Chương VI
BỜ SÔNG DỊCH THỦY

     ê Tùng vẫn có thói quen đi dưới mưa để nghĩ ngợi, những giọt mưa lăn tăn bay vào mặt chàng. Chàng nghe rõ tiếng giày nện trên vỉa hè đường Hàm Nghi mặc dầu chung quanh ồn ào, náo nhiệt, xe hơi nối đuôi thành đoàn dài.
Bước qua đường, Lê Tùng khựng lại một phút. Ngôi nhà cũ kỹ ở bên tay phải đã kéo cửa sắt kín mít. Mấy tháng trước, chàng đã vào trong nhà vợ chồng người Tàu này uy hiếp lấy tiền, lên đường Hai bà Trưng nướng hết trong sòng xóc đĩa. Để rồi chàng bị bắt, tên tuổi và hình ảnh được trương lên trang nhất báo chí Sài Gòn.
Rồi chàng ra tòa. Rồi vào khám Chí Hòa. Mọi chuyện xảy ra như cơn ác mộng.
Giờ đây, cơn ác mộng đã hết.
Lê Tùng trèo lên xích lô máy. Xe chạy lên đường Pasteur, vòng sang đại lộ Lê Lợi. Chàng xuống xích lô máy, gọi tắc xi dặn lái vào Chợ Lớn. Chàng xuống xe lấn nữa. Lần này, chàng biết chắc không bị ai theo. Ông Hoàng đã dặn chàng cẩn thận: <<trước khi gặp tôi, anh phải bố trí chu đáo, không được để ai theo, dầu kẻ theo anh là nhân viên của tôi. Vì kế hoạch này được giữ bí mật triệt để>>
Chàng gọi một tắc xi khác, trở về Sài Gòn.
Nơi gặp là một tòa biệt thự tối om gần đường Lê văn Duyệt. Trả tiền xe, chàng bước vào rạp chiếu bóng Nam Quang, giả vờ ngắm tấm bảng quảng cáo to tướng, phô trương bộ ngực vĩ đại của một nữ diễn viên thoát y. Chép miệng, chàng đút tay vào túi quần, bách bộ lại đường Trần quí Cáp.
Cánh cổng sơn màu sẫm hiện ra trước mặt. Chàng đẩy ra, và lẻn vào.
Ngoài ánh đèn le lói trên lầu, Lê Tùng không nhìn thấy ánh đèn nào khác trong biệt thự.
Cửa phòng khách mở ra nhè nhẹ, Văn Bình đang chờ chàng.
Chàng nhoẻn miệng cười chào bạn. Văn Bình vỗ vai Lê Tùng, giọng thân mật:
- Ông cụ đang đợi anh trên gác.
Không đáp, Lê Tùng trèo cầu thang. Ông Hoàng đang châm xì gà, bỗng đặt cái bật lửa nhỏ xíu xuống bàn, nhìn Lê Tùng bằng cặp mắt trìu mến. Cái nhìn đôn hậu của ông tổng giám đốc làm Lê Tùng cảm động, quên cả chào hỏi như thường lệ sau nhiều năm xa cách.
Ông Hoàng nói:
- Tôi rất bằng lòng công việc của anh. Thế nào? Phạm Huề đã nói gì với anh?
Lê Tùng giật mình. Chàng không ngờ ông Hoàng đã biết kẻ tiếp xúc với chàng là Phạm Huề. Chàng ngồi xuống ghế, bằng giọng báo cáo đều đều, thuật lại những chuyện xảy ra. Ông Hoàng lẳng lặng nghe, vẻ mặt mơ màng. Trong khi ấy, Văn Bình bâng khuâng với điếu Salem cháy dở và ly uýt-ky đầy ắp.
Đợi Lê Tùng báo cáo xong, ông Hoàng nói:
- Kế hoạch của ta đã hoàn thành được một nửa. Phần còn lại, tôi giao phó cho anh, và anh phải làm một mình. Tôi tin anh có đủ khả năng và gan dạ để thành công.
Nhờ sự hy sinh của anh, chịu khổ nhục kế, bị đồng nghiệp, bạn bè, xã hội khinh rẻ, phỉ nhổ, ta đã phăng ra được một tổ chức quan trọng của địch ở đây. Tổ chức này có nhiệm vụ kết nạp những phần tử bất mãn để mang ra ngoài Bắc.
Phạm Huề không phải là nhân viên chỉ huy. Hắn chỉ giữ vai trò trung gian giữa anh và giám đốc trú sứ (1). Tên thật của hắn là Nguyễn khắc Liêm. Hắn có vợ và hai con, mở cửa hàng bán xe đạp và sửa xe gắn máy ở đường Nguyễn công Trứ. Hắn được tình báo của địch kết nạp từ 12 tháng nay.
- Thưa, còn Lệ Thanh?
- Nàng là nhân viên giao liên tầm thường, không quan trọng bằng Phạm Huề.
- Thưa, ngoài Phạm Huề và Lệ Thanh, tổ chức này còn ai nữa không?
Trong trí ông Hoàng hiện ra tấm hình chụp bằng hồng ngoại tuyến cuộc gặp gỡ trước rạp chiếu bóng Vĩnh Lợi. Lê Tùng không thể ngờ được Sở Mật vụ đã phăng ra gần hết. Song ông Hoàng không thể cho chàng biết hoàn toàn sự thật. Ông nói:
- Ngoài hai người này ra, không còn ai nữa. Vả lại, ta khám phá ra giám đốc trú sứ của họ là đủ rồi.
- Ông có ý định bắt họ không?
- Khi anh về, tôi mới bắt. Nghĩa là tôi cho họ tự do hoành hành hai, ba tháng nữa.
- Thưa, nhiệm vụ của tôi từ giây phút này như thế nào?
- Phạm Huề dẫn anh đi đâu, anh cứ đi theo. Từ phút này, tôi bãi bỏ những toán theo dõi của Sở, vì sợ họ ngờ vực. Tôi tin Phạm Huề sẽ đưa anh đi gặp giám đốc trú sứ của hắn. Tuy nhiên, theo chỗ tôi biết, có lẽ họ sẽ đưa anh qua Nam Vang hoặc Vạn Tượng trước khi đi Bắc Việt. Theo nguyên tắc hoạt động của tình báo địch, giám đốc trú sứ thực thụ không ở Sài Gòn mà là ở một quốc gia kế cận. Văn Bình sẽ bố trí cho anh thoát khỏi Bắc Việt sau khi anh hoàn thành công tác.
- Thưa, trọng tâm công tác là gì?
- Phan Thiện.
- Thưa, Phan Thiện, trưởng ban phản gián Bắc Việt.
- Không. Hắn là giám đốc, không phải trưởng ban. Hắn điều khiển công tác phản gián từ khu vực Vĩnh Linh giáp tuyến lên tới ải Nam quan. Một công tác vô cùng quan trọng. Nhân viên của ta bị bắt, bị giết vì hắn. Hắn được huấn luyện tại Mạc tư Khoa và Bắc Kinh. Về nghề nghiệp, hắn là một cán bộ phản gián xuất sắc, có đầy đủ khả năng. Về chính trị, hắn là ủy viên dự khuyết của Trung ương Đảng.
- Thưa...
- Tôi không muốn nghe đến tên Phan Thiện nữa. Nghĩa là anh phải tìm mọi cách giết hắn.
- Nếu vậy, ông cử một đội ám sát đặc biệt ra Hà Nội có tiện hơn không?
- Việc này không thể làm được. Thứ nhất, Phan Thiện được bảo vệ hết sức nghiêm mật. Một con muỗi cũng không lọt nỗi vào phòng hắn. Tôi nói thật đấy: hắn đa nghi đến nỗi sợ từ con muỗi sợ đi. Hắn sợ tôi dùng ruồi muỗi để tiêm thuốc độc vào người hắn nên ra lệnh giết sạch ruồi muỗi trong phòng giấy và nhà ở. Thứ hai, tôi không muốn hạ thủ hắn một cách công khai.
Sứ mạng của anh là giết hắn trong sự bí mật, hoàn toàn bí mật. Do đó, anh phải được hắn tin cậy. Khi đó, anh hãy ra tay, và nhớ đừng lưu lại dấu vết. Thôi, chúc anh mọi sự may mắn.
Lê Tùng đứng dậy. Ông Hoàng bắt tay chàng. Bàn tay ông mềm nhũn như bàn tay con gái.
Lê Tùng vẫy Văn Bình rồi từ từ xuống thang gác. Bên ngoài, trời vừa tạnh lại mưa ào ào. Văn Bình lẳng lặng nhìn bạn rảo bước ra sân. Chàng không để ý đến trời mưa. Những người trong nghề tình báo không có thời giờ quan tâm đến bộ quần áo và đôi giày đắt tiền bị ướt, hoặc cái mũi bị tịt và thân thể đau nhừ vì đi đầu trần dưới mưa, không mang dù hoặc áo tơi.
Cũng như chàng, Lê Tùng đang bận nghĩ đến Tử thần.

*

Đến rạp chiếu bóng Nam Quang, thấy thiên hạ đổ xô vào phòng bán vé, Lê Tùng mới sực nhớ ra trời mưa nặng hột. Ánh đèn sáng quắc làm bức hình cô gái khỏa thân lồ lộ trước mắt chàng.
Chàng nhìn kỹ tấm bảng quảng cáo: cô gái đang nằm dài trên giường, trong một điệu bộ vô cùng khiêu gợi, miệng cười toe toét như muốn nói với chàng <<mời anh tự nhiên>>. Đặc biệt trên mình nàng chỉ có một miếng vải tréo màu đen, còn phía trên chẳng có gì hết. Một cái băng trắng chạy ngang ngực nàng, có lẽ là cơ quan kiểm duyệt bắt hãng phim che ngực - bộ ngực đồ sộ và đú đởn - của nàng lại. Tuy nhiên, khán giản vẫn nhìn thấy một núi của đáng giá.
Bất giác, Lê Tùng liên tưởng đến Huệ Lan.
Trời đã khuya, chắc nàng đã vào phòng ngủ. Song chàng tin nàng còn thức. Lời nói hồi tối trên ghế đá bờ sông của nàng còn vang dội trong đầu chàng:
- Em sẽ gặp anh, nếu anh chịu nói sự thật!
Huệ Lan bắt chàng nói sự thật, sự thật mà chàng giấu kín bấy lâu. Lúc chàng từ giã nàng trước lữ quán Majestic, mắt nàng đỏ hoe, một giọt lệ long lanh. Nàng bặm môi để giọt nước mắt khỏi lăn xuống gò má. Ruột gan chàng nao nao. Chàng không thể che giấu nàng mãi được. Chàng sẽ nói cho nàng biết.
Mãi suy nghĩ, chàng không để ý đến những người đứng chung quanh. Chàng hích cùi tay đụng ngực một thiếu phụ trẻ măng. Tưởng chàng cố tình, thiếu phụ gắt lớn:
- Cái gì thế?
Lê Tùng bước sang bên. Chàng dẫm lên ngón chân một cô gái mặc quần din thổn thện, đang núp vào ngực cậu nhân tình cao bồi. Tiếng cô gái chua như giấm thanh:
- Ông này, không có mắt ư?
Không hiểu sao Lê Tùng lại tiếp tục vụng về như trước. Lần này, bàn tay chàng quơ luôn vào ngực thiếu phụ trẻ măng. Thiếu phụ la lên, và một gã đàn ông hộ pháp thộp ngực chàng, giọng đe dọạ:
- Tôi sẽ đánh anh gãy xương.
Lê Tùng bàng hoàng tỉnh mộng. Hình ảnh Huệ Lan chiếm hết tâm trí chàng nên chàng không để ý đến những người trú mưa dưới mái hiên chật chội của rạp chiếu bóng bình dân. Chàng cũng không biết vì sao lại bị gã đàn ông lực lưỡng thộp ngực và dọa đánh.
Tên cao bồi đứng sau Lê Tùng phụ họa:
- Phải, đánh cho gãy tay đi cho khỏi sờ soạng bậy bạ.
Sờ soạng bậy bạ... Lời tố cáo của gã cao bồi làm Lê Tùng lạnh người. Dầu sao, chàng cũng không phải là một người thô bỉ, hoặc đau bệnh thần kinh, có thái độ khiếm nhã với phụ nữ ở nơi nhĩ mục quan chiêm.
Lê Tùng tiến ra bực cấp. Chàng không muốn gây sự, vì đêm nay đang còn nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, gã hộ pháp kéo chàng lại, khuy áo sơ mi bị đứt tung.
Giọng hắn trở nên gay gắt:
- Anh phải xin lỗi vợ tôi, nếu không anh sẽ gãy hết hàm răng.
Lê Tùng sửng sốt:
- Ông nói lạ. Tôi có làm gì đâu mà phải xin lỗi.
Gã cao bồi xía vào:
- Hừ, thằng này láo thật!
Máu nóng bốc lên mặt Lê Tùng. Chàng quay lại bảo hắn:
- Yêu cầu anh giữ mồm, giữ miệng. Nếu không, miễn cưỡng tôi phải có thái độ quyết liệt.
Gã cao bồi cười hô hố:
- Thái độ quyết liệt! Hừ, đã thế, tao sẽ cho mày húp cháo loãng một tháng.
Nói dứt, hắn tung nắm tay kếch xù ra. Mọi người dạt sang hai bên, chừa một khoảng trống lớn. Lê Tùng nghiêng người, trái đấm trượt ra ngoài. Dầu tức giận, chàng cố nén, vì chàng không muốn gây sự vì một chuyện vô nghĩa.
Chàng đã ra đến lề đường, gã cao bồi vẫn rượt theo. Hắn quát to:
- Đồ hèn. Mày định trốn hả?
Vẻ mặt thản nhiên, Lê Tùng đứng lại. Gã cao bồi lao một quả thôi sơn khác vào màng tang của chàng. Trái đấm khá nguy hiểm, gió thổi vù vù. Song hắn vẫn chưa phải là đối thủ đồng cân đồng lạng của chàng. Kể ra, hắn cũng biết võ, song đó là thứ võ tầm thường, chỉ có thể dùng để tự vệ trong xã hội anh chị chim gái và móc túi.
Lê Tùng gạt nhẹ một cái.
Cánh tay của chàng biến thành cây sắt nguội. Đụng phải, gã cao bồi rú lên một tiếng đau đớn, loạng choạng một giây rồi ngã ngồi xuống đường.
Lê Tùng định bỏ đi, song gã hộ pháp đã tiến lại, tay chống nạnh, bộ điệu khuỳnh khuỳnh hung hăng. Hắn to gấp rưỡi chàng, và cao hơn chàng nửa cái đầu. Nhìn hai người xáp trận, ai cũng tưởng Lê Tùng sẽ bị nuốt chửng trong phút đọ sức đầu tiên.
Song Lê Tùng vẫn thản nhiên như không. Chàng không tin gã hộ pháp có thể khuất phục được chàng. Vì trong cuộc đời hoạt động, chàng đã thi thố nhiều lần với những đối thủ khổng lồ. Chàng nói với hắn:
- Chúng ta không có chuyện thù oán, vậy xung đột với nhau làm gì, vô ích.
Gã cười nhạt:
- Sao lại gọi là xung đột? Tôi chỉ vung tay là anh nằm mọp xuống đường ngay. Anh hỗn xược với vợ tôi là tội thứ nhất. Tội thứ nhì là ăn hiếp một người yếu sức. Còn tội thứ ba...
Lê Tùng nhún vai:
- Anh đừng nhiều lời nữa. Tôi đã sẵn sàng. Mời anh ra tay trước.
Dân chúng hiếu kỳ bu quanh đông nghẹt. Lê Tùng biết là trong vài ba phút nữa nhân viên công lực sẽ tới. Nên chàng quyết định tấn công chớp nhoáng.
Chàng không cho gã hộ pháp cơ hội đánh trước, cánh tay của hắn chưa kịp quạt vào mặt chàng, chàng đã tiến lên một bước tóm lấy, và dùng một thế nhu đạo cực hiểm quật hắn ngã nhào. Hắn lồm cồm bò dậy, Lê Tùng phóng luôn một ngọn cước vào cằm. Lần này hắn nằm dài trên vỉa hè, không dậy được nữa.
Lê Tùng phủi tay, xốc áo, rẽ đám đông đi ra đường Hồng thập Tự. Bọn trẻ con chạy theo hò reo ra vẻ khoái trá. Một cảnh sát viên thổi còi ré lên. Lê Tùng trèo vội lên chiếc tắc xi không có khách. Thoát nạn!
Ách giữa đàng bỗng quàng vào cổ. May chàng chạy kịp, nếu không đêm nay sẽ nằm bót quận 3. Với tiền án của chàng - tiền án đánh lính - chàng sẽ bị đưa ra Tòa, và chắc chắn sẽ lãnh thêm mấy tháng nữa. Ông Hoàng không thể cứu chàng ra khỏi khám Chí Hòa, vì như vậy là làm vai trò của chàng bị lộ.
Tắc xi chạy quanh, gió mát thổi vào làm chàng dễ chịu. Qua cầu Thị Nghè, chàng xuống xe, rẽ vào một đường hẻm.
Căn nhà của Huệ Lan còn đèn sáng.
Mưa lăn tăn rơi trên mặt chàng. Chàng xô cổng bước vào, tiến lại cửa sổ. Huệ Lan ở với bà mẹ già.
Nàng đang ngồi đọc sách dưới ngọn đèn đêm duy nhất đặt trên bàn giấy, gần cửa sổ.
Nghe động, nàng ngẩng đầu lên. Những sợi tóc lòa xòa trên trán tạo cho nàng vẻ đẹp thùy mị, phúc hậu và ngoan ngoãn. Thấy chàng, nàng giật mình:
- Anh.
Chàng kéo ghế ngồi xuống:
- Có ai ở nhà không em?
Huệ Lan nói:
- Mẹ em ngủ từ chập tối. Còn bọn trẻ nhỏ xuống Sài Gòn tập đàn chưa về. Có chuyện gì quan trọng không anh?
Chàng chậm rãi đáp:
- Có. Hồi tối, em yêu cầu anh nói sự thật. Bây giờ...
Mắt nàng sáng rực:
- Em biết... em biết thế nào anh cũng nói sự thật với em. Nếu không, em chết mất.
Lê Tùng ngồi yên, dáng dấp ngượng nghịu. Chàng không biết nên bắt đầu bằng cách nào. Chàng cũng không biết nên nói hết, hay chỉ cho nàng biết một phần. Trên nguyên tắc, ông Hoàng dặn chàng giữ kín, nhưng dầu sao chàng không được quyền giấu giếm Huệ Lan - người đã hy sinh tất cả cho chàng.
Huệ Lan đứng dậy:
- Anh chờ em một lát. Chai rượu rum của em ngon lắm. Thứ bacadi thực thụ, em mua riêng để mời anh. Anh uống với coca-cola nhé!
Rượu rum bacadi pha với nước ngọt coca-cola và 3 viên đá tủ lạnh là món uống quen thuộc và thân thiết của chàng. Chàng gật đầu:
- Em tốt với anh quá.
Nhìn nàng vào nhà trong, Lê Tùng thấy nong nóng ở gáy. Nàng mặc bộ đồ ngủ may chẽn bằng hàng ni-lông trắng, hoa tím phơn phớt. Cái áo may theo kiểu mới chỉ ngắn quá rốn, mỗi khi nàng bước lại hất lên, phô trương làn da mịn màng, và nhất là cái mông tròn trĩnh gợi cảm, và cặp giò dài thon thon.
Phòng khách bày biện bằng đồ đạc rẻ tiền nhưng hợp thời trang, tỏ ra chủ nhân là người có học thức và có khiếu thẩm mỹ. Sa lông gồm toàn những cây sắt tròn, sơn đen, lợp da nhiều màu. Kê sát tường là cái tủ buýp-phê vuông vức, thấp lè tè, bên trên đặt một lọ cắm hoa pha lê, đựng bó lê-dơn đỏ chót như môi đàn bà làm đẹp.
Trên bàn sa lông, bàn giấy, ghế nhỏ, chỗ nào cũng có hoa, hoa tươi, hoa ni-lông lẫn lộn với nhau, khiến chàng không phân biệt nỗi cái nào giả, cái nào thật. Tài cắm hoa của Huệ Lan đã đạt đến trình độ tuyệt vời: chàng sực nhớ ra nàng đã ở gần ba năm tại Đông kinh, và trong thời gian này nàng học nghệ thuật cắm hoa. Đúng ra, nàng đi Nhật không phải chỉ để học cắm hoa mà thôi, vì ông Hoàng không bỏ tiền để cho nàng tiêu xài vô ích. Nàng đi Nhật để học một khóa ngoại ngữ và điệp báo.
Khi nghệ thuật cắm hoa lên tới trình độ tuyệt vời, người ta có thể biến đóa hoa thành nụ cười, thành sự mời mọc, thành một bức thư tình tha thiết. Trên tường, Lê Tùng cũng thấy hoa. Hai bức tranh sơn dầu chễm chệ trên tường. Bức thứ nhất là bông lan, bức thứ nhì là bông huệ. Lan Huệ. Huệ Lan...
Huệ Lan ra lúc nào mà chàng không nghe tiếng động. Nàng mỉm cười với chàng:
- Anh ngắm gì thế?
Chàng quay ngoắt lại:
- Ngắm em.
Rồi chàng ôm lấy nàng. Nàng lặng yên cho chàng hôn vào má, vào trán. Khi chàng hôn môi, nàng gỡ ra nhè nhẹ.
- Đừng anh, em vừa tô môi xong. Thứ son này dính vào áo khó giặt lắm.
Nàng bưng ly rum pha coca-cola cho chàng:
- Mời anh uống.
Vẻ mặt âu sầu, Lê Tùng ngồi xuống ghế. Huệ Lan đặt bàn tay của nàng lên bàn tay chàng:
- Chỉ có thế mà anh giận được ư? Nếu anh muốn, em sẽ chiều anh ngay. Nhưng ở đây bất tiện lắm. Em xin đến phòng anh khi nào anh cần. Hàng xóm ở đây nghiêm khắc ghê, hơi một tí là phê bình ngay. Vả lại...
Ngừng một phút, nàng tiếp:
- Vả lại, anh đến gặp em để nói chuyện quan trọng.
Nhìn ly giải khát sủi bọt lăn tăn, Lê Tùng nói:
- Xin lỗi em. Anh vẫn có tính buồn cười như thế. Anh định đi thẳng, không đến chào em, song anh có cảm tưởng...
Nàng cướp lời:
- Anh đi đâu.
- Công tác.
Nàng thở dài:
- Thảo nào! Từ nhiều tháng nay, em đã nghi ngờ có chuyện gì bí mật. Em hiểu anh nhiều. Anh không thể là người đàn ông vô lương tâm và vô dụng cho xã hội. Một số nhân viên trong Sở thất bại trong công tác đã bị ông Hoàng khiển trách, song chưa người nào bị khiển trách nặng nề và tàn nhẫn như anh. Tuy nghiêm khắc, ông Hoàng vẫn được tiếng là nhân từ. Đằng này...
- Phải. Đêm nay, anh nói thật với em. Tất cả những việc xảy ra chỉ là dàn cảnh.
- Trời! Anh có thể hy sinh danh dự của anh đến thế được ư?
- Làm nghề này, người ta không quan tâm đến chi tiết hoặc đạo đức thông thường, mà phải coi kết quả là trọng. Ông Hoàng không hề bắt anh phải đóng kịch. Chính anh đề nghị với ông Hoàng, và trước khi chấp thuận, ông Hoàng đã cho anh 48 giờ đồng hồ để suy nghĩ. Vì vong linh những người bạn thân đã chết ở miền bắc vĩ tuyến 17, anh phải làm một cái gì.
- Bao giờ anh đi?
- Anh chưa biết.
- Ra Bắc phải không?
- Anh cũng chưa biết.
- Trời! Anh còn giấu em nữa ư?
- Trên nguyên tắc, anh phải giấu tất cả mọi người. Nếu ông Hoàng biết anh thổ lộ với em, công tác sẽ bị bãi bỏ. Là nhân viên của Sở, em hiểu sự quan trọng của bí mật.
Huệ Lan thở dài:
- Thôi, em không hỏi anh nữa. Tuy nhiên, nếu anh thật lòng yêu em, anh hãy cho em biết ra Bắc làm gì?
- Anh đã nói với em rằng anh chưa biết sẽ đi đâu. Anh nói thật đấy, không phải giữ bí mật, em đừng nghĩ lầm.
- Công tác ra sao?
- Không thể nói được, xin em hiểu cho.
Huệ Lan ngồi im, hai mắt rưng rưng. Một lát sau, nàng thở dài, giọng não nuột:
- Chẳng hiểu sao, em lại chui đầu vào nghề này. Một nghề chuyên môn giấu giếm và lừa gạt. Giá chúng mình đừng quen nhau, đừng yêu nhau...
- Anh không dám nài ép em. Em lấy chồng anh cũng không giận. Trái lại, anh còn mừng cho em nữa.
Huệ Lan nhìn chàng, nước mắt ràn rụa:
- Em không ngờ được anh đối xử như vậy. Nếu em muốn lấy chồng, em đã lấy từ lâu rồi. Vì em thật lòng yêu anh... Sở dĩ em căn vặn anh, vì em coi anh như chồng, có lẽ thân thiết hơn chồng nữa.
Giọng run run, Lê Tùng nắm tay nàng:
- Tội nghiệp em quá. Anh nói là không giận em, trái lại còn mừng cho em, chẳng qua là tự dối lòng. Nằm trong khám, anh đã có dịp suy nghĩ, cân nhắc thiệt hơn, và thấy rõ mối tình cao cả của em.  
Anh yêu em lắm, Huệ Lan ơi, em biết không? Yêu em nên sợ em thành góa bụa... Yêu em nên muốn em kết hôn với người khác...
Nàng lắc đầu:
- Vô ích. Dầu xảy ra chuyện gì đi nữa, em vẫn yêu anh.
- Dầu anh chết?
- Dĩ nhiên em mong anh sống để trở về. Song nếu anh là tráng sĩ Kinh Kha, một đi không trở lại, thì em sẽ đợi anh suốt đời trên bờ sông Dịch Thủy.
Lê Tùng bật cười:
- Em của anh văn vẻ ghê.
Huệ Lan cũng bật cười theo:
- Ừ nhỉ, em nói như trong tiểu thuyết.
Thấy nàng hết buồn, Lê Tùng cảm thấy phấn khởi trong lòng, chàng uống hết một hơi nửa ly bacadi. Huệ Lan đặt chai rum lên bàn:
- Anh uống nữa nhé?
Lê Tùng xua tay:
- Thôi, anh còn công việc phải làm. Anh chưa rõ lên đường khi nào, nhưng anh tin là sắp sửa. Nếu ra được Hà Nội, anh sẽ thi hành kế hoạch của ông Hoàng. Bằng không, anh sẽ nằm lì, chờ cơ hội thuận tiện.
- Kế hoạch gì?
- Anh có nhiệm vụ giết Phan Thiện.
- Phan Thiện?
- Phải. Hắn đã giết nhân viên của anh, anh phải trả thù. Thấy anh dấn thân vào công tác nguy hiểm, em có buồn không?
- Không. Em hỏi cho biết, thế thôi. Chúng mình đã nhận làm nghề này thì sống chết là chuyện thường. Trước khi anh đi, em chỉ xin anh một điều.
- Em nói đi.
- Chúng mình thành hôn với nhau.
- Trời! Việc hôn nhân đâu giản dị và dễ dàng như thế được. Em còn gia đình, còn bè bạn nữa. Ít nhất cũng phải có thời gian ăn hỏi, báo tin cho thân bằng quyến thuộc biết. Vả lại, anh không tin là mẹ em bằng lòng.
- Mẹ em hoàn toàn tin em.
- Thế còn gia đình nội, ngoại?
- Em chẳng còn ai ở đây.
- Về phía anh, anh cũng chẳng còn ai. Duy anh sợ ông Hoàng phản đối.
- Cũng như anh, em chỉ sợ ông Hoàng phản đối. Vậy chỉ còn một cách, chúng ta lấy nhau lén lút.
Lời nói của Huệ Lan làm Lê Tùng bối rối, suýt đánh rơi ly rượu:
- Lấy nhau lén lút sao được, em là con nhà gia giáo, không cưới xin linh đình thì ít ra cũng theo tập quán, anh không muốn dư luận hiểu lầm và chê cười em.
- Em không cần dư luận.
- Nhưng anh cần. Lương tâm đang cắn rứt, em đừng bắt anh phạm thêm tội ác nữa.
Huệ Lan thở dài, đứng lên, mở cửa nhìn ra đường. Tiếng xe hơi từ xa vọng lại. Bỗng nàng quay lại:
- Bọn nhỏ sắp về rồi.
Lê Tùng nắm bàn tay xinh xẻo của nàng, giọng buồn buồn:
- Anh đi đây, chào em.
Huệ Lan khóc oà rồi ôm cứng lấy chàng, hôn lung tung vào trán, vào má. Bất giác hai giọt nước mắt nóng hổi rơi trên gò má Lê Tùng. Chàng có cảm tưởng, nếu ở lại một phút nữa sẽ bế nàng lên đi-văng, và quên hết nhiệm vụ, một nhiệm vụ quan trọng được sửa soạn từ một năm nay.
Như người điên, chàng băng ra ngoài. Trời lất phất mưa.
Lê Tùng cúi xuống đất, vì ánh đèn làm chàng hổ thẹn. Chàng bước thật nhanh, không để ý đến cơn mưa mỗi lúc một thêm nặng hạt. Chàng cũng không để ý đấn một chiếc xe hòm đen đậu dưới một cây cổ thụ, cành là rườm rà đen thui.
Trong xe có hai người đàn ông. Thấy Lê Tùng ra, một người nâng ống nhòm hồng ngoại tuyến lên mắt quan sát:
- Hắn ra rồi anh ạ.
Người kia hỏi:
- Lên xe chưa?
- Rồi. Hắn vừa gọi tắc xi.
Máy điện thoại siêu tần số được mở ra rè rè:
- Thưa... Hoàng hôn gọi Bình minh... Hoàng hôn gọi Bình minh.
Trong căn phòng đầy ắp hồ sơ ở đại lộ Nguyễn Huệ, một ông già hiền hậu nhấc ống nghe áp vào tai:
- Bình minh nghe đây... Bình minh nghe đây... Hoàng hôn nói đi.
- Thưa. Quý nhơn vừa ra. Xin chỉ thị.
- Thôi. Các anh về Sở. Không cần theo Quý nhơn nữa.
- Tuân lệnh.
- Ghi âm được đầy đủ không?
- Thưa. Đầy đủ.
Ông già xoa tay, dáng điệu bằng lòng. Câu chuyện xảy ra trong nhà Huệ Lan được thu vào băng nhựa. Một cái hộp nhỏ xíu được gắn dưới ghế sa lông, chuyển mọi tiếng động ra ngoài trong vòng bán kính 50 thước. Chiếc xe hòm đen đậu dưới góc cây cổ thụ là trạm tiếp vận. Và ông già hiền hậu ở đại lộ Nguyễn Huệ có cái tên dễ nhớ là Hoàng.
Cửa phòng kẹt mở. Ông Hoàng ngẩng đầu lên, Văn Bình nhanh nhẹn bước vào:
- Thưa, ông cho gọi tôi.
Ông Hoàng nói:
- 5 phút nữa, Lê Diệp sẽ mang cuộn băng ghi âm cuộc nói chuyện giữa Huệ Lan và Lê Tùng về đây. Anh chuẩn bị nghiên cứu, rồi tìm cách đối phó.
- Thưa, Lê Tùng biết không?
- Không.
- Còn Quỳnh Bích?
- Toàn quyền anh định đoạt.
- Thưa ông, kế hoạch của ta có nhiều hy vọng thành tựu không?
- Còn tùy vào hành động của Lê Tùng.
Nói đoạn, ông Hoàng đứng dậy:
- Một tuần nay không ngủ, mệt quá. Bây giờ, tôi chợp mắt một lát.
Ông Hoàng ngả lưng lên cái ghế vải đặt ở góc phòng. Trong giây phút, ông tổng giám đốc đã ngủ say. Văn Bình nhún vai, châm một điếu Salem.
Người thứ Tám
(Xin đọc tiếp quyển hạ)
Chú thích:
(1) Đại diện một cơ quan tình báo tại một khu vực ở hải ngoại được gọi - theo từ ngữ chuyên môn - là giám đốc trú sứ, tiếng Pháp là Directeur résident.