Chương 4

Chiều Pleiku xuống mau, như buổi trưa chưa qua, hoàng hôn đã chờ rinh dưới những đáy lũng, trên những đỉnh núi. Chiều Pleiku đến từ nhiều phía. Chiều thả xuống từ đồi cao, cái lưới chiều mênh mông tím thẫm. Chiều dâng lên từ mặt đất, trong sương lam, trên những ngọn cỏ buồn rầu. Rồi bóng tối và những ngọn đèn vàng vọt được thắp sáng. Gió thổi thật mạnh. Quán Nhớ rung rẩy giữa những bìa tường lạnh buốt. Tôi không muốn đi đâu lúc này. Nhưng tôi biết cái việc tìm gặp Đạo không thể đình hoãn được. Thấy tôi mặc quần áo, Huyền kêu lớn:
- Đang mưa, chị đi đâu vậy?
Tôi ngẩn ngơ:
- Mưa thật sao?
Huyền dậm chân:
- Mấy hôm nay, chị như người mất hồn. Quán hàng vắng ngắt. Khách không đến vì trời mưa từ chiều, chị không thấy sao?
Tôi chép miệng:
- Tao chẳng thấy gì hết.
Tôi như người mất hồn thật. Tôi chẳng thấy gì hết thật.Trời đang mưa thật. Tiếng mưa nhỏ, nhưng nghe thấy thật rõ. Giờ này Pleiku đang ướt loáng dưới mưa chiều thả giọt. Chẳng cần mở cửa đi ra, tôi cũng nhìn thấy màn mưa bay nghiêng, những giọt mưa nhỏ xuống từ những chùm lá lướt thướt. Pleiku mưa. Pleiku lạnh. Chỉ có điên mới ra đường lúc này. Vậy mà tôi phải đi. Tôi điên. Tôi điên.
- Lấy cho chị cái áo mưa.
Huyền tròn mắt:
- Đi thật?
Sự tức giận ở tôi thình lình, bất ngờ:
- Tao đùa với mày sao?
Huyền nhìn tôi đăm đăm:
- Tâm tính chị như thế này, chỉ có anh Khoa chịu đựng được thôi.
Tôi quát lớn:
- Tao không cần ai chịu đựng tao hết. Lấy cái áo mưa mau lên.
Huyền lẳng lặng lấy cái áo mưa đến cho tôi. Cái áo mưa cũng là một tặng vật nữa của Khoa. Cái đồng hồ ngoài quầy, cây đèn trong phòng ngủ, như cái áo mưa tôi vừa khoác lên người, tất cả đều là những bằng chứng về tình yêu Khoa dành cho tôi. Tình yêu đó sáng trong và quang đãng như một con đường thẳng băng dưới nắng. Tôi là một con đường khác. Khúc khuỷu, mất hút. Khoa có thể ngờ tôi đang nghĩ đến một người đàn ông nào đó đang làm tôi hoang mang đau đớn? Tôi nghĩ đến Khoa, qua một mặc cảm tội lỗi tràn ngập.
Huyền hỏi:
- Hình như anh Khoa hẹn lát nữa sẽ tới?
- Anh ấy đến, mày nói tao có việc cần phải đi.
- Việc gì vậy?
- Tao không thể nói cho mày biết được.
Không muốn kéo dài câu chuyện, tôi đi nhanh ra phòng ngoài, mở cửa, ra đường. Trận mưa đập thẳng vào mặt tôi ngay từ thềm cửa. Nhưng giọt mưa nhỏ, nhưng nhọn hoắt, lạnh buốt. Tôi đứng ngập ngừng một giây, không biết nên khởi cuộc tìm kiếm từ một hướng phố nào. Pleiku không phải là Sài gòn. Chỉ dăm bảy con phố gần, dăm ba khúc đường ngắn. Nhưng tìm Đạo cũng chẳng phải là chuyện dễ. Tôi đoán giờ này, Đạo đang ngồi ở một quán nước nào đó. Một quán rượu thì đúng hơn. Tôi đã đi chơi với Đạo ở Sàigòn nhiều lần, để thấy Đạo là một tửu đồ chính cống. Chiều nào, Đạo cũng uống rượu. Đêm nào Đạo cũng uống rượu, uống ở những quán rượu, những tiệm nhẩy. Uống ở trong phòng Đạo, những lúc có tôi cũng như những lúc chỉ có một mình. Chai rượu mạnh còn gần Đạo hơn tôi, gấp nghìn lần. Một gần gũi lâu đời và thường trực. Buổi tối Pleiku lạnh như thế này, mưa như thế này, chắc là Đạo đang ở đâu đó, với một ly rượu trên tay.
Ý nghĩ đầu tiên của tôi là đi một lượt mấy quán rựơu nằm rải rác trên mấy con đường lớn. Vào từng quán. Nhìn. Tìm. Hỏi. Cho đến khi gặp. Nghĩ xong mới thấy cái sự tìm kiếm là kỳ quái, không được. Làm vậy, tìm Đạo chưa thấy đâu, chỉ biết chắc chắn là buổi sáng ngày mai, cái việc tôi khoác áo mưa đi tìm một người đàn ông lạ mặt sẽ ầm lên. Sẽ đến tai Khoa. Tôi đang muốn dấu tất cả mọi người. Tôi không thể đi tìm Đạo như thế. Hay là đến kiếm Đạo ở mấy khách sạn? Cũng không được, giờ này, chắc đâu Đạo ở trong phòng. Phân vân không biết quyết định thế nào, tôi bước bừa vào màn mưa trước mặt. Cái áo mưa được cài kín hàng khuy. Cổ áo kéo tới gáy. Người tôi bừng bừng trong cái áo giữ hơi, nhưng hai gò má thì đã lạnh buốt. Mái tóc tôi ướt sũng.
Rời khỏi mấy con đường cỏ mọc um tùm tôi đi dần ra những con đường sáng hơn, đi dần ra mấy con phố chính, vừa đi, vừa đảo mắt tìm kiếm. Tôi đã sắp sẵn mấy câu nói trong đầu. Thấy Đạo, mấy câu nói đó sẽ là mấy câu rất quyết liệt. Tôi sẽ bảo cho Đạo biết là Đạo không có quyền nhìn thấy mặt tôi nữa. Ở Sài gòn, cũng như ở bất cứ đâu. Đạo càng không bao giờ có quyền tìm gặp tôi ở Pleiku này. Tôi sẽ nói cho Đạo về giờ khởi hành của chuyến xe đò thứ nhất. Yêu cầu Đạo lên chuyến xe đò ấy, chiếc máy bay ấy. Rời khỏi Pleiku tức khắc. Tức khắc và không bao giờ trở lại.
Những câu nói đã sắp sẵn trong đầu, những câu nói ấy vẫn chưa được nói ra. Cuộc tìm kiếm kéo dài. Dễ chừng đã gần một tiếng đồng hồ. Hai chân tôi đã mỏi rời. Tôi vẫn chưa nhìn thấy Đạo ở đâu hết. Sự bực bội cơ hồ muốn làm tôi chảy nước mắt. Chưa từng bao giờ trong đời, tôi thấy mình khổ sở, thảm thương bằng những giờ phút này. Cuối cùng, tôi đứng lại dưới một gốc cây. Cảm thấy đầu óc choáng váng, hai vai đau nhức. Chiếc áo mưa thấm nước nặng trĩu. Những sợi tóc dính bết trên trán, cùng với những giọt nước mưa lọt qua cổ áo, thấm vào người. Điều làm tôi lo sợ hơn nữa là Khoa có thể bắt gặp tôi lúc này đứng ngẩn ngơ như một con điên, dưới một gốc cây.
Thôi về nhà, tôi nhủ thầm.
Lúc tôi vừa toan bước ra khỏi gốc cây cũng là lúc tôi nhìn thấy Đạo.
Đạo không đi một mình. Mà với một người đàn bà. Tôi nép vội vào chỗ ẩn, thu mình thật nhỏ ở phía cây tối khuất không có ánh sáng. Mái tóc tôi rót xuống, che gần kín khuôn mặt. Cái áo mưa cổ cao tới gáy. Tôi yên tâm Đạo không thể nhận ra mình và nín thở, tôi chăm chú theo dõi Đạo và người đàn bà đi cùng với Đạo.
Họ từ một phố thấp đi lên, đang chậm bước trên con dốc ướt loáng. Cả hai cùng mặc áo mưa. Họ vừa đi vừa nói chuyện. Người đàn bà nói thì đúng hơn. Họ đã lên hết con dốc và tôi nhận ra người đàn bà là ai. Đó là Mỹ Dung. Mỹ Dung mới nhập tịch đời sống Pleiku, đâu như từ đầu năm nay. Nếu những điều Nhạc kể lại là đúng. Mỹ Dung từ Sàigòn lên, sau một vụ sì căng đan nào đó, khiến người đàn bàn phải lánh mặt một thời gian. Mỹ Dung đã chọn Plẹiu làm nơi lánh mặt. Vẫn theo Nhạc, Mỹ Dung hiện là nữ chủ nhân một nhà tắm hơi vắng khách, vì đám quân nhân ngoại quốc không còn đồn trú ở Pleiku đông đảo như mấy năm về trước.
Tôi biết Mỹ Dung, vì người đàn bà phóng đãng này đã tới quán Nhớ vài lần. Ấn tượng mà tôi còn giữ được về Mỹ Dung là một nhan sắc tuy đã có những nét tàn phai nhưng vẫn còn những vùng lộng lẫy, một thân hình đẫy đà, rạo rực, và một lối ăn nói cực kỳ bạo tợn. Mỹ Dung đến quán Nhớ lần nào cũng với một người đàn ông mới. Tôi còn được biết nhiều chuyện khác nữa, toàn là những chuyện động trời. Như Mỹ Dung sẵn sàng cho lên phòng bất cứ một gã con trai khỏe mạnh nào. Như những người tình của Mỹ Dung, chỉ chưa đầy một năm đã tới một con số nhiều không đếm hết.
Đạo và Mỹ Dung đi ngang qua chỗ tôi đứng. Tôi đứng sát vào gốc cây hơn. Trời đang mưa. Người đàn bà mặc áo mưa mà mùi son phấn ở ả toát ra thơm lừng một khúc đường. Họ đứng lại cách tôi chừng hai thước. Cả hai cùng quay lưng lại. Câu chuyện giữa họ tiếp tục. Mỹ Dung hỏi:
- Đi đâu bây giờ?
Đạo nhún vai:
- Không có ý kiến gì hết.
Mỹ Dung cười:
- Bộ cứ đi mãi dưới trời mưa như một cặp tình nhân mới lớn?
Đạo cúi đầu ngẫm nghĩ rồi hỏi:
- Buổi tối ở đây có chỗ nào vui không?
Mỹ Dung nhún vai:
- Mấy cái quán cà phê tối thui. Thế thôi. Anh thì nhất định không đến mấy cái quán ấy làm gì rồi.
Đạo hỏi:
- Sao vậy?
Buổi trưa Đạo đã tới quán Nhớ. Đứng thật lâu bên kia đường. Sang đường. Gõ cửa quán. Không thấy ai trả lời và mở cửa Đạo mới bỏ đi, Mỹ Dung không biết điều đó. Tôi lắng tai, nghe Mỹ Dung trả lời:
- Mấy cô gái choai choai bán quán không có hợp với anh.
Tôi lắng tai hơn, nghe câu trả lời của Đạo:
- Chưa chắc.
Mỹ Dung cười ngặt nghẽo:
- Còn chưa chắc gì nữa. Em hiểu anh quá mà. Thêm một lý do nữa, quán nào cũng chỉ bán cà phê, không có bán rượu.
Đạo móc túi lấy thuốc lá, châm lửa hút, Đạo châm hai điếu, trao cho Mỹ Dung một. Que diêm sáng lóe, soi tỏ hai khuôn mặt trông nghiêng trong một khoảnh khắc ngắn ngủi. Cả hai cùng thở ra một hơi khói dài. Người đàn ông và người đàn bà đứng nói chuyện với nhau dưới trời mưa thật tự nhiên, thân mật. Chắc họ quen nhau từ lâu. Đã gặp nhau, gần nhau, không biết bao lần. Tôi bỗng có một ý nghĩ khó hiểu. Những người đàn bà Đạo hợp, Đạo thích, phải là những người như Mỹ Dung. Họ cùng một lứa, một nòi. Sao lại có tôi, trong những người đàn bà của Đạo? Ý nghĩ làm mặt mũi tôi nóng bừng. Thì ra tôi chỉ là một trò chơi của Đạo. Một trò chơi chốc lát, không hơn không kém. Điều kỳ là là Đạo còn trở lại kiếm tôi. Người ta không mất công kiếm tìm lại một trò chơi chốc lát.
Cơn mưa ngớt đi. Thay vì những giọt mưa lạnh buốt bay nghiêng, chỉ còn là những tơ mưa chập chờn trong không khí. Đạo và Mỹ Dung chưa chịu bỏ đi. Họ nói chuyện tiếp. Về những quán cà phê tối thui của Pleiku.
Mỹ Dung, giọng vui thú:
- Anh đã thấy Pleiku nhan nhản cùng khắp những quán cà phê?
Đạo gật:
- Thấy.
- Đã vào một quán nào chưa?
Đạo ngập ngừng rồi lắc đầu:
- Chưa. Có quán nào đặc biệt không?
Tôi giật mình nghe thấy Mỹ Dung trả lời:
- Quán Nhớ.
Chừng như câu trả lời của Mỹ Dung làm Đạo kinh ngạc. Giọng Đạo hơi đổi khác:
- A, thế mà anh không biết đấy. Quán Nhớ. Nghe cái tên gợi cảm nhỉ? Quán Nhớ ở đâu, đặc biệt là đặc biệt ở điểm nào?
- Con nhỏ bán quán khá xinh đẹp.
Tôi bị chia xẻ giữa một ý nghĩ bực tức và một cảm giác sung sướng. Một người đàn bà đứng tuổi ít khi chịu khen một người đàn bà khác, trẻ hơn mình, xinh đẹp. Mỹ Dung khen tôi xinh đẹp. Vậy thì chắc là tôi xinh đẹp thật. Tôi chỉ bực tức vì cái giọng nói của Mỹ Dung. Vừa khen tôi đẹp vừa như riễu cợt sự xinh đẹp ấy.
Đạo hỏi:
- Đất này cũng có người đẹp à?
Mỹ Dung cười:
- Gái Pleiku má đỏ môi hồng. Anh không nghe thấy lời một bài hát về Pleiku sao?
- Không.
Đạo lại hỏi, về tôi:
- Đẹp như thế nào? Bằng em?
- Khác. Khó nói lắm. Chỉ thấy mới biết được. Anh muốn tới đó bây giờ không?
Đạo lắc đầu:
- Để lúc khác.
Mỹ Dung cười:
- Lúc khác là lúc anh sẽ đến một mình. Nhưng nói ngay cho anh biết, bông hoa có chủ rồi đấy.
Thì ra Mỹ Dung cũng biết chuyện Khoa đang theo đuổi tôi và Pleiku coi như chúng tôi đã đính hôn với nhau. Tôi thấy Đạo cúi đầu xuống, như đắm chìm trong một suy nghĩ bất chợt. Đạo thôi không hỏi về tôi nữa. Mà nói sang chuyện khác:
- Anh không ngờ gặp Dung ở trên này.
Mỹ Dung:
- Em cũng không ngờ. Thoạt nhìn thấy anh đứng trước khách sạn, em lại tưởng ai. Anh chỉ có thể ở Sàigòn, không thể ở đâu khác. Lang thang lên trên này một mình làm gì vậy?
- Tìm một người quen.
- Ai?
Tôi hồi hộp chờ Đạo nói tên tôi ra. Nhưng không.
- Một người quen, em không biết.
Mỹ Dung cười, gặng hỏi:
- Làm gì mà bí mật thế. Đàn ông hay đàn bà.
Tôi suýt bật cười vì thấy Đạo nói dối ngon lành.
- Một người bạn cũ, từ hồi để chỏm.
- Anh gặp chưa?
Đạo nói dối tiếp, một lần nữa:
- Chưa.
Chừng như không muốn cho Mỹ Dung hỏi thêm, khiến mình phải nói dối thêm, Đạo kéo tay Mỹ Dung:
- Đưa anh đến một chỗ nào có bán rượu.
Đạo và Mỹ Dung đi tới mấy bước rồi rẽ vào con đường phía tay phải. Phần tôi. tôi làm một việc tối thậm vô lý. Là cất bước theo sau. Lẽ ra, tôi chỉ nên có một thái độ giản dị nhất. Là mặc Đạo và người đàn bà. Quên họ đi. Chấm dứt ngay một cuộc theo dõi âm thầm đã trở thành lố bịch. Chỉ cần Đạo quay lại, nhận ra tôi, tôi sẽ biến thành một trò hề cho người đàn bà kia. Nhưng tôi không dừng lại được. Cũng chẳng hiểu tại sao nữa. Phút này, tôi từ chối tìm hiểu con người mình. Chỉ biết con người đó đã rối loạn, mất hết khả năng tự chủ.
Nếu có những người đàn ông có một sức quyến rũ, ghê gớm, ghê gớm vì không làm sao giải thích được. Đạo là một trong những người đàn ông ấy. Những buổi trưa, những ban đêm Sàigòn, cái sức quyến rũ ma quái, mãnh liệt ấy ở Đạo đã tỏa ra. Nó kín trùm, nó vây bọc lấy tôi. Nó là một tảng nam châm khổng lồ, và tôi, tôi chỉ là một cây kim bé nhỏ. Cây kim đã đi theo sức hút của tảng nam châm. Vào phòng ngủ một khách sạn. Tới tận một mặt đêm. Tới những nơi hẹn hò kín khuất. Để nằm tròn trong hai cánh tay y. Về được tới Pleiku, tôi đinh ninh cái sức quyến rũ ấy đã tan biến. Sự thật không phải vậy. Đêm nay, nó lại tác động một lần nữa. Và nó cuốn tôi theo.
Tôi biết giờ này, đám khách hàng trẻ tuổi quen thuộc đã đủ mặt ở quán Nhớ. Thập. Nhạc. Dã Thụy nữa không chừng. Không chừng Khoa vẫn còn ở quán, đang nóng lòng chờ tôi về. Mọi người hẳn đang ngạc nhiên về sự vắng mặt bất thường của tôi. Họ đang bàn tán với nhau về sự vắng mặt này. Nhưng tất cả hình như không còn quan trọng. Chỉ có Đạo là sự quan trọng duy nhất.
Lúc này, Pleiku đã chìm thật sâu vào im lặng, một thứ im lặng dàn rộng, phủ đầy bóng tối. Những ánh đèn tắt dần. Mười cửa tiệm đã chín tiệm đóng cửa. Tôi bước, thất lạc, mắt không rời mái tóc, bờ vai của người đàn ông và người đàn bà đi trước. Họ vẫn vừa đi vừa trò chuyện với nhau. Họ nói gì tôi không nghe rõ nữa. Chỉ thấy, cùng với đêm khuya và cuộc đi dạo kéo dài, Mỹ Dung đã có với Đạo một cử chỉ thân mật hơn. Mỹ Dung khoác tay Đạo, đi thật sát, gần như tựa hẳn vào vai Đạo.
Đi hết con đường thấp thoáng bóng lá tới một ngôi nhà một tầng lầu, Mỹ Dung đứng lại. Tôi nhận ra ngôi nhà là tiệm tắm hơi của Mỹ Dung. Thì ra người đàn bà không đưa Đạo đến một quán rượu nào hết, mà đưa về thẳng nhà nàng. Mỹ Dung không hổ với tiếng đồn chút nào. Đó là một người đàn bà phóng đãng, sống theo ý muốn, và đêm khuya, cho những người đàn ông vào nhà mình.
Như mọi ngôi nhà bên cạnh tiệm tắm hơi cũng tối thui. Tôi tạt mau vào một hàng hiên thấp, nép mình vào một bờ tường. Tiếng Đạo:
- Nhà ai đây?
Mỹ Dung cười:
- Tiệm tắm hơi của con này.
- Đến quán rượu cơ mà? - Đạo hỏi.
Mỹ Dung:
- Rượu trên phòng em còn nhiều hơn rượu ở quán, toàn loại cô- Nhắc lâu năm của Pháp. Thứ rượu anh thích.
Tiếng cười lại nổi lên, lơi lả hơn trước:
- Và còn nhiều thứ khác nữa.
Đạo hỏi:
- Những thứ gì vậy?
- Những thứ làm bằng lòng người đàn ông khó tính nhất trong một đêm Pleiku lạnh lẽo như thế này. Tắm hơi để mở đầu. Đấm bóp là màn hai. Những màn gây cấn sau đó. Được chưa?
Tôi nghe mà rợn người. Mỹ Dung trong đêm là một con hồ ly. Cái đuôi con hồ ly dài lê thê. Tiếng cười của con hồ ly nồng nàn dục vọng. Con hồ ly mới tới Pleiku chưa đầy một năm, bao nhiêu chàng trai mới lớn của Pleiku đã ngã vào cái lưới hồ ly mê hoặc. Tôi nín thở, chờ phản ứng của Đạo.
Đạo gật gù:
- Để coi. Hỏi thăm cái đã. Làm ăn khá không?
Mỹ Dung chép miệng:
- Không khá. Em lên đây đúng vào lúc không còn làm ăn được gì hết. Dan chơi bời ở đây ít lắm. Họ cũng không chơi bời ở đây, sợ mang tiếng. Tiệm tắm hơi của em chỉ là tấm bình phong dùng để che mắt thiên hạ. Em làm ăn ở những mặt khác.
Đạo, giọng ngạc nhiên:
- Những mặt khác là những mặt nào?
- Muốn biết?
- Coi là thế.
Mỹ Dung đập mạnh tay vào vai Đạo:
- Bí mật nghề nghiệp. Nhưng này, nếu chán Sàigòn muốn lên đây làm ăn em cho làm ăn chung với em. Chúng mình công ty. Làm ăn rồi sống luôn với nhau. Lấy nhau.
Đúng là thứ ngôn ngữ của hồ ly. Tôi mím môi lại lắng nghe xem Đạo phản ứng như thế nào. Đạo lừng khừng:
- Để coi. Vào nhà uống một ly rượu đã.
Mỹ Dung lúi húi mở cửa. Tiếng khóa lách tách rồi cánh cửa mở ra. Đèn bật sáng ở phía sau. Cánh cửa đóng lại. Tôi bước ra khỏi chỗ ẩn nơi bờ tường, hoang mang không biết nên có một thái độ nào. Chẳng lẽ tôi đứng đây suốt đêm, tới sáng. Nhưng về ngay cũng lại chưa thể được. Tôi chỉ mới biết Đạo ở khách sạn, chưa biết Đạo ở khách sạn nào. Một phút sau, đèn trên lầu nhà Mỹ Dung bật sáng. Ánh đèn dịu, màu xanh nhạt làm hiện rõ những tấm rèm mỏng trên những bờ cửa sổ. Đạo đã lên tới phòng của Mỹ Dung. Chắc là họ đang cười đùa, đang uống rượu với nhau. Lại nhiều phút trôi qua. Con đường vắng ngắt, không còn một bóng người qua lại. Mưa đã tạnh và sương đêm đax lan đầy. Một vài ánh đèn đường xa xa như những điểm sáng nhòe nhạt vật vờ giữa một biển sương chập chờn xanh biếc. Rừng xa phút này mới thổi cái lạnh của rừng về. Núi xa phút này mới thả cái lạnh của núi về. Đêm Pleiku hàn băng đè nặng xuống hai bờ vai run rẩy của tôi. Cái lạnh cảm thấy ở từng đầu ngón tay, tê buốt trên hai gò má. Tôi sống với cái ý nghĩ hãi hùng là chỉ đứng thêm dăm bảy phút nữa, những mạch máu trong người sẽ đông đặc lại.
Bỗng một cánh cửa trên lầu nhà Mỹ Dung mở toang ra. Tôi hoảng hốt chạy vội vào hàng hiên.
Tiếng Mỹ Dung:
- Lạnh quá, anh mở cửa làm gì vậy?
Tiếng Đạo:
- Lạnh uống rượu mới thích.
Tôi thò đầu cẩn thận nhìn lên. Mỹ Dung đã theo Đạo ra đứng trước khung cửa mở rộng. Ánh đèn từ phía sau họ, làm cho hai cái bóng họ in rõ giữa khung cửa hình chữ nhật. Mỗi người cầm trên tay một ly rượu.
Tiếng Mỹ Dung:
- Anh đang nhìn gì?
- Nhìn về phía khách sạn anh ở.
- Phía nào?
Đạo chỉ tay:
- Phía kia.
Nhìn theo ngón tay trỏ của Đạo, tôi đã biết được Đạo đang ở khách sạn nào. Pleiku chỉ có một vài khách sạn thiếu tiện nghi, khách sạn Đạo ở tuy vậy tương đối vẫn là khách sạn khá nhất. Thế mà tôi không nghĩ ra.
Hai người đứng với nhau một lát. Im lặng. Rồi Đạo cất tiếng:
- Hình như có người ở dưới đường.
Mỹ Dung:
- Có ai đâu?
- Lúc mở cửa, anh nhìn thoáng thấy một bóng người. Thoáng thôi. Rồi không thấy gì nữa.
Mỹ Dung cười:
- Chắc là một bóng lá thì đúng hơn. Giờ này, ở đây, không còn ai ở ngoài đường.
Đạo gật:
- Chắc anh trông lầm.
- Thôi, đóng cửa lại nhé?
Khung cửa được đóng lại. Tôi lặng lẽ rời khỏi chỗ ẩn nấp. Tôi bước thật nhanh, không quay đầu nhìn lại. Tròng mắt tôi ướt đẫm.
Chiếc xe jeep đậu ghếch lên bờ cỏ. Chiếc xe đậu đã lâu, mui xe ướt sũng. Khoa còn ở quán Nhớ. Cả Vận nữa. Họ đã chờ tôi suốt buổi tối. Để chỉ hỏi tôi một câu: "Đi đâu từ hồi chiều đến bây giờ? " Tôi sẽ trả lời Khoa như thế nào đây. Tất nhiên sẽ phải nói dối. Bịa đặt ra một lý do nào đó. Ý nghĩ này làm tôi buồn thê thảm. Tôi không muốn nói dối Khoa. Tôi muốn đối xử với Khoa cũng thẳng thắn, cũng chân thực như Khoa đã dối xử với mình. Chuyện này, từ nay không được nữa,. Không chỉ là nói dối. Mà là tôi còn phải nói dối Khoa rất nhiều lần.
Lúc này, chẳng cần phải có một tấm gương trước mặt, tôi cũng biết thân hình tôi tiều tụy, quần áo nhớp nhúa, mặt mũi nhợt nhạt. Đôi dép đã lấm đầy bùn đất của mấy giờ đi lang thang trên những con đường lầy lội của Pleiku. Tới trước cửa quán, tôi đứng lại nhìn vào. Khách hàng không còn ai, trừ Khoa và Vận. Huyền đứng ở sau quầy, Vận tựa lưng vào thành quầy, nhìn vu vơ. Khoa chống khuỷu tay lên mặt quầy, đầu cúi, nét mặt đăm chiêu, cặp lông mày nhíu lại. Im lặng hoàn toàn. Không ai nói với ai một câu nào. Họ đang chờ tôi về.
Cố tạo cho mình một nét mặt thản nhiên tươi tắn, đằng hắng thật lớn, tôi bước vào nhà, Vận và Khoa cùng giật mình nhìn ra.
Tôi tiến lại gần Khoa:
- Tưởng anh về rồi chứ?
Quay sang Vận:
- Anh chàng này nữa, ở lại quán Nhớ làm gì khuya vậy?
Tôi cười, lạ lùng với chính tiếng cười của mình:
- Hay là hai anh định ở lại đây suốt đêm?
Không một ai đáp lại tiếng cười của tôi. Khoa nhìn tôi đăm đăm. Lần thứ nhất từ ngày hai chúng tôi quen biết nhau, cặp mắt Khoa thoáng lên một ánh ngờ vực buồn bã. Khoa chưa khám phá đựơc sự thật. Nhưng Khoa đã cảm thấy ở tôi một cái gì bất bình thường. Trong một khoảnh khắc, tôi đã muốn nói toang ra hết mọi sự thật. Cho dù là những sự thật không thể nói ra. Quán Nhớ, từ ngày mở cửa, vẫn tắm đẫm trong một bầu không khí cởi mở, thành thực. Gia đình tôi không chỉ là tôi và Huyền. Còn là Khoa, là Vận, và những người trẻ tuổi đến quán hàng ngày, đã trở thành bạn thân. Tôi là kẻ có tội nếu phá hủy đi của mọi người thân bầu không khí tin tưởng và ấm cúng này. Nhưng sự thật đây cực kỳ phũ phàng, cực kỳ tàn nhẫn. Nó sẽ là một tiếng sét đánh xuống làm cho kinh hoàng, làm cho choáng váng. Liệu Khoa chịu đựng được không? Câu trả lời đến ngay với tôi là không. Đời sống của Khoa tươi sáng, bình yên, đặt vững trên một số quan niệm bất biến về luân lý, đạo đức. Tâm hồn Khoa là một tâm hồn trẻ thơ. Chưa từng gặp cái phản trắc. Chưa từng đụng đầu với cái gian dối. Sự thật phũ phàng sẽ giết chết Khoa. Sự thật đó, tôi không thấy còn cách nào hơn là phải che dấu đến cùng. Cho tới khi nào không còn che dấu đựơc nữa.
Tôi ôn tồn:
- Anh đến từ bao giờ?
Khoa nghiêng mặt, hỏi lại:
- Em hẹn anh đến hồi mấy giờ?
- Tám giờ.
- Anh chưa từng sai hẹn với Ngọc bao giờ. Đến tám giờ. Chờ từ lúc đó đến bây giờ. Em không nhớ chúng mình đã hẹn nhau?
Tôi nắm lấy tay Khoa:
- Nhớ chứ.
Khoa nhìn thẳng vào mắt tôi:
- Em đi đâu về?
- Đằng này.
- Đằng này là đằng nào?
Tôi trả lời đã ngu, Khoa hỏi vặn dồn tôi đến chỗ phải nói rõ. Khoa còn ngu hơn. Lúng túng, ngượng thẹn, không biết trả lời thế nào, tôi nổi nóng:
- Em không thích nói cho anh biết, có được không?
Trời đang lạnh. Tôi vừa dội cho Khoa một gáo nước lạnh buốt. Một giây căng thẳng. Ba cặp mắt mở lớn cùng ngó tôi không chớp. Tôi lẳng lặng bỏ vào phòng trong. Tháo chiếc áo tơi mưa khỏi người, thần trí tôi bỗng nhiên bị xâm chiếm bởi một cảm giác mệt mỏi lạ thường. Tôi vừa đi bộ dưới trời mưa. Tôi vừa bật khóc, vì tủi hổ, vì đau đớn. Chỉ trong một buổi tối, tự ái tôi bị tổn thương ê chề, cuộc đời tôi tan nát thành từng mảnh nhỏ. Có ai biết và có ai thương tôi không? Giờ này, người đàn ông kia đang ở gần con đàn bà ấy. Họ đã uống rượu, đã tình tự với nhau. Bây giờ, chắc là một ngọn đèn đã được tắt đi, họ đang làm tình với nhau trên mặt đệm. Tôi nhắm nghiền mắt lại cố sua đuổi hình ảnh Đạo ra khỏi đầu óc. Năm phút sau, tôi trở ra. Khoa, Vận và Huyền vẫn từng người ở nguyên trong vị trí cũ. Đồng hồ trên đầu quầy chỉ đúng mười hai giờ kém mười lăm. Tôi hất hàm với Huyền.
- Đi ngủ đi.
Huyền:
- Em còn phải đóng cửa hàng.
Tôi gắt:
- Chị đóng. Đi ngủ.
Huyền lẳng lặng vào phòng trong. Tôi nói với Vận:
- Anh để tôi được nói chuyện riêng với anh Khoa một chút.
Nét mặt, giọng nói tôi cực kỳ nghiêm trọng. Thường thì những lúc tôi làm ra nghiêm trọng. Vận hay phản ứng lại bằng một thái độ giễu cợt. Lần này không. Tôi nghiêm trọng thực sự. Vận bảo Khoa:
- Về trước vậy nhé?
Khoa:
- Chờ, cùng về.
Vận xua tay:
- Cậu không thấy bà ấy đuổi tôi sao? Để xe lại cho cậu, mai đem trả tôi, tôi về bộ cũng được.
Vận đi ra.
Tôi nhìn theo, yên tâm biết Vận không giận bao giờ, cả những khi tôi khó chịu và đáng ghét nhất. Vận ra tới cửa, tôi gọi theo:
- Mai đến, anh Vận nhé!
Vận quay lại, nhìn tôi, bật cười. Vận định nói một câu gì đó, rồi lại thôi và bước nhanh ra đường. Tôi gọi Khoa:
- Đến đây ngồi với em, chúng mình nói chuyện.
Khoa đến ngồi bên cạnh tôi, nét mặt buồn rầu còn thoáng vẻ hờn giận chưa tan biến. Một phút im lặng. Đêm Pleiku thăm thẳm, đoán thấy sự mịt mùng vô tận ở bên ngoài. Tôi vẽ vẽ ngón tay lên mặt bàn, lựa lời cho một mở đầu khó khăn:
- Anh có biết là trước khi lập gia đình, lấy chồng người con gái nào cũng có một đời sống riêng biệt?
Khoa gật:
- Biết.
- Em cũng có một đời sống riêng.
- Ngọc định đi tới đâu?
Tôi nói, thong thả từng tiếng một:
- Em chỉ muốn anh hiểu cho em như thế. Là em cũng có một đời sống riêng. Em định được cho em những gì về sau này, cũng phải thu xếp cho yên phần đời về trước.
Khoa nín thinh. Rồi hỏi nhỏ:
- Sao nữa?
- Em có những chuyện riêng, không thể nói cho anh biết được. Anh cũng chẳng nên biết làm gì.
- Anh chưa có quyền?
- Không hẳn thế. Không nên thì đúng hơn.
- Em thay đổi ý kiến.
Tôi lắc đầu:
- Em không muốn thay đổi gì với anh hết.
Lòng tôi thực tình muốn hướng về Khoa. Khoa như một bóng rợp, một bến đậu. Tôi không hình dung được cái mai sau của mình ở Pleiku không có Khoa. Càng không thể hình dung được cái mai sau ấy với một người đàn ông khác. Điều kỳ lạ là ngồi cạnh Khoa, như lúc này, rất lứa đôi, rất thân tình, mà tôi vẫn không thấy Khoa với tôi là một. Sự cách biệt vẫn tồn tại. Như hai bờ của một giòng sông. Như triền núi song song tách rời nhau. Vì một thung lũng thăm thẳm đã khơi đào giữa hai triền núi. Tôi không biết làm thế nào để phá hủy sự cách ngăn vô hình mà rõ rệt này. Một ý nghĩ táo bạo bất chợt nẩy sinh trong đầu tôi. Đó là đẩy cả Khoa và tôi tới trước một trường hợp đã rồi. Nói một cách khác, tôi muốn chặt đứt ở nơi tôi một con đường trở về. Rủ Khoa cùng đi tới. Tới một điểm cả hai đứa chúng tôi cùng không lùi đựơc nữa.
Tôi hỏi, âu yếm:
- Anh phải về không?
Khoa kinh ngạc. Tôi chưa từng hỏi Khoa như thế bao giờ.
- Về chứ! Sao?
Tôi thì thầm:
- Em muốn anh ở lại.
Khoa thật thà:
- Để làm gì vậy?
- Ở đây. Nói chuyện với em. Nói chuyện với nhau tới sáng.
Câu nói của tôi là một mời chào. Một mời chào vào tình yêu. Một mời chào lơi lả táo bạo. Phải bằng một cố gắng phi thường tôi mới nói ra được câu nói đó. Nói xong, hai gò má đã nóng bừng vì ngượng thẹn. Bầu không khí lúc này có trợ giúp cho sự táo bạo bất ngờ của tôi một phần nào. Đêm đã khuya. Đêm hoàn toàn yên lặng. Những ánh mờ tỏ ném hai cái bóng lên vì tường. Chúng tôi chưa hòa với nhau làm một, nhưng hai cái bóng đã nhòa lẫn vào nhau. Huyền đã ngủ say. Trời Pleiku buốt lạnh kêu gọi những trao yêu nồng cháy. Khoa chỉ cần làm cái cử chỉ tự nhiên nhất của một người tình. Là vòng cánh tay ôm lấy lưng tôi. Kéo tôi lại. Hôn tôi. Trở thành chồng tôi, mà không cần phải đợi chờ một đêm tân hôn nào hết. Nhưng tôi đã nói là Khoa nghiêm chỉnh quá, trang trọng quá, đạo đức quá và Khoa không phải là Đạo. Tôi tạo cơ hội cho Khoa đi tới, Khoa đã không nắm lấy cơ hội đó.
Nói cho đúng hơn, tôi cố đẩy Khoa tới trước một tình trạng quá ư bất ngờ. Từ ngày quen nhau, tôi chưa từng cho phép Khoa hôn mình. Những buổi ngồi với nhau hàng giờ trên bờ Biển hồ, đi lang thang với nhau trên những ngọn đồi vắng vẻ, dưới những bóng lá um tùm, cái cử chỉ thân mật nhất giữa hai chúng tôi mới chỉ là nắm tay nhau, trao cho nhau những cái nhìn âu yếm. Thế thôi. Chưa khác. Chưa hơn. Thành ra sự dọn đường đột ngột của tôi, Khoa không nhận thấy là một mở đường cho Khoa đi tới.
Khoa lắc đầu:
- Anh phải về cho em ngủ chứ.
Khoa cười:
- Chúng ta có thừa thì giờ để nói chuyện với nhau. Em cần giữ gìn sức khỏe. Hồi này anh thấy em gầy quá rồi đấy.
Khoa đứng lên:
- Thôi anh về, cho em đi ngủ. Sáng mai, anh tới.
Thái độ đứng đắn của Khoa vừa làm tôi bực mình, vừa làm tôi sung sướng. Tôi cố nén một tiếng thở dài và đứng lên theo. Tôi đưa tiễn Khoa ra đường. Con phố chạy qua quán Nhớ đã kín đặc sương mù. Đêm Pleiku lung linh những hình thể mờ nhạt. Sương ôm lấy những bờ cỏ. Sương lan đầy trong những chùm lá. Mặt đường, những cạnh đá ướt loáng. Tôi đứng lặng, nhìn Khoa lên xe. Đèn xe bật sáng. Máy nổ. Khoa đưa tay vẫy. Tôi giơ tay vẫy lại. Chiếc xe lìa bờ cỏ, từ từ lăn vào một biển sương không bến bờ. Tôi nhìn theo. Chưa có tôi, Khoa đã mất. Chưa gần tôi, tôi đã xa. Nhìn theo chiếc xe mât hút mau chóng về một cuối đường tối thẳm, tôi sống với một cảm giác thê thảm là đêm nay, tôi mất Khoa, Khoa đã mất tôi, vĩnh viễn.
Trở vào trong nhà, tôi ngồi xuống chỗ Khoa vừa ngồi. Mặt ghế đã lạnh buốt. Như Khoa vừa bỏ đi, mọi dấu vết của Khoa đã tan biến, không còn gì nữa.
Hai mươi phút sau, tôi tắt đèn phòng ngoài, vào phòng trong. Ngọn đèn ngủ ở đầu giường ném một thứ ánh sáng xanh nhạt lên đống chăn gối bừa bãi, Huyền nằm im trùm chăn kín đầu.
Tôi gọi nhỏ:
- Huyền.
Con nhỏ không trả lời, cũng không cựa mình. Nó đã ngủ từ lâu. Giấc ngủ hồn nhiên bằn bặt. Phút này, tôi thèm được như nó. Thèm được trở lại cái tuổi của nó, cái tuổi thơ ngây, tinh khiết còn ở thật xa ngoài những đam mê, chưa đến tình yêu. Ném ra một tiếng thở dài não ruột, tôi đặt mình nằm xuống giường. Thân thể tôi mỏi nhừ, nhưng đầu óc ráo hoảnh, tỉnh táo. Tôi nhắm mắt lại, cố tìm vào giấc ngủ. Một lát tôi mở choàng mắt lại, nhìn đêm trân trân. Biết rằng đêm nay sẽ dài. Biết rằng giấc ngủ không đến. Biết một ám ảnh đã trở lại, đã hiện hình. Đó là Đạo. Đó là hai tuần lễ tôi ở Sàigòn năm ngoái. Một ngọn đèn nào đó đã thắp lên, chói lọi, trong trí nhớ. Hồi tưởng đi chậm, ngừng lại với từng chi tiết, từng sự việc nhỏ nhặt. Tôi đang nhớ lại cái buổi sáng hôm đó, hai chị em tôi rời cái khách sạn ở đường Trần Hưng Đạo, trở về Pleiku. Tình thế đã tạm yên. Tiếng súng ngớt. Núi rừng lại yên tĩnh như cũ. Và hai chị em tôi, sau hai tuần về Sàigòn lánh nạn, lại trở về. Chúng tôi cho quần áo vào valy, chờ Khoa tới đón ra phi trường. Khoa ở Pleiku về chiều hôm trước. Cái sự tôi không chịu đến ở cùng với Thư mà thuê phòng khách sạn làm Khoa hết sức kinh ngạc. Nhưng kinh ngạc mà thôi, chứ không nghi ngờ gì hết.
Nhớ sáng hôm đó, Huyền đậy nắp va ly lại đã hỏi tôi:
- Đã chán Sàigòn, đã muốn về chưa?
Tôi thẫn thờ:
- Mày thì sao?
Huyền cười:
- Mấy ngày đầu, em nghĩ em muốn ở lại dưới này, mãi mãi. Bây giờ thì chán rồi. Muốn về.
Tôi đáp, đầu óc hoang mang, rối loạn:
- Tao cũng vậy.
Rồi Khoa đến. Rồi hai chị em trả phòng đi ra. Cửa phòng Đạo đóng kín. Đạo và tôi đã không gặp nhau nữa, từ hai ngày trước đó. Chúng tôi đã thôi nhau. Đạo đã lánh mặt tôi. Xuống tới dưới đường, tôi nhìn lên một lần cuối cùng, hy vọng thấy một khung cửa sổ mở rộng. Với Đạo hiện hình trong khung cửa ấy. Nhưng không, cửa sổ phòng Đạo đóng kín. Tôi không còn là gi nữa, với Đạo, từ hai ngày trước cái buổi sáng tôi theo Khoa ra phi trường trở về Pleiku.