Những cây phượng vĩ trong trường đã bắt đầu trổ bông đỏ báo hiệu mùa hè đang tới. Ngồi trong lớp học chúng tôi đã có thể nghe được tiếng ve sầu kêu da diết ngoài sân. Mấy học trò chúng tôi không còn tâm trí nào để học nữa, có đứa bâng khuâng vì sắp xa trường xa bạn, có đứa thì mừng rỡ vì sắp được ở nhà nghỉ gần ba tháng không phải làm gì và cũng có đứa thì nô nức vì sắp được cha mẹ gửi về quê thăm dòng họ. Tuy nhiên hầu như các bạn trong lớp tôi đứa nào cũng có chung nỗi buồn mang mác, đó là vì năm nay là cuối năm lớp chín. Sang năm lên lớp mười đệ nhị cấp, chúng tôi có thể sẽ không được học chung với nhau. Khi lên lớp mười chúng tôi phải trọn ban, tùy theo ban mình chọn chúng tôi sẽ được sắp vào lớp khác nhau. Những người theo ban văn chương sẽ học lớp A, những ai theo học ban toán lý sẽ vào học lớp C và những ai theo học hóa học, sinh vật sẽ vào học ban D. Những quyển lưu bút đã được mấy đứa con gái truyền tay trong lớp. Tôi và Minh Châu cũng không ngoại lệ, chúng tôi mỗi đứa đóng một quyển sổ lưu bút nhỏ truyền cho các bạn trong lớp viết những lời tạm biệt. Mùa hè mẹ tôi sẽ lên chơi một tuần thăm gia đình dì Hai và anh em tôi. Sau đó chúng tôi sẽ theo mẹ về Sài Gòn ở với mẹ cho qua hết mùa hè. Anh Quốc Dũng, anh Quốc Trung và chị Bích Dung sẽ theo dượng hai về Nha Trang một tuần thăm gia đình bên dượng. Chỉ có dì Hai và chị Bích Phượng ở nhà. Chị Bích Phượng có lý do để không đi, nghe nói anh Tuấn sẽ về nước thăm gia đình vào mùa hè. Anh Quốc Dũng cảnh cáo chúng tôi. - “Ở thị trấn này mùa hè là buồn thê thảm nhất, mưa dầm dề có khi cả tháng, đường phố lầy lội không ai muốn đi đâu. Hai em về Sài Gòn là đúng điệu. Sài Gòn cũng vào mùa mưa nhưng mưa ở dưới đó là những cơn mưa rào, mưa thật lớn thật nhanh rồi tạnh ngay, không như ở đây mưa nhẹ hột nhưng dai dẳng, lất phất và buồn lê thê.” Minh Châu than thở rằng tôi về Sài Gòn rồi nó không biết làm gì cho qua mùa hè. Tôi an ủi bạn, nói sẽ kiếm mua cho nó quyển thơ của Nguyễn Bính mà nó thích về làm quà cho nó. Ở thị trấn nhỏ này, cả chợ chỉ có một cửa hàng bán sách báo cho nên sách vở rất ít oi không nhiều như ở Sài Gòn. Trước khi anh em tôi về Sài Gòn, anh Dũng nhờ anh Quang Hùng kiếm chép lại bài thơ Tháng Sáu Trời Mưa của Nguyên Sa tặng cho Minh Châu. Anh Hùng mau mắn kiếm được ra bài thơ này, anh viết nắn nót lên trên trang giấy trắng, ký tên anh Dũng rồi đưa nhờ tôi đưa cho Minh Châu. “Tháng sáu trời mưa trời mưa không dứt Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa Anh lạy trời mưa phong kín đường về Và đêm ơi xin cứ dài vô tận Mình dựa vào nhau cho thuyền ghé bến Sưởi ấm đời nhau bằng những môi hôn Mình cầm tay nhau nghe tình dâng sóng nổi Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng Tóc em mềm anh chẳng tiếc mùa xuân Trên cuộc đời sẽ chẳng có giai nhân Vì anh gọi tên em là nhan sắc Anh vuốt tóc em cho đêm khuya tròn giấc Anh sẽ nâng tay cho ngọc sát kề môi Anh sẽ nói thầm như gió thoảng trên vai Và bên em tiếng đời đi rất vội Tháng sáu trời mưa trời mưa không dứt Trời không mưa em có lạy trời mưa Anh vẫn xin mưa phong kín đường về Anh nhớ suốt đời mưa tháng sáu” Đương nhiên Minh Châu thích bài thơ này lắm. Lúc trước cả hai chúng tôi đều thích nó nhưng tìm không ra nên tôi bắn tin cho anh Dũng nói Minh Châu thích bài thơ này. Anh Dũng lười biếng, ngay cả đi tán gái anh cũng lười, thế là anh giao cho anh Hùng đi tìm bài thơ. Tìm được rồi anh cũng không buồn chép lại, anh viện cớ chữ anh xấu, nhờ anh Hùng bao thầu luôn. Ông anh tôi thật là thương đệ tử của mình, cũng chịu khó nắn nót viết không than van gì. Thật ra anh làm cũng là vì vụ lợi, anh Dũng vì chuyện này đã phải đãi anh Hùng một chầu kem Duy Long. Tôi chọc anh tôi, nói: - “Em nghĩ anh làm bao nhiêu chuyện như vậy anh mới thật sự là người đi cua bạn em, chứ không phải anh Quốc Dũng.”Anh tôi đỏ mặt. Tôi chưa từng thấy anh bị đỏ mặt như vậy. Anh bào chữa: - “Đã giúp thì phải giúp cho chót, anh không giúp Quốc Dũng thì ai giúp.” Tôi chọc thì chọc vậy thôi, tôi biết anh tôi và chị Kim Điệp có tình ý với nhau và là một cặp Kim Đồng Ngọc Nữ của lớp.Mẹ tôi lên thị trấn chơi với chúng tôi một tuần sau đó anh em tôi theo mẹ về Sài Gòn. Chúng tôi về Sài Gòn chỉ được chừng hơn hai tuần thì có điện của dì Hai báo tin chị Bích Phượng bị bịnh. Dì muốn chúng tôi quay về sớm giúp dì chăm sóc cho chị. Thế là hai anh em tôi chuẩn bị đồ đạc về ngay. Dì nói mẹ tôi không cần lo lắng, chị đã qua cơn nguy hiểm rồi, mẹ không cần phải lên, dì chỉ muốn nhờ tôi lên chăm sóc cho chị, tôi là con gái, ở chung chăm sóc cho chị sẽ tiện hơn. Mẹ tôi tuy cũng rất lo lắng cho cháu gái và muốn lên theo nhưng vì mẹ cũng mới vừa nghỉ phép về nên cũng khó xin đi thêm. Mẹ dặn tôi lên nói với dì Hai mẹ sẽ cố gắng xin phép và lên sớm thăm dì lần nữa. Sau đó hai anh em tôi lên đường trở về Bảo Lộc. Khi lên tới thị trấn trời đã vào chiều, chúng tôi hối hả đi bộ từ bến xe về nhà ngay. Dì dượng Hai lúc đó đều có mặt ở nhà, có lẽ dì Hai đã đóng cửa hàng sớm và dượng Hai thì không đi làm. Dì dượng Hai mỗi người ngồi một ghế không ai nói một lời. Anh Quốc Dũng và anh Quốc Trung đang ngồi ở gần đó cũng không nói gì. Chúng tôi không thấy chị Bích Phượng và chị Bích Dung trong phòng. Thấy chúng tôi về đến cả nhà mừng ra mặt, mọi người đứng lên chào đón anh em chúng tôi. Chúng tôi chào hỏi cả nhà và nhắn lời hỏi thăm của mẹ tôi. Sau đó chúng tôi lấy những món quà mẹ mua tặng giao cho dì. Không chậm trễ tôi nóng lòng hỏi thăm dì dượng chuyện gì đã xẩy ra. Dượng Hai không nói gì chỉ đưa mắt nhìn vợ tỏ ý nhường cho dì Hai nói. Mặt của dượng đầy vẻ hốc hác. Dì Hai thì trông tiêu tụy rất nhiều, hai mắt dì sâu đi có lẽ vì khóc và mất ngủ. Dì nắm tay chúng tôi nước mắt trào ra, mếu máo bắt đầu kể cho chúng tôi nghe chuyện. Dượng Hai dường như không muốn nghe nhắc lại câu chuyện nên bỏ bước ra vườn sau. Dì Hai bắt đầu tiếng được tiếng mất: - "Các con về dì thật là mừng. Có người coi chừng cho chị Phượng dì cũng yên tâm. Mấy hôm nay dì phải đóng cửa tiệm ở nhà coi nó. Lạy trời phật nó đã qua khỏi không còn nguy hiểm gì. Dì tưởng dì đã mất đứa con gái này rồi…” Nói đến đó dì vì quá ngẹn ngào không nói thêm được nữa và sau đó chỉ khóc. Cả tôi và anh Quanh Hùng đều sửng sốt vì lời kể vắn tắt không đầu đuôi này. Lúc ở Sài Gòn chúng tôi tưởng chị Bích Phượng chỉ bị bịnh sao đó, không ngờ lại đến nỗi nguy hiểm như vậy. Tôi dìu dì ngồi xuống ghế và lấy khăn cho dì lau nước mắt. Tôi cố gắng an ủi cho dì bớt cơn đau buồn. Anh Quốc Dũng lấy đưa lại cho dì ly nước. Anh Quang Hùng cũng ngồi xuống ghế bên cạnh chờ cho dì Hai kể tiếp. Sự chờ đợi của chúng tôi thật là dài mà dường như dì Hai cũng vẫn chưa lấy lại giọng bình thường để kể tiếp. Anh Quốc Dũng nhìn chúng tôi dáng điệu như muốn thay mẹ kể tiếp nhưng lại không biết nên kể bao nhiêu dấu lại bao nhiêu. Một lúc sau dì Hai dường như đã trấn tỉnh lại được mình, dì đưa tay quẹt nước mắt nói với tôi: - “Dì mừng là cháu về đây sớm như vậy. Thật ra dì chỉ mong một mình cháu về là đủ rồi, dì không muốn phải làm phiền đến Quang Hùng. Cứ để Hùng nó ở lại Sài Gòn nghỉ qua hết mùa hè cũng được. Nhưng Quang Hùng đã về đến đây rồi như vậy càng tốt, dì có thêm người nhờ cậy. Mấy đứa nhỏ còn lại trong nhà còn dại lắm không nhờ được như hai cháu đâu.” Dì cầm ly nước lên uống vài hớp nhấp giọng sau đó tiếp tục kể lể. Lần này giọng dì đã bớt thổn thức hơn lúc nãy. - “Con bé Phượng thật là dại dột. Dì không ngờ nó ngu dại như vậy. Nó nhận được thư của thằng Tuấn nói đã có người yêu khác rồi, nó khuyên con Phượng quên nó đi và đi lấy chồng đi. Mùa hè này thằng Tuấn nó không về.” Tôi và anh Quanh Hùng nhìn nhau chưng hửng không dằn nổi vẻ ngạc nhiên, nhớ lại trước lúc tụi tôi đi chị Bích Phượng vẫn còn háo hức mong anh Tuấn về thăm nhà. Tôi lên tiếng hỏi giọng đầy vẻ ngạc nhiên: - “Chuyện này có lộn không? Con nghe chị Phượng nói mùa hè này anh Tuấn sẽ về mà?” - “Không lộn đâu. Mấy tháng trước thằng Tuấn thật có nhắn tháng Sáu nó sẽ về. Nhưng bây giờ nó lại viết thư nói nó không về nữa, nói để đến sang năm ra trường thì về luôn. Nó nói con Phượng đừng chờ nó nữa.” Tôi vẫn không tin nơi những gì mình nghe. Chắc phải có ẩn khúc gì. Anh Tuấn không thể nào là người như vậy được. Một năm sau này, theo như chị Phượng kể, thì anh không còn thư từ thường xuyên như trước nhưng tình cảm hai người vẫn còn thắm thiết lắm.Dì Hai kể tiếp: - “Con Phượng nó đọc thư xong nó buồn lắm. Nằm trong phòng khóc lóc suốt ngày. Dì đã an ủi nó biết bao nhiêu. Chừng mấy ngày sau dì thấy nó đã không còn khóc nữa nên dì nghĩ nó đã nguôi ngoai rồi. Ai dè….” Nói đến đây dì Hai lại nghẹn ngào, nước mắt chảy ròng. “Dì thấy nó không không còn khóc nữa và đã chịu đi ra ngoài phòng gặp mặt mọi người trong nhà. Nhưng đâu có ngờ ngày hôm sau nó uống nguyên cả một chai thuốc nhức đầu tự tử. Ôi đây cũng là lỗi của dì. Dì không tròn phận làm mẹ. Con dì nó đang trong tình trạng đau buồn như vậy dì đáng lẽ ra nên ở túc trực bên nó để an ủi và canh chừng nó. Nhưng thật ra dì tưởng nó đã không sao. Cái thái độ của nó thật là làm cho mọi người lầm lẫn.” Tôi ngồi chết trân nghe dì Hai kể. Tôi không ngờ sự tình lại diễn tiến ra đến mức đó. Sao chị Phượng lại có thể làm ra chuyện như vậy. Anh Quang Hùng hỏi, giọng đầy kinh ngạc: - “Rồi chị Phượng có sao không? Có cứu kịp chị không?” - “Cũng may mình cứu kịp nó. Nó đợi dì đi ra tiệm, dượng đi làm, còn ba đứa nhỏ đi khỏi nhà nó mới uống thuốc. Nhưng sau khi uống thuốc một lúc lâu thì nó bị thuốc hành ói mửa tùm lum, lăn ra mê sảng. Cũng may Minh Châu ghé ngang nhà, nó thấy con Phượng như vậy nó gọi dì về, rồi dì và Minh Châu kêu xe chở nó vào nhà thương. Bác sĩ phải rửa ruột cho nó. Bác sĩ nói mình mang nó vào nhà thương kịp thời, chậm chút nữa thì không còn cứu được. Ôi con bé này nó thiệt dại khờ. Không có thằng Tuấn này thì có thằng Tuấn khác, việc gì phải hủy diệt bản thân mình như vậy.” Tôi và anh Quang Hùng nhìn nhau. Hai đứa chúng tôi thật không biết nói sao, sự việc xẩy ra ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi. Anh Quốc Dũng từ nãy giờ im lặng, bây giờ thấy mẹ đã kể hết sự tình nên mới dám lên tiếng: - “Chị Phượng mới xuất viện ngày hôm qua. Vẫn cứ nằm trong phòng từ lúc về đến giờ.” - “Nhà mình đã có ai sang bên nhà anh Tuấn để kiểm chứng chuyện này chưa?” Anh Quang Hùng hỏi. - “Có, chị Phượng có qua bên nhà anh Tuấn hỏi thăm. Nhưng những người bên đó tránh, nói không biết chuyện này. Họ chỉ nói rằng anh Tuấn nhắn rằng hè này anh không về. Năm sau thì về luôn, về rồi cưới vợ. Nhưng không nghe anh nói người anh sẽ lấy là chị Phượng.” Anh Quốc Dũng trả lời. - “Sao chị Phượng không đợi để kiểm chứng với anh Tuấn đã.” - “Em không biết. Đó mới nói chị Phượng quá bộp chộp nóng nảy.” Tôi quay qua dì Hai, vuốt vai dì: - “Đáng tiếc khi nhà có chuyện con và anh Hùng lại không có mặt ở nhà.” - “Con đừng nói vậy. Hai đứa về đây lúc này là dì mừng lắm rồi. Dì nhắn con về đây là nhờ con thay phiên dì chăm sóc và canh chừng cho chị Phượng. Dì sợ để nó ở một mình nó lại làm ra chuyện điên rồ này một lần nữa.” - “Dì đừng lo.” Tôi trấn an dì. “Có con và anh Quanh Hùng về đây rồi tụi con sẽ thay phiên nhau chăm sóc chị. Buổi tối con sẽ sang nằm ngủ với chị. Ban ngày thì hai đứa con sẽ không rời chị nửa bước.” Anh Quốc Dũng chen vào giọng phân bua: - “Có anh và hai đứa nhỏ ở nhà rồi mà mẹ cũng không an tâm. Mẹ nói rằng mẹ không tin tưởng giao chị Phượng cho tụi anh.” Tôi nói đỡ lời dì - “Không phải là dì không tin anh. Nhưng càng nhiều người thì càng tốt. Tụi mình thay phiên nhau chăm sóc chị. Vả lại em là con gái, đêm hôm em sang ngủ chung canh chừng chị tiện lợi hơn. Bích Dung còn nhỏ quá nhiều khi ngủ say. Dì thì đã mệt mỏi hốc hác quá nhiều, mình nên để dì được nghỉ ngơi cho lại sức. Vả lại em đoán chắc mấy hôm nay dì đã đóng cửa tiệm gạo. Bây giờ đang mùa mưa, nếu để gạo ngoài đó không ra mở cửa bán cho hết em sợ nó sẽ bị mốc.” Mọi người công nhận lời của tôi là đúng cho nên không ai phản đối gì. Tôi sau đó ngỏ lời muốn lên thăm chị Phượng. Mọi người đều lên theo. Khi chúng tôi vào phòng thì thấy chị Bích Dung đang ngồi đọc sách trên chiếc ghế cạnh giường chị Phượng. Chị Phượng đang nằm đắp mền trên giường, quay mặt vào trong tường, chị dường như đang ngủ. Chị Bích Dung đưa ngón tay lên môi ra dấu cho chúng tôi im lặng. Chị thì thầm nói chị Phượng mới ngủ đừng gọi chị dậy. Do đó chúng tôi khép cửa đi ra ngoài. Anh Quang Hùng mang giỏ xách của chúng tôi lên lầu. Sau khi tắm rửa và sắp xếp đồ đạc ra, chúng tôi xuống lầu phụ dọn dẹp nhà cửa và làm những việc thường hàng ngày trong nhà. Sau đó dì Hai vào phòng thay phiên chị Bích Dung để canh chừng chị Phượng. Dượng Hai không nói chuyện gì nhiều, dượng chỉ im lặng đi qua lại trong nhà hay vào phòng đóng cửa nằm. Nghe tin hai anh em tôi mới về tới, buổi tối sau bữa ăn chiều Minh Châu sang thăm. Vì tế nhị không muốn quấy rầy chị Phượng và những người ở trên lầu, bọn trẻ chúng tôi không ra ban công ngồi như thường lệ mà ra sau nhà ngồi ở xích đu nói chuyện. Tôi và Minh Châu ngồi ở xích đu, còn anh Quang Hùng và ang Quốc Dũng kéo ghế ngồi cạnh đó. Lúc này chúng tôi có dịp nói chuyện chi tiết hơn và anh Quốc Dũng đã kể cho chúng tôi nghe tường tận những chuyện đã xẩy ra trong những ngày qua. Ngồi một lát tôi cáo lỗi Minh Châu đi vào nhà trước muốn vào thay phiên cho dì Hai. Tôi để anh Quang Hùng và anh Quốc Dũng tiếp tục ngồi nói chuyện với Minh Châu ở vườn sau nhà.Sau khi dì Hai đã ra khỏi phòng. Chỉ còn lại tôi ở lại trong phòng với chị Phượng. Chị vẫn đắp mền quay mặt vào trong tường. Tôi biết chị chỉ đang giả vờ ngủ thôi nhưng tôi cũng không muốn gọi chị dậy. Tôi rón rén nằm xuống bên cạnh chị, ngửa mặt lên trần nhà. Tôi không tài nào ngủ được, cứ vậy nằm nghe tiếng kim đồng hồ chạy tích tách trên tường. Chuyện của chị Phượng vẫn còn làm cho tôi kinh ngạc. Tôi không ngờ sao một cuộc tình đẹp lại đi đến kết cuộc đau buồn như vậy. Một lát tôi thấy chị Phượng trở mình và nghe chị thở dài. Tôi vẫn nằm yên lặng không nói gì. Chừng năm phút sau chị Phượng lại trở mình lần nữa, lần này chị cũng nằm ngửa mặt lên trần nhà, đặt một tay lên gối đầu, tay kia để trên bụng. Tôi nghe chị nói thật nhẹ: - “Chị thật là ngu quá phải không em?” Tôi không trả lời thẳng câu hỏi của chị, chỉ trả lời bâng quơ: - “Chị thức rồi à?” Chị Phượng không trả lời tôi. Chị im lặng một lát rồi nói tiếp: - “Thật là uổng công chị chờ đợi bao nhiêu năm qua. Đúng là dã tràng se cát biển đông. Chị thật đã dại khờ đem hết tình cảm của mình trao cho một người bội bạc thay lòng đổi dạ. Đã vậy chị còn ngu dại đến nỗi đem tánh mạng mình ra để chết vì con người này.” - “Anh Tuấn nói với chị anh ấy có người khác rồi hả?” Tôi hỏi. Chị Phượng bật tiếng cười nhỏ, tiếng cười nghe thật cay đắng oán trách: - “Nói? Anh ấy mà dám nói gì? Hèn hạ lắm, đã thay lòng đổi dạ mà lại không dám lên tiếng nhận. Anh ấy viết thư về nói chị hãy đi lấy chồng đi đừng chờ anh ấy nữa. Anh ấy nói hai đứa chị không hợp nhau, lấy nhau sẽ không có hạnh phúc.” Chị Phượng ngừng một chút sau đó nói thêm với giọng mỉa mai hơn “Không có chuyện gì xẩy ra, nay tự nhiên lôi ra những lý do nói hai người không hợp nhau.” - “Anh ấy nói lý do gì khiến anh ấy nghĩ chị và anh ấy không hạp nhau?” - “Anh ấy nói chị là một cô gái hiền thục đức độ, sau này sẽ là một người vợ đảm đang một người mẹ hiền, ai thật là có phước lắm mới lấy được chị.” - “Vậy tại sao anh ấy lại nói chị không hợp với anh ấy?” - “Anh ấy nói rằng anh cần một người vợ có thể cùng với anh ấy ra đường lập sự nghiệp, một người vợ có thể ra xã hội đứng ngang với anh.” - “Nói như vậy là anh ấy chê chị không có học vấn hay công danh sự nghiệp ngang hàng với anh ấy.” - “Lời thư thì không nói thẳng, nhưng ý thì như vậy.” Tôi bóp chặt tay cảm thấy tức giận khi nghe kể như vậy. - “Anh ấy có nói anh đã có người khác chưa?” - “Không, trong thư không hề nhắc tới.” - “Vậy sao dì Hai nói chị biết anh ấy có người khác?” - “Chị đi hỏi anh Lâm bạn anh Tuấn. Anh Lâm là bạn thân của anh Tuấn từ ngày còn học tiểu học. Hai người học chung với nhau cho tới hết lớp mười hai tới lúc anh Tuấn đi du học. Anh Lâm và anh Tuấn thân với nhau lắm. Chuyện gì họ cũng tâm sự với nhau. Sau khi anh Tuấn đi du học rồi hai người vẫn thường xuyên thư từ qua lại.” Chị Phượng quay hẳn người về hướng tôi. Tôi cũng xoay người nhìn chị. Khuôn mặt của chị thật hốc hác, hai đôi mắt quầng thâm. Tôi cảm thấy thấy thương chị thật nhiều. Chị Phượng nói tiếp: - “Sau khi chị nhận được thư của anh Tuấn chị đến nhà anh Lâm hỏi xem anh có biết chuyện không. Lúc đầu anh chối nói không biết gì hết. Sau đó thấy chị khóc lóc quá anh Lâm mới kể hết sự thật.” Nói đến đây giọng chị Phượng hơi có một chút nghẹn lại. Chị ngừng lại cố gắng trấn tĩnh mình lại. Chị thò tay xuống gối lấy ra một bức hình và đưa cho tôi coi. Lúc đó trong phòng tối lắm, chỉ có chiếc bóng đèn ngủ nhỏ mờ mờ để ở đầu giường, tôi đưa hình đến gần chiếc đèn ngủ để nhìn cho rõ hơn. Qua ánh đèn lờ mờ tôi có thể nhìn thấy anh Tuấn đang chụp hình với một cô gái tóc dài. Hai người cười thật tươi. Cánh tay của anh Tuấn quàng qua ôm eo cô gái đó. Còn cô gái thì hơi nghiêng đầu dựa lên vai anh. Trông ra thì tấm hình chụp hai người đang đứng trước tháp Eiffel. Vì ánh đèn không được sáng lắm cho nên tôi không biết được cô ta có đẹp không nhưng qua dáng người, mái tóc và khuôn mặt thì cô gái hình như là người châu Á. Tôi hỏi: - “Đây là bồ mới của anh Tuấn hả?” - “Phải rồi. Cô ấy học chung trường với anh Tuấn. Cũng là dân Việt Nam đi du học. Tấm hình này là của anh Tuấn gửi cho anh Lâm. Chị xin đem về.” - “Bộ anh Tuấn kể cho anh Lâm nghe sao?” Chị Bích Phượng thở dài. - “Anh Tuấn đã cặp với cô ta được hơn hai năm nay rồi, nhưng không biết phải giải quyết ra sao. Anh ấy viết thư cho anh Lâm nhờ anh cố vấn. Theo như anh Lâm nói, lúc đầu thì anh Tuấn nói rằng anh cảm thấy anh có lỗi với chị và muốn chấm dứt với cô gái kia, nhưng càng lâu thì càng không nghe anh ấy nói ân hận nữa. Gần đây anh lại đổi sang nói rằng anh ấy hợp với cô kia hơn và muốn chấm dứt với chị nhưng anh lại sợ chị đau lòng và không biết phải nói với chị ra sao.” Chi Phượng lại quay người nằm ngửa nhìn lên trần nhà, mắt chị nhìn một cách vô thần vào khoảng không trước mặt. Tôi đưa tay nhẹ nhàng vuốt những sợi tóc lòa xòa trước trán chị. - “Người này không đáng cho chị phải đau buồn như vậy. Anh Tuấn thật không có phước để lấy chị.”Chị Phượng cười buồn. - “Thật ra chị không có gì bằng cô gái kia.Cô ấy có học thức có bằng cấp, sau này khi ra trường về nước sẽ có sự nghiệp lại kiếm ra tiền. Đi với anh Tuấn thật là xứng đôi. Chị có cái gì? Không có gì cả. Chị học chỉ hết trung học, thi tú tài hoài còn không đậu, kiến thức không có, nghề nghiệp không có. Trong khi anh Tuấn càng lúc càng học cao, tiếp xúc với người nước ngoài, thật ra khoảng cách giữa chị và anh ấy bây giờ quá lớn.” - “Em còn nhỏ và chưa yêu ai bao giờ, em tưởng khi yêu nhau chỉ cần tình yêu là đủ. Mọi chuyện chung quanh chỉ là thứ phụ.” - “Tình yêu mà em nói đó là tình yêu non trẻ của những cô cậu trẻ trong tuổi mới lớn, mơ mộng lãng mạn. Khi đã lớn hơn một chút, tình yêu sẽ không còn lãng mạng như vậy nữa, người ta sẽ đắn đo cân nhắc địa vị, của cải và gia thế. Đây là một bài học cho chị. Mấy ngày đầu khi biết anh Tuấn đã phụ chị, chị thật đau lòng và thật đã muốn đi tìm cái chết. Chị thật khổ và nghĩ mình đã mất hết tất cả không còn gì. Nhưng sau khi được cứu sống lại ở trong bịnh viện, chị đã thấy cha mẹ chị đau khổ như thế nào và chị đã bừng tỉnh. Chuyện tình yêu chỉ là chuyện phù du, chị không nên vì nó mà hủy đi tính mạng của mình và gây đau buồn cho những người trong gia đình.” - “Chị biết nghĩ như vậy thì em cũng đỡ lo. Chị vừa trẻ vừa ngoan hiền đảm đang, sẽ có người con trai khác biết quý trọng con người và giá trị của chị. Chị hãy quên cuộc tình này đi. Rồi chị sẽ gặp một người khác xứng đáng với chị hơn.” - “Chị còn đường lựa chọn sao em? Chị chắc chắn phải quên. Mọi người hãy cho chị thời gian. Chị đã biết suy nghĩ rồi.” - “Nhưng chị phải hứa với em chị không được làm chuyện dại dột nữa.” - “Em yên chí đi. Chị chỉ dại một lần thôi. Không có lần thứ hai.” - “Em thấy anh Tuấn thật hèn hạ, ngay cả nói thẳng với chị anh ấy cũng không dám làm.”Đến lúc này thì chị Phượng lại đổi lại binh cho anh Tuấn. Chị nói: - “Em đừng nghĩ như vậy, chị quen anh Tuấn lâu nay anh không phải là người xấu. Có trách thì trách chị không có duyên nợ với anh ấy.” Tôi nói giọng bất bình. - “Chị thật mâu thuẫn, lúc nãy than thở nói anh là người phụ bạc, bây giờ lại nói tốt cho anh ấy. Em không biết phải nói chị là người tốt bụng khoan dung hay là người khờ dại nữa.” Chị Phượng một mực không muốn tôi nói xấu về anh Tuấn. Hai chị em nói chuyện thật lâu mãi đến hai giờ sáng chúng tôi mới ngủ. Những ngày sau đó tôi suốt ngày ở bên chị Phượng để chăm sóc và canh chừng chị. Có tôi chăm sóc chị Phượng, dì dượng Hai cảm thấy rất an tâm, dì đã đi bán hàng lại và dượng Hai cũng đi làm lại. Mỗi ngày Minh Châu cũng thường qua nhà chơi. Nếu trời không mưa, buổi sáng chúng tôi đưa chị Phượng ra sân sau ngồi hong nắng, buổi tối thì dẫn nhau ra ban công ngồi ngắm sao trời. Nếu trời mưa, chúng tôi ở trong nhà chơi cờ triệu phú hoặc nói anh Quang Hùng đàn và hát cho chúng tôi nghe. Đôi khi Minh Châu cũng trổ tài nấu nồi chè đậu xanh mang sang đãi cả nhà chúng tôi. Mọi người đều quan tâm chăm sóc chị Phượng, ráng làm cho chị vui mà quên đi chuyện cũ. Anh Quang Hùng và Minh Châu vì vậy cũng đỡ kèn cựa nhau như trước. Họ đã dẹp bỏ tư thù cá nhân cùng nhau gắng làm vui chị Phượng. Chỉ chừng hơn một tuần từ sau ngày anh em tôi trở về, chị Phượng đã trở nên khá hơn cả về sức khỏe lẫn tinh thần. Chị không còn khóc thường xuyên như lúc trước nữa và đã chịu quay trở lại cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên chị vẫn chưa chịu bước ra khỏi nhà, chị giờ đây đang phải đương đầu với một áp lực mới. Ở cái thị trấn nhỏ bé này, cho dù chuyện nhỏ gì xẩy ra ở nhà ai, chỉ cần vài ba ngày thì cả thị trấn đều biết. Chuyện chị Phượng thất tình tự tử đã được phổ biến đi rất nhanh, phố trên truyền xuống phố dưới, người này kể lại người kia, chẳng mấy chốc ai cũng biết. Chuyện chị Phượng trở thành tin tức nóng bỏng và gây cấn cho mọi người bàn luận. Lúc đầu khi chưa ai biết đích thực câu chuyện ra sao, họ chỉ phong phanh nghe tin chị Phượng phải đi vào nhà thương và câu chuyện có liên quan đến tình yêu, người ta ngay lập tức thay phiên nhau đoán già đoán non. Người ác miệng thì đoán rằng chị Phượng có chửa hoang, tự phá thai đến nỗi phải đi nhà thương. Người tốt bụng thì tắc lưỡi thương hại chị bị người yêu bỏ. Sau này người ta mới biết chính xác chị đi nhà thương là do tự tử vì tình. Người thì phê bình nói chị ngu sao tự tử, người thì nói sao chị sao không đợi người yêu về để tra hỏi ra lẽ. Thế rồi những người quen biết thay phiên nhau đến nhà hỏi thăm. Người đến thăm thật tình cũng có, mà ngươi đến thăm vì tò mò cũng không phải ít. Riết rồi dì Hai dặn chúng tôi đóng cửa cả ngày, ai gọi cửa cũng đừng mở. Khi dì đi bán hàng, dì nhất định không nói chuyện nếu ai nhắc về chị Phượng. Tội nghiệp nhất là chị Phượng, chị không dám bước ra khỏi nhà. Chị sợ phải đương đầu với những con mắt soi mói, vừa thương hại vừa tọc mạch của những người chung quanh. Chị sợ phải trả lời những câu hỏi của mọi người, hay phải nói những lời cám ơn tới những câu an ủi mà thật ra những câu an ủi đó chỉ làm chị thêm đau lòng hơn là nguôi ngoai. Do đó, những ngày kế tiếp chị Phượng càng tránh không bước đi ra khỏi nhà, chị cũng không ra chợ phụ dì Hai trông coi hàng gạo nữa. Tôi cảm thấy thương cho chị Phượng và gia đình dì Hai thật nhiều. Nếu họ ở Sài Gòn hay ở một thành phố lớn hơn, chắc những người chung quanh đã không để ý tới chuyện nhà của họ và chị Phượng không đến nỗi phải trốn trong nhà không dám ra đường như vậy. Gia đình amh Tuấn có sang thăm vài lần nhưng lần nào chị Phượng cũng tránh mặt. Riết rồi họ cũng không sang nữa. Mà thật ra cũng không phải lỗi của họ, họ cũng đâu có góp phần gì trong chuyện anh Tuấn đã làm. Chị Phượng không hề giận họ, nhưng lúc này chị thật không muốn gặp bất cứ một ai, nhất là những người có liên quan tới anh Tuấn. Chỉ có một người được chị cho gặp mặt đó là anh Lâm. Anh Lâm sang nhà thường xuyên để thăm hỏi chị Phượng. Anh nói riêng cho chúng tôi hay anh đã viết thư báo cho anh Tuấn biết. Anh Tuấn có nhờ anh sang trông nom chị Phượng, nhưng lại không đả động gì chuyện anh thay lòng hay nếu anh có ý định quay lại với chị hay không. Chúng tôi không kể chuyện này cho chị Phượng nghe, sợ chị thêm đau lòng. Minh Châu vẫn tiếp tục sang nhà chơi thường xuyên. Nó hay nấu chè mang sang và đem những câu chuyện vui kể cho chị Phượng cười. Sự hiện diện của Minh Châu là một điều đáng mừng. Mỗi lần con bé sang, không khí ảm đạm trong nhà trở nên tươi vui hơn. Phong cách sống động và lạc quan yêu đời của nó làm cho mọi người cảm thấy lên tinh thần. Thế nhưng chị Phượng vẫn ít nói hơn trước. Chị đã bỏ thói quen không còn ra ngoài xích đu sau vườn một mình đọc những lá thư cũ của anh Tuấn, hay ôm ngắm nhìn những tấm hình của anh như chị vẫn thường làm trước kia. Chiếc hộp giấy đựng những lá thư và hình đã được chị dán lại, bỏ trên tủ cao không lấy xuống nữa. Tôi biết trong lòng chị vẫn còn đau đớn thương tiếc mối tình của chị lắm. Mới chỉ có một hai tháng, chị làm sao quên được mối tình năm năm dài của mình. Anh Lâm đến thăm chỉ làm cho chị buồn hơn. Gặp mặt anh Lâm càng làm chị nhớ về anh Tuấn và lại càng thêm đau lòng. Anh Lâm không dám nói thẳng cho chị nghe nhưng nói bóng gió rằng có lẽ anh Tuấn sẽ làm đám cưới với cô gái đó sau khi họ về nước. Chị Phượng giả vờ như không hiểu và không nghe. Chị thật sự muốn quên đi người phụ tình đã xém làm chị mất mạng. Tuy nhiên có đau chị chỉ ráng để trong lòng, không muốn để lộ ra ngoài. Mùa hè trời vào mùa mưa làm cho khung cảnh thị trấn trở nên buốn bã bi xầu hơn. Giống như anh Dũng đã nói từ trước, những cơn mưa phùn day dứt dầm dề cả tuần làm đường phố trở nên lầy lội không ai muốn đi đâu ra khỏi nhà. Nhờ mưa vậy cũng đỡ, chúng tôi ít có dịp đi chơi, ở nhà chơi với chị Phượng. Thế nhưng sang đến giữa tháng Tám, khi chỉ còn vài tuần là nhập học, chị Phượng đột ngột xin dì dượng Hai cho chị ra ở nhà nội ở Nha Trang vài tháng, vừa đổi khung cảnh sống vừa muốn hưởng không khí biển Nha Trang. Lúc đầu dì dượng Hai tôi đều do dự không cho đi, sợ chị ra đó lại làm chuyện rồ rại. Nhưng rồi chị Phượng xin mãi và cam đoan rằng chị sẽ không làm chuyện ngu dại như xưa. Chị lấy lý do nếu đi xa như vậy chị sẽ mau quên chuyện cũ hơn. Vả lại, lúc này chị cũng không còn mặt mũi nào ra đường gặp những người chung quanh, đến khi tụi tôi đi học lại rồi thì chị sẽ thật là buồn chán. Chị nói khi ra Nha Trang, ở đó không ai biết chị và cũng không có gì nhắc chị nhớ lại chuyện xưa, như vậy chị sẽ chóng quên hơn. Dì dượng Hai tôi nghe thấy cũng hợp tình hợp lý nên ưng thuận. Hai người viết thư trước cho ông bà nội và các cô của chị ở Nha Trang. Sau khi nhận được thư hồi âm của bên nội bảo đảm sẽ chăm sóc cho chị Phượng chu đáo, dì dượng Hai vui lòng để chọ Phượng đi Nha Trang ở mấy tháng. Và thế là chỉ chừng vài ngày sau khi nhận được thư từ nhà nội, chị Phượng lên đường đi Nha Trang.