Ngoài ra người ta còn có hai cách để bước từ cấp hạ lưu lên địa vị Chúa công không cần nhờ tới tài năng và tiền của. Việc này ta không thể bỏ qua không bàn tới được. Một trong hai cách sẽ được bàn luận kỹ càng khi nói đến các chế độ Cộng hòa. Những cách ấy gồm: Một là người ta xử dụng những phương tiện hiểm ác và tội lỗi để chiếm ngôi chúa tể. Hai là kẻ thường dân trở thành Chúa tể, nhờ ở lòng ái mộ của các công dân khác. Để bắt đầu trình bày cách thứ nhất, chúng tôi xin đưa ra hai tỷ dụ: Một ở thời cổ và một ở thời đương kim, không cần đi sâu vào chân giá trị và quyền hạn của nhân vật trong chuyện, vì tôi xét nếu ai cần, thì chỉ việc theo gương trong câu chuyện là đủ.Tiểu vương Agathocle tỉnh Sicile trở thành Quốc vương xứ Syracuse, trước kia không được hạng công dân bực trung mà chỉ là hạng thấp hèn nhất trong xã hội. Còn một anh thợ đồ gốm, từ bé đến lớn ông sống cuộc đời đầy tội lỗi của kẻ hèn ác. Nhưng sự hèn ác này lại đi đôi với một nghị lực và một sức mạnh kinh khủng cho nên trong quân đội, từng bậc một, ông đã thăng quan tiến chức một cách mau chóng. Chẳng bao lâu đã là Quản quân của thành Syracuse. Tới được địa vị này, trong trí óc ông đã nảy ra tham vọng làm Vua. Từ lúc đó, ông lập tâm nắm giữ lấy quyền lộc mà mọi người đã ban cho ông. Ông bèn bí mật liên kết với quân của tướng Amilcar xứ Carthage đang chiến đấu trên đất Sicile. Thế rồi, một buổi sáng kia, ông hội họp dân chúng đông đảo đồng thời chiêu tập đầy đủ Hội viên Thượng Hội Đồng, và các nhân sĩ giàu sang có thế lực trong thành, nói là để bàn luận việc nước. Khi mọi người có mặt đông đủ ông ra lệnh hạ sát hết sạch. Sau đó ông dùng sức mạnh để nghiễm nhiên nắm quyền thống trị toàn xứ không cần đến bầu cử, đề cử của nhân dân.Ngoài chiến trường ông bị thua hai trận. Quân của dân Carthaginois bao vây thành trì của ông, nhưng ông vẫn đủ sức bảo vệ. Ông lập kế để lại bên trong một phần quân cầm cự, còn một phần ông kéo sang Phi Châu đánh vào đất đai sào huyệt của dân Carthaginois. Bọn này phải bỏ cuộc vây thành, rút quân về nước để rồi thỏa hiệp với ông chia đất đai. Dân Carthaginois chiếm giữ Phi Châu, còn ông thì toàn quyền cai trị đảo Sicile.Ai xét kỹ công nghiệp của ông sẽ thấy ông tuyệt nhiên không nhờ chút nào, hoặc nhờ rất ít, vào sự may mắn. Ông lên tới địa vị Chúa công không phải nhờ ơn huệ của ai cả, mà chỉ nhờ bao nhiêu gian lao nguy hiểm phải trải qua, để dần dần thăng cấp bậc trong đạo quân dân vệ. Ông lại phải có bao nhiêu hành động nguy hiểm can trường để giữ vững ngôi Chúa.Phần khác ta không thể bảo ở ông có “Ferocita” [1] được khi ông đang tay giết hại đồng bào, phản bội bè bạn, không có lòng thương xót ai, không tín ngưỡng đạo giáo nào. Với những phương tiện này người ta chỉ có thể chinh phục đất đai được thôi, chứ tiếng tăm danh dự không làm sao có được. Nếu xét tới lòng quả cảm của ông khi xuất nhập nơi nguy hiểm, sự can đảm phi thường trong giờ phút chống đỡ rồi thắng thế những đối phương thù nghịch, ta thấy là ông không nhường bước một vị danh tướng nào khác. Nhưng khốn nỗi những thú tính tàn ác, vô nhân đạo và tội lỗi đây dẫy của ông không cho ta xếp ông vào hạng vĩ nhân toàn hảo được. Vậy ta cũng không thể nói ông nổi danh là nhờ may mắn hay vì có ferocita được.Bây giờ tôi đề cập tỷ dụ thứ hai ở thời đại đương kim. Trong thời gian Giáo hoàng Alexandre VI tại ngôi thì Oliverotto de Fermo là một đứa trẻ mồ côi được người chú tên là Jean Fogliani nuôi dậy. Còn rất ít tuổi, Oliverotto đã được giao cho ông Paolo Vitelli dạy binh nghiệp để đến khi thành tài sẽ bổ vào một cấp bậc khả quan trong đạo quân Quốc vệ. Sau khi Paolo từ trần Oliverotto được chuyển sang dưới quyền chỉ huy của người anh em của Paolo, tức là Vitellozzo. Cbẳng bao lâu hắn trở nên đệ nhất chiến hữu của vị chỉ huy, nhờ trí óc thông minh lanh lợi, tinh thần quả cảm, thân thể cường tráng. Nhưng lòng hắn lại ấm ức, coi địa vị của mình là ti tiện, khi còn phải lệ thuộc vào một người khác. Cho nên hắn dự tính làm chuyện lớn bằng kế lợi dụng tình trạng tinh thần suy nhược của dân xứ Fermo - họ ưa thích một nền thống trị hơn là tự do - với sự ủng hộ của chú soái Vitellozzo hắn tìm cách mang quân chiếm giữ toàn xứ Fermo. Thế rồi một ngày kia hắn viết thư cho chú là Fogliani tỏ ý muốn bái yết và nhân thể thăm tỉnh thành, vì đã đi chinh chiến vắng lâu, nay muốn nhìn lại quê hương. Lấy cớ là đã chịu khổ bao năm chỉ mong được danh giá như ngày nay, và muốn để cho đồng bào trong tỉnh biết là từ xưa tới nay hắn đã không lãng phí thời thiếu niên, nên hắn tỏ ý muốn trở về như một nhân vật quan trọng được dân chúng đón tiếp cực kỳ huy hoàng. Hắn sẽ vào thành với một đội kỵ mã cận vệ một trăm binh sĩ và một đoàn bạn hữu và nhân viên tháp tùng. Hắn lại khéo nói là như vậy danh dự không riêng gì cho hắn mà cho cả người chú đã nuôi dưỡng hắn lúc thiếu thời. Được thư, ông chú sướng qua, ra công tổ chức một cuộc nghênh tiếp cháu thật chu đáo huy hoàng. Sau khi đón tiếp long trọng, ông chú nuôi nhường luôn cho cháu ở ngay trong dinh. Sau mấy ngày toan tính thực hiện những hành vi tội lỗi dự trù, hắn tổ chức mọi yến tiệc vô cùng long trọng mời ông chú và các nhân vật quan trọng tới dự. Khi tiệc xong, các món du hí cũng chấm dứt, Oliverotto vờ vĩnh đưa ra bàn luận một vài vấn đề, quan hệ trong xứ, như khen ngợi uy danh và sự nghiệp của Đức Giáo hoàng Alxandre và Cesar, con Ngài. Ông chú cùng tham gia thảo luận. Hắn liền đứng phắt dậy tuyên bố “Ở đây ta bàn việc lớn, vậy yêu cấu tất cả quý vị cùng vào phòng kín để tiện bề trao đổi ý kiến”. Ông chú và các bạn hữu đều theo vào phòng. Ai nấy vừa an tọa thì lũ lính cận vệ từ nơi kín nhảy xổ ra thẳng tay chém giết cả ông chú lẫn đồng bọn không còn sót lấy một người. Sau cuộc tàn sát này Oliverotto nhảy lên yên ngựa chạy vòng khắp đô thành rồi hô lính đến vây chặt lấy dinh Giám Quốc Tối Cao. Toàn thể nhân dân kinh hãi tuân theo mệnh lệnh răm rắp. Hắn liền lập nên một chính phủ dưới quyền lãnh đạo của hắn. Và sau khi đã tiêu diệt hết những kẻ bất mãn về vụ này, xét ra có thể hại hắn, hắn củng cố địa vị bá chủ hết sức chú đáo do kế hoạch mới, soạn thảo lại và ban bố các luật lệ mới về phương diện quân chính cũng như dân chính. Cho nên chỉ trong khoảng một năm hắn ngồi vững trên ngôi Chúa công xứ Fermo. Các lân bang phải kiêng nể. Về sau này Cesar Borgia đã phải mất khá nhiều công lao và mưu lược mới diệt được Oliverotto. Vị Chúa công Fermo và vị sư phụ Vittellozzo đã truyền cho hắn “ferocita” và sự nham hiểm hèn ác. Hắn bị người của Cesar Borgia phục kích giết chết tại Sinjgaglia, nơi mà bọn Orini và Vitelli đã bị Cesar giết. Màn hài kịch này xảy ra, một năm sau ngày Oliveretto giết chú.Đến nay chúng ta có thể đặt câu hỏi vì sao Agathocle cùng những tên tương tự, sau bao nhiêu hành vi phản bội và tàn bạo, vẫn sống yên được lâu năm trên đất nước nhiều khi lại còn đánh bại được cả kẻ thù ngoại bang mà không bị đồng bào của họ nổi dậy chống đối? Trong khi đó thì nhiều kẻ không giữ nổi địa vị ngay trong thời bình chứ chưa nói là thời loạn lạc rối ren. Tôi tưởng có thể là vì họ biết xử dụng những thủ đoạn tàn bạo đúng lúc, đúng cách.Nếu bảo có cái dở và có cái hay, thì người ta có thể bảo một thủ đoạn tàn bạo là hay khi nào nó được xử dụng chỉ một lần thôi, vào đúng lúc tối cần cho sự an ninh của nhà cầm quyền. Nhưng nó cũng phải có phần lợi càng nhiều càng hay cho dân gian. Thủ đoạn tàn bạo là dở khi bắt đầu thi hành thì nhẹ tay quá rồi dần dần trở nên ác liệt. Theo đúng phương pháp thì lúc đầu phải ác liệt ngay rồi dần dần nhẹ bớt đi.Kẻ nào dùng thủ đoạn hay, về sau có thể được cứu nguy do đức khoan hồng của Thượng đế và loài người, như trường hợp của Agathocle trên đây. Còn kẻ khác xử dụng thủ đoạn tàn bạo dở thì thật không sao cứu vãn được.Do những điều kể trên, ta phải nhắc cho kẻ nào khi mới nắm quyền chính một xứ, nếu xét cần phải, dùng cả và dùng ngay một lượt để về sau ngày ngày khỏi phải nghĩ tới nữa. Có vậy thì mới trấn tĩnh được nhân tâm, thu phục được nhân dân về phía mình bằng công tác ân đức tốt lành do mình ban phát dần dần sau này.Kẻ nào nắm chính quyền mà theo một đường lối khác do sự tính toán sai lạc, hoặc vì luôn luôn ưu tư sợ hãi thì bắt buộc phải thủ sẵn trong tay một con dao găm. Trong lòng chẳng dám tin ai, ngay cả bọn cận thần, thân tín, trái lại bọn này cũng hết tin tưởng vào Chúa vì luôn họ phải nhận chịu những lời trách mắng gây gắt.Vậy ta phải: nếu cần làm điều ác, thì làm ngay cả một đợt, vì thời gian càng ngắn bao nhiêu thì nhân dân sẽ nếm mùi cay đắng ít đi bấy nhiêu. Nếu là những điều thiện thì ta cứ từ từ mà ban bố để cho nhân dân thưởng thức lai rai, thấm thía kỹ càng hơn.Thêm nữa một Chúa công lúc nào cũng nên cùng với dân gian, cùng lo cùng tính tất cả các việc trong nước phòng khi nhỡ ra những biến cố dù hay, dù dở, họ sẽ không nghĩ tới việc cần thiết phải thay vị đổi ngôi đối với Chúa.Bởi vì một khi thời thế biến đổi, gặp lúc không thể thi hành thủ đoạn khắc nghiệt được nữa thì dù có thi thố điều thiện cũng chẳng có lợi gì, dân gian đã biết rõ là Chúa đang lâm vào thế phải làm như vậy, nên họ cũng sẽ chẳng mang ơn chút nào.Chú thích:[1] ferocita: nghĩa tự điển: sức sống mãnh liệt của hoang thú. Theo Machiavel: ferocita là một đức tính mà các lãnh tụ cần có.