Dịch giả: Phan Thái
Chương IX

Tác giả quay lại Maldonada và bơi đến vương quốc Luggnagg - Tác giả bị bắt - Người ta mời tác giả vào cung đình - Thái độ khoan dung của quốc vương với các thuộc hạ của mình.
 
Cuối cùng cũng đã đến ngày trở về của chúng tôi. Tôi từ biệt vị chúa đảo Glubbdubdrib quay về Maldonada với hai người bạn đồng hành của mình[1]. Ở đó đã có một con tàu sẵn sàng khởi hành đi Luggnagg. Những người bạn của tôi đã ân cần đưa tiễn tôi ra tàu sau khi cung cấp đầy đủ lương thực cho tôi. Tôi mất một tháng đi trên đường. Chúng tôi bị một cơn bão mạnh giữ chân và buộc phải thay đổi hành trình lên hướng Tây để đến được vùng có gió mậu dịch thổi suốt khoảng gần sáu mươi hải lý. Ngày 21 tháng Tư năm 1708 chúng tôi đã đi vào sông Clumegnig ở đầu mút Đông Nam Luggnagg. Ở cửa sông có một hải cảng lớn. Chúng tôi thả neo cách thành phố chừng một hải lý và xin hoa tiêu. Sau chừng nửa giờ có hai người hoa tiêu bước lên boong và dẫn tàu chúng tôi đi qua các rạn và đá ngầm theo một lối đi rất nguy hiểm vào một vịnh lớn kín đáo. Tại đây tàu có thể thả neo an toàn cách các bức tường của thành phố chừng một tầm[2].
 
Có một kẻ nào đó trong số các thủy thủ của chúng tôi, chừng như có ý đồ xấu đã nói với các hoa tiêu là trong tàu có một người khách du lịch nước ngoài. Những hoa tiêu đã báo cáo điều này cho một nhân viên hải quan và anh ta theo dõi tôi cẩn thận khi tôi lên bờ. Nhân viên kiểm soát nói với tôi bằng tiếng Balnibarbi. Nhờ việc buôn bán sầm uất mà ngôn ngữ này được người ta biết khá tốt ở đây, đặc biệt giữa các thủy thủ và các nhân viên phục vụ trong hải quan. Tôi kể vắn tắt cho anh ta về một số chuyện phiêu lưu của tôi, cố gắng diễn đạt câu chuyện sao cho thật chân thực và mạch lạc. Nhưng tôi đã dự tính cần thiết phải che dấu quốc tịch của mình và xưng là người Hà Lan. Tôi đã có ý định đi đến Nhật Bản, mà như ai cũng biết, chỉ có người Hà Lan trong số người châu Âu là mới đến đây[3]. Bởi thế tôi kể cho viên chức hải quan là tôi bị đắm tàu ở ven bờ Balnibarbi, tôi đã được đưa lên Laputa hay hòn đảo bay (về nó viên hải quan thường được nghe kể), và bây giờ tôi cố đi đến Nhật Bản với hy vọng từ đó quay trở về tổ quốc mình. Viên chức hải quan trả lời tôi rằng anh ta phải giữ tôi cho đến khi có lệnh từ cung đình. Anh ta hứa sẽ báo cáo lên đó và tin là sẽ có trả lời không muộn hơn hai tuần lễ nữa. Người ta dẫn tôi đến một nơi ở có đủ tiện nghi nhưng có lính canh ở cổng ra vào. Tuy nhiên tôi có thể tự do đi lại trong một cái sân rộng. Tôi chỉ được thả khi có lệnh của quốc vương do đó người ta đối xử với tôi khá tốt. Hàng ngày có rất nhiều người đến thăm bởi vì tiếng đồn về một người khách du lịch từ một đất nước khá xa xôi đến đây đã nhanh chóng loang đi cả thành phố.
 
Để có thể giải thích với các khách đến thăm, tôi mời một người trẻ tuổi cùng đi với tôi trên tàu đến đây làm phiên dịch. Anh ta là người sinh ở Luggnagg nhưng đã sống một số năm ở Maldonada và hoàn toàn nắm vững cả hai thứ tiếng. Nhưng những cuộc nói chuyện với những khách đến thăm chẳng có gì thú vị. Tôi chỉ trả lời các câu hỏi của họ.
Lệnh trả lời bản báo cáo đã đến vào đúng thời gian mong đợi. Trong đó có lệnh dẫn tôi cùng với đoàn tùy tùng với đoàn áp tải gồm mười người đến Traldragdubh hoặc Trildrogdrib (theo tôi nhớ thì từ này được đọc theo hai cách). Toàn thể đoàn tùy tùng của tôi chỉ có người thanh niên phiên dịch mà tôi đã thỏa thuận giúp tôi. Theo yêu cầu kính cẩn của tôi người ta cấp cho mỗi người chúng tôi một con la.
 
Một người chạy tin hỏa tốc được phái đi trước chúng tôi đem theo báo cáo về việc đến gấp của tôi và lời xin quốc vương ấn định ngày giờ, một khi người đoái lòng thương hại cho phép tôi được liếm bụi dưới chân ngai vàng của người. Phong cách ấy của cung đình ngày nay, mà dựa vào kinh nghiệm, tôi tin rằng đó không phải là những lời nói rỗng tuếch. Thực chất, hai ngày sau khi tôi đến đây, tôi được nhà vua cho vào tiếp kiến, người ta ra lệnh cho tôi bò sát bụng xuống sàn nhà và liếm sàn[4]. Hơn nữa vì tôi là người nước ngoài nên đã được đặc ân: sàn nhà đã được lau bụi sao cho chỉ còn lại một ít. Điều đó được xem là một ân huệ lớn. Ân huệ này chỉ áp dụng cho các quan lại chức sắc cao. Nhưng nếu người được phép tiếp kiến long trọng này mà có nhiều kẻ thù hùng mạnh trong cung đình thì đôi khi người ta còn rắc bụi thêm lên sàn. Một lần tôi đã nhìn thấy một vị đại quan mà miệng ông ta dường như bị bụi lấp kín khi ông ta cuối cùng cũng bò được đến chân ngai vàng nhưng ông ta chẳng thể cầu xin được một lời nào. Những bụi này chỉ được phép nuốt đi bởi vì nhổ và lau miệng khi có mặt đức vua bị coi là tội rất nặng.
 
Ở đây còn có một tập tục mà tôi không thể nào tán đồng được. Khi đức vua quyết định cho kẻ nào đó trong số quan lại phải tội tử hình nhẹ và được đặc ân, y phải liếm một loại bụi độc màu nâu đặc biệt được rải lên sàn nhà. Sau khi liếm xong nó, kẻ bị kết tội chết sau hai mươi bốn giờ.
 
Nhưng có lẽ cũng nên đánh giá đúng ơn huệ to lớn của đức vua này là sự quan tâm của ngài tới các thuộc hạ của mình (về điều này các quốc vương ở châu Âu phải chăng nên bắt chước): sau mỗi lần xử tội như thế một mệnh lệnh nghiêm khắc ban ra, bắt rửa sạch sàn nhà của gian thiết triều. Trong trường hợp do thực hiện cẩu thả mệnh lệnh này những người hầu có nguy cơ bị đức vua trừng phạt. Bản thân tôi đã nghe thấy đức vua ra lệnh cởi trói cho một viên thị đồng trong phiên trực của mình đã cố ý không chăm chút làm sạch sàn nhà sau khi xử tội. Do sự không cẩn thận ấy mà một người trẻ tuổi giành được niềm tin cậy lớn của quan đại thần được vào triều kiến đã bị đầu độc. Hơn nữa, lúc đó đức vua hoàn toàn không có ý định giết người ấy. Nhưng đức vua giàu từ tâm ấy đã rủ lòng thương tha không đánh roi viên thị đồng và làm thỏa mãn người thanh niên ấy bằng lời hứa đơn giản là anh ta sẽ không được vào triều nếu không có lệnh đặc biệt của đức vua.
 
Tuy nhiên, chúng ta hãy quay về với câu chuyện của chúng ta. Khi tôi đã bò chừng bốn yard đến ngai vàng, tôi cẩn thận quỳ gối và đập trán xuống sàn nhà bảy lần và nói những lời sau đây đã học thuộc lòng từ hôm trước: "Inckpling gloffthrobb squut serummblhiop mlashnalt zwin tnodbalkuffh slhiophad gurdlubh asht". Lời chào này được luật định cho tất cả những ai được vua cho vào triều kiến. Có thể dịch nó như sau: "Muôn tâu bệ hạ, vầng mặt trời của bệ hạ sẽ sống lâu hơn vầng trăng mười một lần rưỡi". Sau khi nghe xong lời chào, đức vua ra cho tôi một câu hỏi mà tôi không hiểu. Nhưng tôi đã trả lời ngài như người ta đã dạy tôi: "Fluft drin yalerick dwuldom prastrad mirpush", có nghĩa là "Lưỡi của tôi ở trong khoang miệng người bạn của tôi". Bằng những lời này tôi làm người ta hiểu là tôi xin người ta lưu ý tới sự giúp đỡ của người phiên dịch của tôi. Khi đó người ta dẫn con người trẻ tuổi mà tôi vừa nhắc tới vào. Nhờ có anh ta tôi đã trả lời tất cả các câu hỏi mà đức vua của anh ta muốn đặt ra cho tôi. Tôi nói bằng tiếng Balnibarbi, còn người phiên dịch dịch lại tất cả những điều tôi nói bằng tiếng Luggnagg.
 
Đức vua rất thích tôi và ngài ra lệnh cho bliffmarklub của mình, nghĩa là cho viên trưởng thị vệ dọn một nhà trong cung cho tôi và người phiên dịch của tôi ở và lưu ý đến vấn đề ăn uống của chúng tôi. Hơn nữa đức vua còn ban riêng cho tôi một túi tiền vàng để tiêu pha lặt vặt.
 
Tôi sống ở đất nước này ba tháng trời. Đức vua ban cho tôi nhiều ân huệ. Ngài cho phép tôi ở lại đây mãi mãi và đưa ra đề nghị rất dễ nghe. Nhưng tôi thì lại cho rằng thông minh và công bằng hơn cả là quay về sống với vợ con.
Chú thích:
[1] Hình như đây là một nhầm lẫn của Swift, vì trước đó hai người bạn chỉ ở lại có ba ngày rồi về trước (N.D).
[2] Tầm ở đây bằng 1/10 hải lý, chừng 183 mét.
[3] Sau cuộc đàn áp khởi nghĩa của những người Cơ đốc giáo năm 1637 người ta cấm cửa tất cả những người châu Âu vào Nhật Bản, chỉ trừ người Hà Lan.
[4] Đoạn này Swift chế nhạo thói bợ đỡ, nịnh hót và khúm núm trước vua và các hoàng hậu, khá phổ biến ở cung đình George I và các nhà vua châu Âu khác.