Chiều mồng hai tháng Năm, cả nhà Triệu Ngư về Mi Sơn, đi hết bốn mươi phút đường cao tốc. Theo kế hoạch cũ thì mồng ba mới về, nhưng Hỷ Nhi điện thoại nói rằng rất có thể ngày mồng ba Tưởng Vận và Quân Trị Bình sẽ đi Cửu Trại, Triệu Ngư hỏi ý kiến vợ, Thương Nữ nói thế thì về ngay hôm nay đi. Đã mấy tháng nay không gặp nhau, chị thấy hơi nhớ Tưởng Vận. Triệu Ngư cũng nhớ mấy người bạn cũ ở Mi Sơn, trong đó có Tưởng Vận, thế là hai vợ chồng thu xếp đi ngay, tiện thể đến phố Lê Hoa đón con trai cùng đi. Dọc đường, Triệu Ngư nhận được một cú điện thoại không quen lắm, thì ra là điện thoại của Trịnh thợ may. Trịnh thợ may nói chị đang trên đường đến Thành Đô. Chị đã quyết định ra thành phố làm ăn, bây giờ đến khảo sát tình hình trước. Nếu điều kiện thuận lợi thì đến mùa Thu sẽ khai trương cửa hàng để người Thành Đô được thưởng thức món lẩu cá mè Cầu Khê chính thống. Thật không may lại đúng lúc Triệu Ngư về quê. Triệu Ngư cũng tỏ ý rất lấy làm tiếc. Anh gọi điện báo cho một người bạn cũng có cửa hàng lẩu để Trịnh thợ may đến gặp anh ta. Sau khi đã liên hệ được với anh bạn của Triệu Ngư rồi, Trịnh thợ may gọi điện cho Triệu Ngư gửi lời cám ơn, chị nói bạn của anh là một người rất nhiệt tình, giống hệt như anh. Triệu Ngư hỏi thăm tình hình Vương Đông và Lương Ngọc Cầm, Trịnh thợ may cười trả lời: Tôi đã làm đúng theo tinh thần của anh, kể từ ngày mai, Lương Ngọc Cầm sẽ đến làm việc tại cửa hàng của tôi. Triệu Ngư rất vui, anh cảm ơn Trịnh thợ may ríu rít. Hai người cứ cảm ơn nhau mãi, Trịnh thợ may nói khi nào có điều kiện, mời anh lại về chơi Cầu Khê một lần nữa. - Ai đấy? Sao có vẻ thân mật thế - Thương Nữ cười hỏi. - Cô Trịnh Thái Ức mà mọi người quen gọi là Trịnh thợ may đấy. Lần trước anh về Cầu Khê đã quen bà chủ quán này. - Triệu Ngư nói. - Lần trước anh đã kể chuyện với em về người chủ quán này, nhưng không ngờ hai người lại thân nhau đến thế, nói chuyện vui như tết, cứ làm như xung quanh không có ai. - Người nhà quê họ mến khách lắm, anh đã ăn cơm với họ hai lần. - May mà mới ăn cơm với nhau hai lần, nếu ăn đến lần thứ ba thì sao? - Thương Nữ cười bảo. - Thì sẽ càng thân thiết hơn chứ sao? - Lần sau anh đi Cầu Khê, em sẽ đi cùng anh. - Em cũng muốn gặp mặt cô ta à? Thương Nữ đang định nói, thì cậu con trai ngồi ở phía sau chen vào một câu: - Khi gặp mặt, mẹ không cần nói gì, cứ giơ khẩu súng lên là bắn ngay. Triệu Ngư phá lên cười, Thương Nữ cũng cười. Con trai mười tuổi của họ đọc truyện Thủy Hử nên thích tính cách của Lâm Sung. Hồi còn nhỏ Triệu Ngư cũng có biệt danh là Lâm Giáo Đầu, Hỷ Nhi là Lỗ Đạt, Quân Trị Bình là Dương Hùng. Vợ Dương Hùng bị lão hòa thượng cướp đi, còn Tưởng Vận thì bị Lý Phùng cướp. Một lần suýt nữa Hỷ Nhi buột miệng nói với Tưởng Vận, nhưng anh nhanh trí chuyển sang gọi Dương Hùng là Diên Tán. Xe đến trạm thu phí, Thương Nữ quên bẵng không biết lúc nãy mình định nói gì. Chị liếc nhìn chồng tay đang đặt trên vô lăng. Những chuyện rông dài như thế có thể đề cập bất cứ lúc nào, song cũng có thể bỏ qua ngay lập tức. Những điều nói ra cửa miệng, thực ra chẳng hệ trọng gì, những điều không thể nói ra được mới có vấn đề. Vậy đức ông chồng có điều gì không thể nói ra được không? Thương Nữ bỗng thoáng có ý nghĩ như vậy, nhưng không vì thế mà chị phải lo ngại. Chị không phải lo ngại gì cả. Việc chị lo ngại là việc khác, ví dụ việc học hành của con cái, công việc làm ăn, việc mấy bồn hoa ở ngoài ban công. Niềm vui của chị là đọc sách hoặc chơi mạt chược, là đi chơi xa, là một bữa tiệc thịnh soạn. Song trong đời sống cũng có những chuyện xảy ra ngoài ý nghĩ như việc gặp Tôn Kiện Quân năm ngoái, hoặc việc Tôn Khánh Hải gọi điện chẳng hạn. Hai người đàn ông họ Tôn quấn quýt lấy chị như hai ngôi sao, còn chị và chồng thì vẫn là hai ngôi sao song hành. Tôn Khánh Hải thường gọi điện đến phòng làm việc của chị, còn Tôn Kiện Quân thì lại gởi tin nhắn vào máy di động. Chị không bao giờ kể lại những chuyện này cho chồng nghe. Có chăng chỉ nói sơ sơ rằng Tôn Kiện Quân hỏi chị đã đọc xong cuốn tiểu thuyết Mặt trời rọi chiếu trên dòng sông chưa? Bên ngoài cửa xe là cảnh đường phố Mi Sơn, đường Hoàn Hồ, đường Xích Bích... Tô Đông Pha vốn là người Mi Sơn, các tên đường phố ở Mi Sơn đều do ông đặt ra. Nhà bố mẹ Triệu Ngư ở cảng Lạc Hồng. Từ cảng Lạc Hồng đi về phía tây có một cảng nhỏ mang cái tên rất hấp dẫn: cảng Dưa Hấu, ở đây chuyên bán dưa hấu và lạc rang. Mi Sơn là một thành phố nông thôn, hàng năm có đến hàng vạn người làm nông nghiệp đến đây kiếm sống, không khí vừa nhộn nhịp, vừa hỗn loạn. Cả thành phố đều làm ăn buôn bán, tiếng loa rao bán hàng đến đinh tai nhức óc. Năm ngoái, khi Thương Nữ về đây, Tưởng Vận đã đưa chị đi xem khắp một lượt, chỉ cần sơ ý một chút là dẫm ngay phải bãi rác... Một thành phố nhỏ, phát triển với tốc độ cao đương nhiên sẽ nảy sinh nhiều vấn đề. Chỉ vì nơi đây là quê hương của chồng nên Thương Nữ mới coi nó là quê hương của mình. Nhà cao tầng ở Mi Sơn mọc lên nhan nhản khiến người ta phải giật mình. Khu đô thị mới ở phía bắc xây dựng rất đồ sộ, gần đó có một con sông, không gian thoáng mát, rộng rãi. Những người giàu có ở khu đô thị cũ đều chuyển về phía bắc, xây nhà ở gần các cơ quan của thành phố. Họ xây dựng nhà san sát bên nhau rất quy củ. Khách đến đây thường gọi khu vực này là khu vực của những nhà triệu phú. Vừa về đến nhà một lúc thì Hỷ Nhi gọi điện bảo rằng anh đã đặt cơm ở một nhà nổi trên sông, đúng năm giờ rưỡi chiều sẽ đánh xe đến đón vợ chồng con cái Triệu Ngư đi ăn. Mẹ Triệu Ngư lầu bầu: - Vừa về đến nhà, ngồi chưa ấm chỗ đã lại đi. - Con ở nhà chơi với ông bà nội nhé. - Triệu Ngư bảo với con trai. - Triệu Cao nói con cũng muốn đi ăn. - Cháu ở nhà ông sẽ đưa đi chơi ở quảng trường, đi thăm các tượng điêu khắc. - Ông nội nói. Triệu Cao nhảy cẫng lên, gật đầu ngay. Triệu Ngư bảo con ở nhà đợi bố mẹ ăn cơm xong, sẽ về đưa con đi chơi phố. Thằng nhóc vui mừng ra mặt. Thường ngày Triệu Ngư vẫn huấn luyện nó như huấn luyện một chú chó con. Đúng sáu giờ chiều, các bạn bè cũ đều có mặt ở nhà hàng nổi ven sông, Quân Trị Bình cũng đến. Anh là đại biểu hội đồng nhân dân ở địa phương, mùa Xuân năm ngoái, khi trúng cử đại biểu hội đồng nhân dân, anh đã gọi điện báo cho Triệu Ngư biết. Anh hơn Triệu Ngư một tuổi. Triệu Ngư hỏi anh còn có tham vọng leo lên cao hơn nữa không, anh trả lời hết khóa này sẽ nghỉ. Quân Trị Bình là người có lối sống phóng khoáng, các cán bộ dưới quyền ai cũng yêu mến. Anh khác hẳn với Lý Tiến. Lý Tiến bây giờ là giám đốc nhà xuất bản, rõ ràng anh đã tự hại mình. Tính cách của anh dẫn đến hiện tượng độc tài ở đơn vị, nếu Triệu Ngư nghe theo lời khuyên của Lý Tiến thì chắc chắn sau này sẽ trở thành người kế cận và tất cũng sẽ đi theo con đường độc đoán chuyên quyền, như vậy sẽ trái với lối sống bản chất của anh. Gọi là độc tài tức là thâu tóm mọi quyền lực trong tay, bắt mọi người phải làm theo ý mình. Nguyên tắc của Triệu Ngư là phải duy trì được tính hoàn chỉnh của cá thể không để nó bị lu mờ trong quần thể. Điều này có liên quan đến suy nghĩ triết học của anh. Theo anh, triết học chính là cuộc sống, nó không phải là bất cứ cái gì ngoài cuộc sống. Quân Trị Bình ăn mặc rất giản dị, riêng chỉ có Hỷ Nhi là diện complê chỉnh lề. Năm ngoái Hỷ Nhi thực hiện kế hoạch giảm béo, giảm được tám, chín ki lô gam. Để đề phòng hiện tượng béo trở lại, anh kiên trì tập luyện trên sân thượng, đồng thời áp dụng một biện pháp nhằm chống lại sự lười biếng, mua liền một lúc hai bộ complê, nếu trọng lượng cơ thể tăng thì đành phải tặng complê cho người khác. Là người đàn ông sống độc thân, không thiếu tiền, nếu trọng lượng cơ thể giảm tất niềm tin của anh sẽ tăng lên. Anh hy vọng mình sẽ có lối sống khác hẳn để từ nay về sau anh sẽ xuất phát từ chính con người anh chứ không phải xuất phát từ tiền bạc, anh sẽ đến với một người đàn bà làm anh rung động trái tim. Ba người đàn ông ngồi trong nhà hàng du thuyền còn hai người đàn bà thì đi dạo ven sông, họ muốn nói chuyện riêng với nhau. Mặt sông mênh mông, ánh triều dương in hình trên mặt nước. Tưởng Vận mặc quần Âu xanh, áo sơ mi màu hồng đào, cổ đeo dây chuyền vàng, khổ người dong dỏng cao, chân dài đi sóng đôi với Thương Nữ trông rất hài hòa. Chính nhờ có thể hình như vậy nên chị đã mở cửa hàng thời trang suốt mười năm liền, mãi năm ngoái mới trở lại đơn vị làm việc. Chị hơn Thương Nữ một tuổi, sắp ba mươi ba tuổi rồi. Lúc mới trở lại đơn vị, chị ăn mặc rất cầu kỳ, dần dần cũng dễ dãi hơn. Hễ có tiền là chị tiêu xài, không biết để dành bao giờ. Chị vốn là người sống rất chủ động. Hồi đó chị theo đuổi Triệu Ngư còn bây giờ thì khoác tay vợ Triệu Ngư. Thương Nữ mặc jip màu nước biển, cổ đeo chuỗi hạt chân trâu. Tưởng Vận dừng lại ngắm kỹ chuỗi hạt rồi nói với Thương Nữ: - Nước da của bạn thế này mà đeo chuỗi hạt... - Thương Nữ thẹn đỏ cả mặt. Có một người đàn ông vẫn dõi theo bóng hình của họ, người đàn ông đó chính là Triệu Ngư. Hỷ Nhi nói một câu gì đó, Triệu Ngư quay ngoắt lại nhìn anh chằm chằm. Hỷ Nhi là phó giám đốc công ty dân doanh, mùa Xuân năm ngoái anh đánh nhau với Lý Phùng một trận nhừ tử. Lý Phùng là phó chủ tịch hội đồng trọng tài của công ty mẹ. Hỷ Nhi tính tình cương trực, từ nhỏ đã thế rồi. Lý Phùng làm tình vụng trộm với Tưởng Vận, bị Hỷ Nhi phát hiện. Hai hôm sau anh tìm Lý Phùng để nói chuyện. Hai người vừa nói với nhau được ba câu sáu điều đã thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Lý Phùng và ba người đều là bạn học cũ ở trường trung học. Lý Phùng nguyên là một học sinh đáng thương trong lớp, anh có thế giới nội tâm riêng mà mọi người không biết. Anh thích đào bới hài cốt của những người đã chết, lúc nào miệng cũng lẩm bẩm tỏ ra căm ghét với bất cứ hài cốt của người quá cố nào. Trong suốt thời gian học ở trung học, mọi người đều không gọi anh là Lý Phùng, chỉ gọi anh là "thằng chạy nhanh". Biệt danh này là do Quân Trị Bình đặt. Quân Trị Bình chơi bóng rổ, quả bóng bị văng đi xa, Lý Phùng chạy một mạch mấy chục mét nhặt quả bóng, rồi nhanh như chớp chạy về mép sân, anh không dám ném rổ, vội ném ngay quả bóng cho Quân Trị Bình đang trừng mắt nhìn anh... Ngoài ra, anh còn được bạn bè gán cho một biệt danh khác là "con lạc đà": Anh luôn luôn có nghĩa vụ phải mang cặp sách cho bạn, nhiều nhất là bảy cái cặp sách. Anh có thân hình khỏe mạnh. Sau khi tốt nghiệp, anh là người tỏ ra có tài. Vào làm việc tại một công ty, anh tiến bộ rất nhanh, dần dần leo lên đến chức phó chủ tịch hội đồng trọng tài. Cuối cùng thì cái tên Lý Phùng đã được trả lại cho anh, từ đó trở đi không ai gọi anh là "thằng chạy nhanh" nữa. Anh vừa đẹp trai, lại có tiền, coi vợ chẳng ra gì, anh say mê Tưởng Vận, và đã làm tình vụng trộm với chị. Lý Phùng rất ngạo mạn tuyên bố, nhất định sẽ lấy Tưởng Vận. Khổ một nỗi Tưởng Vận là gái đã có chồng, là vợ của Quân Trị Bình, bạn học cũ của anh. Chính vì thế mà Hỷ Nhi đã nhiều lần cảnh cáo anh trước mặt Tưởng Vận, Hỷ Nhi đã đánh người bạn học cũ và là người hiện đang giữ chức phó chủ tịch hội đồng trọng tài công ty. Sau sự việc này, Lý phùng đã chủ động dàn hòa với Hỷ Nhi. Mọi việc xảy ra, Quân Trị Bình chỉ nghe phong thanh, không biết thực hư ra sao, nên không dám tra hỏi vợ. Triệu Ngư xa quê hương lâu ngày, nên việc xảy ra với Tưởng Vận, anh là người đứng ngoài cuộc. Tưởng Vận thường hay gọi diện đến nơi làm việc của Triệu Ngư, mỗi tuần ít nhất cũng gọi một lần, cho dù chẳng có chuyện gì quan trọng. Khi Triệu Ngư về Mi Sơn, Tưởng Vận rất vui, nhưng khi gặp mặt lại tỏ ra thờ ơ lãnh đạm, rõ ràng là nội tâm và cách thể hiện bên ngoài trái ngược hẳn nhau. Tưởng Vận rất muốn kết thân với Thương Nữ... Quân Trị Bình và Hỷ Nhi đang nói chuyện về Điền Tiểu Lan. Điền Tiểu Lan là một cô gái mà Hỷ Nhi vừa quen năm ngoái, nói đúng hơn hai người cùng ở một khu tập thể. Lúc đầu gặp nhau, chẳng ai hỏi ai, họ coi nhau như người không quen biết. Thế rồi một hôm họ bỗng trở thành bạn thân của nhau. Điền Tiểu Lan mắc bệnh mất ngủ, tiếng hát của Hỷ Nhi đã ảnh hưởng đến giấc ngủ trưa của chị, chị sang gõ cửa nhà Hỷ Nhi góp ý kiến, nhưng khi sang thấy Hỷ Nhi sống độc thân, nhà cửa lộn xộn, chị lại thương cảm. Về sau hàng ngày họ lại thường xuyên gặp nhau trên sân thượng, kẻ phơi quần áo, người thu quần áo, lân la chuyện trò rồi trở thành bạn thân lúc nào không biết. Tình tiết câu chuyện rất lý thú. Từ đó trở đi, họ kết thân với nhau, tầng trên tầng dưới luôn gọi điện cho nhau. - Mình cứ tưởng hôm nay cậu đưa cô ấy đến đây để chúng mình xem mặt kia đấy. - Quân Trị Bình nói. - Thời cơ chưa chín muồi, hơn nữa hôm nay cô ấy phải trực ở bệnh viện. - Hỷ Nhi nói. - Cô ấy có đẹp không? - Quân Trị Bình hỏi. - Đại để trông cũng được, nhưng không đẹp bằng vợ bạn đâu. - Cậu phải bám chắc đấy nhé, đừng để tuột khỏi tầm tay, phải biến gạo thành cơm kẻo lại xôi hỏng bỏng không đấy. - Gạo đã vo sẵn rồi, chỉ chờ nước sôi là đổ vào nồi thôi. - Đã đun hơn một năm rồi, sao nước vẫn chưa sôi? Cậu kém quá đấy, củi của cậu tồi quá đấy. - Quân Trị Bình nói. - Nhưng Điền Tiểu Lan là gái đã có chồng. - Triệu Ngư nói. Đúng lúc đó, bên ngoài nhà nổi có tiếng chân của hai người đàn bà. Quân Trị Bình nói: - Bất cần biết đến việc Điền Tiểu Lan có chồng hay chưa. Tưởng Vận bước chân lên nhà thuyền, chị hỏi chồng: - Các anh đang nói chuyện gì thế? Bất cần chồng của ai? - Bọn anh đang thảo luận về vấn đề của Hỷ Nhi. Phải giúp cậu ấy tìm ra một phương án. - Quân Trị Bình nói. - Tại sao mãi nhà hàng không đưa thức ăn lên nhỉ? - Hỷ Nhi nói. Hai người đàn bà ngồi xuống, Tưởng Vận nói với Hỷ Nhi: - Hôm nay toàn người thân cả, chúng tôi muốn biết tình hình về anh. Quan hệ giữa anh và Điền Tiểu Lan đã tiến triển đến đâu rồi? - Vẫn giậm chân tại chỗ. - Hỷ Nhi nói. - Lần trước anh cũng nói vẫn giậm chân tại chỗ, đến nay đã mấy tháng rồi còn gì? - Tưởng Vận nói. - Hai người, một ở tầng trên, một ở tầng dưới, cậu phải đi xuống, cô ấy phải đi lên như thế bất tiện quá, định rèn đôi chân hay sao? - Quân Trị Bình nói. - Anh đừng nói nữa có được không? Hễ cứ mở mồm là nói xiên nói vẹo. - Tưởng Vận nói. - Cấm lãnh đạo nói à, thật bi thảm quá. Đúng là lãnh đạo gặp phải lãnh đạo... - Quân Trị Bình lắc đầu nói. Tưởng Vận lườm chồng, anh thôi không nói gì nữa. Thương Nữ bưng miệng cười. Chị nhìn Hỷ Nhi, muốn nghe Hỷ Nhi nói. Chị rất có cảm tình với Hỷ Nhi, con người năm ngoái ăn mặc lôi thôi lếch thếch, năm nay đã complê, cravát chỉnh tề. Hỷ Nhi đánh Lý Phùng làm Quân Trị Bình thấy hả lòng hả dạ, Thương Nữ cũng rất thán phục nghĩa cử anh hùng đó của Hỷ Nhi. Chị thầm mong năm nay Hỷ Nhi sẽ có bạn gái. - Chồng cô ta như thế nào? - Tưởng Vận hỏi. - Anh ta rất hung dữ, lần nào về họ cũng cãi nhau. - Hỷ Nhi nói. - Họ có đánh nhau không? - Có - Hỷ Nhi đáp. - Vậy anh tính sao bây giờ? Nghe nói họ đánh nhau luôn. - Cứ để cho họ đánh nhau, tôi càng có cớ để can ngăn. Có điều nhiều lúc họ đánh nhau, tôi không biết. - Thế tại sao cậu lại biết họ đánh nhau luôn? - Quân Trị Bình cười bảo. - Nhìn thấy da thịt Điền Tiểu Lan bầm tím, tuy nhiên cô ấy rất gan lì, không bao giờ nói cho tôi biết sự thật. Có hỏi cô ấy chỉ trừng mắt lên không hề khóc. Cô ấy cũng có đánh lại anh ta. Anh ta là bộ đội chuyển ngành, đã có lần tôi nghe thấy anh ta quát: Tao sẽ giết chết mày. - Đó là thái độ của sĩ quan đối với binh sĩ. - Triệu Ngư nói. - Tại sao họ không ly hôn nhỉ? - Tưởng Vận nói. - Có lẽ cũng có nguyên nhân, Điền Tiểu Lan đã có một con gái. - Hỷ Nhi nói. - Theo mình, giậm chân tại chỗ là hỏng việc, cậu phải chủ động xuất kích mới được. Quan hệ giữa cậu và Điền Tiểu Lan càng khăng khít bao nhiêu cô ấy càng đỡ lo lắng bấy nhiêu. - Quân Trị Bình nói. - Anh giàu kinh nghiệm quá nhỉ? Tuy nhiên biện pháp anh đưa ra cần xem xét lại. Thương Nữ, phát biểu đi, bạn thấy thế nào? - Tưởng Vận nói với chồng. Thương Nữ gật đầu. Triệu Ngư nói: - Hỷ Nhi ơi, sớm muộn gì cậu cũng phải tìm cho được đột phá khẩu. Quân Trị Bình cười khà khà, anh lại nghĩ đến một chuyện khác. Đúng lúc đó, nhà hàng đưa thức ăn lên, các món ăn đều chế biến từ cá. Quân Trị Bình rót rượu, năm cái cốc chạm vào nhau để rồi sau đó mặt đều đỏ bừng như mặt trời vừa mọc. Hai người đàn bà mặt cũng đỏ như gấc. Về việc đàn bà uống rượu, Triệu Ngư có cách suy nghĩ riêng của mình: tửu và sắc vốn là những cái không thể tách rời nhau. Rượu vào, người đàn bà trông diêm dúa hơn. Nhưng Triệu Ngư còn không biết đến một điều: có một lần trong trường hợp cần diêm dúa, vợ anh đã uống rất nhiều rượu... Tưởng Vận chạm cốc với Triệu Ngư nhưng chỉ nhấp môi một chút, chị im lặng không nói gì. Khi thấy Triệu Ngư cạn chén, chị cũng cạn chén, dường như hai người đang biểu diễn một màn kịch câm. Không ai để ý đến chuyện này. Hỷ Nhi hỏi về việc điều động Tưởng Vận, Quân Trị Bình bảo không có vấn đề gì lớn, còn Tưởng Vận thì quay đầu sang phía khác. Triệu Ngư không biết chuyện này nên cứ nhìn hết người này đến người kia, anh nghĩ: cơ quan của Tưởng Vận cũng được đấy chứ! Sự việc là thế này: Quân Trị Bình muốn chuyển vợ sang đơn vị công tác khác, một đơn vị sản xuất kinh doanh hàng may mặc. Tưởng Vận thì vô tư, thế nào cũng được, chồng muốn thêu hoa dệt gấm cho mình, đó là một ý tốt. Hai năm qua, anh luôn có ý sửa chữa sai lầm, có lẽ anh không muốn tiếp tục phạm sai lầm, mỗi lần phạm sai lầm là một lần sửa chữa, không để sai lầm chồng chất như núi nữa. Điều đó cũng ví như dùng cái tẩy để xóa chữ. Việc điều động đang diễn ra thuận lợi thì gặp trở ngại, có kẻ ngáng đường, vòi vĩnh đút lót. Quân Trị Bình làm việc đã lâu thừa hiểu rằng muốn qua cửa ải hủ bại này dứt khoát phải chi tiền mới xong. Quân Trị Bình về nhà bàn bạc với vợ, Tưởng Vận kiên quyết từ chối. Chị nói: Chúng ta phải vất vả, khổ sở mới kiếm được ít tiền, lẽ nào lại cúng hết vào tay hạng người đốn mạt ấy? - Nhưng sự việc đã đến bước này, Quân Trị Bình cũng không muốn buông xuôi, vẫn tiếp tục giao dịch theo khung giá vợ đã đặt ra. Mấy ngày gần đây, do có thêm tác động ở bên ngoài nên việc có tiến triển hơn. Tưởng Vận không muốn kể với Triệu Ngư. Khi Tưởng Vận nói lại chuyện này với Lý Phùng, anh ta đã giới thiệu với chị một người đàn ông đầy bí ẩn... Tưởng Vận rời chỗ ngồi đi vệ sinh, đầu óc suy nghĩ miên man, mắt đăm chiêu nhìn xuống dòng sông. Anh Vĩ... chị sực nhớ ra, một người đàn ông lúc đầu xem ra không có cảm tình lắm, một công an ai nghe tên cũng phải giật mình. Tưởng Vận đã gặp anh ta hai lần nhưng đến nay vẫn chưa biết tên anh ta là gì. Lý Phùng cố làm ra vẻ huyền bí nói với chị: - Anh Vĩ có nghĩa là người anh vĩ đại. Tưởng Vận đứng thẳng người, đầu gần đụng trần nhà. Chị ngắm mình qua tấm gương treo, chỉ uống có một ly rượu mà mặt chị đã nóng bừng bừng. Người đàn bà đẹp, người đàn bà ba mươi ba tuổi có ý thức tự chủ trước đàn ông... Hồi còn học trung học, chị chơi bóng rổ rất hay, Quân Trị Bình mê chị như điếu đổ. Chị đã làm ở cửa hàng thời trang mười năm, các cô gái ưa thời trang rất ngưỡng mộ chị. Nhưng ở cái thành phố đầy rẫy những phức tạp này, ở những đường phố ồn ào huyên náo, những nơi kín đáo, những nhà hàng, khách sạn sang trọng thì... các quan chức, các thương nhân giở đủ trò cám dỗ, quấy nhiễu. Tưởng Vận đã biết tất cả, vì thế không để mình bị cám dỗ, không để những bàn tay dơ bẩn sờ vào người mình. Chị khác với Thương Nữ: cuộc sống ở thành thị tương đối đơn giản. Đơn giản và phức tạp vốn là hai cực của đời sống đô thị, Thương Nữ muốn đơn giản, đơn giản ở ngay trên tay mình chứ có đâu xa, việc gì cứ phải khư khư giữ lấy cái đơn giản ấy. Sự đơn giản nhẹ nhàng, cuộc sống chẳng khác gì một dòng chảy. Nhưng với một thành phố nhỏ như Mi Sơn, nếu bạn diễm phúc có được khuôn mặt khả ái hoặc bộ giò đẹp thì bạn sẽ không sao nhớ hết được tên những người muốn làm quen với bạn. Bạn muốn đơn giản nhưng cái xảy ra với bạn lại rất phức tạp... Tưởng Vận trở lại chỗ ngồi, lấy ra một bao thuốc lá thơm. Ngón tay chị tương đối dài, kẹp vào điếu thuốc trông rất điệu. Động tác vẩy tàn thuốc khéo không thể chê vào đâu được. Quân Trị Bình nói bây giờ Tưởng Vận nghiện cả rượu, thuốc lá và nước chè, Tưởng Vận nói mỗi ngày hút vài điếu cho vui, chỉ nghiện nước chè thôi, không có nước chè là không xong. Ở phía tây đường Xích Bích có một phòng trà tên là phòng trà Tiêu Tương. Phòng trà này vừa thanh lịch, vừa yên tĩnh, Tưởng Vận thường hay rủ mấy bạn gái đến đây thưởng thức trà. Chị chậm rãi nhả ra làn khói xanh. Chị nói với Thương Nữ: - Loại thuốc này vừa nhẹ, vừa thơm. Chị lấy một điếu đưa cho Thương Nữ, Thương Nữ cũng hút thử một hơi. Tưởng Vận quan sát thấy răng Thương Nữ trắng muốt. Ăn cơm xong trời vừa tối, các thuyền trên sông đã lên đèn. Ba người đàn ông và hai người đàn bà rời thuyền lên bờ, đi men theo con đê. Quân Trị Bình hỏi Triệu Ngư muốn đi chơi đâu, Triệu Ngư bảo về nhà bạn nào ngồi chơi cũng được. Tưởng Vận nói: - Về nhà tôi chơi, tôi sẽ đãi anh món bánh chay. - Ở nhà Triệu Ngư cũng rất thích ăn bánh chay. - Thương Nữ nói. - Thật thế ư? - Tưởng Vận hỏi. - Lần sau tôi ra Thành Đô sẽ ăn thử bánh chay ngoài đó xem sao. - Chị quay lại nói với Triệu Ngư. Hai cặp mắt bắt gặp nhau, bánh chay biến thành một nốt nhạc khác. Năm ngoái Triệu Ngư đã phải uống no nước mắt của Tưởng Vận, sau đó họ gọi điện cho nhau, cũng nói chuyện về bánh chay nhưng đã tiết kiệm nước mắt hơn. Nước mắt đã được pha lẫn vào nước trà, bánh chay vì thế đã có hương vị mới. Quân Trị Bình đánh xe đi, còn lại bốn người đứng ở bờ đê. Tưởng Vận xích lại gần Thương Nữ, mượn ánh đèn ngắm lại lần nữa chiếc vòng trên cổ Thương Nữ. Triệu Ngư ngoảnh mặt nhìn đi phía khác. Quân Trị Bình đã quay xe trở lại, Tưởng Vận mời Thương Nữ lên xe, Hỷ Nhi ngồi cạnh người lái còn Triệu Ngư thì bị hai người đàn bà ép chặt vào góc xe, giày của anh đụng vào giày của Tưởng Vận. Xe bon bon trên đường, Hỷ Nhi hỏi: - Đi đâu đây? - Đã nói về nhà tôi chơi rồi còn gì. - Tưởng Vận nói. - Hà cớ gì cứ phải về nhà chị? - Hỷ Nhi nói. - Ở nhà tôi có bánh chay. - Tưởng Vận nói. - Nhà chị có bánh chay thì nhà tôi có chè Long Tỉnh. - Hỷ Nhi nói. - Thế thì đến nhà bạn nhé! - Triệu Ngư nói. - Triệu Ngư, thật không ngờ anh lại có mới nới cũ, vừa nghe thấy có chè Long Tỉnh là quên ngay bánh chay. - Tưởng Vận nói. - Đã mấy năm nay, tôi chưa đến nhà Hỷ Nhi, hơn nữa trong căn phòng của bạn ấy đã chớm nở tình yêu, ta thử đến đó xem cái dây phơi quần áo ấy tại sao lại phát huy tác dụng kỳ lạ đến thế. - Triệu Ngư nói. - Đó không phải là dây phơi quần áo, mà là dây tơ hồng se duyên kết nghĩa. - Thương Nữ nói. - Đó là sợi dây se duyên, Hỷ Nhi, cậu nên chăng sợi dây đó từ tầng dưới lên tầng trên thì hơn. - Quân Trị Bình nói. Mấy người cùng cười vui. Chuyện này có nguyên nhân của nó: Một lần, vào lúc hoàng hôn, Hỷ Nhi và Điền Tiểu Lan cùng lên sân thượng thu dọn quần áo, lúc đi xuống, hai người lén lút chui tọt vào nhà tầng hai, không bật đèn, phòng tối om như mực... Hỷ Nhi bị Quân Trị Bình tra hỏi mãi mới phun ra chuyện này, hôm nay mọi người được một trận cười no. Hỷ Nhi hơi ngượng, đưa tay sờ lên mặt. Xe chạy đến đường Tô Từ thì dừng lại trước cửa nhà Hỷ Nhi. Hỷ Nhi ở tầng bảy. Đây là lần đầu tiên Thương Nữ đến nhà Hỷ Nhi, chị không ngại leo cầu thang vì hàng ngày chị vận động quen rồi. Hàng ngày Triệu Ngư tập tạ tay, còn chị tập thể dục. Chị bước lên cầu thang khá nhẹ nhàng, còn Tưởng Vận xem ra rất khó khăn, cứ phải níu lấy lưng chị. Ba người đàn ông đi phăng phăng lên gác, còn Tưởng Vận cứ ì ạch đằng sau. Đến chiếu nghỉ ở tầng sáu, họ dừng lại, thở hổn hển. Cả hai người đàn bà mặt đều đỏ bừng, hình như Thương Nữ hơi thẹn. Hỷ Nhi đứng ở cửa chờ khách. Mọi người vừa ngồi vào phòng một lúc đã vội vác ghế lên sân thượng, nơi bắt nguồn câu chuyện tình yêu. Sân thượng này cũng như mọi sân thượng khác, có một chiếc bàn đá, trên đặt mấy cốc chè Long Tỉnh. Hai bên trồng hai luống hoa do Hỷ Nhi tự trồng với sự giúp đỡ của Điền Tiểu Lan. Sự có mặt của người đàn bà làm cho cuộc sống trở nên lãng mạn hơn. Điền Tiểu Lan là bác sĩ, đôi khi phải trực đêm, ban ngày ngủ bù. Chàng trai độc thân ở tầng trên lại hay hát hò, khiến chị trằn trọc, vừa muốn ngủ, vừa muốn nghe hát. Chị lên tầng trên góp ý kiến và tò mò quan sát nhà Hỷ Nhi. Từ đó, họ luôn quan sát lẫn nhau. Cây sào và sợi đây phơi quần áo trên sân thượng là đạo cụ tình cảm để họ thường xuyên gặp nhau. Khi trời mưa, một trong hai người không có nhà thì người kia thu dọn tất cả, bất kể là quần áo lót. Hàng xóm trở thành người thân, câu nói đó quả không sai. Thực ra, họ đều là những người đàn ông, đàn bà sống độc thân, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống là điều nên làm, ví dụ người này nấu cơm chiều thì người kia thôi không nấu nữa, chỉ cần thêm một đôi đũa là bữa ăn trở nên ấm cúng rồi, hoặc ngày sinh nhật tặng nhau một bó hoa tươi, hoặc lúc có việc gì vui thì dù nửa đêm gà gáy cũng có thể điện thoại cho nhau... tóm lại họ đã trở thành bạn thân thiết của nhau, chỉ còn thiếu một chiếc giường chung nữa thôi, nói cách khác là thêm một cái giường. Chiếc giường ở tầng trên và chiếc giường ở tầng dưới bây giờ ngày nào cũng phải tiêu tốn năng lượng một cách vô bổ. Thương Nữ ngồi trên ghế mây ngắm nhìn sợi dây phơi quần. áo bất giác thốt lên: Đúng là tình yêu có sức mạnh vô biên, đừng nói gì đến sợi dây phơi mà ngay cả bồn hoa cũng có thể dệt nên tình yêu. Chị ngồi cuối sợi dây phơi thưởng ngoạn hương thơm của hoa, một tay vẫn nắm lấy tay Tưởng Vận. Chị thấy tay Tưởng Vận da dẻ mịn màng, ngón tay thon thả... Ánh trăng vằng vặc. Thương Nữ mặc váy ngắn nên cảm thấy hơi lạnh, Tưởng Vận siết chặt tay chị như muốn truyền hơi ấm sang cho chị. Hỷ Nhi nói: - Để tôi xuống nhà lấy cho chị chiếc áo khoác... - Có phải áo khoác của Điền Tiểu Lan không? - Quân Trị Bình cười bảo. - Làm gì có chuyện ấy? Áo khoác của người ta cất trong tủ rồi. - Hỷ Nhi nói. Hỷ Nhi chạy ngay xuống nhà lấy lên một chiếc áo khoác, Tưởng Vận đỡ lấy, khoác vào người Thương Nữ. Hai người đàn bà đẹp dắt nhau đi thăm quanh nhà, Hỷ Nhi vui lắm. Ánh trăng, bồn hoa cây cảnh, sợi dây phơi... mấy người ngồi quanh bàn uống chè Long Tỉnh. Uống xong Hỷ Nhi mời mọi người xuống nhà. Khi về nhà mình, lúc đi ngủ Thương Nữ quan tâm đến chuyện Hỷ Nhi và Điền Tiểu Lan, chị hỏi chồng hết chuyện này đến chuyện khác. Tuy chưa gặp mặt Điền Tiểu Lan nhưng chị có ấn tượng rất tốt về Điền Tiểu Lan. Chị còn cho rằng Hỷ Nhi và Điền Tiểu Lan sẽ là một cặp vợ chồng hạnh phúc, nhưng hiềm một nỗi chồng Điền Tiểu Lan đang còn sờ sờ ra đó... Triệu Ngư luôn miệng trả lời vợ, nhưng trong bụng lại luôn nghĩ đến một chuyện khác. Bên cạnh tường kê một cái tủ năm ngăn, mặt tủ có một đôi chân nến kiểu cổ. Cạnh cửa sổ kê một bàn tròn và hai ghế mây. Năm 1987, khi tốt nghiệp đại học ở Bắc Kinh, được phân công về dạy ở Mi Sơn, bố mẹ đã bố trí cho anh ở căn phòng này. Mười lăm năm đã trôi qua nhưng mọi thứ trong phòng vẫn nguyên như cũ. Tháng Năm năm 1989 anh được điều về công tác tại nhà xuất bản ở Thành Đô, tháng Bảy anh về quê thăm bố mẹ, Tưởng Vận biết tin vội đến thăm, chị mặc chiếc váy đầm mới, ngồi trên ghế mây. Chị ngồi suốt cả buổi chiều. Bố mẹ Triệu Ngư bàn với nhau làm một bữa cơm thịnh soạn mời Tưởng Vận ở lại ăn cơm với gia đình nhưng Tưởng Vận từ chối. Triệu Ngư tiễn chị ra về, rồi đứng ngây người nhìn theo bóng hình Tưởng Vận... Chiều hôm đó trời mưa to, chỉ một tí nữa là Triệu Ngư đã ôm gọn Tưởng Vận vào lòng. Trời tối âm u, mưa to gió lớn, điện bỗng nhiên bị tắt, Triệu Ngư đứng dậy sờ cây nến trên nóc tủ, sờ mãi chẳng thấy đâu, Tưởng Vận tiến sát lại, bốn cánh tay chạm vào nhau, thế rồi hai dòng điện âm dương hút chặt vào nhau, không thể nào gỡ ra được. Hôm đó Tưởng Vận đến thăm, chị chủ động ôm hôn anh, nhưng anh cố đẩy ra, anh không nỡ phản bội lại bạn bè, vì biết Quân Trị Bình sắp cưới Tưởng Vận. Sự việc thật khó lường, Triệu Ngư nghĩ. Anh nghe thấy Thương Nữ nói: Điền Tiểu Lan... Hỷ Nhi và Điền Tiểu Lan lại ở một tình huống khác, tiến một bước, hoặc lùi một bước, dù nhiều hay ít đều có thể làm thay đổi tình hình. Nhưng theo anh, Hỷ Nhi cũng không cần phải vội vã lắm. Chồng Điền Tiểu Lan tuy là một gã vũ phu nhưng họ chưa ly hôn nhau. Nếu bây giờ Hỷ Nhi ra mặt đối phó ắt sẽ dẫn đến tình trạng anh vỡ đầu, tôi sứt trán, như thế chẳng hay ho gì. Nếu Hỷ Nhi và Điền Tiểu Lan công khai chung sống với nhau ngay lúc này, thì cuộc sống sẽ ra sao, mỗi ngày hai mươi tư tiếng, mỗi năm ba trăm sáu mươi lăm ngày, liệu họ có thể đối phó được không? Xung đột làm cho tình yêu nảy nở. Triệu Ngư nghĩ Hỷ Nhi và Điền Tiểu Lan càng gần nhau sẽ càng tiến gần đến xung đột. Rất có thể khi xung đột không còn nữa tình yêu lại đứng trước một vấn đề mới. Cuộc sống hàng ngày là thử thách với đàn ông, còn với đàn bà lại dễ thích ứng hơn, trời đã phú cho họ cái đức tính chịu đựng khó khăn. Triệu Ngư nghĩ: Triển vọng trước mắt của Hỷ Nhi là rất tốt... Anh nhìn vợ, khẽ hôn nhẹ vào môi chị một cái. Anh nhớ lại hình ảnh lúc chiều giữa chị và Tưởng Vận ở bên bờ sông. Sáng hôm sau Tưởng Vận mời Thương Nữ đi uống trà, còn Triệu Ngư đi chợ mua thức ăn với mẹ. Buổi chiều, anh tự tay nấu nướng, cả nhà cô em gái Triệu Lâm đều kéo đến. Lúc ra đến cửa, mẹ chồng dặn Thương Nữ phải về nhà ăn cơm đấy. Ở nhà, Thương Nữ thường luôn miệng mẹ mẹ, con con, bà lão mát lòng mát dạ lắm, mẹ chồng nàng dâu chẳng khác gì mẹ con đẻ. Thương Nữ biếu bà lão một chiếc áo len mới, chị còn mua nhiều đồ chơi cho bé gái con Triệu Lâm. Suốt nhiều năm nay gia đình luôn sống trong không khí hòa thuận. Gia đình ở phố Lê Hoa, gia đình ở Mi Sơn, gia đình ở số 77, tất cả đều sống trong không khí đầm ấm. Ra khỏi cửa đã có bạn bè mời đi ăn cơm, đi uống trà... Triệu Ngư và mẹ đi chợ về, hai mẹ con ngồi ở phòng khách nói chuyện với nhau một lúc rồi trở về phòng của mình. Triệu Cao ngủ dậy, ăn quẩy và uống sữa đậu nành, nó từ bếp chạy lên phòng khách, rồi lại từ phòng khách chạy vào phòng của bố hỏi xem mẹ nó đi đâu. Triệu Ngư kẻo con trai ngồi xuống ghế mây, rồi cùng ăn với con. Hàng ngày, nó rất quấn quýt bên mẹ, nó yêu mẹ hơn bố. Mẹ là thứ nhất, bố là thứ hai... Triệu Ngư giả vờ không vui, thằng bé tần ngần một lát rồi tuyên bố lại: bố mẹ đều là thứ nhất Triệu Ngư ôm chặt con vào lòng, đôi khi anh cũng muốn có thêm một đứa con gái nữa. Không biết nếu Thương Nữ sinh thêm một đứa con gái nữa thì cuộc sống của họ sẽ ra sao, điều này cả hai đều chưa bàn đến. Triệu Ngư chỉ muốn rằng trong vòng từ ba đến năm năm nữa Thương Nữ sẽ có thai và khoảng tháng Mười gì đó sẽ sinh cho anh một cô công chúa, nếu lại là con trai thì cũng đành vậy, sau này sẽ kiếm hai nàng dâu... Mười giờ, Hỷ Nhi đến chơi, anh mặc bộ complê màu nâu. Trong tay vị phó giám đốc công ty còn xách một cái làn đi chợ. Anh nói: Vừa rồi gặp Thương Nữ và Tưởng Vận ở ngoài phố, họ bảo đến phố Xích Bích uống trà và rủ anh cùng đi, anh cũng rất muốn đi nhưng còn một nhiệm vụ tối quan trọng nên không đi được. Nói xong, anh cười khà khà khiến Triệu Ngư đoán mãi không ra. Đại để là sáng nay phải ở nhà làm cơm để bồi dưỡng cho Điền Tiểu Lan, tối qua chị phải trực đêm, đồng thời cũng là để ăn mừng nhân ngày Mồng một tháng Năm. Thật trùng lặp với những điều hôm qua Triệu Ngư đã suy nghĩ. Hỷ Nhi ăn mặc rất chỉnh tề khác hẳn với tác phong suồng sã trước đây. Đúng lúc đó, Tưởng Vận gọi điện thoại, chị tả quang cảnh quán trà Túc Tương với những khóm trúc xanh biếc rất nên thơ, Triệu Ngư thấy thế cũng muốn đến thưởng ngoạn nhưng Tưởng Vận lại bảo trưa nay Quân Trị Bình mời cơm, sau đó chị sẽ mời mọi người đi uống trà. Triệu Ngư nói: - Hoan nghênh, rất hoan nghênh. - Buổi chiều, tôi sẽ tháp tùng Thương Nữ đi chơi mạt chược, buổi tối sẽ ăn cơm ở nhà anh. - Tưởng Vận nói. Triệu Ngư cúp máy, lòng thấy vui vui. Hỷ Nhi tỏ ý tiếc vì anh trở tay không kịp. Triệu Ngư cười bảo: - Bạn đi khỏi nhà sao được, đời nào nàng lại buông tha bạn. Ngồi một lát Hỷ Nhi ra về, xuống cầu thang vừa đi vừa huýt sáo. Triệu Ngư đã nói đúng, có người sẽ giữ chân Hỷ Nhi. Không cần biết sẽ vui như thế nào, chỉ cần nhìn vào việc Hỷ Nhi đích thân đi chợ cũng đủ hình dung ra tất cả. Hỷ Nhi nguyên là họ Vương, nhưng từ nhỏ đã đổi thành Hỷ Nhi. Trong công ty mọi người cũng đã quen gọi là Hỷ Nhi từ lâu rồi. Triệu Ngư kể rằng năm đó có một tri thức trẻ ở Thành Đô về Mi Sơn lao động, biệt danh là Hỷ Nhi, một chàng trai rất có tài, nổi danh khắp công xã. Anh chàng Hỷ Nhi này mới chỉ lao động ở công xã ba năm, mà tiếng tăm đã nổi như cồn. Kiếm được rất nhiều tiền, nếu muốn lấy vợ cũng không khó, nhưng anh lại nghĩ khác, anh muốn có tình yêu theo đúng ý mình. Năm trước anh rất mê Triệu Nha Chi, năm ngoái lại mê Tưởng Vận, gần đây chịu ảnh hưởng của Triệu Ngư, anh mê một Hỷ Nhi thật sự: Hỷ Nhi trong phim Bạch Mao Nữ. Anh nhớ cả cái tên Mao Tuệ Phương trong phim. Mao Tuệ Phương thì đẫy đà, còn Điền Tiểu Lan thì xinh đẹp. Mao Tuệ Phương là sự hóa thân đầy xúc động của nhân vật trong phim, còn Điền Tiểu Lan là một cô gái xinh đẹp, nhưng ẩn sau cái vẻ đẹp bề ngoài ấy lại có những nỗi đau riêng tư. Giữa cái đẩy đà của nhân vật trong phim và Điền Tiểu Lan của anh, rõ ràng Điền Tiểu Lan hơi gầy, giá Điền Tiểu Lan béo hơn một chút thì hay biết mấy, anh thầm ước ao như vậy. Hỷ Nhi ra chợ mua một quả dưa hấu. Nói chuyện yêu đương thì phải có dưa hấu. Trưa nay anh sẽ ăn cơm cùng Điền Tiểu Lan, cơm xong sẽ dắt nhau đi uống trà, về nhà sẽ bổ dưa hấu ăn, tâm sự cùng nhau. Buổi tối cùng lên sân thượng thu dọn quần áo rồi xuống nhà, biết đâu lúc đó đèn lại chẳng tối om... Có một người ở phía sau vỗ vào vai anh, Hỷ Nhi nghĩ chẳng lẽ lại là Điền Tiểu Lan? Không phải, té ra là Lý Phùng. Hỷ Nhi mặc bộ complê màu nâu, Lý Phùng mặc bộ complê màu tím than, tuy chất lượng như nhau, nhưng nhìn bề ngoài rõ ràng Lý Phùng chiếm thế thượng phong. Hơn nữa anh ta lại là phó chủ tịch hội đồng trọng tài, cấp bậc cao hơn Hỷ Nhi. Anh ta sẽ mãi mãi vẫn là cấp trên của Hỷ Nhi. Lý Phùng đã có vợ con, nhưng vẫn mê mẩn Tưởng Vận, vợ của Quân Trị Bình. Anh ta sẵn sàng bỏ vợ bất cứ lúc nào để theo đuổi Tưởng Vận nếu Tưởng Vận cũng ly hôn với Quân Trị Bình. Thấy Hỷ Nhi đi chợ mua thức ăn, anh tỏ ý thương xót: Mua thức ăn về ngồi ăn một mình, thật vô vị, sao không kiếm lấy một người đàn bà... - Sao mua nhiều dưa thế, tiếp bạn gái à? - Lý Phùng cười hỏi. - Tôi mua về ăn một mình thôi. - Hỷ Nhi nói. - Cậu đừng giấu tôi, mua nhiều thức ăn thế này, để tôi xem nào: Ồ, thịt bò, thịt lợn, thịt gà... - Tôi mua một lần để ăn cả tuần cho tiện, đỡ phải đi chợ nhiều. - Cậu hạnh phúc thật đấy, chẳng lệ thuộc vào ai, muốn ăn là ăn muốn chơi là chơi. - Tôi hạnh phúc thế nào bằng anh được, anh vừa có tiền, lại đẹp trai, lại được nhiều chị em để ý. - Cậu hơi gầy đấy. - Gầy càng tốt chứ sao, có tiền cũng chẳng mua được cái gầy này đâu. - Cậu còn trẻ đấy chứ, mới ba mươi mấy tuổi thôi mà. Nếu sống thoải mái thì sẽ chẳng bao giờ già đâu. - Người tuy không già, nhưng trái tim sẽ già. Ồ, sao hôm nay anh không đi ôtô? - Hỷ Nhi ơi, mình nói thật với cậu nhé: Mình có xe ôtô riêng, lại là phó chủ tịch hội đồng trọng tài, ngồi xe mãi cũng thấy chán, mình muốn đi bách bộ cho thư giãn chân tay. Đài truyền hình trung ương thường tuyên truyền rằng mỗi ngày nên đi bộ độ nửa tiếng, nhất là những người như mình. Hỷ Nhi ạ, chỉ có những người như cậu mới mong có ôtô thôi. - Đúng thế, tôi là người thích ngồi ôtô. - Hỷ Nhi vẫy một cái xe ba bánh, anh không muốn phí lời nói chuyện với Lý Phùng nữa. Lý Phùng kéo tay Hỷ Nhi lại nói thêm một câu: - Hỷ Nhi, cậu có biết mình vừa gặp ai không? Mình vừa gặp Tưởng Vận, cô ta đang đi với một phụ nữ khác, người này trông rất đẹp gái, không biết có phải vợ Triệu Ngư không? Các cậu có hay gặp người đàn bà này không? - Anh lại mê tít đi rồi phải không, lại muốn phát huy sức mạnh của đồng tiền phải không? - Hỷ Nhi cười nói. - Cậu coi mình là hạng người gì? Tuy mình ham gái thật, nhưng chỉ liếc nhìn họ thôi, cũng chẳng chào hỏi gì hết, làm gì có chuyện tán tỉnh. - Lý Phùng nói. - Anh nên bám sát họ mới phải, biết đâu ông trời lại chẳng mở mắt ra, thưởng cho anh một quả trứng thiên nga. - Cậu định cho mình là loại cóc nhái hay sao? - Lý Phùng không vui nói. - Tôi không có ý bảo anh là loại cóc nhái. Anh là bồ câu trắng, là nhân sĩ thành công, là phó chủ tịch hội đồng trọng tài, quyền cao chức trọng, lương cao, lẽ nào lại là cóc nhái được? Lý Phùng vỗ vai Hỷ Nhi: - Thôi, cậu cũng nên kiếm lấy một người đàn bà để cùng ăn cho vui, năm nay đời sống đã được nâng cao rồi, ngoài thịt bò, thịt lợn còn có một loại thịt nữa, cậu có biết không? Một chiếc xe màu xanh lướt tới, Lý Phùng bước lên xe, ngồi bên cạnh người lái, rồi thò cổ ra nhìn Hỷ Nhi xách làn thức ăn đứng bên đường, anh ta cười kiêu ngạo. Hỷ Nhi hơi ngạc nhiên, anh ta nói còn một loại thịt nữa? Phải chăng anh ta định nói đó là thịt người. Thằng cha này giương giương tự đắc quá, sướng quá hóa điên, trong con mắt nó toàn là thịt người. Rất có thể hắn chưa thôi dan díu với Tưởng Vận, hoặc nếu cắt đứt rồi chắc hẳn lại làm khổ một cô gái khác. Nghĩ tới điều này, Hỷ Nhi thấy đau xót trong lòng. Vì Tưởng Vận, anh đã cho hắn một trận nên thân, chính anh cũng bị sứt đầu mẻ trán, nhưng chẳng lẽ việc làm đó của anh lại trở nên phí công vô ích hay sao? Hỷ Nhi về nhà làm cơm. Món ăn có đến bảy, tám món khác nhau, trong đó có món đỗ xào thịt bò. Hỷ Nhi và Điền Tiểu Lan người ở tầng trên, người ở tầng dưới, nhà nào cũng mắc điện thoại, lại ăn món đỗ xào thịt bò, như vậy há chẳng phải là cuộc sống cộng sản chủ nghĩa hay sao? Điền Tiểu Lan đã từng đi bộ đội ở Tây Tạng, chị đã tặng Hỷ Nhi một bức tranh treo tường. Hỷ Nhi mua thêm một bức tranh Mao chủ tịch, cả hai bức tranh đều treo ở phòng khách. Hỷ Nhi sùng bái Mao chủ tịch cho dù những năm tháng cuối đời, ông phạm nhiều sai lầm. Về điểm này, Điền Tiểu Lan có tiếng nói giống anh. Nói chung, các chiến sĩ quân đội đều rất yêu Mao chủ tịch, bởi vì Mao chủ tịch là người có hoài bão lớn. Khi còn ở quân đội, Điền Tiểu Lan quân phục, sao mũ chỉnh tề, súng ngắn ngang hông trông rất hiên ngang. Hỷ Nhi chọn lấy ra một tấm làm kỷ niệm. Anh thầm nghĩ: Một tấm ảnh mang hai ý nghĩa, một ở trên môi, một. ở trong trái tim. Có điều trái tim giữa hai người còn chưa thể hiện rõ nét lắm. Dù sao Điền Tiểu Lan cũng là gái đã có chồng, chồng chị đang sống ở Lạc Sơn cách Mi Sơn tám mươi cây số. Tuy chồng Điền Tiểu Lan ít khi về nhà nhưng đã để lại cho Hỷ Nhi những ấn tượng khá sâu sắc. Không hổ danh là quân nhân, khi lên cầu thang, anh ta bước một bước ba bậc, lúc xuống anh ta đi như chạy. Hỷ Nhi không hề sợ anh ta, khi hai người đàn ông giáp mặt nhau, họ chỉ đưa mắt lườm nhau. Anh ta có cái tên rất khác người: Thiệu Binh. Hỷ Nhi thấy cái tên này như một loại binh chủng đặc biệt gì đó, giữa nửa đêm gà gáy mới về nhà quần thảo vợ như một thằng điên. Điền Tiểu Lan thất đảm kinh hồn, "xong việc" lăn ra ngủ say như chết. Anh ta đột nhập về nhà không theo một quy luật nào, có thể là dăm ba ngày một lần, có khi một tháng cũng nên. Lúc anh ta cao hứng thường hát một mình ông ổng... hết vui lại sinh sự, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ. Hỷ Nhi đã từng chứng kiến cảnh Điền Tiểu Lan mặt mũi thâm tím. Thiệu Binh người đẫy đà chắc nịch, mỗi lần lên giường với vợ là một lần tra tấn không thương tiếc làm Điền Tiểu Lan khiếp sợ vô cùng. ... Món đậu xào thịt bò vừa chín tới, nửa con gà đã được đưa vào nồi luộc. Có lẽ giờ này Điền Tiểu Lan đã dậy rồi? Liệu cô có tự động lên không? Hỷ Nhi cởi giày đi vào phòng ngủ giậm chân ba tiếng. Đó là tín hiệu đã được quy định giữa tầng trên và tầng dưới, như vậy tiện hơn gọi điện thoại. Phòng ngủ của Hỷ Nhi chiếu thẳng xuống tầng dưới là phòng ngủ của Điền Tiểu Lan, vị trí kê giường cũng gần giống nhau. Trước lúc đi ngủ, Hỷ Nhi thích đùa Điền Tiểu Lan bằng cách giậm gót giày ba tiếng: bộp, bộp bộp, âm thanh thật rõ ràng, mang đậm dấu ấn tình cảm. Điền Tiểu Lan dùng cái gậy tre trả lời anh. Một người giậm gót giày ba cái, một ngươi dùng gậy gõ ba tiếng, trò đùa này đã tiếp diễn hơn một năm rồi. Họ ngủ cách nhau một tầng lầu suốt bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Tết nguyên đán năm nay họ đã cùng ngồi với nhau, uống hết một chai rượu, sau đó lại ai về nhà nấy. Cứ mỗi lần Hỷ Nhi giậm chân làm ám hiệu là một lần Điền Tiểu Lan có ám hiệu trả lời, sau đó ai nấy thay quần áo, lên giường trùm chăn tiếp tục gọi điện thoại cho nhau đến tận đêm khuya. Thịt gà luộc xong, Hỷ Nhi chặt hai cái cánh, ý là để cho Điền Tiểu Lan một cái, anh ăn một cái. Họ sẽ vui vẻ bên nhau, thưởng thức những món ăn do chính tay anh làm. Cánh cửa đã mở sẵn, Hỷ Nhi đứng dưới bếp sốt ruột chờ tiếng gõ cửa của Điền Tiểu Lan. Hễ có người bước lên cầu thang là Hỷ Nhi lại dỏng tai nghe. Bước chân rất nhẹ, rõ ràng là cô ấy, có lẽ Điền Tiểu Lan định lặng lẽ bước vào phòng rồi hét lên một tiếng làm Hỷ Nhi phải giật mình. Bước chân dừng lại ở tầng sáu, hình như đã vào nhà rồi thì phải. Hỷ Nhi nghĩ: Có lẽ cô ấy vừa ở bệnh viện về, trực đêm xong ngủ ngay tại bệnh viện. Hỷ Nhi giậm gót giày làm ám hiệu cho tầng dưới, anh đứng ở phòng khách giậm ba tiếng rồi lại vào phòng ngủ giậm ba tiếng, sốt ruột chờ nghe tiếng gậy gõ trả lời, nhưng chờ mãi chẳng thấy gì. Lạ thật, hôm nay cô ấy làm sao thế? Hay còn đang bận trang điểm, thay quần áo? Phụ nữ nhiều chuyện lôi thôi quá thật không thuốc nào chữa được. Hỷ Nhi đứng ở cửa nhà mình rồi bước xuống vài bậc cầu thang, mắt nhìn về cánh cửa màu xanh nhà Điền Tiểu Lan. Nhìn một hồi lâu, anh thấy rất sốt ruột. Cánh cửa kia giống như một khuôn mặt không có cảm tình. Anh và Điền Tiểu Lan đã gắn bó với nhau hơn một năm nay, có lúc nào cô ấy thiếu tình cảm đâu. Cô ấy gặp khó khăn? Ôi..., cô ấy đã có chồng, dù không hòa thuận cũng vẫn là vợ chồng. Là người đàn bà, cô có trực giác rất tốt. Cô đang cố thoát ra khỏi sự ràng buộc để giải phóng trái tim. Hỷ Nhi mặc sơ mi trắng, cravát chỉnh tề đứng ở chiếu nghỉ giữa tầng sáu và tầng bảy, đầu óc anh suy nghĩ lung tung. Anh vốn là người đàn ông có tính đại khái, rất sùng bái các hảo hán Lương Sơn Bạc. Kể từ năm ngoái, khi bước vào con đường tình ái, anh đã nhận ra rằng mối quan hệ giữa đàn ông và đàn bà là rất tế nhị, trước khi chiếm được trái tim họ đã phải tổn hao khá nhiều công sức. Chỉ khi nào họ thực sự trở thành vợ mình rồi mối quan hệ mới trở nên đơn giản. Mối quan hệ giữa đàn ông và đàn bà cũng chính là mối quan hệ giữa khí quản và khí quản. Từ ngày Hỷ Nhi gặp Điền Tiểu Lan, anh thấy cái tính đại khái của mình đã biến thành tính cẩn thận. Năm ngoái Hỷ Nhi đọc truyện Thủy Hử, năm nay đọc Hồng lâu mộng. Công viên Đại Quan trăm hoa khoe sắc, các cô gái ngày càng hấp dẫn, đua nhau vẫy gọi... Cuộc sống của các cô đều nằm trong tầm ngắm của một người đàn ông. Hỷ Nhi là người đàn ông rất có bản lĩnh, chọn mãi, chọn mãi, cuối cùng chọn Điền Tiểu Lan. Hỷ Nhi yêu Điền Tiểu Lan không kém gì Triệu Ngư yêu Thương Nữ, Quân Trị Bình yêu Tưởng Vận. Nói không ngoa, anh còn yêu hơn cả bọn họ. Anh háo hức chờ nếp nhăn mở ra, tưởng anh thô lỗ hóa ra lại tinh tế... Đúng là hiện tại, Hỷ Nhi đang ở thế tiến thoái lưỡng nam, anh không lường trước được mọi việc xảy ra. Rõ ràng cô ấy đã về nhưng tại sao cửa vẫn đóng im ỉm, ở trong buồng mãi làm gì? Hỷ Nhi nghĩ: Không muốn lên thì thôi, nhưng ít ra cũng phải báo cho nhau một tiếng để khỏi phải làm nhiều món ăn thế này. Hỷ Nhi định quay người đi lên gác thì thấy có tiếng ho của một người đàn ông ngay trước cửa nhà Điền Tiểu Lan. Thiệu Binh đã về. Hỷ Nhi lên nhà, ngồi một mình trước bàn ăn. Anh gắp một miếng thịt gà đã nguội lạnh. Đồ chết tiệt, anh nghĩ. Giá hai người ngồi ăn với nhau thì hay biết mấy, vừa nhắm thức ăn, vừa nhìn nhau, bát đũa thành đôi, cả xương nhả ra cũng thành đôi. Hỷ Nhi bật nút chai rượu, rồi bật ti vi, cuộc sống độc thân của người đàn ông là như vậy, vừa ăn, vừa xem. Hỷ Nhi ngồi quay lưng ra cửa nhưng vẫn chú ý quan sát phía sau. Trưa nay anh đã sắp xếp đâu vào đấy cả rồi, làm rất nhiều món, rõ ràng tự mình gây khó cho mình: thịt bò xào là số một, thịt gà rán là số hai... anh đã sắp xếp cả chỗ ngồi theo kiểu cầu nối giữa tình yêu và yêu, phút mong đợi đang sắp đến gần. Thế mà bây giờ chiếc cầu tình yêu vẫn trống vắng, trên bàn chỉ có thức ăn và thức ăn, chỉ có một mình Hỷ Nhi... Hỷ Nhi giận lắm. Có người đã bước vào nhà mà anh không hề hay biết. Người đó chính là Điền Tiểu Lan. Điền Tiểu Lan mặc áo dài Thượng Hải màu da trời, người tầm thước, không béo, cũng không gầy, trông rất đẹp gái. Buổi sáng chị đi hiệu làm đầu sửa lại mái tóc. Hỷ Nhi ở nhà làm cơm, Điền Tiểu Lan đi sửa sắc đẹp. Đàn bà ai cũng muốn làm đẹp, trông chị như trẻ hẳn ra. Sửa tóc xong, chị ngồi xe ba bánh về nhà rồi rón rén lên cầu thang hệt như một công an đặc vụ. Chị cố ý không gọi điện thoại, chị muốn xuất hiện bất ngờ để Hỷ Nhi trông thấy phải trố mắt. Quả thật Điền Tiểu Lan đã làm Hỷ Nhi phải sửng sốt. Ai chưa kịp quay đầu lại. Điền Tiểu Lan đã tiến sát người anh. Điều Tiểu Lan đang định nói câu gì đó, anh ra hiệu bảo đừng nói. Anh đóng cửa lại rồi chỉ tay xuống tầng dưới, Điền Tiểu Lan đã hiểu ý. - Mặc xác hắn, chúng ta cứ ăn đi. - Điền Tiểu Lan nói. Điền Tiểu Lan nâng cốc rượu, nói với Hỷ Nhi: - Em về muộn, xin tự phạt mình một cốc. - Hôm nay trông em đẹp quá. Lần đầu tiên anh được ngắm em mặc áo dài Thượng Hải. - Hỷ Nhi nói. - Có đẹp thật không anh? - Đẹp lắm. Em mặc Âu phục hoặc áo dài đều đẹp. Ý Hỷ Nhi muốn nói: Em mặc quần áo bơi càng đẹp hơn. Mùa Hè năm ngoái, anh và Điền Tiểu Lan đã đi tắm ở bãi sông. Đây là bãi sông ở Mi Sơn, hai bên bờ là những thửa ruộng ngô bát ngát. Họ bơi mãi đến chiều tối, Điền Tiểu Lan mặc chiếc áo tắm màu đỏ. - Cám ơn anh. Hôm nay trông anh cũng rất điển trai. Complê cravát đàng hoàng, rất khí thế. - Món ăn anh nấu có ngon không? - Ngon lắm. Hỷ Nhi gắp một miếng thịt gà vào bát Điền Tiểu Lan rồi nâng cốc nói: - Cám ơn sự có mặt của em. - Hỷ Nhi uống cạn chén rượu. - Cám ơn anh đã nhiệt tình khoản đãi em - chị cũng uống cạn chén rượu. - Điền Tiểu Lan cười nói. Hai người chia nhau ăn quả tim gà, Hỷ Nhi nghĩ: Lần sau sẽ mua tim gà về xào... Họ vừa ăn vừa uống, trong khi đó Thiệu Binh ngồi dưới nhà có thể bụng đã đói meo. - Ông chồng em... - Hỷ Nhi nói. - Mặc xác anh ta. - Điền Tiểu Lan đáp. Điền Tiểu Lan không cần quan tâm đến chồng, nhưng ông chồng lại gọi điện cho chị. Thiệu Binh hỏi chị đang ở đâu, sao không về nhà. Điền Tiểu Lan nói chị đang ở nhà bố mẹ. Cả anh trai và chị gái đều đến chơi, nhà đông vui lắm. Nếu anh chưa ăn cơm thì về đây ăn luôn thể, đi xe chỉ vài phút là đến chứ mấy. Thiệu Binh nói: - Ngại xuống nhà lắm. - Có bánh bao ở trong tủ lạnh đấy. - Điền Tiểu Lan nói. - Cô định cho tôi ăn bánh bao nguội à? - Thiệu Binh nói. - Ai để anh ăn bánh nguội, trừ phi anh thích. - Tôi muốn ăn, muốn ăn bánh bao nguội của cô. - Thiệu Binh nói. - Mặc xác hắn, ăn thôi. - Điền Tiểu Lan cúp máy, nói với Hỷ Nhi. Chị lại uống hết chén rượu nữa, Hỷ Nhi vẫn cầm đôi đũa trên tay, chưa hề động đậy. Thiệu Binh muốn ăn bánh bao nguội của chị, anh thường gọi đôi vú chị là bánh bao nóng, mông chị là bánh bao nguội. Không những anh hay sờ, mà còn cắn. Hễ cứ về nhà là anh sinh sự, không cãi cọ, không quần thảo vợ là không xong. Anh đã nuôi cái tính xấu ấy từ khi còn ở bộ đội, phải quần thảo thể xác vợ thật nhiều mới thỏa cơn dục vọng. Thiệu Binh lại gọi điện thoại, anh nói: - Tôi muốn ăn món cá mè do chính tay cô nấu. - Đợi chiều em về sẽ nấu. - Điền Tiểu Lan nói. - Tôi muốn ăn vào trưa nay. - Thiệu Binh nói. - Anh gọi điện xuống cửa hàng ở dưới nhà, bảo họ đem lên cho một suất. - Điền Tiểu Lan nói. - Làm gì có món cá, chỉ có nước đái thôi. - Thiệu Binh nói. - Thế thì em, đành chịu bó tay thôi, bây giờ em không về được đâu - Điền Tiểu Lan nói. - Sao ở chỗ em yên ắng thế? - Thiệu Binh nói. - Em ở phòng khách, anh không nghe thấy tiếng ti vi à? - Điền Tiểu Lan nói. - Có nghe thấy, có phải ti vi nhà anh chàng bồ bịch với cô không. - Thiệu Binh cười nói. Điền Tiểu Lan chau mày, cúp máy. Điền Tiểu Lan nói với Hỷ Nhi: - Ta cứ ăn đi thôi, thức ăn nguội hết cả rồi. - Ngộ nhỡ anh ta sang bên nhà bố mẹ thì sao?... - Hỷ Nhi nói. - Hắn không sang đâu. - Điền Tiểu Lan nói. Nhà bố mẹ Điền Tiểu Lan ở đường Tô Từ, nếu Thiệu Binh định đến thì chỉ vài phút là đến được nhưng anh sẽ không bao giờ đến, vì anh đối xử rất tệ bạc với Điền Tiểu Lan nên cả nhà đều ghét bỏ anh. Anh trai Điền Tiểu Lan còn định đánh cho Thiệu Binh một trận, đánh cho chừa cái thói quân phiệt đi mới thôi. Thiệu Binh tuy có thói ngông cuồng, nhưng cũng biết giữ mình, không dại gì mà chui đầu về đó. Tuy nhiên chứng nào vẫn tật đó, mỗi lần về nhà anh lại hành hạ Điền Tiểu Lan làm chị đứng ngồi không yên. - Em uống rượu nữa nhé. - Hỷ Nhi mời. - Được ta uống tiếp. - Điền Tiểu Lan nói. Hai người lại cụng ly. - Em ăn thức ăn đi. - Hỷ Nhi nói. - Chúng ta cùng ăn. Hỷ Nhi gắp cho Điền Tiểu Lan một miếng thịt gà, Điền Tiểu Lan lại gắp cho Hỷ Nhi một miếng thịt bò. Hai người nhìn nhau cười. Cuộc sống là như vậy. Thịt gà và thịt bò vẫn chưa đến độ chín tới. Họ đã quan hệ với nhau hơn một năm nay, nhưng ngoài việc ăn cơm, tỉa hoa, phơi quần áo, gọi điện thoại lúc đêm khuya, nện gót giày và gõ gậy làm ám hiệu, họ chưa hề để xảy ra bất cứ việc gì. Họ mới chỉ dừng lại ở mức nhìn nhau bằng ánh mắt thiện cảm. Điền Tiểu Lan chưa hề thổ lộ hết những điều thầm kín trong lòng, ngược lại, Hỷ Nhi cũng không đi sâu thêm. Đây có lẽ là mối quan hệ tốt nhất giữa hai người. Hỷ Nhi yêu say đắm Điền Tiểu Lan, Điền Tiểu Lan cũng yêu say đắm Hỷ Nhi, nhưng họ cũng chỉ dừng lại ở bước cùng ăn, cùng nhìn nhau cười. Thiệu Binh ở tầng dưới bụng đã đói meo, trong khi, ở tầng trên thì ăn uống lu bù, giữa hai tầng chỉ cách nhau một sàn bê tông. Thiệu Binh đành nhịn đói leo lên giường ngủ. Điền Tiểu Lan đi vệ sinh. Chị đã bật sẵn ti vi, Hỷ Nhi ngồi xem bỗng đưa mắt nhìn theo chiếc áo dài Thượng Hải của Điền Tiểu Lan. Cô ấy đẹp thật, đẹp hơn mức mình tưởng tượng. Mùa Hè năm ngoái, khi đi tắm ở bãi sông, anh đã dạy Điền Tiểu Lan tập bơi. Lúc màn đêm buông xuống, lẽ ra anh đã... với Điền Tiểu Lan... nhưng sau đó mọi việc vẫn chưa hề diễn ra. Điền Tiểu Lan trở về bàn ăn. Có tiếng người bấm chuông ở cửa. Hỷ Nhi nghi ngờ: Ai bấm chuông thế nhỉ? Nhìn qua khe cửa, anh hốt hoảng khi thấy Thiệu Binh đứng ở ngoài. Anh quay lại ra hiệu cho Điền Tiểu Lan. Tiếng chuông lại vang lên, Hỷ Nhi cao giọng hỏi: - Ai đấy? - Người quen đây. - Người đàn ông đứng ngoài cửa nói. Hỷ Nhi vừa mở cửa ra, Thiệu Binh đã định xông vào. Hỷ Nhi ngăn lại, không muốn để Thiệu Binh vào nhà. Thiệu Binh nhìn Hỷ Nhi hỏi: - Anh ở nhà một mình à? - Tôi đang ăn cơm, có việc gì không? - Hỷ Nhi nói. - Anh có chè cho tôi xin một gói, tôi ngại xuống nhà quá. - Thiệu Binh nói. - Việc gì phải xin xỏ, anh đợi tôi một lát. - Hỷ Nhi nói. - Anh không mời tôi vào nhà à? - Thiệu Binh nói. - Nhà cửa bề bộn quá, vâng mời anh vào. - Hỷ Nhi nói. Thiệu Binh tuổi khoảng bốn mươi trở lại, nguyên là bộ đội xuất ngũ. Anh đã đóng quân ở Tây Tạng trên mười năm, anh là thượng tá, sư đoàn phó. Anh vốn là một quân nhân chính hiệu, chỉ phải mỗi tội tính cách dở quá. Khi trở về địa phương, tính cách ấy lại phát triển bừa bãi, nên mọi người xa lánh anh. Người Lạc Sơn và Mi Sơn thường nói với nhau rằng anh chàng này không coi trời đất ra gì, chỉ sợ người Lạc Sơn chúng ta thôi. Thiệu Binh bước vào nhà, đảo mắt nhìn khắp lượt, anh chú ý đến hiện tượng: thức ăn trên bàn, ti vi và cánh cửa buồng ngủ khóa chặt. Điền Tiểu Lan trốn trong phòng ngủ an toàn, chị còn nhớ mang theo đôi đũa và cái cốc uống rượu. Chị ngồi ghếch chân lên đi văng cạnh giường. Tiện thể chị ngắm phòng ngủ của Hỷ Nhi. Phía trước giường là đôi giày da, có lẽ Hỷ Nhi đã dùng đôi giày này làm ám hiệu cho chị. Chị còn thấy một chiếc quần lót vứt cạnh chiếc gối, ga trải giường màu trắng, trên ga dường như không có một dấu vết gì đáng khả nghi... - Chỉ có một mình anh sao mua nhiều thức ăn thế này? - Thiệu Binh ở phòng ngoài nói. - Người ta vẫn gọi tôi là chiếc thùng không đáy, lo gì nhiều, chỉ sợ ít quá thôi. - Hỷ Nhi nói. Thiệu Binh nghĩ: Chắc thằng cha này định trả thù những tháng ngày đói khổ hay sao. Anh ngồi yên quan sát một lượt rồi nói với Hỷ Nhi: - Uống rượu một mình buồn lắm, hồi còn ở bộ đội, chúng tôi đã... - Tôi chưa vào bộ đội bao giờ nên chưa biết sinh hoạt của bộ đội ra sao. Đây, chè của anh đây, anh thấy đã đủ chưa? - Đủ rồi, đủ rồi. Lần sau tôi sẽ mời anh uống rượu. Hỷ Nhi cười rồi ngồi xuống bàn, lấy đũa gắp một miếng thịt gà tuy đã nguội, nhưng vẫn còn thơm phưng phức. Thiệu Binh mời Hỷ Nhi hút thuốc lá để tỏ tình thân thiện. Anh mong đợi Hỷ Nhi sẽ khách sáo mời anh uống một cốc rượu. Bụng anh ta đã đói mềm, dưới nhà chỉ có mấy chiếc bánh bao đã nguội lạnh. Thấy Hỷ Nhi ăn thịt gà ngon lành, Thiệu Binh nuốt nước bọt ừng ực. Anh quay sang nhìn chiếc ti vi, bỗng nghi ngờ. Không biết kênh này có phải là kênh lúc trước mình nghe thấy không? Anh không có cách nào đoán ra, anh ngước nhìn bức tranh phong cảnh Tây Tạng treo trên tường. - Bức tranh đẹp quá nhỉ, nơi này tôi rất quen thuộc, quen thuộc quá... anh mua ở Tây Tạng à? - Thiệu Binh nói. - Bạn tôi tặng đấy. - Hỷ Nhi nói. - Bức tranh này đắt lắm đấy. - Thiệu Binh nói. - Tình bạn là cao quý, ai lại tính chuyện tiền nong làm gì. Hỷ Nhi cười bảo. - Anh nói đúng, tình bạn là vô giá. - Thiệu Binh gật đầu. Thiệu Binh đứng chống tay vào chiếc ghế, chỉ chờ Hỷ Nhi mời một câu là ngồi xuống ngay, nhưng Hỷ Nhi cứ tỉnh bơ ngồi nhai xương gà gau gáu... - Hình như phòng của anh rộng hơn phòng dưới tôi, phòng khách cũng rộng hơn, ở đây có thể khiêu vũ được đấy... Thiệu Binh tự nói, tự nghe, miệng hút thuốc đi đi lại lại trong phòng khách như một anh lính gác. Điếu thuốc lá đã cho anh vài phút thư giãn, rõ ràng trông anh rất đàng hoàng. Anh thường xuyên cảnh giác với những người tình của vợ, lúc này đây, anh đang rơi vào tâm trạng phức tạp. Vợ anh hiện nay đang ở đâu? Anh có cảm giác như mình bị đánh rơi một vật gì đó, anh mở máy di động gọi cho Điền Tiểu Lan, nhưng máy của Điền Tiểu Lan vẫn không có tín hiệu trả lời. Hỷ Nhi nói: - Lần sau nếu hết chè, anh cứ lên đây mà lấy. - Anh là một đồng chí rất dễ tính, tôi rất thích kết bạn với những người như anh. - Thiệu Binh nói. - Tôi là người thô thiển, tính khí lỗ mãng. - Hỷ Nhi cười nói. - Tôi cũng là người lỗ mãng. - Thiệu Binh nói. - Anh khiêm tốn quá đấy, một người tinh tế như anh sao lại gọi là lỗ mãng được. - Cánh cửa nhà anh đẹp thật đấy, chạm trổ tinh vi chẳng khác nào một bức tranh... Thiệu Binh hút hết nửa điếu thuốc lá, xem ra thời gian không còn nhiều anh đi đi lại lại trong phòng rồi bất chợt đến buồng, lấy tay kéo nhẹ nắm đấm cửa ra vào, nhưng bên trong chốt chặt. - Cửa buồng nhà anh chắc quá nhỉ, làm bằng gỗ gì đấy? Hỷ Nhi cứ ăn uống như thường, coi như không nghe thấy. Thiệu Binh hỏi: - Anh trồng được nhiều hoa trên ban công không? - Trồng có vài bồn thôi. Hỷ Nhi gắp thịt bò ăn ngon lành. Thiệu Binh lại hỏi: - Chúng ta là hàng xóm của nhau, tôi xin góp ý kiến với anh, được không? - Anh cứ nói đi. - Hỷ Nhi nói. - Tôi cũng là người thích trồng hoa, nhưng hôm nay tôi buộc phải có ý kiến với anh: nhiều lúc anh tưới nước, tràn xuống cả ban công nhà tôi, như thế bất tiện quá. - Lần sau tưới cây, tôi sẽ chú ý hơn. - Thực bụng mà nói, tôi vẫn ngửi thấy mùi thơm của hoa ở tầng trên. Hỷ Nhi định nói "Mặc xác ông, cứ lôi thôi mãi", nhưng thôi không nói nữa. Trong cái thô cũng có cái tinh, Thiệu Binh cười nói: Mấy cái bồn hoa nhà tôi sứt mẻ lung tung, trông rõ chán chết. À này, đừng vẩy tàn thuốc lá xuống sàn, nên vẩy vào gạt tàn cho sạch sẽ. Thiệu Binh ra về nhưng anh vẫn nghi ngờ trong phòng ngủ có người tình của Hỷ Nhi lẩn trốn. Anh nghi ngờ người tình đó chính là vợ anh. Vợ thì vẫn là vợ anh, nhưng khi anh không có nhà, người hàng xóm đã tranh thủ lợi dụng. Ở Lạc Sơn, chính anh cũng tằng tịu với mấy cô gái. Tranh thủ thời cơ vốn là bản lĩnh của anh. Chính hồi còn làm đại đội trưởng anh đã theo đuổi bác sĩ quân y Điền Tiều Lan theo kiểu này. Cái tính hung dữ của anh được Điền Tiểu Lan hiểu sai là tính háu gái. Hơn nữa, anh là người Lạc Sơn, lớn lên trên đất thờ đạo Phật, địa lý lại gần với Mi Sơn. Cô bác sĩ quân y đã trao thân cho anh ngay trong phòng trực ban, đến năm sau thì trở thành vợ anh. Trước khi sinh cô con gái đầu lòng, chị bắt đầu nếm đòn của anh, chị phải trốn đến ở nhờ trong doanh trại của mấy sĩ quan trẻ suốt nửa tháng, thế rồi một hôm Thiệu Binh đi ôtô đến lôi chị về. Quá tuyệt vọng, chị xin xuất ngũ trở về Mi Sơn, từ chối không về Lạc Sơn. Thiệu Binh nghĩ ngay ra một cách khống chế vợ khác thường: Sáng sớm tinh mơ gọi điện thoại, nửa đêm xông về nhà... Thiệu Binh đã ra khỏi phòng của Hỷ Nhi. Hút xong điếu thuốc, tuy trong lòng vẫn chưa hết nghi ngờ, nhưng chẳng có lý do gì để ngồi lì trong phòng của Hỷ Nhi. Anh vừa đưa tay lên nắm đấm cửa buồng, Hỷ Nhi đã nhắc nhở anh chú ý tàn thuốc lá. Anh hiểu ý liền đi ra, Hỷ Nhi tiễn anh ra tận cửa, hai người đàn ông còn tỏ vẻ thân thiện gật đầu chào nhau. Thiệu Binh không hổ danh là người lính gác, mà tỏ ra là người có bản lĩnh. Anh giả vờ xuống cầu thang, chân bước thật mạnh, nhưng chỉ một loáng đã quay lại chỗ cũ. Chẳng biết làm thế nào để nhìn qua mắt thần ở cửa được, anh đành ghé sát tai vào cánh cửa. Anh phát huy trí tưởng tượng: Cánh cửa buồng mở ra, cặp tình nhân bất chính thoát hiểm, tung chầm lấy nhau mừng thắng lợi, rồi bế nhau lên giường... Thiệu Binh tỏ rõ bản lĩnh của người lính trinh sát, nhưng Hỷ Nhi cũng chẳng kém cạnh, năm ngoái anh cũng rình mò, bắt được quả tang Lý Phùng ăn nằm với Tưởng Vận. Việc Thiệu Binh giậm gót mạnh ở cầu thang làm anh cảnh giác. Anh bước đến cửa, nhìn qua mắt thần quả nhiên thấy Thiệu Binh đang nép mình vào tường, rình mò ở bên ngoài. Anh rất muốn đằng hắng một tiếng thật to để trêu Thiệu Binh, nhưng lại sợ Điền Tiểu Lan giật mình. Cánh của buồng đã mở, Hỷ Nhi ra hiệu cho Điền Tiểu Lan biết: Bên ngoài có người đang rình mò. Điền Tiều Lan cười nhưng không quay trở lại phòng ngủ. Chị đến bên mắt thần nhìn ra, thưởng thức cảnh chồng mình đang. rình trộm: Thiệu Binh tay vịn vào lan can cầu thang, đang ngẩng mặt lên trời hút thuốc, dáng vẻ bồn chồn. Điền Tiểu Lan quay lại nói nhỏ với Hỷ Nhi: Chúng ta ăn thôi, mặc xác hắn. Hai người ngồi vào bàn ăn, họ uống rượu, ăn chẳng khác gì một cuộc hội ngộ chúc mừng thắng lợi. Còn anh chồng đứng canh chừng ở ngoài cửa thì bụng đói meo. Hỷ Nhi bật một kênh có phim truyện. Anh uống hết một cốc rượu rồi cao hứng khẽ hát: "Tiêu diệt hết lũ Hán gian, bọn giặc Nhật phải cuốn gói về nước". Điền Tiểu Lan bưng miệng cười. Thiệu Binh ngồi ở cầu thang, hút xong điếu thuốc, nghe thấy tiếng Hỷ Nhi hát, anh thấy hơi yên tâm: Thằng cha sống cô đơn này tự hát để mua vui, nhưng ngồi ăn một mình, rõ chán chết... Thiệu Binh lủi thủi xuống nhà, lấy mấy chiếc bánh bao nguội ra hấp lại. Anh gọi vào máy di động của Điền Tiểu Lan nhưng máy vẫn tắt. Chắc cô ấy đang bực mình vì câu nói của mình hỏi cô ấy đang cặp bồ với ai, nên tắt máy. Thiệu Binh nghĩ, có lẽ mình đa nghi quá mức thì phải, mình đường đường là một thượng tá, tư lệnh phó sư đoàn liệu có thằng đàn ông nào dám cả gan bờm xơm với vợ mình? Hấp xong mấy chiếc bánh bao, anh bắt đầu lục soát các túi quần và giường ngủ của vợ. Anh chú ý lắng nghe tiếng động trên trần nhà, để nếu có tiếng chân của đàn bà anh sẽ lập tức xông lên ngay. Anh không sợ đánh nhau, không sợ Hỷ Nhi cao to lực lưỡng. Nếu vợ anh về, sẽ chết với anh, anh sẽ cho cô một trận nhừ tử, sẽ lột trần cô, rồi đánh cho một trận để nhớ đời. Đánh xong, anh sẽ lôi cô ta lên giường để thỏa mãn cơn dục vọng. Dù Điền Tiểu Lan có van xin, anh càng hành động mạnh mẽ. Thiệu Binh tin rằng đến lúc hứng thú tình dục bốc cao, Điền Tiểu Lan sẽ lui cơn giận và chiều theo ý của anh. Bản tính của anh là như vậy, anh phát động tiến công và chờ đợi sự phản ứng, chờ sự đầu hàng của vợ, anh coi đó là sức mạnh của người đàn ông... Thiệu Binh lên giường, anh có thói quen ngủ trưa. Vào lúc này dù vợ có mở máy hay tắt máy cũng chẳng sao, anh không cần quan tâm. Buổi chiều anh uống rượu, buổi tối bốc máu lên, hành hạ vợ... Thiệu Binh bắt đầu chìm trong giấc ngủ, anh ngáy rất to, đến nỗi hàng xóm bên cạnh cũng nghe thấy. Điền Tiểu Lan nghe thấy tiếng ngáy của chồng ở tầng dưới, nên đã yên tâm. Hỷ Nhi bảo: - Em xuống nhà thôi, nhân lúc hắn ta đang ngủ trưa. Lão ta đánh một giấc đến tối cũng chưa biết chừng. - Điền Tiểu Lan nói. - Làm gì có chuyện ấy. không khéo lão ta lại làm em mất ngủ cả đêm. - Hỷ Nhi cười nói. - Lần nào hắn về, em cũng bị mất ngủ. - Điền Tiểu Lan nói. - Có phải vì lão ta ngáy to quá không? - Không chỉ có vậy, ban ngày hắn ta chuẩn bị sẵn tinh thần, đêm đến là quần thảo em. Hỷ Nhi cười, anh nghĩ, thằng cha này có máu thật đấy. Song có điều sự tưởng tượng của Hỷ Nhì vẫn chưa đủ để lột tả hết tính cách của Thiệu Binh. Dù với vợ hoặc bất cứ người tình nào, Thiệu Binh cũng làm thâu đêm suốt sáng mà không thấy mệt, không đủ thỏa mãn dục vọng. - Nửa đêm em và hắn cãi nhau có ảnh hưởng đến giấc ngủ của anh không? - Điền Tiểu Lan hỏi. - Có một lần, suýt nữa anh định nhảy bổ xuống can thiệp. - Anh chớ có xuống, chớ có xuống. Anh xuống là hỏng việc to. Tư cách đạo đức của hắn chỉ một mình em biết rõ thôi: thô lỗ, đa nghi, điên cuồng, thôi thì đủ cả. Điền Tiểu Lan nói hồi ở Tây Tạng có đỡ hơn, chỉ huy cấp trên răn đe, hắn cũng biết sợ, phải nghe theo. Từ ngày chuyển ra ngoài, hắn coi trời bằng vung. Suốt hai năm nay em đã định bỏ hắn, vì thấy tính tình hắn ngày càng hung dữ hơn. - Cám ơn em đã coi anh là... là người bạn tốt, đây là lần đầu tiên anh được nghe em kể những chuyện này. - Hỷ Nhi nâng chén rượu, nhìn Điền Tiểu Lan nói. - Toàn là những chuyện không vui. Lẽ ra em không nên nói chuyện này. Hỷ Nhi, em cũng phải cảm ơn anh, vì sống bên anh, em thấy rất vui, rất, rất vui. Hai người cụng ly rồi cùng cạn chén. Hỷ Nhi rất xúc động. Những lời nói của Điền Tiểu Lan làm tâm hồn anh rạo rực, anh đứng dậy đi vào nhà vệ sinh. Anh nghĩ: Niềm vui còn ở phía sau. Quân Trị Bình động viên anh phải chủ động xuất kích. Niềm vui như một hòn núi cao, anh phải xung phong mới leo tới được Hỷ Nhi ngồi trong nhà vệ sinh suy nghĩ. Chỉ một lát sau, có tiếng gõ cửa. Điền Tiểu Lan chau mày, định đi vào phòng ngủ. Hỷ Nhi nói: - Không sao, không sao đâu. Hỷ Nhi mở cửa, rồi nói với ai đó vài câu. Khi quay lại phòng ăn, anh nói với Điền Tiểu Lan: - Em thử đoán xem trong tay anh đang xách cái gì đây? - Một chai rượu nho. - Điền Tiểu Lan nói. - Sai rồi. - Một túi hoa quả. - Cũng sai nốt. Điền Tiểu Lan suy nghĩ một lát rồi lại nói: - Một túi thuốc đông y. - Thật không hổ danh là bác sĩ, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến thuốc. - Có phải là thuốc đông y không? - Điền Tiểu Lan nói. Hỷ Nhi cười, lắc đầu, để lộ hàm răng trắng muốt. - Em chịu, không đoán ra đâu. À, để em thử nghĩ thêm xem - Có phải là túi cá mè không? - Điền Tiểu Lan ngẫm nghĩ rồi nói. Quả nhiên là một túi cá mè tươi. - Thiệu Binh thật không có phúc, không được ăn món cá mè do chính tay em làm. - Nếu anh muốn ăn, mai em sẽ làm cho anh ăn. - Nhỡ hắn ta lại rình mò thì sao? - Hỷ Nhi cười nói. - Hắn ta chưa bao giờ ở nhà quá một đêm đâu. Hỷ Nhi nghĩ ngay đến một câu nói đùa: Nghi binh bắn một phát súng, rồi chạy sang một chỗ khác. Nói xong hai người lại nâng cốc. Cả hai đều đứng dậy. Hỷ Nhi ngắm nhìn chiếc áo dài Thượng Hải và bộ ngực căng phồng của Điền Tiểu Lan. Anh thấy đầu hơi choáng váng, chân đứng không vững lắm. Hai chén rượu chạm vào nhau, còn tay kia thì lại chạm vào chỗ khác. Điền Tiểu Lan nói: Cạn chén. Hỷ Nhi nói: Cạn... - Nhưng cách phát âm thì lại hoàn toàn khác. Điền Tiểu Lan ngửa mặt lên uống cạn chén rượu. Hỷ Nhi nhìn chằm chằm vào cổ và hàm răng chị. Điền Tiểu Lan nói anh cũng cạn chén đi chứ. Hỷ Nhi nghĩ: Cạn thì cạn, ừ thì cạn, cạn một chén, cạn một hồi... cuối cùng anh đã không kiềm chế nổi mình, đã đắm mình trong tình yêu. Một cảm xúc đột biến mà chính anh cũng không ngờ. Đã hơn một năm qua, giữa tầng trên và tầng dưới đã gán bó với nhau, hết trao đổi bằng tín hiệu, đêm đến lại gọi điện cho nhau... - Tiếp tục cạn chén đi anh. - Điền Tiều Lan nói. Hỷ Nhi lại rót đầy hai chén rượu. Làn sóng tâm hồn trào dâng... lúc này anh giống hệt như người bệnh đang hôn mê, không phải nhìn về phía sau mà đang nghển cổ nhìn về phía trước. Anh nghĩ Điền Tiểu Lan có phải là bác sĩ không? - Thật thương cho anh là một hảo hán Lương Sơn Bạc mà không thắng nổi một chén rượu đào. Hỷ Nhi cố trấn tĩnh. Hảo hán Lương Sơn Bạc ư?... Anh nghĩ. Hỷ Nhi đang còn ngơ ngác Điền Tiểu Lan lại nói tiếp: - Anh uống đi, nếu uống không hết, em sẽ uống hộ. - Ý em là hai chúng ta cùng uống chung một chén rượu? - Hỷ Nhi bình tĩnh trở lại, cười nói. - Chẳng lẽ lại để lãng phí hay sao? - Tất nhiên là không rồi, tham lam và lãng phí đều có tội. - Khá lắm, anh dám nói thế là được rồi. - Điền Tiểu Lan cười bảo. - Anh có tội, anh xin nhận tội. - Trị tội anh bằng cách anh phải uống hết chén rượu. - Sao lại thế? Vừa rồi em nói hai người cùng uống chung một chén, cùng đồng cam cộng khổ kia mà? Điền Tiểu Lan cười. Lúc này Hỷ Nhi đã có phản ứng nhanh, từ chỗ cạn một chén rượu trở thành đồng cam cộng khổ, một từ nghe rất hả lòng hả dạ mà Điền Tiểu Lan đã mong đợi từ lâu. Tầng trên, tầng dưới, đồng cam cộng khổ... Một chén rượu nho, Hỷ Nhi uống một nửa, Điền Tiểu Lan uống một nửa. Điền Tiểu Lan xách túi cá mè ra về, Hỷ Nhi tiễn chị ra cửa. Khi xuống đến chiếu nghỉ ở góc cầu thang, Điền Tiểu Lan nhìn Hỷ Nhi cười. Nụ cười gợi lại hình ảnh năm ngoái: cũng ở chiếu nghỉ cầu thang này, Hỷ Nhi đã nói: nụ sắp nở thành hoa, thế mà cho đến nay vẫn... Thực ra, suýt nữa năm ngoái Hỷ Nhi đã được thưởng thức hoa, anh đã sắp xếp đâu vào đấy chỗ hẹn hò Điền Tiểu Lan, đùng một cái xảy ra chuyện đánh nhau với Lý Phùng. Hỷ Nhi nhảy nhót trong nhà chẳng khác gì một chú chó yêu không kìm hãm nổi niềm vui. Anh không thể kìm hãm nổi mình. Khi Điền Tiểu Lan xuống nhà rồi, anh nằm vật ra giường, ôm chặt lấy chiếc gối quần thảo. Một lúc sau, anh bật dậy giậm đế giày ba cái xuống sàn, Thiệu Binh tuy nghe thấy nhưng chẳng hiểu gì. Điền Tiểu Lan không có hồi âm, không có tiếng gậy đập xuống sàn. Ám hiệu vẫn như cũ... một lần Hỷ Nhi nói lại với Điền Tiểu Lan, chị bưng miệng cười. Họ giống như những người hoạt động bí mật, cùng phải đối phó với đặc vụ. Một lúc sau, ám hiệu phát đi vẫn không có trả lời, Hỷ Nhi đoán có lẽ Điền Tiều Lan đang làm cá. Cũng có thể chị đang bị chồng giám sát, quần áo mới, kiểu tóc mới có thể làm cho chồng phải chú ý. Rõ ràng sự trang điểm của chị không phải dành cho Thiệu Binh. Thiệu Binh lại phải nghiên cứu một vấn đề mới, lại có hứng thú mới hành hạ thể xác vợ mình... Hỷ Nhi chau mày, nhìn cái gì cũng thấy chướng tai gai mắt. Anh đang cao hứng. Tầng dưới có tiếng cãi nhau hoặc đánh nhau thì phải, nếu anh không xuống thì còn gì gọi là Hỷ Nhi nữa. Anh sẽ gõ cửa nhà tầng sáu, sẽ trước lễ hậu binh. Ở khu tập thể này, anh được mọi người tôn sùng là Lôi Phong sống, là người bảo vệ lẽ phải, thân mật với hàng xóm láng giềng, băng giá với những người có thái độ xấu. Đối với những người như Thiệu Binh thì sẽ là gió Thu quét sạch lá rơi. Tầng dưới vẫn không có động tĩnh gì, tiếng ngáy của Thiệu Binh đã ngừng từ lâu. Trực giác mách bảo Hỷ Nhi: Có lẽ Thiệu Binh đang chuẩn bị phát động một đợt công kích. Hắn ta kéo Điền tiểu Lan lên giường. Hắn ta rất khỏe, chắc chắn Điền Tiểu Lan không thể nào thoát khỏi bàn tay hắn. Hắn sẽ cởi áo dài, lột quần lót của Điền Tiểu Lan (Hỷ Nhi nhớ rất rõ chiếc quần lót màu đỏ của Điền Tiểu Lan). Vợ càng không thích thú, hắn càng điên cuồng, hắn sẽ vần vợ từ đầu giường xuống cuối giường. Hắn sẽ làm cho vợ phải tối mày tối mặt. Ở Lạc Sơn hắn còn e ngại đôi chút nhưng về nhà hắn tự do hoạt động, muốn là làm ngay. Điền Tiểu Lan muốn tránh cũng không được, hắn sẽ ghì chặt chị trên giường... thỏa mãn cơn dục vọng hết đợt này đến đợt khác. Hỷ Nhi đứng trên ban công tưởng tượng, vểnh hai tai nghe ngóng động tĩnh. Anh đã từng rình mò cuộc tình vụng trộm giữa Lý Phùng và Tưởng Vận, còn bây giờ là nghe trộm về Điền Tiểu Lan. Anh vẫn thường đóng vai một người bàng quan đi nghe trộm chuyện chăn gối của người khác. Năm ngoái, tiếng động lớn năm nay tiếng động nhỏ, nói chính xác hơn là không có tiếng động. Hỷ Nhi nghĩ: Không có tiếng động, chẳng lẽ trận chiến lại không xảy ra? Chẳng lẽ Thiệu Binh và Điền Tiểu Lan chăn gối mà lại không có tiếng động? Từ chỗ tình cảm bị xúc động mạnh, bỗng xẹp xuống như quả bóng xịt hơi. Tiễn Điền Tiểu Lan ra về, há chẳng phải đưa chị vào miệng cọp hay sao? Điền Tiểu Lan quay đầu lại, nhìn Hỷ Nhi và cười, thế mà chỉ trong nháy mắt đã phải lên giường để cho chồng hành hạ. Người ở tầng trên thì tim đập thình thịch, còn ở tầng dưới thì hai người dính chặt vào nhau trong cơn đê mê... Thực lòng mà nói, Hỷ Nhi rất tôn trọng Điền Tiểu Lan, trước hết anh muốn chinh phục trái tim, sau đó mới tính đến chuyện khác nhưng xem ra cách nghĩ đó không ổn, thực tiễn đã chứng minh không trao đổi về thể xác là không được, nó sẽ không có lợi cho sự phát triển mối quan hệ giữa nam và nữ. Nếu chỉ có trái tim không thôi thì đó sẽ là chủ nghĩa đơn phương theo một ý nghĩa khác. Tâm hồn và thể xác vốn chỉ là một, cái sai của Hỷ Nhi là ở chỗ đã nhìn nhận chúng một cách tách rời nhau, bỏ mặc Điền Tiểu Lan cho Thiệu Binh hành hạ, lại biếu không cho Thiệu Binh một túi cá mè, làm như thể lo lắng cho hắn ta không đủ sức lực để... Hỷ Nhi nghĩ lại càng thấy giận mình hơn. Hỷ Nhi nằm trên giường lòng bực bội. Sau đó, anh ra ngồi ở phòng khách, tiếp tục bực bội. Ánh nắng Xuân chan hòa ngoài cửa sổ, riêng mối tình của Hỷ Nhi vẫn chẳng đi đến đâu, một trái tim trống rỗng phỏng có ích gì. Không biết lúc này Triệu Ngư đang làm gì nhỉ? Nhưng Triệu Ngư cũng không thể giải quyết được vấn đề. Mỗi người đều có vấn đề riêng của mình... Lúc này Hỷ Nhi thấy mình thật vô tích sự. Đài truyền hình đang chiếu phim Tây sương ký. Có bóng người thấp thoáng ngoài hành lang, Hỷ Nhi nghi là người đẹp đến. Anh vội sửa lại cổ áo, nhưng rồi chẳng thấy có ai. Trên đời này có biết bao nhiêu cặp trai gái yêu nhau, còn mình vẫn là kẻ đứng ngoài cuộc, đóng vai trò đi nghe trộm: Tưởng Vận, Lý Phùng, Điền Tiểu Lan và Thiệu Binh... Màn đêm buông xuống, thời gian trôi đi quá nhanh, đã mười giờ tối rồi. Hỷ Nhi nghĩ: Chắc giờ này Thiệu Binh đã lên giường, hắn đánh chén no nê một bữa cá mè rồi lại trèo lên bụng vợ... tha hồ mà đú đởn. Sức khỏe chính là bạo lực, hắn sẽ ghì chặt, cắn xé Điền Tiểu Lan. Hắn không cần quan tâm đến phản ứng của vợ. Đau đớn, rên rỉ, khóc lóc, tất cả chỉ là số không. Sự phản kháng của Điền Tiểu Lan chỉ là số không, chỉ càng làm cho Thiệu Binh thêm khoái chí để tạo nên một bữa tiệc lớn hơn... Một ý nghĩ bỗng lóe lên trong đầu Hỷ Nhi: Không thấy động tĩnh gì, phải chăng Điền Tiểu Lan đã hòa thuận với Thiệu Binh? Nghĩ vậy, Hỷ Nhi thấy lòng mình đau xót. Ai là người thấu hiểu cho việc giữa hai người? Việc Điền Tiểu Lan và anh, người ở tầng trên, kẻ ở tầng dưới chẳng qua chỉ là sự bổ sung, mượn cớ để làm khuây khỏa nỗi buồn lúc nhàn rỗi mà thôi. Việc Điền Tiểu Lan định ly dị Thiệu Binh cứ nhùng nhằng mãi đã có kết quả gì đâu, đó chỉ là một trò đùa, một cách giải trí không hơn không kém. Lúc này đây, Hỷ Nhi cũng giống như Thiệu Binh đã phát hiện ra một tình địch nào đó. Thật vậy số mệnh đã đun đẩy Hỷ Nhi trở thành con người như vậy đứng ngoài cuộc, bám đuôi, vểnh tai nghe... Trước đây anh chơi mạt chược, lúc nhàn rỗi đều có mặt bên bàn mạt chược, sau đó anh quyết tâm không chơi nữa, tìm cách giảm béo, mặc complê. Anh cần có tình yêu và đã gặp Điền Tiểu Lan. Tình yêu giữa anh và Điền Tiểu Lan được bắt đầu từ chiếc quần lót màu đỏ phơi trên sân thượng, nó như một ngọn cờ vẫy gọi dục vọng và tình cảm tốt đẹp. Họ cùng phơi quần áo trên sân thượng, chiều chiều cùng lên thu quần áo rồi dần dần yêu nhau. Suốt trên ba trăm sáu mươi ngày đêm Hỷ Nhi luôn có mặt trên đường chạy tình yêu, luôn sẵn sàng trong tư thế của một vận động viên chạy nước rút. Anh có điều kiện tiếp xúc thường xuyên với Điền Tiểu Lan. Một lần, anh mở nhầm khóa cửa nhà Điền Tiểu Lan, hết xoay bên trái lại xoay bên phải vẫn không sao mở được. Biết mình bị nhầm, anh tỏ ý xin lỗi, Điền Tiểu Lan chỉ cười. - Xin mời vào, - Điền Tiểu Lan nói. - Tôi rất ngại pha trà, anh cứ tự pha lấy mà uống nhé! - Hai người ngồi đối diện nhau mà không nói năng gì. Hỷ Nhi cũng ngồi yên, không phải là không muốn mà là không thể. Lần thứ hai là khi đi bơi ở bãi sông, Hỷ Nhi đã va vào hai chân của Điền Tiểu Lan, từ ống chân lên đến đùi, sau đó họ lên bờ, quay lưng lại nhau thay quần áo, Điền Tiểu Lan không dám chui vào ruộng ngô. Trăng sao vằng vặc, bốn bề yên tĩnh, mặt nước phẳng lì như một cái giường. Điền Tiểu Lan loay hoay mãi mới thay xong quần áo, họ quay người lại, vừa nhanh vừa chuẩn xác, hai cái lưng đối diện nhau bỗng trở thành mặt đối mặt. Hai tay Hỷ Nhi thục trong túi quần, nếu không thì hai bàn tay đã xòe ra mở đầu cho một cuộc tình... Tình và yêu vốn không lệ thuộc vào thời gian và địa điểm, nếu ở bãi sông chưa thể bày tỏ thì bày tỏ ở chỗ khác. Thực ra, họ có điều kiện vì chỉ cách nhau một cái sàn nhà. Song khoảng cách đó còn có một trở ngại, đó là Thiệu Binh. Thiệu Binh đang sở hữu từ "người chồng", vì thế anh ta có quyền trở thành người lính gác, đề phòng những người đàn ông khác đụng đến quần vợ mình. Thiệu Binh là cái kìm kẹp chặt vợ mình là Điền Tiểu Lan, đồng thời cũng là một công cụ giám sát, người tuy ở Lạc Sơn nhưng vẫn giám sát được Mi Sơn; Thiệu Binh luyện vũ công để đưa ra những quái chiêu với vợ mình... Mọi việc cứ đi qua trước mắt như vậy, còn gọi gì là Hỷ Nhi nữa. Hỷ Nhi đi vệ sinh xong, cởi quần áo định đi tắm. Nhưng chưa kịp cởi xong chiếc áo đã nghe thấy có tiếng động bước lên cầu thang. Không biết có phải Điền Tiểu Lan không? Hỷ Nhi xách đôi tạ lên tay sân thượng tập. Anh đã từng thi tạ tay với Triệu Ngư, anh chưa bằng Triệu Ngư vì dù sao Triệu Ngư cũng đã tập tạ trên mười năm rồi. Hỷ Nhi hăm hở bước lên sân thượng nhưng không hiểu tại sao tim anh đập mạnh thế, cứ như quả tạ bị rơi xuống sàn vậy. Trên sân thượng có một người đàn bà, không phải Điền Tiểu Lan thì còn ai vào dây nữa? Điền Tiểu Lan đang phơi quần áo. Áo dài, giày, chậu... dường như chỉ riêng bóng hình chị thì chưa đủ, phải có một vật quen thuộc nào đó để chứng minh rằng người đàn bà trên sân thượng đúng là Điền Tiểu Lan. Điền Tiểu Lan quay lại cười và hỏi: - Muộn thế này rồi mà anh còn tập à? - Muộn thế này rồi mà em còn phơi quần áo à? - Em giặt chăn và ga trải giường, ngày mai chắc nắng to lắm đấy. - Điền Tiểu Lan nói. - Ừ, chắc nắng to lắm đấy. - Hỷ Nhi nhìn lên bầu trời rồi nói. Hỷ Nhi đi về phía Điền Tiểu Lan nhưng đến nửa đường lại rẽ sang một phía. Anh lên sân thượng để tập, không có lý do gì để đi thẳng đến chỗ Điền Tiểu Lan. Hơn nữa, anh lại mặc quần đùi mà chiếc áo may ô lại trùm kín cả quần đùi trông chẳng khác gì một người không mặc quần. Anh đứng ở một góc sân thượng, ở đó có bồn hoa hải đường đang nở rộ, hoa thạch lựu và hoa ngọc lan. Hoa nhài thoang thoảng hơi thơm từ phía Điền Tiểu Lan bay tới. Hỷ Nhi tập thở hít sâu, vừa tập tạ vừa liếc nhìn Điền Tiểu Lan. Điền Tiểu Lan phải vất vả lắm mới phơi được chiếc chăn bông và chiếc ga trải giường. Chị phải kiễng cả hai chân. Chiếc áo dài trong cảnh hoàng hôn càng tôn thêm vẻ đẹp vốn có của chị. Lúc này Hỷ Nhi nên chạy lại giúp chị một tay thì hơn, họ đã từng nhiều lần giúp nhau như vậy rồi. Nhưng không hiểu vì sao lần này anh lại quên khuấy đi, Điền Tiểu Lan hết kiễng chân lại vươn dài hai tay trông rất vất vả. Hai quả tạ trong tay Hỷ Nhi vẫn nhịp nhàng đưa lên đưa xuống, nhưng nhịp thở ngày càng nhanh hơn. - Anh lại giúp em một tay. - Điền Tiểu Lan nói. Chị hết phơi ga trải giường lại đến chăn, kiễng chân mãi đã thấy đau, hai tay mỏi rã rời. Nếu Hỷ Nhi không có mặt trên sân thượng, chắc chị sẽ không cảm thấy đau hoặc mỏi. Nhưng một khi có người đàn ông bên cạnh thì chị em bao giờ cũng hay làm nũng, việc người phụ nữ có thể làm được lúc này trở thành không làm được. - Anh ơi, lại đây một tí. - Điền Tiểu Lan nói. - Anh đến ngay đây, gớm, có thế mà cũng không làm được à. - Hỷ Nhi để quả tạ xuống sàn nói. - Em mỏi tay quá. - Điền Tiểu Lan nói. - Có phải em giơ tay đầu hàng rồi không. - Hỷ Nhi cười bảo. - Điều đó còn phải xem đầu hàng ai kia chứ. - Lính gác đã giương cao súng, liệu em có dám chống cự không? - Cho dù anh ta đã giương súng, cho dù đó là khẩu đại bác, em cũng không sợ. - Hắn đang xem ti vi ở dưới nhà à? - Hắn ngủ rồi. Anh không nghe thấy tiếng hắn ngáy à? - Không nghe thấy. Anh chỉ biết em lên đây thôi. - Biết thì tại sao không đến giúp em một tay? Tối nay em giặt cả một chậu quần áo. - Thì anh đã có mặt ở đây rồi còn gì. - Anh lên đây tập tạ chứ có phải lên giúp em đâu. - Vậy anh đang làm gì đây? Chẳng lẽ những thứ này là của anh hay sao? Cái ga trải giường này... - Cái ga trải giường làm sao? - Chẳng làm sao cả, ga trải giường chỉ là ga trải giường. - Anh không đùa đấy chứ? - Điền Tiểu Lan vẫn là Điền Tiểu Lan. - Hôm nay anh làm sao thế? Toàn nói linh tinh thôi. - Anh có linh tinh gì đâu? Anh đang giúp em phơi quần áo đấy chứ. Hỷ Nhi nghĩ: Đảo ngược... quần áo. Không biết cái từ đảo ngược này có trong cuốn sách nào, có lẽ trong truyện Thủy Hử hoặc Kim Bình Mai chăng. Hỷ Nhi đã đọc được nửa cuốn Kim Bình Mai nhưng vì ghét nhân vật Tây Môn Khánh quá nên anh vứt xó không đọc nữa, anh nhớ được vài từ trong truyện như đảo lộn quần áo chẳng hạn. Ngày tháng thoi đưa, anh đã quên khuấy đi mất, bỗng bây giờ lại sực nhớ ra, điều đó chứng tỏ ràng những từ đó có sự tiềm ẩn ý nghĩa sâu xa, đồng thời cũng chứng tỏ rằng đã lâu lắm rồi, Hỷ Nhi chưa hề làm đảo lộn quần áo. Anh chỉ giúp Điền Tiểu Lan phơi quần áo từ cái lớn nhất đến cái nhỏ nhất. Hai người đứng trước dây phơi, một người giũ từng cái một, còn người kia thì phơi từng cái một. Hỷ Nhi phơi rất nhanh, lúc rảnh tay lại ngẩng đầu nhìn trời đất hoặc cúi xuống nhìn Điền Tiểu Lan, nhìn những đường nét trên chiếc áo dài cô đang mặc. Trong đầu anh đang có ý nghĩ đảo lộn quần áo nên không thể không nhìn. Có điều nhìn cũng chẳng ích gì vì nhìn không đồng nghĩa với đảo lộn quần áo. Trong chậu quần áo chỉ còn lại hai thứ, một là xu chiêng, còn thứ kia trông không rõ lắm. Hỷ Nhi cầm lên xem thì ra đó là chiếc quần lót, chiếc quần lót màu hồng giống hệt như chiếc quần lót đã tung bay trước gió năm ngoái. Điền Tiểu Lan không nói gì, vẫn đứng phơi chiếc xu chiêng của mình. Trái lại, Hỷ Nhi đứng ngây như trời trồng. Chiếc quần lót chính là sự mở đầu tốt đẹp, nó là vật tượng trưng cho sự xích lại gần nhau giữa hai người, nếu đêm nay... Tâm hồn Hỷ Nhi rạo rực, vừa rồi là đảo lộn quần áo, còn bây giờ là chiếc quần lót màu hồng. Điền Tiểu Lan nói: Ồ... - Lúc đó Hỷ Nhi mới định thần trở lại, anh giũ giũ chiếc quần lót, bỗng đánh rơi xuống sàn. Hỷ Nhi nói: Tệ quá. Điền Tiểu Lan cúi xuống nhặt, Hỷ Nhi cũng cúi xuống, hai người va đầu vào nhau, cùng cười. Ở góc sân thượng có một vòi nước, Hỷ Nhi đem quân lót ra giặt lại, vắt khô rồi đưa cho Điền Tiểu Lan. Điền Tiểu Lan lại giũ chiếc quần lót mấy cái. Giũ là nói theo cách nói của người Tứ Xuyên, chỉ có nghĩa là làm cho nó phẳng ra. Nhưng Điền Tiểu Lan lại giũ ra vấn đề, chị lại đánh rơi bẩn hết. Năm ngoái, cũng chiếc quần lót này khoe mình trước gió, còn năm nay chị đánh rơi đến hai lần, rơi có duyên cớ có chủ đích và ẩn chứa một cái gì đó. Hỷ Nhi và Điền Tiểu Lan đều không cười, không nói gì, dường như vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn. Trước khi cúi xuống nhặt, cả hai người đều ngừng lại, người nọ cứ tưởng người kia sẽ nhặt. Thế rồi, cả hai lại cùng cúi xuống, lại va đầu vào nhau, lần này va hơi mạnh. Điền Tiểu Lan kêu ối một tiếng rồi bưng lấy đầu. Hỷ Nhi nhặt xong chiếc quần lót quay lại nhìn Điền Tiểu Lan và bắt gặp đôi mắt của chị. Bốn mắt nhìn nhau, Hỷ Nhi khẽ thổi vào đầu Điền Tiểu Lan mấy cái. Ở Mi Sơn cỏ câu đồng dao là: "Đừng đau nữa, đừng đau nữa...". Hỷ Nhi thổi liên tiếp hai, ba lần, Điền Tiểu Lan nhắm nghiền hai mắt hưởng thụ. Luồng gió thổi từ miệng Hỷ Nhi dần dần di chuyển xuống mũi và... Chỉ trong vài giây, họ đã hôn nhau, hôn tất nhiên không cần phải thổi nữa, mà là phải hít vào, hít vào thật lâu. Lần thứ ba, chiếc quần lót lại tuột khỏi tay rơi xuống. Hỷ Nhi chỉ mặc quần đùi và áo may ô, còn Điền Tiểu Lan thì mặc áo dài, rất dễ dàng cởi ra. Thực ra, họ đã cởi ra rồi, đã vén lên đến tận đùi, gần đến chỗ của chiếc quần lót khác, chiếc quần lót có hơi ấm và độ co giãn. Như vậy hôm nay Hỷ Nhi đã sờ vào hai chiếc quần lót. Động tác của Hỷ Nhi không hề thô bạo, trái lại, rất nhẹ nhàng. Anh là một hảo hán, một người đàn ông khỏe mạnh theo đúng nghĩa nhưng lại rất dịu dàng. Tinh lực trong anh mạnh đến đâu, anh cũng không rõ, song có điều anh vẫn rất dịu dàng. Cái mà anh muốn có chính là sự dịu dàng, dịu dàng, ôn hòa, cứ để nó đến dần, đi đâu mà vội. Một khi vòi nước đã mở nước sẽ chảy xối xả nhưng điều này không phù hợp với tình hình của Hỷ Nhi. Hỷ Nhi chưa có ý định trao đổi thể xác với Điền Tiểu Lan. Họ hôn nhau, hôn thật say đắm, hai cái lưỡi có sức truyền cảm lạ kỳ và sao lại dịu dàng đến thế! Răng cũng vậy, hai hàm răng cứng cũng trở nên dịu dàng. Tình yêu trên sân thượng, ở thời điểm khoảng hơn mười giờ tối, có hoa tươi, có ánh trăng và vòi nước. Hỷ Nhi lại cúi xuống nhặt chiếc quần lót, anh âu yếm hôn vào đùi Điền Tiểu Lan. Những ngón tay mềm mại của Điền Tiểu Lan vuốt nhẹ mái tóc của Hỷ Nhi. Tình cảm giữa hai người đẹp như một bài thơ, một bức họa... Hỷ Nhi đứng dậy lại ôm chặt lấy Điền Tiểu Lan hôn say đắm, niềm hứng khởi trào dâng, đôi vú căng phồng hổn hển như biết thở, chiếc quần lót lúc co, lúc giãn... tay Hỷ Nhi không rời chiếc quần lót. Chiếc quần lót màu hồng đã phơi mình trước gió nhưng hiển nhiên nó không phải là ngọn cờ vẫy gọi dục vọng. - Ta xuống nhà anh đi. - Điền Tiểu Lan khẽ nói. - Ngộ nhỡ Thiệu Binh nó... - Hỷ Nhi nói. - Hắn ngủ lâu rồi. - Điền Tiểu Lan nói. - Đợi cho hắn về Lạc Sơn đã. - Hỷ Nhi ghé sát vào tai Điền Tiểu Lan nói. Điền Tiểu Lan gật đầu, hai người buông nhau ra. Hỷ Nhi cúi xuống cầm lấy hai quả tạ, còn Điền Tiểu Lan thì phơi chiếc quần lót. Lính gác... Hỷ Nhi nghĩ. Khi nào lính gác thay phiên sẽ tiện lợi cho anh và Điền Tiểu Lan hơn. Sớm, tối đều có thể gặp nhau. Hỷ Nhi cười: Đây lại là một từ trong tiểu thuyết cũ. Từ là thứ có sức sống, không phải bạ đâu nói đấy, nó có hình dạng, có mùi vị và có tiếng nói riêng của nó. Tiếng nói gì nhỉ? Đương nhiên là tiếng nói chung rồi. Song tiếng nói chung ấy cũng có nhiều dạng khác nhau. Việc nghe vụng chuyện tình của Tưởng Vận đã làm anh sáng mắt ra. Còn hình dạng, mùi vị... chính là chuyện làm đảo lộn quần áo. Hỷ Nhi thở sâu, nâng hai quả tạ trên tay. Điền Tiểu Lan lề mề đứng bên dây phơi, hết sửa cái nọ lại sửa cái kia. Xem ra, công việc đêm nay vẫn chưa xong. Môi đã hoàn thành, nội tâm cũng đã ổn định nhưng tình yêu vẫn còn đó, hình ảnh người yêu vẫn in đậm trong tâm trí. Hỷ Nhi vừa tập tạ vừa quan sát Điền Tiểu Lan. Còn Điền Tiểu Lan tay sửa lại chiếc ga trải giường nhưng tâm trí lại ở nơi khác, chiếc ga trải giường vốn đã phơi ngay ngắn, chị lại làm nó xiên vẹo. Rõ ràng chị đang chờ đợi, chờ đợi anh bước tới, anh chạy tới và ôm chầm lấy chị... Tối nay làm sao thế nhỉ? Điền Tiểu Lan, càng ngắm càng thấy Hỷ Nhi đáng yêu vô cùng. Chị thực tâm muốn hiến dâng. Họ cùng hiến dâng cho nhau, hiến dâng cho cái âm và dương, cho cái cứng và mềm. Cùng hoạt động, cùng trao đổi làm cho cái ngày bình thường trở thành không bình thường, để lại dấu ấn không quên về tình yêu trên sân thượng. Dòng máu sục sôi trong tim Hỷ Nhi đang chuẩn bị tuôn trào thì có tiếng chân người bước lên cầu thang. Người đó chính là Thiệu Binh. Thiệu Binh đang ngủ ngon bỗng tỉnh giấc. Anh gọi vợ một tiếng nhưng không thấy vợ trả lời. Anh vùng dậy, đi tìm khắp các phòng, kể cả nhà vệ sinh, nắp máy giặt nhưng chẳng thấy vợ đâu. Anh ngồi giữa phòng ghếch đùi hút thuốc lá. Anh tỏ vẻ hài lòng về thái độ của vợ. Anh ở Lạc Sơn để khống chế Mi Sơn, anh gọi đó là cách điều khiển từ xa. Điền Tiểu Lan không phải là người đàn bà dịu ngoan mãi mãi cần chinh phục. Anh coi hôn nhân là cuộc chiến lâu dài, còn sinh hoạt là cuộc chiến chớp nhoáng và công kiên chiến. Quan hệ tình dục với vợ chẳng khác nào như một trận đánh nhau: trên sàn nhà, trên đi văng, trong nhà vệ sinh... nếu Điền Tiểu Lan chạy ra phòng khách thì phòng khách cũng biến thành bãi chiến trường: anh sẽ ghì chặt lấy vợ, kéo xoạc hai chân vợ ra... Đau đớn, nước mắt, vết máu, giao hợp... hoàn thành xong Thiệu Binh coi mình là người thắng cuộc lòng dạ hả hê. Hút xong điếu thuốc vẫn chưa thấy vợ về, anh đoán chắc vợ đang phơi quần áo trên sân thượng. Anh đã ngủ một giấc thật ngon, đầu óc đã tỉnh táo, tối nay phải chiến đấu một trận ra trò mới được. Anh ngẫm nghĩ về những sai lầm của vợ: trưa nay để anh phải ăn bánh bao nguội, lại còn tắt máy di động nữa chứ. Cứ quát cho vài câu, sau đó mọi chuyện sẽ đâu vào đấy. Sân thượng... anh nghĩ. Cũng có thể làm trò ngay trên sân thượng hoặc bên cạnh bồn hoa... Nghĩ vậy, Thiệu Binh xông lên sân thượng, bất chợt gặp ngay Hỷ Nhi trông cứ như người cởi truồng vậy. Vợ anh đang nhón gót sửa lại chiếc ga trải giường. Thiệu Binh quan sát khoảng cách giữa hai người rồi đưa ra kết luận: họ không giống một cặp tình nhân. Thiệu Binh còn chú ý đến cả thân hình vạm vỡ của Hỷ Nhi. Thiệu Binh đứng xen vào khoảng cách giữa Hỷ Nhi và vợ, anh ngắm nhìn trăng sao, tận hưởng hương thơm của hoa. Liệu trên sân thượng này có xảy ra mối tình vụng trộm được không? Thiệu Binh nghĩ: Không, không đời nào một bác sĩ quân y lại bán mình cho một gã độc thân, dù có tình ý vụng trộm cũng không bao giờ bán mình cho Hỷ Nhi. Có điều, anh không thích hai cái đùi trần như nhộng của Hỷ Nhi. Điền tiểu Lan nhấc cái chậu lên, có ý xuống nhà. Thiệu Binh tiến lại gần Hỷ Nhi hai bước nói: - Trông anh rắn chắc quá nhỉ, hai tay khỏe thật đấy. - Hỷ Nhi nâng quả tạ lên, thở đều. Thiệu Binh lại nói: - Các buổi tối anh đều tập luyện à? - Tôi tập chơi thôi mà. - Hỷ Nhi nói. Thiệu Binh nhấc thử quả tạ rồi nói với Hỷ Nhi: - Có nặng đến bốn ki lô gam không? - Năm mươi ki lô gam. - Hỷ Nhi cười bảo. - Anh hay nói đùa thật đấy. Hồi ở bộ đội tôi cũng có đôi tạ tay nặng tám ki lô gam. - Thiệu Binh nói. - Thì ra khi ở bộ đội, anh cũng tập tạ tay à. - Hỷ Nhi nói. - Tôi là Sư đoàn phó, thượng tá Sư đoàn phó. Vợ tôi là bác sĩ quân y, thiếu tá bác sĩ. - Thiệu Binh nói. Hỷ Nhi liếc nhìn Điền Tiểu Lan, tay chị cầm chậu, đang quan sát hai người đàn ông nói chuyện với nhau. Thiệu Binh nói với Hỷ Nhi: - Lần sau về, tôi sẽ biếu anh một gói chè sản xuất ở huyện Mã Biên. Chè Lạc Sơn ngon lắm. - Cám ơn anh, thường ngày tôi rất ít uống trà, sợ đêm mất ngủ. - Hỷ Nhi nói. Thiệu Binh cười hóm hỉnh, cái cười ngụ ý muốn nói: Chỉ sợ đêm thiếu đàn bà thôi. Hỷ Nhi hiểu ý Thiệu Binh, anh liếc nhìn Điền Tiểu Lan. Thiệu Binh ngắt một bông hoa nhài đưa lên mũi ngửi. Anh ngắm nghía bộ đùi chắc nịch của Hỷ Nhi, nhìn thấy cả chiếc quần lót của Hỷ Nhi. Thực ra quần lót của Hỷ Nhi văn minh hơn quần lót của anh nhiều, nó đúng với nghĩa của quần lót, còn anh chẳng qua chỉ là cái khố đeo. Thiệu Binh đi dạo quanh sân thượng, ý anh muốn chờ cho Hỷ Nhi xuống nhà, chỉ còn anh và vợ trên sân thượng. Đối với anh, đây là một địa điểm mới mà trước đây anh chưa để ý đến, hôm nay mới phát hiện. Anh muốn "gây sự" với vợ ngay tại đây, trước mặt người đàn ông độc thân, anh cao giọng trách mắng vợ để anh phải ăn bánh bao nguội, lại còn tắt điện thoại. Sau đó anh sẽ hành sự ngay bên bức tường kia, không cần phải đề phòng tầng bảy làm gì... Nhưng Hỷ Nhi vẫn tiếp tục tập. Thiệu Binh nghĩ: Tập gì mà lâu thế! Sốt cả ruột. Hỷ Nhi nghĩ: Mặc xác mày, sớm muộn mày cũng phải cút về Lạc Sơn. Điền Tiểu Lan đứng dưới ánh trăng, giữa hai người đàn ông, mà lòng lạnh lẽo.