1. sau khi được phép nhanh chóng, vị y sư tham dự cuộc tiếp kiến mật mà ngài chưa bao giờ chấp nhận cho ai được như vậy. Chúa Trịnh Sâm ra lệnh thảo ngay một tờ chiếu, mệnh lệnh này phải được trình Ngài trước khi công bố. Bình thường vcđó không nằm trong thói quen của ông vốn lâu nay sống như một người ở ẩn. Những việc lớn nhỏ của quốc gia, ông đều giao phó cho Quận Huy – quan Chánh đường tự mình định đoạt bất chấp ý kiến của bảy vị đại thần trong Hội đồng Nhiếp Chính. Có phải cuối cùng ông đã phải chiều ý nghe theo lời khuyên tôn nghiêm của Đức bà Thánh mẫu là phải nắm lại dây cương trong tay chăng? Nếu từ lâu ông đã ngừng xử sự như một quốc vương minh triết thì hôm nay, một lợi ích hàng đầu lại thúc đẩy ông, tương lai của chính dòng họ mình qua Thế tử kế nghiệp nhỏ tuổi. Quan Chánh đường tâu, hai tay cung kính dâng lên bản văn kiện: Cúi xin Chúa thượng hạ cố ngự lãm. Sắc mặt của Ngài vẫn luôn rạng rỡ nhưng đã lộ ra nhiều u ám vì nỗi lo âu. Những lời đồn đại trong kinh thành đã không ngừng tác động đến Ngài. "Ngày mười một, tháng chín, năm Nhâm Dần (1782) Chiếu chiêu mộ hiền tài: Đã trải qua nhiều tuần trăng, sức khoẻ của ta và Đông cung Thế tử không lấy gì làm sung mãn cho lắm và những sự chăm sóc dành cho chúng ta đến nay không đưa đến bình phục hoàn toàn. Vậy ta ra lệnh cho các quan Thượng thư và quan chức ở kinh đô hãy tìm kiếm ngay tức khắc những thầy thuốc tài giỏi cho dù là người trong nước hoặc là người nước ngoài để tiến cử họ lên cho ta. Thể theo lệ thường, ai tiến cử được người tài sẽ được trọng thưởng". Khi đọc xong, Chúa thượng cảm thấy còn băn khoăn liền trao cho quan Chánh đường. Khanh thấy thế nào? Quan Chánh đường bẩm: Tâu Chúa thượng, thần thấy đã phù hợp với ý của Chúa thượng sau khi lắng nghe vị thầy thuốc của mình. Tự cá nhân thần đã chăm chú xem lại rất kỹ. Nếu cân nhắc kỹ lưỡng thì đạo chiếu này làm ta khó chịu. Đưa nó ra trước bàn dân thiên hạ hoá ra công nhận sự mất tín nhiệm một cách bất công đối với một người trong thế giới trần ai này đã vô cùng xứng đáng. Tuy nhiên, dám xin Chúa Thượng hạ cố nhớ lại cho lời nói của người đó. Ông đã nói:Nỗi lo lớn nhất của người thầy thuốc là cứu nguy người đồng loại mà tuyệt không chút nào nghĩ đến thanh danh mình và nghiên cứu tỉ mỉ những khả năng khác khi mà trong phạm vi mình tất cả đều đã được làm thử. Bởi vì vị y sư tôn kính nhận đã đi đến cùng những giới hạn về kỹ năng chữa bệnh của mình tuy đã thu được những kết quả trông thấy song không đi đến chữa lành bệnh hoàn toàn cho Đông Cung Thế tử, thế thì tại sao lại chối từ nguồn khoa học đến từ phương Tây do chính ông đề nghị? Như vậy thì tất cả danh dự lại thuộc về ông vì ông là người biết tự mình nhường bước? Hẳn là vậy! Nhưng đây mới là điều làm cho ta bối rối và lo ngại. như vậy phải chăng là nói trường hợp của Thế tử Cán là… Vị Chúa Trịnh không nói thẳng ra cái từ triệu bất tường đó. Quan Chánh đường kêu lên: Dám xin Chúa Thượng đừng nghĩ như vậy! đây chỉ là đức tính trung thực mà thôi. Đức tinh trung thực này là của một người thầy thuốc hơi quê mùa nhưng lại có một phẩm giá lớn lao, ông ta nói nếu bệnh nhân chưa cảm thấy được hoàn toàn hồi sinh thì chưa thể cho rằng bệnh tình đã được chữa trị. Liệu những tên thầy thuốc quái quỷ nước ngoài này có thể làm được gì tốt hơn ngoài những điều ông ta đã làm. Ông ta có phải là người giỏi nhất nước ta và là người danh tiếng nhất không? Khoa học chữa bệnh của ta thấp hơn họ ở chỗ nào? – ngài vừa nói vừa gật gù cái đầu hổ rừng mệt nhọc – Chỉ có thằng vô ơn bạc nghĩa Khải kia mới cả tin vườn thôi, đầu óc nó đã bị bọn nhà Nguyễn mê phương Tây làm hỏng rồi. Mọi mưu taon chính trị cần đến bộ óc thông minh nhiều hơn cái đầu của nó. Nó thì chỉ có cơ bắp mà không có đầu. Người ta bảo đảm rằng một số giáo sĩ của họ cải trang thành thương gia đều là những thầy thuốc giỏi đã sử dụng những đơn thuốc tuyệt vời như một thứ bột màu vàng có thể ngăn được chứng hoại thư. Làm sao mà biết được việc này nếu không có một sự đối chiếu? Vì còn có sự nghi ngờ về phương cách chữa trị cho Chúa thượng và Đông cung Thế tử, ta hãy vén lên tấm màn của điều lo ngại này! – Quận Huy nói, vẻ đầy thuyết phục và hân hoan – hãy làm cho kẻ thù của chúng ta bị bẽ mặt và làm sao cuộc chạm trán của nền y học chúng ta và của Tây phương phục vụ tốt nhất cho sự an khang của Chúa thượng và qua Ngài cho cả lợi ích của triều đại. Nụ cười của Chúa lúc này như phản ánh nhợt nhạt nụ cười của quan Chánh đường. Ông được khích lệ vì thấy sự việc đã giải quyết tạm xong và nôn nóng đi tới kết thúc một việc khác nữa mà ông vừa chợt nghĩ ra một giải pháp khá căn bản. Đúng lúc đo Chúa thượng giơ tay lên: Ta quyết định mệnh lệnh này không được đưa ra công bố trước dân chúng mà chỉ giao lại cho một mình quan Tổng đốc Phố Hiến. Lệnh cho ông này sẽ bố cáo trong phố thị, bến cảng, các cửa hàng và các tàu buôn phương Tây. Nếu họ không hiểu được những gì mà mệnh lệnh bắt buộc thì họ phải tự mình gánh lấy hậu quả. Còn về phần giá trị và sự nhanh chóng trong việc lựa chọn này, quan Tổng đốc sẽ lấy đầu mình ra chịu trách nhiệm. Hãy nhấn mạnh điểm này. Quan Chánh đường ra hiệu cho viên sử quan sau khi đã mang tới những điều sửa chữa cần thiết, ông này vội vàng bổ sung dưới đạo chiếu công thức truyền thống: Khâm thử - Hãy kính lấy! Cũng chiều hôm ấy, Quận hầu đến báo với Lê Hữu Trác phải ngày đêm sẵn sàng chờ một cuộc gặp gỡ mà Đấng Bề Trên cho là vô cùng bí mật. không được tiết lộ chút gì ra ngoài. Đây là lệnh của Chúa Thượng. Thưa cụ, như thế Đấng Bề Trên đánh giá cụ cao như thế nào – Quận hầu nói – và Chúa Thượng cũng mong muốn Thế tử kế nghiệp phải được chuẩn bị cho việc này. mặc dù Chúa thượng chưa tiến cử ai vào đây, nhưng phụ thân cháu cho rằng các quan nội thị không đủ tư cách đảm nhận vai trò này. Hai người vừa uống trà vừa trao đổi qua những ánh mắt đồng tình. Vị y sư nói: Ngày mai, tự tôi sẽ tâu việc này lên Đông cung. Thật vậy, không ai được bố trí vào đây tốt hơn cụ bên cạnh Thế tử. Vào lúc Quận hầu xin cáo lui với lý do sức khoẻ của người hôn thê trẻ, bị kích thích bởi trí tò mò, vị y sư lưu ông lại ở bậc cửa. Thông thường chúng ta đàm luận cho đến sáng và không giấu giếm nhau điều gì. Vậy từ đâu lại có vẻ mặt sa sầm mà già này đã quan sát từ nãy đến giờ, với tình bằng hữu liệu quan có thể cho tôi biết được chăng? Nếu quan còn e ngại cho người mẹ và đứa con, ông già sơn cước này xin quan hãy giải toả nỗi lo lắng đó khỏi tâm can mình. Khuôn mặt nhân từ ngẩng lên trước một thế giới thăng trầm, với cặp mắt từ phụ, vị lương y ngắm nhìn con người trẻ trung đẹp đẽ đang lo âu này, bản thân anh cũng đang trên đường trở thành người cha. Anh ta lại là con của một người mà việc gì cũng đạt tới được và cái tin xấu nhất đã báo cũng không làm ông ta thay đổi gì kia mà. Trên khoảng không đang xuất hiện một điều gì nghiêm trọng báo hiệu một bi kịch. Quận hầu nói, vẻ cố gắng: Thưa cụ kính mến, riêng cháu chỉ tiếc là chưa giúp đỡ cụ được trở về chốn núi non thân yêu, việc này làm cháu day dứt. Nhưng cháu xin hứa sẽ cố gắng một lần nữa. biết đâu trường hợp thuận lợi này, có thể sẽ đến từ người thầy thuốc phương Tây! Tiếng động của ai đang chạy vội vàng làm ông quay đầu lại. Soạn vừa chạy băng qua chiếc cầu gỗ nhỏ. Lê Hữu Trác thở dài. Những lời của Quận hầu chưa nói lên được tất cả. Ông dừng lại ở bậc cửa nhìn ông bạn trẻ đang đi xa dần. Ông nói với chú bé chạy về gần đứt hơi bằng một giọng khoan từ: Này cháu, cháu từ đâu về đó? Từ Trại Voi à? Soạn trả lời khi đã cầm lại hơi thở: Thưa ông chủ, không ạ, cháu vừa chạy một vòng quanh các chợ trong kinh thành và đem được cái lưỡi về! May quá lưỡi cháu còn đây! (Không thể nén lâu hơn nữa, cậu báo tin) Trong kinh thành, khắp nơi người ta dựng lên nhiều tấm phản gỗ bày hàng treo nhiều móc sắt và kéo nhọn để hăm doạ mọi người. Có một bài hát mà ai dám hát lên một câu thì sẽ bị cắt lưỡi ngay! Câu hát nói gì cháu biết không? – vị lương y hỏi và lúc này chú đem lại cho ông phút khuây khoả nỗi băn khoăn của mình. Chẳng cần nhắc lại, cậu đầy tớ nhỏ hãnh diện hát lên, giọng the thé: "Trăm quan có mắt như mờ. để cho Huy Quận vào sờ Chánh cung!" Thưa ông chủ, đây có phải là ông Quận Huy mà cụ biết, là cha của ông Quận hầu? Đúng vậy, đó là quan Chánh đường. Soạn liếc mắt nhìn trộm ông, khuôn mặt vị lương y không tỏ ra nét gì quá căng thẳng mà cũng không quá lo âu hơn ngày thường. Tuy nhiên, cái gì xấu với quan Chánh đường thì dĩ nhiên cũng xấu với người thầy của chú. Chú rất muốn nói vài lời với anh cả Tống Thuần về sự vắng mặt của lão quan hộ tống trong hàng bọn mưu phản – Không biết anh có nhận ra không? – nhưng không có một môn đệ nào đến cả. Vừa nằm xuống phản, chú vừa cố gắng suy nghĩ về trách nhiệm của một người lớn mặc dù chú cảm thấy mình bất lực và còn thiếu chín chắn. Chưa bao giờ những nỗi nguy nan trên đời này lại xuất hiện rõ ràng trước mặt chú, chú tự nghĩ điều đó phần nào là do tính hay thay đổi ý kiến của nhiều người và do tài khéo điều khiển của một số người khác. "Chú hãy dạo bước trên các con đường của kinh đô này và hãy lắng tai nghe. Không có điều bí mật nào mà nó không biết, cũng không có tin tức nào mà nó không hay! Kinh đô này biết tất cả mọi chuyện đời rất nhanh và quên chúng đi cũng rất nhanh!" có một ngày Sứ Hoa Kiều đã bảo chú như vậy. Về các chú khách phương Bắc ấy, Soạn hiểu vì sao đất nước chú qua các thời đại vừa chống lại vừa hoà hoãn với họ: họ thật là khôn ngoan như vậy! Kinh đô này cứ không ngừng biết tin tức rồi lại quên đi, Sứ nói có lý. "Máu của họ vừa khô trên quảng trường chợ phía Đông, ai còn quan tâm đến băng nhóm của Đặng Báo này thu nhỏ lại trong những bóng ma vất vưởng? Ai còn phẫn nộ trước hình phạt quá nhẹ cho tên đầu sỏ? Và ai nữa có lúc nào nhớ đến những cô gái xinh đẹp bị hãm hiếp hoặc bị xẻo thịt ấy?" Chú tự hỏi. không, riêng chú ta thì không bao giờ quên được. Và nếu trời còn cho chú sống lâu hơn, chú cũng sẽ làm cho ra chuyện và ngay cả ở Trại Voi cũng vậy. Dù chú phải phàn nàn hay thích thú việc này thì Kim, bé Kim xinh đẹp tuyệt trần và nhí nhảnh của chú đã và mãi mãi sè là gạch nối giữa một bên là lão quan hộ tống – một loại đàn ông rõ ràng có số phận phải biến mất – và bên kia là cô gái mặc áo xanh ngắn ngồi bên chợ. Ngày hôm nay kinh đô chỉ còn một việc được mọi người quan tâm là các biện pháp mà quan Chánh đường đang thực hiện nhằm triệt tận gốc những điều đơm đặt. Nhưng người dân chỉ thì thầm với nhau và bài hát bị cấm chỉ ấp úng trong cổ khi họ thấy những tấm phản ngoài chợ đầy móc và kéo đang lanh canh tận những xó xỉnh. Ai dám tụ hội và bàn luận sẽ bị cắt lưỡi ngay! Đó là câu trả lời của quan Chánh đường trước chiến dịch hạ uy tín ông. Từ nay, đô thành này bị bắt buộc phải câm lặng, mọi người chỉ nhìn trộm nhau và ai nấy đều đang chờ một cuộc biến loạn nổ ra trong phủ chúa dựa theo lời đoán trước. Những chiến thắng của nhà Tây Sơn chống lại chúa Nguyễn ở đàng Trong dội vào tâm trí mọi người. Những chiến công của vị tướng trẻ Nguyễn Huệ đã bay ra đến tận kinh đô. Mọ người đã đoán được rằng người anh hùng của họ sau khi diệt xong nhà Nguyễn ở đàng Trong sẽ quay ra chống Chúa Trịnh ở đàng Ngoài và họ sẽ dễ dàng tiêu diệt được. Soạn như đang sống lại cảnh ngày hôm trước mình cùng anh cả Tống Thuần đến Trại Voi và đang nghe con người bảnh trai Bằng Vũ chỉ thị "Nếu tai hoạ xảy ra tại phủ chúa, phải lập tức đóng ngay tất cả các cửa, giết ngay Quận Huy, giam ngay Thị Huệ. Như vậy Thế tử Cán không thể lên ngôi được. Qua một bản hiệu triệu, phần lớn quân lính sẽ được điều về kinh đô và với sự giúp đỡ của các quan đại thần, Thế tử Khải tức thì được tôn lên nghiệp Chúa". Nếu lúc chú đang cùng với Tống Thuần nấp sau những mảnh ván đã lung lay mà bị lộ thì cái chết là cầm chắc, chú tự nghĩ và rùng mình khi hồi tưởng lại việc đã qua. Giờ đây chú tự hỏi lão quan hộ tống, một trong những trụ cột của cuộc nổi loạn đã biến đi nơi nào. Có thật cần thiết không một khi ông chủ khẳng định rằng bất chấp cả thân mạng chính mình, cụ không thể và càng không muốn từ bỏ cậu bé? Trước các học trò, cụ đã nói ra và nhắc lại điều đó. Hình như Thế tử kế nghiệp nhỏ tuổi đã mê hoặc được cụ. Rồi Soạn tự hỏi Thế tử này có gì thật đặc biệt ngoài căn bệnh lạ đời. Căn bệnh không tên kia đã dám táo bạo chống lại ông chủ? Ngày hôm sau khi đi tới Đông cung viện, vị y sư cảm thấy nỗi lo âu xâm chiếm khi ông nghĩ đến vai trò tai hại mà quan Chánh đường đang đóng. Từ khi ông được tiến cử là ngự y của Thế tử, ngày mười bảy tháng ba năm Dần, sáu tháng ròng đã trôi qua. Biết bao nỗ lực và phương thuốc pha chế rất công phu để phục hồi nguyên khí của Đông cung. Nhưng việc gì ông phải nhọc lòng suy nghĩ như vậy? Sáng nay, ông phải đến nói với cậu bé. Nhưng ông cũng chưa biết nên nói thế nào đây? Lẽ ra ông thích ẩn mình sau một cái khiên làm bằng những gì vô chính phủ nhất, cá nhân chủ nghĩa nhất và cả ích kỷ nhất nữa. Con người ông giống như đang trong cái ngày đặc biệt trên đường ra kinh đô, nơi bến cảng Thiết, trước mắt là biển cả… Ông đã đem toàn bộ tài năng của mình vào việc phát hiện nguyên nhân căn bệnh và cách giải thích các dấu hiệu lâm sàng hết sức tinh vi, cả sự pha chế các phương thuốc được chuẩn bị chu đáo nhất. Là người thầy thuốc, ông biết rằng không thể làm được gì hơn nữa vì trường hợp bệnh tình của Thế tử không còn nằm trong phạm trù y học cả ở Đông phương và Tây phương. Song tình người trong ông đã dần dần lấn bước người thầy thuốc và còn nuôi bao hy vọng. Ông nghĩ cuộc gặp gỡ sắp tới như là một sự phản bội, một thủ đoạn quanh co về cả hai phương diện chính trị và y học mà xem ra ông là công cụ đồng loã còn người bệnh nhỏ tuổi kia chỉ là một con bài ngây thơ. Khi ngồi trên chiếc cáng đi tới Đông cung Viện, vị y sư tự hỏi, Thế tử sáng suốt và thâm trầm dường ấy lẽ nào lại để người ta lừa bịp chăng? Ông tự thú nhận một cảm giác kỳ lạ - giả thuyết này do Thụy Anh nêu ra trong tối say rượu đã liên tục nuôi dưỡng sự tò mò đối với Thế tử kế nghiệp và cho rằng cuối cùng ông đang gặp một tâm hồn già dặn rất già dặn trong một cơ thể trẻ con. Đối với cậu bé mà ông thấy tràn ngập lòng yêu thương sẽ không thể bị lừa nhưng ông hiểu rằng nhiệm vụ của ông là phải nắm bắt cho được chút hy vọng mong manh, dù đó là từ nước ngoài đến. Qua chín lớp màn bị gạt sang một bên trong một động tác dứt khoát, ông cảm thấy như đang bị nhầm, từ mọi phía, ánh sáng mặt trời trong trẻo lọt qua những bức màn sáo cuốn lên làm mờ nhạt vòng tròn đèn đuốc quanh chiếc sập quá rộng. Trống không. Nằm lún sâu trong chiếc ghế bành đỏ chạm rồng, đôi chân nhỏ màu trắng ngà đặt trên tấm nệm. Đông cung Thế tử nói: Sáng hôm nay, Lão sư thấy sức khoẻ mình ra sao? Ta đang áp dụng những nguyên tắc khôn ngoan của Lão sư đây, khí trời, ánh sáng, sự sống! Nhưng xem kìa, những ngọn đèn này khó mà chống chọi được! Sau khi đã cúi chào kính cẩn, vị lương y thưa: Tâu Đông Cung, không vì thế mà nó không tiếp tục cháy. Thế nhưng luồng sáng của chúng vẫn được tính đấy mà. Đôi mắt cậu bé hình như thu hút trong đêm đen bao ánh lửa chập chờn. Vị y sư trả lời: Bóng tối và ánh sáng chiếu rạng lẫn nhau, bao bọc lẫn nhau, tiếp nối cho nhau, sản sinh ra nhau, cùng làm nhau yếu đi. Nhưng trong cuộc đấu tranh miên trường này không có bên nào chiến thắng cả\/ Thế tử liền nói: Cụ trích dẫn Trang Tử rất hay. Xem ra cụ rất giỏi về học thuyết này và tính cách của cụ cũng vậy. Muôn tâu, Đông Cung muốn nói gì ạ? Lão sư ơi! Lão sư không hề có ý định dâng lên Chúa một lá biểu để mong có được chức vị và theo sau xe loan. Lão sư thích sống đạm bạc và thoải mái theo sở nguyện của mình. Nắm đúng thời cơ đi thẳng vào vấn đề mà ông quyết định bám chắc vào, vị y sư nói: Tâu Đông cung, nói điều ngược lại là nói dối. Nhưng chẳng phải thần đến đây để phục vụ Đông cung đó sao? Để chữa b… Đó là sự đề xướng của ông Quận Huy, ông này thích cai trị và mua chuộc đã làm cho Chúa Thượng phụ thân ta triệu hồi lão sư ra kinh đô – cậu bé vương gia ngưng lời rồi lập tức nói thêm – Xin lão sư đừng chống chế. Làm sao thần có thể chống chế? Nhưng không vì thế mà thần đã vượt qua bao nhiêu núi đồi, nắng mưa và bao nỗi trầm luân khổ ải để mang lại cho Đông cung nguồn lực xoay chuyển và an lành của Trời. Nhờ đó mà cuối cùng sức mạnh của chính Thế tử đã được khôi phục. Thế tử nói: Ta biết thế. Mong sao ngài hãy thuận theo sức mạnh siêu việt đó và khôi phục được trật tự tối ưu để kéo dài thêm chu kỳ sống. Nhưng kính tâu, thần không thể đạt tới điều mong muốn nếu không có sự trợ giúp của trật tự đó. Trong một cử động mệt mỏi, cậu bé quay lại đối diện với những hình thú vật chạm nổi trên chiếc ghế để lộ ra khuôn mặt nhỏ xinh xắn. Trên chiếc cổ gầy gò, một tĩnh mạch xanh đập rất nhẹ mà tưởng như nếu lấy ngón tay ấn xuống nó có thể tắt. Đôi mắt nhắm lại, Thế tử nói: Cảm ơn Lão sư, không một ai có thể khôi phục được chút trật tự nào kể từ nay. Tâu Đông cung, mọi sinh vật đều có khả năng được phục hồi, chỉ cần Đông cung thực hiện nó mà thôi. Người lương y già cả này xin khẩn cầu Đông cung hãy nghe theo. Lẽ nào thần đến kinh đô một cách vô ích hay sao? Ngày mai… Một thoáng cử chỉ và cả đôi mắt của Thế tử ngăn không cho ông tiếp tục nói: Xin Lão sư vui lòng nói khẽ. Sau những tấm màn, tất cả bọn người bị cung thiến này đang nghe chúng ta. Quá mệt mỏi vì phải khua chiêng gióng trống giữa đám ca công, lão sư đã rút lui ngay từ khi còn rất trẻ. Tình trạng hỗn loạn này xuất hiện đã quá lâu rồi. Đức Khổng tử nói "Khi Đạo thắng thế thì Hoàng đế, vị Thiên tử là gốc của lễ nghi. Khi Đạo không thắng thế là lúc các chúa thuộc dòng thứ yếu tự mình đứng ra cầm đầu và buộc dân phải suy tôn mình. Ông Trời nổi giận điều đó nhưng dân chúng có lý do tìm lại niềm hy vọng. Một chu kỳ kết thúc… Đối với lão sư, tấm linh hồn già dặn từng tiến lên bằng bước chân loài hổ bỗng nhiên hiện ra. Ông phải cúi xuống để nghe Thế tử nói thầm: Có ích chi níu lại một cậu bé nếu không phải là để phục vụ lợi ích cho bọn người manh tâm xảo quyệt? Mẫu thân đáng kính của ta đã cho ta nuốt một con cóc vàng [1] và luôn xem xét trong lá số tử vi của ta về đường con cái. Nếu có một vì sao nào gây tai ương là van lạy tứ phương, mời pháp sư đến giải sao hạn, còn thầy bói với cô đồng thì lui tới không ngớt và khoác lên cho ta những nanh cọp. Đó phải chăng là do lòng thương con của mẫu thân ta, cô thôn nữ hái chè mà Chúa thượng phụ thân ta yêu thích bởi tính thông minh và sắc đẹp của bà đã khiến cho bà làm như vậy? Rồi sau đó lão sư đến, đem tất cả tài năng và công sức chỉ cho riêng mình ta. Lão sư có tin như vậy không? Trong sự tĩnh lặng của ban đêm, khi nghĩ đến điều đó ta cảm thấy nồi buồn càng tăng thêm. Vị lương y kêu lên, lòng đau như cắt: Xin Đông cung đừng nói như vậy! Ông sửng sốt trước sự sáng suốt lạ kỳ của Thế tử. Nói bé hơn! Họ đang ở đó và thuật lại lời của chúng ta. Chúng ta nói khẽ thôi. Lúc này ý kiến của cậu bé là lời của một nhà hiền triết mang chòm râu bạc trắng. Người thầy thuốc tự thấy thoải mái không cần giấu giếm Thế tử điều gì. Ông thì thầm: Đông cung đã nhìn đúng. Bị quan Chánh đường đẩy ra khỏi ngôi nhà ẩn cư ở Hương Sơn, thần bị cưỡng bức và bắt buộc phải sống nơi đây. Không có gì ràng buộc thần với chốn kinh đô này cả, nhưng niềm ước vọng được chữa khỏi bệnh cho Đông cung đã ám ảnh thần hơn cả việc trở về Nghệ An. Nhưng sau sáu tháng nỗ lực và ngoài một vài cải thiện đáng kể, thần vẫn không hiểu được Thế tử đau bệnh gì. Thế tử nói: Ta biết điều đó. Ta nằm vào chương Y âm án. Tâu Đông cung, sự thật là như vậy, trường hợp bệnh của Đông cung quả là ít thấy dưới bầu trời này. Nếu trí nhớ của Đông cung chấp nhận việc thóat khỏi những chu kỳ thời vận thì nỗi đau thân xác phải chịu đựng chắc chắn có thể chữa khỏi được. Trừ phi có một kỹ năng khác trong một hệ thống chữa bệnh hoàn toàn khác đề xuất được những phương thuốc mới. Vì thế theo lời thỉnh cầu của thần, Chúa thượng đã ban chiếu mời một thầy thuốc Tây phương đến hầu bệnh cho Thế tử. Dám xin Đông cung tha thứ cho thần! Cho ta à? Nhưng đối với lão sư, một sự hy sinh như vậy có nên chăng? Tâu Đông cung, không có gì quan trọng. Danh tiếng của một thầy thuốc không có nghĩa lý gì với việc chữa bệnh cứu người. Vì ta là Thế tử của lão sư, có phải vậy không? Nằm dựa vào ghế bành, Thế tử đưa đôi mắt rộng nhìn y sư trong một cái nhìn như vô định. Vị y sư trả lời, giọng chùng xuống: Bởi vì Thế tử là người bệnh nhỏ bé của thần… - trong khi đó một bàn tay nhỏ đặt lên bàn tay ông và bóp nhẹ. Khuôn mặt trẻ con rạng rỡ như một vì sao mới mọc. Trong bóng đêm của từ tổ tiên truyền lại đôi mắt cậu bé bùng lên một luồng ánh sáng lờ mờ di động, luồng ánh sáng của một người từ tầng sâu lòng đất đi lên với chiếc lồng đèn trong tay. Vì Chúa thượng phụ thân ta muốn và thầy thuốc của ta đề nghị, ta sẽ đón nhận người thầy thuốc ngoại quốc này. Còn đối với lão sư, trong cuộc trao đổi này, có lẽ khoa học của lão sư sẽ có lợi. Mặc dù vị Đông cung Thế tử tỏ ra như kiệt sức, giọng nói của cậu ta vẫn đầy vẻ tinh nghịch, còn cặp mắt thì như trẻ lại. Bằng cách búng ngón tay làm dấu, Thế tử ra hiệu cho các nội thị xuất hiện, họ liền đến ẵm Thế tử vào sát bộ ngực mỡ màng đặt cẩn thận xuống nệm rồi đi rủ màn sáo xuống không cho ánh sáng tràn vào. Vị y sư dặn lại với họ trước khi cáo lui: Tiếp tục ngự tiến Đông cung những thang thuốc đã kê đơn vào đúng thời gian quy định – ông giả vờ không nhìn thấy những cái lắc đầu buồn bã của mảnh tâm hồn già dặn đang soải dài trên nệm gấm của chiếc giường quá rộng. 2. Vào hồi trống gần canh ba ngày mười hai tháng chín, một chiêc cáng phủ màn do một toán lính khiêng đến trước cửa Nam phủ Chúa Trịnh là lập tức được đưa vào trong. Hắt ra từ trong đêm tối, những bó đuốc hộ tống chiếc cáng qua khu vườn dưới một quầng sáng đến tận điếm Hậu mã quân. Nơi đây đã có hai vị quan lớn trong đoàn tuỳ tùng của Chúa đang đợi. Chiếc cáng vừa dừng lại, hai người nước ngoài bước xuống, một người dáng vẻ kiểu nhà buôn, người kia dáng dấp sang trọng kiểu quý tộc, chiếc kiếm bên hông, tay giữ chiếc hộp thuôn dài, họ nhanh chóng biến ngay vào trong phủ chúa. Lúc sau, một phái viên của quan Chánh đường đến gặp, và sau cuộc nói chuyện ngắn, hai người ngoại quốc trở lại chiếc cáng có đội hộ tống đưa họ tiến về Đông cung viện. Một số thái giám trẻ được bố trí dọc đường bên cạnh những quan thái giám già khọm. Qua khe hở bức màn có thể thấy người này với bàn tay xanh xao thò ra ngoài chiếc khăn ren trắng, người kia đội mũ như túm bông, người khác với chiếc mũi dài dưới vành mũ đen ba múi. Các thái giám có chỗ đứng tốt được may mắn thấy rõ bọn quỷ quái nước ngoài này từ lúc họ mới xuống cáng. Đó là một người mặc áo xám có lai tay viền vàng và quần đùi đỏ sấm, còn người kia thì đen như chú quạ. Đông cung viện khép kín lạ/i sau khi họ đi vào. Sau cánh cổng là sự yên ả nặng nề. Một quan nội sai đến đón hai vị khách, đưa họ lặng lẽ đến phòng Chè gặp viên quan thừa hành. Viên quan này đệ trình lên hai vị khách qua trung gian quan thông ngôn, cho họ biết về những phương thuốc riêng của Đông cung và xác định cách thức hầu bệnh. Tất cả phải phục tùng sự phê chuẩn đầy quyền uy của Chúa Thượng dù không có mặt. Khi tất cả mọi điều đã được nói xong, dịch lại và lắng nghe, viên quan thừa hành đến báo cáo quan đại thần. Ông này lập tức đến ngay, khuôn mặt dửng dưng, ngực đeo một băng trắng[2] Vị này có nhiệm vụ hướng dẫn hai người khách đến gian phòng của Đông cung Thế tử sau khi yêu cầu một trong hai người tháo kiếm cất vì có sự hiện diện của Chúa. Quan thông ngôn dịch: Xin các ngài theo tôi. Với chiếc mũ vành ba múi và chiếc hộp trên tay, hai người theo đoàn tuỳ tùng đi sâu vào hành lang bí mật trải qua chín lối cửa… Thế tử đang ngước nhìn mông lung, mắt không rời khi hai người ngoại quốc bước lên trong vòng sáng ngọn đèn và chìm đi trong sự trịnh trọng qua hai lần chào bằng động tác mềm mại của những chiếc mũ theo thủ tục trong nước họ thay vì quỳ lạy. Khoác chiếc áo lụa hồng và đội chiếc mũ chỏm đen có tra bộ cúc đỏ, cậu bé vương gia ngồi trên chiếc sập lộng lẫy. Khuôn mặt nhỏ đẹp đẽ ánh lên vẻ opai nghiêm đường bệ. Theo yêu cầu của Thế tử, vị y sư đứng bên cạnh và các quan nội thị lùi lại sau theo tục lệ. Đằng sau cùng, qua tấm màn lụa rộng có sự hiện diện của những người tôn quý chứng kiến bên cạnh một số khuôn mặt son phấn. Trong hai người đang trịnh trọng đến diện kiến Thế tử, một người có vẻ nghiêm nghị lạnh lùng và nặng nề, còn người kia thì duyên dáng kiểu cách và nhẹ nhàng. Đông cung Thế tử hướng về phía họ, đôi mắt khó hiểu. Một giọng nói không biết từ đâu ra lệnh: Cho họ đến gần để hầu bệnh. Quan thông ngôn còn chưa kịp dịch thì người ngoại quốc bộ dạng nặng nề kéo người bạn đồng sự lại gần trong lúc các nội thị lấy chiếc hộp ra đặt lên bàn bên cạnh. Người thầy thuốc phương Tây lịch sự nghiêng mình trước Thế tử, mớ tóc quăn trắng cuộn tròn như vỏ kén mà không thấy chiếc nào động đậy cả. Giọng nói đều đều, ông trình bày nỗi buồn sâu sắc khi nghe nói đến bệnh tình của Thế tử và xin cho ông biết cơn bệnh để tìm cách cứu chữa. Quan thông ngôn dịch rất nhanh không bỏ sót một từ nào với sự gật gù của người nước ngoài mặc áo quần màu sẫm. Một hồi im lặng tiếp theo. Vị y sư đứng cạnh giường Thế tử cúi mình xuống. Phải chăng vì sự có mặt trang nghiêm của Chúa thượng phụ thân nên không cho Thế tử trả lời? không phải thế! Sau khi trịnh trọng gật đầu, Thế tử đặt một câu hỏi như hàm ý khẳng định với người nước ngoài mặc áo màu xám: Ông nói được tiếng ta, hình như vậy. Ông này đáp lại: Tôi nói rất dở. Đằng sau bức màn. Đó là điều làm nên sức mạnh cho âm mưu gây loạn của bọn người phương Tây đến từ xứ đàng Trong (Chúa Trịnh nói với quan Chánh đường ngồi bên cạnh). Họ học tiếng nói, phong tục tập quán và tôn giáo của chúng ta để thống trị đầu óc chúng ta dễ dàng hơn. Đó là một âm mưu chiến lược đáng gờm. Quan Chánh đường nói: ngay lúc này, chúng ta phải biết tận dụng khoa học chữa bệnh của họ. Còn việc trị vì, rồi Chúa thượng sẽ tính sau. Vậy trong hai người đó, ai là linh mục? Hãy để ta đoán. Tất nhiên là người mặc quần áo màu đen. Ông ta có khám đâu. Có chắc ông ta là người thầy thuốc thuốc thực sự không? Tâu Chúa thượng, ông ta vừa là linh mục vừa là thầy thuốc, còn ông kia là nhà phẫu thuật chuyên mổ xẻ với sự thành thạo không ai sánh bằng như người ta đồn. Không được để một điều ghê tởm như thế của phương Tây đụng chạm vào người của con trai ta! Muôn tâu Chúa Thượng, ông này tên là Hyacinthe de la Richardiere, tốt nghiệp trường phẫu thuật và giải phẫu học ở Rochefort rất nổi tiếng ở vương quôc Pháp. Hiện là Phẫu thuật trưởng đoàn Y tế bộ hải quân thuộc Nha Tổng Thanh tra y tế hải quân và Thuộc địa. Quan Tổng đốc Phố Hiến đã tìm hiểu kỹ lưỡng văn bằng. Về họ, dám xin Chúa thượng an lòng, chúng thần biết rõ cả. Chúa thượng nói với vẻ trầm tư: Thịnh suy và tai hoạ đều trực thuộc vào Trời nhưng có thể gốc rễ của chúng đối với chúng ta lại nằm ở trong nước Pháp này. Phía bên kia bức màn. Vẻ tập trung chú ý, người thầy thuốc phương Tây sờ nắn mạch bằng một ngón tay – vị y sư sửng sốt, ngạc nhiên trước việc ông ta khám quá nhanh để xd tính chất và đặc điểm của bệnh tình. Sau đó, ông ta khám tỉ mỉ bảy lỗ khiếu báo hiệu sức sống của tim, dạ dày, gan, lá lách, phổi và thận là lục phủ gốc. rồi ông ta giơ cao bàn tay gầy xanh xao có vải viền về phía một đồ vật sáng loáng, người bạn ông lấy từ chiếc hộp thuôn dài và lôi ra những dụng cụ sắc nhọn. Ông người nước ngoài mặc đồ xám nói giọng cao và rõ ràng: Đây là cái nạo lưỡi để kiểm tra cuống họng – rồi ông ta phác một cử chỉ để an lòng chung quanh. Không chút sợ hãi, Thế tử nhìn Lê Hữu Trác với một ánh mắt lạ lùng trước khi há rộng miệng. Cùng viết thái độ ngoan ngoãn gần như tự nhiên, Thế tử tự mình cởi chiếc áo ngoài khi người thầy thuốc phương Tây xin phép được khám. Ông này lấy ra một tấm vải mịn vuông vắn trải trên ngực và lên lưng của Thế tử, ghé sát tai vào để nghe thở rồi nín thở, ho rồi nín ho… Vị y sư nhận xét ở Viễn Đông người ta không biết phương pháp này mà phải xem sắc mặt, môi, lỗ mũi và mắt để người thầy thuốc nhận rõ tình trạng hô hấp của bệnh nhân. Thế tử còn được yêu cầu cởi hết quần áo và nằm duỗi thẳng người ra. Giọng nói vô hình phát ra trước sự ngại ngùng và lo sợ của các nội thị: Cứ để ông ta khám hình trạng. Vị y sư nhớ lại đã có lần nghe một lệnh tương tự trước buổi đầu tiên đến hầu mạch nơi này. Lúc này ông thầy thuốc thanh lịch phương Tây nhìn xuống tấm thân trần của cậu bé. Ông ta không chỉ quan sát tứ chi gầy guộc, cái bụng chướng to với những tĩnh mạch hiện rõ ở hai bên, mà bằng một động tác dứt khoát, ông còn ấn cả hai tay xuống hai bên bụng đang căng. Sau đấy, ông lấy bàn tay trái ấn xuống khá mạnh rồi bắt đầu cho tay phải gõ nhẹ sườn cậu bé. Rồi ông lại gõ gõ hai lần từ đông sang tây rồi từ tây sang đông, gật gật đầu như đã hiểu trong khi chú bé vương gia đang chơi trò dùng cái quạt phủi bụi phấn rơi ra từ bộ tóc giả của ông này. Cuối cùng, ông ta yêu cầu cho xem phân và nước tiểu. Thế tử hỏi: Tại sao chỉ có mình ông được quyền khám ta? Vậy ông bạn này của ông không phải là thầy thuốc sao? Quan thông ngôn không để cho người nước ngoài mang áo quần đen có thời gian nói về nhiệm vụ của mình. Câu hỏi này dịch xong, ông lại dịch ngay câu trả lời: Tâu Đông cung, cả hai chúng tôi đều là thầy thuốc nhưng người đồng nghiệp của tôi đây lo phần cứu rỗi linh hồn. Cậu bé vương gia nói, quay về phía người mà ông kia cho là người cứu rỗi linh hồn: Chỉ có những linh hồn không người hương khói mới gặp hiểm nguy. Quan thông ngôn lại dịch. Rõ ràng là người thầy thuốc phương Tây không hiểu Đông cung thế tử muốn nói gì. Đóng lại chiếc hộp bằng những khuy nhọn, ông cúi người qua những nếp gấp của bộ áo lạ kỳ trong khi bên cạnh, ông linh mục kiêm thầy thuốc trả lời cậu bé bằng ngôn ngữ của Đông cung: Không có Chúa trời, tất thảy mọi linh hồn đều gặp những hiểm nguy! Đến đây cuộc hầu bệnh đã kết thúc. Trước mắt Đông cung trang nghiêm, hai thầy thuốc nước ngoài cúi chào hai lần rất lâu rồi thụt lùi ra về, lại cũng quan đại thần lúc nãy lặng lẽ đưa hai ông trở về qua hành lang bí mật.. Giữa nhiều nội thị đang bận rộn chuẩn bị giấc ngủ, Thế tử quay lại vị y sư đang đứng đầu giường. Hơi thở của Thế tử hình như bị nghẹt lại bởi một sự mệt mỏi cùng cực. Bây giờ thì lão sư đi đi. Lão sư chưa kết thúc việc này được đâu. Đàng sau bức màn. Chúa nói với quan Chánh đường. Hãy triệu họ đến phòng Chè. Ta muốn biết Thế tử ta đau bệnh gì và họ đề xuất cách chữa thế nào. Ta cũng muốn cám ơn họ đã cảm phiền giúp đỡ ta. Hãy triệu tập ngay lập tức một hội nghị đại biểu – Chúa nói với Quận Huy – Ông hiểu ý ta chứ? Luôn có quan Chánh đường theo sau, khi bước vào phòng Chè, bộ mặt hổ mệt nhọc của Chúa liền hớn hở khi trông thầy, theo ý muốn của ông, nơi đây đã có đại diện tương đương của hai phái kình chống nhau trong triều đình. Lùi sâu sau những màn lụa là những địch thủ không đội trời chung dưới bộ mặt rất lịch sự với nhau. Một bên là mẫu thân của Chúa, Đức bà Thánh mẫu, đồng minh của Trịnh Khải ngớ ngẩn đầy sức khoẻ. Bên kia, mệnh phụ của Chúa, bà Chánh cung, người đã cho ra đời vị Thế tử kế nghiệp tuấn tú, sớm thông minh trong một thân xác quá mong manh. Ngồi đàng trước, có bảy vị quan trong Đại hội đồng, trong số này có ba người bản tính thật thà không ẩn ý ra sức ủng hộ Chúa và quan Chánh đường, ba người khác thì luôn dao động, không có chính kiến rõ rệt và người sau cùng là vị đại thần Hoan mà theo người ta nói có ít nhiều ảnh hưởng đến Trịnh Khải và Đức bà Thánh mẫu. Cuối cùng chung quqanh thầy thuốc Nguyễn Quý co mặt một số thầy lang thoát nạn của Thái y viện, không ưa gì Lê Hữu Trác nhưng cũng không đến nỗi thù địch ông. Vẻ hấp dẫn mặn mà, nhân danh Chúa thượng, quan Chánh đường đề nghị ông Hyacinthe de La Ricardiere và cha linh mục Paul Lebrun phát biểu những kết luận của họ. Quan thông ngôn đã sẵn sàng. Đầu tiên, nhà phẫu thuật Pháp cho hay rất ngạc nhiên và sửng sốt trước trường hợp gầy mòn trông thấy của Thế tử lại thêm cả chứng suy nhược, sự khó thở liên tục và bệnh bụng chướng khá nặng. Ông cho rằng thể trạng của người bệnh nhỏ tuổi này không thể nào suy sụp hơn nữa. Ông còn nói với trường hợp một đứa bé nào khác thì hẳn đã chết từ lâu rồi. Quan thông ngôn dịch lại. Chúa Trịnh nói với vẻ hài lòng: Người thầy thuốc của Đông cung, cụ Lê Hữu Trác tôn kính đang có mặt tại đây ca ngợi con đường "Vương đạo" của nền y học chúng ta nhằm bảo vệ sức lực tự nhiên của cơ thể và không bao giờ quên kết hợp giữa hai phương pháp điều trị và bổ dưỡng. Cha linh mục Lebrun phát biểu thẳng bằng tiếng bản xứ: Tâu Chúa thượng, ở phương Tây chúng tôi cũng nghĩ như vậy, không nên chỉ nhắm vào các triệu chứng vả lại còn vì những lý do khác có tác dụng thanh trừ bệnh tật. Việc này còn góp phần đào thải ra ngoài những chất ứ đọng và thối rữa trong người. Lần này quan thông ngôn dịch ngược lại cho nhà phẫu thuật Pháp nghe. Ông này trả lời ngay, bực mình trông thấy: Tất cả những đầu óc khoa học ngày nay phải công nhận các phương pháp tẩy rửa, bơm thụt, nhịn ăn hoặc kiêng khem mà cũng chưa cho là đủ. Càng ngày càng tỏ ra cần thiết tấn công trực tiếp vào chính chứng bệnh vì tất cả mọi bệnh tật đều sinh ra từ những thương tổn của cơ thể mã ta cần tìm ra và chữa trị. Xin ông dịch cho…. Nhà phẫu thuật nói tiếp: Không nghi ngờ gì nữa, những cơn đau bụng, rối loạn tiêu hoá, xơ cổ trướng mà Đông cung đang mắc phải đều có thể quy cho bệnh ở màng bụng… Nghe tới điểm này, quan thông ngôn đến quỳ xuống trước Chúa thượng tâu rằng ông không biết dùng từ gì trong tiếng Việt để dịch "péritoine". Ông thầy thuốc giải thích thẳng bằng tiếng ta: Tâu Chúa thượng, đây là màng mỏng bao bọc thành bụng và bao bọc nội tạng ở trong chưa kể tới những màng bụng giữa nối tiếp màng bụng ngoài với màng bụng nội tạng. Ông có quan sát thấy như thế trogn những người bị án tử hình ở Vương quốc phương Bắc không? Câu hỏi của quan Chánh đường làm tan bớt vết nhăn trên khuôn mặt lạnh lùng của nhà tu hành đang lịch sự chờ đợi quan thông ngôn dịch ra bằng tiếng Pháp cho ông bạn đồng sự. Tâu Chúa thượng, đó là một việc từ lâu được biết đến bên phương Tây. Chúng tôi đã quan sát trên thân thể và trong nhiều trường hợp mổ sau khi chết – nhà phẫu thuậnt nói, xem như đó là một việc tự nhiên bình thường. Câu dịch của quan thông ngôn rơi vào một quãng tĩnh lặng khủng khiếp. Sách Hậu chu thiên của Thương Hoàng có trích một đoạn cho rằng đó không phải là một cái màng mà là một thứ mỡ màu vàng làm dính mười sáu nếp gấp của đại tràng thành một khối – lần đầu tiên vị y sư lên tiếng. Nhìn thấy sự vừa ý của Chúa, quan thông ngôn bình tâm dịch ngay. Nhà phẫu thuật người Pháp không mảy may chú ý đến ý kiến trên của vị y sư vì ông ta cho là thừa. Kéo măng sét áo có viền đăng ten lên, vẻ khó chịu. Ông ta giải thích rằng chứng màng bụng này luôn luôn gây ra nhiễm trùng, biểu hiện trước hết bằng chứng tụ huyết. Sự tiết ra ngày càng nhiều một chất nhờn có mủ không còn phương cách nào để tự vệ ngoài việc tạo ra những màng bụng che chở giả. Nhưng loại này có thể làm tê liệt và chẹn lai các khúc ruột. Quan thông ngôn khó khăn lắm mới theo được. Ông lúng ta, lúng túng chữa lại rồi đề nghị nhắc đi nhắc lại. Tóm lại bệnh của Đông cung là một chứng viêm màng bụng kinh niên chỉ có thể chữa bằng cách điều trị trực tiếp từng phần, đó là việc bơm rút nước. Đến đây quan thông ngôn lại thiếu từ dịch. Vị y sư hỏi: Việc ấy làm như thế nào? Nhà phẫu thuật Hyacinthe de la Richardiere tuy là hạ mình trả lời câu hỏi của người thầy thuốc riêng của Đông cung nhưng thật ra ông ta chỉ trình bày với Chúa Thượng mà thôi: Từ paracentèse gốc từ chữ Hy Lạp para là xuyên qua và kentein là chọc thủng. vấn đề là – ông vừa nói vừa mở chiếc hộp thuôn dài để trước mặt – dùng cái ống chọc làm thoát ra thứ chất lỏng ứ đầy trong vùng bụng. Người ta đưa đầu nhọn của ống kim loại này vào khoang bụng để hút. Quan thông ngôn vừa lắp bắp dịch xong, một tiếng thét nghẹt thở ré lên từ sau bức màn bà Chánh cung và tắt ngay. Lê Hữu Trác hỏi: Vậy có vận may nào để phục hồi được nguyên khí của Đông cung không? – Vì ông không thể nghĩ rằng một căn bệnh nảy sinh từ sự mất cân bằng năng lượng sống của cơ quan nội tạng lại có thể chữa lành bằng phương pháp với chiếc dụng sắc nhọn như thế này. Khi đã nghe dịch xong câu hỏi của mình, vị y sư rất chăm chú lắng nghe câu trả lời của nhà giải phẫu. Nhưng ông cũng không thể phủ nhận rằng những trường hợp bị thương tổn nặng nề thì việc chữa chạy không thể làm cho lành hẳn vì nhiều di chứng dai dẳng do rối loạn tiêu hóa, do sự bế tắc kinh niên hoặc còn do sự tái phát nữa. Cúi xuống quan Chánh đường, Chúa thượng nói: Tóm lại, tất cả khoa học giỏi giang của phương Tây chung quy lại chỉ là việc chọc thủng bụng để làm xẹp đi mà không có sự bảo đảm nào khác. Lúc này, qua bức màn lụa, Chúa thượng nhìn thấy khuôn mặt của bà Chánh cung. Nước mắt chảy rõng trên má, bà lắc đầu ra hiệu: không, rồi lại lắc đầu: không, dứt khoát không. Đức bà thánh mẫu ngày thường thì lạnh nhạt khủng khiếp lúc này cũng đang nhìn bà Chánh cung, nét tôn kính có vợi đi trong niềm trắc ẩn khác thường… Chúa thượng xúc động, tập trung nhìn vào quan Chánh đường, ông này thấy thế liền quay đi, Chúa đang đợi ở ông một ý kiến sáng suốt. Quan Chánh đường thưa: Tâu Chúa thượng, bằng mọi giá phải cứu cho được Đông cung Thế tử. Và trong lúc này, thầy thuốc Nguyễn Quý nổi tiếng về khoa tim đặt ngay ra một câu hỏi mà từ nãy đến giờ không một ai dám nêu ra: Việc chọc thủng vùng bụng để tìm và hút ra chất nhờn có mủ có quá đau không, liệu Thế tử có thể chịu nổi không? Quan thông ngôn dịch rất trôi chảy câu hỏi mà chính ông ta cũng tự đặt ra cho mình. Nhà phẫu thuật Pháp nói: Xin đừng nghĩ rằng chúng tôi vô cảm. Nhiệm vụ của chúng tôi là làm cho người bệnh bớt đau đớn chứ không phải hành hạ họ. Vì chúng tôi chưa có phương pháp nào hữu hiệu làm dịu đi hoặc làm cho người bệnh mất cảm giác. Tôi sẽ nói dối nếu khẳng định sự mổ xẻ này là không đau đớn nhưng điều đó còn phụ thuốc vào bàn tay chuyên môn nữa. Nó sẽ làm cho Đông cung có cảm giác đón nhận một lưỡi giáo đâm vào sườn. nhưng thật ra không có cách nào khác, một sự đau đớn tạm thời hay là cái chết. Quan thông ngôn vẫn dịch lại với sự ghê sợ. Ông cảm thấy mình bị giám sát bởi ông linh mục kiêm thầy thuốc quỷ quái này biết rất rõ tiếng ta. Rất khó cho ông làm dịu tình hình. Ông ngừng lặp lại lời cầu xin "Cúi xin Chúa thượng rủ lòng tha tội cho bề tôi hèn mọn này!" Một tiếng nức nở lọt ra từ sau bức màn của bà Chánh cung bị ghìm lại trong khi tiếng trống điểm canh năm vang dội từ xa lên màn đêm buồn thảm. Ông linh mục kiêm thầy thuốc nói rất nhiệt tình: Những ai đau khổ đều rất gần với Chúa và nằm trong sự cầu nguyện của chúng tôi. Bất thình lình, những lời nói của Chúa thượng với người thầy thuốc riêng của Đông cung như được phán ra từ khoảng trời rộng mở. Tôn sư Lê Hữu Trác, nghề nghiệp cao quý làm cho cụ quên mình vì lợi ích của những người bệnh. Ý kiến của cụ lúc này như thế nào, cụ cứ nói thật đi, đừng quanh co gì! Quan thông ngôn sung sướng không gặp khó khăn nào liền vội vàng gần như vui vẻ dịch sang tiếng Pháp lời nói của Chúa. Giữa tất cả những gì đã nói và được dịch từ bên này hoặc bên kia, vị y sư đã có thời gian suy xét một thực tế về y học sang một thực tế mang màu sắc chính trị. Điều này đem lại cho ông nỗi thất vọng sâu xa và lo lắng trước cách điều trị thô bạo. Lúc này ông đã hiểu và nhận thức được mức độ người ta lợi dụng sự dễ tính ngây thơ và nhất là nhiệt tâm của ông! Mở đầu là ông bạn thầy thuốc Trung Hoa, trước lúc biến mất đã ma quái quyến rũ ông và kết thúc là cô hầu Lan rất đỗi ngây thơ và khéo léo, chỉ mong tìm ra một cách nào đấy để cứu ông. Ông tiếc là đã không làm theo lời căn ngăn của các môn đệ tuy rất trẻ nhưng lại vô cùng chín chắn. Ngọn nguồn của tai hoạ này cuối cùng phải truy cứu đến Quận Huy – quan Chánh đường, đến cả Trịnh Khải nữa. Người này lẫn người kia đều có một sự tính toán giống nhau, trút lên ông mọi trách nhiệm và cùng một mục đích, thâu tóm quyền lực. quyền lực gắn người này vào sự sống, vào người kia là cái chết của Thế tử. Từ cái ngày trên đường ra Thăng Long, các quan hộ tống nối đuôi nhau, người đầu tiên để cản trở ông không đến được kinh đô và người thứ hai để dẫn ông tới đó. Ông cảm thấy như vừa thức dậy sau một giấc ngủ dài. Khi Chúa thượng nói mấy lời như trên thì ông kết luận vấn đề còn lại là phải quay về với tính thực tế y học và từ nay phải bám lấy nó. Khi thần được vời đến thì Đông cung Thế tử đã dùng quá nhiều vị thuốc đắng và hàn làm thương tổn các nguyên khí âm dương. Tất cả cho thấy rõ một thể trạng quá nguy khốn. vậy phải củng cố và bồi dường hành thể cho lá lách, giảm bớt hành hoả quá mạnh của dạ dày và thử phục hồi lại năng lượng tiên thiên, như thể cho phép hơi thở nguyên lai được hồi phục và đẩy lùi bệnh đến mức tuy không trực tiếp bị công phá mà tự nó biến mất. Cách điều trị đó có kết quả phần nào như nhà phẫu thuật Pháp đã công nhận. Tuy nhiên thể trạng của Đông cung vẫn dẫm chân tại chỗ và không đi đến lành hẳn được. Đến đây ông quan thông ngôn kính cẩn xin được phép dịch ra để nhà phẫu thuật Pháp hiểu được. Lời yêu cầu đó được chấp nhận. Lê Hữu Trác tiếp tục: Tâu Chúa thượng, toàn bộ kỹ năng chữa bệnh của thần là làm tăng thêm sức mạnh để phân tán hoặc điều hoà sự tuần hoàn của sinh khí phù hợp với nhịp điệu của vũ trụ đến những cơ quan nội tạng bị bệnh. Nhưng xem ra cách chữa bệnh ở đây hoàn toàn khác xa với cách điều trị của thần là chẳng cần đến phương pháp điều trị không chảy máu ngay cả khi muốn cứu sống một em bé trong bụng mẹ vừa mới tắt thở. Quan thông ngôn chưa dịch xong thì ông phẫu thuật gia Hyacinthe de La Richardiere biểu thị ngay sự sửng sốt là có thể tồn tại một phương pháp điều trị không chảy máu. Ông này nói: Vậy ông giải quyêt như thế nào với những trường hợp như cưa chân, khoan xương, sỏi bàng quan và đục thuỷ tinh thể? Đôi mắt quan thông ngôn hiện lên vẻ hoảng hốt mà lúc này ông linh mục kiêm thầy thuốc đang đỡ lời. Lê Hữu Trác nói: chúng tôi đã biết về những kết quả đạt được qua sự phẫu thuật của các ông ở xứ đàng Trong, đặc biệt là việc mổ rò hậu môn mà người thầy thuốc tên Duff đã thành công. Nếu một số trường hợp ngoại khoa nào đó đã dùng đến phương pháp mổ xẻ có thể được chấp nhận thì tôi xem như không thích hợp trong trường hợp này của Thế tử. Quan thông ngôn dịch thông suốt câu này kèm theo chút hứng thú. Đằng sau các bức màn các Đức bà Đại tôn kính đều bất động như bầy chuột dưới đáy hang. Quan Chánh đường hỏi với giọng nửa vời: Vậy tại sao nó lại không thích hợp, thưa y sư Lê Hữu Trác? Bẩm Cụ lớn, qua thời gian là thầy thuốc riêng của Đông cung, ngày lại ngày qua được lắng nghe tấm thân ngọc cao quý, tôi biết rõ tình trạng sức khoẻ của Thế tử. Tôi vẫn hy vọng một giải pháp trung gian không lấy gì nặng nề và nhanh chóng hơn có thể bổ cứu thêm cho sự hoạt động của tự nhiên. Tôi biết các phương pháp điều trị làm chảy máu đó không bảo đảm kết quả cho sự lành bệnh và có nguy cơ làm rối loạn hẳn cách điều trị được áp dụng từ trước đến nay. Chúa Trịnh tán thưởng và ra lệnh: Dịch ngay! Vừa nghe quan thông ngôn dịch, nhà phẫu thuật Pháp vừa hờ hững nghịch chiếc ống chọc của mình. Nghe xong ông ta liền độp lại ngay: Nếu việc can thiệp không bảo đảm lành bệnh thì chỉ còn một giải pháp duy nhất có thể cứu được Đông cung. Lê Hữu Trác nói: Thưa nhà phẫu thuật, vậy là ông muốn bắt y học phải chạy theo các dụng cụ của ông! Những tiếng xì xào lan ra trong những người có mặt mà về sau nhà phẫu thuật mới hiểu ra. Vị y sư tiếp tục: Vậy ông sẽ giải quyết như thế nào với người bệnh? Tôi muốn nói khả năng chịu đựng sự đau đớn trong cuộc mổ xẻ này và cả ý chí muốn được chữa lành của bệnh nhân? Sau khi đã hiểu ra, nhà phẫu thuật kêu to: Ý chí của người bệnh ở đây có tác dụng gì? Bên Pháp, đất nước chúng tôi, chỉ một mình người thầy thuốc quyết định…về những gì cần phải làm. Những công trình nghiên cứu y học lâu năm của chúng tôi đã cho chúng tôi khả năng đó. Xin ông dịch đi! Ông linh mục kiêm thầy thuốc nãy giờ không ngừng theo dõi Lê Hữu Trác trong cuộc tranh luận, nói với vị y sư bằng tiếng bản xứ: Nếu ông nói về ý chí được lành bệnh thì việc cần chữa trị là linh hồn hơn thể xác của người bệnh. Nói về ý chí chữa bệnh tôi ngầm hiểu là người bệnh phải tham gia vào việc điều trị của họ và cùng với việc điều trị đó bằng nghị lực của chính mình. Với trường hợp của Đông cung, chúng ta gặp phải một bệnh nhân có sự nhạy cảm và trí thông minh xuất chúng so với tuổi đời còn quá trẻ - Nhìn về phía Chúa Trịnh, vị y sư nói – Điều mà thần lo sợ nay thần mới dám nói ra vì Chúa thượng đã yêu cầu thần đừng ngại nói thẳng, đó là ý kiến chọc vào bụng của Thế tử. Ngoài sự chịu đựng về thể xác, điều đó còn tác hại đến sự thống nhất của bản mệnh Thế tử trong sự hài hoà với vũ trụ. Và như vậy, Đông cung sẽ mất thêm chút năng lượng nguyên thuỷ còn lại. Lời dịch của quan thông ngôn làm cho nhà phẫu thuật choáng váng, ông linh mục kiêm thầy thuốc liền phản ứng ngay với Lê Hữu Trác: Như vậy phù hợp hơn cả là nên chuẩn bị cho linh hồn hay bản mệnh của Đông cung muốn được chữa trị dù là có mổ xẻ hay không? (Ở đây, ông ta không ngại ngùng buông ra từ vô vi của đạo Lão), có thể chúng ta sẽ cùng nhau xét đến việc thực thi giải pháp này mà ông hy vọng. Nói với Lê Hữu Trác xong, sau đó bằng tiếng Pháp ông nói với ông bạn đồng nghiệp de La Richardiere đang bực tức đóng lại hộp dụng cụ: Đừng nên xử sự thô bạo dẫn tới điều trái ngược với những gì họ tin và họ nghĩ. Ở đây, chúng ta không phải ở phương Tây, chúng ta phải mượn những con đường tắt để đạt được mục tiêu. Còn ông thầy thuốc này là một con người ta cần coi trọng. Về vấn đề cậu Thế tử nhỏ tuổi, đừng quên câu hỏi quan trọng nếu muốn tránh những hậu quả xấu nhất, nếu cậu ta không chịu đựng nổi trong cuộc phẫu thuật thì sao? Nhà phẫu thuật giận dữ kết luận: Tốt hơn cả là cứ để cho họ lần mò trong mê cung truyền thống ngàn đời của họ. Chỉ có cách đó thôi! Chúa Trịnh và các bà Đại tôn kính đều rút lui mà không đi tới một quyết định nào. Quan Chánh đường cũng cho giải tán luôn đám cử toạ. Chiếc cáng đưa hai thầy thuốc nước ngoài đến điếm Hậu mã quân, ở đây họ được mời một bữa ăn nhẹ theo mệnh lệnh đặc biệt của Chúa. Còn vị y sư trở về nhà nghỉ ngơi trước khi lại bắt tay vào việc phục vụ ở Đông cung viện. Hôm sau là ngày mười bốn tháng chín. 3. ngày mười bốn ấy, như một tiếng sấm giữa trời quang, tin tức lọt ra từ phủ Chúa Trịnh loan truyền khắp kinh đô: Chúa thượng bị bệnh vô cùng nguy kịch. Bao nhiêu tin đồn – thật hay giả - bay khắp kinh thành, lúc ban đầu không mấy ai quan tâm. Những người có mặt trong đám cử toạ lại càng ít tin hơn vì đêm qua họ đều thấy rõ bề ngoài sức khoẻ Chúa thượng vẫn tốt. Mọi người đều biết cụ Lê Hữu Trác đã quyết tâm đến cùng trong việc chữa khỏi bệnh kinh niên cho Chúa với bài "Long thang" nổi tiếng. trong buổi sáng sớm, Lê Hữu Trác được triệu tập hoả tốc đến phủ chúa, ông gặp các môn đệ chạy tới hỏi tin này mà chẳng trao đổi được một lời về cuộc đối đầu tuyệt vời đêm qua với các thầy thuốc phương Tây. Cô Lan nói với họ, đôi mắt dõi theo chiếc cáng chạy ra xa nhanh lắm: Vừa mới thấy ông chủ về lại thấy đi ngay! Và Soạn, cậu chạy đi đâu gấp vậy? Tống Thuần, Anh cả, nói: Chắc là đến Trại Voi rồi! Chú em ơi, hãy chờ ta một lát, nếu chú đến thăm cô Kim, anh sẽ dẫn chú đi để nói chuyện với cha nó. Do những tin đang được đồn đại, hơn bao giờ hết, chúng ta phải hết sức cảnh giác. Sẽ rất có lợi nếu có vài người trong số các bạn cùng đi đến thăm vị Quận hầu. Nhiều môn đệ khác tán thành. Sứ Hoa kiều nói: Anh cả ơi! Phải vô cùng cẩn thận. Thế rồi sau khi hẹn gặp lại nhau tai nhà thầy vào giờ dậu, mỗi người lại chạy đi lo việc mình, số này đi điều tra, số khác đi thăm người bệnh. Với vẻ vô cùng lo lắng và hoài nghi, khi vừa ra khỏi gian phòng lớn nhà Chúa, quan Chánh đường nói: Thưa cụ, cụ nghĩ thế nào? Theo ý cụ, có lạ lùng không chứ? Quả thật không có dấu hiệu nào báo trước cơn bệnh này. Chứng suy sụp đột ngột của Chúa thượng rất nặng. Mạch đập dồn dập rồi bỗng nhiên chậm hẳn lại và lờ đờ đã tác hại đến nguyên khí của Ngài. Thế cụ định làm thế nào? Phải cố gắng cứu chữa cho được hơi thở của con tì. Nhưng Cụ Lớn đã thấy rõ "Vị khí đã bại, trăm thuốc khó chữa", các nhà kinh điển đã nói vậy rồi. Quan Chánh đường lấy làm tiếc và vô cùng lo lắng: Thế mà Chúa thượng chưa có một quyết định nào về việc lập Đông cung! Xin cụ kê đơn gấp, xin bốc cho một số thang thuốc để từ đó chúng tôi có thời gian đi đến một số quyết định quan trọng nhất. xin đừng giao việc pha chế thuốc này cho một ai khác và xin cụ tự mình ngự tiến Chúa thượng không qua một trung gian nào. Cụ rõ rồi chứ? Lê Hữu Trác muốn chia sẻ với quan Chánh đường về những câu hỏi vừa rồi nhưng trước sự khẩn cấp để cứu người bệnh có nguy cơ tử vong ông đã không chậm trễ. Ông đến ngay kho thuốc nội phủ pha chế thang thuốc gồm nhân sâm, bạch truật và phụ tử, đun lên trên lửa cháy đượm và tự ông mang tới dâng lên. Đây là phương thuốc nhằm kích thích sức lực để Chúa thượng được hồi phục. Chúa Trịnh nằm trên nệm, bắp chân, bắp tay mềm như búp lụa buộc lại, hơi thở nhỏ và nói rất ít. Vị y sư phải đỡ lấy đầu cho uống thuốc, từng ngụm, từng ngụm. Lần này…cụ sẽ không…làm ta sống lại được đâu…Chăm chú theo dõi Thế tử…không mổ xẻ…Bây giờ thì đi đi và hãy trở lại sau. Rồi Chúa ngã xuống, quá kiệt sức. Bà Chánh cung trẻ không rời khỏi giường Chúa một bước trong khi những người còn lại trong gia đình chỉ được phép đến ngoài cửa hỏi han các thái giám. Chỉ riêng quan Chánh đường được tự do ra vào mà thôi. Như đã thoả thuận, lúc các học trò gặp lại nhau ban đêm tại nhà thầy gần bên hồ, có người đến báo với cô Lan rằng thầy phải ở lại trong phủ chúa chưa biết đến khi nào mới về được. Sứ Hoa kiều nói: Điều này xác nhận là dân kinh đô luôn nắm vững tình hình. Ông anh ơi, từ Trại Voi, anh có biết thêm gì không? Tống Thuần trả lời: từ lúc này, bọn mưu phản tụ tập ở chùa Khán Sơn, điều đó gây thêm nhiều khó khăn cho chúng tôi. Mặt khác, từ đội ưu binh đến đám kiêu binh, bọn lính tráng ngạo nghễ này đã bắt đầu thiết lập luật lệ của chúng. Chúng đã hung bãn bao vây Trại Voi. Bề ngoài thì đâu có lý do gì… trừ phi là chúng cất giấu vũ khí phương Tây ở đó. Về chuyện này, trong kinh thành người ta đoán chắc rằng trong phủ chúa hiện nay không còn một tấc sắt để tự vệ, rằng đội ưu binh này đã cuỗm đi tất cả. Thụy Anh Bướng bỉnh nói: Tôi không thấy còn giải pháp nào tốt hơn cho thầy là nhân cuộc rối ren tranh ngôi cướp vị này mà trốn khỏi kinh thành. Soạn kêu lên: Không bao giờ ông chủ làm như vậy! Không đời nào cụ bỏ được Thế tử bé nhỏ yêu quý của cụ. Trừ trường hợp cậu bé này đã chết – Soạn nói ngay bằng một giọng gần như đắc thắng – Lúc đó thì không ai giữ cụ ở lại kinh đô được nữa. và nếu quan Chánh đường không giết cụ thì ông ta cũng chẳng có lý do gì mà giữ cụ ở lai được! Nam Sơn hỏi: Anh Thụy anh lại quên mất các thầy thuốc nước ngoài rồi. Họ đã đề nghị những gì? Anh chưa biết à? Tử Hư nói lấy Tài và Khâm làm chứng: Không phải thế, phải không các bạn? Ông Quận hầu có nói với chúng ta về cuộc hội nghị đêm qua nơi phủ chúa. Thụy Anh nói ngay: Vậy hãy kể nhanh lên! Chị Lan xinh đẹp ơi! Xin chị đem trà cho chúng tôi, có rượu nữa thì càng tốt. Tử Hư nói: Đồ nhặng xị, các anh nghĩ rằng ông Quận hầu trẻ lịch sự này khạc ra cho chúng tôi vài câu à? Chúng ta đâu phải là bạn tâm giao của ông ấy! Thụy Anh liền đề nghị: Thôi, thay vì cháy bùng lên như cành củi khô, hãy kể lại cho chúng tôi nghe những gì mà ông Quận hầu nói. A, đây rồi, trà ngon và cả rượu nữa. Chị Lan ơi, đừng đứng chỏng tai sau cánh cửa làm gì, xin chị ra đây cùng nghe luôn. Tử Hư nói: Ông Quận hầu đã kể lại một trong những thầy thuốc nước ngoài có đề xuất chọc thủng bụng Thế tử để hút đi chất lỏng tích trữ lâu ngày, cho đó là khả năng duy nhất để cứu cậu bé này mà không có sự bảo đảm nào nhưng Chúa và thầy chúng ta đều phản đối. Sứ Hoa kiều nói, vẻ nghĩ ngợi: - Việc đó tất nhiên đòi hỏi phải có những hiểu biết cực kỳ chính xác về giải phẫu học. vậy ý kiến của quan Chánh đường, thân phụ của ông Quận hầu như thế nào? Trong trường hợp Chúa thượng băng hà, liệu ông ta có đi đến việc tự quyết định không? Khâm nói: - Ông quận hầu trẻ không thể nào đoán được phụ thân mình sẽ làm như thế nào. Và riêng ông ta cũng không đả động gì. Những ngày tiếp theo, tình trạng sức khoẻ của Chúa chẳng tiến triển gì mấy. việc chăm lo hàng ngày cho Thế tử và những săn sóc đặc biệt cho Chúa thượng, khiến vị lương y không có thời gian ra khỏi phủ chúa. Giữa đô thành, trong các cuộc chuyện trò, người ta chỉ kháo chuyện Chúa Trịnh sắp chết như lời tiên đoán trước đây. Mỗi lần bệnh tình tái phát, bà Chánh cung lại lo sợ cho Chúa thượng. Trước đây bao giờ Ngài cũng bình phục nhưng lần này thì không giống như những lần trước, chứng đau của Chúa bây giờ hình như ở một dạng khác, âm ỉ và không chịu nhượng bộ trước bất cứ phương thuốc nào. Con người đã đưa bà lên hàng đệ nhất phu nhân trong phủ chúa sắp đi đến cái chết. Ôi! Địa vị của bà lúc này sao mà bị đe doạ như thế. Bà không ngừng than khóc. Chúa nói với bà trong một lúc bệnh hơi dịu xuống: - Có ích gì đâu mà khanh đau đớn như vậy? - Tình yêu mà Chúa thượng đem lại cho thiếp đã gây nên biết bao ganh tị. Thiếp còn chưa biết số phận thiếp và đứa con trai đau ốm của thiếp ra sao đây nữa. Bà không thể nói tiếp được. - Con trai của khanh là Thế tử kế nghiệp, khanh sẽ là mẹ của tân Chúa. Ai còn dám tranh cãi quyết định của ta được. bà liếc mắt về phía quan Chánh đường đang có mặt, bằng khoé mắt, đầu môi kêu gọi sự giúp đỡ trước khi nói thêm là bà vô cùng lo ngại rằng nếu không dè chừng thì vị Thế tử kế nghiệp có thể sẽ bị truất phế. Tranh thủ lúc Chúa thượng còn đang minh mẫn, quan Chánh đường liền tác động. Tại sao lúc này không tôn Thế thử Trịnh Cán lên ngôi Chúa và công khai hoá việc phong danh vị Chánh phi của Đức bà Đặng thị Huệ bằng mệnh lệnh của Chúa để bà có được quyền kiểm soát quốc gia đại sự? Như vậy khi việc xảy ra, mọi việc đề phòng đã được thực hiện. Được Chúa thượng khen ngợi, quan Chánh đường nở một nụ cười khiêm tốn và khi biết ông được đề nghị là Phụ chính của Thế tử qua một tờ cố mệnh, ông càng rất khiêm tốn xin chối từ trọng trách vô cùng nặng nề đó nếu không được chia xẻ với bảy vị trong Đại hội đồng đều là những người rất tài giỏi và trung thành. Như thế là được – Chúa thượng nói và lại ngã vào đống gôi, cái nhìn xa xôi dừng lại ở dung nhan mê hồn của bà Chánh cung. Vậy quan Chánh đường chỉ còn lại công việc là ra lệnh cho các quan văn thư chính phủ soạn thảo ngay, người này lo bức thư cố mệnh, người kia lo bản mệnh lệnh của nhà Chúa. Với những văn thư chuẩn bị sẵn để điền thêm tên với chữ ký giấu kín trong ống tay áo, quan Chánh đường trở lại gian phòng Chúa Trịnh thì gặp vị y sư vừa đi ra, đầy thất vọng. Bẩm Cụ Lớn, không thể lmà được gì hơn nữa. Chúa thượng không thể nào khỏi bệnh được rồi. Còn Đông cung thế tử? Bẩm Cụ Lớn, hãy còn yếu lắm và cần phải được bảo vệ chống ánh mặt trời và gió máy. Vào lúc này, trong gian phòng của Chúa, Đức bà Thánh mẫu nhìn đứa con trai của mình mà bà Chánh cung trẻ đang nâng dậy. Bà nói, giọng rất yếu: Con ơi, hãy nằm yên! Lạy mẹ, con oán hận số phận bi thảm đã cản ngăn không cho con làm tròn nghĩa vụ là sau này lo việc thờ cúng mẹ. Xin mẹ đừng than khóc nhiều nữa về những ước mơ cao cả mà mẹ đã uỷ thác nơi con. Con trai kế nghiệp của con kế thừa truyền thống tổ tiên vinh quang của chúng ta sẽ thực hiện những ước vọng của mẹ…Con trai con sẽ là Đại Nguyên soái Quốc công Thượng Phụ khôn khéo và quyết đoán, điều mà con trai của mẹ đã không làm được. Bây giờ kính xin mẹ nói lời tiễn biệt con và ngự giá hồi cung. Tuy vậy Đức bà Thánh mẫu vẫn ở lại, đứng than khóc ở phía chân sập. Đôi mắt chuột nhắt lục lọi và tinh ranh nhìn ngó đứa con trai hấp hối đến bà Chánh cung trẻ. Nhìn Đức bà chưa dứt khoát rời chân, Chúa tâu lên bà lần cuối với ít nhiều hóm hỉnh: Tình mẫu tử không cho mẹ rời con lúc này! Lòng mẹ thương con quá nhiều! Nhưng mẹ ơi, con xin khẩn cầu, xin mẹ ngự giá hồi cung. Nước mắt của mẹ làm con sầu não, không thể nào ra đi nhẹ nhàng được. Chỉ đến lúc này, Đức bà Thánh mẫu mới rời gian phòng, chắc bà còn đang hối tiếc đã không thể tuyên bố một lời nào về chuyện kế vị. Bà đi qua trước mặt quan Chánh đường đang đứng đợi bà rút lui để cùng hai đại thần của Đại hội đồng vừa được triệu tập hoả tốc vào phòng trình những văn bản để ký. Quay sang bà Chánh phi, Chúa nói những lời vĩnh biệt vô cùng xúc động. Bà Chánh cung trẻ khóc nức nở, tự cho mình bị bỏ rơi, đòi chết cùng với Chúa và tự cào cấu tóc tai mình. Đến khi đã bình tĩnh, Chúa gọi quan Chánh đường và hai đại htần Khanh Quận công và Hoan Quận công đến bên quỳ gối xuống để nhận những ý chỉ cuối cùng: lập Thế tử Trịnh Cán lên ngôi, phù trợ ấu chúa trị vì với tư cách Phụ chính và không để bà Chánh cung huỷ hoại bản thân mình. Lúc này, Chúa nói rất khó khăn, cặp mắt hổ màu nâu đã đến hồi sắp nhắm lại. Chúa ra hiệu cho Đặng Thị Huệ đỡ nằm xuống giường. Lúc quan Chánh đường rút trong ống tay áo ra những bản văn, Chúa lấy tay xua đi. Quan Chánh đường tâu lên Chúa cho Quận công Khanh điền tên vào các chỗ đang bỏ trống thay cho Chúa. Không còn nói gì được nữa, Chúa gật đầu. Sau khi danh tính các nhân vật nêu ra đã được viết bằng bút lông bởi ngài Quận Khanh vào những chỗ còn để trống, tờ cố mệnh lại được dâng lên Chúa một lần nữa. Nhưng lúc này đôi mắt Chúa đã nhắm nghiền và hồn sống đã bay lên xa dần phủ chúa, chìm đi trong bóng tối, xa những đèn đuốc đang cháy, xa các bộ sưu tập quý hiếm, rất xa với các quan đại thần đang quỳ xuống và tiếng khóc than đau đớn của bà vợ hầu vô cùng yêu quý. Ngay khi vị Chúa thở hắt ra và chiếc hồn bạch đã thu được hơi thở cuối cùng thì người ta đã dâng gạo và vàng đặt vào giữa hai hàm xai của Chúa. Sau đó quan Chánh đường ra lệnh thi hành các nghi thức của đám tang phù hợp với tập "Vạn niên thư" mà sinh thời Chúa đã viết ra, trong đó có ghi cả thuỵ hiệu của Ngài. Ông nói với các quan: Phải chú ý hết sức làm đúng ý chỉ của Chúa. Rồi ông giao nhiệm vụ cho quan Văn thư chép lại tờ cố mệnh và bản lệnh sách phong Chánh phi để các quan thái giám đem tâu ngay lên Vua Lê trong Cấm thành. Hôm đó nhằm ngày mươi ba tháng chín năm Nhâm Dần (1782). Chúa Trịnh Sâm đã có mười sáu năm trị vì, hưởng dương bốn mươi tư tuổi. 4. đêm trước, cả kinh đô ngủ ngon khi hay tin về cái chết của Chúa thì sáng hôm sau lại thức dậy sửng sốt trước việc loan báo lễ tấn phong Thế tử kế vị nhỏ tuổi sẽ diễn ra trong ngày. Cánh cổng các phường chưa kịp mở dân chúng đã kéo đến cửa điện Kính Thiên để tận mắt nhìn hòm Long vị, trong đó có đạo dụ của vua Lê được một đoàn tuỳ tùng rước đi từ Cấm thành đến phủ Chúa. Trên đường, nhiều tốp người tụ họp nhau để bình luận về sự kiện này, thây kệ những sạp trương ra những chiếc kéo và dao cắt lưỡi đưa qua đưa lai lanh canh trước gió. Sao quá vội vàng trong việc tấn phong một chú bé con đang bệnh nặng còn quá trẻ lên ngôi trị vì, trong khi tang lễ Chúa chưa bắt đầu và Long quan đang còn nằm trong phủ chúa? Tất cả mọi người đều kết tội Quận Huy – quan Chánh đường. Chính ông ta đã ra lệnh cho Vua Lê, ăn nằm với bà Chánh cung và đoạt luôn quyền hành của bảy vị Nhiếp chính. Hôm qua, dân chúng thì thầm khơi đi xới lại nỗi oán hờn. Còn hôm nay, họ biểu thị sự chống đối và khi thấy xuất hiện đám kiêu binh ngỗ ngược trang bị nhiều khí giới. Họ la hét, chửi rủa, cầu khẩn sự oán giận của Trời, một số khác bạo miệng hơn kêu van công lý và mong có những chủ nhân mới cho đất nước. Lúc đầu họ còn rụt rè nhưng về sau những lời kêu gọi ủng hộ cuộc nổi dậy (nào đây?) càng được nhân lên gấp bội. Nơi này hoặc nơi kia, tên tuổi của chủ soái nhà Tây Sơn – Nguyễn Huệ được vang lên làm bốc mạnh thêm cơn giận dữ của đám kiêu binh. Trước bọn chúng, đám đông không có phương sách nào hơn là tự giải tán rồi sau đó lại tập hợp ở một điểm khác xa hơn…Cuối cùng họ xáp phải những cánh cổng nặng nề của phủ chúa đóng chặt, bên trong có hòm Long vị. Trong bức tường thành phủ chúa, trên sân Đại Triều nghi một chiếc bệ cao được dựng lên. ở đây ngoảnh mặt về phía nam trước các hàng quan văn võ đứng đúng vào các tước hạng từ nhất đến cửu phẩm, Thế tử Trịnh Cán trong bộ triều phục lộng lẫy, có quan a bảo tháp tùng sẽ quỳ xuống để nhận đạo dụ của vua Lê trong chiếc túi gấm màu vàng. Và không ai có thể tìm ra một thiếu sót nhỏ nào về nghi thức trong cách đứng ngồi cũng như trong cử chỉ của Thế tử. Vị Đông cung đứng rất lâu, mặt hướng lên trời trong buổi sáng mùa thu lộng gió, hình dáng mảnh mai trước một rừng người cúi rạp bái lạy. Đôi mắt rộng từng lúc điểm nụ cười, khuôn miệng nhỏ bất động đôi khi hé mở. Thế tử nhận lời tung hô chúc tụng của hàng trăm văn võ bá quan trong triều: Chúa thượng vạn tuế! Vạn vạn tuế! Vạn vạn tuế! Chỉ riêng giây phút khi tân Chúa ban thưởng cho đội ưu binh theo phong tục mỗi lần lên ngôi là phủ lên một bóng đen trong buổi đại lễ long trọng này. Chẳng có chút dấu hiệu nhỏ nào chứng minh lòng trung thành với Chúa. Lúc được lệnh tiến lên, đám lính này có chút ngập ngừng trước khi ngẩng đầu bước tới chẳng khác gì những kẻ ngang hàng cấp bậc, bằng mày bằng mặt tiến về tân Chúa, số này nhận tiền thưởng một cách miễn cưỡng, số kia lại cương quyết chôi từ. Quan Chánh đường sôi lên giận dữ, cấm không được có những thái độ như vậy. Cuối cùng họ phải chịu nhận. Vị tân Chúa không chút để ý. Trong khi đó, trên khuôn mặt đám quan lại nổi lên sự sửng sốt đầy phẫn nộ. Quan A bảo rước tân Chúa đến Huỳnh cung bái lạy Đức bà Thánh mẫu để tỏ lòng kính trọng cao cả. Sau đó, mọi người liền thay những bộ áo gấm sáng loáng và mặc áo trở màu xô trắng để làm lễ phát tang. Lê Hữu Trác trong suốt buổi lễ tấn phong đã không ngừng trìu mến nhìn Thế tử với đôi mắt đầy lo âu. Khi lễ hoàn tất, ông đón vị tân Chúa đang nóng ran lên vì cơn sốt nặng nề… Sau khi Chúa con trai Đức bà Thánh mẫu băng hà, bà lùi sâu vào trong cung với bộ tang phục và không chịu cho ai đến gần. Hình như lòng trung htành để lại của Trịnh Sâm bỗng nhiên làm bà gần con hơn. Nhưng Trời đã phúcho bà một sức sống mãnh liệt để bà không bị đắm chìm trong nỗi thống khổ. Vả lại, sao bà lại buông trôi trong nước mắt khi có thể nắm thời cơ xoay chuyển hướng đi của số mệnh? Mà đây là của chính dòng họ mình. Bây giờ thì bà chờ đợi…ngày khai chiến của những mối thù địch. Theo bà, cùng với cái chết của Trịnh Sâm, "sự việc có tính toán này" đang đi vào trong giai đoạn cuối. được người phục vụ trung thành là Nguyễn Kiệm, con rể vị đại thần khả kính, A bảo của con trai bà vừa mới từ trần mật báo rằng đám binh sĩ chỉ đợi sự chuẩn y tối hậu của bà. Bà không còn chần chừ nữa vì tin rằng lần chần lúc này là sẽ thất bại thêm một lần nữa. Như thế là thư cố mệnh của Chúa mới băng hà rõ ràng không phải là nét chữ của con trai bà: tước Điện đô vương của vương tử Trịnh Cán cũng như danh vị Chánh phi của Đặng Thị Huệ mà Trịnh Sâm ban cho trong cơn hấp hối – chính vị đại thần Nguyễn Hoan xác nhận như thế - là trái ngược với thông lệ và đạo lý, vì vậy nó sẽ không được công nhận. Đức bà Thánh mẫu đã trịnh trọng ghi điều đó vào bên lề thư cố mệnh để lưu lại cho hậu thế. Thêm vào đó là điều nhục mạ không thể nào tha thứ ném xuống đầuTrịnh Khải, cháu nội của bà. Với cương vị con trưởng phải chủ trì tang lễ, người ta đã tàn nhẫn kéo ra từ nhà giạm ba lần mỗi ngày để làm lễ cúng cơm cho người cha quá cố… Và cuối cùng là những tiếng la thét của dân chúng khi dám tung hô cái tên kẻ thù nguy hiểm nhất của dòng họ Trịnh, Nguyễn Huệ, tên phản nghịch đất Tây Sơn – rất có thể tiến mạnh ra đàng Ngoài như một cơn sóng triều phát nát. Vì vậy bà đã chấp nhận cho Nguyễn Kiểm truyền lại cho Bằng Vũ, người có uy tín nhất định với đám kiêu binh, thủ lĩnh chính thức của âm mưu này. Bà nêu hai điều kiện trong việc này. trước hết, không được động chạm đến Trịnh Cán, đứa cháu nội của bà và không được giết Đặng Thị Huệ, mẹ của Trịnh Cán, mà rồi đây theo phong tục sẽ bị giam lỏng để lo giữ phần mộ cho con trai bà. Hai là, hành động của đám kiêu binh cộc cằn thô lỗ sẽ phải bị hạn chế, máu sẽ không đổ một cách vô ích nữa. Vì bà cũng sợ những hành động quá khích của họ nên đã tập họp quanh mình toàn bộ bà con thân thích trong đó có cả công chúa Ngọc Lan mảnh khảnh. Ngại rằng những lời nói trên của mình không được rõ ràng, từ khuôn miệng đỏ lòm bã trầu bà đã vạch rõ tên tuổi những người phải bị hạ sát. Cũng trong ngày hai mươi tám tháng chín, quan Chánh đường, nay là quan Đại thần Nhiếp Chính mở phiên họp Hội đồng. Một số người gièm pha ông hay tự mình ban bố những quyết định thì nay quan Đại thần này bắt buộc phải được sự chấp thuận của Hội đồng trên nguyên tắc. Cái chết bất ngờ của Chúa Trịnh Sâm làm mọi sự kiện trở nên cấp bách. Nếu bên ngoài quan Đại thần Nhiếp Chính vẫn tỏ ra ngự trị đầy quyền uy tỉnh táo thì bên trong ông chất chứa nhiều lo lắng, sự hằn thù ra mặt của đội ưu binh, thói kiêu căng tột độ của chúng trong lễ tấn phong, tiếng đồn dai dẳng về cuộc phiến loạn, cái nọ chồng lên cái kia. Cuối cùng là sự uy hiếp sờ sờ của phong trào Tây Sơn cứ ám ảnh và dày vò ông đêm ngày. Hướng tới bảy vị đại thần của Hội đồng, ông nói: Chắc các ngài đã biết rõ lời tuyên ngôn được dán nhan nhản trên khắp nơi đường phố của kinh đô "Ba quân phò chính". Ôi, thật nghịch tặc! Lo lắng cho vận mệnh lớn lao của vương quốc, nhiệm vụ của chúng ta lúc này là bàn thảo về những tai hoạ đang uy hiếp và tìm kiếm con đường đúng đắn để chấm dứt hiểm hoạ. – Và ông nhắc lại lời của Tuân Tử "Người nào mà tài giỏi hơn để giải quyết những khó khăn thì nên ra tay trước khi chúng xuất hiện". Rồi ông nói tiếp: không có điều gì uy hiếp được sự hoà hợp của vương quốc khi mà tai hoạ đến từ bên ngoài. cuộc nổi dậy của anh em nhà Tây Sơn đang phát triển và tận vách luỹ của chúng ta đã có nhiều xâu rễ của họ. Thám tử của họ đang bắt đầu hoạt động. Nhờ vào cảnh giác, chúng ta đã tóm được một số. Nhưng than ôi! Cho đến nay kẻ nguy hiểm nhất trong bọn họ đã chạy trốn. để giữ vững sự hoà hợp của chúng ta và sự yên bình cho dân chúng, không một hành động nào được lơ là, không để cho bất cứ cuộc chống đối nào xảy ra. Quận Huy liền đề xuất ý kiến: Về quân sự, ta cho gọi về kinh đô những toán linh lâu nay nằm đồn trú ở các trấn để tái lập và giữ vững trật tự, về chính trị - ông nói – lúc này, cần tập họp dân chúng dưới ngọn cờ của một vị Chúa duy nhất Trịnh Cán với tinh thần hoà hợp, hoà giải. Chia rẽ nào có ích lợi gì? Vị Chúa mới băng hà không còn có ai là hoàng nam ngoài các Thế tử Khải và Cán. Chúng ta hãy bắt đầu bằng việc trả lại cho Thế tử Khải với tư cách vị chủ tang cương vị và quyền hành của ngài. Như vậy, với những ai có nhiều lo lắng sẽ được yên tâm, với những ai còn nghi ngờ thì sẽ được bình thản và Hội đồng nhiếp chính sẽ là nơi bảo đảm. Đó là cách tốt nhất để hoà giải hai phía đối nghịch, đem lại an bình cho mọi tâm hồn nhằm củng cố mạnh mẽ hơn sự hoà hợp của chúng ta và cuối cùng để phá tan sự uy hiếp của nhà Tây Sơn. Và bảy vị nhiếp chính chẳng được đề cử ra để tán đồng ý kiến trên hay sao? Sáu trong bảy vị đã chấp thuận, trong đó có ba vị vì lòng trung thành vô điều kiện với quan Chánh Đại thần Nhiếp chính, ba vị khác thì xưa nay vốn rất dễ bảo vì không có chính kiến gì rõ rệt. Chỉ riêng quan đại thần Hoan thì lại phản đối: Bây giờ ta hãy đảo ngược sự đề xuất của ngài là cứ để cho Thế tử Khải lên ngôi trong lúc chờ đợi người em đến tuổi trị vì, tức thì chúng ta tránh ngay được rối loạn, làm yên lòng binh sĩ và cũng nhận được luôn sự đồng tình của mọi người. Quan Chánh đại thần nói: Làm sao chúng ta có thể làm được việc đó khi Long quan của Chúa mới băng hà đang còn quàn ở đây và quên đi ý chỉ cuối cùng của Người? Ích lợi gì đâu khi hấp tấp như vậy? Chắc chắn trong tương lại gần chúng ta sẽ xem xét lại vấn đề này. Khi kết thúc cuộc họp, dù đã có sự đồng thuận, nhưng từ trong thâm can, quan Chánh Đại thần không cho rằng như vậy là đã thắng cuộc… khi mà các đội quân trung thành của ông ở các trấn vẫn chưa được đưa về kinh đô. Cái mà ông đạt được, theo ông, đó là thời gian. Một ít thời gian thôi! Như vậy đủ thì giờ để ru ngủ đối thủ! Chỉ một ý nghĩ đơn giản là thấy Trịnh Khải, tên bất lực, thằng lêu bêu, đứa cháu nội – con rối của bà Thánh mẫu lên ngôi thì ông đã không thể nào chấp nhận được nổi. Mà đó cũng là ý chỉ của vị Chúa mới băng hà, vị chúa tể của ông, Chúa Trịnh Sâm "Cả đến lúc có ai đánh ta đến chết, ta cũng sẽ không chấp nhận!" Đó là điều mà Quận Huy – quan Chánh đường tự nghĩ như vậy. Sau lễ tấn phong, trước khi mặt trời mọc, vị y sư được triệu vào phủ chúa và lập tức được các nội thị đưa vào cạnh tân Chúa. Trên chiếc long sàng nạm vàng mà trước đây ông thường xuyên hầu mạch cho Chúa thượng, cậu bé đang nằm dài, nhiều lớp nệm đỡ lấy mình Chúa. Không xa, chỉ duy nhất một ngọn đèn thắp sáng trên chiếc giá đồng. Với bàn tay bé nhỏ, vị tân Chúa ra hiệu mời ông vào. Khi Lê Hữu Trác đang nghiêng mình thi lễ thì nghe tiếng nói: Lão sư không bái lạy và nghi lễ gì giữa chúng ta nữa. Lão sư hãy đến ngồi gần ta. Như vậy không ai nghe được chúng ta cả. Tâu Chúa thượng, trước hết Ngài có cho phép thần được hầu mạch không? Lão sư không còn là người thầy thuốc mà ta đã cho tìm rạng sáng nay nữa đâu. Toàn thân dựa vào tấm gối thêu, vị ấu Chúa thở rất sâu. Thế lão sư có thể làm gì cho Chúa thượng đây? Sau khi nghe hỏi, khuôn mặt bé nhỏ xinh xắn của Chúa ánh lên một nụ cười, không còn đượm buồn nữa. Lần này thì chỉ còn Chúa thượng ta có thể làm một vài việc gì đây cho lão sư thôi. Đôi mắt rực cháy của vị tân Chúa đảo qua một vòng gian phòng. "Vẫn cảnh tranh tối tranh sáng này, cũng vẫn ngọn đèn ấy, ngoại trừ chiếc ngai vàng và chiếc võng treo phía trên long sàng, phủ liêu phụ thân quá cố của ta không chút gì thay đổi so với Đông cung viện, nơi mà ta đã sống không được nhìn trời, giống như loài cáo chui rúc dưới hầm đen mà ngaycả chúng chí ít cũng còn ngập tràn tính chất của sự sống". Vị Chúa lại nói tiếp, hơi thở ngắn đi. Trên sân Đại Triều nghi, khi ta quỳ xuống để nhận đạo dụ vô ích của nhà Vua, ta đã nhìn thấy – cũng như mọi người khác – ánh sáng rực rỡ của ban ngày. Muôn tâu, thần nghĩ Chúa thượng đã trải qua nhiều mạo hiểm. Nói chính xác hơn, người ta đã đưa lại cho Chúa thướng để nhiều nguy hiểm. Thì với lão sư, câu chuyện ông thầy thuốc phương Tây, đồ đệ của môn phái chữa bệnh bằng phương pháp chảy máu cũng là vậy thôi. Ta cảm ơn Lão sư đã bớt đi cho ta nhiều đau đớn vì phương pháp đó. Điều đó không đem lại kết quả gì. Xin lão sư không vì thế mà buồn lòng! Căn nguyên bẹnh của ta đến từ xa, nó thách thức cả lý trí con người. Chắc lão sư biết thế nhưng tại sao lão sư lại quyết tâm dường ấy để mong thắng đoạt cả số mệnh, cả cái chết… Lê Hữu Trác không thể hình dung nổi khuôn mặt bé nhỏ, kiệt tác của sự hoàn mỹ trong phút giây thanh thản này lại đang tự huỷ hoại chính mình. Và ông càng thấy choáng váng. Chúa thượng lại nói giọng bình tĩnh: Từ nay, ta đã sẵn sàng. Trên hành trình ta đi qua trên mặt đất, ta sẽ giữ mãi hình ảnh huy hoàng của trời cao trong ánh sáng của một ngày mới dậy và… Và, tâu Chúa thượng? Và niềm hạnh phúc đã được yêu chiều. Ta cũng mang đi những câu trả lời làm ta thích thú trước những câu hỏi mà ta đã đặt ra với Lão sư. Tâu Chúa thượng, những câu nào? Ví dụ như lão sư đã yêu ta. Vì chính lão sư đã yêu ta, có phải vậy không? Vị y sư trả lời, giọng khản đặc: Tâu Chúa thượng, đó là sự thật! - Trong lúc này, sâu thẳm trong tâm can, ông cảm thấy yêu thương vị ấu Chúa này hơn cả Lâu, đứa cháu nội đích tôn. Sự thật đó làm cho ông rùng mình. Nhưng còn gì nữa đây? Lòng yêu thương của một ông Vua, của một bà Hoàng hậu cũng giá trị như lòng yêu thương của một con người bình thường… Nhưng thôi! Ta mời lão sư đến đây trước lúc mặt trời mọc, trong sự bí mật của phủ chúa để đưa ra những quyết định liên quan đến lão sư đây! Tuy nhiên, còn một việc làm kích thích trí tò mò của ta (vị Chúa trẻ vẫn chưa bỏ thói quen khẳng định khi nêu câu hỏi) Từ đâu mà lão sư lại lấy biệt hiệu là Lãn Ông, là Ông Lười? Lê Hữu Trác tự nghĩ "Rõ ràng là đến phút cuối cùng vị Chúa vẫn giữ tính tò mò trong tâm hồn già dặn của một cậu bé con không chết". Tâu Chúa thượng, thần tự đặt cho mình biệt danh ấy trong cái ngày mà thần đang là thầy thuốc vùng quê, mệt mỏi trong việc phục vụ nhiều người khác, thần đã dại dột có một ước vọng là tất cả mọi người đều khoẻ mạnh để thần được tha hồ buông mình trong thú lười nhác. Tâu Chúa thượng, đó là một nguyện ước thành kính được hình thành dưới ánh trăng trong khi nhắm rượu và gảy một vài thanh âm của cây đàn tì bà và thần đã ghi trong một bài thơ: Thầy tu thầy thuốc một thanh nhàn Trong góc phòng kia đã thấy nhen Màu đỏ thần sa đời bất tử Mà đây nghe cả cánh hoa tàn Vậy là lão sư mê thú lười nhác…chỉ vì yêu thích thi ca. hay bởi vì tình yêu sự sống? Tâu Chúa thượng, chính lòng yêu mến sự sống đó mà người thầy thuốc cao niên này đã nếm đủ mọi điều từ cay đắng đến ngọt ngào và thần hằng khát khao truyền sang Chúa thượng! Với thất bại này, thần tự thầy trách nhiệm của mình nhưng vì thần đã không được Chúa thượng giúp đỡ nên xin đáng được miễn thứ. Lão sư ơi! Nhưng muốn được thế thì còn cần sự hỗ trợ của năng lượng tổ tông mà ở đây chúng ta bị han chế. Và cả thực quyền của người thầy thuốc cũng không có nữa sao? Điều ước nguyện sâu kín nhất của thần là cứu giúp mọi người. Nhưng than ôi! Kiến thức con người có giới hạn, nó phải tự rút lui trước tự nhiên và thường thường tự nhiên này lại bắt đầu một công việc mới trong khi những nỗ lực của thần trên cương vị người thầy thuốc đã đi đến tận cùng. Dám tháp tùng chúa thượng qua con đường dài núi non thân yêu dưới bóng nghiêng nghiêng của hàng cây. Dám lấy tay kính mời Ngài thưởng lãm những ngọn núi Hồng ở phía tây dắt nhau chạy về biển cả, nơi những đợt sóng biển hoà trộn với trời và để cho ngài xúc cảm được hương vị mặn trong gió phảng phất mùi nhựa thông. Được mời ngài antoạ dưới một gốc thông rộn rã tiếng chim ca. Lúc ấy với tất cả hàm răng này, móng tay này sao Chúa thượng không bấu víu vào thế giới trần ai này của chúng ta? Kính tâu, Chúa thượng đang nóng ran lên trong cơn sốt đây này! Chả quan trọng gì, ta sắp đi đây. Thần xin được ở luôn bên cạnh Chúa thượng. Không, lão sư ơi! Chính lão sư là người đi trước, vị Chúa của lão sư ra lệnh đó! – vị tân chúa vừa nói vừa vỗ vào đôi tay và nói với hai nội thị đang chạy đến – Hãy làm đi những gì đã quyết định! Hượm một lát! Chuyện gì vậy? Tâu Chúa thượng, thần không thể và cũng không muốn ra đi. Xin chấp thuận cho thần điều an ủi cuối cùng là được ở lại. Trong sự cố gắng tuyệt vọng để giữ vẻ ngoài, khuôn mặt y sư bỗng trở thành chiếc mặt nạ cứng đờ với đôi mày co rúm lại. Lão sư ơi! Hãy để cho vị Chúa của người niềm vui cuối cùng là được ban ra cái mệnh lệnh duy nhất trong thời gian trị vì quá ngắn ngủi của mình. Mệnh lệnh duy nhất sẽ được tuân hành. Mệnh lệnh đem lại sự sống. (Mà lại truyền cho người thầy thuốc đang sụp mình dưới chân long sàng) Ta truyền cho lão sư lập tức trở về ngôi nhà ẩn cư của lão sư ở vùng Hương sơn kia, hoàn thành xong bộ Bách khoa y học cho hạnh phúc của mọi người trên đất nước ta. Và ta cấm không được nhỏ một giọt nước mắt nào xuống người bệnh bé con này! Lão sư sẽ được hộ tống cẩn thận ra khỏi nơi đây. Hãy đi ngay! Tiếng trống canh không còn chậm vang lên nữa đâu. Lão sư hãy nhanh chóng vâng lời. Đừng chống lại và đừng lo lắng gì cho ta, không một lưỡi lê nào có thể phạm đến ta được! Khâm thử! Đó là lời nói của một tgho già dặn vừa mới được phát ra từ cửa miệng của vị Chúa-trẻ-con đang nhìn mãi không rời vị lão sư. Và một tiếng kêu như gió thoảng: Lãn Ông ơi! Ta yêu Người! 5 Này, các người dẫn ta đi đâu? Hãy để ta báo với người nhà của ta, thu thập các công trình nghiên cứu của ta. Xin các người nghe ta! Các quan nội thị cứ nắm tay ông, móng tay nhọn của họ bấu chặt vào tay áo dài của ông. Họ nói: Bất tuân lệnh Chúa là điều nghịch tặc! Chúng ta hãy nhanh lên trước khi trời sáng! Bị giữ riệt trong nắm tay của họ, vị y sư đành phải đi theo hai quan thái giám qua đường quanh co tối tăm có nhiều hành lang bất tận và tiếp nối qua nhiều khoảng sân đối nhau cho tới một nơi họ bước chậm lại, bắt ông đi xuống một cầu thang bốn bậc đến trước cánh cửa nặng nề đóng chặt. Ở đây họ giao ông cho hai quan thái giám khác của phủ chúa. Sau khi hai khoang cửa to lớn được khép lại trong tiếng kêu rin rít, vị lương y theo họ qua một lối đi rất hẹp ri rỉ nước và khi nhìn theo những ngọn đèn lồng giơ cao thì thấy con đường nhỏ dài hun hút. Trong ánh sáng lờ mờ buổi rạng đông, hai nội thị cải trang thành lái thuyền đang chờ đợi. Họ mời ông bước lên chiếc thuyền buồm. Ngồi nấp dưới mái lá, ông cảm thấy chiếc thuyền đang xa bờ. rồi ông cũng không hay biết được chút gì về những nơi nào, trên những hồ nào, sông lớn sông nhỏ nào mà ông đang lướt qua. Ông nghĩ đến vị ấu Chúa mà ông không bao giờ được thấy lại nữa, nghĩ đến cô Lan và Soạn mà ông không chắc gì sẽ gặp lại được. rồi họ sẽ ra sao đây? Trong nỗi buồn, ông không ngừng tự dằn vặt mình nhưng không ai có thể trả lời những câu hỏi hay chia sẻ với ông nỗi đau buồn này. Khi tưởng rằng mọi hy vọng đã tiêu tan thì chiếc thuyền buồm cập bến và neo lại. Một trong những nội thị lái thuyền nói: Xin đi theo chúng tôi! – và anh ta giúp ông lên bộ. Vùng đất này rất hoang vắng. Ngôi nhà nghiêng nghiêng có hàng rào tre còi cọc bao quanh đó hình như là một ngôi đền bỏ hoang. Họ đến đây làm gì? Cánh cửa ngôi đền có trục đẩy vừa mở ra, vị lương y reo lên cười khoái trá. Ông cất tiếng, giọng tràn nước mắt: Ôi! Đây rồi! tất cả đã ở đây rồi! Thật thế, trước mặt ông, quanh vị Quận hầu có cô hầu Lan, Soạn, cậu đầy tớ nhỏ đặc trách về thuốc men và cả các học trò nữa, Tống Thuần – Anh Cả, Sứ Hoa kiều, Thuỵ Anh Bướng Bỉnh, cả Nam Sơn Kiên quyết, rồi cả Tử Hư nổi hay nổi nóng, có cả Khâm và Tài nữa. Soạn nói to: Thưa cụ, giờ phút bao lâu mong đợi trở về Nghệ Anh của cụ đã đến… Cách đó không xa, các rương hòm, túi nải đã được chất thành đống. Cùng lúc ấy trong chùa Khán Sơn, Bằng Vũ bảnh trai nói với đám lính đã kéo đến khá đông. Tất cả chúng ta đều luôn trung thành và từ hai trăm năm nay, những binh lính miền Thanh Nghệ này đều luôn luôn là nanh vuốt, ruột gan của gia đình nhà Chúa. Bởi vì chúng ta đã có sự tán đồng của Thế tử Trịnh Khải và tất cả binh sĩ đã đồng lòng, bây giờ chúng ta chỉ đợi cho xong tuần cúng cơm buổi sáng nữa thôi. chúng ta đế`u biết – người ta đoan chắc – là Quận Huy và bọn tay chân tìm mọi cách xảo quyệt để chia rẽ chúng ta. Tên Quận Huy Đại thần Nhiếp chính này đang mưu mô lừa bịp chúng ta, hắn giả vờ đưa Trịnh Khải về đúng ngôi vị với nhiều quyền hạn để tán tỉnh chúng ta và tranh thủ thời gian. Chúng ta giả vờ tin hắn để hắn được ngủ ngon hơn. Chúng ta cũng vô hiệu hoá sự cảnh giác trong tâm địa xấu xa gian xảo của hắn! Đến lúc nào thích hợp, chúng ta sẽ đập cho chí tử! Và bây giờ đã đến lúc rồi. Các người sẽ biết được tin đó khi ta đánh ba hồi chín tiếng vào cỗ trống đại! Không còn sự lựa chọn nào khác. Bớ các người! Hoặc là các người sẽ chiến thắng va sẽ nhận được tất cả những lời ca ngợi và nhiều món béo bở! Hoặc giả các người sẽ thất bại và chết tiệt không có mảnh đất chôn! Rõ chưa? Đám lính tráng reo hò tán đồng, được bốc cao trong mối hận thù đối với Quận Huy hoặc bởi sự say sưa để chiến thắng. Chúng đang làm lễ uống máu ăn thề. Từ trong phủ chúa nơi xa, dưới quầng sáng yếu ớt của ngọn đèn cuối cùng, vị Chúa trẻ đã xếp đặt trước tất cả, tổ chức và quyết định tất cả. Còn ở nơi cách biệt này, ngôi đên hoang vu phút chốc đã trở thành ngôi đền của tình bằng hữu tuyệt vời. Tất cả đều có mặt ở đây, bạn bè, học trò và những người giúp việc cho y sư. Những người đã theo ông ra kinh đô hoặc như cô Lan đến với ông sau đó, tất cả những người đã tiếp đón ở Thăng Long bỗng nhiên trở thành Những ngọn núi bảo trợ hoặc những vị thần hộ mệnh cho ông. Với những ai sẽ đi cùng ông về Nghệ An và cả những ai đến đây để chào tiễn biệt, cùng vui vầy đều rất ngạc nhiên thấy ông được nhanh chóng và bí mật trở về ngôi nhà ẩn cư thân yêu. Ngay cả với Thụy Anh cũng quên luôn việc chế nhạo nhưng lại không quên hỏi: Thưa thầy, nhờ ai mà thầy có được sự giải thoát nhanh chóng, quá được mong đợi như vậy? Một lái thuyền đến báo: bây giờ phải đi ngay đến bến đò Trang Thìn. Kính thưa y sư tôn kính, xin đừng kéo dài lâu hơn nữa cuộc chia tay này. trong buổi tiễn biệt vội vàng và rối rít này, vị y sư chỉ biết nhìn họ từ người này đến người khác, biết bao lời không thể nào lọt qua được cổ họng đang nghẹn lại của ông lúc này. Vị Quận Hầu trẻ tuổi nắm tay cụ. Giữa hai hàng lông mi, trên cung mệnh của ông ta hiện lên những nếp nhăn càng lúc càng đậm nét. Chúng ta không còn gặp lại nhau nữa trong cuộc sống này sao? Xin Quận Hậu hết sức chăm lo cho chính mình và cho gia đình quý giá của mình. Xin nhờ bẩm lại với ngài Đại thần Nhiếp Chính là Ông Già Lười này được triệu hồi về kinh đô không chạy trốn mà là do tân Chúa cho trở về quê cũ. Rằng tân Chúa từ nay không cần đến nữa và trong tư cách là một thần dân hèn mọn, y không còn được chút thì giờ đến vái chào từ biệt và không có sự lựa chọn nào khác là phải ngoan ngoãn vâng lời. Chính phụ thân cháu cũng phải vâng lời trước ý chỉ của tân Chúa, nếu không làm sao chúng ta đang có mặt ở nơi này được? đây là một chút tiền dùng để chi tiêu cho chuyến trở về mà phụ thân đã giao cháu gửi cho cụ - Vị Quận hầu vừa nói vừa đưa ra một xâu năm mươi quan tiền. Giờ ra đi đã điểm! Người nội thị - lái thuyền đã kéo chặt chiếc cửa có bánh xe của ngôi đền. Và khi ông vừa bước xuống thuyền cùng với cô Lan, Soạn và các thứ hành lý thì người ta đã nghe rõ tiếng trống điểm canh từ xa. Tử Hư đứng trên bờ nói: Đây là tiếng trống canh năm! Nam Sơn nói ngay: Vậy là chiếc trống đó hoá điên rồi. Ông anh ơi, canh năm của anh đã qua lâu rồi! Và không bao giờ nó lại báo như vậy! Nghe đi, đó là đợt chín tiếng trống thứ hai! Và đây là đợt ba! Vị y sư quay lại phía kinh thành. Hiện thực mà ông bỗng nhiên nhận ra làm ông rùng mình. Té ra cuộc sống già nua của ông lại được bảo vệ bởi một cuộc đời còn non trẻ mà ngay ông cũng không biết cách và không thể cứu nguy được. tại sao lại có sự phân biệt như vậy? Ông vẫy tay ra hiệu vĩnh biệt. Có ai đoán được lòng ông khốn khổ đến nhường nào? Tình cảm này là một phần không thể thiếu được trong nghề nghiệp của ông mà người ta gọi đó là sự bất lực hay định mệnh… Quận Huy ra lệnh: Đóng chặt cửa lại! Ở ngoài phủ chúa, trước cánh cửa đồ sộ bằng đồng được đóng kín vang lên tiếng hò reo tung trời của đám binh lính, với ám hiệu định trước, tất cả mang khí giới kéo đến rầm rập. Rồi nhiều tóan từ nhiều nơi khác lại xô đến bổ xung thếm cho những toán được trước tạo thành nhiều làn sóng nối tiếp. Họ bận áo ngoài tím sẫm, súng ống mới toanh như hưởng ứng một lời kêu gọi huyền bí nào đó. Nhìn những cánh cửa đóng chặt, bọn chúng sôi động quay cuồng chung quanh phủ chúa cố tìm một lối vào, từ đông sang tây, quặt bên phải, nhào bên trái, gầm rú man rợ như muốn xé nát cả trời cao đất thấp. - Phủ chúa đã bị bao vây! Quận Huy thét lên với quan thị vệ Châu tái mét mặt mày đang hộc tốc chạy ra: Các ông là những người chịu trách nhiệm việc quân sử của Hội đồng cơ mật quốc gia, phải làm ngay mọi cách để trấn an quân dưới trướng. Đi đi! Ngay tức thì, ngài Đại thần Nhiếp chính chạy đến thỉnh cầu tân Chúa cho phép trừng trị bọn phiến loạn với thanh bảo kiếm của Chúa quá cố Trịnh Sâm. Sau khi quỳ xuống đón nhận, ông ra lệnh mang tới con voi trận của ông. Trong lúc ấy, quan thị vệ Châu đứng chót vót trên trường thành phủ chúa đang tìm cách nói với đám lính hung hãn vô kỷ luật. Lũ này gào to, tay vung cao khí giới (toàn là những khẩu súng bắn được nhiều phát do nước ngoài đem tới) điểm từng lời của ông thị vệ bằng những tiếng la hét vừa chĩa lên nhiều mũi nhọn tua tủa. Ông này gào rát cả cổ, run lên sợ hãi: Nếu các người có điều gì thỉnh cầu thì hãy nói đi, ta sẽ tâu lên! Bây giờ hãy trở về trại ngay. Rút đi! Đây là mệnh lệnh! Phía dưới, bọn người đông đảo chẳng màng để ý. Tất cả sẵn sàng nhảy ào lên, nhiều chiếc giáo sắc hướng về con rối lộng lẫy và lố lăng này. Chúng không ngớt tuôn ra những lời chửi rủa dơ bẩn, và nhạo báng bỉ ổi. "Mày có nói đâu, mày đánh rắm đó!" "Xem kìa, thằng bị thiến! Mày són đái trong đũng quần đấy!" hoặc "Đưa tao xem của quý của mày đi!" Giữa bao tiếng gào oán hận, những cái trề môi, những bộ mặt thô bỉ của bọn quỷ dữ được phóng xá tự do. Bỗng một tiếng hét gầm lên trong chiếc loa. Đó là tiếng nói của Bằng Vũ: Này, cái thằng bị hoạn đó là phe Quận Huy đó! Hỡi anh em binh lính, hãy leo lên tường thành giã nhỏ nó ra thành thịt băm đi! Tất cả tức thì xông lên tường thành không để cho tên thái giám kịp chạy trốn. Chúng móc chặt hai tay hai chân của ông với sức mạnh của những chiếc giáo quật xuống bến kia. Một số đông tên khác kéo ùa tới. Khi cửa Tuyên Vũ đột nhiên mở toang, chúng lăn xả vào trong như phát điên, mắt ngầu sát khí…Bỗng nhiên chúng đứng lặng im không làm nổi một động tác, không nói được một lời trước sự hiện thân của quyền lực, của lòng dũng cảm. Đứng giữa sân phủ chúa, trên lưng voi, ông Quận Huy tung đầu mũi kiếm lên khiến mọi người phải kính nể. Giọng nói quyết liệt của ông vang lên: Hỡi các binh sĩ, rút ngay, nếu không, ta chém đầu! Trong chốc lát, nỗi lo sợ khủng khiếp, tập quán phục tùng tuyệt đối các ngài phụ mẫu chi dân truyền kiếp ngàn năm giữ họ lại, cho đến khi một người lính bất thình lình lao vào con vật, khởi động chiếc lò xo vô hình làm cho cỗ máy được vận hành. Những người khác làm theo và tất cả ào vào. Con voi này thường dùng trong trận mạc, khi bị người quản tượng thúc ào tới, nó quật mạnh chiếc vòi đánh vào ai đến gần và sẵn sàng xông lên. Đám lính bu như kiến xung quanh cố tránh cặp ngà nhọn hoắt, họ dùng mã tấu thọc mạnh, rút dao găm đâm vào cổ, khớp nối giữa bẹn và đùi làm nó bị loại ra khỏi vòng chiến. thoát khỏi sự kiểm soát của người quản tượng, con vật ré lên rồi bỗng nhiên lùi lại đạp chí tử vào những người đang nện đá vào chân nó. Người quản tượng bị giết. Quận Huy giương mạnh mũi tên nhưng dây cung bị đứt. Ông định bắn một phát súng nhưng điểm hoả lại bị tắc. Ông phóng luôn chiếc lao gây sát thương vài người. Nhiều tốp lính từ cửa Tuyên Vũ tràn vào, họ dùng đầu câu liêm sắc nhọn móc chặt chiếc cổ quý phái của Quận Huy. Bị rơi dưới chân họ, ông ta không la lên được tiếng nào, không kịp rên khi thân mình bị đâm nát. Cái nhìn vốn cao ngao, khinh thường mọi sự đời, từ đây được loại bỏ vĩnh viễn. Đám lính sà xuống cái xác máu me bị cắt xẻo qua làn áo gấm. Họ mổ bụng, móc cái đống bầy nhầy đang phập phồng, giằng lấy lá gan đang rỉ máu rồi cắn xé, mồm nhai ngấu nhai nghiến. Khi người em trai và bà con thân thuộc tới cứu Quận Huy trong phủ chúa thì bị đám lính ném đá vỡ đầu trước rồi quẳng xác xuống hồ Thuỷ Quân. Sau đó bọn lính ùa tràn vào dinh thự lộng lẫy của Quận Huy, hè nhau tàn sát và cướp bóc. Chỉ trong một thời gian ngắn, phủ liêu của quan Đại thần Nhiếp chính không còn một viên ngói, không còn một bóng người. Công việc nặng nhọc đã xong, niềm vui bừng rộ, họ chạy đi tìm Vương tử Khải ở lầu Tả Xuyên rồi bế lên đặt trong chiếc mâm thờ lớn và mươi người rước đi trong chiến thắng, họ giương thẳng cánh tay nâng cao chiếc mâm để "toàn vương quốc được chiêm ngường Long nhan". Bước chân hoảng hốt, đám nội thị mang những đồ vật quý giá bọc trong một chăn lụa, cùng đi có bà Chánh Phi Đặng Thị Huệ. Không nào nhận ra qua áo quần một cung nhân và những thái giám giữa cảnh ồn ào và tán loạn của bọn người hầu đang chạy trốn khỏi phủ chúa men theo một con đường ngầm đến một chỗ ẩn bí mật. Họ phải ở lại đó trong bóng tôi, không được ăn uống gì với nỗi khiếp sợ bị tóm bắt, bị cắt cổ. Đang như thế thì Đức bà Thánh mẫu cho người đi tìm và đưa vào một nơi an toàn trong cung riêng của bà. Còn vị tân Chúa được áp vào ngực một nội thị không nói một lời cũng chẳng thở ra một tiếng rên nhẹ. Khi người ta đặt tân Chúa xuống giường, đôi mắt rộng màu đen sâu thẳm cứ mở trừng trừng cho đến khi người mẹ đến vuốt hai mi mắt mềm mại cho con an lành giấc ngủ. Đấy là ngày hai mươi mốt tháng chín năm Dần (1782). Ngày hôm sau thế tử Trịnh Khải được đưa lên ngai vàng. Cùng với đạo dụ của vua Lê, một quyết định của Đức bà Thánh mẫu chính thức công nhận việc lập lại tân Chúa do đám binh lính tôn lên trong niềm hân hoan chung. Bọn chúng vẫn không ngớt rêu rao công trạng của chúng. Nhưng trong lúc này, người dân kinh đô Thăng Long muốn được thấy một thời đại mới khởi đầu. Mọi người ùa nhau ra đường đến các chợ búa, đình chùa, còn các quán rượu, lầu xanh và những nơi vui chơi khác cũng đông vui không kém. Không nơi nào ngớt người cầu nguyện, cạn chén và chúc tụng lẫn nhau. Chúng ta đã đặt Chúa chúng ta lên ngai vàng đó! Nhưng như thế đã đủ để bảo đảm cho cuộc hoà bình chưa? Vĩnh biệt từ nay cung Chúa lạnh Nơi đây chín bậc đến ngai vàng Vai mang nhẹ nhõm đàn và kiếm Thuyền qua nước ngược đã xuôi dòng Buổi chiều ngày hai mươi mốt tháng chín, chiếc thuyền buồm đã cập bến sông Tuấn Lãnh, nơi đây tám tay lái này được thay bằng những tay khác. Vị y sư bước ra khỏi khoang thuyền. Một nội thị hộ tống cho biết: Người ta được biết sáng nay nhiều cuộc nổi dậy nghiêm trọng đã nổ ra trong phủ chúa. Lê Hữu Trác quay nhìn về phía kinh thành. Vị ấu chúa đã rời nơi ấy và như đang đứng trước mặt. Chúa thượng cười và nơi ngài đang đứng không còn một chút gì cho sự khiếp sợ. Chú thích:[1] Cóc vàng vô cùng hiếm có với nhiều giá trị vô tận được coi như là thuôc chữa lành tất cả các bệnh của trẻ con. Người ta cũng nói là nó đem lại sự dũng mãnh và táo bạo [2] Dâu hiệu nhiệm vụ của ông quan này