Tiếng chân di động lạt sạt ở phòng ngoài cho tôi biết Huyền đã thức. Và nó đang sửa soạn cho cái đời sống hàng ngày của hai chị em tôi. Là mở quán tiếp khách. Tiếng chân của Huyền không thay đổi từ bao nhiêu năm nay, nghe không lẫn được. Nặng. Tất tưởi. Lật đật. Gót chân chứ không phải gót ngọc. Cái tướng Huyền vất vả. Từ một chuyển dáng nhỏ nhặt. Mỗi bước đi của Huyền đều lay chuyển theo nó rất nhiều không khí. Và chỉ cần dõi theo những bước chân nó từ góc này tới góc nọ, di chuyển tới đâu, tôi cũng đã biết Huyền đang làm những gì. Huyền đang chế nước sôi đầy ắp, vào lũ bình thủy xếp thành một hàng ngay ngắn trên cái bàn nhỏ sau quầy. Mở sắp một cuốn sổ, kèm theo một cây viết. Để biên bông chịu cho khách hàng quen. Để tính tiền, thối tiền cho những khách hàng lẻ loi lần đầu tới quán. Chọn sẵn một số băng nhạc chồng lên mặt quầy. Đám khách hàng trẻ tuổi và u uất khó tính của chúng tôi phần lớn đều thích nghe nhạc. Nhiều người chỉ nghe độc một băng nhạc, một tiếng hát, đòi nghe lại từng lần. Họ nghe, đắm đuối, mơ màng, đầu tựa nghiêng vào vách. Chân duỗi dài trễ nãi. Nhìn cà phê thả giọt. Và Huyền đang chuẩn bị tiếp họ. Bằng xem lại những hũ đường. Bằng xếp đủ năm điếu vào từng hộp thuốc lá bán lẻ. Việc nó sẽ làm sau cùng là vào phòng trong. La lối tôi ngủ muộn lười biếng. Bắt tôi rời khỏi mặt đệm. Tiếng chân Huyền chợt rời khu quầy, khu băng nhạc, khu bình thủy bình đường, ra phía ngoài. Tiếng những cái đóng cửa được tháo ra. Hôm nay là thứ sáu.Ngày nào của tháng nào, thứ nào của tuần lễ nào thì cũng vậy mà thôi. Sau một đêm đóng cửa quán Nhớ lại mở. Cùng với tiếng những cánh cửa được xếp chồng vào một góc tường, tôi hình dung thấy mặt đường trải đá xanh ướt đẫm sương đêm, những hơi lạnh, những thoáng khói từ cái bãi hoang bên kia đường tràn sang lùa từng đợt chập chờn vào quán. Quán đang mở cửa. Như thường lệ. Như hàng ngày. Trong ban mai nhợt nhạt. Giờ những giòng suối còn khép mắt. Giờ lá rừng còn ngủ, những thân cây mới sáng tới lưng chừng. Và mặt trời thì còn ở đâu đó, bên kia nhưng triền núi. Tấm chăn bông ấm áp lúc này còn ôm kín lấy thân thể tôi. Mặt đệm dưới lưng là một khoảng trũng thân mật. Hơi nóng từ tôi, của chăn, trộn lẫn thành một giam cầm lưu luyến. Muốn phủ tóc lên mặt. Thu tay vào lòng. Ngủ tiếp. Tôi đón ngày sáng nay bằng một cảm giác cực kỳ ngần ngại. Như ngày là một thau nước lạnh buốt, khiến ngại ngùng cả đến việc nhứng vào nó một đầu ngón tay. Còn sớm thế này, ban mai lạnh căm và có sương mù chắc Khoa chưa tới đâu. Những cây si của quán cũng vậy. Tôi thấy thù ghét những cuốn băng, những bình đường vô tả. Thù ghét cả cái quán Nhớ. Nhớ là cái gì. Tôi nhắm mắt lại. Xin đời cho tôi yên. Bằng tìm vào giấc ngủ. Cuộc đời không chịu cho tôi yên. Ngủ tiếp bị khước từ. Vì cuộc đời là Huyền. Tiếng nó nheo nhéo ở đầu giường: - Dậy đi, bà chủ. Tôi ậm ừ, cằn nhằn: - Tao không phải là bà chủ. Để yên cho tao ngủ. Huyền cười. Sao mới bảnh mắt, còn sương đêm, cái đứa em gái tôi đã tỉnh táo đã buổi trưa, buổi chiều, được đến như vậy. - Gần chín giờ rồi. Tôi hỏi, qua chăn, nghe tiếng gió xoáy hút vào những gờ mái: - Thứ đồng hồ nào? - Thứ đồng hồ ngoài quầy. Nhà chỉ có một cái đồng hồ. Mặt dạ quang. Treo đầu quầy cạnh chỗ tôi ngồi. Cái đồng hồ do Khoa về Sàigòn hồi đánh nhau năm ngoái mua lên cho tôi. Mác Thụy Sĩ. Rất đúng giờ với những giờ phát thanh, Huyền lại lên giây mỗi sáng một lần. Bí quá, tôi trở thành độc ác: - Đàn ông bây giờ ai cũng dậy muộn, mày biết không? Huyền cúi xuống, hất tấm chăn của tôi đi. Gió không chỉ nghe thấy nữa. Mà phủ xuống, kín trùm trên da thịt lạnh buốt. Cùng với cái cử chỉ tàn nhẫn đáng lên máy chém, Huyền hỏi: - Đàn ông ăn nhằm gì đến em? Tôi cay nghiệt: - Không ăn nhằm gì à. Trong cái số đàn ông dậy muộn, có một thằng sẽ là chồng mày. Nó đang ngủ ngon mầy dựng nó dậy, nó chỉ có hai cách. Một là đập chết mày. Hai là ly dị gấp. Còn Huyền không phải tay vừa. Nó trả đòn ác độc: - Lười biếng, ngủ muộn như chị, rồi anh Khoa anh ấy ly dị chứ không phải tôi đâu. Khoa, tiệm thuốc tây ngoài phố chính. Khoa, những bó hoa, những chiếc bánh gửi mừng từng sinh nhật, Khoa của một tỏ tình chưa dám, những một đính hôn đã là. Khoa của một mái tóc cắt ngắn, khỏe mạnh, mày râu nhẵn nhụi, trong khi đám bạn bè theo Khoa tới quán tóc dài thượt tới gáy, để râu từ lông tơ. Tôi nghĩ đến Khoa. Tách thoát. Dửng dưng. Không yêu, không nhớ. Lúc này Khoa không giá trị bằng tấm chăn nằm dưới chân. Tôi biết Khoa đã dành cho tôi cái chỗ đứng chính trong tiệm bào chế âu dược đường Hoàng Diệu. Cái chỗ đứng của một bà chủ hàng tháng về Sài gòn đặt thuốc, mỗi cuối tuần ra gửi tiền ở ngân hàng. Trong đám bạn bè, Khoa hơn tất cả mọi người. Họ quái dị, khác thường. Anh chàng này đến một mình. Nhìn cái phin cà phê hàng giờ không chớp mắt. Anh chàng kia lần nào cũng ngả ngốn trước mặt quầy. Đòi đưa tôi đi Biển Hồ. Có anh say rượu, nửa đêm đập cửa, rồi ngủ gục ở thềm quán. Riêng Khoa bình thường. Có đủ hành lý và bảo kê của một người chồng. Nhưng nhà Khoa thật gần mà Khoa còn ở khá xa trái tim tôi, một trái tim chưa biết nó muốn gì. Một trái tim chưa lựa chọn. Tôi nghĩ, hơi ngậm ngùi cho Khoa. Chưa gần. Còn xa. Đã thế sự xa cách mỗi ngày một thêm cách xa hơn nữa. Sao lại có chuyện chúng tôi đính hôn được. Điều kỳ lạ là chuyện ấy có. Vì Huyền vừa nhắc tới. Điều kỳ lạ hơn nữa, hồi gần đây tôi đã xử sự với Khoa như một người vợ sắp cưới. Căn phòng tối mờ. Ánh sáng lùa vào qua những khe gỗ là cái thứ ánh sáng ban mai đặc biệt của Pleiku. Đục. Loãng. Nhờ nhờ. Như mầu nước gạo. Gió bất chợt mạnh quẫy đảo hung hãn trong những kẽ mái. Ngôi nhà rung rinh cùng khắp. Gió thốc tháo nói chúng đã băng qua những khoảng trống mênh mông gợi cho tôi nghĩ đến những ngọn đồi trọc vây bọc thị xã như một vòng đai đỏ khé. Và xa hơn, Biển Hồ cứng, lạnh như một tảng băng. Và xa hơn nữa những triền núi, những cánh rừng rậm rì, xanh đặc, kéo dài tới biên giới. Bị đẩy lên trần nhà, giấc ngủ lại muốn đáp xuống. Một đáp xuống vô hình và êm ái. Chỉ cần kéo tấm chăn lên ngang tầm ngực, nhắm mắt lại. Nghe gió, nghe tới khi gió mưa thành một lời ru, tôi sẽ ngủ tiếp được dễ dàng và mau chóng. Tôi muốn thế. Muốn ngủ nữa. Bèn nói dối Huyền: - Cả đêm tao không ngủ được. Ra coi hàng cho tao ngủ thêm một chút nữa đã. Huyền nhăn nhó: - Khách sắp tới rồi. Tôi gắt lớn: - Thì pha cà phê cho họ uống. Mở nhạc cho họ nghe. Biên sổ và tính tiền. Bộ việc gì cũng phải tao sao? - Không có chị họ không uống. Tôi lẩm bẩm: - Họ khùng. - Bao nhiêu lần chỉ có em các anh ấy đuổi đi đòi kêu chị ra. Chị thừa biết rồi mà. Lát nữa anh Vận đưa xe đến đón chị ra phi trường, chị quên rồi sao? Tôi ngẩn người: - Ra phi trường? Ờ nhỉ tao quên. Dậy đây. Khoa về Sài gòn tuần lễ trước. Nói là về mua hàng, nhân tiện mua quà Giáng Sinh cho tôi. Trước hôm đi, Khoa đến uống cà phê, đòi nghe lại tới lần thứ ba bài Tà Áo Xanh của Đoàn Chuẩn. Đứng nói chuyện với tôi ở quầy hàng cho tới giờ quán đóng cửa. Đôi mắt Khoa buổi tối hôm đó nhìn tôi đắm đuối hơn bao giờ. Tình yêu Khoa dành cho tôi buổi tối hôm đó tỏ lộ rõ rệt hơn bao giờ. Tôi về Sài gòn, sẽ nhớ tới Ngọc hàng ngày. Sài gòn bao nhiêu người đẹp, xuống tới phi trường Tân Sơn Nhất là anh sẽ quên đứt Pleiku, tôi cười, trả lời. Khoa nhìn tôi đăm đăm. Cái nhìn nói khác. Nói như Khoa nói, là ở xa, ở đâu, Khoa cũng cũng nhớ đến quán Nhớ từng ngày. TÌnh yêu của Khoa, tôi chưa đáp lại. Cũng không từ chối. Tôi để đó, cho thời gian trả lời. Mặc dầu vậy, thái độ thành khẩn và cái nhìn đắm đuối của Khoa tối đó đã làm tôi xúc động. Lấy Khoa, tôi sẽ sung sướng. Tôi biết vậy. Chỉ là tôi chưa định về chôn đời mình sau cái quầy hàng của tiệm bào chế. Tối đó, Khoa hỏi tôi có tiễn chân Khoa một quãng đường không. Tôi lắc đầu, nhưng dặn Khoa trước ngày về đánh điện, tôi sẽ ra đón Khoa ở phi trường. Khoa gởi điện tín hôm qua, báo tin sẽ trở về, sáng nay, trên chuyến bay thứ nhất. Mười phút sau tôi chải đầu mặc áo len, theo Huyền đi ra. Quán Nhớ là một căn nhà khá rộng, chia làm hai phần. Phần trong nền xi măng cao hơn, gồm có quầy hàng ở một góc. Góc đối diện là một cái bàn lớn trên để ly tách, cà phê, một máy nghe dĩa và một máy nghe băng. Phần ngoài ngăn cách mặt lộ bằng một hàng hiên nhỏ và một khung cửa sổ hình bán nguyệt. Hai dẫy bàn thấp chạy dài theo hai vì tường. Bàn và ghế ở dãy phải kê liền sát dành cho những đám khách đông đảo, khi tới là đẩy những cái bàn vào nhau ngồi thành vòng chung quanh. Phía trái những cái bàn kê cách nhau xa hơn, người bàn này không nhìn thấy người bàn kia, bởi những tấm gỗ chắn làm cho khuất lấp. Mỗi vì tường treo hai bức tranh. Bốn bức tranh đều là của Dã Thụy. Dã Thụy ở một mình trong một túp lều gỗ giữa một vườn cây cỏ um tùm, tận cuối thị xã trên đường đi Khôngntum. Dã Thụy ở Qui Nhơn. Lên Pleiku trước đây ba năm mấy tháng trước ngày khai trương quán Nhớ. Thụy là họa sĩ. Thú họa sĩ đầy đọa, bí hiểm với những bức tranh màu tối, tôi nhìn hoài cũng không phân định được là những hình thù gì. Thụy có mái tóc dài nhất, cái nhìn nung nấu nhất, một thân hình gầy guộc nhất. Thụy ít bạn gần như không có. Tới quán một mình ngậm tẩu ngồi bất động một lúc rồi về. Ngày quán mới mở, Thụy tới một ngày hai buổi, và nói yêu tôi, yêu ngay phút đầu, yêu từ kiếp trước. Điên không thể tưởng tượng được. Nhưng không được đáp lại, Thụy không thù hận và chúng tôi trở thành bạn thân. Phần trang hoàng và bài trí của quán Nhớ là công trình của Thụy. Anh mang tranh đến tự tay treo lên tường. Vào rừng, chọn những thân cây nhẵn nhụi, cưa thành khúc, đem về cho quán Nhớ làm ghế ngồi cho khách. Những dò lan treo bên cạnh bốn bức tranh cũng do Thụy vào rừng lấy về. Mấy hôm nay không thấy Thụy đến. Tôi sợ Thụy đau. Thụy đau luôn. Sáng nay Thụy cũng chưa tới. Dưới ánh sáng tù mù của những ngọn đèn nhỏ, quán vắng ngắt trong ánh sáng lạnh buốt. Tôi hỏi Huyền: - Mấy hôm nay mày có gặp anh Thụy ở phố không? Huyền đi tới trước cái máy nghe băng: - Không. Tôi chép miệng: - Chắc anh ấy đau. Huyền vừa mở băng vừa nói: - Em cho anh ấy nhiều nhất là sáu tháng. - Sáu tháng thế nào? - Sáu tháng là hết anh Thụy. Anh Thụy chết. Huyền nói thật độc miệng. Nhưng có phần đúng. Thụy lao phổi thật nặng. Một lần đến quán uống cà phê, đã ngã gục, thổ ra máu. Mấy lần tôi tới túp lều nhỏ giữa khu vườn hoang, ngồi làm mẫu cho Thụy vẽ, Thụy vừa vẽ vừa ho rũ rượi, bàn tay gầy guộc đưa lên giữ chặt lấy bộ ngực còm cõi, tan nát. Tôi định chiều nay, nếu không thấy Thụy đến tôi sẽ rũ Huyền đến thăm. Thụy chết, chắc tôi sẽ khóc. Nhiều lần tôi khuyên THụy đổ đèo An Khê trở về Qui Nhơn, ở đó có gia đình Thụy, biển xanh và nắng ấm. Thụy gật nói sẽ nghe theo lời tôi. Nhưng tới mùa lạnh này, Thụy vẫn ở một mình trong túp lều nhỏ dưới trời Pleiku. Tôi không hiểu được tôi. Và vĩnh viễn không hiểu được những người trẻ tuổi lao phổi, vẽ tranh và sống một mình như Thụy. Tôi tự tay pha cho mình một ly cà phê. Những giọt nước nâu đậm nhỏ xuống lòng ly mờ khói. Cũng lúc một tiếng tách khô,gọn, phát ra từ cái máy nghe băng. Một vài vòng quay im lặng, chậm chạp. Rồi là bài hát. Một bài hát về vòm trời tôi đang sống, nơi chốn tôi đang ở. Một bài hát về Pleiku. Huyền đứng lặng, hai vai thu lại, cánh tay buông thõng là dáng điệu nó trước bản nhạc yêu thích. Tôi cũng yêu bài hát này. Bài hát thật buồn. Của một người buồn nhìn một Pleiku buồn. Pleiku. Những người con gái má đỏ môi hồng trơ vơ với xuân đời mình, như những nhành hoa núi nở trong quên lãng những đáy lũng, biền biệt những triền núi. Một bến xe. Một bãi đất trống. Một chuyến xe lên, từ biển. Một chuyến xe về từ rừng. Dăm người khách lạ đi lên đi xuống. Và chàng trẻ tuổi ở một tiền đồn biên giới, chỉ thấy người yêu bằng tưởng tượng, qua một màn mưa bay nghiêng. Huyền đứng rũ, huyển hoặc, mặc dầu nó đã nghe bài hát cả trăm lần. Năm ngoái vòm trời Pleiku nát nhầu lửa đạn. Dân chúng từ thị xã di tản đi nơi khác. Trọng pháo ầm ì dội đập đêm ngày. Những tiệm hàng đóng cửa. Trường học nghỉ. Đường phố Pleiku mất biến những má đỏ, môi hồng. Phố thấp, phố cao chỉ còn dầy đặc những giầy đinh, mũ sắt, những bộ quân phục màu tối, mỗi góc cây là một họng tiểu liên. Tôi lỳ. Quán Nhớ mở cửa như thường. Nhưng một đồng không thu được. Không một bóng khách tới. Cuối cùng, tôi đành nghe Khoa. Hai chị em về Sài gòn, đóng cửa quán Nhớ đúng hai tuần lễ. Quần áo mang theo không đủ, vậy mà Huyền khăng khăng mang theo băng nhạc có bài hát về Pleiku, bảo thế nào cũng không chịu bỏ lại. Tiếng máy của một chiếc xe díp chạy tới. Ngừng lại trước cửa quán. Máy tắt. Tôi bảo Huyền: - Khách tới, cô ả. Nghe gì mà đắm đuối quá thế? Huyền thính tai hơn tôi. Nó phân biệt được tiếng máy. Và nói, không rời cuộn băng: - Anh Vận đến đón chị đó. Một bóng người cao lớn bước vào quán. Vận thật. Vận với mái tóc cắt ngắn, bước chân mạnh mẽ da mặt rám nắng. Vận là người bạn thân thiết nhất của Khoa. Ra đời ở đây. Họ có chung với nhau một tuổi nhỏ, những năm học, chỉ khác biệt về đời sống, khi đã khôn lớn. Tôi nghĩ đến hai con phố của một Pleiku. Một thấp, bình yên nơi chân đồi. Một cao, chênh vênh nơi đỉnh đồi. Vận và Khoa là như thế. Vận đi luôn. Ở núi, nhưng yêu biển, yêu nắng. Tuần nào cũng đổ đèo An Khê, xuống Qui Nhơn một lần. Thế giới Khoa chỉ là tiệm bào chế và con đường Hoàng Diệu. Cái đích những di chuyển của Khoa là quán Nhớ này. Lần nào phải về Sài gòn lấy hàng và một vạn bất đắc dĩ. Khác biệt vậy mà họ vẫn thân nhau như hồi nhỏ. Tình bằng hữu của đám người trẻ tuổi, tôi nghiệm thấy, thật bền ở một tỉnh nhỏ. Họ không có ai. Hàng ngày gặp nhau. Đúng như lời hát trong bài hát. Phố này cao, phố kia thấp. Nhưng dăm ba thôi, nên thật gần gũi, nên phố tình thân. Những con phố tình thân ấy đến quán Nhớ hàng ngày. Ngồi chung một bàn. Hút chung một thứ thuốc lá. Như thế, mãi mãi. Vận tiến thẳng vào quầy hàng. Nét mặt Vận tươi sáng. Nụ cười hồn nhiên tươi tắn. Ngày sáng dần với Vận. Với Vận, quán thức hẳn. Ấy là Vận tạo cho tôi cái cảm giác đó. Thật ra, ban mai vẫn nhợt nhạt, và sương chưa tan ở bên ngoài, Vận liệng chùm chìa khóa xe lên mặt quầy, kể công: - Bỏ đi Khôngntum sáng nay đấy, bà chủ. Tôi cười: - Nghe đâu đường không an toàn lắm ở khúc gần Chu Pao. Lên Khôngntum có chuyện gì vậy. - Hẹn. - Ai? - Một nàng tiên nhỏ của tôi. Câu nói được nối tiếp bằng một tiếng cười lớn, nghịch ngợm vui thú. Huyền và tôi bật cười theo. Những nàng tiên nhỏ của Vận ở khắp nơi. Vận đã đưa một vài nàng tới quán. Nàng Ban Mê Thuột. Nàng Qui Nhơn. Nàng Ban Mê Thuột xanh như lá và gầy như liễu. Nàng Qui Nhơn da bánh mật mini jupe cũn cỡn, ngồi vắt chân và hút thuốc lá đen. Có cả nàng từ tận Sài gòn lên, mặt trát phấn môi son ướt nhẫy. Với những nàng tiên nhỏ ấy, Vận phân phát những mảnh tình đồng đều, khá thắm thiết, khá thành thật. Nhưng thế thôi, không lao đao, mê đắm. Tôi nghĩ đến Vận như một chuyến tầu, những người tình của Vận như những ga sép. Tàu tới, ở lại. Rồi lăn tới những ga khác, và không có cuối đường, chưa có ga chính. - Sao không đi? Tôi hỏi. Vận trợn mắt: - Ai đưa bà ra phi trường đây? Tôi nghiêm mặt: - Không có anh thì thôi ra phi trường. Tôi hơi hối hận đã hứa đi đón Khoa. Vận nhíu mày: - Sao vậy? - Tôi có thể tạo ra một hiểu lầm. - Cho ai? - Cho Khoa trước hết. Tôi và Khoa cũng như tôi với Vận. Bạn. Chưa có chuỵên khác. Vận nghịch với chùm chìa khóa. Băng nhạc phát ra một bài hát khác. Pleiku phố thấp phố cao nhường chỗ cho một thành phố tây phương, ở đó, những cặp tình nhân tựa vai sánh bước trên những bờ sông, dưới những gầm cầu, một đêm trăng sáng. Vận gật gù: - Khoa không nghĩ thế đâu nhé. - Đó là cái quyền của Khoa. Vận lắc lắc chùm chìa khóa: - Vậy đi đón hay không đi đón? - Đi chứ. Uống cà phê đã. Vận nhìn đồng hồ, cái đồng hồ của Khoa treo trên đầu quầy. - Thì uống chỉ sợ muộn thôi. Gió thổi mạnh. Trời lạnh. Buổi sáng run rẩy nhợt nhạt cho đoán thấy một nền trời xám, trần mây thấp, nặng chĩu, những cánh rừng mịt mùng, những đỉnh núi nhòa nhạt. Nắng có lên được, cũng phải gần trưa. Mưa có thể đổ, bất cứ lúc nào. Một buổi sáng cũng xám ngắt và lộng gió như thế này, tôi đã phải chờ ở phi trường Tân Sơn Nhất gần hai tiếng đồng hồ. Đó là lần hai chị em từ Sài gòn trở về Pleiku khi chiến sự đã lắng dịu. Sáng hôm đó, Pleiku điện về là trời tây nguyên xấu, sương mù kín đặc, trần mây thấp, máy bay chưa thể hạ cánh. Trường hợp này xảy ra luôn. Vào mùa này. Nhiều buổi sáng, tôi nằm trong chăn nghe tiếng máy bay ầm ì trên đầu. Tiếng máy lượn vòng. Nhiều lần rồi xa lảng mất hút. Ấy là những chuyến máy bay đã vào không phận Pleiku, phải quay trở về. Vì không đủ điều kiện cho một an toàn đáp xuống. Một vài người khách lục tục kéo tới. Những khuôn mặt quen biết. Những sự thường xuyên làm đầy quán Nhớ. Thập ở đầu phố. Chủ nhân một tiệm sách nhỏ. Cũng là người khách hàng khó tính nhất. Phin cà phê của Thập phải tôi pha Thập mới chịu. Nhạc ở đường Phan Bội Châu. Dạy học ở trường cộng đồng, nhưng lúc nào cũng đầu bù tóc rối, cái nhìn hoang vu, dáng điệu thi sĩ. Nhạc là của những ngụm trà tầu đắng chát, nóng bỏng đầu lưỡi, đựng trong những cái chén hạt mít khề khà, trầm ngâm hàng giờ như một ông cụ già. Cả hai cùng thất tình, cùng già trước tuổi. Trường hợp Nhạc trầm trọng hơn. Người yêu của Nhạc là Ngân. Ngân là bạn tôi. Ai cũng đinh ninh họ sẽ lấy nhau. Chủ nhật nào Nhạc cũng đến đón Ngân, hai người đưa nhau lên Biển Hồ hay tới Suối Mơ tình tự. Rồi thình lình là sự tan vỡ. Ngân về Sài Gòn, lấy chồng. Con nhỏ dịu dàng, ăn nói nhỏ nhẹ, không ngờ mà quyết liệt tàn nhẫn. Sự đoạn tuyệt như một nhát chém cắt đứt trái tim mềm yếu của Nhạc thành một vết thương máu huyết đầm đìa. Đến quán, Nhạc thường ngồi riêng một góc. Thất lạc. Rũ rượi. Tôi biết Nhạc vẫn ôm cái hy vọng mong manh, hão huyền là một ngày Ngân sẽ trở về. Nhưng con nhỏ, trước khi đi, đã nói với tôi là Pleiku không bao giờ còn thấy mặt nó nữa. Nhạc vào quán, lẳng lặng đến ngồi ở chỗ cũ. Thập thất vọng ra mặt khi thấy tôi sửa soạn ra khỏi nhà: - Đi đâu vậy Ngọc? Tôi nhìn Vận, cười: - Đi đằng này một chút. - Ai pha cà phê cho tôi đây? - Huyền. Thập giận dữ nói lớn: - Huyền pha tôi không uống. Tôi muốn ở lại. Pha một ly cà phê. Dọn một khay trà tầu. Làm vui lòng Nhạc. Làm vừa ý Thập. Những người khách hàng trẻ tuổi, khó tính và u uất này của tôi, mỗi lần tới quán là muốn có tôi ở trước mặt, ở bên cạnh họ. Chẳng phải họ yêu tôi, như Khoa. Mà cần. Tôi làm đầy những buổi sáng, làm ấm những buổi chiều của họ. Trên những con đường ướt đẫm sương đêm hay lất phất mưa bụi họ bước những bước co ro trong giá lạnh, với mục đích đến quán Nhớ là để thấy tôi đứng ở sau quầy. Lâu dần với đám người trẻ tuổi lãn g mạn và cô đơn này, có như là tôi đã trở thành một có mặt đầy yên tâm. Tôi chẳng hiểu tại sao lại như thế. Nhưng sự thật và cái không khí của quán Nhớ tới mùa lạnh này là như thế. Tôi đưa mắt nhìn Vận. Vận chỉ đồng hồ lắc đầu. Chúng tôi chỉ còn đủ thời giờ ra phi trường, trước giờ máy bay hạ cánh. Tôi ôn tồn: - Không chịu Huyền pha thì pha lấy mà uống vậy. Ngồi chơi, tôi về ngay. Đoạn tôi theo Vận ra xe. Gió ngớt. Một trận mưa phùn đã dấy. In lên một nền trời màu xám, mưa thả xuống những hạt ly ty. Mặt đường, những cạnh đá ướt loáng. Chiếc xe díp của Vận ghếch đầu lên một bờ cỏ. Bốn bánh xe lấm đầy bùn đất, thứ bùn đất đặc biệt của Pleiku quánh đặc, đỏ khé. Kính xe mờ hơi nước đọng. Ban mai vẫn là một khuôn mặt nhợt nhạt, thiếu máu. Như khuôn mặt của Nhạc, của Thập tôi vừa bỏ lại trong quán. Pleiku sáng nay không có trời, trời nối liền với mặt đất bằng triệu tơ mưa đọng lại thành những cái búp long lanh trên từng đầu ngọn cỏ. Vận lên ngồi trước tay bánh. Tôi lên ngồi cạnh Vận. Quán Nhớ nhìn từ mặt lộ có một mặt tiền thật tiều tụy, xập xệ. Trên quán vẽ trên tấm bảng gỗ. Nét vẽ của Dã Thụy xiêu đổ, lệch lạc. Tấm bảng treo nghiêng, mầu sơn của chữ đã phai lạt. Bực thềm vào quán long lở. Vòm cửa tối thẳm. Con phố chạy dài với hai bờ cỏ um tùm tràn chiếm. Tiếng nhạc từ trong quán vọng ra, chậm và buồn lê thê. Tôi nghĩ đến Nhạc đang trầm ngâm, Thập đang cúi đầu, mỗi người ngồi một góc, mỗi người lưu đầy trong nỗi đau riêng. Đến một Pleiku đau tim, đau thần kinh, đang bất động nhìn những giọt cà phê buồn thả xuống một đáy ly, nghe mưa và tưởng nhớ đến những cuộc tình đã mất. Chiếc xe chuyển bánh. Từ quán Nhớ ra phi trường Cù Hanh, đường dài đúng sáu cây số. Tôi ngồi ngay ngắn, cài hết hàng khuy của chiếc áo len dài tay mà vẫn cảm thấy hơi lạnh thấm đầy vào da thịt. Xe tăng dần tốc lực. Tôi nhìn sang hai bên đường. Pleiku đã thức giấc, nhưng cặp mắt ngái ngủ còn ngơ ngác và chứa đầy phiền muộn. Qua mấy phố chính. Những chiếc xe lam buông mui kín mít mệt nhọc leo lên những con dốc. Một vài đám đồng bào thiểu số từ trong núi ra, ngồi thu lu dưới những hàng hiên. Một gánh cải lương vừa từ Sài gòn lên đầu tuần lễ trước. Cổng đình, mấy tấm biển quảng cáo nhoè nhạt. Xe chạy qua một bót gác. Những hàng cây thoang thoáng. Rồi cảnh tượng bất chợt quang đãng. Trước mặt tôi, hai bên đường chỉ còn là những ngọn đồi thấp. Màn mưa dầy hơn, trắng xóa. Chúng tôi đã ra khỏi tỉnh. Chiếc xe phóng nhanh trên con đường ra phi trường. Từ lúc rời quán Nhớ, Vận và tôi, không nói với nhau một lời nào. Vận nhìn thẳng, miệng hé mở, hàm răng cắn chặt điếu thuốc. Điếu thuốc đã tắt ngấm. Đúng như dự đoán, chuyến máy bay từ Sài gòn lên phải chậm ít nhất là hai tiếng đồng hồ. Phải hoãn tới buổi chiều không chừng. Vận tới hỏi ở quầy hãng máy bay, nhún vai, quay gót, từ từ đi lại chỗ tôi ngồi. - Gần mười hai giờ là sớm nhất. Tôi chép miệng: - Nghĩa là chúng mình phải chờ? Tôi thắc mắc: - Nhưng liệu có máy bay không? Vận hất hàm về phía quầy: - Cái cô áo xanh kia cô ấy nói thế nào cũng có. Chỉ không biết giờ nào. Vận nói tiếp, giọng hài hước: - Cái cô áo xanh đã nói có thì thế nào cũng có. Chờ vậy. Tôi nhún vai nhắc lại câu nói của Vận: - Chỉ còn cách đó. - Thế là ông Khoa làm chúng mình mất đứt với ông ấy một buổi. Làm gì bây giờ đây. Tôi không thấy bồn chồn là mấy. Chẳng phải tôi đã quen lắm với những đợi chờ và đưa đón như thế này. Tôi chưa đi đón ai. Đón Khoa cũng lần đầu. Nhưng mà cái thứ thời gian lê thê của Pleiku thì tôi đã quen và đã sống. Những buổi sáng dài. Những buổi chiều rộng. Những buổi trưa, trưa mãi không sang chiều. Những buổi chiều, chiều mãi không tới đêm. Những đêm vô cùng, vô tận. Đó là thứ thời gian ngưng đọng của Pleiku. Tôi cười, bảo Vận: - Ra nói chuyện với cái cô áo xanh kia đi. Mắt Vận sáng lên: - Một ý kiến hay. Ngọc đứng đây nhé. Tôi đón lấy cái áo mưa trên tay Vận: - Mượn anh cái áo. Ra ngoài mưa một chút. Rời khỏi phòng đợi, tôi đi ra với một khoảng trống bát ngát. Phi trường Cù Hanh là một mặt phẳng trần trụi ngăn cách với những ngọn đồi đối diện bằng một thung lũng hẹp. Phi đạo chạy dài, song song với thung lũng. Ngày tôi và Huyền về Sài gòn, phi trường là một cảnh tượng di tản nhộn nhịp. Máy bay vận tải, trực thăng lên xuống không ngớt. Từng đám hành khách với những hành lý cồng kềnh chen chúc ở phòng đợi. Tình thế đầy ắp chất nổ hiện hình trên những nét mặt lo âu. Những chiếc máy bay là thấp xuống một hướng núi. Những tiếng nổ rung rinh núi đồi. Cảnh tượng đó sáng nay không còn nữa. Tình thế lắng dịu trả lại cho Cù Hanh bầu không khí cô tịch của một phi trường miền núi. Những ngọn đồi xa nằm yên tĩnh dưới màn mưa nghiêng nghiêng. Phi đạo ướt loáng. Tôi đứng trầm ngâm với chiếc áo mưa rộng thùng thình của Vận trên người. Một cảm giác ấm áp chen lẫn với một cảm giác rét mướt. Người tôi nóng dần, nhưng da mặt lạnh buốt. Mưa đậu trên mái tóc trên vai áo. Tôi sống, tôi đứng đó, giữa mưa phi trường với sự cô đơn của mình. Ném tầm mắt tới một hướng núi xa. Nghĩ mình là một đỉnh núi lạnh. Nhìn phi đạo gần. Và không thấy cho mình một chuyến đi nào. Tiếng Vận ở sau lưng kéo tôi ra khỏi giòng mơ màng: - Thấy gì chưa? Tôi lắc: - Chưa. Chắc máy bay không lên. Vận nhìn lên trời: - Sắp tới là đằng khác. - Sao anh biết? Vận cười: - Cô áo xanh nói. Sài gòn báo lên, máy bay đã cất cánh được nửa giờ. Mưa cũng sắp tạnh, Ngọc không thấy sao? Tôi nhìn lên. Mưa còn đều hạt, nhưng mưa sắp tạnh thật. Trời sáng hơn. Những đám mây không ứ đọng nữa, mà chuyển mau trên nền trời. Trận mưa khởi sự chuyển mình kéo tới một vùng trời khác. Rồi tôi nghe thấy một tiếng động. Cái tiếng động thật cao thật nhỏ ấy, lớn dần, thấp dần. Tôi và Vận cùng ném cái nhìn lên biển mây tìm kiếm. Tiếng động đã thật rõ trùm kín phi đạo. Một cái chấm nhỏ hiện ra. Máy bay đã hạ thấp dưới màn mây. Nó lượn nghiêng một vòng và đáp xuống. Người hành khách thứ nhất hiện ra ở khung cửa máy bay vừa mở rộng là Khoa. Khoa đã nhìn thấy chúng tôi. Khoa dừng lại một giây trên đầu thang, vẫy tay rối rít. Vận đẩy tôi: - Tới đón đi. Tôi lắc đầu đứng im: - Chờ anh ấy ở đây là được rồi. Vận bỏ tôi đứng lại một mình, chạy tới chỗ máy bay vừa ngừng. Khoa xách valy xuống thang. Đám hành khách lục tục xuống theo. Xuống khỏi chân thang, đoàn người bước rảo trên phi đạo thành một hàng dài. Khoa trao valy cho Vận, chạy tới. Nét mặt Khoa rạng rỡ. Tôi đứng im nhìn Khoa, nghĩ mình đang làm vui lòng một người. Khoa khỏe mạnh vững vàng như bao giờ. Phút này nhìn Khoa đang hấp tấp chạy tới, tôi vẫn không bỏ đựơc cái ý nghĩ là lấy Khoa, tôi sẽ được sung sướng một đời. Hạnh phúc có với Khoa sẽ là một hạnh phúc đơn giản, bình thường, nhưng bền vững. Tôi còn mơ ước gì hơn? Tôi nhìn Khoa nhủ thầm, một ngày nào đó mình sẽ lấy người đàn ông kia, và sống bình yên, với Pleiku, đến chết. Khoa đã tới trước mặt. Tôi không nhìn thấy ai nữa. Khoa nắm chặt lấy tay tôi. - Chờ lâu chưa? Tôi cười: - Khá lâu. Nhưng không sao. Chỉ sợ chuyến bay của anh phải hủy bỏ. Khoa gật: - Anh cũng sợ thế quá. Ngồi chờ ở Tân Sơn Nhất nóng ruột không thể nào tả được. Chúng tôi đã xưng hô anh em với nhau, từ lâu, không biết tự bao giờ. Đâu như là cái lần đó, chúng tôi đã ngồi với nhau lâu hơn trên cái bờ cỏ cao ngất nhìn xuống Biển Hồ xanh đặc ở phía dưới. Đâu như là cái lần đó, Khoa ở lại quán lâu hơn, trời mưa thật lớn và đêm Pleiku thăm thẳm mịt mùng. Đâu như. Tôi không nhớ. Pleiku đưa Khoa đến tôi, gần như là một đưa tới tự nhiên. Cuộc tình nhẹ nhàng, không đam mê, không thất đảm, là những bước chân khoan thai đi tới từng ngày. Tôi không nhận mà cũng thành ra nhận. Chưa đính ước gì với Khoa mà đã như nhìn thấy trước hôn nhân. Khoa hỏi: - Huyền đâu? - Ở quán. - Có chuyện gì lạ không? Tôi lắc. - Suốt một tuần anh vắng mặt Ngọc làm những gì? - Bán hàng rồi ngủ. Anh chưa kể chuyện Sài gòn cho em nghe. - Sài gòn nóng như một lò lửa. Và con gái Sài gòn không đẹp bằng con gái Pleiku. À anh đã mua quà Giáng sinh cho em. Cho cả Huyền nữa. - Cái gì thế? Khoa làm bộ bí mật: - Về quán sẽ biết. Thôi chúng mình về. Vận đâu nhỉ? Đám hành khách đã vào hết phòng đợi. Nhiều chiếc xe rú máy rời khỏi phi trường. Chúng tôi không nhìn thấy Vận đâu hết. Khoa chạy ra chỗ đậu xe rồi quay trở lại: - Ô hay, nó biến đằng nào rồi. Tôi cười: - Chắc đang nói chuyện với cô áo xanh. - Áo xanh nào? - Một cô chiêu đãi viên. Không chừng Vận đã theo cô ta lên máy bay và còn ở lại trên đó. Khoa cằn nhằn: - Cái thằng Vận đi đâu cũng thế hết. Em đứng đây để anh lên gọi nó xuống. Khoa đi trở lại phía máy bay. Tôi quay đầu, nhìn theo Khoa. Đúng vào cái giây phút này, tôi nhìn thấy người đàn ông. Thoạt đầu, tôi tưởng tôi hoa mắt, nhìn lầm. Những cái sự không thể tưởng tượng được là tôi không nhìn lầm. Cửa máy bay vẫn mở rộng. Vận ở đó thật, Vận đứng giữa khung cửa, tay xách chiếc valy của Khoa. Người nữ chiêu đãi đứng bên cạnh Vận, tà áo xanh của cô ta bay múa theo chiều gió. Chắc Vận vừa nói một câu gì ngộ nghĩnh lắm. Người nữ chiêu đãi bưng miệng cười. Và Khoa thì ngừng lại ở chân thang, ngay cạnh người đàn ông. Y khoác trên tay một cái áo tơi mưa mầu xám nhạt. Một chiếc valy nhỏ đặt dưới chân, người đàn ông quay mặt về phía tôi. Chắc chắn là y đã nhìn thấy tôi, từ lúc tôi đứng chờ Khoa, suốt thời gian tôi nói chuyện với Khoa, trong khi tôi không hay biết gì hết. Toàn thân tôi nóng bừng. Rồi lạnh toát. Sự bối rối ở tôi đã tới cực điểm của bối rối. Hai chân chôn chặt xuống đất, tôi chết sững trong một tê liệt hoàn toàn. Người đàn ông nhìn Khoa, nhìn tôi, yên lặng, đăm đăm. Sự kinh ngạc đồng đều ở cả hai phía. Khoa và Vận trở lại chỗ tôi đứng. Nét mặt Vận tươi rói, hớn hở, như sau mỗi lần Vận được trò chuyện với một người đàn bà xinh đẹp. Tôi đứng chôn chân, nhìn Khoa mà là nhìn người đàn ông qua bờ vai Kkhoa. Y xách va li lên, bước đi. Tôi hoảng hồn chỉ sợ y đi tới. Nhưng không, y không nhìn tôi nữa mà lặng lẽ đi vòng về một hướng. Y bước thong thả, đầu cúi xuống, nét mặt trông nghiêng dưới màn mưa toát ra một vẻ buồn bã khác thường, vẻ buồn bã kỳ lạ tôi không thấy ở một người đàn ông nào. Sự bàng hoàng trong tôi nguyên vẹn. Tự nhiên tôi đâm bực mình với Vận. Nếu Vận không nán lại với người nữ chiêu đãi tôi đã không thấy y. Và y cũng không thấy tôi. Tôi gắt: - Các anh lạ thật. Để tôi đứng dưới mưa thế này mãi sao? Vận và Khoa đờ người nhìn nhau. Họ chưa từng thấy tôi gắt gỏng vì một chuyện nhỏ mọn như thế này bao giờ. Đây là lần đầu. Gắt xong, tôi biết mình vô lý, tối thậm vô lý. Chính tôi tự ra đứng dưới trời mưa bay từ lúc phi cơ chưa tới. Vận kinh ngạc: - Xin lỗi. Bà chị hôm nay khó tính quá. Khoa cau mày trách Vận: - Tại cậu hết. Thôi mau mau đưa Ngọc về kẻo nguy to bây giờ. Tôi không nhìn thấy người đàn ông nữa. Y đã vào tỉnh trước hay còn ở lại phi trường tôi không hay. Vận trao tay bánh cho Khoa lên ngồi ở băng sau. Chiếc xe quay trở lại đoạn đường cũ. Cảnh vật vẫn vậy, mà lại như đã đổi khác. Từ một tâm thức xao xuyến, cái nhìn của tôi không còn là cái nhìn thư thái lúc theo Vận ra phi trường. Thấy tôi lặng im đắm chìm trong suy nghĩ riêng tư, Vận và Khoa cùng không dám gợi chuyện. Như thế, trên một quãng đường dài. Tôi ngồi thẳng, toàn thân bất động, hơi thở hồi hộp đứt quãng. Tôi cố đuổi dạt hình ảnh người đàn ông ra khỏi đầu óc, ra khỏi trí nhớ. Không được, không được. Hình ảnh y chập chờn trước mắt, chung quanh, trong tôi. Phía bên kia khung kính mờ hơi nước. Trên từng ngọn đồi chiếc xe chạy qua và bỏ lại. Kín khắp một vòm trời Pleiku. Và tôi thì là cái phiến gương phẳng lặng của Biển Hồ xanh biếc. Sự phẳng lặng không còn nữa. Người đàn ông thình lình xuất hiện. Như một tảng đá thật lớn ném mạnh xuống hồ làm cho mặt nước tan tác. Như một trận gió lớn ào qua, khiến cho cả cái thế giới bốn mùa tịch lặng của Biển Hồ cũng ào ào nổi gió. Nhiều câu hỏi mọc lên trong đầu óc rối loạn. Y lên Pleiku làm gì? Ai quen y ở cái thị xã khuất lánh này? Y tìm ai, hay tìm tôi? Pleiku chỉ là một chặng đường y dừng chân rồi lại đi tiếp tới những nơi chốn những thành phố khác? Hay y ở lại đây? Câu hỏi sau cùng làm tôi rùng mình. Tôi xin đánh đổi tất cả những gì quý báu nhất của đời tôi để không bao giờ phải nhìn thấy y nữa. Nhưng tôi đã nhìn thấy y. Hai chúng tôi đã nhìn thấy nhau. Pleiku với bốn phía núi rừng vây bọc, từ bao năm vẫn tạo cho tôi, cái cảm giác, cái ấn tượng một thung lũng kín khuất. Hơn nữa, một trú ẩn chắc chắn. Tôi tựa lưng vào rừng gối đầu vào núi sống với Pleiku từng buổi sáng bình yên, từng buổi chiều thư thái. Ở trong một cái vũng ở dước một cái đáy. Cảm giác cũ không còn nữa. Ấn tượng cũ tan biến. Tôi gục đầu thở dài não ruột. Khoa quay sang nét mặt khổ sở: - Em còn giận sao? Vận nói lên ở băng sau: - Tôi không dám vác mặt tới quán Nhớ nữa đâu nhé. Tôi quay lại với Vận: - Hơi mệt một chút. Thành ra tâm tính đáng ghét quá. Xin lỗi Vận. Sự mừng rỡ hiện rõ trên nét mặt Khoa. Vận cười với tôi, thở phào nhẹ nhõm. Mưa vẫn còn lất phất. Nhưng cảnh tượng đã ấm hẳn. Xe vào tới thị xã. Đám người đi lại trên hè đường đông đúc hơn, bây giờ tôi cùng Khoa trở về từ phi trường. Những cửa tiệm mở cửa. Xe dừng lại trước cửa tiệm bào chế. Bầy em nhỏ của Khoa từ trong nhà chạy túa ra. Tôi mới đến tiệm thuốc một vài lần. Giữa tôi và Khoa chưa có gì rõ rệt. Nhưng tin đồn đã bay đi. Pleiku coi như Khoa và tôi đã đính hôn. Sắp lấy nhau, tự nhiên không thể khác. Thấy tôi đám em nhỏ của KHoa đứng sững lại. Chúng mở lớn những cặp mắt tò mò. Tôi ngồi yên trên xe không theo Khoa vào cửa hàng. Khoa hỏi: - Vào chơi không? Tôi lắc: - Em phải về quán. Lát nữa anh đến nhé! Khoa xách va ly xuống xe. Vận trèo lên băng trước. Tôi nói với Khoa: - Em mời hai anh ăn cơm, trưa nay. Tự nhiên tôi muốn thân mật với Khoa hơn. Muốn đi tới. Như Khoa thình lình trở thành một nương tựa, một cần thiết, trước một nguy hiểm đang đe dọa mà tôi không đương đầu, không thể đối phó một mình. Khoa là người khách hàng thường xuyên và thân thiết nhất của quán Nhớ. Nhưng giữ ý, tôi chưa mời Khoa ăn cơm lần nào. Cũng chưa từng mời Vận. Tôi muốn tạ lỗi với họ. Với cả hai người. Sự mừng rỡ ở Khoa gia tăng thành một hạnh phúc toàn vẹn. Tôi mỉm cười với Khoa, nhìn Khoa âu yếm. - Nhận lời không? Khoa gật lấy gật để: - Tất nhiên là nhận. Vận thì sao? Vận làm bộ sợ hãi: - Bà chị đã cho ăn, chối từ làm sao được. Chiếc xe díp rời khỏi nhà Khoa. Tôi bảo Vận cho tôi ghé vào chợ, trên đường về quán Nhớ. Tôi xuống xe vào chợ mua đồ ăn, cho một bữa cơm thật ngon. Tôi muốn chứng tỏ cho Khoa, tôi không chỉ là một người con gái bán quán. Mà còn là một người nội trợ, biết làm bếp, biết làm cho một mái gia đình trở thành một mái nhà ấm áp. Lần đầu tiên, tôi bằng lòng lấy Khoa. Nghĩ Khoa qua hình ảnh người chồng sau này của mình.