Năm lên chín tuổi, tôi cần kiếm tiền túi nên hỏi ông Miceli - đại lý của tờ báo Herald-American, sống ở gần nhà tôi - xem thử tôi có giao báo ngoài giờ đi học được không. Ông Miceli nói nếu tôi có chiếc xe đạp, ông ấy sẽ đồng ý. Lúc đó ba tôi đang làm tới bốn công việc lận. Vào ban ngày, ông lắp đặt bảng hiệu bằng đèn neon tại một cửa hiệu trang trí. Sau đó, ông đi giao hoa tận nhà khách hàng cho tới tám giờ tối. Rồi ông lái xe taxi tới tận nửa đêm. Vào ngày cuối tuần, ông gõ cửa từng nhà để bán bảo hiểm. Ông mua cho tôi một chiếc xe đạp cũ, nhưng ngay sau đó, ông phải nhập viện vì bệnh viêm phổi và chưa có dịp nào tập tôi chạy xe. Nhưng ông Miceli không yêu cầu xem tôi chạy xe. Ông ấy chỉ yêu cầu thấy chiếc xe. Thế là tôi dắt nó tới gara của ông ấy, để ông ấy nhìn nó một cái, rồi tôi được nhận công việc giao báo. Ngày đầu tiên, tôi quàng cái túi vải đựng đầy những tờ báo cuộn tròn lên tay lái rồi dắt chiếc xe đi dọc lề đường. Nhưng việc đẩy môt chiếc xe đựng đầy báo không phải là việc dễ dàng. Vài ngày sau, tôi dựng chiếc xe ở nhà, và mượn chiếc xe đẩy hàng bằng kim loại của mẹ tôi. Cần phải khéo tay mới có thể giao báo bằng xe đạp được. Mỗi tờ báo tôi chỉ được phép ném một lần, nếu quăng tờ báo lên hàng hiên mà quăng hụt hoặc quăng thấp quá, thì thật là tệ hại. Thế nên tôi để chiếc xe đẩy của mẹ nơi lề đường và đem từng tờ báo bên trong khung cửa lưới của mội ngôi nhà. Nếu là tòa nhà tập thể, thì tôi quăng báo vào các hành lang. Gặp lúc mưa rào hoặc tuyết rơi, tôi mượn áo mưa của ba, trùm kín chiếc xe đẩy để giữ cho báo được khô ráo. Dĩ nhiên giao báo bằng chiếc xe đẩy mất thời gian hơn giao báo bằng xe đạp, nhưng tôi chẳng ngại điều đó. Tôi có dịp gặp gỡ mọi người trong khu vực nhà tôi, những người lao động nói tiếng Ý, tiếng Đức hoặc tiếng Ba Lan. Họ đều tử tế với tôi - mỗi người theo một kiểu khác nhau. Trê đường giao báo, nếu tôi nhìn thấy điều gì hay hay, thí dụ như một con chó mẹ với bầy chó con hoặc một cầu vồng nhiều sắc màu, tôi có thể dừng lại để xem. Khi ba tôi xuất viện, ông tiếp tục công việc ban ngày, nhưng vì ông còn quá yếu sức nên đành phải bỏ hết những công việc kia. Bây giờ thì gia đình tôi cần từng xu một để trả tiền các chi phí, nên ba mẹ quyết định bán chiếc xe đạp đi. Vì toi6 vẫn chưa biết cách cưỡi xe, tôi chẳng hề lên tiếng phản đối. Hẳng ông Miceli biết chuyện tôi không sử dụng chiếc xe đạp, nhưng ông ấy chẳng nó gì với tôi cả. Thật ra, ít khi ông ấy nói chuyện với đám trẻ giao báo chúng tôi, trừ phi ông cần la rầy chúng tôi vì quên giao báo cho một khách hàng nào đó hoặc vì quăng báo xuống một vũng nước... Trong vòng tám tháng, tôi nâng số người đăng ký báo từ ba mươi sáu lên năm mươi chín - phần lớn là do các khách hàng giới thiệu tôi với hàng xóm của họ. Đôi khi cũng có người chặn tôi giữa đường, bảo tôi ghi tên họ vào danh sách giao báo. Mỗi tối thứ Năm tôi đều đi gom tiền báo, và vì hần hết khách hàng đều đưa dư chút đỉnh, nên chẳng bao lâu tôi có thể kiếm được số tiền "boa" nhiều bằng số tiền mà ông Miceli trả cho tôi. Điều này rất hay, vì ba tôi vẫn chưa thể làm thêm ngoài giờ nên tôi phải đưa cho mẹ hết số tiền công. Vào buổi tối thứ Năm trước ngày Giáng Sinh, tôi nhấn chuông cửa ngôi nhà người khách hàng đầu tiên. Mặc dù trong nhà sáng đèn, không ai đi ra mở cửa nên tôi sang ngôi nhà kế tiếp. Cũng không ai trả lời. Chuyện xảy ra y hệt như vậy với ngôi nhà thứ ba, thứ tư... Chẳng bao lâu, tôi đã tới hầu hết các khách hàng đăng ký báo của tôi, nhưng không một ai có mặt ở nhà. Trong lòng tôi lo lắng lắm; bởi mỗi thứ Sáu tôi phải đi nộp tiền báo cho ông Miceli rồi! Dù chỉ còn vài hôm là Giáng Sinh, tôi không tin mọi người lại rủ nhau đi mua sắm cùng một lúc. Tới ngôi nhà cuối cùng là nhà của gia đình Gordon, tôi mừng rỡ vô cùng khi nghe tiếng nhạc và tiếng cười nói vọng ra. Tôi liền nhấn chuông. Cánh cửa bật mở ngay lập tức và hầu như ông Gordon lôi sềnh sệch tôi vào bên trong. Chen chúc trong gia hòng khách của ông ấy là năm mươi chín người khách hàng của tôi. Và ở giữa gian phòng và chiếc xe đạp hiệu Schwinn mới toanh. Chiếc xe đạp màu đỏ ửng của kẹo táo, nó có cái đèn pha chạy bằng đy-na-mô và có cả chuông leng keng. Một cái túi vải căng phồng lên với các phong thư đủ màu được quàng nơi ghi đông xe. Bà Gordon nói: - Đây là món quà tặng cháu. Tất cả chúng tôi đều hùn vào đó. Trong mỗi chiếc phong thư đựng một thiệp mừng Giáng Sinh, kèm theo số tiền đăng ký báo hàng tuần. Hầu như ai cũng tính dư thêm dăm bảy xu cho tôi. Tôi cảm thấy mình cứ đứng đờ người ra đó, không biết phải nói gì. Cuối cùng, một phụ nữ yêu cầu tất cả im lặng và bà ấy dịu dàng dẫn tôi tới giữa phòng. Bà ấy nói với tôi: - Cháu là người giao báo giỏi nhất mà chúng tôi từng biết. Cháu chưa hề giao báo thiếu một ngày nào, và chưa hề để báo ướt một tờ nào. Tất cả chúng tôi đền nhìn thấy cháu đi giữa trời mưa hoặc giữa cơn tuyết, với chiếc xe đẩy nhỏ bé. Bởi thế, chúng tôi nghĩ cháu cần phải có một chiếc xe đạp. Tôi chỉ có thể thốt ra hai chữ "cảm ơn" Và tôi cứ nói đi nói lại hai chữ đó mãi. Về tới nhà, tôi đếm được hơn môt trăm đô la tiền "boa" - nó khiến tôi trở thành người hùng của gia đình và nó làm cho cả nhà có được một mùa nghỉ lễ thật tuyệt vời. Hẳn có ai đó đã gọi điện và kể cho ông Miceli biết, nên hôm sau, khi tôi tới gara của ông ây để lấy báo, tôi thấy ông ấy đang đứng đợi tôi ở bên ngoài cửa. Ông nói với tôi: - Ngày mai, lúc mười giờ, chú mày mang chiếc xe đạp mới lại đây. Ta sẽ tập cho chú mày cưỡi xe đạp. Và tôi làm đúng điều ông Miceli bảo. Trong ngày Giáng Sinh năm đó, các khách hàng của tôi còn cho tôi thêm một món quà nữa: Đó là bài học về lòng tự hào ngay cả với công việc hèn kém của mình - một món quà Giáng Sinh mà tôi cố gắng sử dụng thường xuyên, mỗi khi tôi nhớ tới lòng tốt mà mọi người đã tặng cho tôi. Marvin J.Wolf