Vấn đề TCQ khó hay dễ học, mỗi người đều có quan điểm khác nhau. Một số người bảo rằng nó tương đối khó học ; nhất là trong giai đoạn mới bắt đầu, cái khó khăn nhiều khi khó diễn tả. Nhưng một số khác cho rằng, TCQ không khó khăn như vậy, tức là tuy có khó khăn nhưng vẫn có thể khắc phục được. Như đã nói trên, TCQ có phong cách và đặc điểm riêng, mà những đặc điểm này người ta ít khi gặp, hay thực hành trong sinh hoạt hàng ngày. Do đó khi họ làm những động tác của TCQ, họ thấy không quen thuộc. Chúng ta có thể cho vài thí dụ để làm sáng tỏ điểm này như sau: 1. Bình thường, khi ta tập những động tác thể dục thể thao, hơn phân nữa các động tác là vận động cục bộ, vận động theo đường thẳng. trong khi đó, mỗi động tác của TCQ là vận động toàn thân, vận động đường tròn ; cho nên người mới học, khi tập luyện, nếu chú ý tay trái thì lại quên mất tay phải, nếu chú ý hai tay thì lại quên mất hai chân. Chính vì phải chú ý đến toàn diện thân thể và lại thêm thực hiện động tác đường tròn nên mới sinh ra cảm tưởng khó khăn. 2. Lúc bình thường, ta đứng trên hai chân, trọng lượng của toàn thân do hai chân chia nhau gánh chịu, nhưng khi đi quyền, hai chân phải phân thanh hư thực (hư thực phân minh), thường là một chân đứng gập gối chịu đựng trọng lượng của toàn thân, còn chân kia biến thành hư bộ. Ðây cũng không phải là thói quen của người mới tập TCQ. 3. Bình thường chúng ta hít thở rất tự nhiên, không hề thấy khó khăn gì, nhưng trong khi luyện TCQ, hơi thở phải phối hợp đều đều với động tác. Ðiều này đối với người mới học cũng là khó. Thế nhưng, cần phải nói rõ là chẳng có gì lạ nếu người mới học gặp những khó khăn nêu trên trong thời gian luyện quyền, và về sau những khó khăn này sẽ từ từ biến mất. Làm thế nào giúp cho người mới học khắc phục khó khăn? Về mặt này, huấn luyện viên nên tùy học viên mà ấn định giáo trình và phương pháp chỉ dạy, và trong khi dạy quyền không nên nói một cách cưởng điệu hóa và khoa trương những khó khăn, để tránh cho học viên tránh khỏi tâm trạng lo lắng. Ðối với từng tư thức hoặc động tác, nên chia thành đoạn mà dạy, còn về việc kết hợp hô hấp với động tác, không nên đòi hỏi nhiều ở người học để làm tăng thêm lòng tin tưởng tập luyện của họ. Về phần người học TCQ, phải dốc lòng mà học tập, phải cẩn thận ghi nhớ mỗi động tác, mỗi tư thức và tập đi tập lại nhiều lần. Chớ nên mong mỏi thành công nhanh chóng hoặc nữa chừng thấy khó mà bỏ bê (bán đồ nhi phế). Cần nhớ là lúc mới học bao giờ cũng khó, nhưng sau giai đoạn nhập môn rồi, nắm được quy luật nguyên lý TCQ rồi, dần dần mới thể nghiệm được sự kỳ diệu của trạng thái viên hoạt khinh linh do môn quyền thuật này đem lại.