Hú ba hồn mi Trí trọp Hú ba hồn mi Hóp má Hú ba hồn mi Đặng xá Hú ba hồn mi Liêm caoSáng nào cũng vậy, mụ ngửa mặt ra hướng đông hú hồn bốn đứa con. Con gái đầu kể ra cũng được, mặt tròn mắt ướt át, nhưng không hiểu vì sao lại mắc chứng “đánh bủm”. Mụ đặt tên con là Trí trọp cho dễ nhớ. Mẹ đe khi nào thôi cái chứng trời đánh ấy thì mới cải tên cho. Trí trọp không thể học qua cấp một, vì bỏ học nhiều. Cứ tưởng qua tuổi con gái thì thay máu, đổi chứng. Ai dè, quá tuổi cập kê đã lâu mà khổ thân Trí trọp chưa một lần được ngồi gần con trai. Mụ thở dài đánh thượt: “thôi, cũng đành cam phận vậy, nhà nào đông còn thì cũng có một đứa gánh hết mọi xấu xa, thiệt thòi cho cả nhà”. Trí trọp thành bà cô trong nhà. Hiềm một nỗi, người cứ đẫy ra, phốp pháp mà không có thằng ma nào đến gần. Thằng thứ hai, to cao như bố, chân tay loằng khoằng, mặt sáng sủa, chỉ tội hai má chẳng lúm đồng tiền mà hóp vào, như hè nhau, đẩy cái cằm ra phía trước. Đã thế lại để râu dê như kéo cái cằm dài ra nhọn hoắt. Đôi lông mày lưỡi mác như vết nhọ nồi quệt không đều. Bù lại đôi mắt sâu ẩn chứa nhiều điều. Cả gương mặt như một bức phác thảo chưa kịp hoàn thiện. Mụ đặt tên con là Hóp má. Lũ trẻ gọi chỏng lỏn là thằng Hóp. Đứa con gái thứ ba có khổ người của bố, gương mặt của mẹ. Có nghĩa là to cao, gân guốc. Lẽ ra trên cái khung đồ sộ ấy cắm lên gương mặt tròn đầy, khoáng đạt thì có vẻ cân đối hơn. Đằng này, mặt choắt, mắt ty hý như hai nét chì tô đậm. Cái mồm rộng như nối liền với hai mang tai. Cũng may mà nhà mụ lắm trâu, nhiều ruộng nên cô ba đã quá băm sáu nhát, vẫn được ông con rể kém bố vợ vài tuổi rước về làm dâu làng Đặng Xá. Từ ngày đó, mụ quên phắt tên cúng cơm xấu xí và tục tĩu, đến mức không nhắc lại lần thứ hai, mà cứ luôn mồm gọi là con Đặng Xá. Mụ cho con gái về nhà chồng như tống khứ cái miếng giẻ rách ra khỏi cửa. Cái làng Đặng chả có tội tình gì mà cứ lúc trở trời, trái gió là mụ réo rắt: “Hú ba hồn mi Đặng Xá”. Khác hẳn với ba anh chị em, cô út xinh xẻo, tươi tắn, trắng trẻo lại nết na, hiền dịu. Đáng lẽ với gương mặt lúc nào cũng tươi tắn ấy, phải gọi là Hồng, Lan, Cúc, Huệ mới phải. Đằng này mụ đặt tên cho con gái cưng là Mưng. Đến tuổi dậy thì, Mưng đặt tên đệm là Hồng Mưng, nhưng mụ gạt phắt: “Hồng hồng, tía tía mần chi cho thêm rộn cứ kêu là Hừng Mưng, để trời bỏ tươi, sống dai như cây Mưng. Mưng lấy chồng muộn không phải vì ế, mà mụ không muốn rời con. Ngày Hừng Mưng qua đò sang làm dâu bên Liêm cao, mụ lăn ra ốm, lăn lóc đến trọc đầu…. Cứ mỗi lần bức bối, mụ ra bến sông khoắc khoải: “Hú ba hồn chín vía, mi Liêm cao”, rồi mụ ngửa mặt lên trời mà khóc, tiếng nấc nghẹn, nước mắt cứ trào ra, rồi ngấm vào bên trong. Dân làng Thượng, chẳng biết tên mụ là gì, chỉ gọi theo tên chồng là Lỗi, mà ông Lỗi lại gọi theo tên thằng cháu đích tôn, con trai của Hóp má. Nói đằng thăng ra, nếu cất bộ mặt quắt queo, dài ngoằng của mụ Lỗi đi nơi khác thì từ cổ trở xuống là ngon lành. Cổ dài trắng, ngực đẫy đà, lưng hơi gù, chân dài, mông nở, bụng thon. Loại gái này, đi qua đầu giường là có chửa. Mắn phải biết. Lão Lỗi ưa mụ từ cổ trở xuống, kể ra đôi mắt sâu, hơi lẳng của mụ mà sang tên đổi chủ cho cô gái mặt trái xoan nào đó thì sẽ hời lắm. Nhưng với lão điều này không quan trọng. Hầu như đất ruộng làng Thượng là của lão. Dân làng làm thuê cấy mướn, là người ăn kẻ ở trong nhà. Đàn trâu của lão mỗi lần ào xuống ruộng nẩy (bùn lầy) là y như đàn bọ hung đen bóng nhung nhúc trong bãi phân trâu gặp mưa. Lão muốn có nhiều con, toàn là con trai càng tốt, mà là con của một vợ để khỏi eo sèo con bà này bà nọ, của cải san đôi, chia ba. Lão chọn vợ vì lẽ “lưng eo vai gù”này. Mụ Lỗi ưa lão vì bộ khung to cao, đồ sộ. Mặt hơi lưỡi cày một chút, nhưng không sao. Lão cằn nhằn, nhiều lúc cục cằn, mụ cho qua hết, vì lão có cách “đổ người” ngoạm mục. Khoảng gà gáy canh ba, trước khi thăm đồng, lão bắt mụ nằm xuống gường như đêm tân hôn. Lão bất thần đổ ập xuống như cây chuối hột bị một nhát dao sắc ngọt phạt ngang. Mụ bẹp dí, rồi tan biến dần vào trong lão. Thời trai trẻ sung sức mỗi đêm lão đổ người vài ba lần. Sau lần ba, mụ cười khẩy “mầm nữa, bốn hỷ”. Lão chấp tay lạy như tế sao: “con lạy mệ, cho con thở… hỷ!” Có lần lão ăn cỗ ở nhà thờ họ Hoàng về, nốc đẫy rượu nên chân nam đá chân chiêu. Cởi quần nái mầu nước gạo vắt lên cái cổ đỏ lựng như gà chọi (lão ít khi mặc quần đùi) áo vo tròn trong tay. Lão cười, méo xệch…. - Tổ cha đứa mô chê tau cởi truồng. Lũ trẻ con lại cười ré lên từng hồi. Mụ giận tím mặt, tiện tay cầm lấy cái vung nồi cám lợn đang sôi áp vào của quý của lão, giọng rít lên:- Rượu này, rượu này!.. Nóng quá, lão nhảy ào xuống giếng. Tháng sau, để lại vết chàm “chỗ ấy” mà không phải do bố mẹ sinh ra. Sau lần ấy lão uống ít rượu hơn, nhưng lại cộc cằn hơn, thỉnh thoảng lại thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với mụ. Cứ nhìn thấy lão gầm gừ như mèo hen, chốc chốc lại khịt khịt mũi như ngửi phải bồ hóng, hai mắt vằn tia máu rồi lừ lừ đến góc nhà, nơi để que chống cửa là mụ đi giật lùi vào buồng. Lão đẩy cửa buồng, đứng sững lại. Mụ nằm tênh hênh trên giường, không mảnh vải che thân, mắt lim dim, từ cổ trở xuống như cục bột lọc trắng ngần run rẩy trên sàng. Lão cởi phắt quần áo ném trùm lên mặt mụ rồi đổ ập xuống như cây chuối bị lưỡi dao sắc lẹm phạt ngang. Lão lừ lừ ra khỏi buồng, mồ hôi nhễ nhại, quên mất que chống cửa. Mụ nhẹ nhàng khoác áo lên vai chồng.