Ông già Tị bây giờ đã thành ra một người khác hẳn. Trước kia ông mạnh mẽ bao nhiêu thì lúc này ông yếu ớt bấy nhiêu; toàn thân cứ run lẩy bẩy như người hậu đậu. Tay chân ông sờ soạng lào quào như tay chân người phát phiền... Mắt ông đờ ra, mất hẳn trong sáng; cặp môi ông mấp máy; giọng nói ông trở nên run run như người khóc. Ông mất hẳn tính người, dớ dẩn chẳng khác một cái hồn ma trong một cái xác chết. Ông đi cò rò lặng lẽ, gặp ai cũng theo liền như cái bóng rồi, bất thần, ông làm cho người ta giật nẩy mình vì một câu rền rĩ: - Mố nó... khô... ông mán rượu... cho tao! Tay ông suốt ngày cầm kè kè một cái vỏ chai rượu. Ông ngắm nghía cái chai không một cách buồn rầu rồi bất cứ gặp ai ông cũng níu lấy mà nằn nì: - Nà... này... má... án cho tao chai rượu này!... Đàn bà con gái nhìn ông rồi hoảng sợ đâm đầu chạy. Bọn đàn ông con trai mạnh bạo hơn họ cười vào tận mũi ông đoạn trỏ vào cái chai mà đùa nghịch ông: - Chai rượu đầy đấy thôi! Sao bố không uống đi lại còn hỏi mua gì nữa! Thấy nói vậy, ông già Tị ngắm nghía cái chai rồi đưa chai lên miệng làm như chai có rượu thực. Ông cũng nhăn mặt, cũng rẩu cặp môi run run thở đánh khà một cái rồi ông lẩm bẩm: - Chà! Rượu cay quá!... Người ta phá lên cười. Ông cũng cười thổn thức như người khóc. Và, sau khi đã đi no đi chán khắp nơi, ông già Tị mò về nhà, ngồi rù ở hè hàng trống canh... Ông không nhìn chi đến vợ con, cũng chẳng nói với ai một lời nào! Ông thản nhiên như đã tách biệt hẳn với người đời, không còn biết và nhớ một sự gì nữa. Giá có sấm sét ở bên mình ông thì ông vẫn cứ thờ ơ. Vì có công làm lâu với mỏ nên ông già Tị đã nghỉ hơn một tháng trời mà chủ vẫn chưa lấy ai thay. Nhưng bệnh tình ông càng ngày càng nặng, không hy vọng gì khỏi được nên một buổi tối kia, cái tin một người thợ máy vừa được chủ lấy vào thay ông già Tị đã đem đến cho bà lão và cho Thuật một cảm giác buồn man mác thấm thía. Không phải vợ con ông buồn vì sợ ông mất việc thì sự ăn tiêu trong nhà bị túng quẫn đâu. Chỉ là vì sự thay đổi ấy tỏ ra rằng cái đời ông già Tị thế là không trông mong gì được nữa, nó có ngụ một ý ngầm cho bà lão và Thuật cảm thấy rõ rệt và đau đớn trước cái chết của ông. Thuật thở dài, tay ôm trán. Anh ta ngồi thừ ra một lúc lâu rồi khẽ nói với mẹ: - Bu ạ, bố con xem chừng chỉ còn đợi ngày giờ nữa mà thôi. Con tưởng chẳng nên kiêng nữa. Bố con có thèm thì cho uống là hơn. Bà lão đành phải bằng lòng. Thuật bèn đứng dậy, cầm tiền chạy đi rồi một lát sau anh đem về một chai rượu. - Cho ông ấy uống in ít chứ, đừng đưa cả một lúc. Thuật sẻ vào cái chai không của bố độ chừng hai chén và buồn rầu bảo ông già: - Đây, con đã mua rượu rồi đây, bố uống đi. Ông già Tị giương trừng trừng hai mắt nhìn con, nửa ngạc nhiên, nửa không hiểu. - Rượu đây, bố uống đi. Ông già Tị cúi nhìn chai rượu đoạn ghé mồm tu một hơi hết sạch. Ông thở giốc lên, mặt càng đờ đẫn, màu da sần sùi càng đỏ lên như gấc chín... Một lát sau, ông bỗng kêu ằng ặc mấy tiêng như nghẹn thở đoạn ngã lăn kềnh ra, mắt trợn ngược, chân tay co quắp, mặt rúm lại, bọt sùi đầy mép, toàn thân run lên như người động kinh. Thuật và bà mẹ hoảng sợ kêu gọi ầm ĩ và khiêng vội ông vào giường đắp kín chăn lại, tíu tít hồi lâu ông mới tỉnh, ông thở dài một tiếng; chép miệng tem tép, vật vã chân tay đoạn nói lảm nhảm: - Tao... chưa say... cứ rót đi... Cứ... cứ rót đi... tao... còn uống nữa!... Rồi, ông cứ trằn trọc giữa đám chăn chiếu và nói ú ớ như vậy, có đến nửa ngày mới dần dần hồi tỉnh. Vừa ngồi dậy được, ông đã cò rò ra đi, không ai có thể can ngăn được. Ông đi như một người mất trí, đi như tìm kiếm việc gì và hễ thấy ai ông cũng vội chìa ngay cái vỏ chai ra để đòi mua rượu... Thoạt đầu, những người trong xóm lao động còn ngạc nhiên chú ý sau họ cũng quen đi mà không ai dám ngó tới ông nữa. Thấy ông, họ cứ cắm đầu bước rảo. Cũng có người tủm tỉm cười có người, trái lại, thở dài tỏ ý thương hại. Nhất là đàn bà. Họ thấy ông đâu họ cũng nhìn ông bằng cái vẻ vừa ghê sợ vừa buồn rầu. Là vì, thấy cái gương nghiện rượu của ông, họ không khỏi nghĩ tới chồng con họ. Những người này hầu hết uống rượu cả. Như trên đã nói, họ làm lụng vất vả nhiều quá nên lúc nào mồm miệng cũng bã bà. Họ phải uống rượu để ăn cho ngon miệng. Tì vị được men rượu làm hăng lên, khiến cho họ cũng có ăn được ít nhiều thật nhưng hễ hơi men bắt đầu nhạt là sự mệt nhọc lại đâu hoàn đấy và còn gấp bội lên là khác. Thế là họ không thể nào nhịn rượu được nữa. Họ cứ uống, họ khuyên nhau uống để tìm lấy một cái ảo tưởng của sự mạnh khỏe. Lâu ngày, họ đâm nghiện rượu tất cả. Những người nào tính thuần còn khá. Đến những người nào tính nóng nảy, hung hăng thì mỗi khi rượu vào, họ còn đập phá đồ đạc, chửi bới vợ con, làm om tỏi cửa nhà, gây cho gia đình họ những trận kinh hoàng ghê gớm... Rượu là một cái tai vạ của bọn người lao động khổ sở ấy, cũng như thuốc phiện và xóc đĩa. Mà cái gương nghiện rượu thì từ trước đến giờ chưa ai thấy ghê gớm hơn là cái gương ông già Tị. Ông già Tị bây giờ đã nằm bẹp một chỗ, không đi đâu được nữa rồi. Biy phút im lặng qua... - Bu nhỉ, thế bên ấy đã đón ông lang về chưa? - Đã. Nghe nói ông lang này mát tay lắm nhưng không biết tại sao thuốc uống đã hai ba thang rồi mà bệnh vẫn chưa thấy chuyển. - Thế sao bu không bảo thay tay đi có được không? - Ấy tao cũng đã nói rồi đấy nhưng bên nhà còn bảo để chờ hết một ngày đêm hôm nay xem đã! - Chờ thế có khi nguy. - Con sang bên ấy bảo anh nó vậy. Mình liệu sớm đi thì hơn. - Vâng, con đi đây. - Liệu sơm sớm mà đi làm kẻo trễ. Tép ra cửa lẳng lặng không nói gì nhưng định bụng nếu có cần thì cô sẽ nghỉ buổi làm chiều hôm âý. Thuật đương ngồi sắc thuốc, thoạt thấy Tép vào, anh tươi ngay vẻ mặt. Tép tuy đã được bà chùm nói cho biết bệnh tình ông già Tị nhưng cũng hỏi Thuật: - Thế nào, anh? Ông nhà làm sao? - Thầy ngộ rượu đấy mà! Cái tiếng "thầy" thân mật gieo trong lòng Tép một xúc động êm đềm... - Khổ quá! Tôi biết rằng thầy uống rượu nhiều có hại nhưng không uống thì cũng chẳng có cách gì để giải buồn được! Tiếng ông già rền rĩ. Tép vén vạt áo ngồi xuống trước hỏa lò. - Anh vào xem thầy, để em coi siêu thuốc cho.