THIÊN THỨ BA
CÁC CHẾ ĐỘ VỀ VIỆC HỌC THI
Chương thứ Bảy
Việc dùng chữ Nho làm quốc gia văn tự
Cách tổ chức việc học.

1. Việc dùng chữ Nho làm quốc gia văn tự
Dân tộc ta, trước khi nội thuộc nước Tàu có thứ chữ riêng để viết tiếng ta hay không? Đó là một vấn đề hiện nay không thể giải quyết được, vì không có di tích, tài liệu mà khảo cứu.
Duy từ khi nước ta tự chủ (939) cho đến khi nước Pháp sang bảo hộ, thì trong khoảng hơn chín thế thể kỷ ấy, triều đình vẫn lấy chữ Nho làm quốc gia văn tự: các luật lệ, dụ chỉ của nhà vua, công văn, án từ của các quan, việc học, việc thi, đều dùng chữ Nho cả. Trong dân gian, các khế ước, chúc thư, khoán lệ, sổ sách cũng dùng chữ nho.
Chỉ có hồi đức Nguyễn Ánh còn xưng vương, chưa bình định xong Nam Bắc, là có dùng tiếng Nôm làm các dụ sắc và công văn, vì bấy giờ trong nước loạn lạc, việc học, việc thi chữ nho khoáng phế đã lâu, không có người văn học để dùng; vả các tướng tá, quân nhân cũng ít người biết chữ nên phải dùng tiếng Nôm cho tiện. Hiện nay còn truyền lại một tập công văn viết bằng tiếng Nôm về hồi ấy (Xem bài đọc số 1)
Vậy ta phải xét cách tổ chức việc chọc chữ nho ở nước ta trong các triều vua thế nào.
2) Cách tổ chức việc học chữ Nho
Xét về vấn đề này, ta có thể phân biệt ra hai thời kỳ:
Việc học chữ Nho trong các triều Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý sơ (từ đầu thế kỷ thứ X đến giữa thế kỷ thứ XI)- Mấy triều Ngô, Đinh và Tiền Lê, phần vì ngắn ngủi, phần vì các vua còn phải lo việc chống nhau với nước Tàu để làm cho nền tự chủ được vững, nên chưa có thì giờ tổ chức việc học chữ Nho. Trong thời kỳ ấy, việc dạy chữ Nho phần nhiều do các nhà sư đảm nhận, vì Phật giáo bâý giờ đương thịnh và các vị sư đều thâm Hán học cả. Xem như năm 986 (Thiên Phúc thứ 7), có xứ nhà Tống sang, vua Lê Đại Hành sai ông sư Đỗ PHáp Thuận đi đón, lại sai ông sư Ngô Chân Lưu làm bài từ để tiển sứ Taù; lại xen như Sử chép vua Lý Thái Tổ thuở nhỏ học ông Sư Vạn Hạnh thì đủ biết các vị sư bấy giờ nhiêù người giỏi chữ Nho và dự một phần lớn trong việc truyền bá Hán học.
Việc học chữ Nho trong các triều Lý, Trnần, Kê, Nguyễn (từ giữa thế kỷ thứ XI đến cuối thế kỷ XX) – Trong thời kỳ này, việc học chữ Nho đã được triều đình tổ chức để các sỹ phu có nơi học tập.
A) Lý- Năm 1070, vua Lý Thánh Tôn dựng văn miếu ở Thăng Long (nay là văn miếu Hà Nội để thờ đức Khổng tử và các vị tiên hiền,tỏ ra rằng nhà vua tôn sùng Nho giáo. Ngài lại sai Hoàng tử đến học ở đấy.
Năm 1076, vua Lý Nhân Tôn đặt ra Quốc Tử giám chọn các quan có văn học bổ vào đấy coi việc giảng dạy.
B) Trần- Năm 1236, vua Trần Thánh Tôn đặt ra Để điệu Quốc tử viện để cho con em các quan văn vào đấy học. Năm 1243, ngài sai làm lại Quốc tử giám. Năm 1252, ngài cho con thường dân người nào tuấn tú được theo học với con các quan ở Quốc tử giám.
Năm 1253, ngài lập Quốc học viện để giảng Tứ thu, Ngũ kinh.
Năm 1237, về đời vưa Trần Thuận Tôn, Hồ Qúi Ly thấy việc học trong nước, trừ kinh đô ra, còn ngoài chưa hề tổ chức, bèn hạ lệnh đặt ở các lộ, phủ, châu các học quan coi việc dạy dỗ và cấp ruộng cho các viên ấy.
C)Lê – Vua Lê Thái tổ, sau khi ngài lên ngôi, liền lưu ý đến việc học. Năm 1428, ngài lập Quốc tử giám ở kinh đô để dạy con cháu các quan và các người tuấn tú trong dân gian; còn ở ngoại thì đặt nhà Lộ học chọn con em các lương gia trong dân sung làm Lộ hiệu sinh và bổ thày để dạy dỗ.
Năm 1483. vua Lê Thánh tôn mở rộng thêm nhà Thái học (tức là Quốc tử giám), làm các phòng cho các sinh viên ở và kho Bí thư để chứa sách.
Sau khi nhà Lê trung hưng, thì việc cũng phỏng theo đời Tiền Lê. Ở Quốc tử giám thì đặt quan tế tửu và quan tư nghiệp để làm giảng quan, mỗi tháng một lần tiểu tập, ba tháng một lần đại tập. Năm 1734, đời vua Thuận Tôn, Trịnh Giang lại sai khắc in các sách Kinh Truyện phát ra mọi nơi để khỏi phải mua sách in ở bên Tàu.
D) Nguyễn. – Năm 1803, vua Gia Long dựng nhà Quốc học ở kinh đô (Huế). Ngài lại đặt chức đốc học ở các trấn, giáo thụ, huấn đạo ở các phủ, huyện để coi việc dạy học.
Năm 1821, vua Minh Mệnh đổi tên nhà Quốc học gọi là Quốc tử giám, dựng thêm một giảng đường, một Di luân đường cùng hai học xá ở bên tả, bên hữu. Năm 1826, lại dựng thêm học phòng bên tả, bên hữu mỗi bên mười chính gian để làm chỗ sinh viên học tập.
Cách học tập ở các trường công hồi xưa.-
Cách học tập ở các trường công ngày xưa thường tổ chức như sau:
A) Sự giảng sách.- Mỗi tháng định mấy kỳ giảng sách. Những hôm ấy, các học trò tề tựu ở học đường, rồi các quan đốc học, giáo huấn giảng nghĩa các kinh truyện cho học trò nghe.
B) Sự tập văn.- Mỗi tháng lại định những kỳ làm văn. Đến hôm ấy, các giáo quan ra đầu bài cho học trò đem về nhà làm; cũng có khi làm ở trường trong một ngày phải xong (cách ấy gọi là làm văn nhật khắc). Học trò làm xong văn nộp quyển; học quan, khi đã điểm duyệt xong, họp các sinh viên lại mà bình các quyển văn hay. Một đôi khi cũng phát ra những giải thưởng nữa (1)
Kết luận:- Trong cách tổ chức việc học ở nước ta hồi xưa. Triều đình chỉ chú trọng đến một trường đại học ở kinh đô và đặt các giáo chức ở lộ, phủ để cho các học trò lớn cố chỗ học tập mà dự khoa thi. Còn việc học ở dân gian như nay gọi là bậc “tiểu học” thì Triều đình không tổ chức, cứ để các tư gia đón thầy dạy lấy con cháu. Tuy vậy, việc học của bình dân cũng được phồ cập, vì các trường tư mở ra rất nhiều và các “ông đồ” trong có các bậc hưu quan, các nhà khoa mục, được người trong nước một lòng tôn trọng.
--
(1) Trên đây là nói về việc học chữ Hán ở nước ta trước khi nước Pháp can thiệp. Sau khi nước Pháp lấy xứ Nam kỳ (1892 và 1867) thì bãi việc học việc thi chữ Nho ở trong ấy mà tổ chức nền học Pháp Việt. Còn ở Trung, Bắc kỳ thì chính phủ bảo hộ trước vẫn để nguyên như cũ, sau mới thương lượng với Nam triều lập ra Hội đồng cải lương học vụ để sửa đổi lại phép học, phép thi. Ngày 31 tháng năm năm 1906, chính phủ ban hành một đạo vụ về việc ấy. Về phép học thì chia làm ba bậc: 1) Ấu học: dạy ở các trường tổng sư và lấy bằng tuyển sinh làm tốt nghiệp; 2) Tiểu học dạy ở các trường phủ, huyện (giáo thụ, huấn đạo) và các trường qui thức ở tỉnh lỵ, lấy bằng khoá sinh làm tốt nghiệp. 3) Trung học dạy ở các trường tỉnh (đốc học) để luyện học trò thi Hương. Chương trình học vẫn lấy chữ Nho làm gốc, nhưng có học thêm các khoa cách trí, sử ký, địa dư, toán pháp bằng chữ quốc ngữ và một ít chữ Pháp.

CÁC BÀI ĐỌC THÊM

1. Một đạo dụ viết bằng quốc văn về đời đức Nguyễn Ánh.
Lời dụ ban cho tướng sĩ trong khi duyệt binh ở Gia Định ngày 26 tháng ba năm Canh thân (1800)
“Cơn bát loạn chẳng lo sao đặng, năm sáu phen đăng định, dễ muốn chi qua giáp biền đê; hội trung hưng phải quyết mới xong, muốn nghìn dặm thu công, bao nỡ để sinh linh đồ thán.
“thời dĩ chí, khá rằng vội tưởng: cơ khá thừa, vậy phải sớm toan.
Ta nay: gặp hội trung vi, dựng nền tái tạo. Tám chín phủ gian sơn đồ sộ, đặng chỗ này lo chỗ khác, thù tổ tôn đâu dám nguôi lòng, mười ba thu tướng sĩ nhọc nhằn, đánh trận nọ qua trận kia, đạo thần tử trước đà gắng sức. Vậy năm ngoái thu thành Bình định, rất đỗi cần lao; tưởng năm nay nghỉ chốn Đồng nai, yên bề hưu tức. song liệu chừng thế nó, tướng phẫn binh tàn, hạ lăng, thượng phế, dù chẳng đánh cũng hư; nhân tính lại việc ta đồn quân, tích tướng, trữ súng, tăng thuyền, phải sắm thêm mới mạnh.
“Nên nỗi: theo đường phú liễn, nặng việc công sưu. Dân thời cung cống lương tiền, nhịn mặc, nhịn ăn, tật khổ ta đâu không rõ; quân thời tân cần chinh địch, gắng công gắng sức huân lao ta vốn không quên.
“Trước tuy nhật xúc kinh doanh, rày đã sẵn rồi chiến cụ. Cũng muốn dưỡng uy súc nhuệ, trời Gia định nghỉ nhơi cho khoẻ, ngõ chư hầu đều được lạc sinh; nào ngờ cùng khấu xương cuồng, lũy Bàn xà đến rấn vào vậy, bởi nghịctặc tư lai tống tử.
“Huống nó, em phản anh, tôi phản chúa, lại thêm ngoại viện tàng sư, trường thành thất hiểm, tai phần sào đã quyết từ nay; mà ta lương thì đủ, quân thì ròng, sẳn có tướng tài quy phụ, chư quốc liên binh, thế phà trúc chờ bao thuở nữa.
“Cứ ấy: vội vàng trục bắc, hăm hở bình tây. Trước là lo tôn xã mà phục thù, kẻo lăng tẩm một trời man mác; sau là bị thần dân mà tiếc phẫn, kẻo thương sanh khắp chốn than van. Cơ hội này ai nỡ đặng thôi; công danh ấy người âu phải gắng.
“Rày mới vui lòng sư lữ, mở tiệc cảo lao. Muốn cho đặng tấm lòng chung, tôn ti nhất thể; vậy phải phô bày lời thật, minh thệ tam quân. Quân thời nợ nước lo đền, khoán thiết thơ son đành tạc đó; quân thì thù trai dóc trả, cung dâu tên cỏ phỉ nguyện xưa (Liễn (những) người tiến kiến hướng minh, chót đã lập công, chớ đển Trần Bình riêng thuở Hán; những kẻ hậu lại qui thuận đều cho báo hiệu, mữa nhường Kính Đức ngợi đời Đường. Phép vô tư chẳng khuất một ai, dầu bộ khúc thiên ty, có công ắt thưởng ; quyền tất phạt không riêng nửa mảy, tuy huân thần qui thích, phạm tội nào dung. Trên dưới tua dọc chí cần vương; tướng hiệu cũng một lòng địch khái. Thành Quy nhơn chỉ bắc, đạp phá trùng vi: đô Thuận hóa rung cờ,dẹp yên đảng nguỵ. Công tru bạo gắng rôì một thuở, phúc thái bình đều hưởng nghìn năm. Ai tưởng câu chủ qui thần vinh mà phụng tại triều, quan ắt đặt tên đề trúc bạch, ai muốn chữ công thành thân tạo mà qui hưu tại dã, quân thời xá thuế lính chinh diêu. Trên đã bày lời, dưới tua tỏ ý.
“Khâm tai sắc dụ”
An Khê sao lục
(Nam phong tạp chí, t XIV số 80, Février 1924)
2) Vua Lê Thánh tôn sử lại nhà Thái học:
Lúc buổi đâù Quốc triều (tức là nhà Lê) nhà Thái học vẫn theo phép cũ của nhà Trần, qui chế còn nhiêù điều thiếu thốn. Đến khi ấy (tháng giêng năm Hồng Đức thứ 14, 1483), vua sai mở rộng ra; trước nhà Đại học, dựng điện Đại thành của văn miếu để thờ tiên thánh, đông vu, tây vu để chia thờ các bậc tiên hiền, tiên nho, điện Canh phục (thay đồ mặc) để làm chỗ túc trực, một kho chứa đồ tế và một buồng bếp. Đằng sau, dựng cửa nhà Thái học, Minh luân đường, Đông Tây giảng đường để dạy học trò. Lại đặt thêm kho Bí Thư để chứa các ván in sách. Phiá đông, phía tây đều có 3 dãy nhà ở có 3 hạng “xá sinh (2), mỗi dãy có 25 gian. Phía đông, phía tây đêù có một cái nhà bia. Qui mô thực là to tát rộng rãi.
Dương Quảng Hàm dịch
(Theo Khâm định Việt sử thông giám chương mục, q.23, tr.38b-39a)
--
(2) Xá sinh: Về đời vua Lê Thánh Tôn, các giám sinh ở Quốc tử giám họp lại thi. Ai trúng tam trường được sung “thượng xá sinh”, ai trúng nhị trường được sung “trung xá sinh, ai trúng nhất trường được sung “hạ xá sinh”, mỗi xá lấy 100 tên, tiền lương tháng thì thượng xá sinh được cấp một quan, trung xá sinh được 9 tiền, hạ xá sinh được 8 tiền (theo C.M 23, tr.39h-40a)
--

Các Tác Phẩm kê cứu

1) Nguyễn Bá Trác, Bàn về Hán học N.P, tvII số 40, tr. 324-336
2) Lê Thước, L’enseignement des caractères chinois, Ext. de la Revue Indochinoise; 1921, Hanoi, Imp. D’Extrème Orient.
3) Aurousseau. Le Temple de la littérature de Hanoi, Revue Indochinoise, nouvelle série; t.XX, juillet – Decebrre 1913, pp.1.12.
4) Quốc tử giám khảo, N.P,t.X.số 39, phần chữ Hán tr.172-176.