Tôi không biết chị Lụa buồn vì lẽ gì? Bị bà cụ Mít chửi cấm chị lấy chồng xa? Hay chỉ vì chị trót yêu một anh chàng đi bộ đội. Làng nào bây giờ chả có người ra trận? Nghe nói đã có người trên huyện đánh tiếng hỏi chị Lụa, nhưng chị kiên quyết không lấy. Bà cụ Mít càng giận... Bỗng chị Lụa bật khóc ngay trước mặt tôi. Rồi chị đứng dậy đi lên bờ đê... Tấm áo cánh nâu, chiếc quần thâm bó chặt lấy cơ thể phổng phao, cái bụng đã hơi căng đầy của người con gái... - “... Mỗi trạm từ 20 đến 25 kilômét một ngày. Tiền công hai đồng bốn hào. Ngoài ra các cháu còn được cấp 5 lạng gạo... Anh Cấp - cán bộ của trạm sẽ chỉ huy cả toán. Mọi công việc hàng ngày, chuyện gì không biết các cháu cứ hỏi anh Cấp...”. Ông trạm trưởng trạm tư liệu nông nghiệp, một người đã ngót nghét tuổi 60. Da sạm đen, tóc bạc trắng như cước. Ông đang nói với chúng tôi, chợt vớ lấy điếu cầy, tranh thủ nhồi thuốc lào, châm lửa. Tiếng điếu cầy khô giòn vang âm trong căn nhà cấp 4, lợp ngói, ẩm thấp. Một con cóc tía - chắc nghiện mùi thuốc lào - nhảy ra từ dưới gầm tấm phản kê ở góc nhà, đứng giương mắt nhìn không hề e sợ. Yết hầu con ếch phồng lên xẹp xuống, nó há miệng đớp những đám khói thuốc lào phả ra mù mịt trong căn nhà. Ông trưởng trạm già, chiêu một hớp nước chè, nói tiếp: “Các cậu đang nắm giữ trong tay một đống tài sản quốc gia, mất mát hư hỏng bị đền đã đành, có khi còn ngồi tù. Kỷ luật đi đường là quan trọng. Anh Cấp thay mặt cho trạm nói gì, các cháu phải nghe nấy. Cấm cãi... Được chưa nào? Đồng ý thì ký vào đây”. ... Sáu con người đang đi xin việc làm chẳng ai hé ra một lời nào. Phải là quen biết lắm mới kiếm được công việc béo bở này! Ông chìa ngay ra trước mặt chúng tôi những bản hợp đồng làm việc. Những tờ giấy đánh máy chi chít vết bẩn dấu vân tay, vết mực. Có tờ còn bị xé một dẻo phía dưới. Ý hẳn ai đó đã tiện tay dùng tạm làm đóm thuốc lào. Như một cái máy, tất cả chúng tôi đều ký vào bản hợp đồng. Một ngày 8 tiếng đi bộ, lương hai đồng tư, thêm nửa ký gạo. Hời chán. Chị gái tôi ngày hè đi xúc than từ xà lan đổ lên bến sông, gánh than vã mồ hôi, công chỉ được có một đồng hai. Mẹ tôi, bác tôi trần chăn bông, vò nan cả ngày chưa kiếm nổi một đồng. Dù tôi có phải lặn lội lên rừng, ngủ bờ rúc bụi cũng sướng. Ba tháng hè có được một chuyến đi lên rừng bằng tàu hỏa, ôtô coi ngó chim trời cá nước, sông suối. Làm gì cũng được miễn là có được vài chục đồng đã là oách rồi. Có tiền để mua sách, mua vở, bút mực không phải ngửa tay xin cha mẹ. Tự hào và kiêu hãnh lắm! Cái gọi là “tài sản quốc gia” như ông già trạm trưởng nói té ra là sáu con trâu. Mỗi người phải có trách nhiệm chăn dắt đàn trâu đưa về xuôi phục vụ cho bà con nông dân cày cấy. Đang lúc chiến tranh, máy bay Mỹ bắn phá, trâu bò vận chuyển từ miền núi về xuôi không được phép đi tàu, đi ôtô mà phải dắt bộ. Con trâu là đầu cơ nghiệp tài sản của hợp tác xã chứ còn gì? Dù hợp tác xã đã có cả chục năm nay, ở miền xuôi con trâu, cái cuốc vẫn là chủ lực cày kéo. Anh Cấp, một công nhân của trạm mới ngoài đôi mươi, trẻ khỏe có nước da rám nâu. Anh là chỗ quen biết với gia đình tôi. Chính anh gợi ý với cha mẹ tôi, cho tôi đi theo anh trong dịp hè làm kiếm tiền. Buổi chiều anh Cấp nhận người, nhận trâu và tiền bạc cho cả chuyến đi. Chúng tôi có một ngày để chăm sóc làm quen với đàn trâu rừng hung dữ vốn sống hoang dã, được mua từ các buôn bản xa đưa về. Buổi chiều, anh Cấp giao cho chúng tôi dắt từng con trâu để anh đánh số trên sừng, trên mông bằng những chiếc dùi có số đã hơ nóng trên lửa. Mỗi con trâu khi bị chiếc dùi sắt gí vào mông đều vùng chạy vì nóng. Mùi lông da trâu cháy khét. Những con số đã in hằn lên sừng, lên mông chúng như những số tù. Những người đi áp tải chăn dắt đàn trâu, anh Cấp cũng chỉ phát cho mỗi người một ngày 5 hào. Ngày nào phát tiền ngày ấy. Anh Cấp bảo vậy. Năm hào đủ để chúng tôi góp tiền mua gạo, thức ăn và tiêu vặt.