Còn nhớ năm nào bạn bè chưa ly tán, mỗi người chưa dạt đến chân trời góc biển, cứ mồng 5 tháng giêng Âm lịch chúng tôi thường tụ ở nhà tôi, uống rượu, bình thơ. Khách thơ của tôi là dăm ông lão vừa học chữ Nho vừa học chữ Pháp, mấy nhà văn tỉnh lẻ tiếng tăm nhiều hơn tác phẩm, vài ông giáo sùng văn chương hơn sùng tem phiếu, đặc biệt, còn có bà cụ Gái, một chữ cắn đôi không vỡ, nhưng Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, Lục Vân Tiên... thì thuộc nằm lòng...Vợ tôi lo đến trũng mắt. Tết vừa đi qua, như gió bấc cuốn sạch những món tiền cát bụi từ vài bài báo còm của tôi hóa thành... Rồi cũng đủ cả. Tươm quá! Ông Thanh mang tới một hũ sành rượu nút lá chuối, anh Trương, anh Trần, anh Nguyễn kẻ mang lạc rang, bánh đa, kẻ thủ theo gói Sừu Châu... bày chật cả chiếu trải trên nền lát gạch đỏ.Còn chưa quên Nguyễn vừa đọc thơ vừa khóc thương cho một người ăn mày hương đêm giao thừa, Trần đọc một truyện ngắn không thể ngắn hơn nửa giờ, mồ hôi túa ra ướt cả trán như khinh gió rét, Trường đứng lên, trợn mắt, phùng má diễn một trích đoạn hề chèo anh mới viết và tự dựng diễn đêm qua... Chờ chúng tôi lần lượt nhả ngọc phun châu cho đến khi thơ văn đã vãn, rượu đã làm hồng nhiều khuôn mặt hốc hác, bà cụ Gái mới chép miệng, bảo: "Chả bén gót các cụ ngày xưa! Một câu của cụ Tố Như cũng chả thấy bóng! Thôi, chào các bác, các ông, cháu về...". Nói là về, nhưng một lát sau, lọm cọm quay trở lại: "Cháu có cái này, gọi là góp để đưa cay...". Bà cụ thò ra một cái chân giò lợn luộc. "Treo trên xà nhà từ trong năm đấy. Mẹ nó luộc lại cho mềm. Ai chứ tôi thì chịu!", bà cười, thơ trẻ quá, chẳng còn chiếc răng nào trên lợi... Chỉ có thế mà cứ độ đông về, bạn bè đã nhắc nhau bài vở. Chuyển qua chuyển lại, đọc thuộc lòng trước cả thơ nhau. Nguyễn hay chơi trò bất ngờ, bài thơ anh viết lần đầu đưa cho bạn đọc, ai định đọc theo lúc anh cất giọng, hẳn sẽ chịu thua vì anh đã sửa nó thành một bài gần như mới hoàn toàn...Âấy là cái thuở hoa đào. Mới hơn mười năm nhìn lại đã thấy chóng mặt. Đôi lần trở về chốn cũ, tôi chỉ còn gặp lại giọng lẩy Kiều của bà cụ Gái, giọng ngâm sang sảng như tiếng đồng tiếng sắt của cụ đồ Lắm, âm thanh trầm bổng mượt mà của những câu thơ tiếng Pháp của ông giáo Nam... mang mang cùng gió bấc! Hồn họ thoảng bay trong trời đất và hình như đã phù hộ cho những trang viết của bọn trẻ chúng tôi. Ba anh em họ Trần là những nhà văn lớn nhỏ, Nguyễn tấp tểnh làm tiến sĩ văn chương, đến như các em út họ Đoàn, họ Phạm cũng đã in đến mấy chục bài thơ... Đời có nhớ họ không, tôi không biết! Nhưng tôi biết, dù đổi tên thay họ, thay lối viết này bằng lối khác, hay hoặc dở... tôi luôn nhận ra bạn xưa qua những trang văn. Thế là may lắm rồi! Tri âm liệu có mấy người?...Buổi bình văn năm nay đến bất chợt. Từ lâu, phần do bạn bè mỗi người một ngả, phần vì công việc liên miên, phần vì... bao nhiêu thứ không tiện nói ra đây, bình văn trong tôi đã thành một hoài niệm đẹp, một kỷ niệm về sự nhập tục trong thoát tục mà không phải ai trong đời cũng may mắn có được.Thực ra, chẳng có việc gì tình cờ. Năm ngoái, có lần tôi đưa anh Nguyễn Ngọc Ký đến Trường PTTH Nguyễn Trãi, những mong tấm gương vượt khó bằng một nghị lực phi thường của anh sẽ giúp ích được phần nào cho lớp học trò bé nhỏ hôm nay. Trong buổi trò chuyện tâm tình, học trò rất thích nghe anh Ký đọc thơ và ký tặng bàn chân vào những tập thơ đem theo phục vụ các em. Lần ấy, tôi cùng anh đi vào lớp, tôi bình ngắn gọn một vài bài thơ của anh. Trẻ con mê nhà thơ, thơ bán được đến vài trăm cuốn. Mồng 5 Tết, anh Ký nhờ Nguyễn Ngọc Nhưng, một giáo viên dạy văn mê thơ ở Gò Vấp, chở anh đến thăm tôi. Theo hẹn, một người bạn vong niên sau mười lăm năm trời cách biệt, một nhà thơ trẻ - kiêm luật sư, đến chơi. Vợ bạn tôi, chị Nguyễn Thị Hợp, hồi trẻ nổi tiếng hát chèo hay, ngâm thơ quyến rũ, mê thơ bạn tôi mà nên vợ nên chồng... Vợ tôi chợt nhìn vào xa xăm, nhắc: "Bây giờ có đủ mọi thứ, chỉ thiếu... thơ... Giá được như ngày xưa nữa, thì...".Tôi như bắt được cảm hứng xuân. Và, bằng lối dẫn dụ chân tình của một ông giáo, tôi đưa đẩy câu chuyện đời thường sang chuyện văn chương lúc nào không ai để ý. Vợ tôi cười, tỏ ý phục tài chồng...Thật không ngờ, anh bạn luật sư của tôi đọc thơ trước. Dặn con, thơ của ông cụ thân sinh anh mộc mạc, thấu tình, đạt lý. Chị Hợp ngâm bài Lời ru thầm anh viết ru chị cách nay đã mười mấy năm, thuở cháu Phương còn bé tí... Thơ nói về nỗi vui buồn, cay đắng, thủy chung. Thơ giãi lòng chồng thương vợ... Vốn mủi lòng, mắt anh Ký rơm rớm ướt. Tôi chưa kịp bình một lời nào, anh Ký đã bảo: "Bài ấy hình như viết cả cho mình. Nhiễu nhà tôi cũng đã là người nâng bổng hồn tôi như vậy...". Rồi bằng giọng thảng thốt, anh đọc cho chúng tôi nghe bài thơ viết về bàn tay người vợ ân tình, đảm việc nhà, chăm việc đời của anh... Như đọc được men thơ chắp cánh, Nguyễn Ngọc Nhưng chưa bao giờ làm thơ cũng hứng lên họa được mấy vần... Bữa ấy, tôi đã được bình những vần thơ bè bạn, có cảm giác như chưa bao giờ mình bình đúng ý, đẹp lời đến vậy! Vợ tôi lặng lẽ cười. Vì sung sướng! Sung sướng lắm! Vì lâu lắm rồi, nhà tôi ồn ào, tràn ngập tiếng cười reo của lũ trẻ. "Cả nhà hóa trẻ!", anh Ký bảo thế! Nghe mà thấy nao lòng! Thương mình, thương bạn - những đứa trẻ tóc đều đã điểm sương... Và nối nhau, anh Ký thì viết bằng chân, chúng tôi viết bằng tay một bài thơ mộc mạc:Ngọc Ký suốt đời kýThiền Tâm vẹn chữ tâmBình Bắc thao thức bắcNhưng nhưng mà không nhưng...Khách bịn rịn ra về... Bao giờ lại đến cuộc bình văn? Trong ánh điện giăng mắc phố, tôi đã thấy mai vàng nở rộ - trọn cả tháng ngày năm Bính Tý - sáng rỡ lên như mắt bạn...Thú bình văn, xuân này tôi gặp lại. Ước những mùa xuân có đủ cả khách văn thuở hoa đào và cả ở thuở hoa mai...