Chương VII
Những ngày cuối của một “đại ca”

    
ôi quen Lâm Chín ngón đã lâu, viết về nhân vật này đã khá nhiều, nhưng chưa bao giờ viết về những ngày cuối đời của Lâm, cũng như cái chết của anh ta.
Nay, trước hương hồn người đã mất, xin viết lại chuyện chưa bao giờ viết này.
Và, để bạn đọc nắm được toàn bộ nội dung, xin lược qua lại những gì tôi biết về tay giang hồ cộm cán nổi tiếng từ thâp niên 1960 này.
Tôi quen biết Lâm Chín ngón
Tôi biết Lâm Chín ngón khi ở tù tại khu C, trại 7, Côn Đảo - thường gọi Chuồng cọp.
Thời gian ở tù ngoài Côn Đảo (tôi bị án tù chung thân năm 1972, ra đảo đầu năm 1973), tuy tôi là tù chính trị nhưng lại bị nhốt chung một khu với tù hinh sự.
Riêng Lâm ra đảo đâu khoảng đầu tháng 4 -1975, được đưa ngay vào khu C, một mình một phòng. Thời gian này tôi mới ở bệnh xá về, ở chung phòng với anh Giáo, thêm bị liệt chân phải đi lại khó khăn nên chỉ loáng thoáng biết có Lâm, tiếp đó là giải phóng 30-4, nên chưa thể nói quen Lâm.
Sau ngay miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhiều tù thường phạm bị nhốt trong khu C lợi dụng những ngày đầu giải phóng, công tác canh gác tù nhân còn sơ hở, trốn ra khỏi trại, phá kho tang vật, lấy cấp nhiều món đồ có giá trị trong kho như đồng hồ, nữ trang, tiền mặt… và bị trừng trị hết sức nghiêm khắc.
Lâm Chín ngón không nằm trong số này, nhưng do án quá nặng (hai án chung thân về tội giết Vũ Định Cường, em Sơn Đảo; và Hoàng Đầu lâu) nên không được tha về hoặc lưu lại Côn Đảo như tất cả các tù thường phạm khác, mà tiếp tục chuyển về trại giam tại đất liền, mãi đến năm 1988 mới được tha.
Tha về chưa được bảo lâu, qua số tù hình sự ở khu C trại 7 Côn Đảo trước đây, Lâm Chín ngón hỏi thăm, tìm tới tôi, kể cho tôi nghe suốt thời gian từ sau 30-4-1975 đến giờ anh ta đã sống ra sao.
Nhắc lại thời gian ở chuồng cọp Côn Đảo, Lâm bùi ngùi kể số phận không may của những “dân chơi” cũ.
Nói ngay, người em kết nghĩa này chưa khi nào nói dối, qua mắt tôi, luôn trước sau như một xưng hô cung kính anh em. Ngay cả đối với bã xã tôi Lâm cũng luôn hễ gặp là vòng tay chào hỏi, nói chuyện thường chắp hai tay, gọi chị xưng em hết sức đàng hoàng.
Nghe Lâm kể quãng thời gian ngồi tù, tôi chỉ biết an ủi Lâm, khuyên anh ta từ nay nên cố sống lương thiện.
Còn có một câu chuyện bây giờ tôi mới kể khi Lâm ở trong trại đã lừa đánh cán bộ cải huấn…
Theo lời Lâm, có một cán bộ trong trại cải tạo không hiểu sao luôn tìm đủ mọi cách gây khó dễ cho Lâm khiến Lâm rắp tâm trả thù, nhưng phải đời thời cơ.
Thời cơ đến khi một sáng sớm nọ, trước giờ vác cuốc lên đường trồng cây, cán bộ từ phía sau Lâm bước đến, mà ánh mắt trời in rõ bóng ông ta chiếu dài theo bước chân. Lâm đang vác cuốc thấy vậy liền sửa lại thế, hơi kéo cán cuốc đang vác trên vai về phía trước, theo dõi bóng đối thủ. Bởi “nạn nhân” đến đúng tam, Lâm bất ngờ làm như sửa lại thế vác, xô mạnh nguyên lưỡi cuốc ra phía sau, đúng vào mặt kẻ vừa bước đến, khiến ông ta ngã khuỵu, gãy một hơi mấy chiếc răng cửa.
Tất nhiên Lâm chịu kỷ luật, nhưng đó Lâm khai “tôi đâu ngoảnh đầu lại mà biết cán bộ đang đi tới, chỉ vô tình sửa lại thế vác cuốc” và tại hiện trường quả đúng như vậy, nên kỷ luật tương đối nhẹ.
Rồi Lâm Chín ngón kể tiếp từ ngày được tha, anh ta buôn bán thuốc tây ở khu đường 3 tháng 2, quận 10; cuộc sống chỉ tạm đủ vá víu qua ngày. Sau Lâm hùn với một tay đàn em cũ là Mười đen ra chợ Huỳnh Thúc Kháng buôn bán hàng điện tử (nghe đâu do Năm Cam giúp đỡ). Thấy Mười đen phò Năm Cam, và không muốn mang tiếng nhờ vả núp bóng đàn em, Lâm tách ra toan trở lại nghề bảo kê cho một số quầy bar quanh khu vực Tân Sơn Nhất. Có lẽ đây là quãng thời gian tuy ngắn ngủi nhưng lại có nhiều kỷ niệm đối với Lâm Chín ngón cũng như một số dân chơi khác. Nào mấy ai ngờ một “ông tướng” nay lại lại phải làm mặt rõ kiếm sống qua ngáy. Nhưng thôi, cuộc đời ai chẳng có lúc lên voi xuống chó.
Và Lâm kể cho tôi nghe một kỷ niệm “nhớ đời” của anh ta trong quãng thời gian ngắn ngủi này…
Đại ca thứ thiệt
Một tối nọ, có bọn thanh niên lực lưỡng, mặt mày bặm trợn, chỉ cần liếc qua tướng tá, quần áo, cử chỉ cũng biết ngay là dân giang hồ không phải loại tầm thường vô quán đòi ngồi ở phòng riêng, kêu bọn em gái bia ôm hầu bàn. Ăn đã đời từ hơn bảy giờ tối gần 11 giờ đêm, uống hết hơn một thùng bia bọn họ mời gọi tính tiền. Nhưng khi giấy tính tiền đưa tới bàn, họ thậm chí không thèm liếc nhìn qua tờ giấy, mà một vị khách thọc tay vô bụng rút luôn ra… khẩu súng ngắn, dằn mạnh lên mặt bàn, buông thõng một câu xanh dờn:
- Không có tiền, trả bằng thứ này được không?
Cả bọn em gái hoảng hồn la oai oái, tranh nhau chạy ra khỏi phòng. Chủ quán nghe mấy em cấp báo, lính quýnh vừa run vừa kêu Lâm Chín ngón đến giải quyết. Lâm mở cửa bước vô phòng, việc đầu tiên là nhào đến chụp ngay khẩu súng, tất nhiên khôn ngoan cầm phía bá súng. Gã thanh niên hớt tóc ngắn to con nhất trong bọn, có vẻ là tay cầm đầu, cũng nhanh như chớp vung tay chộp súng, kéo lại, miệng quát:
- Ê, mày làm gì vậy?
Lâm bình tĩnh:
- Các anh nói trả thứ này thay cho tiền nên tôi lấy!
Nghe đối thủ trả lời cứng cựa, gã không thèm đáp mà ra sức giành lại vũ khí. Hai bên cùng nín thở thi triển 10 thành công lực, gồng hết cơ bắp, thử sức một phen cho rõ tài cao thấp. Kéo qua kéo lại, một lát sau Lâm Chín ngón dần dần thắng thế thấy rõ, có thể một phần do anh ta nắm ngay bá súng nên chiếm lợi thế nhờ có điểm tựa chắc chắn hơn. Dù sao, với dân chơi thứ thiệt, hễ thua thì nhận thua. Gã tóc ngắn đành buông súng ra, kêu:
- Khá lắm, khá lắm. Mày làm gì ở đây mà dám can thiệp vào chuyện của bọn tao?
- Đây là quán của người quen tôi, nhờ tôi coi giúp. Nuôi quan ba năm nhờ đến một giờ. Đây là nồi cơm của tôi nên tôi phải giựt. Nếu tôi tới quán mấy anh quấy, chắc chắn mấy anh cũng phải làm như tôi thôi.
Vừa nói Lâm vừa chìa tay đưa lại khẩu súng cho đối thủ, thêm:
- “Chó lửa” của các anh đây. Thử sức cho vui vậy thôi, chớ tôi biết các anh nói giỡn, vì đây là đồ làm ăn, vật bất ly thân của các anh đời nào các anh trả cho quán; và lại nếu tính trị giá, nó hơn hẳn tiền ăn nhậu từ tối đến giờ”.
Tên tóc ngắn dịu giọng:
- Nói nghe có lý lắm. Nếu vậy cũng là anh em trong nhà cả, không lẽ chơi quỵt nhau. Được rồi. Không nhận súng thì lấy thứ này vậy!
Nhanh hơn cả làm trò ảo thuật, hắn rút trong túi ra một trái lựu đạn đặt cái “cộp” lên mặt bàn.
Nhiều tiếng la oai oái nổi lên phía ngoài cửa phòng và tiếng chân chạy rầm rập. Thì ra nãy giờ chủ quán và mấy “em gái” thập thò ngoài cửa theo dõi diễn biến tình hình, nay hoảng quá tranh nhau co giò manh ai nấy chuồn cho lẹ.
Lâm vội quay người một vòng, đưa chân đá cánh cửa. “Sấm” một tiếng, cánh cửa khoá tự động đã đóng lại. Lâm Chín ngón cố giở giọng thản nhiên:
- Lỡ chơi thì chơi luôn! Một đổi bốn còn lời chán! Và lại đời tôi sống cũng đủ lắm rồi. Cứ cho nổ!
Tính dằn mặt đối thủ, ai dè gặp thứ thiệt, đám thực khách không còn cách nào khác hơn là chấp nhận xuống nước. “Trời không chịu đất thì đất đành phải chịu trời”. Tên có hàm râu quai nón trong bọn lên tiếng, đổi giọng:
- Thấy anh nãy giờ tôi nghĩ không phải thứ mới vào nghề chưa có số má gì. Anh nói thật cho tụi tôi biết anh là ai?
Lâm thở dài:
- Từ lâu lắm tôi đã cố quên tên của mình. Nay các bạn hỏi tôi cũng xin nói thiệt. Cách nay hơn mười năm tôi cũng tạm gọi là có chút danh vọng. Anh em trong giới giang hồ khi ấy quen gọi tôi là Lâm Chín ngón.
Cả bốn tên đều bắt giác đứng bật dậy, gã tóc ngắn hỏi:
- Anh là Lâm Chín ngón? Đâu, anh cho xem bàn tay trái thử coi.
Lâm Chín ngón vốn là biệt danh của Lâm sau một trận đụng độ ác liệt giữa hai nhóm dân chơi của Đại Cathay và Tin Mã Nàm tại ngay trước khu Đại Thế Giới. Trong trận kịch chiến này, khi cố giải cứu Ba Thế, một trong “tứ đại ca” (Đại, Tỳ, Cái, Thế), Lâm bị một thanh mã tấu xớt mất ngón tay cái của bàn tay trái. Nãy giờ, khi thử sức Lâm dùng tay phải nên chưa ai thấy bàn tay trái của anh ta.
Khi Lâm vừa xoè bàn tay trái với bốn ngón ra thì cả bọn đưa đưa cả hai tay ôm vai anh ta, đứa cấm tay lắc lấy lắc để, đứa chắp hai tay xá lia lịa:
- Xin lỗi đại ca, xin lỗi. Nãy giờ tụi em không biết lõ xúc phạm đến đại ca. Anh em trong nhà cả, đại ca không nói sớm. Đâu, chủ quán đâu?
Thì nãy giờ chủ quán nấp ngay sau cánh cửa chớ đâu. Vừa nghe gọi lập tức chủ quán bước vô phòng…
Tên hớt tóc ngắn bảo:
- Đưa hoá đơn tính tiền coi!
Chủ quán đã lấy lại bình tĩnh:
- Đã khi nãy đưa rồi mà.
Tên râu quai nón cúi xuống gầm bàn lượm tờ giấy lên, đọc:
- Một triệu bốn trăm năm mươi ngàn. Tưởng nhiều, nhiêu đó nhằm gì!
Gã móc túi lấy ra chiếc khăn, mở ra, bỗng gói vội lại, kêu “Lộn rồi!”. Nhưng Lâm đã kịp nhìn thấy một đống nhẫn, dây chuyền, đồng hồ… trong khăn, đoán chừng bọn này vừa “ăn hàng” về, vô quán ăn mừng. Gã móc túi bên kia, phen này thì đúng là một bọc tiền. Tên hớt tóc ngắn giọng xởi lởi:
- Trả luôn một triệu năm trăm ngàn cho chẵn. Ủa, còn mấy em gái khi nãy đâu?
Thấy tình hình đã lắng dịu, “phe mình” thắng thế, mấy em gái bia ôm thập thò ngoài cửa phòng, chỉ chờ cơ hội là ăn theo, nhanh nhen bước vô. Một tên khác bảo:
- Bo mỗi em một trăm ngàn chịu không?
Thì mấy em chịu quá đi chớ! Tiền bạc xong xuôi, tên hớt tóc ngắn thân mật bắt tay Lâm Chín ngón:
- Tụi em khi nãy không biết, lỡ đắc tội, đại ca bỏ quá cho. Khi nào có dịp ra Hải Phòng, đến bến Sau Kho, đại ca cứ hỏi Thanh bếp là ai cũng biết, tụi em xin tiếp đón trọng thế.
Kể xong câu chuyện, Lâm Chín ngón thở dài tâm sự: “Anh ạ, từ sau tối hôm ấy em nghĩ cái mạng mình sống chết bất cứ lúc nào nếu còn theo cái nghề bảo kê ấy mà chết lãng xẹt. Nên em quyết bỏ bằng được”.
Từ Campuchia…
Sau vụ bảo kê quán nhậu ờ Tân Sơn Nhất, đụng độ với băng giang hồ Hải Phòng, Lâm lo tu tỉnh làm ăn thật. Tuy nhiên do không có nghề ngỗng gì cụ thể, nên công việc làm ăn của Lâm nếu không coi là thất bại thì cũng không thể gọi là khấm khá.
Khoảng đầu năm 1994, khi ấy tôi đang làm Tổng Biên tập tạp chỉ Người Du lịch, sáng một bữa nọ Lâm tìm đến tôi ở toà soạn.
Lâm bắt tay tôi, giọng hơi bất bình thường:
- Anh ạ, bữa nay em tới tạm biệt anh, mà cũng có thể là vĩnh biệt!
Tôi ngạc nhiên:
- Sao Lâm nói kỳ vậy?
- Nếu hơn một tháng nữa mà anh không gặp em, không nghe tin tức gì về em tức là em đã chết, bỏ xác ở Campuchia.
Tôi còn tưởng mình nghe lộn:
- Lâm làm gì mà qua tận Campuchia?
- Em nói thiệt. Ở đây làm ăn thất bại quá. Bên Campuchia hồi này người Việt qua làm ăn đông lắm, giang hồ cũng kéo qua đó, chia băng chia phái kèn cựa nhau. Chúng nhờ em qua…
- Sao Lâm hứa với tôi rút khỏi dân chơi rồi mà?
- Không. Chúng nhờ em qua hoà giải, vậy thôi. Em chỉ tin có anh, nên anh là người duy nhất em nói về việc đi Campuchia và chào tạm biệt. Ở bên này mãi, tiền bạc không có…
- Như vậy Lâm qua đó, lạ nước lạ cái, làm sao đi lại, làm sao sống?
- Có người dân Sài gòn, bảo đảm chi cho em ăn, ở, luôn cả lộ phĩ. Miễn sao em thu xếp cho anh em giang hồ người Việt bên đó đỡ kình chống nhau. Nhưng bọn xã hội đen bây giờ cũng tráo trở lắm, em qua cũng có thể bỏ xác quê người…
Tôi nghe Lâm nói tự nhiên thấy bùi ngùi, móc ví sau túi quần, thấy trong ví còn hơn 300.000 ngàn đồng, liền đưa Lâm hết số tiền chẵn:
- Lâm cầm đỡ ít tiền qua đó sinh sống.
Lần đầu tiên tôi thấy Lâm rơm rớm nước mắt khi đưa tay nhận tiền:
- Nếu còn sống, thế nào em cũng về gặp anh. Còn một điều nữa… Em có đứa con gái mới sinh…
(Tôi không tiện viết thêm về cô con gái này cũng như người phụ nữ đã sinh con với Lâm - người này sau đã yên bề gia thất, không muốn ai biết nhiều về quan hệ trước đây của mình; và cô con gái riêng của hắn, nếu nay còn sống, cũng đã gần 20 tuổi, hẳn cũng muốn sống cuộc đời êm thấm)
Thế nhưng khoảng hơn một tháng sau, bữa nọ Lâm lại đến gặp tôi cũng tại toà soạn báo Người Du lịch, gương mặt vui tươi:
- Em vừa về tới, vội đến gặp anh ngay.
Tôi tò mò:
- Chuyện ra sao rồi?
- Coi như xong. Tốt đẹp cả, vì bọn chúng đôi chút cũng nể mặt em. Nhưng ở bên ấy dễ bỏ mạng lắm, em chẳng thà về lại Việt Nam.
… đến Vũng Tàu
Bẵng đi một thời gian, Lâm từ biệt tôi, nói ra Vũng Tàu để làm ăn. Đang lúc bận rộn công việc, tôi không mấy để ý, cũng chẳng tò mò hỏi Lâm ra đó làm ăn cụ thể ra sao.
Tuy nhiên thời gian mới ra Vũng Tàu và sau đó khoảng nữa năm, Lâm làm ăn có vẻ khấm khá, mỗi lần về lại Thành phố Hồ Chí Minh gặp tôi thường gởi tiền, quà cho con gái.
Mãi sau này nhân một lần vui miệng, Lâm mới kể tôi nghe anh ta ra Vũng Tàu nổi đình đám ra sao. Theo lời Lâm thì…
“Em ra Vũng Tàu; cầm đầu bảo vệ cho một nhà máy thu mua cá, mực, tôm; ốc… nói chúng là hải sản, vựa rất lớn.
Nhà máy ngày càng ăn nên làm ra khiến một cơ quan cạnh tranh bực mình, muốn giành mối.
Chiều nọ, một tốp có đến cả chục tên đầu trâu mặt ngựa, đứa nào cũng mang theo vũ khí; đứa dao, đứa kiếm, đứa thanh sắt, đứa côn nhị khúc… xông vào cổng nhà máy của em.
Em bước ra, chặn chúng lại, hỏi:
- Các anh muốn gì?
Một tên mặt mày bặm trợn, ra vẻ đầu sỏ, quát:
- Đây là địa bàn làm ăn của bọn tôi; anh muốn sống thì cút đi chỗ khác!
- Nói vậy đâu được, chúng tôi ở nhà máy bên này, đâu đụng chạm gì tôi mấy anh?
- Vậy là thằng này muốn chết!
Và bọn chúng hò hét, vung vẩy dao, kiếm như muốn ăn tươi nuốt sống em.
Em ngó lui: Mấy đứa bảo vệ chung với em nháo nhác lo chuồn ngay khi em bước ra nói chuyện với bọn này.
Với anh là người đầu tiên em mới nói thật, lúc này em muốn chuồn thì cũng đã quá muộn vì mười mấy đứa hinh như có bàn tính trước, đã vây quanh em. Em tính quơ đại thứ gì làm vũ khí cũng không thể kịp; vả lại, dù có vũ khí cũng không cách nào một mình chống đỡ nổi số địch thủ đông như vậy. Karate không bằng ka-ra-bu, tức bu lại mà đánh. Vô kế khả thi, đàng nào cũng chết, em xuống tấn thủ thế, đánh nước liều:
- Chưa chắc thằng nào chết!
Vừa lúc em tính mình từ chết đến bị thương thì bỗng phía bên trong có nhiều tiếng la hét, hàng mấy chục công nhân tay cầm cây khiêng cần xé thủy sản, hoặc dao làm cá bén ngọt xông ra. Thì ra mấy đứa bảo vệ chung với em chạy vô báo lại tình hình, công nhân thấy động đến miếng cơm manh áo thiệt thân với họ, họ hè nhau nhất tề ra đánh đuổi bọn du đãng. Lúc này tình thế đã đảo ngược, nhân số phe ta đông hơn hẳn, áp đảo phe địch, hơn nữa ai cũng có vũ khí. Bọn đầu trâu mặt ngựa vội bỏ chạy có cờ…
Mới biết hay không bằng hên. Mọi người đâu ai biết em nhát gan chỉ được nước liều mạng, khen em hết cỡ, nào là “một mình dám chống lại cả hơn chục đứa”, nào là “tay không đánh với kiếm, dao, tuýp sắt,” nào là “đứng giữa đám đông côn đồ vây quanh vẫn tỉnh bơ,”… Rồi họ còn thêm mắm dặm muối…
Dù sao, sau vụ đó em trở nên có “uy” nhưng cũng bị không ít kẻ ganh ghét.
Phàm ở đời, nói quá đi bị ghen tị. Và cũng chính vì bị ghen tị, sau một thời gian Lâm lại dạt về Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1994, Lâm gá nghĩa với một phụ nữ chí thú làm ăn, đã qua một đời chồng - chị Liên, người mà Lâm gắn bó đến tận cuối đời, người chăm sóc, lo lắng cho Lâm những khi Lâm gặp hoàn cảnh khó khăn nhất. Mà lạ, ngay cả những người con riêng của chị Liên cũng thương yêu Lâm, chăm chút ông dượng ghẻ.
Những ngày Lâm ra toà (với tư cách nhân chứng và người bị hại) trong vụ xử án Năm Cam và đồng bọn, chị Liên luôn dìu dắt Lâm, đứng cạnh Lâm. Khi ấy, thần kinh Lâm đã bị khủng hoảng (từ sau vụ bị tạt át-xit), thậm chí chị còn hỏi trước Lâm sẽ khai những gì để khuyên nhủ Lâm khai sao cho có lợi.
Đến tận bây giờ, mỗi khi gặp chị Liên, nhắc lại những kỷ niệm về Lâm, chị vẫn bùi ngùi. Ngay khi viết bài bảo này, thoạt đầu chị cũng ngại ngần muốn mọi việc chìm vào dĩ vãng, chuyện đã qua cho qua. Tôi thuyết phục mãi, cuối cùng chị đồng ý, lại còn cung cấp hình ảnh và một số tư liệu về Lâm.
Lâm giúp tôi
Đúng ra không phải giúp tôi, mà là giúp một người bạn của tôi, bác sĩ Bê công tác tại bệnh viện Nguyễn Trãi, có nhà riêng ở huyện Bình Chánh.
Chuyện liên quan đến giới giang hồ nên phải nhờ Lâm giúp.
Số là, bác sĩ Bê mở quán ăn tại nhà riêng, thường bị bọn côn đồ địa phương đến quấy phá, như đòi tiền bảo kê, ăn uống thiếu nợ, đòi thu “thuế”…
Bác sĩ Bê biết tôi quen một số tay anh chị, nhờ xem có cách nào giúp. Tôi tìm Lâm, kể lại mọi việc, giới thiệu Lâm với bác sĩ Bê. Lâm nói “bạn của anh cũng như anh của em,” và bắt tay vào việc.
Hơn một tuần sau, bác sĩ Bê vui ra mặt, nói với tôi mọi việc đã ổn thoả đâu vào đấy, nhờ tôi gởi lời cảm ơn Lâm, nhưng tình tiết cụ thể Lâm làm cách nào thì anh ta không rõ.
Gặp lại Lâm, tôi nhắn lời cám ơn của bác sĩ Bê, vui miệng hỏi Lâm giải quyết cách nào mà ổn thoả nhanh và hiệu quả vậy.
Lâm cười cười:
- Đối với em việc dể như trở bàn tay.
Và theo lời Lâm, anh ta xuống ngay địa bàn nơi bác sĩ Bê có quán ăn, hỏi thăm những kẻ có “số má” cầm đầu tại đây. Xong, Lâm trực tiếp gặp những tên sừng sỏ, côn đồ miệt vườn nay. Vừa nghe tên tuổi Lâm Chín ngón, bọn chúng đều muốn diện kiến đại ca. Lâm nhắn nhủ với cả bọn: “Đây là bạn đại ca của tao, tụi mày vuốt mặt phải nể mũi, không được léng phéng ở quán của bác sĩ Bê, nghe chưa?” Đơn giản vậy thôi.
Cũng nhân vụ giải quyết “tép riu” này, Lâm kể tôi nghe một việc Lâm giúp mấy anh công an giải quyết một vụ việc lớn hơn, phức tạp hơn nhiều, xảy ra vào khỏang giữa thập niên 1990 - vụ một nhân vật quan trong bị giật chiếc cặp-táp có đựng tài liệu quan trọng ngay trước cổng trụ sở Bộ Công an tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chuyện bây giờ mới kể…
Lâm giúp công an “pha án”
Chiếc xe hơi sang trọng đỗ trước cổng Bộ Công an (đường Nguyễn Trãi). Người đàn ông xách cặp táp ngồi trên băng sau vừa mở cửa xe bước xuống; bỗng một xe gắn máy chạy ngang, tên ngồi phía sau giật phăng cặp táp, ngọt xớt, và xe găn máy tăng tốc mất hút…
Gay go là trong cặp có nhiều tài liệu mật.
Chuyên án lập tức được mở. Các trinh sát giỏi nhất được tung vào cuộc. Một ngày… hai ngày… rồi một tuần vẫn chưa lần được manh mối nào. Lâm Chín ngón được mời tới giúp.
Sau đây là lời Lâm kể với tôi: “Em kêu ngay bọn ba binh ba tướng thường giật dọc quanh khu vực Cộng Hoà, Đồng Tiến, Mả Lạng, nhắn “Tụi bay muốn sống phải đưa ngay chiếc cặp giật được lúc… ngày… Tụi bay đụng vào hang cọp rồi đó!'. Thì ra bọn chúng ngỡ trong cặp có tiền, đô-la, về giở ra coi mới hay toàn thứ tụi chúng không biết dùng vô làm việc gì, chỉ có nước bán… giấy vụn. Nay bọn chúng muốn trả lại cũng chẳng biết đường đâu mà trả, thêm nỗi sợ tù tội. Nghe em nói tụi chúng đưa ra chiếc cặp táp còn nguyên vẹn… Sau đó các anh em công an để thưởng lãm, mở bữa tiệc nho nhỏ ăn mừng, kêu cả em và một số liên quan trong vụ này tới”.
Không biết lời Lâm kể có thể tin được bao nhiêu phần trăm, nhưng chắc chắn Lâm không thể dựng đứng hoàn toàn câu chuyện.
Bị tạt a-xit
Tôi biết Lâm ghét Năm Cam từ rất lâu.
Không ít lần Lâm tâm sự với tôi: “Anh biết không, thằng Năm Cam thời anh Đại (Đại Cathay) chỉ là tà-lọt ngồi gác sòng bài bên quận 4, học hành chẳng ra sao, không có số má gì, thế mà bây giờ chỉ nhờ khéo nịnh, giỏi hối lộ mà thành trùm”.
(Lâm từng theo học chương trình Pháp tại trường Trung học Taberd, Sài gòn cũ - góc Hai Bà Trưng - Ly Tự Trọng, nay một phần thành trường Trần Đại Nghĩa).
Lần nào tôi cũng đáp: “Thôi thì gặp thời thế mà. Chuyện ngưởi khác mặc họ, miễn là mình đàng hoàng…”.
Nói vậy chớ tôi biết Lâm không những nói xấu Năm Cam với tôi mà còn tỏ vẻ khinh bỉ, ghét Năm Cam ra mặt với khá nhiều dân chơi cũ cũng như mới. Và thế nào tin này chẳng đến tai Năm Cam.
Cũng có lẽ vì vậy Năm Cam sai đàn em “khử” Lâm Chín ngón. Nhưng bọn chúng biết, nếu chơi theo kiểu đấu tay đôi với Lâm khó đứa nào chơi lại (Lâm cao 1,7m, chắc nịch nhờ thường xuyên tập tạ, nổi tiếng sát thủ với các ngón võ giang hồ).
Và thế là chúng nghĩ ra chiêu độc: Tạt át-xit.
Tôi nghĩ không gì trung thực bằng lời kể của chị Liên, nên xin ghi lại nguyên văn:
“Tối hôm 14-1-1999, lúc 7g30, vừa mới bán hết hàng, cu Bi con trai em đòi ăn phở nên anh Lâm chở hai mẹ con đi ăn tại tiệm phở Lợi ở cư xá Bắc Hải. Đến nơi, hai mẹ con xuống trước, em dắt con em đi vào quán còn anh Lâm dựng xe trước cửa quán. Lúc sau em nghe tiếng anh Lâm hét lên; quay lại em thấy đồ anh mặc lủng nhiều chỗ, mặt mũi bị cháy xém, em kêu lên anh bị tạt át-xit rồi anh ơi. Lúc đó trong quán rất đông người nhưng hỗn loạn em không thể biết ai đã tạt át-xít vào anh. Lúc đó anh còn hỏi: 'Em và con có bị sao không?'. Em nhìn anh lòng đau đớn sợ hãi, em với kêu taxi chở anh đến bệnh viện”.
May Lâm đeo kính nên hai mắt không bị hỏng hoàn toàn, nhưng thị lực giảm có đến hơn 90%. Lâm phải nằm nhiều bệnh viện để điều trị, mà thời gian lâu nhất là ở Bệnh viện chấn thương chỉnh hinh, qua nhiều lần phẫu thuật, tốn cả mấy trăm triệu.
Thời gian này Lâm sinh ra chán đời, không muốn gặp bất cứ ai. Vợ Lâm, chị Liên, mua cho Lâm căn hộ chung cư ở Tân Bình, giấu tất cả bạn bè thân thuộc, để Lâm tĩnh dưỡng.
Tâm trạng Lâm trong thời gian ấy khá hoảng loạn, thậm chí hoang tưởng, lúc nào cũng nghĩ có ai đó muốn hại mình, nên đôi khi nghi ngờ cả tôi cũng muốn hại anh ta (sau nay chị Liên mới kể tôi nghe, chị kể đến cả chị cũng không ít phen bị Lâm nghi).
Tuy nhiên, lâu lâu, không gặp tôi, Lâm lại nhờ chị Liên nhắn tôi lên gặp gỡ, tâm sự. Thoạt đầu, Lâm không chút nghi ngờ kẻ hại mình lại là Năm Cam, mà nhất định đổ riệt cho băng giang hồ ngoài Vũng Tàu, hận Lâm vì phá đất làm ăn của chúng nên rắp tâm trả thù (trước cảnh sát điều tra, mới đầu Lâm cũng khai như vậy. Khi họ cho Lâm biết thủ phạm là đàn em Năm Cam và kẻ chủ mưu chính là Năm Cam, Lâm vẫn kể với tôi cũng chưa chắc đã đúng; tôi phải nói “chớ Lâm không tin nhân viên điều tra, không tin lời khai của Năm Cam hay sao? Ngu gì Năm Cam tự vơ thêm tội vào mình?” Lâm mới chịu từ bỏ ý nghĩ ban đầu đã trở thành định kiến).
Từ khi trở thành người không còn lành lặn như xưa, Lâm đổi tính, không còn vui vẻ, cởi mở với mọi người; mà trở nên lầm lì, ít nói.
(Tôi cũng xin mở ngoặc thêm chuyện đi tu của Lâm: Lúc này Lâm và chị Liên đã có một bé trai kháu khỉnh, cu Bi, đang học tiểu học).
Để phần nào giúp Lâm vừa tránh gặp mặt mọi người, vừa có việc làm nhẹ nhàng giết thời gian hầu lãng quên quãng đời lắm gian truân trước đây, chị Liên mua một mảnh đất tuốt bên huyện Nhà Bè, sát mé sông. Tại đây, chị xây nhà, làm chuồng heo, đào ao nuôi cá, cất rượu lấy hèm cho heo ăn, đưa Lâm về bên đó sống biệt lập, xa lánh tất cả…
Nhưng những vết sẹo trên mặt do bị tạt át-xít tuy đã lành vẫn thỉnh thoảng khiến Lâm vô cùng đau đớn - cả theo nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, nhất là những khi trái gió trở trời. Không ít lần Lâm nói với tôi “Em nghĩ thà chết cho bớt đau”.
Và quả Lâm nói sao làm vậy.
Ba lần tự tử
Phải nói ngay, không mấy người có cái gan như Lâm Chín ngón, kể cả gan tìm đến với cái chết.
Lần đầu Lâm tự tử bằng cách uống thuốc ngủ, dễ có tới hàng trăm viên. Chị Liên vội chở Lâm vào bệnh viện kịp thời súc ruột cứu sống Lâm. Theo chị Liên, một phần nhờ thời gian gần đây Lâm thường xuyên mất ngủ nên hầu như tối nào cũng phải dùng loại thuốc này do đó lờn thuốc.
Trước khi uống thuốc ngủ, Lâm để lại lá thư tuyệt mạng cho vợ:
“Liên yêu quý,
Anh rất mãn nguyện vì yêu em.
Anh vĩnh biệt em vì muốn bảo vệ danh dự gia đình em và xã hội.
Con anh sẽ không buồn tủi vì có một người cha có quá khứ xấu xa.
Em yêu thương con như đã yêu anh…”
Lần thứ hai, Lâm nhảy từ trên nóc nhà bên Nhà Bè xuống đất. Lần này Lâm bị chấn thương cột sống khá nặng, phải nằm điều trị gần 3 tháng ở Trung tâm chấn thương chỉnh hình, nhưng rốt cuộc cũng thoát chết.
Lần cuối cùng. Lâm nhảy vào thùng kháp rượu đang sôi sùng sục, và lần này, Lâm ra đi vĩnh viễn. Chuyện xảy ra vào quãng 12 giờ trưa ngày 30-8-2006.
Đâu khoảng 1 giờ trưa hôm ấy, chị Liên hốt hoảng gọi điện thoại cho tôi, báo tin. Chị cũng kêu tôi sang ngay Nhà Bè để nhờ lo liệu mối thủ tục.
Tôi còn nhớ như in, khi tôi tới nơi, hiện trường con nguyên vẹn, nhưng tôi không thể nào diễn đạt. Đến tận bây giờ, những hình ảnh phút cuối đời của Lâm Chín ngón vẫn còn như in trong óc tôi, nhất là mỗi lần nghĩ đến người em kết nghĩa năm nào.
Tôi chỉ biết cầu nguyện cho người quá cố được sống an lành bên kia bờ thế giới. Nếu có sống lại kiếp sau, xin đừng trở lại cuộc đời giang hồ đầy bất trắc.
Lâm đã không ít lần tâm sự với tôi muốn trở lại cuộc đời lương thiện, làm ăn đàng hoàng, tử tế. Và, từ trong thâm tâm, tôi biết Lâm cũng rất muốn vậy. Nhưng nhiều khi cây muốn lặng mà gió chẳng muốn dừng, có thể một phần lỗi do Lâm tư tưởng không mấy vững vàng, thêm tác động của bè bạn, xã hội đưa đẩy.
Khi đến báo Thanh niên đưa tin buồn về Lâm, tôi cũng nhớ lời chị Liên dặn, yêu cầu đừng nói gì thêm, thậm chí không viết rõ Lê Ngọc Lâm là tên thật của Lâm Chín ngón.
Mới đó thấm thoắt đã gần 5 năm kể từ ngày Lâm mất…