Đặt chân lên đất Pháp, cha con Phan Châu Trinh đều thấy ngỡ ngàng. Cuộc sống người dân, nhà cửa, phố xá, xe cộ… nói chung, những tiện nghi cần thiết dành cho cuộc sống của con người ở đây hơn hẳn ở xứ sở ông. Nếu không phát triển dân trí, không dạy người dân hiểu quyền lợi của mình thì dù có ngồi trên đống vàng cũng bị người ta phỉnh lấy hết, thậm chí còn biết ơn. Chuyện sờ sờ trước mắt, những người dân nghèo thiếu học ở quê nhà chẳng không phải vì ngu dốt mà bị bọn địa chủ, hương chức bóp nặn đến hơi thở cuối cùng đó hay sao. Biết qua đây là thất sách, nhưng ở lại quê nhà chẳng làm được gì trước sự căm ghét của quan lại triều đình lẫn quan lại cai trị thuộc địa. Phan Châu Trinh hy vọng trên đất khách quê người dựa vào hội nhân quyền đấu tranh cho những người bạn của ông ra khỏi tù, rồi gây dựng lại phong trào. Phan Châu Trinh khẽ ngâm:
Làm trai trót gánh giang nan,Dám nại xa xôi bỏ giữa đàng.Coi lại chỉ còn ba tấc lưỡi,Trải qua đã nát mấy buồng gan.Tếch dương Ấn Độ nhì thiên hạ,Lên tháp Ba-lê nhất thế gian.Mượn bút Tương Như đề mấy chữ,Thân này đành phó với gian san. Đây chính là những suy nghĩ tâm huyết của ông chứ không phải của kẻ bất đắc chí nói càn cho sướng miệng và tự an ủi lấy mình. Ông tin ba tấc lưỡi của ông đã có ích trong lúc này. Mấy ngày qua, nhờ anh em ở hội nhân quyền do Babut giới thiệu và một số anh em người Việt ở đây có theo dõi tình hình trong nước giúp đỡ, thằng con trai của ông (Phan Châu Dật) được học bổng của trường Mondparuasse. Thế là yên một phần.
Bây giờ ngồi đây một mình với bóng đêm, Phan Châu Trinh bồi hồi nhớ lại những tháng ngày qua, nhớ vợ con, anh em, chòm xóm, bạn bè. Nghĩ lại cũng vui, vô tình ông là bậc đại khoa đầu tiên của lịch sử nước nhà nhận án tù không ngày về đến Côn Lôn và cũng là bậc đại khoa đầu tiên ở Côn Lôn được đón về đất liền ân xá. Đời là thế, khó ai biết trước chuyện ngày mai. Những ngày ở Sài Gòn là những ngày vui. Nhiều anh em nhân sĩ Nam kỳ, kể cả không ít người lam lũ với ruộng vườn cũng đến thăm và trò chuyện. Trong số những người đến thăm, Phan Châu Trinh quen và làm thân với anh em ông Nguyễn An Khương. Em ruột Nguyễn An Khương là Nguyễn An Cư, một thầy thuốc Bắc có tiếng một vùng. Gia đình ông Khương thuộc vào hàng khá giả ở Sài Gòn, nhưng rất có lòng với dân với nước, nhất là với những người vì nước quên thân. Khởi nghiệp chỉ là một tiệm may, nhưng bà Khương là một thợ may khéo tay và đã từng may hàng chục chiếc áo dài gấm cho vua Thành Thái trước khi đức ngài bị đày sang đảo Réunion. Sau đó,tiệm may được hai vợ chồng khuếch trương thành khách sạn Chiêu Nam Lầu. Và Chiêu nam Lầu không mấy chốc trở thành nơi chiêu hiền đãi sĩ của người Annam, nơi gặp gỡ những anh hùng hào kiệt ba miền, nơi tá túc của những nhà ái quốc miền ngoài lưu lạc vào Nam, nơi giúp đỡ phương tiện, tiền bạc cho những thanh niên yêu nước tìm cách xuất dương… Ngoài việc trò chuyện tâm đắc với anh em ông Nguyễn An Khương, Phan Châu Trinh còn chú ý tới cô em gái chưa chồng của họ có tên là Xuyên. Cô Xuyên cũng thuộc vào loại đẹp người, mặt mày phúc hậu, biết cả chữ Hán lẫn chữ quốc ngữ, làm thơ cũng được, ấy mà không chịu lấy chồng. Nguyễn An Khương có lần muốn em mình kết duyên với Kỳ ngoại hầu Cường Để khi ông này có thời gian tá túc tại Chiêu Nam Lầu và cũng có ý thương yêu. Ông Khương còn cho biết thêm, gia đình ông hiện nay biết nấu dầu cù là cũng từ tấm lòng của cô Xuyên. Một lần có ông hoàng Miến Điện tên là Mangoon vì chống lại nhà cầm quyền Anh nên bị trục xuất khỏi quê hương mình. Ông hoàng chạy sang Sài Gòn ở khách sạn hạng sang đến khi hết tiền có người chỉ đấn Chiêu Nam Lầu và được cô Xuyên chăm sóc chu đáo. Đến ngày sắp mất, ông lấy trong người ra một túi nhỏ và bảo: "Đây là toa thuốc của hoàng gia để nấu dầu cù là. Cô hãy giữ nó. Tôi mang nó theo phòng thân khi đói khổ, nhưng bây giờ đã xong rồi. Đa tạ cô đã giúp tôi những ngày qua. Tôi không có gì đền đáp ơn cô ngoài vật phòng thân này". Một con người tốt như thế, phúc hậu như thế… Phan Châu Trinh thở dài, cảm thương cho một kiếp người. Ở Sài Gòn mấy ngày thì vợ và đứa con trai của ông đã được chính quyền cho vào thăm và có quyền ở lại chăm sóc sức khoẻ cho ông. Gặp lại vợ con, Phan Châu Trinh mừng lắm và tuần tự biết được thêm nhiều chuyện ở quê nhà. Nói chung, rứa là mừng. Còn người còn của. Chỉ có tội cho người bạn chí tình chí nghĩa của ông là cụ nghè Trần Qúy Cáp và những học trò. Nghe đâu có không ít gia đình khá giả mà vì con vướng vào cái án tào lao của ông mà gia đình khánh kiệt. Phan Châu Trinh thở dài, cảm thấy mình có lỗi. Sau đó không lâu, gia đình ông được đưa về Mỹ Tho an trí, quan tỉnh trưởng Couzineau trực tiếp trông coi. Nhìn chung, không ai gây khó khăn gì cho ông, song dù có gây cũng thế. Án chết, ông đã trải qua; án nặng không ngày về ông cũng đã trải qua thì bây giờ chẳng còn loại án nào làm ông sợ. Mấy lần ông đã trực tiếp nói chuyện với quan Toàn quyền và lần nào ông cũng chỉ đưa ra ba yêu cầu: thứ nhất, xử tử Phạm Ngọc Quát; thứ hai, cho ông và con trai của ông sang Pháp sinh sống để chính phủ thuộc địa và Nam triều yên tâm; thứ ba, ân xá tất cả bạn bè ông - những người bị bắt trong vụ "cúp tóc, xin xâu". Nhưng lần nào, ông ta cũng… ghi nhận. Một hôm, ông ta từ Sài Gòn điện báo cho ông biết Dương Bá Trạc được ân xá trong nay mai. Phan Châu Trinh vui lắm, liền biên thư cho anh em ngoài đảo biết. Ông không tin lòng tốt của bọn Tây thuộc địa, mà tin vào tác động của hội nhân quyền. Càng nghĩ, ông càng quyết tâm sang Pháp. Và cha con ông được lên tàu sang Pháp cùng một lần với quan Toàn quyền Klobukowsky. Sau một thời gian làm quen đây đó, anh em đã khuyên ông chọn một nghề để kiếm sống và đã giúp ông học nghề rửa ảnh. Và chính nghề này đã không chỉ nuôi sống ông mà còn có dư chút đỉnh để giúp đỡ lại một số anh em đồng hương khác. Ổn định nơi ăn chốn ở đâu vào đó, Phan Châu Trinh bắt đầu thực hiện những điều đã hứa với quan Thống soái lúc ở Côn Lôn. Ngồi trước tờ giấy trắng và nghiên mực, Phan Châu Trinh không biết bắt đầu từ đâu. Suy tới nghĩ lui, Phan Châu Trinh đành đứng dậy đi ra phố. Phải qua mấy ngày như vậy, Phan Châu Trinh mới quyết định được rằng tiểu luận này viết sao đó phải nhằm minh oan cho các thân sĩ tham gia phong trào "cúp tóc, xin xâu", nhưng phải lên án gắt bọn quan lại Nam triều. Bên cạnh đó cũng phải nêu lên được hai quan điểm bạo động và bất bạo động để chính phủ Pháp hiểu thêm về hoàn cảnh xã hội Việt Nam ủng hộ chủ trương tân học, nâng cao dân trí, đề xướng dân quyền của ông. Suy nghĩ xong, Phan Châu Trinh bắt tay vào viết, trình bày đường lối chính trị về một nước Việt Nam mới sau khi thi hành chính sách "Liên hiệp Pháp - Việt". Về chính kiến của ông và Phan Bội Châu, ông đã trình bày nhiều lần với những người có trách nhiệm. Trước sau như một, ông không đồng ý với cách bạo động và cầu viện nước ngoài như Phan Bội Châu. Giữa Phan Bội Châu với ông là bạn. Luận về tài năng và nhân cách, ông không hề chê bai gì Phan Bội Châu, nhưng cách làm của Phan Bội Châu, ông không bằng lòng chút nào. Và ông vững tin một ngày nào đó Phan Bội Châu sẽ hiểu ông. Trả xong "cái nợ" hứa với quan Thống soái ngày nào, nhưng Phan Châu Trinh vẫn cứ băn khoăn mãi về cái chết của người bạn hiền Trần Quý Cáp và những người còn đang chịu cảnh tù tội ngoài Côn Lôn và một số nhà tù khác trong đất liền. Phan Châu Trinh ngồi vào bàn ghi lại đầu đuôi cuộc dân biến ở miền Trung qua những thông tin mà ông đã biết. Phan Châu Trinh dẫn lại vụ việc từ đầu đến cuối theo lời kể của Huỳnh Thúc Kháng và của một số bạn bè khác, kể cả bản án do tỉnh kết mà Huỳnh Thúc Kháng đã thuê người sao chép lại lúc còn ngồi ở nhà lao Hội An. Phan Châu Trinh ngừng bút, đọc lại và nghĩ việc trích dẫn, phân tích bản án mà bọn quan lại Nam triều xử bạn bè ông chừng đó đã đủ. Nếu không dằn được nỗi bực tức đem bản án ra trích dẫn và phân tích hết, người đọc sẽ ngán, không đạt được hiệu quả mong muốn… Phan Châu Trinh rời bàn viết, làm một vài động tác cho giãn gân cốt, rồi đi tới đi lui với nhiều nghĩ ngợi kết cấu làm sao cho chặt chẽ, cho đủ sức thuyết phục người đọc để vừa kéo bạn bè ra khỏi nơi giam cầm, vừa tố cáo chính sách cai trị của Pháp ở Việt Nam cũng như sự lộng hành của bọn quan lại Nam triều và chính kiến của mình trước những người Pháp chân chính cũng như góp phần thức tỉnh những người Việt Nam còn mê muội đắm chìm trong lề thói cũ. Tuy viết chưa xong, nhưng Phan Châu Trinh vẫn cứ dịch ra tiếng Việt (bản thảo viết bằng chữ Hán) rồi mang đến trao đổi với anh em trong hội nhân quyền. Hầu hết anh em đều thích và nói: - Ông có máu trạng sư trong người ông Trinh à. Nếu ông học làm trạng sư, chúng tôi tin chắc ông là một trong những trạng sư giỏi. Ông Julles Roux, bạn thân của ông tại Pháp, vui vẻ nói: - Ông cứ viết tiếp như những gì ông đã trao đổi với chúng tôi, và chúng tôi sẽ tìm cách phổ biến văn bản này. Bản thân tôi sẽ lãnh trách nhiệm dịch ra Pháp văn để gửi cho Toàn quyền Đông Dương hiện nay là Albert Sarraut và gửi cho Thượng thư bộ Thuộc địa Pháp, ngài Missiny. Tôi nghĩ, đây là cách làm thiết thực nhất và có tác dụng nhất của ông đối với xứ Annam. Phan Châu Trinh phấn khởi, chia tay những người bạn tốt và hứa sẽ hoàn thành công việc này một cách tốt nhất, sớm nhất. Trên đường về, Phan Châu Trinh ghé qua thăm con đang học tại trường Mondparuasse. Phan Châu Dật, con trai ông, được nhận học bổng và nội trú nên mỗi tuần ông chỉ được đến thăm vài lần. Nhìn thấy con lớn từng ngày, lòng ông thấy vui, quên cả nhọc nhằn nơi đất khách quê người. Nghe con trai khoe, tháng này tuy không đứng đầu lớp nhưng vẫn được nhận bảng danh dự của nhà trường. Phan Châu Trinh mừng ra mặt, động viên con ráng học để sau này trở thành người hữu dụng cho xã hội. Khi giã từ con, Phan Châu Trinh nói: - Người xưa dạy rằng, biết người biết ta, trăm trận trăm thắng, con hãy nghiệm lấy. Đường phố đã lên đèn thì cũng là lúc Phan Châu Trinh về đến nhà. Ăn uống qua loa, nghỉ một chút, rồi Phan Châu Trinh đến phòng tối rửa ảnh. Khi Phan Châu Trinh ngồi vào bàn viết thì đường phố đã lặng im. Phan Châu Trinh nhớ lại ngày về đất liền và được tái thẩm ở Mỹ Tho, ông đã nài xin xem nguyên án, nhưng người Pháp không cho. Phan Châu Trinh kể lại và cho rằng trong đó ắt có gian tình. Phan Châu Trinh viết: "1- Thuở ấy dân trong tỉnh xin xâu liên lụy đến thân sĩ, nên bị bắt giam từ tháng 2 đến tháng 8 mới kết án, thì cái án ấy thiệt thuộc về cái án xin xâu, nay về phương diện xin xâu thì bỏ đi hết, lại lấy việc thông mưu với Phan Bội Châu làm cớ chính. Đó là một điều gian. 2- Đã lấy việc thông mưu với Phan Bội Châu làm chính thì phải dẫn chứng sự thiệt thông mưu thế nào, nay lại dẫn ra như hội buôn, diễn thuyết, mặc đồ Tây, trường học, khai trí, trị sanh, siêng học, tiết kiệm, yêu đồng bào, các việc để làm chứng, nếu thế thì không những không tội mà lại có công. Lại bỗng nhiên xử tội chết. Đó là hai điều gian. 3- Trong án xử thân sĩ ba tỉnh Quảng Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh đều có nói "cứ theo lời khai của danh Hạ" mà lời khai thế nào thì không nói ra, và danh Hạ thì không khi nào đem ra đối chứng cả. Đó là ba điều gian. 4- Buổi ấy quan Pháp và quan Nam đều cho thân sĩ Quảng Nam đồng tội với tôi, nên một mực theo án của tôi mà kết án. Vả lại, cho tôi là thủ phạm. Tôi đã nhờ được xét lại, cớ sao án thủ phạm được tha mà tòng phạm lại không nói đến? Quan toàn quyền trước vì cho lỗi các quan của hai nước ở Trung Kỳ nên không xét lại. Đó là bốn điều gian (1). Vì sao mà có sự gian dối ấy? Phan Châu Trinh phân tích kỹ càng từng điểm một, rồi nhấn mạnh đến cái chết của tiến sĩ Trần Quý Cáp. Theo Phan Châu Trinh, mới đầu quan tỉnh là Phạm Ngọc Quát xử án “lăng trì”(đốt), rồi sau đổi “trảm quyết”(chém ngay). Chém được một giờ thì có điện của quan Toàn quyền sức giải đi Côn Lôn, nhưng người đã chết làm sao sống lại được. Độc ác hơn là thây và đầu của Trần Qúy Cáp không cho người nhà nhận lãnh về chôn. Tất cả người nhà của Trần Quý Cáp thì cũng bị bắt giải ngay về Quảng Nam. Phan Châu Trinh cho là cái án chém của Trần Quý Cáp có những tám điều oan. Bởi theo luật pháp nước Nam, vô luận người nào chỉ có làm giặc hay giết người mới có việc xử ngay tại chỗ, nhưng cũng là khi lâm trận hay là khi bị bắt mà chống lại chứ không cũng để lại 3, 4 ngày xét hỏi mới kết án, còn Trần Quý Cáp thì bị chém ngay dù không vướng vào các tội ấy. Bên cạnh đó, Trần Quý Cáp không những xuất thân khoa mục mà còn đang giữ chức làm việc công, tại sao lại giết ngay? Năm xưa, cụ phó bảng Nguyễn Duy Hiệu khởi binh chống lại người Pháp và triều đình những mấy năm (phong trào Nghĩa hội Quảng Nam), ấy mà sau khi bị bắt cũng phải giải về kinh một thời gian mới định án xử quyết. Theo luật pháp nước Nam, người có khoa mục trừ phi làm giặc, ăn cướp, giết người thì không có phép bị tước sổ khoa mục, chớ đừng nói đến chuyện xử tử. Nếu thật tình mắc những tội trên cũng phải giải về kinh xét hỏi nhiều lần lấy chứng cứ xác thực rồi tâu lên vua định án. Thế mà Phạm Ngọc Quát lấy tay che trời. Cũng theo luật pháp nước Nam, hễ gặp án nặng bị chém bêu đầu một vài ngày rồi cho người nhà lãnh về chôn, còn không thì cho lãnh ngay. Đằng này, giáo thọ tiến sĩ Trần Quý Cáp chẳng có tội gì lại bị chém ngay và giấu xác không cho người nhà nhận lãnh. Đúng là mọi rợ hơn cả mọi rợ. Tại sao? Phan Châu Trinh cho rằng, Bố chánh tỉnh Khánh Hòa Phạm Ngọc Quát là người xảo trá, tàn nhẫn. Đường quan chậm trễ, khao khát được thăng. Nghe quan Toàn quyền Beau sức dân lập trường học cho nhiều và cho các tỉnh lập hội buôn, y ta nhanh trí lập công, giao cho Trần Quý Cáp đang làm giáo thọ khuyên dân dựng nhà học, lập hội buôn. Bản thân y ta cũng chung cổ phần vào hội buôn Bình Thuận và tính xuất tiền lập hội buôn, hội nông… Đến khi nghe dân tỉnh Quảng Nam xin xâu, những người trong các hội buôn, hội học, hội nông… bị bắt, y ta hốt hoảng sợ không khéo vì việc ấy mà mất chức nên giết ngay Trần Qúy Cáp vừa lập công vừa thoát thân. Không phải Phạm Ngọc Quát không biết luật pháp Nam triều, nhưng y nghĩ một khi giải Trần Qúy Cáp về kinh thì sẽ lộ ra việc y chỉ đạo lập ra các hội ấy, không khéo cái đầu khó mà giữ vững chứ đừng nói đến cái chức quan nho nhỏ ấy. Giết người bịt miệng là thượng sách. Và vì thế, y ta sẵn sàng giết Trần Qúy Cáp. Phan Châu Trinh phân tích động cơ rồi dẫn chứng rằng, sau khi giết Trần Quý Cáp, Phạm Ngọc Quát được thăng làm Tuần vũ Hà Tĩnh. Phan Châu Trinh kể tiếp tình hình nhiễu lụy oan thảm ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Thừa Thiên, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá và thảm trạng đi đày của các thân sĩ Hà Tĩnh, Nghệ An mà ông được nghe kể ở Côn Lôn. Thân sĩ của hai tỉnh này giao cho quan binh áp giải, trói cả chân tay không cho cựa quậy, lấy trành khiêng xuống tàu thủy rồi cũng không mở dây trói, sắp hàng trên boong tàu, mưa gió ướt lạnh cũng không chịu dời anh em đi chỗ khác. Nói chung, anh em bị đối xử tệ hơn cả đối xử với súc vật trước khi giết thịt. Viết xong, Phan Châu Trinh chưa đưa cho anh em vội mà để đó, vài hôm sau đọc tới đọc lui nhiều lần, sửa từng chữ, từng ý. Khi khá bằng lòng, Phan Châu Trinh dịch ra tiếng Việt đưa cho Julles Roux. Phan Châu Trinh cũng đưa một bản cho Phan Văn Trường, hiện đang làm trạng sư tại Pháp. Phan Văn Trường đọc xong, nói: - Đúng là văn của bậc đại khoa và là người trong cuộc mới viết được như vậy, chứ như tôi dù chữ có thấm ra da cũng chịu. Phan Châu Trinh buồn buồn, nói: - Khi tôi xin qua đây là muốn dựa vào hội nhân quyền để tìm tự do cho anh em đang bị giam cầm, chứ lòng không muốn chút nào. Người Pháp họ cũng mong giữ tôi ở bên này coi như một cách "đày khéo". Do vậy, tôi cố sức mình làm được những gì cần phải làm. Khi có điều kiện tôi sẽ trở về tiếp tục diễn thuyết, tiếp tục khuấy động phong trào khai trí quốc dân. Một khi mình có hiểu biết thì mới dám ngồi nói chuyện ngang hàng với người ta được, chứ ngu muội thì luôn bị người ta lừa phỉnh và luôn lấy làm sung sướng khi được làm tôi mọi cho người. Cái học ngàn đời của ta là thế. Thấy Phan Văn Trường hơi ngớ người vì ý kiến khá lạ của ông, ông nói tiếp: - Cái đầu của Khổng Minh, Bàng Thống hơn cả triệu lần cái đầu của Lưu Bị, ấy mà rất lấy làm sung sướng làm mọi cho Lưu Bị. Đời trước đó thì có Trương Lương với Lưu Bang, Phạm Tăng với Hạng Võ, và rất nhiều người trí thức khác, ngay cả ông thánh của bọn sĩ phu chúng tôi là Khổng tử cũng muốn được làm mọi cho người ta vẫn không được. Ấy mà hết lớp người này tới lớp người khác suốt ngày "tử viết… tử viết…". Phan Văn Trường trầm ngâm một lúc rồi nói: - Lớp người khoa bảng như các anh mà nghĩ được vậy, làm được vậy, tôi cho là hồng phúc của dân tộc chúng ta. Tôi tin một ngày nào đó, ước nguyện của các anh sẽ thành hiện thực. Phan Châu Trinh thở dài: - Tôi cũng tin và mong như vậy, nhất là khi có những người như anh ủng hộ. Hai người tiếp tục nói chuyện tình hình trong và ngoài nước qua báo chí mà Phan Văn Trường đọc được và cùng thấy rằng nếu hai nguồn tri thức đông tây phối hợp nhịp nhàng thì nước Việt Nam sẽ bằng chị bằng em chứ không tủi hổ như bây giờ. Phan Văn Trường rất qúy trọng vị phó bảng chỉ lớn hơn mình vài ba tuổi này. Xuất thân từ cửa Khổng sân Trình mà tư tưởng khá khác người, nhìn vấn đề không chút nào hời hợt. Thật lòng, trước đây ông có coi thường những người chỉ biết cắm cúi học nhão mấy cuốn sách giáo khoa cũ mềm đã có từ hàng ngàn năm để tìm mũ cao áo rộng. Từ khi báo chí nói nhiều về vị phó bảng này và sau mấy lần nói chuyện, Phan Văn Trường rất quan tâm đến chuyện nước nhà và qúy trọng Phan Châu Trinh. Ông nói: - Tôi hoàn toàn đồng ý với việc nâng cao dân trí của anh. Khi dân trí đã cao thì dân mình mới xóa dần được tính khôn vặt. Thôi cho rằng, chính cái tính khôn vặt ấy sẽ làm cản bước tiến của dân tộc dù chúng ta có giành được nước, giữ được cương thổ. Phan Châu Trinh mỉm cười, đưa tay vê vê mấy sợi râu mép. - Đó là cái hại của sách vở Trung Hoa truyền sang ta từ ngàn đời qua. Ở xứ ta từ vua quan cho đến thường dân không ai chịu nhận lỗi khi làm sai. Họ sẽ chờ một dịp thuận lợi nào đó với một vài cử chỉ, hành động nào đó được gọi là chuộc lỗi và coi như xong. Bởi sách vở ngàn đời đã dạy họ “Bế môn tư quá” (Đóng cửa suy gẫm lỗi lầm). Ai cũng thích làm quan, thích có chút chức sắc trong làng, nhưng không ai chịu khẳng định mình, mà cứ từ chối quanh co. Khi không đạt được ý nguyện thì chửi, thậm chí ghi sâu mối thù ấy trong lòng, đời mình trả không được thì dặn đời con; đời con trả không được thì dặn lại đời cháu… Và một khi được chút lợi quyền nào đấy thì hớn hở ra mặt, coi trời bằng vung. Biết đất trời to thiệt đó, song lúc ấy họ vẫn nghĩ đất trời quá chật. Phan Văn Trường nói thêm: - Trò chuyện với anh, tôi nghĩ ra thêm điều này. Với cái học ấy và đã hình thành nên nền văn hóa ấy thì khó nói đến bình đẳng. Vua đã là "con trời" thì ai ai cũng phải cúi lạy, nhất nhất nghe theo dù biết điều ấy không đúng. Quan là "cha mẹ dân" thì luôn luôn có những lời dạy bảo và con cái phải nghe, dù những lời dạy bảo ấy rất ư tào lao. Chồng cao hơn trời (chữ phu cao hơn chữ thiên) nên vợ phải phục tùng dù nó ngu dại hơn mình, v.v… Một dân tộc mà con người không được bình đẳng ngay từ trong nhà thì khó mà tiến bộ. - Tôi cũng đồng ý với anh. Nhưng lúc này vẫn còn nhiều người cho rằng tôi là kẻ phản thầy, tôn sùng Tây phương, nịnh bợ nước ngoài. Tôi hoàn toàn cảm thông bởi họ không chịu học, không chịu đọc tân thư, suốt ngày chỉ chúi mũi vào Khổng tử viết, Mạnh tử viết… Với tôi, sùng bái ở đây chẳng qua là học những ưu điểm của phương Tây, cụ thể là những ưu điểm của người Pháp - một dân tộc biết dấy lên phong trào Ánh sáng và biết làm cuộc Cách mạng 1789ï. Chẳng lẽ ngày nào đó người Pháp thi nhau uống thuốc phiện với dấm thanh tự tử hàng loạt, ta cũng nhắm mắt học theo hay sao? Bậy bạ hết sức! Tôi không muốn bạo động, mà muốn tự mình mạnh lên. Dân ta không tự ngoi lên được thì trong tương lai dân ta còn bị giết, bị chết một cách vô lối nhiều hơn nữa. Không nên trách cứ, oán thán ai cả, mà phải thấy được cái sai, cái yếu của mình thì mới có khả năng vươn lên được. Chúng ta phải có cái tiền đề là làm sao cho người ta tôn trọng mình và phải có khả năng tự hiểu mình. Đó là điều kiện tôi cần để dân tộc Annam tồn tại và phát triển. - Buổi trò chuyện hôm nay, tôi hiểu thêm anh và xin hứa với anh tôi sẽ cố gắng hết mình để cùng với anh và bạn bè của anh, chúng ta làm được cái gì đó cho dân cho nước, khỏi phí một đời. Nghe những lời tâm huyết của Phan Văn Trường, Phan Châu Trinh tưởng chừng như được chắp thêm cánh. Sát thân để thành nhân cũng là điều tốt, nhưng trong hoàn cảnh xã hội hiện thời, cả hai người không tán thành. Và Phan Châu Trinh cũng thấy rằng, bữa nói chuyện hôm nay thật bổ ích, giúp ông sáng thêm ra nhiều điều. Chú thích: (1) Phan Châu Trinh - Cuộc đời và tác phẩm, sđd, trg 306-307.