TRẦN TRUNG HỶ dịch
Chương 10

    
ó hai đứa bé tay cầm cần câu đang chạy về hướng bờ sông. Trời đang mưa lất phất, trong ngõ bùn đất nhão nhoét, những con giun đất cổ trắng bị nước mưa làm cho trồi lên khỏi mặt đất đang quằn quại trong bùn. Lúc ấy tôi học lớp năm, mười hai tuổi, còn Tiền Anh Hào thì mười ba.
Trông thấy những con giun đất, tôi ngừng chạy, kêu lên:
- Tiền Anh Hào, chúng ta vẫn chưa có mồi câu!
- Ừ nhỉ, tớ quên khuấy đi mất! - Cậu ta đáp.
- Có mấy con giun to tướng đây này.
Cậu ta quay lại, nhìn mấy con giun đất, quay đầu nhổ nước bọt, nói:
- Trên đời này tớ ghét nhất là giun cổ trắng, bị nó cắn là mắc bệnh hủi ngay.
- Nhưng cá rất thích ăn giun cổ trắng!
- Cậu cứ bắt nó đi!
Tôi ngắt một chiếc lá đậu trên hàng rào tre rồi bốc con giun cổ trắng lên. Nó uốn éo thân mình dưới chiếc lá trong tay tôi. Tiền Anh Hào liếc mắt nhìn rồi ôm lấy ngực nôn khan.
- Cậu làm sao thế? - Tôi hỏi.
Tiền Anh Hào xua tay, kéo vạt áo thấm nước mắt, nói:
- Cậu giết chết nó đi, tớ sợ giun cổ trắng.
Tôi tìm một mảnh kính vỡ cắt con giun ra thành nhiều đoạn. Thân thể nó có máu màu xanh và chất dịch gì đó màu vàng.
Nước chỉ ngang nửa sông, giữa sông có một dòng chảy màu vàng sủi bọt. Chúng tôi chọn một chỗ cỏ cây rậm rạp, bờ sông đến chỗ này thì có một khúc cong, làm nên một đoạn sông rất yên tĩnh. Lươn và cá chép rất thích kiếm ăn ở chỗ này.
Trước tiên, chúng tôi mở vòng dây câu bằng nylon ở đầu cần câu ra, dây câu cong vòng, kéo mãi không thẳng. Tiền Anh Hào bảo tôi chớ lo, dây nylon sau khi xuống nước tự nhiên sẽ thẳng ra. Cậu ta bảo tôi:
- Triệu Kim, cậu mắc mồi vào lưỡi câu đi! Tớ sợ cầm phải giun cổ trắng.
Tôi giúp cậu ta móc mồi xong rồi tự móc mồi vào lưỡi câu của mình và lựa thế thả lưỡi câu xuống nước. Trên mặt nước nổi lên hai chiếc phao bằng điên điển. Lúc ấy trên bờ đê có hai tiếng chó sủa oang oang. Chúng tôi quay đầu lại, trông thấy con chó đen Ba Lỗ của nhà Tiền Anh Hào đang quẫy đuôi nhìn chúng tôi. Con chó này đen mượt toàn thân, chỉ trên mỗi mắt có một nhúm lông vàng sẫm. Tiền Anh Hào vẫy tay với nó và gọi:
- Ba Lỗ, đến đây!
Con chó cẩn thận len lỏi giữa những bụi rậm đến bên chúng tôi, đuôi vẫy cuống quít đập vào cây cỏ kêu sột soạt, hướng về giữa dòng nước chảy sủa lên ông ổng. Tiền Anh Hào xoa đầu nó, bảo:
- Nằm xuống, không được sủa. Mày sủa khiến cá sợ, không cắn câu.
Con chó nghe lời, nằm im bên cạnh Tiền Anh Hào, hai chân duỗi thẳng về phía trước, kê đầu lên trên, hai mắt nhìn chăm chăm xuống dòng sông.
Mưa nhẹ như khói sương, không gian mờ mờ tỏ tỏ. Chiếc phao nổi lềnh bềnh trên mặt nước, vẫn chưa có con cá nào cắn câu. Một con nhái ốm nhách đang khó khăn vượt qua đoạn luồng nước chảy mạnh và bơi vào mặt nước yên tĩnh trước mắt chúng tôi, hai chân trước rẽ nước, hai chân sau đạp nước, một luồng sóng nhỏ lăn tăn nổi trên mặt nước yên lặng. Luồng sóng làm hai chiếc phao của chúng tôi xao động. Lông bờm của Ba Lỗ dựng đứng lên, tiếng rên ư ử xuất phát từ cuống họng nó. Tiền Anh Hào ấn đầu nó xuống, nói:
- Ba Lỗ, nghe lời đừng sủa. Là một con nhái bén thôi mà, đừng để ý.
Con chó yên lặng. Con nhái cuối cùng cũng leo lên bờ và chui vào trong một bụi cỏ ven mép nước, mắt mở thao láo, cái bụng to tướng phồng lên xẹp xuống. Một con dế đang nấp trong một bụi cỏ nào đó bên cạnh chúng tôi và kêu lên những tiếng nhỏ, nhờ có sợi râu của nó ngọ ngoạy tôi mới phát hiện ra. Tôi đang định đứng dậy để chộp nó thì Tiền Anh Hào nói:
- Đừng động đậy! Cá nghe dế kêu thì nghĩ rằng không có gì nguy hiểm mới cắn câu.
- Cậu nói bậy. Cá không có lỗ tai thì làm sao nghe được tiếng dế kêu? - Tôi cãi.
- Tại sao cậu biết cá không có tai?
- Tớ xem nhiều loại cá rồi, không con nào có tai cả.
- Tai của cá được ngậm trong miệng, lúc cần nghe gì nó mới nhả ra, không cần nghe thì ngậm lại.
- Cậu trông thấy không?
- Tớ chẳng có diễm phúc được nhìn thấy đâu. Bố tớ nói rằng ai mà trông thấy cá nhả tai trong mồm ra để nghe ngóng động tĩnh thì đó là đại phúc.
- Bố cậu chỉ đặt chuyện thần thoại ra để lừa trẻ con thôi.
- Cậu tin thì tin, không tin thì thôi vậy.
Sau khi nghỉ ngoỉ, con nhái lại bắt đầu kêu lên những tiếng nhỏ. Trên trán của nó có hai túi khí trong suốt lúc phồng lúc dẹp, trông ngộ vô cùng.
Con chó đột nhiên đứng dậy, bộ lông bờm như đợt sóng trào dựng lên xẹp xuống, nhìn thẳng xuống mặt sông, muốn sủa nhưng cố ghìm lại. Hai chiếc phao trên mặt nước đang di động, trước tiên là chiếc phao của tôi, tiếp theo là chiếc của Tiền Anh Hào. Tôi định giật cần câu lên nhưng đã bị cậu ta chẹn lại, hạ giọng nói nhỏ:
- Cá đang thử thôi, đừng vội, chờ cho cá kéo chiếc phao chìm xuống khỏi mặt nước rồi hãy giật mạnh lên.
Chiếc phao đang chuyển động nhẹ, đúng là con cá này rất xảo quyệt. Tôi đang thầm phục những kinh nghiệm câu cá của Tiền Anh Hào thì hai chiếc phao cùng một lúc bị kéo chìm xuống. Tiền Anh Hào hét to:
- Giật!
Tôi vút mạnh chiếc cần câu trong tay về phía sau. Tiếng nước vỡ, một luồng nước bay lên cùng với một vật màu vàng nhạt vọt qua đầu tôi rồi nặng nề rơi xuồng bờ đê.
Trong khi Tiền Anh Hào giật mạnh, cần câu của cậu ta bị gãy làm đôi. Cậu ta rất nhanh tay chụp lấy nửa chiếc cần còn lại và lôi sợi dây câu lên khỏi mặt nước. Tôi trông thấy một con lươn to gần bằng cả bắp tay bị treo trên mặt nước và đang quẫy rất mạnh, đồng thời kêu lên những tiếng rất kỳ dị. Tiền Anh Hào vẩy mạnh nửa chiếc cần câu, con lươn bị hất vàng lên bên cạnh con nhái, lưỡi câu móc vào mang nó bị văng ra ngoài. Một tiếng sủa vang, con chó lao từ trên bờ đê thẳng xuống mép nước lao theo con lươn, ý thức lập công đã khiến nó lao cả xuống nước, nhưng con lươn vùng vẫy dữ dội đã lăn xuống nước sớm hơn con chó một tí làm bắn lên một tia nước, thoáng chốc đã vô ảnh vô hình.
Ba Lỗ bò lên khỏi mặt nước, lắc mình thật mạnh khiến nước bám trên lông nó văng tứ tung.
Chúng tôi lao lên mặt bờ đê, trông thấy ở lưỡi câu của tôi có móc một con cá chép miệng rộng màu vàng. Nó đang giãy giụa nột cách giận dữ và tuyệt vọng. Hình như chưa hả cơn giận, Ba Lỗ lao tới, chỉ cần một cú táp mạnh, con cá đã chết không kịp ngáp.
Tôi cẩn thận lấy lưỡi câu cắm rất sâu trong cuống họng của con cá ra.
Tiền Anh Hào trầm lặng hẳn đi, có vẻ không vui.
- Tiền Anh Hào, câu tiếp đi. Con cá này thuộc về cả hai chúng ta - Tôi nói.
- Tiếc quá! Một con lươn trắng to bự. Nó quẫy dữ quá, không khéo là một con lươn thành tinh.
Chúng tôi bẻ một cành liễu xâu vào mang con cá, cẩn thận xem xét thật kỹ rồi bỏ vào trong túi cói. Tiền Anh Hào nối xong cần câu, nói:
- Giúp tớ móc mồi vào lưỡi câu đi, tớ không tin là không câu được nó.
Tôi giúp cậu ta móc một khúc giun vào lưỡi câu.
Chúng tôi đặt cần câu xuống đất. Tất cả phải chờ cho yên tĩnh trở lại. Mưa nhẹ đã làm đầu tóc và quần áo chúng tôi ướt bê bết. Chúng tôi cảm thấy hơi lạnh, con chó đứng bên cạnh chúng tôi run lên từng đợt. Tiền Anh Hào vỗ đầu nó, nói:
- Ba Lỗ, mày quay về nhà đi!
Không thật sự tự nguyện, con chó quay lên bờ đê, cái đuôi vểnh ngược lên và chạy biến khỏi mặt đê. Tiền Anh Hào hỏi:
- Cậu có biết thần Hà bá của con sông này là ai không?
- Thần Hà bá là gì?
- Mỗi con sông đều có một vị thần cai quản.
- Thế vị thần cai quản con sông này là ai?
- Là một con lươn trắng - Cậu ta nói với vẻ thần bí - Bố tớ nói rằng con lươn trắng này còn to hơn cả chiếc thùng chứa nước, dài hơn chiếc đòn gánh, có thể biến thành một thư sinh áo trắng lên bờ để tác oai tác quái.
- Tác oai tác quái thế nào?
- Điều này thì tớ không biết, nói tóm lại là làm những điều tội lỗi.
Đột nhiên tôi cảm thấy sông lưng mình lạnh toát. Trước mắt tôi, trên mặt sông kia sẽ có một thư sinh áo trắng xuất hiện bất kỳ lúc nào và dìm chúng tôi xuống sông cho đến chết.
- Thế cậu có biết thần Hà bá của Vận Lương Hà là ai không? - Tiền Anh Hào lại hỏi.
Tôi nhìn thẳng vào mắt cậu ta, hai tay chụp lấy những cây cói mọc dày bên cạnh một cách vô thức.
- Thần Hà bá Vận Lương Hà là một con cá chép màu xanh rất to - Cậu ta lại hỏi - Cậu có thể đoán là nó to như thế nào không?
Tôi sợ sệt lắc đầu.
- Bố tớ nói, có một năm sau một cơn đại hồng thủy, một ông già đã tìm thấy một chiếc vảy cá chép trên bùn lầy dọc bên bờ sông. Cậu có thể nghĩ là nó to như thế này, bằng chiếc vung của một chiếc nồi bảy. Chiếc vảy mà to đến như thế, cậu có tưởng tượng ra là con cá to như thế nào không?
Tôi kinh hãi đến độ cứng đờ cả lưỡi.
- Thủy quái thành tinh ở Vận Lương Hà nhiều không kể xiết. Bố tớ kể rằng, thời Tống đã có vị hoàng đế sai Bao Thanh Thiên giám sát việc tu sửa Vận Lương Hà, sửa bên nam thì bên bắc lở, sửa bên bắc thì bên nam sụp khiến Bao Thanh Thiên phải đúc mười hai con dao cầu bằng đồng ném xuống sông mà yểm. Con sông như một cái nồi nước sôi sùng sục lên rồi từng luồng, từng luồng máu trào lên, nhiều đến nỗi toàn dòng sông đều biến thành màu đỏ, hàng trăm xác quái vật nào ngư tinh, giải tinh, rùa tinh nổi lên lềnh bềnh, ở xa đến mấy chục cây số còn ngửi thấy mùi tanh. Cuối cùng, một ông già mặc áo màu xanh có bộ râu màu lam từ dưới sông trồi lên, trông thấy Bao Thanh Thiên thì vòng tay cúi đầu chào, nói: Bao đại nhân, già này khâm phục khâm phục, sau này chẳng bao giờ dám làm nhọc lòng đến đại nhân nữa, xin đại nhân hãy ra lệnh cho những con dao dưới sông đừng chém giết nữa, nếu không thì những thuộc hạ của tôi tiêu ma hết. Bao Thanh Thiên hỏi: Ngươi đã thực sự khâm phục chưa? Ông già nói là đã thực sự khâm phục. Bao Thanh Thiên hỏi: Ngươi tâm phục hay khẩu phục? Ông già nói là đã tâm phục. Bao Thanh Thiên nói: Như vậy thì khẩu nhà ngươi vẫn bất phục phải không? Ông già vội vàng nói: Phục rồi, phục rồi, cả tâm lẫn khẩu đều phục. Bao Thanh Thiên nói: Không chém giết để cho máu các ngươi chảy thành sông thì các ngươi chưa biết sự lợi hại của lão Bao ta đây, các ngươi phải biết là Bao Hắc Tử này không phải đã là một chiếc đèn cạn dầu. Lão trùm yêu tinh vội vàng nói Bao đại nhân không phải là đèn hết dầu. Thấy lão yêu tinh đã thừa nhận, Bao Thanh Thiên cười lớn, cười xong thì ra lệnh: Vương Triều Mã Hán, hãy ra lệnh thu các con dao cầu lại!
- Cậu chỉ giỏi phịa để lừa tớ - Tôi nói.
- Đó là chuyện bố tớ kể cho tớ nghe. Bố tớ đã từng tham gia chiến dịch Mạnh Lương cố, đã từng đến phủ Khai Phong, lại tham gia cuộc chiến tranh giúp nhân dân Triều Tiên đánh Mỹ. Người khác có thể nói chơi, bố tớ lại nói chơi được sao?
Bố cậu ta đã từng có một lịch sử vinh quang như thế, đương nhiên không thể đặt điều nói phét được. Thế thì, trong dòng nước đầy thần bí này nhất định có những con lươn quỷ quái to hơn cả chiếc thùng đựng nước ẩn thân, còn có cả ngư tinh, giải tinh, rùa tinh, tôm tinh…, lại còn có cả những hồn ma chết nước nữa… Nghĩ đến đó, không kìm lòng được, toàn thân tôi cứng lại, lông tóc đều dựng đứng cả lên. Dòng nước trước mắt tôi chỗ nào cũng đầy vẻ bí hiểm và cổ quái. Đóa hoa quỳ đang bị cuốn theo dòng nước kia có phải là do một con rùa tinh biến hóa thành để mê hoặc trẻ con không? Những đám bọt sóng trắng xóa rất đẹp phía xa xa kia, ai dám đảm bảo đó không phải là do những con lươn quỷ quái phì bọt mép mà thành? Lại còn có cả những vòng nước xoáy thoắt ẩn thoắt hiện kia là do những con giải dùng những chiếc càng của chúng, khuấy nước mà thành. Dường như có vô số những con mắt đầy âm khí lạnh lẽo ẩn sâu dưới dòng nước kia đang nhìn chúng tôi, và bọn chúng có thể nhảy vọt lên rất nhanh bất cứ lúc nào, cũng có thể là rất chậm chạp và từ tốn bò lên giống như con nhái lúc nãy rồi lôi chúng tôi xuống nước, ăn thịt chúng tôi, biến chúng tôi thành những hồn ma bị chết nước suốt đời cứ phiêu bạt theo dòng sông…
- Tiền Anh Hào! Tớ… tớ chẳng muốn câu nữa… - Tôi đứng dậy.
- Đừng vội! Cậu ta ấn vào vai tôi nói - Cậu chú ý nghe nhé, “Côn quai” xuất hiện rồi đó.
- “Côn quai” là cái gì?
- Cậu cứ nghe!
Để giảm bớt sự xói mòn của nước sông vào bờ, ở phía tây của đám cói người ta đã đắp một một bờ đất, thường gọi là “con rồng đất”, một đầu tiếp giáp với con đê, một đầu đến tận mép nước. Trên “con rồng đất”, những lùm hòe và liễu mọc dày đặc, phía bên phải “con rồng đất” là một vùng nước chết đầy cói, từ đó vang lên tiếng gọi đáp của một đôi nhái. Đây là một đôi nhái rất hiếm thấy, chỉ to bằng ngón tay trỏ của người lớn, bụng và miệng màu phấn hồng, sau những trận mưa lớn mỗi năm mới xuất hiện, trời quang lên là lập tức không còn thấy tăm dạng cũng như tiếng kêu của chúng nữa.
- Cậu có biết chúng là do ai biến thành không? - Tiền Anh Hào hỏi, giọng rất thần bí.
- Không biết, - Tôi phát run nói.
- Đó là do hai người con gái khuê các biến thành - Cậu ta nói - Bố tớ kể rằng ngày xưa có hai cô gái con nhà khuê các xuống sông giặt áo quần, té nước vào nhau vui đùa và để cho nước cuốn quần áo và chày đập đi mât. Hai người bèn bơi theo để vớt và chìm xuống sông mà chết biến thành một đôi nhái, một người gọi là Côn, có nghĩa là chày đập vải, một người là Quai, nghĩa là áo mặc ngoài.
- Thế thì hai con nhái này phải một đực một cái, nếu không thì không thể sinh nở được, phải không?
- Chuyện này thì tớ không biết, - Cậu ta nói. - Bố tớ chỉ nói hai con nhái này là do hai cô gái biến thành thôi.
Một trận gió lạnh thổi qua mặt sông, đám cói đằng sau lưng chúng tôi kêu lên xào xạc. Ba Lỗ lại xuất hiện từ trong đám cói, lặng lẽ tiến đến giữa hai chúng tôi.
- Cậu nói thử xem, chúng ta bị dìm chết tại đây sẽ biến thành cái gì? - Đột nhiên Tiền Anh Hào hỏi tôi, đôi mắt lóe lên những đốm lửa sáng màu xanh lục. Một cách vô ý thức, tay tôi chụp lấy một bụi cói, nói:
- Không biết… tớ không thể biết được…
- Tớ nghĩ là chúng ta sẽ biến thành hai nhân ngư nhỏ màu đen, mỗi khi nước sông dâng cao, chúng ta sẽ đứng trên mặt nước mà ca hát…
- Hát bài gì?
- Năm một chín ba tám ấy, quỷ dữ tiến vào đât Trung Nguyên, chúng chiếm Lư Câu Kiều rồi chiếm Sơn Hải Quan, đường xe lửa vươn về đến Tế Nam…
Vừa đúng lúc ấy, giữa dòng sông bỗng nhiên xuât hiện một vòng tròn sóng, một vật xanh rờn và tròn lăn đang bơi giữa vòng tròn sóng ấy. Tôi kinh hoàng thét lên, hai tay hai chân bò lên mặt đê, chẳng còn lòng dạ nào mà nghĩ đến con cá chép vừa câu được, cả chiếc cần câu, cả Tiền Anh Hào lẫn con chó, càng không quan tâm dưới chân mình là nước hay là bùn, ba chân bốn cẳng vọt về nhà.
Sau đó, Tiền Anh Hào cùng con chó đem con cá và chiếc cần câu về nhà tôi, còn nói rằng con quái vật xuất hiện giữa dòng sông ấy kỳ thực là một quả dưa hấu. Cậu ta còn nói, cậu ta đã nhào xuống nước vớt quả dưa vào bờ, đập vỡ ra định ăn nhưng một mùi chua loét đã xông lên. Té ra nó trôi trên sông quá lâu nên đã bị thối.