Ai trong đời cũng trải qua một thời thơ bé. Có lẽ ít đứa trẻ không thích được gặm chân gà trước khi mâm cỗ dành cho mọi người được bưng xuống. Tôi cũng vậy thôi. Nhưng tôi biết có hai cái chân gà không được vòi mẹ đưa cho bằng được. Nó gắn với một tập tục. Cũng như mọi tập tục, nguồn nước lọc ta đến trong suốt mà ta nào có hay, chuyện về hai cái chân gà này thấm vào tôi như mưa xuân thấm vào đất, rượu thấm vào lòng. Như một mảnh hồn dân tộc hiện ra qua một vật, một việc bình thường, bé nhỏ...Ơở nhà quê, hết ngày mồng ba, người ta thường làm cỗ và hóa vàng tiễn tổ tiên sau những ngày về ăn tết với cháu con. Bữa ấy, con cháu nhất thiết phải đủ mặt ở nhà người trưởng nam. Người có vai vế lớn nhất trong nhà thường được mời cầu khấn trước bàn thờ tiên tổ. Làm như vậy chẳng qua để tỏ lòng tôn kính người già. Có lần, tôi thắc mắc hỏi bố: "Bố ơi, sao ông trẻ còn ít tuổi thế mà vẫn được vái trước bố?". Bố tôi cười: "Ông ấy bề vai ông nội con. Bố còn gọi là chú kia mà?". "Thế bao giờ thì bố thay ông trẻ?". "Chẳng bao giờ. Vì ông trẻ chỉ bằng tuổi anh cả nhà ta...". Ông trẻ tôi khấn vái đã xong, với tay lấy hai cái đĩa nhỏ bên trái bàn thờ. Đó là hai cái chân gà của con gà trống giò mà bố tôi đã hóa kiếp vào đúng đêm ba mươi. Con gà luộc, đặt trên một đĩa xôi lớn. Bên trái phía ngoài đĩa xôi đặt hai cái chân gà, bên kia là ba nén nhang đặt nằm song song. Phần bàn chân gà quay ra ngoài, cùng chiều lửa đỏ của hương đang cháy hướng về phía trước. Tàn nhang cuộn tròn, khói nhang quấn quít. Những ngón chân gà luộc quắp lại... Âấy là may. Âấy là trời đất, tổ tiên đã nhận lòng thành. Âm đã gặp dương... Ông trẻ tôi đưa hai cái chân gà cho bố tôi, mắt ánh lên: "Anh coi kỹ mà xem, ngón nào cũng co, cũng chụm. Gân xanh, da trong, khô đều...". Bố tôi đưa hai tay đỡ lấy cặp chân gà. Xong, một tay ông thò vào túi áo, mở và đeo đôi mục kỉnh gọng đồi mồi để nhìn rõ hơn, chăm chú xem. Ông tán: "Âm dương hài hòa. Cháu con xum họp. Ăn nên làm ra. Ơ này...". Ông trẻ tôi giật mình thót người "Cái gì?". "Có một cái chân ngón cái hơi choãi. Các cụ có vẻ chưa bằng lòng...". Ông trẻ tôi và mọi người trầm ngâm hẳn xuống. Bố tôi vỗ vỗ vào trán. Ông là người thạo chữ Nho, cả họ đều nể vì. Ông bảo: "Điềm này phải gả chồng cho cô Tí...". Cô Tí tôi yêu chú Tuất đã sáu năm. Nhưng ông trẻ tôi thề sống thề chết không chịu gả. Ông trẻ nói cô chú ấy không hợp tuổi nhau... Việc ấy khiến cõi âm cũng động lòng vì tuổi tác nào có can hệ gì! Tôi nhớ giữa mùa xuân năm ấy, đám cưới cô chú tôi vui như hội. Chú Tuất cứ ôm lấy vai bố tôi mà khóc. Còn bố tôi, ông lặng lẽ cười... Sau này, khi tôi đã vào độ tuổi bốn mươi, bố tôi mới gọi riêng ra một chỗ và tiết lộ rằng: chính ông đã lấy một cái kim nhỏ thuôn vào ngón cái của cái chân gà kia. Ngón chân gà có cái kim khi đem luộc, không thể nào co lại được nữa... Làm trưởng nam, giữ việc coi chân gà, khó thế đấy! Tôi hiểu vì sao người xem chân gà phải trải đời. Thực ra chân gà nào luộc lên mà các ngón chẳng co khép lại, gân chẳng xanh, da chẳng trong? Điềm lành đã dành sẵn cho lời tán của người xem. Có muốn nói điều xấu, điều ác cũng không được. Cha ông ta bày ra tục lệ thâm sâu đến thế, thế thái nhân tình đến thế là cùng. Đừng tin là duy tâm! Tôi nghĩ vậy và luôn luôn tìm trong những cái bình thường ấy những vẻ đẹp khôn lường trước, nếu hời hợt và nông nổi, không thể nhận ra... Ví như cái ngón chân gà co lại sao lại được coi là tốt, bố tôi bảo: "Con gà bới đất kiếm ăn chỉ bằng ba ngón, nó chống lại kẻ thù thì nhờ thêm ngón cái và cựa sắc phía trên. Co ngón lại là tỏ sự hiến dâng. Co ngón lại cũng là báo bình yên...". "Còn đường gân xanh, da trong và khô?". "Là lòng thành đấy con ạ. Xanh và trong để dễ nhận. Khô để dễ gần...". Những cách suy luận ấy thiên biến vạn hóa, hướng về lẽ phải...". "Nó có hướng về người nghèo không bố?", tôi hỏi. Bố tôi trầm ngâm, không trả lời vào câu hỏi, mà chỉ dặn: "Con gà cúng đêm giao thừa, con nhớ mua gà giò, đừng béo quá. Nó vừa với túi tiền của tất cả mọi nhà!".