã Hội Học. Hôm nay, chương trình ghi giảng về “Vấn đề Hôn Nhân Hiện Đại”. Chương trình Công Dân tháng này được Lan Phi ưa thích nhất. Nàng ưa thích vì hai điểm. Một: vấn đề học là một vấn đề đang được nàng chú ý tới nhiều. Điều đó, như ta đã thấy, không có gì lạ. Hai: vì nữ giáo sư phụ trách là bà dì ruột của nàng, một bà dì mà nàng mến nhất trong số những bà dì của nàng. Line Em Em cũng là bà dì đẹp nhất, khả ái nhất, lịch sự nhất. Nàng mới ngoài ba mươi tuổi có một, hai năm. Nghĩa là, Nữ Giáo Sư Minh Nhung là một hình ảnh nhiều tuổi hơn, cao hơn, trưởng thành hơn của cô cháu nữ sinh viên Lan Phi. Minh Nhung là một đàn bà khao khát được sống, được yêu. Lan Phi biết chính sự khao khát và đòi hỏi nhiều ở cuộc đời ấy đã làm tan vỡ cuộc hôn nhân của dì Line với một ông cậu thật bảnh trai và trí thức. Cuộc ly dị của Line xẩy ra cách đây gần hai năm. Có điều Lan Phi không được biết là cũng chính cái ý khao khát được sống được yêu ấy đã – mới đây – xô đẩy dì Line vào một cuộc yêu đương với một người đàn ông không được trí thức lắm, nghĩa là không có bằng cấp gì cả, nhưng rất có duyên và dễ thương, và khéo chìu đàn bà. Cuộc yêu đương đó nồng nàn, thơ mộng, kín đáo nhưng luẩn quẩn không dẫn tới đâu cả, nghĩa là không dẫn tới hôn nhân. Nữ giáo sư Minh Nhung là người không thể yêu đương thầm kín, giấu giếm mãi trong phòng ngủ được. Tối nay, nàng quyết định đoạn tuyệt với mối tình đó. Dì Line hướng dẫn chương trình “Giáo dục và Hôn Nhân” trở thành những cuộc thảo luận của sinh viên về vấn đề hôn nhân hơn là một lớp giảng bài. Nàng khuyến khích các sinh viên phát biểu ý kiến. Nàng chỉ giải thích những hiểu lầm, và sau cùng “kết toán” cuộc thảo luận. Tiểu mục trong chương trình bàn đến hôm nay là “Nguyên nhân thất bại trong hôn nhân của lớp người mới”. Nói rõ ra là “Thảo luận về nguyên nhân các vụ ly dị hiện nay”. - Ly dị là một danh từ mới trong luật pháp và xã hội ta... Đứng dựa một bên chỗ để ngồi tròn và đầy đặn vào mép bàn, hai tay khoanh lại trước ngực, Nữ Giáo Sư Minh Nhung khoan thai và rõ rệt nói: - Trước đây, luật pháp do các triều đại phong kiến của ta có cho phép phá hủy các cuộc hôn nhân. Nhưng, đó chỉ là cái luật cho phép đàn ông được phép bỏ vợ nếu người vợ phạm những tội... không có con nối giỏi, bất hiếu, bất kính với bố mẹ chồng, ngoại tình... Người đàn bà trong xã hội phong kiến như các bạn đã biết, không có một chút quyền lợi công dân nào cả... Lâm, một sinh viên chăm học, không có lấy một xu lịch sự với đàn bà, nhăn nhó phản đối: - Bà lại bênh vực quyền lợi của nữ giới rồi. Chuyện ấy xưa quá rồi, có phải là lỗi của chúng tôi đâu. Sao bà không nói rằng hiện nay, phụ nữ có nhiều quyền quá. Ngoại tình là tội nặng nhất mà bi giờ đàn bà có chồng bị bắt quả tang ngoại tình còn xử... huề nữa là!... Lẽ tự nhiên, Nữ Giáo Sư Minh Nhung, với nhan sắc kiều diễm ấy, được sự cảm mến và thầm yêu của đại đa số nam sinh viên. Nhiều cậu nhau nhau lên sỉ vả anh chàng bất lịch sự vừa ngắt lời nữ giáo sư và bênh vực nữ giáo sư. Để cho cuộc thảo luận không bị xáo trộn, Minh Nhung nói ngay: - Anh Lâm nói cũng đúng. Nhưng sự thực tôi không có ý định lên tiếng để bảo vệ quyền lợi phụ nữ. Vì đúng như lời anh Lâm vừa nói phụ nữ hiện nay có nhiều quyến lợi quá rồi. Phụ nữ hiện nay chỉ cần tỏ ra xứng đáng với những quyền lợi và trách nhiệm của mình. Tôi chỉ muốn nhắc lại vài sự việc đã qua để làm sáng tỏ những việc đang xẩy ra trong hiện tại. Có thể vì ngày nay phụ nữ bình quyền với nam giới nên xã hội ta mới xẩy ra nhiều vụ ly dị chăng? Đó là phần các bạn cần nhắc và tìm hiểu, và đó cũng là mục đích của cuộc thảo luận hôm nay. Chỉ cần biết rằng vào năm 1900 xã hội ta cứ 5000 ngàn cuộc hôn nhân mới có một vụ ly dị, tới năm 1930, ta có năm vụ ly dị trong 500 cuộc hôn nhân. Tới nay những cặp vợ chồng tự ý xa nhau kể không xiết. Những cặp vợ chồng ấy, khi lấy nhau, không phải là không yêu thương nhau. Nhưng tại sao cuộc hôn nhân của họ lại tan vỡ? Các bạn cho biết nguyên do... Nhóm nữ sinh viên phát biểu ý kiến nhiều và mạnh bạo hơn phe nam. Một cô nói: - Phải chăng là ảnh hưởng của cuộc sống vật chất? Những cô khác tiếp: - Sự suy đồi của nhiều giá trị tinh thần... - Thuần phong mỹ tục trở thành một món đồ cổ... - Vì lớp người mới không tôn trọng và thấy không cần tôn trọng những gì mà lớp người cũ gọi là thuần phong mỹ tục. - Những định luật luân lý và tôn giáo không còn chỉ huy cuộc sống người đời nữa. Phe nam lên tiếng: - Vì ảnh hưởng của chiến tranh. - Những cặp vợ chồng đời này đòi hỏi quá nhiều ở cuộc đời. - Vì phụ nữ đời nay không cần phải nương tựa vào chồng mới có thể sống. - Xã hội thay đổi thái độ với những vụ ly dị. Người ta coi ly dị là một sự tai hại, nhưng cần thiết. Người phụ nữ ly dị không bị xã hội khinh bỉ, ruồng bỏ như trước. Người phụ nữ ly dị có nhiều dịp để làm lại cuộc đời - Thường thường người phụ nữ Nam Phi ly dị đều được một người chồng khá hơn người chồng cũ và sống một cuộc đời sung sướng hơn. Lan Phi phát biểu một ý kiến được mọi người chú ý. - Người đời nay quá tôn trọng cái đẹp về thể xác. Nữ giáo sư Minh Nhung hướng dẫn cuộc thảo luận như một huấn luyện viên kiêm trọng tài điều khiển một trận đá banh. - Theo tôi, chưa chắc hành động ly dị đã là một hành động thể hiện sự bất đồng ý giữa một đôi vợ chồng! Người nữ sinh viên đây là Diễm. Câu nói hơi lạ và khó hiểu. Minh Nhung quay lại hỏi Diễm: - Em nói như vậy có ý làm sao? Biết là mình vừa nói ra một ý kiến hay, Diễm cố lấy vẻ nhũn nhặn nói tiếp: - Thưa cô, em muốn nói đến hàng triệu cặp vợ chồng không yêu thương nhau, nếu không muốn nói là thù ghét nhau mà vì những lý do lợi hại nào đó, vẫn sống chung với nhau. Những cuộc sống ấy không có hạnh phúc không có cả tình vợ chồng. Với những cặp vợ chồng ly dị, ít ra họ cũng đồng ý với nhau về một điểm: họ không hợp nhau, họ không thể sống chung với nhau, họ nên xa nhau. - Chị Diễm nói rất đúng! Lan Phi nói bằng một giọng nồng nàn – nhận xét sâu sắc lắm. Từ nhiều ngày nay từ ngày yêu Quang và nghĩ đến chuyện làm vợ Quang. Lan Phi đã thắc mắc nhiều về vấn đề nầy. Nàng không muốn ly dị, nhưng cũng không muốn sống chung với một người mà sau khi cưới nàng mới biết là nàng không yêu hoặc đã hết yêu. Nàng tiếp: - Theo tôi, còn một nguyên nhân nữa làm cho các cặp vợ chồng trẻ hay ly dị là... họ lấy nhau quá sớm. Khi chưa đến tuổi trưởng thành, họ đã kết hôn, đã làm vợ, làm chồng. Khi kết hôn, họ tưởng là họ yêu nhau, nhưng đa số, họ lầm yêu thương với sự thèm muốn của thể xác. Vân – nghĩ đến cuộc “thí nghiệm sống chung” của bạn – vội vã gật đầu hai ba cái: - Tôi hiểu chị Lan Phi muốn nói gì. Những người nam nữ trẻ tuổi gần nhau... Sợ cô bạn láu táu nói lộ chuyện bí mật của mình, Lan Phi ngắt lời: - Người con gái thường bị những cảm xúc mạnh mà mất bản năng suy nghĩ. Phái nam nhao nhao lên phản đối. Lâm càu nhàu: - Các chị nói vậy có nghĩa là các chị phản đối chuyện gần nhau trước khi cưới hay sao? Nếu vậy thì người ta còn tìm hiểu nhau làm sao được nữa? Trước khi thành hôn, phải cho các đương sự có dịp gần gũi để tìm hiểu nhau chứ? Nữ giáo sư Line Em Em can thiệp: - Các bạn nên trở về với đề tài cuộc thảo luận hôm nay. Hôm nay, chúng ta tìm hiểu nguyên nhân gây ra những vụ ly dị trong xã hội hiện tại chớ không phải là bàn về những gì nên và không nên làm trước khi kết hôn. Line Em Em nghĩ đến ông chồng cũ: đẹp trai, con nhà giàu, học thức, có địa vị mà nàng đã chia ly, và nghĩ đến Hoàng người đàn ông mà nàng vừa yêu và vừa quyết định chia tay, đến mối tình mà đêm nay là đêm cuối cùng. Trong vài giây đồng hồ, nàng hoang mang không biết nàng có đủ tư cách để giảng giải với những người trẻ tuổi này về Tình Yêu, Tình vợ chồng hay không? Vì nàng thấy cuộc đời của nàng đang rắc rối vì Tình Yêu, chính nàng cũng không biết hành động sao cho khỏi “vỡ nợ”. Nhưng sự hoang mang ấy biến đi ngay. Con người giáo sư trong nàng đàn áp ngay con người đàn bà. Nàng có thừa đủ kinh nghiệm để không bị rối trí về những vấn đề riêng của mình khi dạy học. Nàng tự trấn tĩnh hoàn toàn để nói những điều nàng cần phải nói với học trò: - Khi còn ít tuổi, con người cần được yêu thương. Nhưng đã trưởng thành, con người vẫn cần được yêu nhưng còn thêm một khả năng mới: con người trưởng thành có thể yêu người mình yêu. Từ yêu, con người đi đến chịu đựng, hy sinh, tìm biết và làm thỏa mãn những gì người mình yêu, muốn có, cần có... Lan Phi nghe và thấm những lời giảng dạy của bà Dì như một miếng bông thấm nước. Càng nghe bà Dì nói, nàng càng tin rằng cái chương trình “thí nghiệm sống chung” của nàng với người nàng yêu là đúng, là nên làm, là một sáng kiến giá trị. Giờ học gần hết, giáo sư Huy Giang xuất hiện ở ngoài hành lang, ngay cạnh cửa vào phòng học có nữ giáo sư Minh Nhung đang giảng. Huy Giang là một giáo sư chưa vợ, người cao, tóc bồng, mang kiếng trắng, dạy sinh ngữ. Chàng yêu Minh Nhung từ đầu niên học ngay khi chàng từ Anh Quốc về và vào dạy tại trường. Em Em rất biết chàng yêu nàng nhưng nàng chỉ mới đáp lại bằng một mối tình bạn nặng cảm tình và ưu ái hơn tình đồng nghiệp. Tuy vậy Huy Giang vẫn còn ôm hy vọng. Đứng chờ ngoài hành lang cho đến lúc Minh Nhung nhìn ra, Huy Giang dùng tay ra hiệu cho nàng biết là chàng chờ nàng ngoài sân để xe. Nàng gật đầu rất nhẹ rồi quay lại với học trò. Giờ học hết, bộ ba Lan Phi, Diễm và Vân đi bên nhau xuống lầu. Họ ca tụng: - Bà ấy tuyệt quá. Giờ nào của bà ấy cũng hay. Mình chỉ muốn ngồi nghe bà ấy nói mãi. Vấn đề nào bà ấy cũng giải thích được hết. Ước gì mình đến lúc bằng tuổi bà ấy, cũng có nhiều kinh nghiệm như bà ấy. Lan Phi lẳng lặng bước chậm lại. Khi Diễm và Vân đã đi lẫn vào với đám sinh viên xuống từng dưới, nàng đi trở lại phòng học. Nữ giáo sư Minh Nhung đang xếp mấy cuốn sách vào chiếc cặp da. Minh Nhung ngước nhìn ra. Người vào phòng là cô cháu của nàng. Nàng mỉm cười: - Lan Phi, cháu... hôm qua nghe cháu nói cháu có thư của mẹ phải không? Có tin gì của mẹ không? - Mẹ cháu viết bảo cháu dặn dì đến kỳ lễ Pâques này dì về nghĩ với mẹ cháu. Đôi lông mày của Minh Nhung hơi nhíu lại: - Để dì viết thư cho mẹ cháu về chuyện ấy. Lan Phi ngượng nghịu: - Dì... cháu muốn hỏi dì một chuyện này: chuyện hơi khó nói... - Cháu hỏi dì với tư cách là dì cháu hay là hỏi giáo sư? - Cháu muốn hỏi như là... đàn bà hỏi nhau! Lan Phi lại do dự vài giây, sau đó, nàng tiếp: - Cháu muốn hỏi trước khi dì và dượng Tánh kết hôn, dì có “ấy” trước không dì? Minh Nhung nheo mắt: - “Ấy” là cái gì? - Dì hiểu cháu muốn gì mà! Minh Nhung gật đầu: - Dì hiểu, nhưng dì hy vọng là dì hiểu lầm. Đôi má đã hồng sẵn của Lan Phi lại càng đậm mầu: - Nếu chuyện đó có liên đến chuyện ly dị với dượng thì... thì... dì không cần phải trả lời cháu cũng được. - Dì cám ơn. - Không phải cháu tò mò bậy đâu. Dì nên hiểu cháu. Cháu cần biết. Cháu cần thật, cần có việc chớ không phải là... dì có “ấy” trước không hả dì? Minh Nhung bực dọc đóng mạnh nắp cặp da: - Cháu hỏi vô lễ lắm! Đôi mắt “hiểu biết” của Lan Phi chớp nhẹ: - Thế là dì đã trả lời cháu rồi! Minh Nhung lại càng bực: - Tôi không có trả lời cô gì hết! Lan Phi nở nụ cười thông cảm: - Cháu có kết luận gì đâu. Cháu chỉ tìm hiểu chuyện ấy vì việc riêng. Cháu cần phải nói để dì biết là cháu... “chưa” và cháu sẽ không làm chuyện ấy trước khi kết hôn. Minh Nhung đưa mắt lườm cô cháu khi hai người ra khỏi phòng: - Có ai nghi ngờ gì đâu mà Lan Phi phải minh xác. Nhiều lúc, dì thấy Lan Phi thật là khó chịu à. - Dì nên hiểu cháu. Cháu không muốn ly dị nhau như dì và dượng Tánh – Lan Phi giải thích trong lúc hai dì cháu đi xuống lầu – hoặc sống như bố mẹ cháu hiện nay. Mẹ cháu sống một mình, còn bố cháu có bà bé. Cháu muốn suy nghĩ thật chín chắn, cân nhắc thật cẩn thận trước khi kết hôn là sống với nhau suốt đời – cháu không muốn ly dị. Ra sân trường, Minh Nhung đuổi khéo cô cháu: - Lan Phi. Dì cháu mình sẽ thảo luận về chuyện ấy vào một ngày khác. Hôm nay, dì có nhiều việc cần thanh toán... Dì đi nhé... Nói xong, Minh Nhung thoăn thoắt đi về phía sân đậu xe. Lan Phi bám sát: - Bao giờ? Hôm nào thì dì có thì giờ? - Ngày mai. Chiều mai. Dì mời cháu đi ăn tối, tha hồ nói chuyện. Mai cháu có giờ học tối nào không? Nhận ra chỗ đứng của giáo sư Huy Giang – bên cạnh chiếc xe Volsquagen, một kiểu xe mà các nhà giáo chân chỉ hạt bột rất ưa chuộng – Minh Nhung nhanh nhẹn đi qua sân xi- măng. Nhưng Lan Phi vẫn theo sát gót. Huy Giang biểu diễn nụ cười chào mừng có duyên nhất của chàng. Tay chàng mở cánh cửa xe cho Minh Nhung: - Ngày mai tôi được nghỉ trọn ngày. Tôi xin hầu cô dọn nhà. Minh Nhung nhìn chàng bằng một cái nhìn nặng cảm tình hơn thường lệ, ngụ ý cảm ơn. Nàng nghiêng người ngồi vào xe, ghế trước: - Ngày mai... mất cả buổi sáng đấy. Không có gì phiền thầy chứ? Trước khi Huy Giang kịp trả lời, Lan Phi đã hỏi: - Dọn nhà? Ai dọn nhà? Dì dọn nhà? - Dì dọn nhà! Minh Nhung gật đầu – thầy Huy Giang giúp dì dọn nhà. Lan Phi nhíu mày, nét mặt khó hiểu. Trong lúc Huy Giang ngồi vào xe và mở máy, nàng hỏi: - Tại sao dì lại dọn đi? Dì ở đấy đẹp quá, đẹp nhất... - Ngày mai... Dì sẽ nói cho Lan Phi biết sau. Bai! Bai! Chiếc Volsquagen vù đi trước khi Lan Phi kịp hỏi thêm một câu. Nàng đứng đó nhìn theo chiếc xe, thắc mắc không hiểu bà dì trẻ tuổi, lãng mạn, ly dị chồng và đẹp, lẳng ngầm ấy của nàng ở mướn căn phòng đó bao nhiêu tiền. Và không biết là có ai đã mướn mất chỗ đó hay chưa. Ngay khi nghe bà dì dọn nhà đi nơi khác, nàng đã nghĩ rằng nếu nàng và Quang được vào ở thế chỗ ở đó thật là tuyệt diệu. Nơi đó đúng là một tổ ấm, một khung cảnh hoàn toàn thích hợp cho yêu đương lý tưởng. Lẽ tự nhiên nàng chưa biết rằng sở dĩ Minh Nhung, bà dì đẹp lẳng ngầm của nàng, phải dọn ra căn phòng đẹp ấy là vì nơi đó quá thuận lợi cho các cuộc yêu đương.