Chương Kết

     hư đứng ở trên một gò cao nhìn về phía có những cột khói đen lớn. Không gian mờ mịt với một khoảng trời u ám, ẩm sũng. Ấp Vĩnh Hựu, cầu chợ Lùng, Đồn Phi Mã và những vùng phụ cận nằm trọn ở đấy.
Trận đánh ác liệt đã xảy ra từ hồi đầu tuần đến bây giờ vẫn chưa chấm dứt. Tiếng súng lớn ầm ì vọng lại hầu như liên miên bất tận. Trong bầu trời dầy đặc những đám mây xám xịt mầu chì, tiếng động cơ máy bay rền rĩ suốt đêm ngày. Thỉnh thoảng một dây bom lại được trút xuống làm rung chuyển cả mặt đấùt. Nhìn khung cảnh tàn phá trước mặt, Thư không ngờ mình lại dửng dưng đến thế. Không một kỷ niệm nào đem lại cho nàng đôi chút xao xuyến. Hình như bom càng lớn, cột khói càng lên cao, thì dĩ vãng càng mau chóng thi nhau tan biến trong tâm trạng thờ ơ của nàng. Bởi vì còn gì có thể nhớ tiếc khi tất cả đều đã bị hủy diệt trong khoảnh khắc. Cây đa không còn, mái bếp cũng không, sân đất nhỏ hẹp với chum nước mưa cố hữu mà Thư vẫn thường tắm về đêm cũng đã hoang tàn. Ngay cả những con đường thân thuộc với bụi duối dại mọc hai bên lề cũng bị cầy nát. Sự mất mát xảy ra quá nhanh, quá phũ phàng khiến cho lòng mọi người như trơ lại. Đã có lúc ngồi dưới mái lều trong trại tạm trú, Thư lên tiếng hỏi bà cụ mẹ chị Lầu:
- Nhà tan cửa nát, cụ tiếc không?
Bà cụ giương đôi mắt gần như mù lòa, hướng về chốn cũ rồi thở dài:
- Người còn chẳng tiếc được, tiếc chi nhà cửa, đất cát.
Vừa nói bà cụ vừa nâng thằng Hòa lên với vẻ xót xa. Nó bụ bẫm như một thiên thần, thằng thiên thần mồ côi ngay từ khi còn đỏ hỏn. Khi tiếng súng đầu tiên nổ ở ngoài cánh đồng, bà cụ vẫn không có ý định rời bỏ chốn cũ. Ba mẹ con, bà cháu rúc xuống hầm đất dưới gậm giường. Chị Lầu ngơ ngẩn:
- Chắc có anh Lầu đi ngoài vuờn.
Bà cụ im lặng không nói. Chị trao thằng Hòa cho mẹ chồng rồi bò nhoài lên miệng hầm. Bà túm ngay áo chị, cố kéo lại. Chị cằn nhằn:
- Sao má không để con ra đón ảnh. Thế nào ảnh cũng ghé về thăm nhà mà, má!
Bà cụ gắt lên:
- Nó về sao được. Nó còn mắc đi hành quân. Mày chui ra bây giờ, mũi tên hòn đạn dữ dằn thế kia, làm sao mà tránh.
Chị Lầu ngoan ngoãn ngồi vào một góc. Bóng tối lờ mờ từ trên hắt xuống soi thấp thoáng khuôn mặt võ vàng của chị. Ngày xưa chị ít nói, từ ngày anh Lầu bị thằng Đực phục kích chết, chị càng ít nói hơn. Rồi bỗng nhiên chị sinh ra cái tật chỉ đối thoại với chính mình. Chị thủ thỉ như có anh Lầu đang ngồi âu yếm bên cạnh chị. Những lúc đó, hai mắt của chị rực sáng, vẩn lên những tia máu đỏ ngầu. Nhưng cơn điên khùng của chị chỉ ở trong mức độ nhẹ nhàng ấy thôi. Chị lôi quần áo của anh Lầu ra may vá. Nhiều hôm chị kêu anh ở dơ rồi mang tất cả quần áo của anh ra giặt giũ ngoài bờ mương. Một lần ông Năm Điếc đi thăm mộ thằng Dụng trở về, trông thấy bèn ngừng lại hỏi:
- Chị Lầu làm chi đó?
Chị ngẩng lên cười sung sướng:
- Con giặt đồ bác ơi!
Lão tiến lại gần chị, chỉ trỏ vào những bộ quần áo đàn ông:
- Tổ cha mấy thằng du kích, bắt dân hầu hạ đấy có phải không?
Chị Lầu nhớn nhác:
- Đâu? Du kích đâu hả bác? Chết rồi! Bác bảo anh Lầu trốn đi.
- Mày nói cái gì?
- Cháu lậy bác. Bác đừng chỉ chỗ anh Lầu ở đây nghe không.
Chị Lầu vùi đống quần áo xuống bùn sâu rồi ngỏn ngoẻn đứng dậy, cầm cái chổi làm bộ quét sân. Lão Năm trố mắt ra nhìn. Bà cụ Lầu từ trên thềm cao bỗng trõ xuống nói:
- Nó khùng, đừng có chấp nó, ông Năm.
Lão Năm Điếc quay lại nhìn. Trông thấy bà cụ, lão mỉm miệng cúi đầu chào. Bà cụ tiếp:
- Ngó vậy mà nó không dữ đâu, ông Năm.
Ông Năm gật đầu lia lịa:
- Phải, phải.. tôi thấy cả đoàn xe súng lớn đi qua cầu. Nhưng như thế thì không dữ sao được. Liệu mà chạy đi thôi.
Rồi ông hấp háy cặp mắt nhìn về phía quốc lộ. Người ông cao lêu đêu, mái tóc bạc trắng gần đụng chùm hoa xoan lả ngọn xuống gần bờ mương. Quần áo của ông đầy bùn và đất, ống quần được xắn lên ngang đầu gối để lộ hai cẳng chân khẳng khiu trắng bệch như hai ống sậy. Một trận gió ào qua lùm cây. Những giọt nước mưa còn đọng lại rớt xuống đất lộp bộp. Ông khẽ rùng mình, vội giương cây dù rách lên cao. Rồi ông vừa đi vừa nói lớn:
- Thằng Dụng rồi. Thằng Sách rồi. Thằng Há rồi. Thằêng Lầu rồi. Sao mãi chẳng tới lượt mình đây?

*

Đời sống trốn tránh, thập thò dưới hầm trú ẩn kéo dài được đúng ba ngày. Đến mờ sáng thứ tư thì lửa bắt đầu cuồn cuộn bốc ra từ một đám cháy sau một loạt súng lớn nổ rung chuyển khắp khu vực Đầm Tròn. Những cuộn khói đen bị cuốn đi bởi những cơn lốc quây tròn càng làm ngọn lửa bốc cao hơn, nom xa như một con con rồng lửa. Mọi người chạy túa ra ngoài như những đàn chuột bị hun khói. Tiếng chân chạy rầm rập xen lẫn tiếng kêu gào, la khóc nhiều lúc chìm lỉm đi dưới những tiếng nổ kinh hoàng làm rung chuyển bờ cây ngọn cỏ. Đoàn người tị nạn ùa lên nằm la liệt bên bờ đê ven quốc lộ. Không gian sáng rực như ban ngày vì ánh hỏa châu xen lẫn với những làn chớp sáng rực của từng quả đạn xé tan bầu trời.
Ở trong ấp Vĩnh Hựu, căn nhà của mẹ Lầu bị lửa phát cháy ngay trên đầu hồi. Khói mù mịt tuôn xuống miệng hầm sặc sụa. Chị Lầu nổi cơn điên túm chặt lấy thằng bé không rời chỗ nấp và nói luôn mồm:
- Để chờ ba nó tới đón đi.
Hai mẹ con vật lộn giằng co. Bà cụ xốc được thằng bé lên tay và đạp cửa chạy thốc ra được bờ mương. Chị Lầu kẹt trong đám khói không thoát ra được. Như vậy, cuối cùng chị đã thỏa mãn ước nguyện:
- Để chờ ba nó tới đón đi.
Bây giờ ngồi nhắc lại thảm kịch kinh hoàng đó, bà cụ lại khóc lên nức nở:
- Phải chi tôi kéo được nó theo tôi. Phải chi tôi rủ nó đi sớm. Phải chi nó đừng giở chứng bất thần...
Và còn cả trăm lý do khác nữa bắt đầu bằng tiếng “phải chi” đó gậm nhấm tâm hồn già nua, cằn cỗi của bà cụ, khiến cụ như thấy mình bị giam hãm suốt đời trong tiếc hận.
Những người tị nạn được tập trung vào một khu đất, ở đó những mái lều được vội vã dựng lên san sát như bát úp. Nhưng đối với Thư thì bây giờ nàng lại cảm thấy mình tự do như gió trời. Những người thân thích của nàng không còn ai nữa. Thằng Há đã ngã xuống trên bờ rào nhà cụ Năm Điếc trong hôm ruồng xét. Đó là điều may mắn trong muôn ngàn nỗi bất hạnh của bà mẹ Hoanh, bởi vì nó đã không ngã gục vì chính những viên đạn của thằng anh nó. Chúng nó đã vĩnh viễn, không gặp lại nhau từ ngày thằng Hoanh vô biệt kích Mỹ và biệt tăm không có lấy được một lá thư gửi về thăm nhà. Nhưng như thế là đủ. Như thế là bà cụ có thể yên tâm mà nhắm mắt. Bà đã toại nguyện với ý định sống chết với mảnh đất quê hương cằn cỗi của mình..
Thư rầu rĩ nhìn đăm đăm vào những cột khói đen vẫn còn cuồn cuộn bốc. Nàng muốn thu lại một lần cuối cùng hình ảnh chấm dứt của một đoạn đời mà nàng đã sống vui buồn ở đó. Sau đây nàng sẽ vĩnh viễn từ bỏ khoảnh đất đau thương và tàn phá này để lật qua một giai đoạn mới, có thể là khổ nhọc hơn, bi thảm hơn, nhưng chắc chắn là nó sẽ phải khác những ngày đã qua, nó phải khác với bầu không khí ngột ngạt hiện tại.
Tấm vé xe đò chạy đường liên tỉnh đã nằm trong sắc tay. Thư tiếc là ngày xưa không chịu chụp lấy một tấm hình cho Há, cho Hoanh, cho bà mẹ khổ đau và cho cả chính mình. Nhưng sự tiếc nuối chỉ thoáng qua mỏng manh. Cũng như sự tiếc nuối mỏng manh về mối tình câm nín giữa nàng với chuẩn uý Dũng vậy.
Trước giờ lên xe, Thư ghé vào trại tị nạn một lần cuối cùng. Mọi người nhìn Thư bằng những cái nhìn đối với một kẻ đào ngũ. Tóc Thư vẫn óng mượt. Đôi má phơn phớt hồng. Vành môi chín mọng. Giải khăn tang trắng trên đầu càng làm tăng thêm cho nàng vẻ đẹp của một góa phụ trẻ. Vốn liếng của nàng bây giờ chỉ còn có thế. Nhưng nó cần thiết biết bao đối với một kẻ sắp phải lăn mình vào cuộc sống đầy ánh sáng xa hoa rực rỡ của những thành phố mà cho đến nay vẫn chưa hề biết mùi vị chiến tranh là gì.
Ông Năm Điếc tiếp nàng vội vã vì sắp sửa phải “chủ tọa” một phiên họp. Ông luôn miệng than phiền về cái nhiệm vụ đại diện các gia đình đồng bào tị nạn ở trong trại tạm trú này. Ông phàn nàn với Thư:
- Họp hành gì mà hỗn độn, vô tổ chức, không có kỷ cương gì hết cả. Vấn đề chưa bàn cãi thì bà con cô bác đã quay ra kể lể gia cảnh của mình rồi khóc với nhau tùm lum! Phải cho tôi làm phận sự của tôi với chớ!
Nhật Tiến
Sài Gòn tháng 12-1968
HẾT

Xem Tiếp: ----