Công việc rong ruổi theo bầy trâu đi bộ tưởng nhẹ nhàng, dễ ăn hóa ra không đơn giản chút nào. Bầy trâu đi theo đàn rất chậm. Lại là giống trâu rừng, sợ người, sợ tiếng động. Lần đầu lũ trâu được quây thành đàn chưa quen nhau, chúng đánh nhau lộn bậy. Trên đường quốc lộ, chỉ cần có ôtô chạy qua, rít còi, những con trâu đã hoảng loạn chạy tứ tán. Chúng đâm bổ xuống ruộng, xuống ngòi, đạp lúa phá hoa màu... Lùa được đàn trâu trở lại hàng ngũ quả là vất vả. Phải sang ngày thứ ba, đàn trâu mới dần quen với cảnh đi bộ, không còn sợ xe ôtô, đôi khi chúng còn nghênh ngang đứng giữa đường tè vô tư, cọ sừng vào lưng nhau đùa giỡn, mặc tiếng còi xe rú như cháy nhà. Chỉ có những ngọn roi tre, mềm vút lên mông, lên cổ và tiếng nạt nộ gắt gỏng của những người áp tải bầy trâu mới chịu phục tùng, đi vào hàng ngũ. Con trâu mộng đi đầu cả đàn. Con nọ nối đuôi con kia thẳng tiến. Trên đường chỗ nào có bãi cỏ, bầy trâu được thả ra cho ăn cỏ no nê, tắm mát trong những ao đầm ven đường. Đấy là những lúc chúng tôi được nghỉ ngơi đôi chút, ngắm nhìn những làng mạc cánh đồng sau vụ gặt đang cày vỡ, chờ nước. Bầy cò đậu trắng cánh đồng đi kiếm ăn trên các thửa ruộng vắng bóng người. Không ai còn để ý tiếng máy bay phản lực đang ném bom đâu đó ở ngả Hà Nội, Hải Phòng. Tôi quen dần với những bữa cơm chỉ có rau muống luộc chấm tương, chấm nước cua vào mỗi buổi sáng, buổi chiều. Buổi trưa cả toán đi làm thuê lót dạ bằng cơm nắm chấm muối vừng. Anh Cấp, trưởng toán có vẻ quý tôi. Có thể tôi còn trẻ, lần đầu xa gia đình. Mẹ tôi gửi gắm tôi cho anh. Buổi tối đầu tiên anh ngủ chung với tôi. Quãng nửa đêm, anh gọi tôi dậy đi theo anh ra ngoài bãi thả trâu cho bày trâu ăn đêm. Anh còn bảo: “Hôm nào về tới làng Yên, anh cho em tha hồ ăn nhãn”. Làng Yên nằm bên bờ sông Đuống. Hôm ấy, bầy trâu được lùa đi từ ba giờ sáng để tránh các trọng điểm máy bay Mỹ hay ném bom và qua cầu Sông Đuống. Bốn giờ chiều, đàn trâu đã về tới bãi cỏ chân đê. Phía ngoài sông, nước trên nguồn đổ về đục ngầu, dâng cao. Những cánh ruộng đay trồng trên đất bãi ven sông ngập nước. Cỏ lên xanh. Bầy trâu được bữa ăn thỏa thích. Mới tới làng Yên được một lúc, anh Cấp đã mất hút. Anh bảo phải đi trình báo với xã, với thôn. Đi liên hệ mua rơm và lo nơi ăn chốn ngủ. Chúng tôi sẽ dừng lại ở làng Yên thêm một ngày cho bầy trâu lại sức trước khi về xuôi. Đâu quãng sẩm tối, anh Cấp mới về. Đi theo anh còn có một cô gái trẻ, gánh theo gánh cỏ mật. Anh Cấp chỉ nói gọn lỏn: “Đây là cô Lụa, con cụ Mít bán nước ở cửa đình. Gia đình cụ Mít là cơ sở của trạm nông nghiệp. Bữa chiều các cậu khỏi phải lo cơm nước. Tối nay xã có chiếu phim, cho phép các cậu nghỉ ngơi, đi xem phim”. Chị Lụa còn trẻ quãng mười tám, đôi mươi, gương mặt xinh xắn. Chị dỡ gánh cỏ lấy ra một rổ nhãn đãi chúng tôi. Bầy trâu ăn no, tắm mát, bụng căng tròn. Mỗi con được cột vào một gốc tre; con nằm, con đứng thảnh thơi, nhai cỏ. Bữa cơm chiều có canh cua đồng, cà bát muối và tép kho. Ăn xong, tôi không đi xem phim mà ra chân đê hóng mát. Bầy trâu phơi mình dưới ánh trăng chiếu hắt vào từ hướng ngoài sông. Làng quê thanh bình yên ả. Vọng lên tiếng sáo diều từ một nơi nào đó phía trong làng. Rặng nhãn dọc theo bờ đê quả sai trĩu cành. Tôi tìm đến một chân đống rơm cao ngất ngưởng nằm tựa vào bờ cỏ nhìn lên bầu trời dày đặc một dàn sao. Ngọn gió mát từ mặt sông đưa lên, tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Có thể là gió lạnh làm cho tôi tỉnh giấc. Vẫn tiếng sáo diều vút lên trong vắt. Giữa đêm khuya thanh vắng càng lảnh lót vang ngân. Ỳ oạp tiếng ếch kêu phía đầm sen. Và giọng nói thì thào như gió thoảng ở ngay sát nơi tôi nằm... “Anh có yêu em thật không?”. Giọng nam thở gấp: “Lại chả thật. Mùa thu tới, thầy u anh sẽ mang lễ lên đây ăn hỏi em. Hai ta sẽ thành vợ, thành chồng”. Giọng nữ khẽ khàng: “Thật chứ? Anh có dám thề không?”. “Thề thì thề, sợ gì! Nhưng ngộ nhỡ anh đi bộ đội thì sao?”. “Lâu mấy em cũng chờ...”. Tôi nằm dán xuống cỏ. Nín thở, nhưng nghe rõ tim mình đập loạn. Anh Cấp và chị Lụa. Giọng nói của họ chớ có sai. Hèn chi anh Cấp mấy ngày nay nóng ruột, chỉ mong bầy trâu về đến làng Yên. Tôi nằm ở phía bên này đống rơm. Anh chị ở phía bên kia đống rơm. Có thể họ không biết tôi ngủ quên ở đây. Hoặc giả anh Cấp có biết tôi đang ngủ, cũng coi tôi là con nít. Mười lăm tuổi con nít chớ còn gì? Một lúc lâu sau, nghe tiếng hai người vật lộn, không đừng được tôi trườn nhẹ, ghếch đầu he hé mắt nhìn. Chỉ thấy tấm lưng trần của anh Cấp và tấm thân trắng lốp của chị Lụa nhập nhòa trong khoảng tối của tán lá nhãn đung đưa. Tôi tự cắn vào tay mình để khỏi hét lên. Tôi nhắm mắt lại, bịt tai để khỏi nghe thấy những câu đối đáp của họ, xen lẫn tiếng thở gấp. Chỉ đến khi, tiếng mõ khua lốc cốc của mấy người du kích đi tuần canh trên đê, đôi trai gái yêu nhau mới rời khỏi chân đống rơm đi lại phía đàn trâu cho chúng ăn cỏ