Dịch giả: Ngô Tín
Chương 8
Giữ Mãi Mối Tình Đầu

Huyện Cừ nằm ở phía bắc Tứ Xuyên, là một huyện nhỏ, dân số toàn huyện chỉ trên dưới đâu một triệu người, xấp xỉ bằng dân số huyện Nhân Thọ thành phố Mi Sơn. Nhân Thọ thuộc vùng đồi trũng còn huyện Cừ thuộc vùng núi cao rất khan hiếm nước, đất cằn cỗi nhưng không khí trong lành, không bị ô nhiễm. Phong cách của người nghèo ở xứ này rất giản dị, chất phác, bất cứ nơi nào có giếng thơi, ở đó đều có không khí lãng mạn, vui tươi yêu đời, cách thoát nghèo của người dân cũng lặng lẽ khác thường, Nam Tử là một cô gái điển hình, ngày càng có nhiều người rời bỏ quê hương như Nam Tử. Việc đàn ông đi làm thuê kiếm mướn, đàn bà đổ ra thành phố đã trở thành phong trào. Đàn ông kiếm tiền gửi về giúp đỡ gia đình còn đàn bà kiếm tiền để tiêu pha. Đương nhiên cũng có trường hợp ngược lại, như Nam Tử. Câu chuyện Nam Tử lấy chồng, trong làng ai cũng biết. Làng Thí Mã cách huyện lỵ khoảng tám mươi cây số đường rừng. Hôm nay Nam Tử trở về nơi chôn rau cắt rốn, nơi bố mẹ và những người thân của chị đang sống, nơi đã in đậm trong ký ức tuổi thơ và thời thiếu nữ của chị.
Một giờ chiều, Nam Tử xuống tàu, ngồi xích lô về huyện lỵ. Chị mặc chiếc áo sơ mi màu hồng nhạt, chiếc quần có điểm hoa. Chiếc xích lô chở chị đến bến xe ôtô. Người xích lô đòi chị một đồng, chị trả luôn cho anh ta hai đồng. Bốn mươi phút sau có xe đi về làng Thí Mã. Một số hành khách ngồi trong phòng đợi, ông lão đang quét dọn nhưng không phun nước, bụi bay tứ tung vào mặt hành khách. Nam Tử đi trên đường phố của huyện lỵ, lòng tràn đầy xúc động. Chị không phải là người của huyện lỵ, trước đây chỉ học có nửa năm cấp ba ở trường thực nghiệm. Chị vẫn nhớ chủ nhiệm lớp là một giáo viên toán học. Trước khi vào học mấy ngày, chủ nhiệm lớp đã gặp chị nói rõ ý định phát động một đợt quyên góp lấy tiền ủng hộ chị, nhưng đợt quyên góp ấy chẳng những không đem lại kết quả gì, trái lại làm chị ngượng tím mặt. Phần lớn học sinh cấp ba đều thuộc diện nghèo rớt mùng tơi. Sau đó nửa năm, Nam Tử đành cắn răng từ biệt giáo viên chủ nhiệm, từ biệt mái trường thân yêu, trở về quê làm ruộng. Khi ra khỏi cổng trường, nước mắt chị đầm đìa. Về đến nhà mẹ chị đang ốm nặng, bố thì giữa đêm uống rượu say xỉn, anh trai Nam Phàn thì gào thét như điên loạn ngoài đồng...
Bây giờ tình thế đã khác rồi, Nam Tử rất muốn gặp lại giáo viên chủ nhiệm của mình.
Vì là buổi chiều, nên người đi lại trên đường rất thưa thớt, ánh nắng đầu mùa Hạ rọi chiếu xuống khuôn mặt và cánh tay. Buổi sáng, lúc ra đi, Tôn Kiện Quân đã dặn chị phải đem theo kem chống nắng. Khi xuống tàu, chị đã bôi qua một lượt. Chị là người phụ nữ biết nghe lời, tuy nhiên bản thân chị không hề sợ bắt nắng. Ở Thành Đô, vào tháng Bảy, trời nắng như thiêu như đốt nhưng khi ra đường chị cũng không bôi kem, không đội ô. Với chị, ánh nắng có cái gì đó rất gần gũi, thân thương. Ánh nắng ở miền sơn dã vừa long lanh vừa sinh động, nếu che ô thì quả là chuyện nực cười.
Trường thực nghiệm nằm ở cuối một con đường hẻo lánh, trước cổng trường có một cây cổ thụ người ôm không xuể, tán lá sum sê như một cái ô che lấp mặt trời, tỏa bóng râm thoáng mát. Vì nhà trường nghỉ lễ Mồng một tháng Năm cả tuần, nên người bán hàng rong tụ tập dưới bóng cây khá đông. Nam Tử mua một chiếc quạt nan, tiện thể mua luôn một ít dưa để ăn dọc đường ở cổng trường, một ông lão đang khoanh tay đứng nhìn, Nam Tử vẫn nhớ ông lão, đó là ông Giang, bảo vệ. Nam Tử tiến lại gần nói với ông lão cháu là học sinh cũ của trường. Không đợi Nam Tử nói hết, lão Giang đã cắt lời: - Cô vào đi, vào đi, nhà trường cũ rất hoan nghênh cô.
Nhà trường cũ? Nam Tử rất không muốn nghe cái từ này. Học được nửa năm, chị đã phải khóc sướt mướt từ biệt mái trường này. Vị giáo viên dạy toán, chủ nhiệm lớp chị cũng họ Giang, ông là người thầy giáo có lương tâm, ân cần dạy dỗ, quan tâm chăm sóc đến từng học sinh thân yêu. Tuy Nam Tử phải bỏ học về quê làm ruộng, nhưng ông vẫn nhờ Ninh Cường truyền đạt lời ông: dù khó khăn đến đâu cũng phải kiên trì tự học. Nam Tử hiểu rằng thầy giáo đã chỉ ra con đường tương lai cho mình. Khi đã an cư lạc nghiệp ở Dung Thành, chị vẫn không quên tự học, kể cả những từ tiếng Anh đơn giản. Tôn Kiện Quân rất hài lòng và hoàn toàn ủng hộ chị.
Nhà trường vắng lặng, chỉ có vài đứa trẻ chơi ở ngoài sân. Các giáo viên đang nghỉ trưa. Ánh nắng lặng lẽ rọi chiếu xuống mọi cảnh vật trong khu trường. Nhà trường không thay đổi nhiều lắm. Nam Tử không có thời gian đi thăm thầy giáo chủ nhiệm, chị định hai hôm nữa sẽ rủ các bạn học cũ cùng đi thăm một thể. Chị đưa mắt nhìn về phía nhà ở tập thể, thấp thoáng thấy một bóng người bên khung cửa sổ. Ninh Cường.
Chiều hôm qua, Ninh Cường gọi điện thoại, lắp ba lắp bắp chẳng nói lên lời nhưng vẫn làm chị nhớ lại cảnh tượng năm nào. Đại khái Ninh Cường cũng biết tin chị về quê.
Nam Tử dạo quanh một vòng, ngắm nhìn lớp học trước đây mình đã ngồi nghe giảng. Giữa cơn đường nhỏ thông sang hai dãy nhà mái bằng là một cái sân, ở đó có mấy cây cổ thủ, trong đó có một cây rất to. Giữa hai cây to có chăng một sợi dây thừng để phơi quần áo. Nam Tử đến gần nhìn vào sân. Vừa định quay đi bỗng thấy bóng người xuất hiện. Một người mặc áo sơ mi màu sẫm, tay bê chiếc chậu giặt tiến về phía bể nước. Nam Tử giật thót tim vì người đó chính là Ninh Cường.
Ninh Cường mở vòi nước, ngồi xuống giặt quần áo. Anh không ngẩng đầu lên.
Nam Tử đứng nhìn một hồi rồi quay đầu đi.
Bốn giờ chiều, Nam Tử ngồi xe khách về đến địa phận làng Thí Mã. Chị cảm động đến rơi nước mắt... Hoa rừng nở rộ, suốt dọc đường toàn là hoa. Ai dám bảo nhà quê là xấu? Trời xanh mây trắng, cây lá tốt tươi, hoa khoe màu rực rỡ, cảnh sắc đồng quê như một bức tranh thủy mặc. Xe dừng ở bên sườn núi, chỗ có con đường nhỏ, Nam Tử xuống xe. Đây là một chiếc xe cũ kỹ, suốt đường lắc lư như con lật đật, bò lạch bạch trên đường nhả khói đen mù mịt. Những cánh hoa rừng hai bên đường cũng phải lắc đầu.
Nam Tử men theo đường nhỏ xuống núi, chị ngắt mấy bông hoa rừng đưa lên mũi ngửi. Chị bước thoăn thoắt trên con đường mòn, thân hình kiều diễm như đang nhảy múa. Tình cảm của người thiếu nữ rộn lên trong tâm hồn chị, chị liên tưởng đến một bóng hình kiều diễm khác, bóng hình của mười năm về trước. Mười năm trước, khi chị vừa bước vào cấp ba, tương lai rực rỡ như đồng ruộng tháng Năm. Trong lớp có một bạn trai tên là Ninh Cường bảo chị hãy tự giới thiệu họ tên của mình. Ở trong lớp, Ninh Cường chỉ chăm chú làm bài, hễ có ngẩng đầu lên thì ngoài việc nhìn lên bảng đen, anh chỉ nhìn Nam Tử. Điều này Nam Tử đã dần dần phát hiện ra. Nam Tử cũng luôn nhìn lên bảng, chăm chú nghe lời thầy giảng, chị không muốn phụ công bố mẹ, nhưng đôi khi trên bảng đen vẫn thấy phảng phất một khuôn mặt. Trong kỳ nghỉ hè, Ninh Cường đã mạnh bạo hẹn với Nam Tử cùng về. Nhà Ninh Cường ở Ninh Câu, chỉ cách làng Thí Mã một dãy núi. Các chàng trai làng Ninh Câu thường hay bàn tán nhiều về các cô gái bên làng Thí Mã. Từ nhỏ, Ninh Cường đã hay qua lại làng bên. Khi vào học cấp ba, Nam Tử lại là bạn cùng lớp, anh cho rằng đó là sự sắp xếp của số phận. Quả thật từ đó trở đi, Nam Tử đã làm thay đổi số phận của anh. Khi ngồi trong lớp Nam Tử chưa bao giờ quay người nhìn về phía anh, nhưng anh vẫn tin chắc rằng trong tâm hồn hai người đang nảy nở một tình yêu trong sáng. Anh lao vào học tập, hăng say rèn luyện thân thể trên sân trường... Anh thích thú phát hiện ra rằng tuy bề ngoài Nam Tử tỏ ra thờ ơ với mình nhưng kỳ thực, trong sâu thẳm cõi lòng, Nam Tử đang ủng hộ mình. Cứ mỗi tháng được nghỉ học một ngày, anh và Nam Tử lại có dịp đồng hành. Họ hẹn gặp nhau ở bến xe rồi cùng mua vé lên xe. Chỉ mong sao con đường rừng núi quanh co khúc khuỷu sẽ kéo dài vô tận để xe khỏi dừng lại. Chiều chủ nhật phải trở về trường, Ninh Cường ra tận đầu con dốc nhỏ chờ Nam Tử. Vào mùa Đông gặp lúc trời mưa, gió rừng thổi ào ào, Ninh Cường phong phanh một chiếc áo mỏng đứng co ro nhìn xuống chân núi... Nam Tử đang cầm chiếc ô, đi trong bùn lầy tới và hỏi anh chờ đã lâu chưa, anh chỉ trả lời vừa mới đến, thực ra anh đã đợi từ lâu cái rét đã làm da thịt anh tím bầm. Anh nép mình vào chiếc ô của Nam Tử, thật hạnh phúc biết bao, anh muốn chắn hết gió lạnh muốn che chở tất cả cho Nam Tử...
Nam Tử mải miết cắm đầu đi, xuyên qua một cánh rừng rồi đến một gốc cây cổ thụ. Trước mắt chị đã hiện ra chiếc chòi canh lúa tuềnh toàng năm xưa. Chị dừng chân, vuốt lại mái tóc. Lần này về quê chị có mang theo máy ảnh, chị quyết định chụp cái chòi canh lúa. Có lẽ sang năm nó sẽ bị dỡ bỏ cũng nên. Nó đứng sừng sững trên sườn dốc, hứng chịu nắng mưa, bão tố suốt bao tháng ngày... Cái chòi dột nát này đã chứng kiến mối tình đầu của chị, thời gian vẫn chưa xóa nhòa, phong ba bão táp vẫn chưa làm mất dấu vết của nó. Chị đã có kế hoạch, ngày mai sẽ đến đây chụp vài kiểu ảnh.
Nam Tử đã về đến nhà, mọi người đều có mặt đông đủ. Bạn bè vốn là hàng xóm láng giềng nghe tin chị về đều rủ nhau đến thăm. Người lớn thì tíu tít thăm hỏi, trẻ con thì lăng xăng chạy ngoài sân, chú chó vàng thì ve vẩy cái đuôi. Trong nhà, người đứng người ngồi chật ních, phải kê mấy dãy ghế ra sân mà vẫn chưa đủ, các ấm trà tỏa hương thơm ngào ngạt. Ông bố vốn là người ít nói, chỉ tủm tỉm cười. Ở trường ông hút thuốc cuốn, về nhà ông hút thuốc điếu, còn anh trai Nam Phàn chỉ hút thuốc lào nhưng hôm nay anh lại mua hai bao "Hồng Mai", rút hết điều này đến điếu khác mời mọi người. Chị dâu thì bận rộng công việc bếp núc nào giết gà, mổ cá, khói bếp lan tỏa như một đám mây. Nam Tử rất muốn xuống bếp đỡ đần chị dâu một tay nhưng không sao bứt ra khỏi được đám đông. Bà mẹ thì hết ngắm nhìn con gái lại nhìn mọi người. Cả nhà đông vui nhộn nhịp, nhưng cái năm ấy... Ôi, thôi không nên nhắc đến cái năm ấy nữa. Bệnh phổi của bà đã thuyên giảm nhiều rồi, con gái vẫn đều đặn gửi thuốc về cho bà.
Nhà đã xây mới, bảy gian nhà ngói. Bể chứa nước cũng được xây mới, nắp bể bằng thép i nốc sáng loáng. Ngoài vườn chi chít những cây ăn quả, nào táo, nào đào, nào lê... rõ ra dáng một gia đình khá giả có thể gọi là tiểu chủ được rồi. Nam Tử trở thành trụ cột của gia đình, một bà chủ vắng nhà, bố và anh trai thường nghe lời khuyên của chị. Chị bảo trồng táo thì gia đình trồng táo. Mấy năm trước, Tôn Kiện Quân đã mua cây giống từ viện nông nghiệp của tỉnh về trồng, năm ngoái đã cho vụ thu hoạch đầu tiên. Táo rất thơm và ngọt, mỗi cân bán được mười đồng. Vào mùa thu hoạch, bao giờ chú chó vàng cũng nhe bộ răng nhọn hoắt nằm canh chừng ở ngoài vườn. Nhưng những quả táo quý giá ấy phần lớn lại để biếu bà con thân thuộc hết, vì thế Tôn Kiện Quân lại phải mua các cây giống về để Nam Phàn phổ biến kinh nghiệm cho các hộ cùng trồng. Theo một người bà con cho biết thì dân làng đã nhất trí sang năm sẽ bầu Nam Phàn làm trưởng thôn...
Cơm nước đã dọn xong, hai dãy bàn dài được kê sát nhau ở ngoài sân, kéo dài ra tận cổng, tất cả bà con dân làng đi qua đều được mời vào. Ánh triều dương nhàn nhạt le lói chiếu trên nắp bể nước sáng lấp lánh. Đàn ông uống rượu trắng, uống bằng cốc nhỏ thì chẳng bõ bèn gì, ông bố liền chuyển sang uống bằng bát. Nam Tử nhìn bố, ông chìa ba ngón tay ra hiệu: chỉ ba bát thôi. Uống rượu giải sầu rất dễ bị say, nhưng uống rượu vui thì dường như càng uống càng bốc. Sở dĩ ông bố chỉ uống ba bát là vì Nam Tử đã quy định như thế, lệnh cấm của Nam Tử còn có hiệu lực hơn cả ý kiến của lãnh đạo. Nam Tử nói với bố:
- Hôm nay phá lệ, bố có thể uống bốn bát.
- Đã phá lệ thì phải cho uống thêm một bát nữa. - Một người bà con nói với Nam Tử.
- Không được. - Nam Tử nói.
Người nhà quê uống rượu khác hẳn với người thành thị. Ở thành thị uống rượu hoàn toàn theo một nội dung khác hẳn: cấp trên nâng cốc, mọi người lần lượt đứng dậy cụng ly rồi ngồi xuống làm quen với nhau, nói đủ mọi thứ chuyện từ làm ăn đến việc gia đình, cơ quan. Thôi thì thượng vàng hạ cám, chuyện gì cũng có, họ chỉ lấy rượu làm vui, chứ không say sưa túy lúy. Còn ở nhà quê thì khác: rượu bày la liệt, có người say mềm, có người nửa tỉnh nửa say, nôn thốc nôn tháo vẫn uống, uống lắm sinh nát rượu, sinh cãi nhau... Hôm nay được mọi người cổ vũ, Nam Tử cũng uống một bát, mặt đỏ gay. Một cô bạn gái nói:
- Chỉ tiếc là đào đã ra hoa, nếu không tôi sẽ thi sắc đẹp với cô một phen.
- Tôi thì nước non gì, - Nam Tử cười bảo, - hôm kia nhà tôi làm cơm thết khách, có mấy chị tên là Thương Nữ, Tề Hồng, Triệu Yến đến dự, họ đẹp hơn tôi nhiều, chứ tôi thì thấm vào đâu.
- Tôi cũng đã được nghe kể con gái ở Dung Thành đẹp lắm, tôi cũng định hôm nào sẽ ra tỉnh ngắm xem cho thích mắt. - Cô bạn gái nói.
- Xem xem cái gì, không khéo đi xem về mắt lại lác xệch đi đấy. Anh chồng trợn mắt lên bảo.
- Sao anh ích kỷ thế, cánh đàn bà con gái chúng tôi ngắm nhau một chút có sao đâu, chỉ có các anh mới bị lác mắt.
- Tại cô hay nhìn tôi đấy, cô nhìn bức tường kia kìa... - Anh chồng mặt đỏ bừng đáp.
Mọi người cười rộ lên. Chú chó vàng gặm xương dưới gầm bàn, con chó mực bên nhà hàng xóm cũng chạy sang, hai con chó tỏ ra rất thân thiết với nhau. Hai con, một vàng, một đen, không những là hàng xóm của nhau mà còn là một con đực một con cái, chúng vừa gặm xương, vừa âu yếm nhau. Đàn ông ngồi trên bàn thì vui với bát rượu, dưới gầm bàn hai con chó quấn quýt lấy nhau rồi dắt nhau ra vườn tìm nơi thổ lộ tình yêu. Mặt trời đã xuống núi, hoàng hôn đang đến gần, khói bếp các nhà đã tỏa ra nghi ngút. Cánh phụ nữ rời khỏi bàn ăn, còn cánh đàn ông thì vẫn cao hứng, rượu vào lời ra, uống hết bát này đến bát khác, mãi đến tận đêm khuya mới chịu về.
Nam Tử ra vườn đứng dưới dốc cây táo gọi điện thoại cho chồng. Tôn Kiện Quân bảo đang ăn cơm với mấy người bạn. Nhưng chị nghe thấy ở đầu dây bên ấy rất yên tĩnh, chỉ có vài tiếng ễnh ương kêu. Chị đang vui bỗng trầm hẳn xuống. Chồng chị không hỏi gì thêm liền cúp máy. Nam Tử đứng lặng người hồi lâu, màn đêm dần dần bao phủ lấy chị.
Đêm hôm đó, Nam Tử ngủ với mẹ, hai mẹ con nói chuyện mãi tới tận khuya. Mẹ hỏi thăm tình hình chồng, con, chi tiêu hàng ngày, kể cả chuyện tương cà mắm muối. Mẹ muốn biết chàng rể đối xử với con gái mình ra sao. Nam Tử kể tỉ mỉ cho mẹ nghe, mẹ vừa nghe vừa gật đầu, bà rất vui vì hạnh phúc của con gái. Nam Tử nói chị đang có kế hoạch kiếm một việc làm gì đó để tăng thêm thu nhập gia đình. Bà mẹ nói bảo thế thì tốt quá. Khi bà mẹ đã chìm sâu trong giấc ngủ, Nam Tử vẫn thao thức đưa mắt nhìn lên trần ngôi nhà cũ thân yêu của mình.
Buổi sáng hôm sau, mấy người bạn học cũ đến chơi, họ đều là người làng cả. Mọi chuyện từ thời thơ ấu lại được tái hiện, từ việc chăn trâu, cắt cỏ, gặt hái, nô đùa trên núi, mò cua bắt ốc... nỗi ưu phiền đêm qua của Nam Tử đã tan biến mất. Cơm trưa vẫn hai dãy bàn dài ngoài sân, các chai rượu được thay bằng các hũ rượu. Dân nhà quê không bao giờ so đo tính toán, họ thích uống rượu trắng tự nấu bằng gạo nếp, rất ghét uống rượu chai mua ở cửa hàng vì rượu giả quá nhiều. Cơm rượu vừa được dọn ra thì một người bạn đẩy cổng bước vào, trên tay bê một bình rượu rắn. Bình rượu này tuy mua ở cửa hàng nhưng hoàn toàn khác hẳn. Đây là loại rượu năm nào đài truyền hình cũng quảng cáo, giá gần một trăm đồng. Nam Tử hồ hởi đón bạn. Anh chàng này cũng là bạn học cấp ba của chị tên là Đỗ Hải. Đỗ Hải bao thầu hai nhà ăn của hai trường trên huyện, đầu tóc và giày bóng mượt, rõ ràng anh chàng đang làm ăn khấm khá.
Đỗ Hải ngồi vào chỗ rồi rót rượu rắn ra mời mọi người. Anh chàng này là một chuyên gia khéo mồm, khéo miệng, Nam Tử từ chối không uống, nhưng anh vẫn đưa ra đủ lý do rót một cốc đặt trước mặt Nam Tử rồi nói với mọi người:
- Chúng ta quảng cáo cho loại rượu rắn này như thế nào nhỉ?
- Bạn uống một cốc, tôi cũng sẽ uống một cốc, cứ như thế uống cho đến khi nào mặt đỏ như quả mận chín thì thôi. - Một cô bạn nói.
- Bạn uống một cốc, mình uống một cốc, khi nào bạn say mềm, mình sẽ đưa bạn về. - Đỗ Hải cười nói. Cô bạn gái lâm vào thế khó xử, rượu chưa nhấp vào môi, mặt đã ửng hồng. Đỗ Hải lại nói: - Bạn một bát, mình một bát, như vậy là mẹ vợ đã trao cho mình chiếc ô rồi đấy nhé.
Mọi người đều cười rộ lên. Theo tục lệ nhà quê, mẹ vợ thường trao cho chàng rể tương lai chiếc ô. Đỗ Hải vừa nhập cuộc đã pha trò làm cô bạn gái lâm vào cảnh khóc dở mếu dở. Song vì đều là bạn học của nhau nên có quá trớn một tí cũng chẳng sao. Đỗ Hải định pha trò tiếp nhưng ngại có Nam Tử ngồi kế bên nên lại thôi, nếu không mọi người sẽ lại được một trận cười no. Trước mặt Nam Tử, cậu ta không đám bừa bãi quá. Hôm nay cậu là khách "không mời mà đến", cậu vốn là người làng nhưng nhà lại ở trên huyện. Khi còn học cấp ba, quan hệ giữa cậu với Nam Tử, Ninh Cường chỉ ở mức bình thường. Cậu bỏ học, lấy việc kiếm tiền làm nguồn vui.
Một bữa cơm liên hoan, uống hết hai chai rượu rắn, khách lục tục ra về, Nam Tử tiễn các bạn ra tận cổng. Đỗ Hải cố ý ngồi nán lại, nói với Nam Tử:
- Ngày mai mình định tổ chức cuộc gặp mặt các bạn học cũ, mời bạn cùng tham gia.
- Nhất định mình sẽ có mặt, mình cũng rất muốn gặt thầy giáo chủ nhiệm cũ. - Nam Tử nói.
- Thế bạn có muốn gặp bạn học cũ không?
- Muốn chứ, sao lại không?
- Thế thì tốt rồi, chỉ sợ bạn không muốn thôi.
Biết câu nói của Đỗ Hải có ẩn ý nhưng Nam Tử không tiện hỏi thêm.
Trống ngực Nam Tử đập thình thịch, có lẽ là do uống rượu. Chị thấy chân tay bủn rủn, liền vào giường nằm ngủ. Khi tỉnh dậy thấy đầu hơi váng, chị rửa mặt bằng nước lạnh, lập tức thấy người nhẹ nhõm hẳn đi. Chị cầm máy ảnh đi ra cổng, chỉ nói với mẹ mình rằng muốn chụp vài bức ảnh phong cảnh quê hương.
Nam Tử men theo con đường nhỏ hôm qua rồi đi vào rừng. Con đường này chị đã đi từ nhỏ nên thuộc nó như lòng bàn tay. Mặt đường đổ một lớp xỉ than, hai bên đường là đồng ruộng. Việc thu hoạch mùa màng chỉ trông chờ vào mấy ngày này, đài khí tượng nói rằng thượng tuần tháng Năm chỉ có một trận mưa nhỏ, những ngày còn lại trời nắng hoặc chỉ có mây vần vũ nhưng không mưa. Nam Tử không thể đợi đến mùa thu hoạch được vì sáng nay Tôn Kiện Quân gọi điện hỏi hết chuyện này đến chuyện khác, hai vợ chồng đã thống nhất với nhau, ngày mồng năm, chị sẽ trở về Thành Đô.
Nam Tử băng qua đồng ruộng đến một chiếc cầu, dưới chân cầu nước chảy róc rách nghe thật vui tai. Nếu đi theo dòng nước chảy sẽ đến làng Ninh Câu bên kia dãy núi. Con sông nhỏ này, vào tháng Năm bao giờ cũng ngập nước, đến tháng Bảy thì mực nước mênh mông như một con sông lớn, nước sâu quá đầu người nhưng vẫn có thể nhìn rõ những tảng đá dưới đáy sông. Sở dĩ Nam Tử chẳng thích thú gì con sông Phủ Nam mà người Thành Đô thường tự hào chính là vì con sông này. Nó quanh năm chảy qua xóm làng, chẳng có tên gọi, nhưng vẫn có sóng vỗ bờ, còn sông Nam Phủ ở Thành Đô thì quanh năm làm gì có sóng.
Hôm nay Nam Tử mặc quần bò, áo sơ mi trắng, đây là cách ăn mặc bình thường của người dân thành phố nhưng với nông thôn thì lại là sang trọng. Buổi sáng có một bạn học cũ đưa tay vuốt ve chiếc áo sơ mi và chiếc quần bò của Nam Tử bảo rằng may đẹp quá, chất liệu vải tốt quá.
Quang cảnh làng quê vào lúc năm giờ chiều thật êm đềm, gió im phăng phắc. Nam Tử men theo con đường nhỏ trải xỉ than ra đường cái lớn vào rừng. Một chiếc xe tải lướt qua, khói bụi mù mịt. Nam Tử đứng lại, mắt nhìn về phía thôn trang dưới chân núi. Chị rất muốn ngả mình bên bãi cỏ để ngắm nhìn trời mây, nhưng không được, sẽ bẩn hết quần áo, ngày mai còn phải dự họp mặt bạn học cũ...
Ninh Cường, cái tên ấy lại xuất hiện trong đầu chị. Chắc hẳn hôm qua anh buồn lắm. Ninh Cường hơn chị một tuổi, căn cứ vào điều kiện hiện nay, việc anh tìm đến với một cô gái ở thành thị không có gì là khó, nhưng anh...
Nghĩ đến chuyện này, Nam Tử rất bực mình.
Nam Tử bực với Ninh Cường mặc dù đã tám năm nay họ không hề có tin tức về nhau. Hôm trước Nam Tử bất ngờ nhận được điện thoại của Ninh Cường, còn hôm qua khi đi qua trường cũ chị đã nhìn thấy bóng hình Ninh Cường lủi thủi một mình ngồi giặt bên bể nước. Chị đứng ở lưng chừng dốc, bên cạnh chiếc cột điện đang kêu ro ro, suy nghĩ về vấn đề tình duyên của Ninh Cường, càng nghĩ chị càng thấy bực mình. Chị dự định ngày mai gặp mặt, chị sẽ phê bình Ninh Cường thật gay gắt. Nhưng liệu ngày mai Ninh Cường có đến không? Ngộ nhỡ anh không đến thì sao? Đây là một vấn đề khác ngoài vấn đề hôn nhân. Cả hai vấn đề được đặt ra cho Nam Tử trong một buổi chiều dưới nắng vàng rực rỡ trên lưng chừng dốc.
Nam Tử đứng ngây người ngắm nhìn chiếc chòi canh lúa. Chiếc chòi cách chị chỉ vài chục mét, phía sau chòi tối om om. Chị tiến lại gần, chọn góc độ rồi chụp vài kiểu ảnh về chiếc chòi. Chiếc chòi canh cũ nát đến thảm hại do sự có mặt của chị, do ánh mặt trời rọi chiếu đã làm cho nó trở nên ấm áp lạ thường. Chị đến đây với ý định chụp vài kiểu ảnh làm kỷ niệm để nhớ lại những dấu ấn mối tình đầu thuở nào, cái ngày mưa to gió lớn ấy Ninh Cường ngậm một ngọn cỏ đứng bên chòi canh dốc bầu tâm sự với chị. Tình yêu ở tuổi mười tám thật cuồng nhiệt. Chị định hiến dâng cái quý giá nhất trong đời cho Ninh Cường, tay Ninh Cường đã ghì chặt lồng ngực chị nhưng bỗng nhiên rụt lại như bị lửa bỏng. Anh không dám đụng vào áo quần chị, không dám thưởng thức vị thơm của bông hoa vừa chớm nở. Nam Tử mặt đỏ bừng...
Cánh cửa chòi canh nửa khép nửa mở, phía trước là một bãi cỏ Nam Tử rảo bước tới đó, ký ức xưa lại hiện về khiến tim chị đập thình thịch. Dây điện chằng chịt trên cột đèn, mạng nhện chăng như mắc cửi, Nam Tử định tránh mấy chỗ có mạng nhện chăng, vừa lùi lại phía sau mấy bước bỗng phát hiện thấy một người ngồi lù lù trong bụi cỏ như đang ngủ gật, chị sợ quá rú lên một tiếng, định bỏ chạy. Chị vội vơ lấy một cái gậy cạnh chòi làm vũ khí tự vệ, bỗng chị đứng sững lại... Người đó chính là Ninh Cường.
- Bạn... - Nam Tử nói.
- Bạn... - Ninh Cường nói.
Ninh Cường nhìn chiếc máy ảnh trong tay Nam Tử, làm Nam Tử thẹn đỏ mặt.
Chàng có khuôn mặt gầy đét nhưng rất cương nghị. Đó là người đàn ông cứng rắn, nét ưu tư thường xuất hiện trên khuôn mặt, năm tháng qua đi đã dạy cho anh biết cách đối phó với mọi tình huống.
- Bạn làm mình sợ chết khiếp đi được. - Nam Tử nói.
- Xin lỗi, có lẽ vừa rồi mình đang ngủ gật.
- Mình đoán có lẽ bạn đang mơ tưởng đến điều gì.
- Khi nào mình mở mắt thì mới nằm mơ.
- Bạn đến đây làm gì? - Nam Tử hỏi.
- Chẳng làm gì cả, mình vừa xuống xe, muốn đi dạo một chút nên đến đây.
Nam Tử đến bên bức tường, ở đó có một cái hang to hơn cái cửa sổ. Trên nền gạch có một đống tro. Từ cửa hang nhìn ra, cảnh làng mạc dưới chân núi hiện rõ mồn một, kể cả cái vườn nhà Nam Tử. Nam Tử quay người lại nói với Ninh Cường:
- Bạn đứng yên nhé, để mình chụp cho bạn hai kiểu ảnh.
Nam Tử đưa máy lên chụp, lấy toàn cảnh làng mạc, ruộng đồng. Sau đó, để máy tự động, hai người chụp chung với nhau một kiểu. Hai người vai sát vai trông rất nên thơ. Chụp xong, họ chẳng biết nói gì cùng nhau.
Gió đã nổi lên, đám cỏ trước mặt bay lả lướt. Có lẽ tối nay sẽ có mưa.
- Tình hình của bạn thế nào, mọi chuyện đều tốt cả chứ? - Nam Tử hỏi.
Ninh Cường gật đầu. Anh không hỏi lại Nam Tử vì biết rằng có hỏi cũng bằng thừa.
Chàng trai này buổi trưa đi xe về đến đây, định về quê ở Ninh Câu nhưng chẳng hiểu sao lại quyết định xuống xe ở đầu làng Thí Mã. Hoa rừng nở rộ đã làm thay đổi ý nghĩ của anh. Người đàn ông buồn phiền thưởng thức gió rừng thật dễ chịu biết bao. Đến bên chòi canh, anh có cảm giác như đã về đến nhà mình. Ở đây có những cái anh cần nhớ lại. Anh bứt một cọng cỏ đưa vào mồm nhai, mắt ngắm nhìn phong cảnh núi rừng. Anh nhìn về làng mạc, nhìn rõ cả cảnh tượng trong sân nhà Nam Tử, mọi người đang ăn cơm, uống rượu. Anh hút hết điếu thuốc này đến điếu khác, chăm chú dõi nhìn ai đó mặc chiếc áo sơ mi trắng đi đi lại lại trong sân. Đúng lúc đó, Nam Tử quay mặt về phía anh nhưng anh nhìn không rõ lắm. Giá mà có chiếc kính viễn vọng thì hay biết mấy. Khi thấy Nam Tử nâng cốc rượu, anh phì cười vì anh biết rõ Nam Tử vốn rất sợ rượu. Nam Tử đi vào nhà vệ sinh, lúc ra bể nước rửa tay, lấy chiếc khăn mặt mới màu đỏ tươi lau tay rồi trở về chỗ ngồi cũ ghé sát tai nghe cô bạn gái nói cái gì đó chị mím miệng cười... Ninh Cường lại cười. Anh đã quá quen với nụ cười của Nam Tử rồi, suốt ba năm trời, dù ở lớp học, ngồi trên xe hoặc đi làm ngoài đồng nụ cười hồn nhiên, đáng yêu đó vẫn có sức quyến rũ anh. Học ở đại học bốn năm, về quê ba năm, anh vẫn xác nhận trên đời này không có nụ cười nào đẹp hơn nụ cười của Nam Tử. Tuy đã nhiều năm xa cách, cũng có những nụ cười khác đến với anh, nhưng anh không hề mảy may xúc động, chàng sinh viên vật lý ngày càng rơi vào trạng thái duy mĩ. Cái đẹp ẩn hiện ở khắp mọi chốn, mọi nơi, sự buồn phiền đẹp đẽ... thậm chí cái đẹp có cả trên tấm lưới của mạng nhện. Ninh Cường nhìn xuống cái sân dưới chân núi cho tới khi trong sân không còn một bóng người, mẹ Nam Tử bước ra mái hiên bậm môi gọi đàn gà về ăn. Anh cảm thấy chân mình như bị tê dại, liền ngồi xuống đất. Anh lẩm bẩm nói một mình. Anh đã biết hạnh phúc là thế nào. Hạnh phúc chính là... Nam Tử ăn cơm dưới chân núi, còn anh thì ngồi trên núi ngắm nhìn chị. Anh tựa lưng vào cột điện, mắt mở to nhìn không chớp rồi không biết đã gục xuống ngủ tự lúc nào...
- Ngày mai Đỗ Hải định tổ thức họp mặt các bạn học sinh cũ bạn đã biết tin chưa? - Nam Tử nói.
- Sáng nay bạn ấy có đến chỗ mình.
- Bạn có định tham gia không?
- Tại sao lại không, cùng là bạn học với nhau, hơn nữa lần này lại có cả bạn về tham dự.
- Mình có cảm giác nếu hôm nay không gặp bạn ở đây, chắc ngày mai bạn sẽ không đi.
- Làm gì có chuyện ấy?
- Vì bạn nói với Đỗ Hải rằng để ngày mai xem sao đã.
Ninh Cường mím môi cười, Nam Tử đã đoán đúng. Xa cách đã tám năm trời mà vẫn còn đoán đúng tâm tư của nhau. Nhớ tới hồi đó, khi mối tình đầu vừa chớm mở, hai cặp mắt và tâm tư luôn bắt gặp nhau. Ninh Cường luôn nhìn trộm phía sau, còn Nam Tử thì cố tập trung nhìn lên tấm bảng đen... đến năm chia tay nhau hai đôi mắt của họ mới hoàn thành việc thay đổi cách nhìn: họ đường đường chính chính nhìn thẳng vào mặt nhau. Họ có chung một cái chòi canh lúa, ở đó đã trở thành người chứng giám cho mối tình của họ. Chị đã vẫy gọi, mời chào anh, còn anh thì rụt rè, chỉ dám ôm chặt lấy chị, hôn lấy hôn để. Xét hoàn cảnh lúc bấy giờ, việc miêu tả cái hôn còn quá hạn chế. Hôn chỉ là một động tác bình thường, chỉ là sự vận động bình thường của răng và lưỡi, nhưng hôn đến đê mê, đến đỉnh điểm của xúc động nội tâm thì gọi là bình thường sao được? Cái buổi chiều mùa Thu năm ấy, quãng thời gian quần thảo bên nhau suốt mấy tiếng đồng hồ ấy và tất cả những tình tiết năm ấy đã cự tuyệt mọi sự miêu tả. Mà đã cự tuyệt thì có nghĩa là thầm kín. Đã tám năm rồi, có một thứ vẫn niêm phong kín mít, có một trạng thái trước sau vẫn được giữ nguyên.
Ninh Cường ngước nhìn bầu trời ngoài cửa hang, Nam Tử đứng phía sau anh. Một lát sau, chị vỗ tay vào vai Ninh Cường: - Về thôi - chị nói.
Họ dắt tay nhau đi trên đường làng, những sợi dây điện đen ngòm vẫn kêu vo vo. Gió đã ngừng thổi. Một lão nông đang cặm cụi làm việc. Một chiếc máy bay lướt qua trên bầu trời phát ra tiếng rít chối tai. Lúa vàng rực rỡ, những nông dân đi gặt sắp sửa trở về làng, nhà trường sắp sửa cho học sinh nghỉ để về giúp đỡ công việc đồng áng cho gia đình. Ninh Cường dạy ở trường trung học thực nghiệm nên không được nghỉ, chỉ ngày cuối tuần mới được về giúp đỡ gia đình. Anh là tay thợ gặt cừ khôi, đã từng đi gặt thuê từ thuở thiếu thời. Anh rất thích được chụp một tấm ảnh cảnh mình đang gặt lúa. Anh dừng lại bên đường ngắm nhìn đồng lúa chín vàng. Nam Tử đứng bên cạnh anh. Nam Tử, cái tên đẹp đẽ như ánh sáng huy hoàng đang hiện hữu trước mặt anh. Chị đã trở về, trở về làng Thí Mã thân yêu của chị với khuôn mặt và áo quần trắng bong. Hai ngày nữa, chị sẽ rời khỏi nơi đây, nhưng xem ra chị vẫn lưu luyến không muốn rời. Cuốn phim trong máy đã chụp hết, họ vẫn không muốn rời nhau cho dù ai cũng riêng phận nấy cả rồi.
Chiếc máy bay lại bay vòng trở lại, đôi cánh bạc phản chiếu dưới ánh nắng mặt trời. Một chiếc xe khách từ từ chạy đến, Ninh Cường lên xe và nói với Nam Tử rằng: Sáng mai mình chờ bạn ở chỗ này. Nam Tử gật đầu, cánh cửa xe khép lại.
Ngày hôm sau khi trời vừa sáng, Nam Tử đã tỉnh giấc, chị dậy đi dạo một vòng quanh làng. Thời tiết vẫn giống hôm qua, gió thổi vù vù, chân tay cảm thấy hơi lạnh. Chị vừa đi vừa tập, gặp người làng lại chào hỏi. Chẳng ai coi chị là người xa lạ cả, họ đều vồn vã hỏi: Chị Nam Tử về từ bao giờ thế? Anh chàng thợ xây nổi tiếng họ Hồ mời chị ăn kẹo, anh ta bị thọt chân, nhưng kiên quyết không đi nạng. Ở đầu làng có một rặng cây liễu dưới bóng cây người ta lát xi măng nhẵn bóng, hình như làng có đại hội bầu cử gì đó, mấy trăm con người đều tụ tập về đây, anh bí thư chi bộ thôn đang gân cổ gào to trong máy phóng thanh... Nam Tử tủm tỉm cười nghĩ bụng: chồng mình làm nghề viết văn lẽ ra nên về đây mới phải.
Khoảng tám, chín giờ sáng, khi mặt trời đã le lói chiếu, Nam Tử mới lên đường. Trên sườn núi xuất hiện một người mặc quần áo sẫm màu nước biển, không còn nghi ngờ gì nữa, đích thị là Ninh Cường rồi. Làng Thí Mã có biệt danh là Tiểu Bình Xuyên nằm chếch dưới chân núi, hình thành một độ dốc nhất định. Nam Tử tiến về phía trước, khuất dần trong đồng ruộng. Khi bước lên núi, bóng hình màu trắng của chị lại lộ rõ mồn một. Trên con đường đất vàng khè, màu trắng, màu lam hòa thành một khối.
- Sao bạn đến sớm thế? - Nam Tử nói.
- Bạn cũng đến sớm. - Ninh Cường nói.
- Bạn đã ăn sáng chưa?
- Mình ăn rồi, còn bạn?
- Mình đã ăn một bát mì.
- Mình ăn hai chiếc bánh bao.
- Bánh bao nhà bạn làm lấy à? - Nam Tử hỏi.
- Ừ, mẹ mình làm. Bánh vừa to, vừa trắng, vừa thơm.
- Tiếc quá, mình chưa được ăn loại bánh bao ngon như thế bao giờ.
- Lần sau về, mình mời bạn đến nhà mình chơi, mình sẽ mời thêm vài bạn nữa đến.
- Nhất định rồi, bạn cũng sang nhà mình chơi nhé, hôm qua anh trai mình vừa nhắc đến bạn đấy. Bạn còn nhớ anh ấy không?
- Anh Nam Phàn.
Làm sao Ninh Cường có thể quên được mọi người trong gia đình Nam Tử? Khi Nam Phàn đem hoa quả lên huyện bán, Ninh Cường đã mời Nam Phàm ăn cơm. Năm ngoái, táo nhà Nam Phàn được mùa, Ninh Cường còn tìm mối bán giá cao cho Nam Phàn, lái buôn cũng vừa lòng, hy vọng năm nay sẽ tiếp tục hợp tác. Những chuyện đó Ninh Cường đều dặn Nam Phàn đừng cho Nam Tử biết. Còn tin tức Nam Tử về thăm nhà lần này thì chính Nam Phàn báo cho Ninh Cường biết. Buổi chiều mồng một tháng Năm Ninh Cường thử gọi điện cho Nam Tử. Anh muốn ra bến xe đón Nam Tử. Nhưng khi điện thoại được nối thì anh lại ấp úng chẳng nói được gì...
Xe khách đã đến, hai người bước lên xe, cùng ngồi một hàng ghế. Áo Ninh Cường có mùi xà phòng thơm. Mùi thơm đó rất đỗi quen thân với Nam Tử, năm đó... Ôi, cứ năm đó mãi. Chị quay mặt đi, đóng kín cửa xe lại. Ninh Cường ngắm nhìn phía sau lưng Nam Tử, những điều anh nhìn thấy cũng chính là những điều anh ngửi thấy, ôi cái năm đó! Suốt đêm qua anh không sao ngủ được. Cứ tưởng trời đã sáng, anh vội vùng dậy, ngờ đâu ánh trăng vẫn vằng vặc... tiếng gà vừa cất tiếng gáy canh một, anh đã xuống khỏi giường giúp mẹ làm bánh bao. Anh uống một bát canh trứng, ăn hai cái bánh bao rồi lên đường Làng Ninh Câu ở dưới chân núi gồm vài chục hộ dân. Trên con đường ngoằn ngoèo quanh co, Ninh Cường phải đi bộ suốt hai tiếng đồng hồ mới thấy một chiếc xe từ phía sau đi tới, anh không cần phải đi xe nữa. Anh vừa đi vừa hát, hát mỏi mồm, khát nước lại uống một hụm nước khoáng. Tiếng hát lanh lảnh vang xa, vang vọng cả đến một vùng non xanh nước biếc. Sự hưng phấn cô đơn, anh là người biết rõ tâm trạng này hơn ai hết. Anh ngồi lại bên lề đường khi bình minh vừa tỉnh giấc, mắt dõi nhìn về phía nhà Nam Tử. Chốn xưa cũ, anh nghĩ. Mười năm trước anh cũng ngồi đợi ở chỗ này trong mưa to gió lớn. Đến mùa thu hoạch, anh lại từ đây xuống núi, tay cầm liềm sáng quắc. Bây giờ họ lại cùng ngồi trên xe, vai sát vai nhau, nhưng dường như tình thế đã khác xưa, họ lại phải tận điểm xuất phát mới. Xe đi về đâu? Có đi về hướng mái nhà ấm cúng không?...
Cuộc gặp mặt các bạn học cũ được tổ chức tại một khách sạn, Đỗ Hải mời thầy giáo chủ nhiệm và khoảng mười bạn học cấp ba cũ đến dự. Một phòng hội nghị xinh xắn được trang hoàng đầy hoa tươi và trái cây, phía trên là tấm băng rôn "Hội nghị gặp mặt cựu học sinh cấp ba khóa học 1995". Đỗ Hải đứng lên tuyên bố lý do rồi giới thiệu về mình. Sau đó anh mời giáo viên chủ nhiệm lên phát biểu. Thầy giáo chủ nhiệm tuổi chừng ngoài năm mươi, tóc đã điểm bạc, ông đã từng dạy các học sinh thi đỗ vào trường Đại học Phúc Đáng và trường Đại học nhân dân Bắc Kinh. Lớp của Đỗ Hải chỉ có hai người thi đỗ vào trường đại học trọng điểm, một trong hai người đó chính là Ninh Cường. Thầy giáo chủ nhiệm muốn Ninh Cường phát biểu một vài ý kiến, nhưng Đỗ Hải lại giới thiệu Nam Tử phát biểu. Nam Tử đã lấy chồng ở thành phố, đã trở thành một bà chủ cỡ bự, chị nên đại diện cho các bạn nữ ở lớp phát biểu thì hơn. Tuy Nam Tử chỉ học cấp ba có nửa năm, nhưng chị là một nữ sinh duyên dáng, có sắc đẹp có khí chất. Xã hội ngày nay thường nói rằng nam nhi dựa vào chí lớn, con gái dựa vào nhan sắc, không đi học mà vẫn có cuộc sống tốt đẹp, đó chính là Nam Tử. Đỗ Hải giới thiệu một thôi một hồi, mọi người vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Nam Tử đứng lên phát biểu vài câu ngắn gọn, quả thật chị cũng chẳng có gì để phát biểu. Một bạn nam sinh làm nghề kinh doanh thức ăn gia súc và một bạn nữ sinh kinh doanh cửa hàng điện lạnh tranh nhau phát biểu, không khí thật sôi nổi. Đỗ Hải tuyên bố, trưa nay ăn cơm mọi người đều phải uống rượu. Sau cơm trưa còn ăn cơm chiều, buổi tối hoạt động văn nghệ, anh đã thuê địa điểm biểu diễn của khách sạn rồi.
Lúc ăn cơm trưa, Nam Tử nói chị muốn trở về làng Thí Mã ngay nhưng bị các bạn học cũ phản đối. Ninh Cường không tỏ thái độ gì, anh không muốn nói nhiều trước mọi người. Nam Tử đành phải gọi điện thoại cho chồng, Tôn Kiện Quân nói em cứ ở lại chơi thêm một ngày nữa, đến mùng sáu tháng Năm anh sẽ ra ga đón em. Nam Tử cúp máy, Đỗ Hải nói: - Chúng tớ chưa được uống rượu mừng của bạn, hôm nay bạn phải đứng lên mời rượu mọi người nhé.
Nam Tử từ chối, nhưng mọi người không nghe, bắt chị uống bằng được. Thêm sau vài lần nâng cốc, mặt Nam Tử đỏ gay, chị xua tay ra hiệu mình không thể uống được nữa. Mọi người thấy thế bảo Đỗ Hải, thôi tha cho Nam Tử. Đỗ Hải bảo: - Nam Tử uống được chứ có ai ép bạn ấy đâu. Trưa nay có thể tha cho bạn ấy, nhưng buổi chiều nhất định phải uống, uống cho thật say, chúng ta sẽ dìu bạn ấy lên giường ngủ một mạch đến sáng. Mình đã trao đổi với giám đốc khách sạn rồi, họ sẽ dành cho chúng ta một phòng tiêu chuẩn.
- Đỗ Hải ơi, bạn có hay thuê phòng ở khách sạn không? - Một bạn học hỏi.
- Bạn Đỗ Hải, bạn kể cho chúng mình nghe về chuyện làm ăn của bạn đi. - Một bạn học khác nói.
- Bạn thích mình kể về chuyện gì? - Đỗ Hải cười hỏi. - Kể về chuyện uống rượu mừng đám cưới được không. Được, mình bắt đầu kể nhé, các bạn hãy vểnh tai mà nghe, chuyện là như thế này: Có một bà mối cố se duyên kết tóc cho một đôi nam nữ, sau nhiều lần thuyết phục, cuối cùng đôi trai gái đã đi đến động phòng. Trong bữa tiệc mừng, có vị khách đã hỏi bà mối bà làm thế nào để đôi trai gái đó trở thành vợ chồng? Bà mối bảo rằng có gì phức tạp đâu, lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, thế thôi.
Mọi người cười rộ lên, riêng Nam Tử và Ninh Cường chỉ đưa mắt nhìn nhau không cười. Anh bạn ngồi kế bên ghé sát vào tai Nam Tử nói vài câu gì đó rồi há hốc miệng cười to. Anh ta hích vào người Nam Tử bảo tại sao cậu không cười? Ha ha ha, ối... bụng tớ... điệu bộ của anh ta làm Nam Tử phải bật cười: Chuyện thật không đơn giản chút nào, ha ha, ối dào, cái bụng của tôi... - Bà mối làm điệu bộ khiến Nam Tử phải bật cười.
Ăn cơm xong, mọi người ngồi uống nước, theo lệ thường, sẽ chơi mạt chược. Nam Tử không biết chơi, Đỗ Hải hết sức ngạc nhiên: Người Thành Đô mà lại không biết chơi mạt chược. Thầy giáo chủ nhiệm cũng không chơi, ông thoái thác rồi ra về. Nam Tử nói với Ninh Cường:
- Mình muốn đến nhà thầy giáo chơi một lát, bạn có đi với mình không?
Ninh Cường gật đầu. Đỗ Hải nói:
- Các bạn nhớ về đúng giờ để ăn cơm tối đấy nhé. Nếu trong ba vị thiếu bất cứ người nào, chúng mình cũng không ăn trước, dù đói cũng vẫn ôm bụng ngồi chờ.
- Nhất định chúng tôi sẽ đến. - Thầy giáo chủ nhiệm nói.
Hôm nay thầy giáo chủ nhiệm không được vui lắm, Đỗ Hải biết điều đó nhưng không nói ra. Anh là người hay sĩ diện, bỏ tiền ra tổ chức họp mặt bạn học cũ không ngoài mục đích phô trương thanh thế, việc thầy giáo chủ nhiệm đến dự rất quan trọng.
Ba thầy trò ra khỏi khách sạn, đi bộ về trường. Khách sạn nằm ở ngoại ô, liền kề ngay chân núi. Đây là một huyện lỵ nhỏ, tương đối yên tĩnh, người qua lại trên đường cũng ít, chẳng giống như ở Thành Đô, biển người nườm nượp. Dọc đường thầy giáo chủ nhiệm luôn mồm chào hỏi, dường như mọi người trong huyện đều quen biết thầy. Cũng có một vài người chào hỏi Ninh Cường, họ gọi anh là thầy. Nam Tử hơi ngạc nhiên: Thì ra Ninh Cường đã trở thành thầy giáo. Suốt từ hôm qua, chị vẫn luôn miệng gọi anh là Ninh Cường, chưa hề nghĩ tới việc anh đã có một tên gọi cao quý hơn: Thầy giáo Ninh Cường. Chị cố thử gọi một câu thầy giáo Ninh Cường xem sao, nhưng vừa máy môi đã lại tuôn ra gọn lỏn hai chữ Ninh Cường.
Thầy giáo chủ nhiệm nói cuối học kỳ này, tức là vào tháng Chín Ninh Cường sẽ bắt đầu đảm nhận chức giáo viên chủ nhiệm. Nam Tử liếc nhìn anh rồi lại nhìn giáo viên chủ nhiệm. Hai vị giáo viên chủ nhiệm này cùng có chung một đặc điểm: Nghiêm túc, thực sự cầu thị, thích giúp đỡ mọi người. Điểm khác biệt giữa hai người chỉ là thầy giáo chủ nhiệm nói năng hoạt bát, còn Ninh Cường thì trầm tính, ít nói hơn. Trầm tính, ừ nói hơn ở đây không có nghĩa là đần độn, Nam Tử cảm thấy sự trầm tính của Ninh Cường có điểm hơi giống với sự trầm tính của Triệu Ngư.
Buổi chiều tuy vẫn có nắng, nhưng bầu trời có nhiều đám mây vần vũ, có lẽ sắp có một trận mưa. Nam Tử mua một số tặng phẩm, thầy giáo chủ nhiệm cũng không can ngăn chị. Kể từ khi trong giới học đường có phong trào phong bao, thầy giáo chủ nhiệm tuy không từ chối, nhưng rất ít nhận quà biếu xén mặc dầu học sinh của thầy rất đông. Khi học sinh thực sự muốn tỏ chút lòng thành với thầy, thầy chưa bao giờ từ chối. Cái năm Nam Tử phải bỏ học về nhà làm ruộng, thầy cứ ăn năn mãi: Một cô gái xinh đẹp, rất đỗi chăm học mà phải rời ghế nhà trường, thật đáng tiếc quá. Thầy dặn dò Nam Tử phải cố tìm lấy một công việc, phải biết tự lập, không nên nằm bẹp ở xó nhà.
Đôi bạn trẻ ngồi chơi ở nhà giáo viên chủ nhiệm được một lúc thì thầy có khách, họ liền cáo từ ra về. Nam Tử muốn đến thăm nơi ở của Ninh Cường, Ninh Cường nói:
- Chỗ ở của mình tồi tệ lắm.
- Mình phải đến thăm xem chỗ ở của bạn tồi tệ đến mức nào. - Nam Tử cười bảo.
Hai người đi qua sân trường, rẽ trái vào một cái sân. Hai dãy nhà mái bằng trước đây là lớp học, bây giờ dùng để chứa đủ mọi thứ, trông rất ngổn ngang. Kế đó là nhà ở của những giáo viên độc thân. Ở giữa sân là một cây cổ thụ, cành lá sum sê. Khu nhà ở được lát nền xi măng. Có một căn phòng, cánh cửa vừa hé mở đã thấy một nữ giáo viên trẻ tuổi bước ra, chị nhìn Nam Tử chằm chằm. Ninh Cường giới thiệu: Đó là bạn học cũ của mình, vừa được điều động từ thành phố đến.
Cô giáo trẻ tuổi thân mật bắt tay Nam Tử rồi bước ra khỏi cổng. Nam Tử nhìn theo bóng hình cô giáo.
Phòng ở của Ninh Cường tương đối rộng rãi, đủ ánh sáng. Nam Tử hỏi về cô giáo vừa gặp, Ninh Cường trả lời chị ấy là giáo viên dạy văn, mới về đây chưa được bao lâu. Nam Tử lại hỏi cô giáo đã có bạn trai chưa, Ninh Cường trả lời cũng không rõ lắm. Nam Tử định hỏi tiếp thì Ninh Cường đã đứng dậy đi đun nước pha trà.
Trong lúc Ninh Cường đun nước pha trà, Nam Tử ngồi trước bàn giở tập album ra xem. Thấy thế Ninh Cường liền lấy một tập ảnh nữa đưa cho chị và bảo rằng đây là tập ảnh của một học sinh sắp tốt nghiệp chụp, trong đó tấm ảnh gặt lúa được dán ở trang đầu. Nam Tử hỏi bạn không cho mình xem hết số ảnh bạn đã có chắc hẳn trong đó có bí mật gì phải không? Ninh Cường lắc đầu rồi đi pha trà.
Tập ảnh do chàng học sinh sắp tốt nghiệp chụp dường như rất chú ý đến việc phản ánh cuộc sống của tầng lớp dân nghèo. Cảnh những người nông dân chân lấm tay bùn, vất vả sớm hôm, mồ hôi vã ra như tắm đều được phản ánh bằng những tấm ảnh hết sức sinh động, nó vừa mang tính nghệ thuật, vừa mang tính lịch sử. Nhà nghệ thuật với chiếc máy ảnh trong tay đã cho người xem thấy được một mặt khác của đời sống. Ninh Cường giải thích cặn kẽ cho Nam Tử nghe về người học sinh đáng yêu này, Nam Tử cũng rất có thiện cảm với những tấm ảnh của anh ta. Trên tường cũng có treo một tấm ảnh về cảnh gặt lúa, Nam Tử chăm chú ngắm nhìn và dường như phát hiện ra một điều gì đó. Chẳng phải Ninh Cường cũng đã là một tay thợ gặt giỏi đó sao?
Nam Tử lại chuyển sang đề tài cô giáo vừa rồi, hình như trực giác mách bảo chị điều gì. Phụ nữ nhìn phụ nữ có đến tám, chín phần đúng, chỉ một, hai phần sai. Nhưng Ninh Cường lại đứng dậy đi ra cổng, anh bảo đi mua thuốc lá một tí. Nam Tử thầm nghĩ có lẽ Ninh Cường không muốn nói chuyện này với mình.
Nam Tử tiếp tục giở tập ảnh ra xem, bỗng phát hiện thấy có ảnh của mình: Tấm ảnh chụp chị mặc quần đùi đang đi men theo dòng sông nhỏ. Đây chính là tấm ảnh chị tặng cho Ninh Cường ở chòi canh lúa vào mùa Thu năm ấy. Ninh Cường đã phóng to gấp đôi, trông rất đẹp. Nam Tử xúc động ngẩn người hồi lâu...
Có tiếng chân Ninh Cường ở ngoài cổng, Nam Tử vội gấp quyển sổ ảnh lại. Nhưng khi vừa vào đến nhà, Ninh Cường đã hiểu ra ngay.
Hai người ngồi nói chuyện với nhau, người này tiếp lời người kia thao thao bất tuyệt, nói mãi rồi chẳng còn chuyện gì để nói nữa.
Ninh Cường bật ti vi lên xem thấy hai người dẫn chương trình đang nói gì đó. Các trai tài gái đảm đã mời một lô những học giả đầu tóc bạc phơ đến dự, phòng họp lộng lẫy, chỗ ngồi sang trọng, những câu hỏi đáp đần độn đã biến những học giả trở thành những học sinh tiểu học. Ninh Cường tìm kênh khác rồi tắt máy.
Cánh cửa phòng bên lại mở, cô giáo trẻ tuổi đã về, đôi giày cao gót của cô nện lộp cộp trên đất. Nam Tử vừa quay đầu lại đã bắt gặp ngay cặp mắt của cô đang nhìn mình.
Hai người ngồi đối diện nhau, vẫn chuyện như pháo ran. Gió thổi rung động cành cây kêu rào rào, Nam Tử vuốt lại mái tóc, còn Ninh Cường thì châm thuốc hút.
- Bạn nghiện nặng rồi đấy. - Nam Tử nói.
- Khoảng hai, ba ngày một bao. - Ninh Cường nói.
- Bạn không biết hút thuốc sẽ có hại đến sức khỏe hay sao? - Nam Tử nói.
- Biết chứ. - Ninh Cường nói.
- Sau này nên hút ít đi thôi, rượu cũng nên uống ít thôi. - Nam Tử nói.
- Tối nay Đỗ Hải đã chuẩn bị sẵn bốn, năm chai rượu rồi đấy.
- Bạn ấy định bảo mình đi chúc rượu, bắt đầu từ thầy giáo chủ nhiệm, mỗi người phải uống một cốc.
- Có lẽ bạn ấy nói đùa thôi, tuy buổi trưa nói thế nhưng buổi chiều sẽ quên ngay thôi.
- Nếu bạn ấy không quên thì sao? Cứ bắt mình phải uống thật say thì sao?
- Thầy giáo chủ nhiệm sẽ bảo vệ bạn, không để cho họ ép bạn uống nhiều đâu.
- Bạn cũng phải bảo vệ mình.
- Nếu các bạn ấy rót cho bạn thì cứ đưa hết cho mình, mình sẽ uống hộ bạn.
- Nhỡ bạn uống nhiều, say quá thì sao?
- Mình đã từng uống say hai lần rồi, một lần ở sân trường đại học, một lần ở chính nơi đây.
- Bạn say như thế nào? - Nam Tử hỏi.
- Luôn miệng nói lung tung.
- Nói lung tung những gì? Bạn thử kể lại cho mình nghe xem.
- Nói những gì, bây giờ mình quên cả rồi.
- Chẳng lẽ không nhớ một câu nào hay sao.
Ninh Cường nói không nhớ. Nam Tử nói:
- Vô lý, nhất định phải nhớ một vài câu.
- Những câu nói lung tung ấy có ý nghĩa gì đâu? Rượu vào lời ra mà.
- Chính những câu nói lung tung ấy mới có ý nghĩa. Bạn cứ nói đi, chỉ một câu cũng được.
- Quả thật mình quên cả rồi, khi nào nhớ mình sẽ gọi điện nói cho bạn biết.
- Bạn gọi điện thoại ư? Thôi đi, gọi cả nửa ngày, có thấy bạn nói được câu nào đâu.
Ninh Cường ngồi yên. Hàng ngàn vạn lời muốn nói, tại sao bạn ấy lại bảo chẳng nghe được câu nào.
Nam Tử đưa mắt liếc nhìn Ninh Cường, tự nhiên thấy lòng mình xót xa.
- Chúng ta đi thôi. - Ninh Cường nói.
- Các bạn ấy đang chơi mạt chược, chúng ta đến đó sớm làm gì?
- Chẳng lẽ chúng ta ngồi như phỗng ở đây hay sao.
- Ngồi như phỗng thế mà lại hay.
Nam Tử nói không sai, ngồi như phỗng mới hay. Mối tình đầu khắc cốt ghi xương thế mà lại hay. Họ ngồi với nhau cả hai tiếng đồng hồ, thậm chí là ba tiếng, có chuyện gì thì nói, còn không thì ngồi ngây như phỗng. Thời gian tính từng giây, mỗi giây trôi qua đều vô cùng quý giá, thế mà cứ từng giây, từng giây trôi qua trong chờ đợi, rồi sau đó, họ chia tay nhau. Người ra đi rồi, nhưng ảnh và tâm hồn còn ở lại. Tiếng còi của Ninh Cường vẫn vang lên trong sân trường, âm thanh còn đọng mãi trên từng cành cây, chiếc lá. Anh vẫn say sưa giảng những bài. vật lý cho học sinh. Về quê anh vẫn ra đồng đi gặt. Trên sân bóng rổ, anh vẫn hăng say chạy. Khi nhận được ảnh của Nam Tử gửi từ Thành Đô về, anh trằn trọc, bồi hồi suốt đêm.
Sau đó, họ đi ra phố, mọi con mắt đều đổ dồn vào họ, ai cũng tưởng họ là một đôi uyên ương. Ánh nắng mặt trời bị bóng mây bao phủ, núi rừng tràn về từng cơn gió mạnh, Nam Tử thấy hơi lạnh chân tay co ro. Nếu họ vẫn còn là tình nhân của nhau thì thế nào Ninh Cường cũng ôm lấy Nam Tử, che gió cho chị. Khi đi qua một công trường xây dựng, cát bụi mù mịt, Nam Tử lấy tay che mặt, đi lùi lại phía sau Ninh Cường. Họ chuyển đổi vị trí cho nhau, người đàn ông đi trước để đối phó với gió đông nam, còn người phụ nữ thì hai tay đã nổi da gà, da trắng bệch và lạnh buốt. Chàng trai cũng thấy lòng mình xót xa.
Căn phòng thuê ở khách sạn vô cùng ấm áp, tiệc rượu đã bày ra, năm bạn nữ sinh, trong đó có Nam Tử không ai được từ chối uống rượu. Rượu ngấm vào bụng rồi xông lên mặt, chị em mặt người nào cũng đỏ gay. Do sáu năm về trước, Nam Tử làm lễ cưới chưa có dịp mời bạn bè, nên lần này, các bạn đều yêu cầu chị phải đi mời rượu. Quả nhiên thầy giáo chủ nhiệm đã bảo vệ chị. Thầy dặn, đi chúc rượu mỗi bạn, chỉ nên nhấp môi một tí là được. Đỗ Hải thấy thế liền xách cả hai chai rượu đến trước mặt Nam Tử rồi tạo cớ bảo chị phải cạn chén. Bất đắc dĩ, Nam Tử phải uống hết. Đến chén thứ hai thì Ninh Cường giằng lấy uống thay. Đỗ Hải nói đùa: - Trông mặt Nam Tử giống Quan Công quá.
Ninh Cường im lặng không nói gì. Mối tình đầu ở tuổi mười tám đã hiện lên trong tâm trí chị ở tuổi hai mươi bảy hôm nay. Hôm qua còn ở trên núi, hôm nay đến trường cũ và bây giờ ở khách sạn, mặt chị rạng rỡ, đẹp như hoa, chị luôn dõi nhìn Ninh Cường, như đang cầu cứu anh che chở cho mình. Lúc đầu Ninh Cường ngồi cách Nam Tử một hàng ghế, sau Đỗ Hải và mấy bạn nam xúm vào yêu cầu họ phải ngồi gần nhau. Có bạn cao hứng hét lên: Hai người đều phải cạn chén, uống đi, uống đi. Phòng ăn trở nên lộn xộn, thầy giáo chủ nhiệm muốn can ngăn, khuyên mọi người đừng ép nhau uống nhiều quá nhưng không sao can ngăn nổi. Thầy giáo chủ nhiệm không còn là chủ nhiệm nữa, mà đã biến thành một thành viên trong số những người đàn ông. Nam Tử và Ninh Cường chẳng qua cũng chỉ là tấm bình phong, là cái cớ để mọi người vui đùa. Về nguyên tắc, các buổi gặp mặt bạn học cũ không được phép ghép người nọ với người kia. Hàng năm chỉ tổ chức một lần, nhưng hôm nay cuộc gặp mặt đã biến thành ngày hội vui, ngày hội của lứa đôi, ngày hội của những cặp tình nhân cũ. Tình bạn đã trở thành một thứ bất chấp tất cả, nói đùa tùy tiện.
Tiệc rượu linh đình xong, mọi người lại chuyển sang phòng ca nhạc. Đỗ Hải đưa một cô gái đến, chuyên nhảy với thầy giáo chủ nhiệm tuổi đã quá ngũ tuần. Thầy giáo chủ nhiệm không biết nhảy, cứ lúng ta lúng túng. Ánh đèn mờ ảo, cô gái trẻ thì tràn đầy nhiệt huyết, hết ngoáy mông lại đẩy lùi thầy giáo khiến ông mệt vã mồ hôi và có cảm giác như mình đang đứng trước cửa địa ngục. Đỗ Hải thấy thế cười ha hả. Một bạn học mắng Đỗ Hải thái độ như vậy là không kính trọng thầy, là bất nhã. Nhưng rượu đã say rồi, nên tiếng cười, tiếng mắng nhau đều hòa thành một khối. Đỗ Hải chạy lăng xăng, hết nhảy với người này lại nhảy với người khác, anh còn cao hứng lôi cả bà chủ sàn khiêu vũ ra nhảy. Anh nói tôi là chủ trò hôm nay, mọi người phải ủng hộ tôi. Anh khoa chân múa tay muốn tỏ rõ mình là người đàn ông thành đạt. Nhưng khi đến trước mặt Nam Tử, anh tỏ ra lễ độ vì dẫu sao chồng Nam Tử cũng là một nhân sĩ thành công ở thành phố lớn. Đỗ Hải giục Ninh Cường sao không nhảy đi. Ninh Cường miễn cưỡng cùng nhảy với Nam Tử. Nhảy được một lát, anh trở về chỗ ngồi cũ chẳng khác gì một người ngoài cuộc mặt anh nhăn nhó. Đỗ Hải thầm nghĩ: Anh chàng này ngốc quá, rõ là quê cả cục, Nam Tử đẹp như hoa như ngọc thế kia mà không biết tranh thủ thời cơ... Đỗ Hải tiến đến mời Nam Tử nhảy, anh thử đặt tay nhẹ vào eo Nam Tử để thăm dò, nhưng đã thất bại vì thái độ Nam Tử rất nghiêm khắc.
Họ nhảy múa, vui chơi một hồi, có người đã nôn mửa, có người lại nhận được điện thoại của chồng. Bên ngoài, tiếng sấm từ xa vọng lại. Thầy giáo chủ nhiệm đề nghị cuộc gặp mặt kết thúc ở đây hẹn sang năm gặp lại. Đỗ Hải nói: Đề nghị cứ tiếp tục tiếp tục cho đến khi nào chán thì thôi. - Ý anh muốn nói là hãy vui chơi thêm một lát nữa, một lát nữa trôi qua cũng có nghĩa là trời đã rạng sáng, như thế mới gọi là vui chơi thâu đêm suốt sáng.
Anh gọi một cô gái đến song ca với anh, một bài hát trữ tình. Đang say sưa hát, thì tiếng sấm lại nổi lên làm đứt đoạn niềm hưng phấn của Đỗ Hải, anh lẩm bẩm chửi đổng ông trời. Rõ ràng thầy giáo chủ nhiệm không hài lòng về thái độ của Đỗ Hải. Lại có một nữ sinh nhận được điện thoại của đức ông chồng. Đỗ Hải lầu bầu: Thôi, giải tán, giải tán, cuộc vui đêm nay đến đây là kết thúc... Ai có tiết mục đã đăng ký thì lên hát đi cho xong...
Ninh Cường vẫn ngồi nguyên chỗ cũ. Thầy giáo chủ nhiệm và Nam Tử song ca một bài rồi quay xuống ngồi cạnh Ninh Cường, bóc đưa cho anh một cái kẹo. Anh khách sáo nói: Xin cám ơn.
Tình yêu đã làm anh đau khổ, anh muốn ngồi cách xa Nam Tử một chút. Ninh Cường nói với Nam Tử:
- Bạn mời thầy giáo chủ nhiệm nhảy đi, mình ngồi nghỉ một lát.
- Nhưng bạn đã nghỉ nhiều rồi. - Nam Tử cười bảo. Ninh Cường lắc đầu, nhìn Nam Tử cười. Con người này vốn dĩ vẫn là như vậy, Nam Tử bỏ đi chỗ khác. Giờ chia tay đã đến, Nam Tử muốn nán lại ngồi với Ninh Cường thêm vài phút nữa vì có thể lần chia tay này sẽ phải đợi vài ba năm nữa cũng chưa chắc đã gặp được nhau.
Nam Tử nhảy với thầy giáo chủ nhiệm được ít phút thì thấy Ninh Cường đã mất hút. Chị định thần nhìn kỹ lại, mãi mới phát hiện ra đôi mắt sáng của Ninh Cường trong bóng tối.
Anh ngồi như bụt mọc trong bóng tối. Tình yêu đã dày vò, làm anh đau khổ, không đường tiến thoái... Quả thật buổi chiều anh rất xúc động bởi một ý thơ, anh như đang sống trong cõi hư vô. Quả thật trong anh đang có cảm giác của mùa Thu, như trong cuốn tiểu thuyết Mùa Thu trong mùa Xuân mà anh đã đọc. Anh ngồi trong bóng tối. Anh và bóng tối hết sức gần gũi, thân thiết với nhau. Mười năm về trước, tình yêu của anh đã chớm nở, thế mà bây giờ nó vẫn dẫm chân tại chỗ. Tình yêu mãi mãi vẫn là tình yêu, không thể là bất cứ cái gì khác. Buồn phiền là ngoại hình của tình yêu, thương cảm là từ đồng nghĩa của tình yêu. Tình yêu là một vật vững chãi mà anh phải đối phó. Đây là cuộc chiến lâu dài, đối tượng anh cần đánh đổ là chính bản thân mình, nhưng tình yêu trong anh sao cứ trục trặc mãi. Hàng ngày anh đều không có cảm giác về sự tồn tại của tình yêu. Phải chăng cuộc sống trong nhà trường đã quá đầy đủ, chỉ thiếu tình yêu? Tình yêu ngầm tắt khó tránh khỏi tổn hao. Tình yêu là sự hiện hữu của cái không hiện hữu, nó hiển hiện bằng cách yêu ngầm, nó tán phát trong không khí, bao phủ dày đặc suốt đêm ngày trong con người anh. Thậm chí Nam Tử rất ít xuất hiện trong giấc mơ của anh. Anh là người đàn ông như vậy, một chàng trai trẻ xơ cứng, băng giá giống như một tác phẩm nghệ thuật. Mọi người có thể nói rằng hình dạng anh là hình dạng của tình yêu. Hai mươi năm qua tình yêu đã bị các ca khúc lưu hành ví như một thứ rác rưởi vứt đầy trên đường phố. Nếp nhăn cực lớn đã hình thành từ mấy nghìn năm nay đã được mở ra, một sự phóng túng đáng sợ. Nhưng Ninh Cường ngồi trong bóng tối có nghĩa là anh đã trở lại với mối tình đầu. Anh muốn gìn giữ nguyên vẹn mối tình đầu. Nỗi khổ đau, dày vò trong anh không bao giờ đồng nghĩa với sự chán nản. Anh chẳng việc gì phải chán nản, trong suốt bao nhiêu năm nay, anh đã mất Nam Tử bao giờ đâu? Anh vẫn luôn có cái mà anh đã có. Mấy hôm trước, khi gọi điện, anh đã thấy được sự xúc động như thế nào của Nam Tử, niềm hạnh phúc lớn lao đã làm xao xuyến trái tim anh. Họ luôn nhớ đến nhau, mối tình giữa họ lại tươi mới như thuở ban đầu. Tám năm không hề tàn phai, tám mươi năm sau chắc cũng sẽ vẫn thế.
Một người đàn ông ngồi trong bóng tối, âm thầm nhìn theo bóng dáng một người đàn bà. Chiếc áo sơ mi trắng, cái quần bò, đôi giày cao gót. Đôi chân nhảy duyên dáng, giọng hát mượt mà uyển chuyển. Quả thật phong cách nhảy và giọng hát của Nam Tử đều không có gì đặc biệt, ở Dung Thành, chị đã cùng chồng và Triệu Ngư đi khiêu vũ nhiều lần. Một cô gái đi như bay trên đường rừng núi khi bước vào sàn nhảy lại mất hẳn đi cái vẻ mềm mại. Chỉ riêng Triệu Ngư là để ý đến điều này, anh phát hiện ở Nam Tử vẫn còn giữ được thói quen cũ, thói quen của người chuyên đi đường rừng. Nam Tử và chị Tô hoàn toàn khác nhau, cứ như hai loài thực vật sống ở hai dải đất khác nhau. Nam Tử luôn để mắt đến chỗ Ninh Cường ngồi, chị thấy mẩu thuốc lá Ninh Cường hút luôn đỏ rực. Buổi chiều chị đã nói với anh rồi, sau này hút ít thôi... chẳng khác gì câu nói của người lãnh đạo, chị có thể làm lãnh đạo của anh. Thầy giáo chủ nhiệm đã nhận biết rõ câu chuyện của hai người, ông chỉ cười thầm, không khích lệ thêm. Ninh Cường có những nỗi niềm trăn trở, anh không sốt ruột sao được? Rõ ràng hôm nay hai người vẫn rất ý hợp tâm đầu. Nhưng thời thế đã đổi thay rồi, có người yêu mà lại khó trở thành vợ chồng... thầy giáo cũ lắc đầu thở dài, ông đã được nghe, được thấy quá nhiều rồi. Thái độ nghênh ngang, kiêu ngạo, tự mãn của Đỗ Hải hôm nay là một ví dụ. Nam Tử nói: Thưa thầy, em nhảy còn vụng về lắm. - Chị lầm tưởng thầy giáo lắc đầu là chê chị nhảy vụng.
Đỗ Hải đã thuê riêng cho Nam Tử một căn phòng, các bạn trai gái ùa cả vào làm náo loạn một hồi rồi lại đi ra. Những chiếc điện thoại di động thi nhau réo liên tục, điện từ các gia đình gọi đến trong đó có cả điện của vợ Đỗ Hải. Người đàn ông thành công này chỉ nói ba câu sáu điều với vợ rồi cúp máy. Anh ta quay sang nói với Ninh Cường:
- Bạn nán lại một chút tháp tùng Nam Tử nhé! - Ninh Cường lắc đầu.
- Họp mặt bạn cũ, họp mặt bạn cũ... - Đỗ Hải ngó nghiêng hết bên phải lại bên trái rồi hạ thấp giọng: - Bạn học ngủ với bạn học có sao đâu. - Mọi người cười rộ lên. Nam Tử không để ý không biết Đỗ Hải vừa nói gì, chỉ thấy anh chàng đang cười tít mắt.
Cuộc gặp mặt sặc sụa men nồng đã bị một cơn mưa to, sấm chớp làm đứt đoạn. Ninh Cường đã ra về. Nam Tử ở lại khách sạn.
Nam Tử ngồi tựa thành giường xem ti vi, ngoài cửa có tiếng động, chị ngoái cổ nhìn. Không có gì khác thường. Điện thoại di động đặt ngay trên gối. Chị biết số điện thoại của Ninh Cường, chị thử gọi xem sao nhưng không thấy trả lời. Lần này về quê chị đã có ý không gặp anh vì nếu gặp sẽ làm anh thêm đau khổ. Nếu cần thiết, chị còn muốn phê bình anh, không cho phép anh sống trong buồn phiền mãi như thế. Nhưng từ hôm qua mới chỉ vẻn vẹn có hai ngày, chị sinh lưỡng lự, tình cảm dạt dào, thật không biết đối xử thế nào cho phải. Chị đi vào nhà vệ sinh, hành lang không một bóng người. Bên ngoài chớp giật, sấm rền, chị thấy hơi sợ, chị thầm trách anh. Chị gọi điện cho Tôn Kiện Quân, ông chồng bảo rằng đang chơi mạt chược với mấy người bạn. Thương Nữ... chị bỗng nghĩ ngay đến Thương Nữ. Đức ông chồng hỏi chị được vài câu rồi cúp máy. Chị lầu bầu một lúc rồi đi vào nhà tắm.
Chiếc điện thoại để đầu giường vẫn im ắng.
Ở đầu kia của cái thị trấn nhỏ này, có một người khác cũng đang chờ nghe điện thoại. Rõ ràng anh rất điềm tĩnh, không hề có sự lưỡng lự. Khi rời khách sạn, lòng anh rất thanh thản, nói về là về ngay. Đối với anh, không có gì phải lưỡng lự cả. Lưỡng lự chẳng liên quan gì đến anh, cũng như giữa anh và Nam Tử, chẳng liên quan gì hết. Bạn học cũ lâu ngày không gặp, chỉ có thế thôi. Yêu... yêu cũng không thể gọi là một thứ quan hệ, quan tâm và nhớ nhung người khác cũng vậy, không phải là mối quan hệ.
Điện thoại đặt ngay cạnh giường vẫn im ắng.
Mưa ngày càng to, gió thổi mạnh làm các cây cối trong vườn lắc lư như đưa võng. Chàng trai vẫn ngồi hút thuốc, chờ điện thoại, anh đi đi lại lại trong phòng, khuôn mặt đờ đẫn. Một đằng là mưa to gió lớn, một đằng là yên lặng như tờ. Anh rất cần đến sự yên lãng. Yên lặng dường như có thể sờ thấy ngay bên cửa sổ yên lặng đang đồng hành với anh trong căn phòng. Yên lặng ở ngay trên tường, những nông dân gặt lúa mồ hôi nhuễ nhại đang mỉm cười nhìn anh yên lặng. Cuối cùng thì anh cũng ngồi xuống, mặc nguyên quần áo lên giường nằm, mắt đăm đăm nhìn lên trần nhà. Tim anh đập thình thịch át cả tiếng sấm rền. Anh nhắm nghiền mắt lại. Có lẽ anh đã chợp mắt được vài giây, khoảng ba hoặc năm giây gì đó. Yên, lặng... sự yên lặng và bão táp trong tâm hồn anh đã hòa quyện vào nhau.
Bỗng nhiên anh chồm dậy với lấy cái ô chạy ra khỏi nhà chẳng khác gì một con tuấn mã, một chiến binh nghe thấy hiệu lệnh xung phong ngoài mặt trận. Bình tĩnh lại, anh thấy người hơi lạnh, anh sực nhớ ra Nam Tử chỉ mặc phong phanh một chiếc áo sơ mi, sáng sớm mai chị đã phải ra xe về làng Thí Mã rồi...
Anh đi như bay trên đường, anh biết có một cửa hiệu bán hàng đến tận đêm khuya, ở đó có bán quần áo, thực phẩm, thuốc lá và sách vở. Cả huyện lỵ này chỉ có duy nhất một cửa hàng đó. Đường phố vắng tanh vắng ngắt không một bóng người, xe xích lô cũng mất hút, chẳng thấy tăm hơi. Sấm chớp không có gì đáng sợ cả, tuy nhiên nó có thể làm rách nát chiếc ô đen trong tay anh. Anh xông vào cửa hiệu làm mấy cô nhân viên bán hàng bị một phen khiếp vía. Họ đang bàn tính với nhau xem có nên đóng cửa sớm trước giờ quy định không. Theo quy định của công ty, cửa hiệu sẽ mở cửa đến mười hai giờ đêm. Muốn đóng cửa sớm phải báo cáo với giám đốc. Họ đang cười đùa, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Bỗng một chàng trai đột ngột xông vào làm họ giật bắn người, sau đó lại cười ha hả. Họ nhận ra anh, thầy giáo Ninh Cường ở trường trung học thực nghiệm. Thầy giáo Ninh Cường chưa bao giờ nói chuyện về đường vợ con, điều đó nhiều cô gái trong huyện đều biết. Có lẽ trong số họ cũng có người sùng bái, yêu ngầm anh... Anh vừa thở vừa nói: Cho tôi mua một chiếc áo nhung nữ, - anh còn mô tả khổ người: người vừa vừa, không gầy, không béo.
Các cô gái bán hàng lại được một phen ngơ ngác: thầy giáo Ninh Cường mô tả như vậy thì làm sao mà hình dung ra được cô gái này có thân hình ra sao? Tất nhiên đây là việc tốt, vì một con người như thầy giáo Ninh Cường... Anh có vẻ sốt ruột, vội vã trả tiền, lao ra đường giữa mưa gió rồi mất hút trong đêm tối. Nếu như có một cô gái nào trong số họ đã ngầm yêu anh thì chắc hẳn đêm đó sẽ không sao ngủ được.
Từ cửa hiệu đến khách sạn khoảng chừng ba cây số. Vì tình yêu chàng trai trẻ đã xông pha trong mưa bão, bất chấp nguy hiểm. Thực ra, anh có thể cứ đi đủng đỉnh, không cần phải chạy vì ở khách sạn đã có máy điều hòa, Nam Tử không đến nỗi bị rét. Anh thấy đầu hơi choáng váng. Mưa bão, men rượu, tâm tư... tất cả các nguyên nhân nội tâm và ngoại cảnh đã tác động vào anh. Anh băng qua hai ba ngã tư đường như một chiếc xe hơi, một con tuấn mã, một mũi tên.
Cảm giác chạy trong mưu bão thật thú vị. Có khả năng nếp nhăn sẽ được mở ra. Năng lượng vừa được phóng thích vừa được giữ nguyên. Anh là giáo viên vật lý rất sùng bái Einstein nên khi giảng bài cho học sinh về tính vĩnh cửu của năng lượng, anh thường nêu nhiều ví dụ trong đời sống thực tế. Nhưng anh sẽ không nêu lên những ví dụ trong buổi tối hôm nay, có chăng, anh sẽ mượn tên của người khác: một người đàn ông khác chạy trong đêm mưa. Vả lại, chưa hẳn anh đã biết trong trường hợp nào năng lượng tình yêu của anh sẽ là vĩnh cửu. Đây đồng thời cũng là vấn đề triết học: vừa phóng thích vừa giữ nguyên vẫn là phép biện chứng của tình yêu.
Ninh Cường chạy một mạch như vào chốn rừng hoang, sấm chớp đã soi đường anh chạy. Xa xa, ánh đèn khách sạn đang lập lòe.
Khi anh gõ cửa phòng của Nam Tử, hình ảnh anh xúc động đưa tấm áo nhung còn in dấu những giọt nước mưa, khi hai người mặt nhìn mặt nhưng mắt vẫn nhắm nghiền thì sấm rền chớp giật cũng sẽ tan biến mất và biết đâu chuyện gì sẽ xảy ra khi tim anh đập mạnh...
Không ai có thể oán trách anh hoàn thành những việc đang còn dang dở bên chòi canh lúa thần thánh năm xưa.
Chàng trai trẻ đưa tấm áo nhung cho nàng, nói một câu ngắn gọn rồi quay đi. Lúc ấy nàng rất giận, kéo chàng vào phòng, ra lệnh cho chàng cởi hết quần áo ra, lấy khăn tắm đưa cho chàng rồi bằng một giọng ngọt ngào, cởi giày, rót nước, lau đầu cho chàng... Nàng nói: Anh đừng về nữa. Câu nói gọn lỏn, chẳng mang nhiều hàm ý. Ninh Cường ngồi xuống giường theo lệnh của nàng.
Nam Tử tắt ti vi. Trước đó ít phút, chị tắm rửa xong lên giường ngồi xem ti vi. Lúc Ninh Cường gõ cửa, chị chỉ mặc quần bò, áo sơ mi, không mặc xu chiêng. Chị có thói quen khi ở nhà không bao giờ mặc xu chiêng. Còn Ninh Cường khi bước vào phòng theo lệnh của chị, trên người chỉ còn chiếc quần đùi ngắn cũn cỡn. Chị lấy khăn tắm lau khắp người anh. Chị như muốn òa lên khóc. Lúc này, chị là người vợ chưa cưới của anh.
Không có chuyện gì ghê gớm xảy ra, họ có thể ôm chặt lấy nhau bất cứ lúc nào. Lên giường chỉ là động tác đơn giản, hết sức đơn giản. Thượng đế đã trao cho họ giấy chứng nhận được phép lên giường ngoài hôn thú.
Sấm chớp liên hồi, mưa càng to. Hai người chìm trong ân ái, hồi hộp và run sợ. Đèn đã tắt, căn phòng tối om như mực...