PHẦN 2
VẬN MAY CỦA NGƯỜI SỐNG SÓT
Trong chiến tranh Việt Nam, mỗi ngày là một cuộc chiến sinh tồn

    
rên chiến trường, nhiều biến chuyển đóng vai trò quyết định đối với việc một cuộc chiến cuối cùng sẽ thành công hay thất bại. Nhận thức được rằng một số yếu tố trong phương trình sống sót là điều bất biến, người lính nhận thấy những điều khác cũng có thể có vai trò trong đó. Vì thế, sự sống sót đôi khi là chuyện may rủi. Lúc này điềm may không đến với người lính nhưng lúc khác nó lại xẩy ra – như những trường hợp sau đây cho thấy:

CHẠY TÌM SỰ SỐNG
Lê Minh Đạo tự cho mình là người may mắn. Trong khi chiến tranh Việt Nam cướp đi rất nhiều mạng sống của các gia đình ủng hộ chính quyền Hà Nội trong suốt cuộc chiến thì gia đình của Đạo vẫn còn nguyên vẹn. Bố và bố vợ, hai người anh em trai của ông Đạo, tất cả đều phục vụ quân đội và đều sống sót. Riêng Đạo thì có một lần suýt trở thành thành viên thiệt mạng duy nhất của gia đình. Trong khoảnh khắc ấy, Đạo và một người lính Mỹ đã cùng dồn chú ý vào một điểm – tính mạng của chính ông.
Tháng 6 năm 1968, trung đoàn của Đạo đang hoạt động tại Đồng Khởi, tỉnh Bến Tre – một khu vực đã bị Chất độc Cam làm cho trơ trọi. Đơn vị Đạo lúc đó không hề biết là quân Mỹ đã thả thiết bị nghe lén xuống. Thiết bị nghe lén đã phát huy tác dụng, phát hiện ra trung đoàn của Đạo di chuyển qua đây.
Khi Đạo và đồng đội dừng lại nghỉ ngơi, một chiếc máy bay trinh thám của Mỹ lượn tới. Trong lúc quần thảo trên bầu trời, phi công hẳn đã liên lạc về căn cứ, bởi chỉ vài phút sau thì máy bay tấn công ập đến. Bom, tên lửa, đạn súng máy tuôn xuống xối xả. Đạo cùng đồng đội vội vã chạy tìm nơi ẩn nấp.
Sau một lúc, Đạo chợt thấy mình và đồng đội đang lao đầu vào một nơi trống trải. Giống như con đại bàng trông thấy mồi, một chiếc trực thăng sà xuống ngay trên đầu họ. Máy bay bay thấp đến nỗi Đạo có thể nhìn thấy bên trong qua cửa hông của nó. Tim nhảy dựng lên, Đạo vừa chạy vừa nhìn lên và trong khoảnh khắc, mắt ông bắt gặp đôi mắt người lính Mỹ đứng trên cửa máy bay.
“Tôi thấy một người lính trẻ, vẻ mặt anh ta đầy phấn khích”, Đạo nhớ lại. “Tôi nhìn anh ta trong khi anh ta giương khẩu phóng lựu M-79 lên chuẩn bị bắn”.
Đạo cuống lên khi người lính Mỹ chĩa khẩu M-79 thẳng về phía ông. Chỗ cây bụi gần nhất lúc ấy cũng cách Đạo hàng trăm mét, ông biết rằng mình không thể tới kịp nơi ẩn nấp được.
Trái tim Đạo gần như ngừng đập khi ông nghe tiếng phụt của quả đạn được bắn đi từ khẩu M-79. Ông đứng chết trân nhìn viên đạn rơi cách mình hai mét, ngay giữa Đạo và một đồng đội. Khi Đạo sụp xuống như một phản xạ tự nhiên thì quả đạn lại không phát nổ. Ông dường không tin vào mắt mình khi thấy quả đạn nằm bất động trên mặt đất. Thật may mắn làm sao, đó là một quả đạn lép – tính mạng của Đạo đã được cứu.
Nhưng lúc đó Đạo không có thời gian để nghĩ về vận may vì chiếc trực thăng đã quần lại để rượt đuổi tiếp. Đạo và đồng đội chạy tìm chỗ ẩn nấp. Trước khi máy bay hoàn tất vòng cua, hai người đàn ông đã kịp chạy vào rừng.
Khi máy bay lướt qua trên đầu, Đạo tự nhiên mỉm cười. Ông hiểu cảm giác bẽ bàng của xạ thủ trẻ người Mỹ trên chiếc trực thăng kia khi để sổng con mồi. Số phận đã giúp Đạo được sống để tiếp tục chiến đấu – và cũng bằng cách ấy, đã giúp gia đình ông sống sót vẹn toàn qua cuộc chiến.

BỊ CHÔN SỐNG
Phạm Tấn Thành, sinh năm 1932, tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm mười lăm tuổi. Trải nghiệm chiến đấu chống Mỹ đầu tiên của ông là lúc 34 tuổi, vào tháng 1 năm 1966, khi Lục quân Mỹ mở Chiến dịch Crimp. Nhiệm vụ của chiến dịch này là vây đánh du kích quân hoạt động ở khu vực Củ Chi. Và đấy là trải nghiệm đáng nhớ nhất đối với Thành.
Là một đại úy phục vụ trong lực lượng Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ở địa đạo Củ Chi, Thành chỉ huy ba mươi người. Khi quân Mỹ tiến tới, đơn vị của Thành nổ súng và liên tục di chuyển để khiến đối phương bối rối.
Đến lúc đơn vị tăng của Lục quân Mỹ mở đường tấn công, nhóm của Thành lùi lại và chui vào hầm trú ẩn nối với hệ thống địa đạo Củ Chi. Họ cố gắng bám trụ cho tới khi hỏa lực vượt trội của xe tăng buộc họ phải rút hẳn vào địa đạo. Thành cùng bốn đồng đội vừa kịp rút vào thì chiếc hầm trú ẩn ban nãy sập xuống sau khi bị xe tăng bắn trúng. Vụ nổ lập tức làm bít lối vào địa đạo, loại Thành cùng nhóm của ông ra khỏi cuộc chiến.
Địa đạo bị bít một đầu, nhóm người tìm cách tới cửa bên kia để chui ra với hy vọng có thể đánh thốc vào sườn quân Mỹ. Họ nghe tiếng xe tăng di chuyển ầm ầm trên đầu. Trước đó, địa đạo đã bị bom dội trúng nên khi xe tăng chạy ở phía trên thì một đoạn hầm trước mặt Thành sập xuống. Lúc bấy giờ Thành và đồng đội đã bị bít lối ra cuối cùng. Họ bị giam hãm trong một đoạn đường hầm dài chừng 100 mét với lượng dưỡng khí ít ỏi.
Kinh nghiệm từ thời chiến đấu chống Pháp dạy cho Thành phải giữ bình tĩnh giữa lúc nguy nan. Khi đã bị cắt đứt liên lạc với đơn vị, ông biết rằng mình cần phải hành động để trở lại với cuộc chiến. Ông quyết tâm tìm một lối ra, nhưng cũng chuẩn bị tinh thân sẵn sàng cho tình huống thất bại.
Thiếu dụng cụ đào bới, Thành sử dụng nòng khẩu AK-47 thay cho cuốc chim để đào đất phía trên đầu. Các thành viên thay nhau đào theo cách này. Đó là công việc nhọc nhằn và mất thời gian. Sau khi một người đào đất xuống, người đứng kế tiếp sẽ đẩy đất ra phía sau.
Thành rất tự hào khi trong hoàn cảnh ấy mà mọi người vẫn không hoảng loạn. Bị chia cắt với phần còn lại của thế giới trong một cái mồ dưới đất, phải làm việc trong bóng tối và không có đủ dưỡng khí là điều kiện rất dễ khiến những người đàn ông cứng rắn nhất cũng trở nên bấn loạn. Nhưng ở đây, dù còn rất trẻ, họ vẫn giữ được bình tĩnh. Thành không ngạc nhiên. Ông rất hiểu những người lính của mình và luôn tin tưởng rằng họ có thể phối hợp tốt cùng nhau trong hoàn cảnh như thế này.
Dưỡng khí bên trong hầm cạn dần. Không có ánh sáng nên thật khó để biết được công việc đào bới đã tiến triển đến đâu. Tuy nhiên, họ cứ cắm cúi đào lên phía trên vì biết rằng đó là hướng đi duy nhất của họ.
Khoảng một tiếng trôi qua. Giờ đến lượt Thành đào. Ông thay phiên người đồng đội nhưng ngay sau đó đã ngừng tay. Chú ý lắng nghe, Thành chợt nhận ra rằng chỉ vài phân nữa là lên tới mặt đất. Tuy nhiên, do không biết chắc quân Mỹ còn ở trên đấy hay không nên ông nghe ngóng một hồi rất lâu. Không có âm thanh gì lạ, ông cũng không biết sự tĩnh lặng này có nghĩa là gì. Liệu có phải quân Mỹ đang nằm im chờ nhóm của Thành trồi lên từ huyệt mộ - hay là đã rút đi rồi? Và chỉ cần một cú thọc mũi súng mạnh, Thành đã được hít thở dưỡng khí và bắt gặp một chiến trường im ắng.
Không bị khuất phục bởi hoàn cảnh nguy nan, năm chiến sĩ lập tức trườn lên mặt đất, tập hợp lại và theo điều lệnh đối với những đơn vị bị chia cắt trong một trận chiến, họ tiếp tục chuẩn bị chiến đấu.

BAY ĐẾN TỰ DO
Kể từ khi hoàn tất hành trình dọc Đường mòn Hồ Chí Minh vào năm 1964, Trung tá Phan Lương Trực hoạt động tại Quân khu 8, phía Đông Sài Gòn. Ở đây, ông trở nên thông thuộc hệ thống địa đạo Củ Chi, sử dụng nó để di chuyển khắp quân khu. Ông thường xuyên đi trinh sát, tận dụng hệ thống địa đạo để tiếp cận mục tiêu. Nhưng một chuyện xẩy ra vào năm 1968 suýt chút nữa đã cướp đi mạng sống của ông.
Hầu hết các hoạt động bên ngoài địa đạo đều được tiến hành về đêm, nhưng đôi khi một vài nhiệm vụ đòi hỏi phải thực hiện ban ngày. Trực cùng một người lính được điều đi để trinh sát hoạt động của quân Mỹ. Họ đi dưới một địa đạo để tiến gần hơn tới mục tiêu, sau đó chui vào một đường hầm thứ cấp.
Do vóc dáng hơi cao hơn người Việt Nam trung bình, ông Trực phải cúi gập người trong suốt lối đi khá dài này. Không được thoải mái, nhưng ông biết nếu đi trên mặt đất sẽ dễ dàng bị phát hiện giữa lúc đang cố gắng tiếp cận mục tiêu.
Dù đường hầm tối, ông Trực vẫn không dùng đèn soi. Bốn năm sống dưới địa đạo đã giúp ông trở thành một người thành thạo, có thể đi lại dễ dàng trong bóng tối dưới đường hầm.
Tới địa đạo thứ cấp, hai người tiếp tục tiến lên. Trực biết vị trí cửa ra vào còn cách vài trăm mét nữa. Khi cảm giác rằng mình đã tới nơi, ông đưa tay lên sờ soạng tìm tấm gỗ dùng làm nắp ngăn cách ánh sáng bên ngoài với đường hầm tối bên trong. Bàn tay đụng ngay tấm gỗ trên đỉnh đầu, Trực cảm thấy hãnh diện về khả năng định vị của mình. Ông từ từ đứng dậy, khẽ đẩy chiếc nắp gỗ hé lên và thò đầu ra quan sát xung quanh trước khi chui ra. Nhưng khi Trực vừa đứng lên, phơi mình trong ánh nắng mới len vào vùng tối dưới hầm, ông chợt giật mình khi có tiếng động mạnh phía trong đường hầm. Một âm thanh quang quác rộ lên, tiếp đó là tiếng vỗ cánh điên cuồng.
Để cải thiện cuộc sống, người ta nuôi heo và gà dưới lòng địa đạo Củ Chi. Rõ ràng là có một con gà đã sổng truồng dưới hầm, chạy dọc địa đạo chính và tiến ra hầm thứ cấp. Trông thấy ánh sáng khi Trực vừa nhấc nắp hầm lên, con gà đã chộp lấy cơ hội để thực hiện bước cuối cùng trong hành trình đào thoát.
Giật mình vì âm thanh quang quác, tay Trực đẩy mạnh nắp hầm, trong chốc lát tạo ra lối thoát cho con gà. Chớp lấy cơ hội, con gà bay ra ngoài, cánh của nó quyệt vào người Trực. Như choàng tỉnh, Trực bắt đầu lo lắng, không phải về việc làm mất con gà mà bởi một âm thanh rất quen thuộc mà ông sớm nhận ra là tiếng trực thăng. Thật là một thời khắc tồi tệ khi vừa mới mất gà thì trực thăng Mỹ ập đến.
Ở thời kỳ đầu, nắp địa đạo được che phủ bằng cây bụi để người ra vào tránh bị phát hiện. Tuy nhiên, trong những năm sau đó, hóa chất làm trụi lá đã khiến cây cối héo khô. Trong khi bản thân nắp hầm vẫn được ngụy trang tốt thì những người chui ra từ bên trong sẽ dễ dàng bị phát hiện, buộc phải tức tốc chạy hàng trăm mét để tới trốn trong khu rừng gần nhất.
Do con gà thoát ra giữa thành thiên bạch nhật nên chắc hẳn viên phi công trên chiếc trực thăng kia đã phát hiện ra. Trực đành đóng cửa hầm lại, trở về với thế giới tối tăm của mình và chờ đợi.
Pha đào thoát của con gà đã khiến phi công chú ý, anh ta cho máy bay lượn vòng để quan sát. Sau một khoảng thời gian tưởng chừng như vô tận, âm thanh phát ra từ cánh quạt trực thăng rốt cuộc cũng tan dần. Trực tiếp tục đợi thêm một chặp nữa để biết chắc rằng chiếc máy bay không trở lại. Tới lúc đoan chắc máy bay đã rời xa, ông từ từ đẩy cửa lần thứ hai. Chỗ ẩn nắp của ông không hề hấn gì sau sự cố, và ông cùng đồng hành rời địa đạo, nhanh chóng biến vào vạt rừng gần đấy.
Khi đã được cây rừng che chở, Trực nhìn đồng hồ. Đã gần mười phút trôi qua kể từ lúc chiếc trực thăng rời đi. Sự yên ắng khiến ông thêm tin tưởng rằng mình đã không bị phát hiện. Nhưng và lúc Trực và người đồng hành chuẩn bị tiếp cận mục tiêu, ông lại chợt nghe những âm thanh rất quen thuộc.
Nghe tiếng rít của một quả đạn pháo 175 mm, Trực nhận ra rằng niềm tin ban nãy của mình là không đúng – trên thực tế, vị trí của ông đã bị con gà đào thoát tố cáo. Hai người bèn chạy trở lại miệng hầm giữa lúc mặt đất rung chuyển bởi những quả pháo 175 mm. người đồng hành của Trực đến được cửa hầm trước và nhanh chóng chui qua khe cửa hẹp. Trực kém may mắn hơn. Trong khi ông đang chờ đợi đến lượt mình trườn vào, một quả pháo đã phát nổ ở cự ly gần. Bị thương nặng, Trực nằm vật ra đất, phần trên cơ thể, cẳng chân và bàn chân lỗ chỗ mảnh đạn. Ông chìm vào hôn mê. Giữa lúc pháo 175 mm nổ rung chuyển mặt đất xung quanh Trực, có một bàn tay thò ra từ miệng hầm và kéo ông vào bên trong. Người đồng hành dìu Trực, lúc này đang bất tỉnh, tới hầm chính và sau đó đến bệnh viện trong địa đạo.
Sau một tháng dưỡng bệnh, Trực trở lại địa đạo để chiến đấu. Nhưng theo ông được biết thì con gà kia đã không bao giờ trở lại.

SAI LẦM SUÝT CHẾT
Quân Mỹ chủ động khích lệ thành viên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đào ngũ theo một chương trình ân xá có tên gọi “Chiêu hồi”, hay “Open Arms” (Mở rộng vòng tay). Vào ngày 17 tháng 5 năm 1970, chương trình đó gần như đã thành công trong mục tiêu bắt giữ một sĩ quan cấp cao của Việt Cộng, Đại tá Nguyễn Văn Sĩ, Tư lệnh Khu 2. (Về mặt chiến trường, Hà Nội chia miền Nam Việt Nam thành ba quân khu và sáu vùng. Vùng 2 bao gồm phần lớn tỉnh Long An. Là một tư lệnh vùng, Sĩ báo cáo trực tiếp lên Tư lệnh Việt Cộng, Tướng Trần Văn Trà).
Ngày 29 tháng 4 năm 1970, quân Mỹ mở rộng hoạt động ra bên ngoài Việt Nam, qua Campuchia. Mười ba chiến dịch mặt đất quy mô lớn đã được mở để quét sạch các cứ địa của quân Bắc Việt đặt trong phạm vi 19 dặm cách biên giới miền Nam Việt Nam.
Đại tá Nguyễn Văn Sĩ đi về giữa Việt Nam và Campuchia để điều phối hoạt động của Việt Cộng trong khu vực. Trong các chuyến đi, ông luôn có hai vệ sĩ hộ tống.
Theo quy định lúc bấy giờ, ông Sĩ, với tư cách là tư lệnh cấp cao, không được hoạt động trong cùng một khu vực quá hai hoặc ba ngày để tránh bị lộ. Ngay khi tới địa điểm mới, đội bảo vệ phải tìm ra một chỗ ẩn náu để phòng tình huống khẩn cấp. Thông thường, chỗ ẩn náu là một hố nhỏ được đào sâu vào lòng đất mà chỉ có Sĩ và nhóm bảo vệ biết được. Mặc dù Sĩ chỉ dừng chân tại một địa điểm không quá 48 tiếng đồng hồ nhưng đào hầm luôn là nhiệm vụ đầu tiên mà nhóm bảo vệ thực hiện khi tới nơi, cho dù việc đào hầm có chiếm một phần lớn thời gian hoạt động.
Vài tuần sau khi quân Mỹ tấn công vào Campuchia, Sĩ lúc ấy đang hoạt động ở Svay Rieng, Campuchia. Ông và nhóm của mình đã qua mặt được các đơn vị Quân lực Việt Nam Cộng hòa đóng cách đấy chỉ năm cây số. Đến Svay Rieng từ ba ngày trước, Sĩ phạm phải một sai lầm suýt chết người. Trái với điều lệnh quân đội, ông đã quyết định lưu lại tại một địa điểm quá khung thời gian cho phép là 48 – 72 tiếng.
Sáng 17 tháng 5, Sĩ họp bàn kế hoạch với vị sĩ quan điều hành cho tới 1 giờ sáng. Mệt rã, hai người rời cuộc họp để đi ngủ. Quân lệnh không bao giờ cho phép hai sĩ quan cấp cao ở cùng một chỗ, ngoại trừ khi tham gia chiến dịch. Vì thế, họ đi theo hai hướng khác nhau để ngủ qua đêm. Đây là một cách thức để làm giảm nguy cơ mất cùng lúc hai chỉ huy cấp cao. Sau khi tới nơi ngủ với sự canh gác của nhóm bảo vệ, Sĩ ngủ thiếp đi. Ông thức dậy vào lúc 6 giờ sáng.
Sau bữa sáng, Sĩ và các vệ sĩ tới đóng ở một nơi mới cách làng 300 mét. Tại đây, họ sẽ dễ dàng đến nơi ẩn nấp, và nhóm bảo vệ tranh thủ chợp mắt do đã thức trắng đêm hôm trước.
Trong khi các vệ sĩ ngủ, Sĩ ngồi canh chừng. Ông chợt nghe tiếng máy bay trên đầu. Khi nó tới gần, ông nhận ra đó là một chiếc máy bay chỉ điểm. Sĩ bắt đầu nghi ngờ khi thấy chiếc máy bay cứ đảo vòng tìm kiếm. Ông đánh thức nhóm bảo vệ, lệnh cho họ lập tức lục soát toàn bộ khu vực xung quanh để hủy đi bất cứ dấu hiệu nào cho thấy họ ở đây. Sau đó cả ba chui vào nơi trú ẩn và chờ đợi.
Sau chừng nửa tiếng, quân Mỹ đã có mặt khắp nơi. Biết rằng mình và đồng đội bị lọt vào giữa một trận càn lớn ở khu làng do quân đội Mỹ thực hiện nhưng Sĩ không ngờ rằng mục đích của chiến dịch này là nhằm tìm bắt ông.
Từ nơi ẩn nấp, Sĩ và đồng đội không thể quan sát được hoạt động của địch; họ chỉ biết nằm im nghe ngóng. Tiếng binh lính hô tiến, lùi lẫn trong tiếng gầm rú của xe bọc thép đang quần thảo. Cả ba chẳng dám thò đầu ra khỏi nơi trú ẩn bởi sợ rằng quân Mỹ đang ở quá gần. Chờ đợi trong tư thế co quắp lại trong hầm là cực kỳ khó chịu, nhưng họ vẫn ở đấy, bất động.
Tình trạng đó tiếp diễn trong nhiều giờ. Nỗi lo lớn nhất của Sĩ là quân Mỹ có chó đánh hơi. (Để chống lại chó đánh hơi, Việt Cộng sử dụng thủ thuật bôi xà phòng lên người – nhưng do Sĩ và đội bảo vệ không được báo động trước về sự có mặt của quân Mỹ nên họ chưa kịp thực hiện điều đó). Có lúc, Sĩ đã đại tiện ngay tại nơi trú ẩn. Sau đó, ông rất sợ bị chó đánh hơi được.
Chẳng bao lâu, tiếng nói của binh lính Mỹ đã ở rất gần. Sĩ rút súng ngắn ra chĩa vào đầu. Ông thà tự bắn mình còn hơn rơi vào tay kẻ địch.
Tới khoảng 6 giờ chiều, tiếng ồn bắt đầu tan. Tất cả yên tĩnh trở lại. Tuy nhiên, cả ba tiếp tục ở trong hố vì không biết chắc liệu tất cả lính Mỹ đã đi hết hay vẫn còn một nhóm nhỏ được bố trí ở lại mai phục. Cuối cùng, một người bảo vệ trồi ra khỏi miệng hố. Cẩn thận quan sát trong khu vực, anh biết chắc rằng quân Mỹ đã rời đi. Anh trở lại thông báo cho Sĩ. Nhẹ nhõm, cả nhóm nhanh chóng rời đi.
Vừa rút lui, Sĩ vừa lo ngại cho sự an toàn của người sĩ quan điều hành. Ông không biết rõ liệu người kia có thoát khỏi bàn tay của quân Mỹ hay không. Hai ngày sau, ông biết về số phận của người kia.
Sáng sớm ngày 17 tháng 5, người sĩ quan điều hành kia đã tới chỗ quân Việt Nam Cộng hòa để đầu hàng theo chương trình Chiêu hồi. Tóm được một sĩ quan cấp cao của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, quân Việt Nam Cộng hòa lập tức thông báo với người Mỹ, lúc bấy giờ đang đóng cách Svay Rieng 30 cây số. Một chiếc trực thăng Mỹ liền bay tới để chở người này về thẩm vấn tiếp. Người đó liền khai với quân Mỹ rằng ông ta đã họp với ông Sĩ ngay tại Svay Rieng chỉ vài giờ trước. Nhận định rằng Sĩ có thể đang ở trong vùng cũng như tầm quan trọng của việc bắt giữ ông, quân Mỹ đã phản ứng ngay, mở một đợt càn và lục soát khẩn cấp.
Sau này Sĩ thổ lộ rằng ông chưa bao giờ có linh cảm về sự phản bội của viên sĩ quan điều hành trong buổi sáng hôm ấy. Điều mà Sĩ không biết đó là người sĩ quan kia vừa mới chuyển vợ từ Mỹ Tho lên Sài Gòn, rõ ràng là đang chuẩn bị cho một cuộc đào ngũ – sự phản bội mà Sĩ cho là một thất bại trong bản lĩnh tư tưởng của sĩ quan kia.
Tính hiệu quả của chương trình Chiêu hồi vẫn còn nhiều tranh cãi nhưng có lẽ thành công lớn nhất đối với Mỹ là chương trình này đã gây ra một không khí lo sợ cho quân du kích. Như Sĩ nhìn nhận, nó tạo ra một mối đe dọa thường trực cho sự nghiệp của họ, bởi họ không bao giờ biết được người nào thiếu bản lĩnh chiến đấu.