- Con để ý giùm mẹ, nhé Kim. Mẹ thấy con An dạo này nó lớn rồi đó. - Ương bướng như con nít ấy thôi. - Nít nôi gì nữa, nó phổng phao như thế, con xem xét bảo ban nó ăn mặc… - Con mà bảo được nó ư, có nó bảo con thì có. - Nói bậy mà nghe được, chị em với nhau liệu êm kẻo người ta cười cho. Mẹ bảo nó cũng được, nhưng đâu hay bằng chị. Với lại các cô bây giờ ăn mặc cũng khác đám già này ngày xưa. - Bọn nhóc bây giờ gớm lắm mẹ ơi, chúng đâu cần đợi bảo mới biết. - Cái gì cũng phải có lớp lang chứ. Cái gì hay bằng kẻ đi trước. - Sách vở của mẹ với của con trở thành lỗi thời rồi mẹ không biết sao? Bây giờ báo chí, phim ảnh, điện tử, điện toán ào ào, ba mươi giây chân mây góc biển nào cũng phơi bày hết, có gì phải là thầm kín như con với mẹ đâu. - Ừ, mẹ thấy cỏn con như cái tivi là phương tiện truyền thông đại chúng cũng chẳng thiếu sự gì, chuyện gì cũng có thể nói oang oang được, thật nghe mà bắt ngượng. Mẹ nhớ hồi còn đi dạy có lần họp ban giáo viên cả thầy lẫn cô, mẹ nhắc nhở cá cô không nên mặt áo dài xẻ eo cao đi dạy, ấy thế mà bị các cô lên án: chuyện riêng phụ nữa sao lại nói trước cả phái nam. Bây giờ, cả con nít cũng được nghe đủ mọi chuyện. - Ðó là mẹ chưa quan tâm tới sách báo đó thôi, còn lắm chuyện chóng cả mặt. - Ðành rằng thế. Nhưng là phương tiện truyền thông đại chúng thì phải nhớ rằng trẻ con bao giờ cũng đông gấp đôi ba lần người lớn. - Mẹ đúng là nhà sư phạm, dù là cựu sư phạm. Nhưng mẹ có biết rằng thế giới ngày nay đã tiến đến mức nào không? Ai lại dễ để mang tiếng mình bị lạc hậu. - Tiến tới đâu thì tiến, đừng đi tắt. Trừ khoa học ra, vấn đề nhân văn, nhân sinh hay cái gì gì đi nữa thì cũng phải có trình tự, lớp lang. Cái kệch cỡm của kẻ bắt chước là bao giờ cũng muốn hơn người ta nên sinh ra còn lố lăng hơn cả cái “văn minh” mình đeo đuổi. - Bữa nay me định cho con ăn món gì thế? - Chẳng có gì khác. Mẹ vẫn chỉ mốn nhắc con xem chừng nhỏ An giùm mẹ. - Từ ngày có chiếc xe đạp cô ta quậy lắm phải không mẹ? - Ừa, chẳng chiều nào chịu ở nhà. Mà đứa nào sửa xe đạp cho nó vậy? - Thằng Quân. - Quân là thằng nào? - Cái cậu hay rủ nó đi chơi đánh cầu ấy. - À, thằng nhỏ ấy trông lễ phép. Nhưng còn con nhỏ tóc xè lông nhím nào hay tới tìm nó thế? - Ôi, con nhỏ linh tinh lắm, con hết biết. Ðám bạn ở trường nó đâu có đứa nào như vậy. - Ðộ rày nó hay nhắc mẹ may quần áo. Con xem quần áo nó cũn cỡn cả rồi, cần gì cứ cho mẹ biết, chị em chỉ bảo nhau. Chị Kim thở dài thậm thượt: - Mẹ biết không, nó bảo nó thích mặc quần xà lỏn ở nhà. - Sao lại quần xà lỏn? - À, quên quần short. Nó nói đỡ tốn vải lại còn mát. - Còn nhỏ nhít thì ở nhà mặc gì chả được. - Con đồng ý ở tuổi nó ăn mặc vậy cũng dễ thương. Nhưng còn bạn bè của con. Mẹ nghĩ coi, bạn trai con tới nhà mà nó cứ cái váy đeo cũn cỡn đi tới đi lui trông xốn con mắt quá. Ậm ừ, rồi mẹ hỏi: - Còn cái anh chàng Thức với con độ này ra sao vậy? - Chẳng sao cả. - Chẳng sao là thế nào? Mẹ thấy nó vẫn hay tới tìm con. - Có hay không thì cũng thế thôi. - Nói chi lạ vậy. mẹ thấy anh ta cũng quý hai chị em lắm mà. - Quý hoá gì, chị Kim dằn giọng, bao giờ gặp mặt con phải nói thẳng với hắn ta mới được. - Thú thiệt, mẹ chẳng hiểu tụi bay thế nào cả. An làm như không nghe gì trong câu chuyện giữa mẹ và chị Kim, lẳng lặng lên lầu, về phòng. Cắm cúi trên trang vở An vờ như rất chăm khi chị Kim bước vào. Thực sự thì bài vở cũng chả có gì ngoài vài “hằng đẳng thức quang trọng” nhưng cũng chẳng quan trọng lắm. Còn những bài khác An chỉ việc lướt qua và bằng phương pháp “ôn bài chéo góc”, An kéo hai đường thẳng xuyên suốt là đủ đầu bài đến cuối bài. - Học kỳ rồi em suýt trúng học sinh tiên tiến chị Kim ạ. - Trường mi xổ số à? - Ðâu có, em sẩy mất mấy điểm môn Hóa. Coi như có phiếu khen an ủi. - Thôi, đừng khoe. - Em chẳng khoe. Nhưng em học cũng chẳng đến nỗi tệ. - Học chỉ lấy làm đủ, làm xong cũng là một cách học… qua sông. - Qua sông không đắm đò cũng tốt chán chị ơi. Con gái mà. - Cái gì cũng muốn ngang tầm với nam nhi, còn học thì lại phân biệt. - Ừa hén, em quên mất. Nhưng tụi bạn em bảo “sắc đẹp với học giỏi không ngồi chung một bàn” phải không chị Kim? - Các cô nào nấu chiên luộc tục ngữ như món ăn kiểu đó khó ngửi quá. - Ðúng quá đi ấy chứ. Chỉ có các cô không ai thèm nhìn tới mới … nhìn sách vở cho đỡ tủi. - Bỏ cái quan niệm ấy đi nghe nhỏ. Bộ các nữ danh nhân thế giới đều như lọ lem tất cả chắc? - Em không dám chắc. Nhưng các nữ cầu thủ bóng chuyền, bóng rổ vẫn khó kén chồng. - Mi du nhập “tư tưởng lớn” hơi sớm đấy nhỏ ạ. Những đứa trẻ viết sớm mọi chuyện chẳng tốt lành gì đâu. Ta tiếc cho nhỏ Hà. - Ðáng hãnh diện lắm chứ, trúng tuyển xuất sắc cuộc thi diễn viên điện ảnh trẻ thành phố, chị Hà làm nức lòng học sinh toàn trường. - Rồi bỏ học ngang phải không? - Chị ấy đã có sằn tư tưởng bỏ học từ lâu. Nay có lý do chính đáng. - Ừa, chính đáng lắm. - Chị xem dễ gì có một cơ hội làm diễn viên điện ảnh như thế. - Chuông khánh kia còn chẳng ăn ai … Ðừng tưởng bở. Ðó chỉ là trò chơi của các đạo diễn và bọn hùa theo kiếm chác. - Chị lười vỗ tay quá, chị Kim ạ. Cũng tại chị hay thích đứng sau hậu trường. - Nói thì nói thế chứ, chuyện thiên hạ hơi đâu chỉa mũi vô. Nhưng hình như mi thích tới lui nhà ấy lắm phải không? - Bình thường thôi. - Nhà được cái chú Quân ấy coi bộ được. - “Củi tre dễ nấu, người xấu dễ sai, đẹp trai khó khiến” mà chị. - Nó mà xấu trai à? - Cù lần. - Thôi đi cô. Tôi nói cho cô biết: bạn bè vừa phải thôi. Giao tiếp với bọn con trai ít chứ, lớn rồi chứ không phải nít nôi nữa. - Bạn là bạn. Trai gái cũng thế thôi. - Tự nhiên được thế là tốt. Ðừng có bày đặt nhí nhố mà chơi trò “kết mô-đen” này nọ, không hay đâu. - Chị thiệt mâu thuẩn. Mới đó nói không còn nít nôi giờ lại nói nhí nhố. - Ừa, cái rắc rối của các cô các cậu là như thế đó. Cả hai chị em cùng cười và hầu như chẳng ai muốn giải thích cái điều mình đang nghĩ. Hay người ta vẫn cứ nghĩ mà chẳng bao giờ xong như thường nói, chẳng có vấn đề chi cả. - Chị Kim nè, An muốn rườm rà chuyện với chị, chị mà chụp hình nghiêng đẹp lắm đó. - … - Anh Thức nói vậy. Anh ấy nhắn em hôm nào mời chị đi công viên chụp hình. - Thôi, cảm ơn. - Hình đẹp có thể in lịch. - Tôi không phải là tài tử. - Mời tài tử, diễn viên đi chụp hình phải kèm phong bì dày cộp đấy chị ơi. - Dĩ nhiên. Nghề nào nghiệp ấy. Nai tơ đừng xớ rớ vô rừng già rừng rậm. - Chị nhìn đâu cũng thấy thú dữ. Em nói thế với anh Thức nhé. - Cứ nói nguyên văn: Coi chừng thú dữ. - Chị tàn nhẫn quá. - Cứ cho là như thế đi. Nhưng tôi cũng lưu ý cô … Nhìn sang An, đôi mắt tròn xoe chờ đợi, chị Kim bỏ lửng câu nói: - … À, nhưng mà thôi. Ðiện thoại của anh ta số mấy nhỉ? - Em có đưa cho chị rồi mà. Chị cần gì anh ấy nữa? - Chả cần gì cả. Chỉ có một điều muốn nhắn với hắn ta. - Em biết, An khẽ liếc chị cười nụ nhỏ, em biết trái tim chị đã … lập nghiệp ở đâu rồi. Thấy chị Kim yên lặng. An nghĩ chị đã … trúng thương, tấn công tiếp: - Chị long trọng tuyên bố đi, chị Kim. - Chi vậy? - Dù sao cũng phải đăng ký mẫu mã chất lượng để độc quyền chứ! - Ðừng nhảm. - Em mong rằng mình nhảm để khỏi mất phần chocolate của em. - Mi nhận của người ta sao? - Ðều đều. Một lối hối lộ dễ thương. - Dẹp mi đi, An ạ. Bỗng dưng chị Kim nhìn An, cái nhìn lạ lùng xuyên thẳng khiến An phải lúng túng, bỡ ngỡ: - Có gì đâu những miếng kẹo mà chị quan trọng vậy, chị Kim? - Từ nay tao không muốn cái anh chàng ấy có mặt ở nhà này nữa. - Chị không muốn gặp anh ấy thì thôi. - Cả mi nữa. Chị Kim gằn giọng. Có điều gì vô lý ở đây mà An chưa hiểu. Dù sao anh Thức vẫn luôn đàng hoàng, lịch sự. Có gì phải đáng trách? An tính lên tiếng bênh vực nhưng nghĩ lại chị Kim đâu cần biết điều ấy, nên thôi. - Tao nói vì bổn phận. Mẹ nhắc ta phải xem chừng mi. Lớn lên rồi mi hiểu. Có cái gì không ổn rồi đây. An lan man nghĩ ở đầu giấc ngủ. Dù sao cũng phải cho anh Thức biết tất cả.