CHÚNG tôi đề nghị bác I-van Phli-a-ghin vui lòng kể lại chúng tôi nghe phần cuối cùng của thời gian này trong cuộc đời của bác. Bác vui vẻ nhận lời. Và đây là lời thuật lại chuyến "bỏ đi chơi" cuối cùng của bác. - Chúng tôi mua được ở trại ngựa một con ngựa cái non tên là Đi-đông, màu hung đỏ chen lẫn ánh vàng, đúng là loại ngựa dành cho sĩ quan. Con ngựa mới đẹp làm sao! Đầu nhỏ xinh xắn, mắt đẹp, lỗ mũi nhỏ và mở rộng dễ thở, bờm mềm mại bay phất phơ, ngực vuông, rất cân đối giữa hai vai, mông tròn, vó chắc nịch, nhanh nhẹn, gót chân màu trắng... Tóm lại nó đẹp đến nỗi bất cứ ai hiểu biết về ngựa đều phải trầm trồ thán phục. Tôi quý nó đến mức suốt ngày quanh quẩn dưới chuồng ngựa, chăm sóc cho nó. Để lau rửa cho nó tôi dùng một chiếc khăn trắng muốt, để không một hạt bụi nào còn vương trên lưng nó được. Chốc chốc tôi lại thơm lên trán nó, đúng vào chỗ xoáy của làn lông màu vàng óng. Lúc bấy giờ có hai chợ phiên cùng mở một lúc, tại thị trấn L. và tại thị trấn K. Thế là chúng tôi chia nhau, chủ tôi và tôi mỗi người đi một chợ phiên. Đột nhiên tôi nhận được thư của chủ tôi, bảo tôi cho người dắt một con ngựa và cả con Đi-đông nữa đến chỗ ngài. Tôi chưa rõ chủ tôi cần con ngựa ấy làm gì, con ngựa mà tôi vô cùng yêu quý. Tôi đoán, rất có thể ngài đã nhận lời bán nó cho ai, hoặc ngài đã đem nó ra đặt và đã thua bạc, mà khả năng sau xem chừng đúng hơn... Sau khi gửi con Đi-đông theo mấy người chăn dắt đi, tôi thấy tinh thần tôi rã rời và tôi lại thấy phải đi đâu cho khuây khỏa thêm nữa. Hoàn cảnh của tôi lúc này hơi khác thường. Các ông đã biết rằng, mỗi lần trước khi bỏ đi chơi cho khuây khoả, tôi đều báo trước ngài sĩ quan hoàng thân biết và trao lại cho ngài toàn bộ số tiền mà tôi đang giữ. Đồng thời tôi bảo "Tôi sẽ đi vắng trong độ ngần này ngày" Nhưng lúc này chủ tôi lại không có nhà. “Mình sẽ không uống rượu nữa - tôi nghĩ bụng. Bởi vì chủ mình đi vắng, không có ai trao lại số tiền lúc này khá tròn: hơn năm ngàn rúp". Tôi quyết định nhịn. Tôi tự đấu tranh rất gay gắt để cưỡng lại nỗi thèm đi chơi cho khuây khoả. Khốn nhưng càng cưỡng cơn thèm càng mãnh liệt. Dần dần đầu óc tôi chỉ nghĩ vào được mỗi một việc: làm cách nào vẫn thỏa mãn được yêu cầu mà vẫn giữ được món tiền của chủ giao cho. Tôi tìm cách giấu nó vào một nơi mà không ai có thể nghĩ đến... "Thôi đành mình đã không thể cưỡng được cơn thèm đi ra ngoài, biết làm sao được. Mình sẽ giấu số tiền ấy thật kín vào một nơi bảo đảm". Tôi tìm được một nơi nhưng vừa giấu xong tôi đã thấy nơi ấy không đủ kín chắc chắn. Tôi lại moi ra giấu chỗ khác. Lúc tôi nhét nó xuống dưới thanh gỗ ở mái hiên, lúc lại chôn xuống dưới góc hầm chứa. Cuối cùng tôi vẫn chưa thấy nơi nào hoàn toàn bảo đảm. Tôi đành tự nhủ: "Nhịn không đi nữa vậy, vì hoàn cảnh không cho phép". Vừa nghĩ thế xong bỗng tôi loé ra một tia sáng: đúng là quỷ dữ đã mớm cho tôi cái tật xấu khiến tôi băn khoăn dằn vặt đến như thế. Cần phải tống cổ quỷ dữ ra khỏi đầu óc bằng cách viện ra lòng thương khó. Hôm sau tôi ra nhà thờ dự cầu kinh buổi sáng. Cầu kinh xong tôi thấy người nhẹ nhõm đôi phần. Lúc bước ra hỏi nhà thờ tôi nhìn thấy quang cảnh cuộc phán xét cuối cùng vẽ trên tường và dưới góc hai thiên thần đang dùng xích sắt đánh quỷ dữ. Tôi đứng lại để cầu nguyện các thiên thần, rồi tôi nhổ nước bọt vào nắm tay, đưa ra dưới cằm của tên quỷ dữ: "Mày đừng hòng cám dỗ được tao!" Trong lòng đã hoàn toàn thanh thản, tôi trở về nhà, dặn dò công việc cho từng người rồi ra quán uống trà... Trong số khách ngồi trong quán, tôi gặp một thằng cha vô công rồi nghề, một kẻ vô tích sự. Tôi đã gặp thằng cha này mấy lần và vẫn cho hắn là kẻ không ra gì, chẳng hơn bù nhìn hay lang băm, bởi vì hắn chuyên đến các nơi chợ phiên, thấy ai sang trọng là ngỏ lời xin tiền bằng tiếng Pháp. Có lẽ xưa kia hắn đã từng là quý tộc, đã từng là sĩ quan trong quân ngũ, nhưng do rượu chè cờ bạc mà sa sút thành kẻ hành khất. Thấy hắn đến, mọi người đều định tống hắn ra khỏi cửa, nhưng hắn cãi: "Các người không biết ta là ai chứ gì? Ta không phải như các người đâu. Ngày trước ta đã từng có bao nhiêu nông nô! Và những kẻ thuộc loại các ngươi, ta đã từng sai kẻ hầu người hạ đem nhốt trong chuồng ngựa và đánh cho nhừ đòn. Còn như nếu bây giờ ta không còn của cải gì nữa thì đấy là ý Chúa. Ta bị Chúa giận. Chứ người trần mắt thịt thì không ai dám đụng vào ta". Những người ngồi nghe đều không tin và họ phá lên cười, nhưng thằng cha thì cứ huênh hoang về chuyện ngày xưa hắn sống sang trọng ra sao, rằng hắn từng ngồi xe tứ mã, từng tống cổ tất cả những người dân sự ra khỏi vườn hoa công cộng, thậm chí có lần hắn đã để trần truồng mà đến thăm một vị tổng đốc phu nhân. "Còn bây giờ, hắn nói. - Do những việc làm táo tợn như thế mà ta bị Chúa trừng phạt, thân thể ta cứng lại như đá rồi, cho nên ta phải uống liên tục để làm ruột gan ta mềm ra. Bởi vậy hãy đưa rượu vốt-ca cho ta nào! - Ta không có tiền để trả, nhưng ta lại biểu diễn được trò nuốt mảnh thuỷ tinh cho các người xem". Một khách ngồi ăn bảo nhà hàng đem đến cho thằng cha cốc rượu để xem thử hắn nuốt thuỷ tinh ra làm sao. Đỡ lấy cốc vốt-ca, thằng cha tu ngay cạn rồi cho luôn cốc vào miệng nhai vụn thật, sau đó hắn nuốt hết những mảnh thuỷ tinh vào bụng, khiến mọi người ngạc nhiên và cười phá lên. Nhưng tôi lại thương hại hắn, một quý tộc mà chỉ vì thèm rượu quá, không tiếc gì gan ruột. Tôi nghĩ bụng, phải giúp hắn trong ruột cho khỏi những mảnh thuỷ tinh kia nằm mãi trong ấy. Thế là tôi bảo nhà hàng lấy một cốc vốt-ca nữa đưa cho hắn, tôi chịu tiền, nhưng tôi không đòi hắn phải nuốt thuỷ tinh. Tôi bảo: ông không cần nuốt thuỷ tinh. Hắn lấy làm biết ơn và chìa tay ra cho tôi. - Chắc anh đã từng làm công cho một gia đình quý tộc nào rồi phải không? - Đúng. - Thấy ngay anh không giống bọn ngu xuẩn kia. Gơ-răng méc-xi(1) - hắn nói - về tất cả những chuyện ấy. Tôi bảo: - Có gì đâu. - Không, hắn nói. - Ta rất vui được trò chuyện với anh. Lại đây ngồi. Ta muốn ngồi cạnh anh. - Cũng được. Ông ngồi xuống đây. Hắn ngồi xuống bên cạnh tôi và bắt đầu ba hoa về chuyện hắn thuộc dòng dõi cao quý ra sao, được hưởng một nền giáo dục thế nào. Hắn lại nói: - Sao thế này? Anh uống trà à? - Đúng thế. Ông có muốn uống trà với tôi không? - Cảm ơn, - hắn đáp. - Nhưng ta không thể uống trà được. - Tại sao? - Tại vì, - hắn đáp. - Cái đầu ta không phải đầu trà mà là đầu chán ngán: tốt hơn hết là anh cho ta thêm một cốc rượu nữa!... - Cứ thế hắn xin tôi liền mấy cốc rượu nữa khiến tôi đâm ngán thằng cha. Tôi ghét hắn thêm ở một điểm là hắn nói chẳng câu nào thật, toàn huênh hoang khoác lác, hết khoe mẽ lại khóc nức nở và toàn những điều tận đẩu tận đâu. - Anh cho ta là người thế nào? - Hắn nói. - Chúa cho ta ra đời cùng một năm với đức vua, cho nên ta đồng tuế với Hoàng thượng đấy. - Thế thì có gì lạ? - Lại không lạ ư? Đồng tuế với đức Vua mà ta thì khốn khổ thế này. Anh chẳng vừa thấy đấy ư, mọi người đều khinh ta. - Nói đến đây hắn ta lại xin rượu. Lần này không phải một vài cốc mà cả một hũ. Vừa uống hắn vừa kể khách khứa cái quán khinh rẻ hắn đến mức nào, họ cười giễu hắn. Cuối cùng hắn nói: - Chúng nó là quân vô học, chúng tưởng chuyện uống rượu xong lại nhai và nuốt luôn cốc là dễ dàng lắm đấy. Khó vô cùng, anh bạn ạ. Nhiều kẻ không thể làm được như ta ấy chứ. Nhưng ta đã mất bao nhiêu công phu rèn luyện, bởi vì ta nghĩ, số kiếp ta đã xuống đến mức nào thì phải cố gắng thôi. - Việc gì phải thế, - tôi lý lẽ. - Việc gì phải tạo nên cái thói quen ấy chứ? Ông bỏ cái thói ấy đi. - Bỏ ư? - Hắn đáp. - Anh bạn ơi, ta không thể bỏ được. - Tại sao? - Tôi hỏi. - Tại sao không thể bỏ được? - Vì hai nguyên nhân: thứ nhất là nếu không nốc rượu, ta không thể ngủ được mà đành lang thang hết nơi này đến nơi khác. Thứ hai và đây mới là nguyên nhân chính, lòng kính Chúa không cho phép ta bỏ. - Sao lại thế được nhỉ? - tôi hỏi. Tôi hiểu rằng ông lên giường mà không thể nhắm mắt được chỉ vì ông thèm rượu. Nhưng tôi không thể tin rằng do lòng kính Chúa mà ông không thể bỏ được cái tật xấu ấy - Anh không tin chứ gì... Mọi người ai cũng bảo như thế. Nhưng anh thử hình dung xem, ta mà bỏ tật nghiện rượu đi thì thế nào cũng lại sẽ có kẻ đón lấy và anh tưởng thằng cha nào đó kia sẽ sung sướng đấy hẳn? - Tất nhiên là cái người ấy chẳng sung sướng gì. Bởi vì Chúa đâu có yêu quý kẻ nghiện ngập. - Ấy đấy! Chính vì như thế đấy. Số kiếp ta đã như vậy thì đành chịu để kẻ khác khỏi khổ thay cho ta. Vì vậy anh nên kính trọng ta. Tốt nhất hãy bảo chủ quán cho ta thêm một hũ nữa! Tôi gọi hũ nữa và ngồi nghe ông ta kể lể. Tôi đã bắt đầu thấy thú con người này. Ông ta nói tiếp: - Nỗi đau khổ này ta thà chịu cho đến hết đời còn hơn truyền cho kẻ nào khác. Bởi vì ta thuộc dòng dõng quý tộc, ta được học hành tử tế. Ngay từ khi còn nhỏ xíu ta đã đọc Kinh bằng tiếng Pháp. Nhưng ta đã phũ phàng, ta đã hành hạ nhiều người, ta đã đánh bạc thua sạch cả nông nô, ta đã bắt bao nhiêu người mẹ phải xa lìa con cái họ. Ta đã lấy một cô vợ giầu có nhưng lại làm nàng buồn rầu mà chết. Sau hết, chính ta là kẻ có tội. Ta đã dám cả gan oán trách Chúa trời ban cho ta tính nết hư hỏng ấy. Chúa đã trừng phạt ta bằng cách ban cho ta một thói xấu khác. Ta sẵn sàng để kẻ khác nhổ nước bọt vào mặt chỉ cốt sao được say sưa quên cả trời đất. Tôi hỏi ông ta: - Thế cái thói xấu ấy ông không ghê tởm ư? - Không. Bởi vì ta càng xấu xa càng nhục nhã càng tốt. - Sao lại thế? Ông nói gì tôi không hiểu. - Từ ngày đó, ta nhận ra rằng ta tự huỷ hoại cuộc đời mình còn hơn làm khổ người khác, bởi vì do ta xấu xa mà tất cả mọi người đều lánh xa ta. Bây giờ ta giống như thánh Giôp trên đống rác nhơ bẩn(2). Đấy chính là hạnh phúc mà cũng là cứu cánh của ta. Hắn ta nốc cạn hũ rượu, đòi thêm hũ nữa rồi lại nói tiếp. - Ta khuyên anh bạn trẻ một câu: đừng bao giờ khinh rẻ người khác, bởi vì chúng ta không bao giờ hiểu được người phải chịu đau khổ đến mức nào về cái thói tật mà họ không thể bỏ đi được. Cánh ta chẳng hạn, cánh ta mê say thứ này thứ khác, chính vì cánh ta chịu nhận nỗi đau khổ về mình để tránh cho kẻ khác. Nếu anh bị một niềm si mê xấu xa nào hành hạ thì ta khuyên anh đừng tự ý bỏ thói tật ấy đi, bởi vì làm như thế sẽ có kẻ khác nhặt lấy nó và hắn ta sẽ bị thói tật kia hành hạ. Còn nếu trường hợp anh bị mắc thì hãy tìm một người nào đó vui lòng nhận đỡ hộ anh thói tật ấy. - Nhưng tôi tìm đâu ra một người như thế? Ai chịu nhận cái tật xấu ấy thay tôi? - Chịu chứ! Anh chẳng cần tìm đâu xa: người ấy đang ở trước mặt anh đấy. Chính là ta chứ còn ai! - Ông giễu tôi đấy hẳn? Hắn ta đứng phắt dậy đáp: - Không đâu. Ta nói nghiêm chỉnh. Nếu anh không tin thì hãy thử mà xem. - Thử cách nào? - Rất đơn giản: anh muốn biết tài của ta không? Ta có một cái tài kỳ lạ. Anh thấy ta đang say chứ gì? Tôi nhìn hắn. Mặt thằng cha tái nhợt, đờ đẫn, hai chân hắn chệnh choạng. - Đúng. Ông đang rất say. Hắn bèn đáp: - Anh hãy đến trước bàn thờ và nhẩm một câu Kinh Đức thánh Cha. Tôi làm theo lời hắn nói, mắt ngước nhìn tượng Thánh. Thằng cha con giời kia bèn nói như ra lệnh: - Quay mặt lại đây và thử nhìn xem ta có còn say nữa hay không? Tôi quay mặt lại thì lạ chưa, thằng cha tươi tắn đang mỉm cười như hắn chưa hề uống một hớp rượu nào. - Bí quyết của ông thế nào đấy? - Không phải bí quyết mà cái đó gọi bằng sự thôi miên. - Tôi không hiểu cái từ ấy nghĩa là gì. - Đó là sức mạnh ý chí chỉ một số người có, chống lại được tác động của rượu cũng như của giấc ngủ. Đấy là một cái tài. Ta trỏ anh xem, để anh thấy bất cứ lúc nào ta muốn bỏ rượu cũng được hết. Có điều ta không bỏ vì sợ một kẻ nào khác sẽ tiếp nhận cái thói tật ấy ở ta. Còn ta thì nếu cai rượu, ta sẽ không còn tin vào Chúa nữa. Thế nhưng đối với người khác thì ta sẵn sàng giúp họ bỏ rượu. - Vậy ông làm ơn giúp tôi. - Cậu nghiện à? - Vâng, đôi khi tôi thèm rượu và uống không còn biết trời đất là gì nữa. - Dễ thôi, với lại ta cũng muốn đền ơn cậu đã cho ta uống từ nãy đến giờ. - Nói xong hắn lại đòi tôi lấy thêm một chai rượu vốt-ca và hai chiếc cốc. Tôi hỏi: - Sao lại hai chiếc? - Ta với cậu mà lại. - Nhưng tôi không muốn uống rượu nữa. Thằng cha làm bộ giận và thét lên: - Im! Xi-lăng-xơ(3)! Cậu là gì lúc này? Là một bệnh nhân. - Ông nói thế cũng được. - Và ta là thầy thuốc. Cậu phải thực hiện mọi điều ta ra lệnh và cậu hãy dùng bài thuốc này đi - Vừa nói hắn vừa róc đầy hai cốc, rồi múa may hai bàn tay trên chiếc cốc của tôi như ông nhạc trưởng đánh nhịp ở nhà thờ vậy. Múa may một lúc xong, hắn ra lệnh: - Uống! Tôi vẫn còn nghi ngại, nhưng vì cũng đã thấy thèm rượu, nói đúng hơn, tôi nghĩ trong bụng: "Cứ thử xem thằng cha đó làm cái trò gì?", Và nốc cạn luôn một hơi. - Rượu ngon hay không ngon? - Hắn hỏi. - Tôi cũng không biết nữa. - Như thế nghĩa là cậu uống chưa đủ độ. Hắn rót cho tôi thêm cốc nữa rồi lại múa may lên trên như lúc nãy. Sau khi tôi xuống xong, hắn lại hỏi: "Cốc này thì thế nào?" Tôi nói đùa: - Cốc này tôi thấy hơi nặng. Thằng cha gật đầu, rót thêm cốc nữa rồi bảo tôi uống. Tôi làm theo và nói: - Cốc này nhẹ hơn. - Sau đấy tôi vỗ vào bình gọi người hầu bàn lấy thêm hũ nữa, rồi tôi tự tay rót và uống liền mấy cốc. Thằng cha không phản đối, nhưng khi tôi đưa tay định nhấc chiếc cốc của tôi lên thì hắn ngăn lại, nói: - Im! Khoan đã! At-tăng-đê!(4) - Hắn lại múa may bàn tay như là phép giống lúc trước rồi nói: - Thế là xong. Bây giờ cậu có thể uống thuốc theo đơn bác sĩ được rồi. Tôi chữa bệnh theo kiểu ấy, với thằng cha thấp bé kia ngay trong quán cho đến tận buổi tối, không hề băn khoăn gì, bởi vì đây là tôi uống rượu để chữa bệnh kia mà, chứ không phải uống theo kiểu hư hỏng. Tôi nắn lại gói tiền nhét trong lớp áo sơ-mi xem còn nguyên vẹn không, rồi lại chữa bệnh tiếp. Trong lúc ấy thằng cha kể tôi nghe những cuộc tình ái của hắn rồi cuối cùng hắn chê tôi là dốt không hiểu thế nào là tình yêu. Tôi cãi: - Tại sao ông lại chê tôi, nếu như những cái trò vớ vẩn ấy chẳng làm tôi thích thú? Ngay như ông, cái gì ông cũng hiểu, cũng biết, vậy mà ông vẫn chỉ là một thằng nghèo túng rách rưới đấy thôi. Thế là hắn bảo: - Im! Tình ái là chuyện thiêng liêng! - Chà ngu xuẩn thì có. - Cậu quê lắm và dốt nữa, nếu như cậu dám giễu cợt một thứ tình cảm thiêng liêng, cao đẹp đến như thế và dám bảo đó là trò ngu xuẩn. - Nhưng đấy cũng vẫn là trò ngu xuẩn. - Nhưng cậu có hiểu "sắc đẹp, sự hoàn mỹ của tạo hoá" là cái gì không đã? - Hiểu chứ, nếu ông định nói đến sắc đẹp của giống ngựa. Hắn chồm lên và như định đấm cho tôi một quả vào giữa mặt. - Ngựa sao gọi là sắc đẹp, là sự hoàn mỹ của tạo hóa được? Nhưng vì đêm đã khuya nên thằng cha không có đủ thời giờ chứng minh cho tôi thấy điều đó. Lão chủ quán thấy hai chúng tôi đã say khướt, bèn đưa mắt cho mấy thằng cha hầu bàn có sáu đứa cả thảy. Chúng cặp tay vào nách chúng tôi rồi lôi ra ngoài đường. Sau đó chúng đóng cửa quán lại, khóa chặt để dọn hàng nghỉ. Và thế là bắt đầu cái chuyện kỳ quái đến mức, mãi bây giờ tôi vẫn chưa giải thích được, mặc dù đã bao nhiêu năm trôi qua. Nhưng tôi vẫn tin rằng những sự cám dỗ và những bất hạnh mà tôi phải chịu buổi tối hôm đó, còn dữ dội hơn cả những cám dỗ và bất hạnh được miêu tả trong cuốn "Sự tích các vị Thánh". Chú thích:1) Rất cảm ơn (tiếng Pháp) N.D. 2)Theo Kinh thánh, Chúa thử thách đức tin của Thánh Giôp đã làm cho vị này mất vợ, mất con, mất cả gia sản trở thành tàn tật, phải rời khỏi nơi sinh sống và ngồi trong chỗ đất cát nhơ bẩn. N.D. 3) Im! (tiếng Pháp) N.D. 4) Khoan đã (tiếng Pháp) N.D.