BÀN VỀ TỈNH VÀ MỘNG III.4
(Giác hữu bát trưng)
Trạng thái tỉnh có tám biểu hiện[1], trạng thái mộng có sáu điềm[2]. Tám biểu hiện đó là gì? Là chuyện cũ[3], hành động, được, mất, buồn, vui, sinh, tử. Tám biểu hiện đó ở trong cõi hình thể. Sáu điềm là gì? Là chính mộng (ở yên mà mộng), kinh ngạc mà mộng, nhớ nhung nghĩ ngợi mà mộng, thức mà mộng (mơ mộng), vui mà mộng, lo lắng mà mộng. Sáu thứ mộng đó do thần giao mà có (ở trong cõi tinh thần). Ai không biết những cảm biến đó phát sinh từ đâu thì khi việc xảy ra, không hiểu được nguyên nhân. Hiểu được nguyên nhân thì không còn kinh ngạc, xót xa nữa. Bất kì một cơ thể nào, dù doanh, hư[4], hoạt động hay nghỉ ngơi, đều cảm thông với trời đất, cảm ứng với vạn vật. Cho nên khi khí âm mạnh thì thấy qua sông lớn mà hoảng sợ, khí dương mạnh thì mộng thấy qua đám lửa rực mà cảm thấy nóng bỏng. Khí âm và khí dương đều mạnh thì mộng thấy sống hoặc chết. No thì mộng thấy mình cho người ta; đói thì mộng thấy mình lấy của người. Người nào có tật sôi nổi thì mộng thấy lên cao; người nào (trái lại) có tật trầm trọng thì mộng thấy chết đuối. Quấn dây lưng mà ngủ thì mộng thấy rắn; chim ngậm tóc mà bay, thì ai có sợi tóc đó sẽ mộng thấy bay. Lại gần cái “âm” thì mộng thấy lửa, sắp đau thì mộng thấy ăn; sau khi uống rượu thì buồn, sau khi hát múa thì khóc. Thầy Liệt tử bảo: - Tinh thần người ngủ gặp cái gì thì cái đó là mộng, cơ thể tiếp xúc cái gì thì cái đó là thực; cho nên ngày nghĩ tới cái gì thì đêm mộng cái đó, thế là tinh thần và cơ thể gặp nhau[5]. Cho nên tinh thần mà ngưng lại[6], thì tư tưởng và mộng mị tự nhiên tiêu tan. Tìm điều mình thấy khi tỉnh thì không nói[7], tìm điều mình thấy trong mộng thì là không sáng suốt, chỉ là sự biến hoá qua lại của sự vật thôi. Bậc chân nhân thời xưa khi tỉnh thì quên mình đi, khi ngủ thì không nằm mộng, lời đó có thể tin được[8].MỘNG ĐỂ BÙ THỰC III.6
(Chu chi Doãn thị đại trị sản)
Ở nước Chu có người họ Doãn, gia sản rất lớn, bọn tôi tớ hầu hạ từ sáng đến tối không được nghỉ. Có một người đầy tớ già, đã kiệt lực mà lại phải làm rất nhiều. Ban ngày chú ta hổn hển làm việc, ban đêm mệt mỏi ngủ li bì, tinh thần phiêu tán, đêm nào cũng nằm mê thấy mình làm vua, cai trị muôn dân, nắm hết mọi việc trong nước, đi lui đi tới trong cung điện, muốn làm gì thì làm, sung sướng vô cùng. Tỉnh dậy lại làm cái thân tôi tớ. Có người thấy chú ta vất vả, tỏ lời an ủi. Chú ta đáp: - Đời người dù sống trăm năm thì cũng một nửa là ngày, một nửa là đêm. Tôi, ban ngày làm thân nô lệ thì khổ thực. Nhưng ban đêm được làm vua, còn gì sướng bằng? Còn oán hận nỗi gì? Còn ông họ Doãn kia, lòng bận việc đời, trí lo sản nghiệp, tâm thần và thể xác đều mệt mỏi, đêm nào cũng ngủ li bì, nằm mê thấy mình làm tôi tớ, tất tả làm hết mọi việc, mà còn bị đánh, bị mắng, cực khổ trăm chiều. Trong mộng, ông ta mê sảng, hổn hển suốt đêm, sáng dậy mới hết. Họ Doãn thấy vậy lo buồn, hỏi ý một người bạn. Người này đáp: - Địa vị của bác đủ vẻ vang rồi, tài sản của bác dư dật hơn người ta nhiều rồi. Ban đêm có nằm mê thấy làm tôi tớ, thì cũng là vui khổ thay phiên nhau, đó là lẽ thường. Muốn cho lúc tỉnh với lúc mộng đều sung sướng cả, thì đâu được? Nghe bạn nói vậy, ông ta nới tay cho tôi tớ, giảm việc làm ăn, lo lắng cho mình, mà tật (mộng mị) bớt nhiều.MỘNG HAY THỰC? III.7
(Trịnh nhân hữu tân ư dã giả)[9]
Một người nước Trịnh ra đồng kiếm củi, gặp một con hươu chạy trốn, rình đón, đập chết được. Sợ người khác thấy, anh ta giấu nó trong cái hào cạn, lấy cành cây phủ lên, mừng rỡ lắm. Nhưng rồi anh ta quên mất chỗ giấu, cho rằng mình đã nằm mộng, vừa đi vừa lẩm bẩm (một mình) về chuyện đó. Một người nghe lóm được, theo lời anh ta nói mà tìm được con hươu đem về. Tới nhà, bảo vợ: - Một gã kiếm củi, nằm mộng thấy bắt được con hươu mà quên không biết giấu nó ở đâu; anh tìm ra được này. Gã đó đúng là nằm mê. Người vợ nói: - Hay là chính anh mộng thấy người kiếm củi bắt được con hươu, chứ có người kiếm củi nào thực đâu? Nay quả anh được con hươu, thì mộng của anh đúng rồi. Người chồng bảo: - Anh đã thực bắt được con hươu thì cần gì biết anh nằm mê hay gã đó nằm mê. Người kiếm củi về nhà, rầu rĩ vì mất con hươu, đêm đó mộng thấy chỗ giấu nó và mộng thấy người đã chiếm được nó. Sáng dậy, cứ theo đúng mộng mà tìm ra được người đó, trách mắng, đòi lại con hươu. Việc đưa lên quan sĩ sư[10]. Quan sĩ sư bảo người kiếm củi: - Anh mới đầu quả thực bắt được con hươu, rồi nghĩ lầm mà bảo là mộng; hay mới đầu quả thực anh nằm mộng bắt được con hươu, rồi nghĩ lầm mà bảo là chuyện thực? Còn anh kia, có thực là lấy con hươu của anh mà tranh giành lại không? Vợ anh ấy lại bảo chồng nằm mộng thấy con hươu của người ta, chứ không ai được hươu cả. Nhưng quả có con hươu đây thì ta tính chia hai, và trình lên vua Trịnh để ngài phán. Vua Trịnh phán: - Ta ngờ rằng quan sĩ sư cũng lại nằm mê thấy rằng mình cắt con hươu ra làm hai nữa. Rồi nhà vua hỏi quan tướng quốc. Quan tướng quốc tâu: - Mộng hay không mộng, thần không thể quyết đoán được. Phân biệt được mộng hay không thì phải là Hoàng Đế hay Khổng Tử. Nhưng Hoàng Đế và Khổng tử đã chết thì ai mà phân biệt được. Thôi thì cứ làm theo lời ông sĩ sư là xong.[11]QUÊN HẾT LẠI SƯỚNG III.8
(Tống Dương Lí Hoa tử)
Một người tên là Hoa Tử ở đất Dương Lí nước Tống, khi đứng tuổi mắc bệnh quên, sáng lấy cái gì thì tối quên rồi, tối cho ai cái gì thì sáng đã quên rồi, đi đường thì quên mình định đi đâu, ở nhà thì quên ngồi, lúc này quên lúc trước, lúc sau quên lúc này. Cả nhà rầu rỉ lắm. Nhờ thầy bói cho, quẻ không dạy gì cả; nhờ thầy pháp cúng cho, không hết; nhờ thầy lang trị cho, cũng trơ trơ. Nước Lỗ có một nho sinh[12] tự giới thiệu là có thể trị được. Vợ con Hoa tử hứa nếu trị được thì xin tặng nửa gia tài. Nho sinh đó bảo: - Bệnh đó vốn không thể bói mà biết được, không thể cúng mà hết được, không thể dùng thuốc mà trị được. Tôi thử sửa tâm tính ông ấy, đổi trí lự ông ấy, may ra đỡ được chăng. Thế rồi nho sinh đó cởi hết áo của Hoa tử ra, thấy ông ta đòi mặc; bắt ông ta chịu đói, thấy ông ta đòi ăn; nhốt ông ta vào chỗ tối, thấy ông ta đòi ra chỗ sáng. Và nho sinh đó vui vẻ bảo con Hoa tử: - Bệnh có thể chữa được đấy; nhưng phương của tôi bí truyền, không thể cho người khác biết được. Xin ngăn hết các người chung quanh, để tôi ở riêng với ông nhà bảy ngày. Người nhà làm theo, không biết nho sinh đó trị cách nào mà căn bệnh đã mấy năm đó nhất đán khỏi hẳn. Hoa tử khi đã tỉnh rồi, nổi giận đùng đùng, đuổi vợ, đánh con, vác cây mác đuổi nho sinh. Người Tống níu lại, hỏi tại sao, Hoa tử đáp: - Trước kia tôi quên hết, thanh thản, không biết trời đất có hay không nữa. Nay bừng tỉnh, những gì xảy ra mấy chục năm nay, còn hay mất, thua hay được, vui buồn, yêu ghét, bời bời muôn mối trong lòng, tôi sợ những nỗi còn mất, thua được, vui buồn, yêu ghét lại sẽ làm rối loạn trong lòng tôi nữa; có muốn quên một lát, phỏng còn được nữa không? Tử Cống nghe chuyện đó, lấy làm lạ, hỏi Khổng tử, Khổng tử bảo: - Anh không hiểu được đâu. Rồi quay lại bảo Nhan Hồi: - Chép lại chuyện đó đi[13].THIÊN HẠ ĐỀU MÊ CẢ III.9
(Tần nhân Phùng thị hữu tử)
Người họ Phùng[14] nước Tần có một người con trai hồi nhỏ rất thông minh, mà lớn lên mắc tật mê loạn: nghe tiếng hát thì bảo là tiếng khóc, nhìn màu trắng thì bảo là màu đen, ngửi mùi thơm thì bảo là mùi thối, nếm vị ngọt thì bảo là vị đắng, làm điều quấy thì bảo là điều phải. Trời đất, bốn phương, lửa nước, nóng lạnh, trong óc anh ta đều đảo lộn, sai lầm hết. Một người họ Dương bảo cha thanh niên đó: - Vị quân tử nước Lỗ (Khổng Tử) nhiều tài nghệ, may ra trị được bệnh đó, sao bác không qua hỏi xem. Người cha bèn sang nước Lỗ, khi đi qua nước Trần, gặp Lão Đam (Lão tử), kể bệnh của con cho Lão Đam nghe. Lão Đam bảo: - Làm sao chú biết được rằng con chú mê loạn. Ngày nay khắp thiên hạ đều mê hoặc về phải trái, hôn ám về lợi hại. Kẻ bị bệnh đó nhiều quá tới nỗi không ai thấy nữa. Vả lại, một người mê loạn, không đủ làm cho cả nhà khuynh đảo được; một nhà mê loạn, không đủ làm cho cả làng khuynh đảo được; một làng mê loạn, không đủ làm cho cả nước khuynh đảo được; cả nước mê loạn, không đủ làm cho cả thiên hạ khuynh đảo được; mà khi cả thiên hạ mê loạn thì còn ai làm cho nó khuynh đảo được nữa? Ví thử khắp thiên hạ đều như con chú hết thì ngược lại chính chú mới là người mê loạn; và còn ai hiểu chính được cái ý niệm về vui buồn, thanh âm, màu sắc, mùi vị, phải trái nữa? Ngay lời tôi vừa nói với chú đó, cũng vị tất là không mê loạn, huống hồ cái ông quân tử nước Lỗ kia, còn mê loạn hơn ai hết[15], thì còn trị bệnh mê cho ai được nữa? Thôi chú nên về nhà gấp đi, đừng phí tiền ăn đường nữa. V. HUYỀN THOẠI VÀ TRUYỀN THUYẾTXỨ THẦN TIÊN II.2
(Liệt Cô Xạ sơn)
Dãy núi Cô Xạ[16] ở Hải Hà Châu[17]. Trên núi có thần nhân hít gió uống sương (mà sống) chứ không ăn ngũ cốc. Lòng họ như dòng suối sâu, thân thể họ như gái tân. Họ không thiên vị, không yêu riêng ai. Tiên thánh là bề tôi của họ. Họ không sợ, không giận. Sứ giả của họ là những người trung hậu, thuần phác. Họ không ban ân huệ, mà mọi vật đều tự túc; không thu nhặt gom góp mà không thiếu thứ gì. Âm dương luôn luôn điều hoà, mặt trăng mặt trời luôn luôn sáng tỏ, bốn mùa bao giờ cũng thuận, gió mưa bao giờ cũng hoà; thực vật cứ đúng thời mà có, mùa màng năm nào cũng trúng, đất cát không bị thương tổn[18], người không chết yểu, vạn vật không bị bệnh tật, quỉ không xuất hiện, hết linh[19].TRUYỀN THUYẾT VỀ CÁC XỨ LẠ III.3
(Tây cực chi nam ngung hữu quốc yên)
Ở phía nam góc cực tây có một nước không biết cảnh giới tới đâu, gọi là nước Cổ Mãng. Ở đó khi âm và khí dương không giao nhau, cho nên không có lạnh, không có nóng; ánh sáng mặt trời mặt trăng không chiếu, cho nên không có ngày, không có đêm. Dân chúng không ăn, không mặc mà ngủ nhiều, năm mươi ngày mới tỉnh dậy một lần, cho việc làm trong mộng mới là thực, còn những cái thấy khi tỉnh là sai. Ở giữa bốn bể, có một nước trung ương[20]. Nước đó trải ra phía bắc và phía nam sông Hoàng hà, ở phía đông và phía tây núi Thái Sơn, trên vạn dặm. Khí âm, khí dương điều hoà với nhau, cho nên cứ hết lạnh thì tới nóng, hết nóng thì tới lạnh; tối và sáng phân biệt, cho nên hết đêm tới ngày, hết ngày tới đêm. Dân chúng có người trí kẻ ngu, vạn vật phồn thịnh, tài nghệ nhiều vẻ, vua tôi thân nhau, lễ nghĩa và pháp luật dựa lẫn nhau. Không sao kể hết được ngôn, hành của họ. Họ thức rồi ngủ, ngủ rồi thức, cho việc làm khi thức là thực, còn những cái thấy khi ngủ là sai. Ở phía bắc góc cực đông có một nước gọi là Phụ Lạc. Ở đó hơi đất thường nóng; ánh sáng mặt trời mặt trăng nhiều quá, đất đai không sinh được lúa tốt, dân chúng ăn rễ và trái cây, không biết nấu nướng. Tính tình họ cứng cỏi, hung hãn, kẻ mạnh áp bức kẻ yếu, họ chỉ quí kẻ thắng mà không biết trọng nghĩa. Họ lăng xăng hoài, ít nghỉ ngơi,thường thức mà không ngủ.VUA NGHIÊU TRỊ NƯỚC IV.14
(Nghiêu trị thiên hạ ngũ thập niên)
Vua Nghiêu[21] trị thiên hạ năm chục năm rồi mà không biết thiên hạ có bình trị không. Không biết hàng ức hàng triệu người dân đó có tôn phụng mình không. Ông hỏi các người chung quanh (các đại thần), họ không biết; hỏi những người ngoài vô triều, họ cũng không biết; hỏi dân quê, dân quê cũng không biết. Ông bèn cải trang vi hành ở Khang Cù[22], nghe thấy trẻ con hát bài này: Nuôi khắp dân taĐó là công lớn của người[23];Dân chẳng biết gì cảChỉ theo mệnh trời[24] Vua Nghiêu mừng lắm, hỏi: - Ai dạy các con bài đó? Chúng đáp: - Quan đại phu dạy chúng con. Vua Nghiêu tìm hỏi quan đại phu, quan đại phu đáp: - Đó là một bài thơ cổ. Vua Nghiêu trở về cung, vời ông Thuấn lại, nhường ngôi cho[25]. Ông Thuấn nhận.(Chúng tôi bỏ nửa trên đại ý Hạ Cách đáp vua Thang rằng vũ trụ vô cùng vô tận; mà bắt đầu dịch từ:
Thang hựu vấn: Tứ hải chi ngoại[26])
Vua Thang[27] lại hỏi (quan đại phu Hạ Cách): - Ở bên kia bốn bể có gì không? Hạ Cách đáp: - Cũng như ở Tề Châu (tức Trung Quốc) này vậy. - Lấy gì làm bằng cớ? - Tôi đã đi về phía đông, tới nước Dinh[28], nhân dân ở đó cũng như ở đây; hỏi người ở đó phía đông nước Dinh ra sao, họ đáp cũng như nước Dinh; tôi đi về phía tây, tới nước Bân[29], nhân dân ở đó cũng như ở đây, hỏi người ở đó về phía tây nước Bân ra sao, họ đáp cũng như ở nước Bân. Cho nên tôi cho rằng bên kia tứ hải (bốn bể), tứ hoang (bốn cõi hoang), tứ cực (bốn cõi cùng cực)[30] cũng không khác gì ở đây. Cho nên cái lớn trùm cái nhỏ, không có cùng cực. Cái bao trùm vạn vật, cũng là cái bao trùm trời đất. Bao trùm vạn vật, trời đất, cho nên không có cùng cực. Nhưng làm sao tôi biết được ở ngoài trời đất của chúng ta có một trời đất lớn hơn nữa không? Điều đó ngoài sự hiểu biết của tôi. Nhưng trời đất cũng là “vật”, mà đã là vật thì không hoàn toàn, cho nên hồi xưa bà Nữ Oa luyện đá ngũ sắc để vá chỗ khuyết của trời, chặt chân của con ngao[31] để chống đỡ tứ cực. Về sau họ Cung Công tranh nhau ngôi Hoàng Đế với Chuyên Húc[32], giận mà đập núi Bất Chu, làm gãy mất cái trụ đỡ trời, đứt mất dây cột đất, cho nên trời mới nghiêng về phía tây bắc, mà mặt trời mặt trăng, các ngôi sao chạy về phía đó; còn đất thì khuyết ở phía đông nam, cho nên trăm sông lớn nhỏ đều đổ về phía đó.(Thang hựu vấn: vật hữu cự tế hồ?)
Vua Thang lại hỏi: - Các vật có lớn nhỏ, dài ngắn, giống nhau khác nhau không? Hạ Cách đáp: - Ở phía đông Bột Hải[33], không biết bao nhiêu ức vạn dặm, có một cái vực lớn, không đáy, gọi là Qui Khư. Tất cả nước ở bát hoành, cửu dã[34], tất cả nước ở Ngân Hà đều chảy vào đó mà mực nước không lên không xuống. Giữa[35] có năm ngọn núi: Đại Dư, Viên Kiệu, Phương Hồ, Doanh Châu và Bồng Lai. Châu vi chân núi là ba vạn dặm, đỉnh núi bằng phẳng, chu vi chín ngàn dặm; núi nọ cách núi kia bảy vạn dặm, mà như hàng xóm với nhau[36]. Lâu đài trên núi đều bằng vàng ngọc; các cầm thú đều màu trắng, các cây quí[37] đều sum suê, hoa quả đều thơm ngon, ăn vô thì trường sinh bất tử. Người ở trên núi đó đều là hạng tiên, thánh, sớm tối họ bay đi thăm nhau, nhiều không kể được. Mới đầu năm ngọn núi đó không dính vào đáy biển, thường trôi nổi, theo thuỷ triều mà lên xuống, không tạm đứng yên được; các vị thánh tiên bất mãn, phàn nàn với Thượng Đế. Thượng Đế sợ những ngọn núi đó trôi về tây cực, không có chỗ ở cho các vị thánh tiên, ra lệnh cho thần Ngu Cương[38], sai mười lăm con ba ba lớn ngóc đầu lên đội núi, chia làm ba đoàn[39], cứ sáu vạn năm lại thay phiên nhau, từ đó năm ngọn núi mới đứng yên mà không lắc lư nữa. Nhưng một hôm có một người khổng lồ ở nước Long Bá (…)[40] lại gần năm cái núi đó mà câu một lần được sáu con ba ba, vác trên lưng đem về, đốt mai để bói. Do đó mà hai ngọn núi Đại Dư và Viên Kiệu trôi về phía bắc cực, chìm xuống biển lớn, các tiên thánh tản mác đi có tới số ức (?). Thượng Đế nổi giận, thu hẹp nước Long Bá lại, và làm cho dân nước đó nhỏ con lại, nhưng tới đời Phục Hi, Thần Nông, người nước đó vẫn còn cao vài chục trượng. Ở phía đông, cách Trung Châu (tức Trung Hoa) bốn chục vạn dặm, có nước Tiêu Nghiêu, người cao một thước năm tấc, ở góc đông bắc, có giống người tên là Tránh, cao chín tấc[41]. Ở phía nam nước Kinh (tức nước Sở) có cây minh linh[42], mùa xuân là năm trăm năm, mùa thu là năm trăm năm. Thời thượng cổ có cây xuân lớn, mùa xuân là tám ngàn năm, mùa thu là tám ngàn năm. Trên đất thối có thứ nấm sáng sinh chiều chết. Mùa xuân và mùa hè có loài mông nhuế sinh ra trong lúc mưa và trời nắng lên thì chết[43]. Ở phía bắc Chung Bắc có một cái biển gọi là ao trời, biển đó có loài cá chiều ngang là mấy ngàn dặm, chiều dài xứng với chiều ngang, gọi là con cá côn; có loài chim gọi là chim bằng, cánh như cánh mây rũ ở trên trời, thân mình cũng xứng với cánh. Người đời đâu biết được những vật đó. Vua Đại Vũ[44] đi tới nơi mà thấy được, ông Bá Ích biết những loài đó mà đặt tên cho, ông Di Kiên[45] nghe nói mà ghi lại. Ở khoảng giữa sông Giang và sông Phố, có loài trùng rất nhỏ gọi là con tiêu minh, bay từng đàn rồi đáp xuống lông mi mắt con muỗi mà không chạm vào nhau. Chúng ở nhờ, đi đi lại lại mà con muỗi không hay; những người mắt cực sáng như Li Chu, Tử Vũ[46] giữa ban ngày, dụi con mắt giương mi cố nhìn mà cũng không thấy; những người tai cực thính như Đệ Du, Sư Khoáng[47] giữa đêm (tĩnh mịch) cúi đầu lắng nghe mà không thấy tiếng của chúng. Chỉ có vua Hoàng Đế với ông Dung Thành tử ở trên núi Không Đồng, cùng trai giới ba tháng, lòng như tắt, hình hài tiều tuỵ, mới lần lần dùng tinh thần mà thấy rõ chúng lù lù như sườn núi Tung Sơn[48], lần lần dùng cái khí mà nghe thấy tiếng ầm ầm như sét. Nước Ngôi và nước Sở có một loại cây lớn tên là cây dữu, lá xanh biếc, mùa đông mới nở hoa, trái đỏ và vị chua, vỏ nó trừ được bệnh sốt rét cơn. Người Tề Châu quí cây đó lắm, đem nó trồng ở phía bắc sông Hoài, nhưng nó biến tính đi thành cây chỉ[49]. Loài cù dục[50] không vượt được sông Tế, loài hạc[51] vượt sông Vấn thì chết, đó là do khí hậu vậy. Các loài, tuy hình, khí khác nhau, nhưng đều được bẩm thụ cái tính riêng của trời đất, không thay đổi lẫn nhau; đời sống của mỗi loài đều hoàn hảo, thoả mãn về phận của mình. Làm sao biết được thế nào là lớn và nhỏ, là dài và ngắn, là giống nhau và khác nhau.NGU CÔNG SAN NÚI V.3
(Thái Hình, Vương Ốc nhị sơn)
Hai ngọn núi Thái Hình và Vương Ốc[52] rộng bảy trăm dặm vuông, cao vạn nhẫn[53], xưa kia vốn ở phía nam Kí châu và phía bắc Hà Dương[54]. Ở gần Bắc Sơn, có ông Ngu Công[55], tuổi đã chín mươi, nhà đối diện với núi, bực mình rằng núi chắn lối, sự giao thông với miền ngoài hoá ra xa xôi bất tiện. Ông bèn hội họp con cháu trong nhà bảo: - Ta và các con tận lực san bằng núi đó để có đường đi thẳng ra Dự Nam, tới Hán Âm[56], được không? Mọi người đều bằng lòng, duy có bà vợ tỏ ý nghi ngờ: - Sức ông không san nổi ngọn núi Khôi Phủ[57], làm sao san nổi núi Thái Hình và núi Vương Ốc? Với lại san rồi, đem đất, đá đổ vào đâu? Những người khác đều đáp: - Đổ xuống phía cuối Bột Hải, phía bắc Ẩn Thổ[58]. Thế rồi ông lão sai ba người con cháu đập đá, đào đất, đổ vào sọt, đội vác, khiêng lại đổ ở phía cuối Bột Hải. Một quả phụ (chồng tên là Kinh Thành), ở gần đó, có một đứa con trai mới thay răng sữa, cũng lại tiếp tay, tới hết đông, qua hè mới trở về nhà. Ông lão Trí Tẩu[59] ở Hà Khúc hay tin, chế nhạo và ngăn cản: - Sao mà ngu thế! Già nua, yếu đuối như vậy, không nhổ được một cọng cỏ trên núi, mà đòi san bằng đất với đá. Ngu Công ở Bắc Sơn, thở dài, đáp: - Chú thật vô tình, lòng không sao chuyển được, không bằng người đàn bà goá và đứa bé yếu ớt này. Tôi chết thì còn con tôi, con tôi lại sinh cháu, cháu tôi lại sinh chắt, chắt tôi lại sinh con, con nó lại sinh cháu; con con cháu cháu, sinh hoài bất tuyệt, không lúc nào thiếu người, mà núi kia thì cứ như vậy chứ không tăng, vậy lo gì không san phẳng được? Ông Trí Tẩu ở Hà Khúc không biết đáp sao. Vị thần chỉ huy loài rắn[60] hay chuyện đó, sợ việc san phẳng núi không thành, tâu với Thượng Đế. Thượng Đế cảm động vì lòng thành của Ngu Công, sai hai người con của thần Khoa Nga[61] đội hai trái núi đó, đặt một trái ở Sóc Đông, một trái ở Ung Nam. [62] Từ đó ở phía nam Kí Châu và ở phía bắc Hà Dương Âm[63] không còn ngọn núi nào ngăn cản bộ hành nữa.KHOA PHỦ V.4
(Khoa Phủ bất lượng lực)
Khoa Phủ không tự lượng sức, muốn đuổi bắt bóng mặt trời. Đuổi tới biên giới Ngung Cốc[64], khát quá, xuống uống nước sông Hà, sông Vị[65]. Uống cạn hai sông đó mà chưa đả khát, Khoa Phủ muốn lên phương bắc uống nước ở cái đầm lớn, giữa đường vì khát quá mà chết, để lại cây gậy. Gậy thấm đầy thịt xương tan rửa của ông mà đâm rễ, lá thành rừng Đặng, rừng này rộng mấy ngàn dặm.(Vũ chi trị thuỷ thổ dã)
Hồi ông Vũ[66] đấp đập đào sông, có lần lạc đường, tới một nước ở bờ phía bắc Bắc Hải, không biết là cách Tề Châu mấy vạn dặm. Nước đó tên là Chung Bắc[67], không biết biên giới tới đâu, không có gió mưa, không có sương, giá, không có các loài cầm thú, trùng, cá, cỏ cây, bốn phương bằng phẳng, chỗ nào cũng là bình nguyên cao. Ở giữa nước đó có một ngọn núi gọi là Hồ Lĩnh, coi như cái lọ, đỉnh có miệng như cái vòng tròn, gọi là “lỗ nước”, nước ở trong phun ra, gọi là suối thần. Nước thơm hơn hương lan, hồ tiêu, vị ngon hơn rượu “lao”, rượu “lê”[68], một nguồn chia làm bốn dòng suối chảy xuống chân núi, rồi chảy qua khắp nước, không miền nào không tới. Khí đất ấm áp, không sinh ra bệnh dịch. Dân chúng nhu thuận, có tính thoả hiệp, không ganh đua; lòng hiền hoà, cơ thể mềm mại, không kiêu căng, không hiềm kị, già trẻ ở chung với nhau, không có vua, không có bề tôi. Đàn ông đàn bà ở lẫn lộn với nhau, không có mai mối, cưới gã. Họ ở theo bờ sông, không cày không cấy. Khí hậu ấm áp, nên họ không dệt, không bận quần áo. Họ sống trăm tuổi rồi chết, không ai ốm đau, không ai chết yểu, dân số tăng lên vô số kể. Ai cũng sung sướng, vui vẻ, không ai suy nhược già nua, buồn rầu, đau khổ. Họ thích đàn hát, nắm tay nhau mà ca hát suốt ngày không dứt. Khi đói mệt, họ uống nước Suối Thần, sức mạnh cùng tinh thần lại phục hồi; nếu uống quá thì say, mười ngày sau mới tỉnh. Họ tắm nước “suối thần”, da dẻ tươi nhuận, mười ngày sau hương thơm mới hết. Vua Chu Mục vương đi chơi phương bắc, tới nước đó, ba năm quên về. Khi trở về cung điện, nhớ nước đó quá, rầu rĩ như mất hồn, không buồn ăn uống, không gần cung tần, mấy tháng sau mới nguôi.PHONG TỤC XỨ LẠ V.7
(Cắt bỏ một đoạn đầu đại ý Quản Trọng rủ Tề Hoàn Công đi chơi các nước ở Liêu Khẩu, Thấp Bằng can.
Bắt đầu dịch từ: Nam quốc chi nhân bị phát[69] nhi khoả)
Dân các nước phương Nam cắt tóc, khoả thân, người các nước phương bắc chít khăn và bận áo lông, người Trung Quốc đội mũ và bận áo dài (…). Ở phương Đông nước Việt có nước Vĩnh[70] Mộc, khi sinh đứa con đầu lòng thì người ta xẻ ra mà ăn thịt, bảo như vậy có lợi cho những đứa con sau; hễ ông mà mất thì con cháu cõng bà đem bỏ ở một nơi xa, bảo không thể ở chung với vợ của quỉ (người đã chết) được. Ở phía nam nước Sở, có nước của những người Viêm[71], khi cha mẹ mất thì cắt lấy thịt liệng đi, còn xương thì đem chôn, như vậy mới là báo hiếu. Ở phía tây nước Tần, có nước Nghi Cừ, cha mẹ chết thì chất củi mà thiêu, khói bốc lên, họ bảo cha mẹ “lên cõi xa”, như vậy mới là báo hiếu.[72] Những thói đó, người ở trên (các nước đó) cho là hợp pháp, người dưới cho là hợp tục, không lấy làm lạ. VI. CỐ SỰ VÀ NGỤ NGÔNHAI CÁCH ĂN TRỘM I.13
(Tề chi Quốc thị[73] đại phú)
Một người họ Quốc ở nước Tề rất giàu; một người họ Hướng ở nước Tống rất nghèo, từ Tống qua Tề hỏi người kia về thuật làm giàu. Người họ Quốc bảo: - Tôi giàu vì khéo ăn trộm. Làm nghề ăn trộm, năm đầu tôi đủ ăn, năm thứ nhì tôi phong lưu, năm thứ ba tôi giàu lớn, và từ đó tôi lần lần mua được hết vườn ruộng trong miền. Người họ Hướng rất mừng. Anh ta biết rằng phải ăn trộm, nhưng không hiểu cách ăn trộm ra sao. Thế rồi anh ta leo tường vào lén nhà người ta, thấy cái gì, đụng cái gì vơ vét hết cái đó, không bao lâu bị bắt, xử tội, tịch thu luôn cả những của cải tích luỹ từ trước. Họ Hướng cho rằng họ Quốc gạt mình, lại ngỏ lời trách oán. Người họ Quốc hỏi: - Anh ăn trộm cách nào? Họ Hướng kể lại cách ăn trộm của mình. Người họ Quốc bảo: - Ôi! Sao mà anh lầm về cách ăn trộm tới mức đó. Này, để tôi giảng cho anh nghe. Ta nghe nói trời có bốn mùa, đất có huê lợi, ăn trộm thời tiết của trời, huê lợi của đất, sự ẩm ướt thấm nhuần của mây mưa, sản phẩm của núi trằm[74], để cho lúa của ta mọc, rồi chín mà gặt, để xây tường, dựng nhà mà ở. Ở trên đất, ta ăn trộm các loài cầm thú, ở dưới nước ta ăn trộm các loài cá, rùa, không thứ gì ta không ăn trộm. Lúa má, đất gỗ, cầm thú, cá rùa, đều do trời sinh ra cả, đâu phải của ta, nhưng ta ăn trộm của trời thì không bị tai hoạ. Còn như vàng ngọc, châu báu, thức ăn, vải lụa, hoá phẩm, là của người ta làm ra, chứa lại, đâu phải của trời cho; ăn trộm của người ta thì bị tội, còn oán ai nữa? Họ Hướng rất hoang mang, cho rằng họ Quốc gạt mình lần nữa, gặp ông Đông Quách, đem hỏi lại. Ông Đông Quách bảo: - Anh dùng cái thân thể của anh, chẳng phải là ăn trộm ư? Anh ăn trộm sự điều hoà của âm dương để thành sinh lực của anh; thân anh cũng vậy, huống hồ là ngoại vật, có vật nào là anh không ăn trộm? Thực ra trời đất, vạn vật không rời nhau ra, phân biệt ra để chiếm hữu các vật đó, đều là lầm lẫn[75]. Cách ăn trộm của họ Quốc, là cách “chung”, cho nên không bị tai hoạ; còn cách ăn trộm của anh là “riêng”, cho nên bị tội. Tuy phân biệt chung và riêng đó thì cũng vẫn là ăn trộm[76]. Cái đức (đạo, luật) của trời đất là cái gì cũng có thể là chung được, cái gì cũng có thể là riêng được; biết được cái đức của trời đất thì thế nào là ăn trộm, thế nào không phải ăn trộm?[77]HỄ TIN THÌ LÀM GÌ CŨNG ĐƯỢC II.6
(Phạm Thị hữu tử viết Tử Hoa)
Phạm Thị có một người con tên là Tử Hoa khéo gây tiếng tốt, trong nước ai cũng phục, được vua Tấn tin cậy, tuy không có chức vụ gì mà được ngồi bên phải ba vị khanh[78]. Tử Hoa thích ai thì người đó được vua ban tước liền, chê ai thì kẻ đó bị truất liền, được lui tới tư dinh ông ta thì cũng như vô ra triều đình. Tử Hoa xúi bẩy cho bọn hiệp khách[79] trong nhà tranh nhau về trí ngu, về mạnh yếu, dù có kẻ bị thương tích trước mắt, ông cũng thản nhiên, suốt ngày đêm lấy trò đó làm vui, cơ hồ thành cái tục trong nước. Hoà Sinh và Tử Bá là hai thượng khách của ông ta, đi ra ngoài cõi, trọ ở nhà một ông nông dân già tên là Thương Khâu Khai. Ban đêm, hai người đó nói với nhau về uy danh của Tử Hoa, có thể làm cho kẻ sống phải chết, kẻ chết được sống lại, kẻ giàu hoá nghèo, kẻ nghèo hoá giàu. Ông lão Thương Khâu Khai nghèo đói quẫn bách, nép ở cửa sổ nghe lóm được, chuẩn bị lương thực, xếp vào giỏ, lại nhà Tử Hoa. Bọn đàn em của Tử Hoa đều là hạng gia thế, bận đồ lụa, ngồi xe đẹp. Họ ung ung bước tới, ngó ngang ngó ngửa, liếc thấy Thương Khâu Khai tuổi đã già, sức đã suy, mặt mũi sạm nắng, mũ áo lôi thôi, (…), tỏ vẻ khinh bỉ, nhạo báng, xô đẩy, lôi kéo, làm tình làm tội ông già đủ thứ. Thương Khâu Khai không tỏ vẻ bực mình và bọn đó đùa giỡn riết rồi chán. Rồi họ cùng với Thương Khâu Khai lên một cái đài cao, một người trong bọn nói đùa: - Ai dám nhảy xuống đất thì ta thưởng cho trăm lượng vàng[80]. Mọi người đều tán thành. Thương Khâu Khai tin là thật, nhảy xuống đầu tiên. Thân thể ông như chim bay, đáp nhẹ xuống đất, xương thịt không bị thương gì cả. Bọn Phạm Thị cho là chuyện may mắn ngẫu nhiên, chưa phải là quái dị. Dịp khác, họ trỏ một chỗ sâu tại một khúc sông bảo dưới đó có châu bảo, xuống mò sẽ được. Thương Khâu Khai lại tin, lặn xuống, rồi nổi lên, quả nhiên vớt được châu bảo. Lúc đó mọi người mới bắt đầu nghi (có phép lạ nào đó), Tử Hoa mới ra lệnh đãi ông già vào hạng thượng khách, được ăn thịt và bận đồ tơ lụa. Chẳng bao lâu, kho của Phạm Thị cháy lớn, Tử Hoa bảo ông già: - Ông vô đám cháy khuân ra các gấm vóc thì tôi sẽ tuỳ nhiều ít mà thưởng ông. Thương Khâu Khai nhảy vô đám lửa, nét mặt thản nhiên, đi đi lại lại trong lửa rực, không bị khó chịu vì tro bụi, thân thể không bị bỏng. Bọn Phạm Thị cho rằng ông già đó “đắc đạo”, xin lỗi ông: - Chúng tôi không biết ông đắc đạo, cố ý lừa gạt ông. Chúng tôi không biết ông là bậc thần nhân mà muốn làm nhục ông. Xin ông coi chúng tôi như bọn ngu, điếc, đui và dạy cho chúng tôi đạo của ông. Thương Khâu Khai đáp: - Tôi có cái đạo nào đâu. Chính lòng tôi cũng không biết sao lại được như vậy, nhưng có điều này tôi muốn cho các ông hay. Hôm trước, hai ông khách lại tá túc trong nhà tôi, tôi nghe hai ông ấy khen uy thế của họ Phạm, có thể làm cho kẻ sống phải chết, kẻ chết sống lại, kẻ giàu hoá nghèo, kẻ nghèo hoá giàu, tôi thành tâm tin thực, nên không ngại xa mà tới đây. Lại đây, tôi tin lời của các ông là đúng. Tôi chỉ sợ lòng tôi không được chân thành, hành vi của tôi không xứng đáng, mà không nghĩ an hay nguy cho thân tôi, lợi hay hại cho tôi. Tôi chỉ nhất tâm, nhất nguyện, cho nên vật không làm trở ngại cho tôi. Chỉ có vậy thôi. Bây giờ tôi mới biết rằng các ông muốn gạt tôi thì trong lòng tôi sinh ra nghi ngờ, lo sợ, nghe thấy, trông thấy cái gì cũng đâm ngại. Nhớ lại hôm trước thoát chết đuối, chết cháy, tôi hoảng hốt, lo sợ, bừng bừng trong lòng. Từ nay tôi đâu dám lại gần nước và lửa nữa. Từ hôm đó, bọn đàn em Phạm Thị gặp ăn mày hay hạng thú y[81] ở ngoài đường, không dám làm nhục họ nữa, mà còn xuống xe vái là khác. Tể Ngã[82] nghe chuyện đó, kể với Trọng Ni, Trọng Ni bảo: - Anh có biết không? Con người cực thành tín thì có thể cảm động được vạn vật, trời đất, quỉ thần, vượt sáu cõi[83] mà không gì ngăn được, chứ nào phải chỉ vô được chỗ nguy hiểm, vô nước, vô lửa mà thôi đâu. Ông Thương Khâu Khai tin lời gạt của bọn đó mà nước, lửa còn không làm hại ông được, huống hồ là hai bên cùng chân thành cả (thì việc gì mà không làm được?). Các con nên nhớ điều đó.CÁCH NUÔI THÚ DỮ II.7
(Chu Tuyên vương chi[84] mục chính)
Viên quan mục súc của vua Tuyên vương nhà Chu có một người coi vườn thú tên là Lương Ương khéo nuôi các cầm thú rừng. Khi chú ta cho chúng ăn thì ngay những con hổ, chó sói, chim cắt, chim ngạc[85] cũng tỏ ra hiền. Mỗi cặp sinh đẻ thành bầy. Các giống khác nhau sống chung mà không cắn nhau. Nhà vua sợ chú coi vườn đó chết đi, cái thuật nuôi cầm thú cũng mất theo, sai Mao Khâu Viên học thuật đó. Lương Ương nói với Mao Khâu Viên: - Công việc của tôi hèn mọn, có thuật gì truyền cho anh đâu. Tôi sợ nhà vua cho rằng tôi giấu nghề, nên tôi kể cho anh nghe cách tôi nuôi cọp. Bất kì loài nào, hễ thuận ý nó thì nó mừng, nghịch ý nó thì nó giận, tánh đó là tánh chung của các loài có huyết khí. Vậy mừng hay giận có phải là vô cớ phát ra đâu; (một con vật mà hoá dữ) thì luôn luôn là do ta phạm tới điều gì trái ý nó. Như nuôi cọp, tôi không dám cho nó ăn các con vật còn sống, vì nó sẽ vồ, giết con vật đó, mà nổi tánh hung dữ của nó lên. Tôi cũng không cho nó ăn trọn con vật chết, vì nó sẽ xé xác con vật đó, mà nổi tánh hung dữ của nó lên. Tôi theo đúng giờ ăn, biết lúc nào nó đói, nó no; tôi hiểu lí do khiến nó hung dữ mà theo ý nó; nếu bị nó cắn chết thì chỉ tại làm trái ý nó. Cho nên tôi không dám làm trái ý nó[86], khiến cho nó nổi giận, mà cũng không theo bản năng của nó, kích thích nỗi vui của nó, vì vui hết rồi thì tất giận, giận hết rồi thì thường vui; cả hai trường hợp đều không trung hoà (không quân bình). Lòng tôi không muốn làm trái ý chúng cho chúng giận, kích thích cho chúng vui, cho nên các loài cầm thú đều coi tôi như đồng loại của chúng. Cho nên chúng nhởn nhơ trong vườn mà không nhớ cảnh rừng cao, đầm rộng, ngủ trong sân mà không đòi cảnh núi sâu, hang thẳm. Lẽ tự nhiên như vậy.THUẬT LỘI TRONG NƯỚC II.9
(Khổng tử quan ư Lữ Lương)
Khổng Tử ngắm thác nước ở Lữ Lương từ trên cao ba mươi “nhẫn”[87] đổ xuống, cuồn cuộn nổi bọt lên tới ba mươi dặm, ngay đến loài giải, ba ba, cá, kì đà cũng không lội trong dòng đó được. Bỗng ông thấy một người đàn ông lội trong dòng, tưởng người đó có nỗi khổ tâm mà muốn tự tử, bèn sai học trò đi dọc theo bờ thác mà vớt. Nhưng thấy cách chỗ đó vài trăm bước, người đó nhoi lên bờ, vuốt tóc lại, vừa đi vừa hát ở chân đê. Khổng Tử đuổi kịp người đó hỏi: - Thác Lữ Lương từ trên cao ba chục “nhẫn” đổ xuống cuồn cuộn lên tới ba mươi dặm, ngay loài giải, ba ba, cá kì đà cũng không lội trong dòng đó được. Mới đầu tôi thấy chú lội ở trong thác, tưởng chú có nỗi khổ tâm mà muốn tự tử, sai học trò của tôi đi theo bờ mà vớt chú. Rồi chú nhoi lên, vuốt tóc lại, vừa đi vừa hát, ngỡ chú là ma quỉ, lại gần coi kĩ thì thấy chú là người. Xin chú cho biết cái “đạo” (thuật) gì để lội trong nước không? Người đó đáp: - Không, tôi chẳng có đạo lội nước nào cả. Mới đầu tôi tập lội, lớn lên thành một bản tính, cuối cùng thành ra tự nhiên, gặp nước xoáy thì để cho nó cuốn vô rồi lại để nó đưa mình nổi lên, cứ theo cái “đạo” của nước, chứ không theo ý riêng của mình. Nhờ vậy tôi bơi lội dễ dàng trong thác được. Khổng Tử hỏi: - Chú nói: “Mới đầu tôi tập lội, lớn lên thành một bản tính, cuối cùng thành ra tự nhiên” là nghĩa làm sao? Đáp: - Tôi sinh ra ở trên đất cao, thấy yên ổn ở trên đất, đó là bước đầu. Rồi lớn lên ở trong nước, thấy yên ổn ở trong nước. Sau cùng tới lúc tôi không biết tại sao lại như vậy nữa, mà cho nó là điều tự nhiên[88].THUẬT BẮT VE SẦU II.10
(Trọng Ni thích Sở)
Trên đường qua nước Sở, ra khỏi một khu rừng, Trọng Ni thấy một người bắt ve sầu dễ dàng như nhặt vậy. Trọng Ni hỏi người đó: - Ông bắt tài quá, có đạo (thuật) gì không? Đáp: - Có, tôi có đạo bắt ve sầu. Trong năm sáu tháng, tôi tập giữ sao cho hai viên đạn đặt trên đầu gậy không rớt xuống, lúc đó ít con ve sầu nào thoát được tôi[89]. Khi để ba viên đạn trên đầu gậy mà không rớt thì mười con chỉ bắt hụt một con. Khi để năm viên đạn mà không rớt thì bắt chúng dễ như nhặt vậy. Tôi giữ thân thể trơ trơ như khúc cây, cánh tay như một cành khô; chung quanh trời đất mênh mông, có biết bao nhiêu là vật mà tôi chỉ thấy cánh ve sầu thôi; tôi không nhúc nhích một chút, có ai đòi đổi mọi vật để lấy cánh ve sầu, tôi cũng không đổi. Như vậy làm sao không bắt được chúng? Khổng tử quay lại bảo học trò: - Tập trung tinh thần đừng cho phân tán thì không khác gì bậc thần, tức như ông lão này vậy[90]. Ông lão đó bảo: - Thầy là hạng (quần dài) áo rộng[91], biết gì mà nói vậy? Hãy sửa cái đạo (dùng nhân nghĩa) của thầy đi, (cho nó trở về đạo tự nhiên) rồi hãy nói như vậy.MỘT CÁCH GẠT KHỈ II.19
(Tống hữu thư công giả)
Nước Tống có một người khéo nuôi khỉ. Ông ấy yêu khỉ, nuôi được một bầy khỉ, hiểu ý chúng mà chúng cũng hiểu ý ông. Ông giảm khẩu phần trong nhà đi để khỉ ăn được đầy đủ, nhưng gặp năm đói kém, thiếu thốn, ông đành phải hạn chế phần ăn của chúng. Sợ chúng phản kháng, mới đầu ông nói gạt chúng như vầy: - Tao cho chúng bay ăn hạt dẻ[92], sáng ba, chiều bốn, đủ không? Chúng đều nổi giận không chịu. Rồi ông bảo : - Thế thì cho chúng bay sáng bốn, chiều ba, đủ không? Chúng đều phủ phục, mừng lắm. Các sinh vật khôn và dại, gạt nhau đều như vậy cả. Thánh nhân dùng trí mà gạt bọn dân ngu, cũng như người nuôi khỉ đó dùng trí mà gạt khỉ. Số hạt dẻ không hề đổi, mà khiến cho bầy khỉ trước giận sau vui[93].TRỞ VỀ CỐ HƯƠNG III.10
(Yên nhân sinh ư Yên)
Một người nước Yên, sanh ở nước Yên, lớn lên ở nước Sở, tuổi già trở về cố quốc. Khi đi qua nước Tấn, một người đồng hành gạt ông ta, trỏ thành (của nước Tấn) bảo: - Thành nước Yên đấy. Ông già đó cảm động, rầu rĩ. Người kia lại trỏ nền xã[94] bảo: - Nền xã của tổ quốc bác đấy. Ông già thở dài, bùi ngùi. Lại trỏ một ngôi nhà bảo: - Nhà của các cụ hồi trước đấy. Ông già rũ rượi, nhỏ lệ. Lại trỏ mấy nắm mồ: - Mộ của các cụ đấy. Ông già khóc mướt. Người kia cười rộ, bảo: - Tôi gạt bác đấy, đây mới là nước Tấn mà. Ông già mắc cỡ. Khi về tới nước Yên, thấy chính thành quách, nền xã của nước Yên, thấy chính nhà cửa, mồ mả của tổ tiên, thì lòng bi cảm của ông kém nhiều rồi.[95]KHỔNG TỬ XÉT CÁC MÔN SINH IV.4
(Tử Hạ vấn Khổng tử)
Tử Hạ[96] hỏi Khổng tử: - Nhan Hồi[97] là người ra sao? Khổng tử đáp: - Hồi hơn ta về đức nhân. Tử Hạ lại hỏi: - Tử Cống[98] là người ra sao? - Tứ biện thuyết giỏi hơn ta. Tử Hạ lại hỏi : - Tử Lộ[99] là người ra sao? - Do dũng cảm hơn ta. - Tử Trương[100] là người ra sao? - Sư trang nghiêm hơn ta. Tử Hạ đứng dậy hỏi: - Vậy thì sao bốn anh đó phải học thầy? Khổng tử đáp: - Ngồi xuống, ta giảng cho nghe. Hồi có đức nhân nhưng không quyền biến[101]. Tứ có tài biện thuyết mà không biết giữ lời. Do dũng cảm mà không biết có lúc nên nhát. Sư trang nghiêm mà không biết hoà đồng với người. Đổi cái của ta[102] để lấy những đức của bốn anh đó thì ta không đổi. Vì vậy bốn anh đó một mực[103] thờ ta làm thầy[104].Chú thích:[1] Nguyên văn là “trưng”. B.G. dịch là: effect (tác động).[2] Nguyên văn là “chiêm”, có lẽ nên hiểu là trường hợp.[3] Nguyên văn là “cố”, Trương Trầm chú giải là “cố sự”, B.G. dịch là: Intuition (trực giác).[4] Nghĩa là đầy vơi, thịnh suy.[5] Chúng tôi theo chú giải của Trương Trầm, B.G. dịch khác: cho nên ý tưởng trong ban ngày và mộng ban đêm đều ảnh hưởng tới cơ thể hoặc tinh thần.[6] B.G. dịch là: tinh thần mà tập trung; nhưng tập trung có nghĩa là suy tư mãnh liệt, thì làm sao tiêu tan được? Theo chúng tôi “ngưng lại” có nghĩa là không suy tư gì cả.[7] B.G. dịch là: “Thực sự cảm thấy (cái thực) thì không phải là hư ngôn (vain mot). Nguyên văn: tín giác bất ngữ. [8] Nguyên văn: “cơ hư ngữ tai”, B.G. không dịch. Chúng tôi đoán nghĩa như vậy. [9] Bản chữ Hán chép là: Trịnh nhân hữu tân hoàng dã giả: 鄭人有薪皇野者. (Goldfish).[10] Quan toà.[11] Trong Cổ học tinh hoa, bài này có nhan đề là Người kiếm củi được con hươu (bài 209). (Goldfish). [12] Tựa như thầy đồ.[13] Vì Nhan Hồi có đức hơn Tử Cống. Tử Cống ham làm giàu. [Bài này có trong Cổ học tinh hoa, nhan đề là Bệnh quên (bài 139). (Goldfish).[14] Trong Cổ học tinh hoa, bài 140: Bệnh mê, chép là họ Bàng. (Goldfish).[15] Chê Khổng Tử mong dùng nhân nghĩa để cứu đời. [16] Cô Xạ 姑射: Trong Trang tử và Nam Hoa kinh, bài Tiêu dao du 3, cụ NHL phiên âm là Cô Dạ. (Goldfish).[17] Một đảo ở giữa biển, theo một huyền thoại trong Sơn Hải kinh. [18] Nguyên văn: trát thương. B.G. dịch là: dịch lệ.[19] Truyện này có chép vắn tắt trong thiên Tiêu dao du của Trang tử. [20] Tức Trung Hoa. Người Trung Hoa thời đó cho rằng bốn bề chung quanh nước họ là biển. [21] Theo truyền thuyết vua Nghiêu là một minh quân, nhân từ, giữ ngôi từ -2357 đến -2255, nước rất thái bình. Ông không truyền ngôi cho con mà truyền cho một người hiền trong nước là ông Thuấn, ông này giữ ngôi từ -2255 đến -2505. Đạo Khổng trước hết, rồi tới đạo Lão, đạo Mặc và cả Pháp gia đều coi Nghiêu, Thuấn là những ông vua kiểu mẫu, những bậc thánh. Mỗi phái đều đề cao chính trị của hai ông đó theo chủ trương của mình.[22] Khang Cù có nghĩa là đường lớn đưa đi khắp nơi.[23] Trương Trầm chú giải là: Khiến cho vạn vật được cực (thiện).[24] B.G. dịch là: “theo mệnh nhà vua”.[25] Có nghĩa là công thành rồi thì thân thoái.[26] Bản chữ Hán, do bác Vvn cung cấp, chép: 湯又問曰: 四海之外… Thang hựu vấn viết: Tứ hải chi ngoại… (Goldfish).[27] Ông vua đã diệt vua Kiệt mà chấm dứt nhà Hạ, mở đầu nhà Thương (-1766 -1753).[28] Nước Dinh ở vào khoảng Liêu Ninh Triều Tiên ngày nay.[29] Nước Bân ở vào khoảng Thiểm Tây ngày nay.[30] Sách Nhĩ Nhã có kể tên những dân tộc hoặc những nước ở chỗ mà người Trung Hoa thời đó gọi là “tứ hải”, “tứ hoang”, “tứ cực” (đông cực, tây cực, nam cực, bắc cực), chúng tôi nghĩ rằng không cần chép lại.[31] Ngao là con ba ba rất lớn.[32] Chuyên Húc: vua thời thượng cổ, cháu vua Hoàng Đế (-2514 -2436).[33] Bột Hải, cái vịnh nằm ở trong khoảng bán đảo Liêu Đông, tới bán đảo Sơn Đông.[34] Bát hoành cũng như bát cực, tám góc thật xa. Cửu dã tức tám phương và trung ương – chỉ nên hiểu tất cả các nước dưới gầm trời.[35] Có lẽ nên hiểu ở giữa cái khoảng từ cái vực đó tới Trung Quốc.[36] Nguyên văn: dĩ vi lân cư yên. B.G. không dịch.[37] Nguyên văn là châu, can, trỏ những thứ ngọc.[38] Vị thần ở Tây Bắc, sai khiến các rùa thần. [39] Mỗi đoàn năm con, chia nhau mỗi con đội một trái núi.[40] B.G. bỏ sáu chữ: “cử túc bất danh sổ thiên”, không dịch. Các sách đều không chú giải, chúng tôi cũng không hiểu nghĩa gì.[41] Đó là những người lùn, ta nên nhớ thước (xích) Trung Hoa thời đó bằng một gang tay (theo Wieger), vậy một thước rưỡi thời đó chỉ bằng khoảng 3 tấc tây, mà chín tấc chưa bằng hai tấc tây. [42] B.G. dịch minh linh là loài ma quỉ của cõi âm. [Chữ Hán là: 冥靈. Trong bộ Trang tử và Nam Hoa kinh, bài Tiêu dao du 1, cụ NHL dịch là con rùa thiêng và chú thích rằng: có người giải thích là một loại cây. (Goldfish)][43] Có lẽ là loài mối xứ ta, cứ đầu mùa mưa thì bay ra.[44] Ông vua khởi nghiệp nhà Hạ (-2205 -2197). Coi bài VII.12.[45] Bá Ích, Di Kiên là những nhà bác học thời đó.[46] Li Chu thời Hoàng Đế, Tử Vũ cũng ở thời thượng cổ.[47] Sư Khoáng là nhạc sư của một ông vua nước Tần.[48] Một trong đám gồm năm núi (ngũ nhạc) danh tiếng ở Trung Hoa. [Tung Sơn 嵩山 thuộc tỉnh Hà Nam, trong sách in sai thành Trung Sơn. (Goldfish).[49] Ta thường dịch là cây quít.[50] Có lẽ là loài yểng, tập nói được tiếng người.[51] Tựa như con cầy, mũi dài và nhọn, cũng gọi là con mạch (tapir). Không phải chim hạc.[52] Núi Thái Hình tức núi Thái Hàng. Núi đó với núi Vương Ốc nay ở Hà Nam.[53] Một nhẫn là tám thước.[54] Kí Châu nay ở Sơn Tây và Hà Bắc. Hà Dương nay ở Hà Nam.[55] Ngu Công nghĩa là ông già ngu.[56] Dự Nam ở phía nam Dự Châu. Hán Âm ở phía bắc sông Hán, nay ở Hồ Bắc. [57] Một ngọn núi nhỏ.[58] Theo Hoài Nam tử, Ẩn Thổ ở Đông Bắc Trung Hoa.[59] Tri Tẩu nghĩa là ông già sáng suốt, khôn.[60] Theo truyền thuyết Trung Hoa, các thần núi, biển đều chỉ huy loài rắn.[61] Bản chữ Hán đăng trên http://cls.hs.yzu.edu.tw chép là 夸蛾 (Khoa Nga); còn bản do bác Vvn cung cấp chép là 萬蛾 (Vạn Nga). (Goldfish).[62] Trong Cổ học tinh hoa, truyện 243: Ngu công dọn núi, bỏ đoạn từ “Vị thần chỉ huy loài rắn” đến “một trái ở Ung Nam”. (Goldfish).[63] Trong sách, cả hai bản đều in là: “phía bắc Hà Dương Âm”. Bản chữ Hán do bác Vvn cung cấp chép là: Hán chi âm 漢之陰. (Goldfish). [64] Cũng gọi là Ngu Uyên, theo truyền thuyết là chỗ mặt trời lặn.[65] Hà là sông Hoàng Hà, Vị là một con sông ở Thiểm Tây.[66] Ông Vũ, sáng lập nhà Hạ, hồi còn làm bề tôi vua Thuấn, được vua Thuấn giao cho việc khai thông sông, đầm cho khỏi lụt.[67] Nghĩa là tận cùng phương Bắc.[68] Hai thứ rượu ngon nhất.[69] Sách in là: bị phát; bản chữ Hán chép là: chúc phát 祝發.(Goldfish).[70] Chữ Hán gồm bộ xa (xe) bên trái và chữ Vĩnh (lâu dài) bên phải, không sách nào trỏ cách đọc, Từ Hải, Từ Nguyên đều không ghi. [Bản chữ Hán do bác Vvn cung cấp chép là Triếp (Mộc) 輒 (木). Chữ Mộc có bản chép là: 沐. (Goldfish)][71] Viêm là nóng. Viêm nhân là người xứ nóng. Chương này có lợi cho các nhà nhân chủng học, xã hội học vì các truyền thuyết ấy không phải hoàn toàn vô căn cứ.[72] Thinh Quang, trong bài Bí ẩn của cái chết, viết: “Có một số luận cứ cho rằng “hỏa táng” xuất xứ từ Ấn Ðộ, vào đời Hán du nhập vào Trung Quốc. Thực ra, không phải vậy. Chính gốc gác về “hỏa táng” theo như sách “Liệt Tử” cho biết: “Nước Nghi Cừ ở phía Tây Tần, nằm ven theo dòng sông Kinh Hà, Khánh Dương, thuộc tỉnh Cam Túc ngày nay, khi có người quá cố, mang củi chất lên thiêu giữa trời. Ngọn khói bay cao chừng nào thì linh hồn người chết càng được siêu thăng!”. (Goldfish).[73] Thị: Bản chữ Hán đăng trên trang http://philosophy.sysu.edu.cn/wgzx/info_Show.asp?ArticleID=283 chép là: 氏 (thị), còn bản do bác Vvn cung cấp chép là: 樂 (nhạc, lạc, nhạo). (Goldfish).[74] Có lẽ là chằm, do in sai mà thành ra trằm. Chữ Hán là: trạch 澤 (nghĩa là: chằm, đầm). (Goldfish).[75] Trong Cổ học tinh hoa, truyện 224: Cũng là ăn trộm, chỉ dịch tới đây. (Goldfish).[76] Nghĩa là nội cái việc sống cũng là ăn trộm sự sống của trời đất rồi, cho nên không muốn ăn trộm cũng là ăn trộm.[77] Ý nói: mọi vật đều do thiên nhiên, không phân biệt chung và riêng, thì còn phân biệt ăn trộm với không ăn trộm làm gì.[78] Ba đại thần cũng như chức thượng thư đời sau.[79] Tử Hoa nuôi khách trong nhà để gây tiếng tốt cho mình.[80] Bách kim. Chữ kim này trỏ một đơn vị tiền tệ, có thể là một cân, một dật (24 cân), một lượng, một đồng tiền; lại có thể là vàng, là bạc hay là đồng.[81] Hạng này xưa bị khinh rẻ, tiếng Trung Hoa gọi là “nhã y”, thầy lang ngựa. [Chắc sách in lầm “mã” thành “nhã”. Các bản chữ Hán đều chép là: mã y 馬醫. (Goldfish)].[82] Môn đệ của Khổng tử, tên là Tể Dư, tên tự là Ngã, có khẩu tài, làm quan đại phu nước Tề, phải tội, bị giết cả ba họ.[83] Lục hợp là trời đất (trên dưới), và bốn phương: đông, tây, nam, bắc.[84] Bản chữ Hán đăng trên http://zh.wikisource.org/wiki chép là: chi 之, còn bản do bác Vvn cung cấp chép là phương: 方. (Goldfish).[85] Loài chim có mỏ lớn, chân có màng, bắt tôm cá.[86] Đoạn nuôi cọp này có chép trong thiên Nhân gian thế của Trang tử, nhưng vắn tắt hơn.[87] Coi chú thích V.3.[88] Truyện này có chép trong thiên Đạt sinh của Trang tử. Như chúng tôi đã nói trong thiên II phần I, truyện này được chép lại trong bài VIII.10, chỉ đoạn kết là thay đổi.[89] Người ta dùng nhựa dính bôi vào đầu gậy, chấm vào cánh ve sầu là bắt được nó.[90] Truyện này có chép trong thiên Đạt sinh của Trang tử.[91] Ý nói bọn nhà Nho, như ta nói bọn thầy Đồ.[92] Hạt dẻ: Trong Trang tử và Nam Hoa kinh, bài Tề vật luận 2, cụ NHL ghi là “trái lật” và chú thích: “Nguyên văn chỉ có tam, tứ (ba, bốn), chứ không nói rõ ba, bốn cái gì. Các bản dịch thường thêm ‘trái lật’: chataigne hoặc ‘thăng’: một đơn vị đo lường cho dễ hiểu”. Trong Liệt tử, bản chữ Hán cũng “chỉ có tam, tứ (ba, bốn)…”. (Goldfish).[93] Truyện này có chép trong thiên Tề vật luận của Trang tử.[94] Chỗ tế thần đất.[95] Truyện này, trong Cổ học tinh hoa, có nhan đề là Cảm tình. (Goldfish). [96] Tên Bốc Thương, đốc tín, cẩn thủ, hay bàn về những điều tinh vi.[97] Coi chú thích bài IV.1.[98] Tên là Đoan Mộc Tứ, có tài biện thuyết, thích buôn bán. [99] Tên là Trọng Do, cũng có tên là Quí Lộ, giỏi binh bị, tính quả cảm, cương trực.[100] Tên là Chuyên Tôn Sư, tính ung dung, nhúng nhường.[101] Nguyên văn: bất năng phân; có sách dịch là không biết nghĩ lại. B.G. dịch là: không biết tranh luận. Nhưng có sách lại bảo chữ phân đó chính là chữ nhẫn (nhịn) in lầm.[102] Tức thái độ “vô khả, vô bất khả”.[103] Nguyên văn: thử kì sở dĩ sự ngô nhi bất nhị dã. Đường Kính Cảo chú thích bất nhị là không có lòng ngờ gì cả. B.G. dịch là: không thờ một người nào khác. Có sách lại dịch là không có hai lòng.[104] Truyện này chép đúng như vậy trong Khổng tử gia ngữ.