P2 - Chương 2

Ngày cuối vụ gặt lúa tháng Mười năm Bính Tuất, nhà bà Cao tất bật, người ra kẻ vào. Thục đau đẻ, kêu khản cả giọng. Thuận thương vợ, chạy ra chạy vào. Bà Cao lo lắng cho con dâu cả, thắp hương cầu trời khấn phật cho con qua cơn vượt cạn, mẹ tròn con vuông.
 Bà Khế ngoáy thêm một cối trầu đỏ au, cho gọn vào mồm, thủng thẳng:
- Kêu ít thôi, để sức mà rặn. Canh giờ nữa mới mãn nguyệt khai hoa, đừng có nôn nóng.
Sốt ruột, Thuận thò đầu vào cửa buồng. Thục bò lổm ngổm trên gường, váy nâu loè xoè. Một tay ôm bụng, một tay bám thành gường, mồm cắn chặt gấu chiếu. Cơn đau tột độ, dồn dập. Nhác thấy Thuận, Thục xua tay:
- Eng đi ra đi, ra đi…. đau quá mạ ơi!
Thuận mím chặt môi, ra giếng dội gáo nước lạnh lên đầu. Trong nhà bật tiếng khóc oa… oa…. Bà Khế cười khà khà như đàn ông
- Ố chà chà…… thằng cu, nục nặn lắm, có cả giây hoa… sau ni mần quan, mần tướng đây
 Bà Cao âu yếm nhìn con dâu rồi thắp hương khấn vái:
- Ông ơi thằng Thuận sinh con trai rồi, nhà ta có cháu nối dõi tông đường rồi. Ông về vui với con cháu.
 Thuận đặt tên cho con trai là Cảo Phương, theo chữ nho là sách thơm, những mong sau này học hành tấn tới. Bà Khế gạt phắt:
- Sau ni kêu sách thơm tho chi cũng được, dưng bây giừ thì cứ kêu là thằng Đái cho gọn.
 Thục nựng con
- Thằng chó của mạ sáng sủa như ri mà mệ kêu là Đái thì thiệt quá!
- Đặt tên xấu cho ma quỷ khỏi quở.
 Bà Cao đồng ý với bà Khế.
 Con chưa kịp nhận mặt cha thì Thuận thoát ly, lên Thuỷ Ba xây dựng chiến khu. Thuận kiếm nhiều mảnh vải vụn xanh, vàng, tím đỏ may cho con trai nhiều bộ quần áo ngộ nghĩnh. Trẻ con làng Thượng quen mặc áo nâu, áo đen. Người già ở làng Thượng gọi áo quần trẻ con là xơ. Chiếc xơ mới may phải ném cho chó mặc trước mới mặc cho đứa trẻ. Làm như thế sẽ tránh được ma quỷ quở trách, quấy rầy. Thằng Đái đã biết toét miệng cười khi cha quay chiếc chong chóng bằng giấy màu. Cả chiều nay, Thuận không làm gì, không đi đâu, quây quần bên vợ con. Mưa thu cứ rỉ rả, rỉ rả rơi trên mái tranh cứa nhẹ vào nỗi đau ly biệt. Đêm nay Thuận lên chiến khu. Thục ngồi bó gối nhìn ra xa xăm. Cuối màn mưa giăng giăng là Bến bè. Chỉ vài lần chống, chục lần chèo là con đò sang bên kia sông. Anh sẽ đi trên con đường lầy thụt qua cánh đồng xâm xấp nước đến đồi sim chạy thun thút lên chiến khu. Anh ở đó với bao công việc đè nặng lên vai. Thục ở lại việc đồng áng, cũng nặng trĩu hai vai. Biết khi nào anh mới về, đến bao giờ cha con mới gặp nhau. Nếu lỡ ra…. Thục không dám nghĩ tiếp…. nước mắt rân rấn. Thuận thổi phù vào rốn thằng Đái cười khanh khách. Thục không chịu nổi, nấc dồn rồi oà khóc. Thục chạy thẳng ra giếng mội, vốc nước táp lên mặt lên cổ. Thuận lạy mẹ, ôm vợ, thơm con khắp người rồi xách tráp, đứng thẳng người bước đi dứt khoát. Trong tráp vỏn vẹn bộ quần áo, mấy tờ giấy, chiếc bút máy ca lô và bộ vạch, thước, kéo của thợ may. Đến cây mưng đầu làng, Thuận sững lại, hai tay ôm chặt gốc mưng già chia làng Thượng thành thôn trong, thôn ngoài. Hôm đầu tiên, Thuận Thục gặp nhau, cây mưng già cũng ngã dài qua mương nước như chiếc cầu nối đôi bờ. Hôm ấy, búp mưng mới nhú, nhọn như tháp bút, đỏ sẫm trong giá rét nàng Bân. Nay lá mưng đã xanh, hoa mưng đã mọc dài xoè cánh như chuỗi hoa tai đong đưa trong mưa bụi. Thuận ngắt búp mưng non cho vào miệng vừa đăng đắng, chan chát, nhai lâu ngọt mãi, thấm vào hoài niệm…. ngân lên, xao xuyến lạ lùng. Thuận ngoái lại, thân mưng như cánh tay, lá mưng như bàn tay vẫy vẫy trong mưa, trong gió như cả làng Thượng nói lời tạm biệt… hẹn ngày về…. hẹn ngày gặp lại….

*

 Tết Đinh Dậu đến chậm chạp, như lão già khó tính, cứ cau có đứng lỳ ngoài ngõ không chịu vào xông đất nhà ai, không hé mồm chúc một câu bình yên. Chiến dịch “vết dầu loang" và “xiết chặt” của thực dân Pháp và nguỵ quyền bắt đầu tràn vào Vĩnh Linh. Tên Cavin (can-vin) chủ sự Ty liêm phóng Quảng Trị tung một loạt tên phản động làm gián điệp trà trộn vào trong dân. Dân làng nghi kỵ lẫn nhau. Ra đường có người hỏi: Việt Minh hay Việt Nam thì ai cũng trả lời không do dự là Việt Nam. Hễ ai quen mồm xưng: “Việt Minh” là bị ghi vào sổ đen. Những gia đình có con em thoát ly lên chiến khu không giám gói bánh tét vì sợ vu là tiếp tế cho Việt Minh. Thà cắt mấy là dong gói đôi bánh tày trước cúng gia tiên, sau cho thằng Đái hưởng lộc. Thục vo mấy lon gạo nếp râu, đậu xanh lòng. Chị em đang lúi húi gói bánh thì có tiếng đàn ông cười sằng sặc sau lưng:
- Hơ.. hơ… hơ.. gói gánh cho Việt Minh mà ít quá. Sang bên nhà tui cho vay vài ba thúng nếp mà gói bánh tiếp tế đầy đủ cho Uỷ ban kháng chiến nghe.
 Thằng Hóp má. Nó đi biệt tăm từ ngày 23 tháng tám năm Ất Dậu cho đến bây giờ. Thục mừng thầm là hắn chết rấp, chết bụi, chết bờ ở đầu rồi…. Ấy thế mà hắn về, mặt hắn hau háu nhìn vào cổ, gáy Thục. Hóp má vỗ bồm bộp vào mông Thà, giọng phả mùi rượu:
- O Thà bữa ni coi béo tốt, ngon lành hý.
- Tui hỏi thiệt đã lấy ai chưa hè.
 Thà ôm lưng chị dâu, giọng run:
- Tui không lấy ai hết, ông về đi, về đi!
- Nè! Tui nói cho mà hay. Đi hay ở là quyền của tui. Loại như o, kéo tay cũng không ở lại, mà không cần mời, tui cũng “ale hấp” đi luôn hơ… hơ…
 Hóp choàng tay qua vai Thục. Thục chộp ngay con dao thái rau. Hóp vẩy tay, cười nhăn nhở:
- Đúng là gái một con trông mòn con mắt. Mấy thằng Việt Minh ngu thiệt. Vợ ngon như phì phò như rắn hổ mang. Hắn ngoái nhìn Thuận. Tay quyệt mạnh vệt máu tím bầm bên mép.

*

 Làm thằng con trai độc nhất của một chủ đất giàu có nhất làng, quyền thế nhất làng mà muốn chiếm một cô gái đẹp nhất làng, ngon lành, ưng ý cũng không làm nổi. Hóp má dậm chân, giật phăng chiếc áo trắng mới may, gãi ngực quèn quẹt. Giá như không có Trần Thuận trên đời thì nàng Thục là của Hoàng Hóp. Mụ Khế là cái gì mà lão Lỗi cũng phải kiêng dè. Thuận là cái gì mà làng trên, xóm dưới nể vì, tin cậy. Đến Trí trọp, cả ngày giam mình trong buồng mà giờ cũng xông pha biểu tình, kè kè bên Trần Thuận. Chẳng lẽ những người này là Việt minh. Làng Thượng bây giờ chỉ còn ba hạng người. Việt Minh, Việt Nam với Việt gian. Hàng trăm, hàng ngàn con mắt dân làng Thượng dồn Hóp má vào vệ đường.
 Đả đảo việt gian
 Đả đảo, đả đảo, đả đảo!
 Đoàn người rập rập đi lên, tràn qua đám người nhà lão Lỗi. Hóp ngồi thụp xuống đất, chân tê lại. Trần Thuận vung tay:
- Việt Nam muôn năm
- Muôn năm!
- Muôn năm!
- Muôn năm!
- Ủng hộ Việt Minh
- Ủng hộ, ủng hộ, ủng hộ!
 Hoàng hóp đứng dậy, tay đặt vào hốc kiếm.
 Trần Thuận dõng dạc
- Hỡi bà con, hỡi anh em binh lính, thanh niên ái quốc đoàn. Hãy cầm chắc tay nhau, tiến về phủ đường, giành chính quyền về tay nhân dân.
Tất cả thanh niên “ái quốc đoàn” mang kiếm nhập vào đoàn người biểu tình.
- Đi lên
- Tiến lên
- Xông tới
 Mỗi người hô một khẩu hiệu, nhưng tất cả cùng xông lên phía trước. Chính quyền về tay dân làng Thượng thì chánh tổng, lý trưởng không còn, gia sản nhà lão Lỗi cũng chẳng còn. Bên hắn không còn “ái quốc đoàn” không ai thân thích. Đơn độc và trơ trọi. Tai Hóp má ù đặc, rồi ong ong như muốn vỡ oà. Mắt hắn nhoà đi, không phải một Trần Thuận mà hàng trăm, hàng nghìn người như xiết chặt cổ hắn, dúi hắn xuống đất bùn nhão nhoét đến ngột ngạt. Hắn lao lên phía trước, chĩa súng vào ngực Thuận, gầm lên: “giết”!
 Trí trọp nhào lên, giang tay, che cho Thuận.
 Súng nổ!
 Dòng máu tươi chảy tràn trên ngực ả, nhuộm đỏ chiếc áo trắng tinh khiết. Ả ngả vào ngực Thuận. Bầu trời xanh loang lổ, mây ngàn chao đảo, mặt đất ngả nghiêng. Mặt trời ló ra chói chang rồi đẫm máu, tím bầm và tối dần để lại mầu vàng tươi, từ từ ngả màu mật ong. Cánh chim trắng phau đơn lạc giữa khoảng không vô định. Ở tận cùng khoảng không ấy chập chờn một gương mặt đôn hậu, cuốn hút như quá dỗi quen thân mà thật xa xôi… Cô gái thều thào …. đứt đoạn:
- Eng Thuận ơi! Tui ưng eng nhiều, nhiều lắm! Rứa là được rồi! thoả nguyện rồi….
 Cô gái thở hắt, mắt mở trừng trừng. Thuận đưa tay vuốt mắt, đôi mắt người con gái bất hạnh nhắc lại, môi vẫn hé cười hạnh phúc.
 Tám giờ sáng.
 Ngày 23 tháng tám năm 1945.
 Phủ đường Vĩnh Linh thành biển người. Dòng người cuộn xiết như dòng sông Bến hải, Sa lung chảy từ Cửa tùng lên, Huỳnh công, Thượng lập xuống, Tiên an, Quảng xá sang. Người, cờ đỏ sao vàng, khẩu hiệu và tung hô hoà vào nhau, đan xen nhau, quyện vào nhau, rầm rập, rền vang. Lính khố đỏ, khố xanh, khố vàng, linh dỏng hoảng sợ, buông súng. Chánh tổng, lý trưởng, hương mục lẩn trốn.
 Mụ Lỗi ôm xác con gái đi như kẻ vô hồn. Hóp má vứt súng, ném gươm xuống ao bỏ chạy, la hét như một thằng điên. Lão Lỗi trở bệnh mấy ngay nay, hay tin con gái đầu chết tức tưởi bởi viên đạn nghịch của con trai duy nhất, ôm đầu kêu trời rồi ngất lịm…..
- Thăng Lu mô rồi, thả hết chó ra.
 Đàn chó được thả rông thi nhau sủa. Bộ mặt nhăn nhó dính không khớp vào cái đầu quả nhót nhăn nhúm, lỳ lợm cứ đung đưa, đung đưa trước mắt lão Lỗi. Chao ôi! Cửu Kiệm!
 Thầy lại cho thằng Hóp hút thuốc phiện à. Hắn không còn là người nữa, thành thú rồi. Chính hắn đã giết chết chị gái hắn, con gái ta. Rứa mà thầy vẫn còn cười ư? Ôi chao mà sao thầy nỡ đè nghiến con dở hơi của choa xuống giường. Con gái ta tuy mang bệnh, nhưng tự trọng lắm. Nếu ta không kịp ngăn giữ thì con gái ta dã nhảy xuống giếng, trẫm mình, tẩy rửa mọi ô nhục rồi. Rứa mà thầy còn cười ư? Cửu Kiệm ôm đầu thằng Hóp nhăn nhó cười. Con Trí trọp đang đau đớn, ủ rũ cũng lăn ra cười. Cười gì mà lắm thế. Chao ơi!... Chúng bay điên rồi sao?..... Lão Lỗi xua tay, từ từ mở mắt, thều thào
- Mẹ thằng Lỗi, mất hết rồi à….?
 Mụ Lỗi như bừng tỉnh
- Mất hết rồi…. ông ơi!.... mất sạch rồi
 9 giờ sáng
 Ngày 23 tháng 8
 Năm 1945
 Trần Thuận báo cáo: “theo lệnh của Uỷ ban khởi nghĩa, cả bốn khu vực trọng điểm trong toàn phủ đã được kiểm soát, toàn bộ binh lính và chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim ở các địa phương đã bỏ vũ khí xin tha tội chết. Tri phủ Cao Xuân Thọ tìm đường tẩu thoát đã bị tự vệ bắt sống!”.
Rứa à!
 Dương Liên như bừng tỉnh cơn mơ.
 Một tay ghì sát đầu Trần Thuận vào ngực, một tay nắm thật chặt tay bà Khế, Dương Liên như nhìn hút vào lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay trên cánh tay Thục.
 9 giờ sáng, giờ hoàng đạo. Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời ra mắt đồng bào.
- Việt Nam độc lập muôn năm!
` Bà Khế hô to, lạc cả giọng. Hàng ngàn hàng vạn tiếng hô đáp lời. Suốt chặng đường từ Rú Trằm đến Phủ đường, bà chỉ đường dẫn bà con, chưa khởi hô khẩu hiệu lần nào. Bà nhớ mấy lần trước bí mật đi mua trâu từ ngoài Quảng Bình về bán lại, lấy tiền làm vốn cho chi bộ hoạt động. Chồng con nghi ngờ, bà nén chịu. Có lần bà hỏi Dượng Liên:
- Liệu miềng có thắng không?
- Phải thắng bác à?
 Dượng Liên chỉ nói vậy, rồi nắm chặt tay bà truyền hơi ấm, niềm tin.  Sau đận ấy Dượng Liên cùng nhiều cán bộ, đảng viên bị bắt, tù đày, bà Khế lo cháy ruột, nhưng không nản lòng. Dạo đón ông Gôđa, đại diện cho Chính phủ bình dân Pháp tại Hiền Lương, bà Khế hỏi bà Hoàng Thị Miên:
- Khi mô thì miềng thắng lợi hầy!
- Bà Miên chắc chắn:
- Khi mô, chánh tổng, lý trưởng giao con triện cho người miềng. Khi mô tri phủ, tri huyện không còn, chỉ có người đằng mình nắm quyền bình là thắng lợi đó.
- Tiếng reo hò vang trời, dậy đất.
 Bà Khế nhìn lên khản đài.
 Ông chủ tịch cách mạng lầm thời: Nguyễn Đức Thưởng, ông phó chủ tịch Trần Giác, ông Hoàng Tiết, bà Hoàng Thị Miên, uỷ viên.
Nhìn ai cũng quen cả, người đằng miềng cả, Thục giật giật vạt áo mẹ.
- Mạ ơi! Cái ông thâm thấp ít nói hôm ở Rúi Trằm, chừ mần quan đó tề.
- Không phải mần quan, mà mần “cán bộ” cách mạng, cán bộ Việt Minh
 Ông thợ săn tầm thước, câu được cả báo, cả trăn nước cứu dân từ vũng lầy trước Rú Trằm, bước ra chững chạc quá. Ông tầm thước đang đứng trên khán đài đĩnh đạc quá. Anh trai làng tầm thước đứng bên cạnh dễ thương quá.
 Thục nghĩ miên man rồi chợt hỏi mẹ:
- Mạ ơi, ai phai phải người cũng dễ thương hè?
- Ừ, người đằng miềng cả mà.
- Bà Khế nhìn sang Thuận đang nắm chặt tay Thục. Trên lễ đài cách mạng ông chủ tịch trịnh trọng.
- Thưa đồng bào. Đây là giờ phút trọng đại và thiêng liêng nhất của Vĩnh Linh ta. Chính quyền đã thuộc về tay nhân dân ta! Vinh quang này, thành quả này, trước hết thuộc về các đồng chí, đồng bào đã hy sinh trong nhà tù để quốc phong kiến, đã ngã xuống trong gian khổ, thiếu thốn trăm bề. Giành được chính quyền đã khó, bảo vệ chính quyền còn khó hơn nhiều, gian nan hơn nhiều, hy sinh hơn nhiều…. Nhưng dù thế nào chúng ta cũng đem hết sức lực, của cải để bảo vệ, gìn giữ chính quyền này, chính quyền của nhân dân..
 Tiếng vỗ tay, tiếng hoan hô lay chuyển đất trời Vĩnh Linh
°°°°°°°
 ….. Đến Hầm hoà, bà Khế kéo Thuận và Thục đến bãi đất cát lơ thơ mấy cây bông trang.
- Các con ơi! Tám năm trước bác Trần Trích, Trần Luận đã bị địch xử bắn ở đây. Các con lạy các bác đi!
 Bà Khế thì thầm:
- Các eng ơi, thắng rồi! Thắng to thiệt rồi! nơi chín suối chắc mấy eng cũng mát vong linh