PHẦN 3
BI KỊCH THƯỜNG DÂN
KHÔNG NGÀY ĐOÀN TỤ

    
ã qua lâu rồi cái thời mà quân đội đánh nhau trên những chiến trường cách xa nơi dân thường sinh sống. Ranh giới chiến trường trong thế kỷ 20 và 21 là không có giới hạn; vạch xác định khu vực chiến trường ngày càng mờ đi và “tổn thất bên lề” ngày càng lớn hơn.
Trong cuộc xung đột này, chiến tranh bao trùm toàn nước Việt Nam – từ nơi chiến trận ở miền Nam cho đến các cuộc dội bom ở miền Bắc. Khi mà ranh giới của chiến trường là vô hạn thì có một kết cục không thể tránh khỏi – không thể giới hạn ảnh hưởng chỉ trong phạm vi người lính chiến. Chừng nào chưa có loại vũ khí “thông minh” có thể phân biệt được người tham chiến và kẻ ngoài cuộc, chừng ấy dân thường vẫn còn chịu thương vong. Chiến tranh Việt Nam – một cuộc chiến mà thương vong dân thường lên tới hai triệu người – không là ngoại lệ, và có lẽ là một ví dụ rõ nhất.
Sau đây là những câu chuyện riêng tư của thường dân Việt Nam – họ là bậc phụ huynh, là người anh chị em, là con cái – phải chịu mất mát và đổ vỡ từ cuộc chiến tranh vốn đã nhấn chìm đất nước của họ trong một thời gian quá dài.

KHÔNG NGÀY ĐOÀN TỤ
Là một phụ nữ rất đẹp dù đã ngoài bảy mươi, những đường nét và khuôn mặt phúc hậu của bà Bùi Thị Mè dường như tương phản với cái bi kịch vẫn còn trĩu nặng trong trái tim bà. Chỉ có tấm huy chương mà bà đeo trên ngực chiếc áo dài, được đất nước trao tặng thể hiện sự biết ơn với sự hy sinh lớn lao của bà là gợi cho người ta biết rằng bà có một câu chuyện khổ đau để kể.
Bà Mè và chồng, ông Nguyễn Văn Nhơn, là giáo viên. Giai đoạn 1942-1957, họ là một đôi vợ chồng hạnh phúc với bốn người con trai lớn – Sanh, Tài, Đại, Đạo – cùng hai con gái út. Trong nhiều năm, họ quản lý một trường học ở Chợ Lớn, ngoại ô Sài Gòn. Nhưng ngay sau khi đứa con út chào đời, Nguyễn Thị Bình, chính quyền Sài Gòn buộc họ đóng cửa trường.
Sau Chiến tranh Thế giới thứ II, giữa lúc người Pháp tỏ rõ ý định tái thuộc địa hóa Việt Nam, bà Mè và ông Nhơn gia nhập phong trào cách mạng đánh đuổi Pháp. Họ rất thất vọng khi chiến thắng Điện Biên Phủ trước người Pháp vào năm 1954 đã không dẫn tới thống nhất cho Việt Nam. Tiếp tục mở trường dạy học, họ quyết tâm làm hết sức mình vì mục tiêu thống nhất đất nước. Hướng đi ấy khiến họ càng trở nên khó chịu đối với chính quyền Sài Gòn.
Đóng cửa trường học, gia đình chuyển vào Sài Gòn sống với người thân. Tại đây, họ bị từ chối giấy phép mở trường nên phải dạy trẻ ngay tại nhà. Năm 1960, khi biết rằng chính quyền Sài Gòn đang chuẩn bị bắt họ vì các hoạt động chống chính quyền, hai ông bà lên kế hoạch rời thành phố. Họ sợ rằng nếu để các con trai – từ mười hai đến mười tám tuổi - ở lại thì cảnh sát Sài Gòn sau này có thể bắt các con để buộc cha mẹ phải đầu hàng. Vì thế, họ quyết định mang theo các con trai, chỉ để lại hai con gái – mới ba và chín tuổi – cho người cô nuôi. Họ xuôi xuống đồng bằng sông Mê Kông.
Chọn được chỗ ở miệt đồng bằng, bà Mè và chồng lại mở trường học tại tỉnh Trà Vinh, dùng làm cơ sở để triển khai hoạt động chống chính quyền Sài Gòn. Là nhà giáo, họ luôn nỗ lực để đảm bảo rằng con cái được thụ hưởng nền giáo dục tốt nhất có thể. Thế nên các con trai của họ được giáo dục tốt hơn nhiều so với bạn bè cùng trang lứa. Điều này đã dẫn tới một kết quả ngoài mong đợi cho gia đình; đó là những người con trai lớn đều nhanh chóng trở thành giáo viên. Cuối cùng, cả bốn người con trai đều đi dạy học, góp phần cải thiện thu nhập gia đình. Sự trợ giúp về tài chính của các con trai đã tạo điều kiện cho bà Mè và ông Nhơn dành nhiều thời gian hơn để thúc đẩy các mục tiêu cho phong trào Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thông qua “ngôi trường” mới của mình.
Năm 1964, khi nhịp độ chiến tranh tại miền Nam dâng lên, bà Mè và chồng quyết định rời đồng bằng để chuyển đến vùng căn cứ của Mặt trận. Tổng hành dinh nằm trong rừng sâu bên ngoài Sài Gòn, cách xa các khu vực thường xuyên có quân chính phủ tuần tra. Nơi này nằm tại tỉnh Tây Ninh, được biết đến với tên gọi “Chiến khu R”.
Họ đưa người con trai lớn nhất, cậu Sanh, đi cùng; những người con còn lại tiếp tục nghề dạy học.
Trong khi cha mẹ tham gia các hoạt động của Mặt trận ở Chiến khu R cũng như nỗ lực tuyển thêm nhiều người vào lực lượng của mình thì Sanh chuyển nghề. Với tài hát hay và múa giỏi, cậu bắt đầu biểu diễn cho các khán giả ở Chiến khu R, và cậu trở nên rất nổi tiếng. Nhưng rồi vào năm 1967, cậu đã xung phong nhập ngũ để tham gia cuộc tấn công Tết Mậu Thân.
Chẳng bao lâu sau khi Sanh bước vào con đường binh nghiệp thì bà Mè và ông Nhơn lại nhận được thông tin về một quyết định khác. Là những nhà hoạt động cách mạng chống chính quyền Sài Gòn, họ không thể nói rằng quyết định đấy khiến họ ngạc nhiên. Tài gửi cho họ một lá thư. Cậu nhẹ nhàng giải thích cho cha mẹ biết rằng, điều mà họ cảm nhận được từ thẳm sâu trái tim là không thể tránh khỏi. Được chứng kiến sự dấn thân của cha mẹ đối với sự nghiệp của Mặt trận, cả ba người con trai còn lại đều tuyên bố đã quyết định gia nhập cuộc chiến chống lại chính quyền Sài Gòn.
Tài, có lẽ là người nhạy cảm và ăn nói lưu loát nhất trong số các anh em trai, cảm thấy cần phải giải thích cặn kẽ cho cha mẹ lý do tại sao mình theo chân các anh em tham gia cuộc chiến chống Mỹ. Toàn bộ bức thư như sau:
“Ngày 25-5-1967,
Ba Má kính yêu!
Viết thư này con xin báo tin cho Ba Má rõ là đầu tháng tư năm 1967, con đã làm đơn tình nguyện xin ra bộ đội chiến đấu và đã được chấp thuận. Đáng lý ra con phải viết thư trước cho Ba Má để nói rõ ý định của con, nhưng vì đường sá xa xôi cách trở và thời gian đi qua vùn vụt không thể chờ đợi, nên con định đến đơn vị con sẽ báo tin cho Ba Má rõ luôn thể. Mong Ba Má hiểu và tha lỗi cho con.
Con biết, được tin Bé Năm, rồi đến con ra bộ đội, Ba Má sẽ rất lo, nhứt là Má. Vì có bà mẹ nào, nhứt là một bà mẹ Việt Nam, lại không lo lắng khi con mình xông pha và con cũng tin rằng Ba Má rất tự hào và vừa lòng với việc làm của tụi con.
Xa Ba Má mấy năm nay, lúc nào con cũng nghĩ đến Ba Má, và càng nghĩ đến Ba Má con càng thấy cần phải nỗ lực phục vụ nhiều hơn cho cách mạng để Ba Má được vừa lòng và tự hào, vì có những đứa con đã không ngần ngại cống hiến tất cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp cách mạng cao cả. Con đã chọn lấy con đường cầm súng giết giặc vì chính con đường này là gay go nhứt nhưng cũng vinh quang nhứt. Và cũng chỉ con đường duy nhứt này là hợp lý và mới phát huy hết được khả năng sẵn có của con. Xin ra đơn vị chiến đấu, con không chỉ nghĩ đến giai đoạn đánh Mỹ trước mắt thôi đâu Ba Má ạ. Đường cách mạng còn rất dài, con còn phải đeo đuổi và cống hiến nhiều hơn nữa, không phải chỉ tuổi thanh xuân mà là cả cuộc đời con. Vì vậy mà ngay từ bây giờ, con nghĩ rằng cần phải tích cực cải tạo rèn luyện bản thân để phục vụ cho giai đoạn hiện tại rất vinh quang và cho cả tương lai đầy hứa hẹn. Mà nơi thử thách, rèn luyện tốt nhứt cho tuổi trẻ chúng con hiện nay chính là chiến trường.
Và trên đường chiến đấu, nếu một trường hợp không may nào đó đến với con, con sẽ sẵn sàng nhận lấy vì con nghĩ rằng thà để cho những người thân thương tiếc nhưng tự hào vì con chớ quyết không để cho Ba Má có một đứa con hèn hạ, anh Hai và các em con có một đứa em, một người anh nhục nhã.
Chưa lúc nào con ra đi đầy tự tin và nhiệt tâm như hiện nay. Ba Má hãy tin tưởng nơi con. Con xin hứa với Ba Má là trong những thư sau, con sẽ báo với Ba Má không những chỉ sức khỏe, ý nghĩ và tình cảm thôi, mà con sẽ báo cho Ba Má rõ thành tích và chiến công của con, của đồng đội và tập thể đơn vị con.
Riêng về con, thể lực của con hiện nay rất dồi dào, đủ sức để đánh giặc nhiều năm nữa. Con đã được bổ sung vào một D bộ binh của T3.
Bé Năm thì hiện đang ở một tiểu đoàn pháo binh của T3, em có viết thư cho con, tiến bộ và phấn khởi lắm.
Bé Tư vẫn còn công tác ở Vĩnh Long. Em có hơi băn khoăn về công việc của mình. Con đã có viết thư động viên Bé Tư.
Ba Má kính yêu! Viết thư này cho Ba Má đang lúc ta lắm thế chủ động tấn công địch dồn dập và có lẽ không bao lâu nữa con sẽ được đánh trận đầu tiên, con nguyện sẽ làm vừa lòng Ba Má, nguyện xứng đáng với sự chăm sóc dạy dỗ của Đảng và tập thể, xứng đáng là một chiến sĩ Giải phóng quân kiên cường.
Con xin gởi đến Ba Má tất cả tấm lòng thương nhớ của một đứa con xa cách. Ba Má chuyển lời con thăm tất cả các cô, các bác, các chú ở chung được đầy đủ sức khỏe và đạt được nhiều thành tích trong công tác.

Con của Ba Má!
Nguyễn Huỳnh Tài
1.

Bà Mè nhận lá thư với xúc cảm lẫn lộn. Một mặt bà tự hào khi các con trai đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh chiến đấu cho lý tưởng, cũng như bà chấp nhận quyết định nhập ngũ của các con, mặt khác bà không khỏi phiền muộn. Bà biết các con đều chưa được huấn luyện chiến đấu là bao trên con đường chông gai trước mặt.
Cuối năm 1967, cảm giác chung lúc đó là miền Nam có thể được giải phóng. Trong khi chuẩn bị cho cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968, bà Mè biết rằng các con sẽ tham gia vào chiến dịch này.
Bà cảm thấy đỡ lo hơn khi bốn đứa con không phục vụ cùng đơn vị. Điều đó có nghĩa là không nhất thiết tất cả những đứa con của bà sẽ cùng tham gia một trận đánh khốc liệt.
Như đã hứa, Tài tiếp tục trao đổi thư từ với mẹ để bà có thể biết được tình hình của cậu và những người anh em kia. Đôi khi anh em lại gặp nhau trên chiến trường – và những người kia thường nhắc Tài viết thư cho mẹ. Bà Mè luôn mong mỏi những lá thư vốn thường mất cả tháng trời mới tới tay người nhận.
Biết rằng các con đang lăn lộn chiến đấu hằng ngày, bà luôn cố gắng tập trung vào công việc.
Cuối tháng 2 năm 1968, bà Mè đang làm việc tại một khu khá hẻo lánh của Chiến khu R cùng với một nhóm đồng sự. Bà nhớ đó là một ngày đẹp trời và bà ngồi bên bàn làm việc trong căn lều mái lá. Một thượng cấp bước vào và, hơi do dự một chút, tiến tới chỗ bà.
“Có tin xấu”, ông nói. “Tôi vừa được thông báo rằng Tài và Sanh đã ngã xuống trên chiến trường!”. Tài, mới 24 tuổi, mất vào tháng 12 tại tỉnh Cần Thơ, nhưng phải hai tháng sau thì tin tức mới tới được với bà Mè. Thật là họa vô đơn chí khi tin tức về cái chết của Tài đến đúng lúc với cái chết của đứa con lớn tuổi nhất, cậu Sanh, 26 tuổi. Sanh bị trúng đạn chết tại An Lạc, quận Bình Chánh nhiều ngày trước đó, trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân.
Bà Mè run rẩy toàn thân. “Khi nghe tin, điều đầu tiên tôi nghĩ là chắc có gì đó nhầm lẫn. Làm sao tôi có thể mất hai đứa con trai cùng lúc? Nhưng khi nhận ra đó là sự thật, tôi thấy cơ thể mình nhẹ hẫng. Tôi chạy vào hầm trú ẩn và khóc. Nước mắt xối xả như mưa. Tôi cảm thấy như có ai đó đang cắt đi từng phần cơ thể của mình. Chồng tôi làm việc ở gần đấy đã tới an ủi tôi”.
Bà Mè đã có sự chuẩn bị tinh thần cho việc có thể mất đi một người con, nhưng chưa hề chuẩn bị cho việc mất hai người con cùng lúc. Bà cũng chưa chuẩn bị cho những điều sẽ xẩy ra sau đó.
Tuần kế tiếp, bà Mè trở lại làm việc, cố nén nỗi đau mất mát. Nhưng bà vẫn linh cảm có điều gì chẳng lành. Các đồng sự đôi khi nhìn bà rồi vội vã lảng đi. Bà liền tới chỗ người chỉ huy và khẩn nài: “Xin hãy nói cho tôi biết liệu còn tin gì xấu nữa không. Đừng có giấu. Tôi cần biết!”. Người chỉ huy ấn bà ngồi xuống, rồi nói rằng ngay sau khi nhận được tin hai người con của bà Mè mất, ông còn nhận được thêm tin báo rằng đứa con thứ ba của bà, tên là Đại, 22 tuổi, bị giết ở Vĩnh Long, trong khi đứa con thứ tư là Đạo, 20 tuổi, bị thương nặng. Nhiều đồng sự chạy tới an ủi bà Mè nhưng rồi cũng khóc lên trước những tin xấu mà bà mới nhận được. Trong khi đó, bà không thể nhỏ được giọt nước mắt nào – bà cảm thấy cả người tê dại.
Người con trai tên Đạo rốt cuộc đã qua khỏi. Không muốn để bà Mè cùng ông Nhơn mất thêm người con thứ tư nếu cậu đi vào nơi hiểm nguy, viên chỉ huy của Đạo đã ra lệnh cho cậu về công tác cùng cha mẹ tại Chiến khu R. Người chỉ huy biết rằng mệnh lệnh của mình không đảm bảo rằng Đạo sẽ có một cuộc trở về an toàn – vì Chiến khu R thường xuyên là mục tiêu tấn công của máy bay. Nhưng ông biết rằng cha mẹ của Đạo sẽ cảm thấy yên tâm phần nào khi con trai ở cùng với họ. Thế là Đạo đi một mình, trực chỉ tỉnh Tây Ninh và Chiến khu R.
Chuyến đi tới Chiến khu R kéo dài trong nhiều tuần. Suýt chút nữa thì chuyến đi đã kết thúc với việc bà Mè mất đi người con trai thứ tư, khi Đạo may mắn thoát chết trong một cuộc pháo kích trên đường tới căn cứ.
Một tháng sau khi nhận được tin người con thứ ba tử trận, bà Mè bước ra khỏi phòng làm việc ở Chiến khu R với một nỗi kinh ngạc khi Đạo chạy tới chào mẹ. Dòng nước mắt dồn nén hôm nào giờ được dịp tuôn xối xả. Dòng nước mắt ấy, cũng như tình thương của người mẹ dành cho con trai, đã khiến bà Mè không nhận thấy sự thay đổi ngoại hình của Đạo khi bà ôm cậu trong vòng tay, không thấy rằng khuôn mặt con đã bị thương tích làm biến dạng. Một quả đạn M-79 phát nổ đã găm nhiều mảnh vào mặt và một mắt của Đạo.
Ôm đứa con (trai) duy nhất còn lại trong tay, bà Mè nhớ lại ước nguyện đoàn tụ sau chiến tranh mà bốn anh em đã bày tỏ trước khi vào quân đội. Giờ thì bà Mè biết rằng ngày đoàn tụ đó chẳng bao giờ đến nữa.
Sau những đau thương ấy, bà Mè được phong tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, một sự tôn vinh dành cho những người mẹ chịu nhiều mất mát về người thân – có thể là mất hết tất cả con cái hoặc từ bà người trở lên.
“Là một người mẹ”, bà Mè nói, “tôi thấu hiểu tâm tư của những người có con đối mặt với hiểm nguy của chiến tranh, có con ngã xuống trên chiến trường và chẳng thể đưa con tới nơi an nghỉ cuối cùng. Tới hôm nay”, mắt bà Mè ngấn lệ, “tôi vẫn chưa thể tìm được hài cốt của một người con trai, và tôi biết mình sẽ không bao giờ tìm được”.
Đáng ngạc nhiên là nỗi đau mất ba người con trai và một phần cơ thể của người con thứ tư không khiến bà Mè nung nấu lòng hận thù đối với người Mỹ vốn chịu trách nhiệm về bi kịch của gia đình bà. Trong khi hầu hết các bà mẹ có thể nổi giận, bà Mè lại khác. Bà cảm thông với những bà mẹ Mỹ không tìm thấy hài cốt đứa con đã ngã xuống trên chiến trường ở một vùng đất xa xôi.
Có lẽ bà là người thấu hiểu nỗi đau ấy của những bà mẹ Mỹ hơn bất cứ người mẹ nào khác.
Chuyện của bà Mè chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện. Một góc trưng bày ở Bảo tàng Quân đội tại Hà Nội có danh sách những bà mẹ Việt Nam chịu nhiều mất mát về gia đình. Chưa phải toàn bộ, danh sách này liệt kê hàng chục bà mẹ, kết lại với nhau tạo nên một cảm giác mất mát khôn cùng về những người mẹ chịu cảnh người đầu bạc khó kẻ tóc xanh, về những người con đã mất vốn lẽ ra phải sống lâu hơn mẹ mình. Có rất nhiều người mẹ Việt Nam phải chịu nỗi đau mất mát như thế. Bà Nguyễn Thị Điểm1 mất chồng và hai con trai; bà Trần Thị Tràng – mất chồng và năm người con, còn đứa con thứ sáu bị thương; bà Huỳnh Thị Tân – mất năm người con. Một báo cáo hậu chiến cho biết chỉ riêng tại Sài Gòn đã có hơn 1.400 bà mẹ mất ba con trở lên.
Mất đi một người con là nỗi đau lớn cho bất cứ bà mẹ nào; và rõ ràng những bà mẹ chịu khổ đau nhất là những người phải chứng kiến toàn bộ thế hệ con cái của mình ngã xuống trên chiến trường Việt Nam. Mất đi người con trai duy nhất hay tất cả con trai thì nỗi đau vẫn vô cùng vô tận. Nếu bi kịch đơn thuần chỉ là con số thống kê thì có hai người mẹ đứng đầu về sự mất mát: mẹ Nguyễn Thị Thứ đã chứng kiến chiến tranh cướp đi chín người con, một người con rể và một người cháu; và mẹ Nguyễn Thị Rành, mất tám người con và hai đứa cháu. Nỗi đau mất mát lớn lao ấy vẫn không làm giảm quyết tâm hướng về chiến thắng của các mẹ. Thông điệp này đã được nêu rõ trong bức thư của một bà mẹ, bà Nguyễn Thị Loan, vào tháng 1 năm 1968. Sau khi mất đi người con trai nhỏ, Lê Viết Dũng, bà đã xin chính quyền cho phép người con trai còn lại của mình, Lê Viết Hùng, nhập ngũ để trả thù cho em.
Nỗi chịu đựng âm thầm của những bà mẹ Việt Nam mấ con trong chiến tranh là vô cùng lớn lao. Nó nhắc tôi nhớ lại câu chuyện của một bà mẹ Pháp chờ đợi đứa con trai chở về từ chiến trường trong một cuộc chiến khác vào thế kỷ trước2. Người con trai duy nhất của bà – là tất cả những gì bà có trên cõi đời này – tham gia một trận đánh lớn trong Chiến tranh Pháp-Phổ. Bại trận, những người lính Pháp đào ngũ mất hết nhuệ khí kéo nhau đi qua làng. Người mẹ ấy đã đứng hàng giờ liền trên đường làng, xem từng gương mặt binh sĩ. Sau cùng, khi bóng tối đổ xuống con đường làng vắng vẻ và người lính đào ngũ cuối cùng đã đi qua, bà thốt lên: “Tạ ơn Chúa! Nó không phải là kẻ trốn chạy”.
Nỗi đau mà một gia đình gánh chịu khi có nhiều anh em ruột cùng phục vụ trong một đơn vị và hy sinh là câu chuyện mà người Mỹ từng trải qua thời Thế chiến thứ hai. Ở Trân Châu Cảng, có tới hai mươi nhóm anh em ruột chết trong cuộc tấn công bất ngờ của người Nhật Bản. Sau đó chưa đầy một năm, bi kịch đã giáng xuống gia đình Sullivan với năm anh em ruột cùng tử trận khi con tàu chở họ bị trúng ngư lôi từ tàu ngầm Nhật Bản và chìm với gần như toàn bộ thủy thủ đoàn.
Sau bi kịch Sullivan, Chính phủ Mỹ đã áp dụng quy định không bắt buộc đối với việc cho xuất ngũ đứa con duy nhất còn lại của một gia đình sau khi người anh em của anh ta tử trận. Đây là một quy định phổ biến thời chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, một chính sách như vậy là khó có tính thực tiễn – nếu như không muốn nói là bất khả - đối với phía Hà Nội, do họ thiếu nhân lực trầm trọng trong cuộc chiến. Kết quả là nhiều gia đình ủng hộ chính quyền Hà Nội – chẳng hạn như gia đình bà Mè – đã phải trả giá rất đắt.
(Tình cảm mẹ con thì ở nền văn hóa nào cũng vậy. Khi ngồi nghe bà Mè kể về nỗi đau mất con, trong đầu tôi văng vẳng lời than khóc của một người mẹ mất con trai trong Nội chiến Mỹ. Louisa Meigs, vợ của một vị tướng Lục quân Mỹ, sau khi mất đi đứa con trai vào năm 1864, đã viết: “Khi thấy cỏ mọc xanh trên đầu con trai mình, trái tim tôi tràn ngập nỗi đau; tôi giống như một bà Rachael khóc con và khước từ mọi lời an ủi…”).
________________________________
1. Thư này được chép theo bản in trong cuốn hồi ký Kể chuyện đời mình của Mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Mè. Thư còn có đoạn tái bút không được dẫn lại trong Chân trần, chí thép của tác giả Zumwalt: “P.C: Vừa rồi con có chụp hình. Con gởi kèm theo đây Ba Má xem và gởi cho Bé Bảy, vì em có bảo con chụp hình gởi cho em. Con rất mong thư và tin tức ở trên ấy vì đã lâu con không được tin gì”.
1. Tức Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thanh Tùng, sinh 1941.
2. “Thế kỷ trước” ở đây là thế kỷ 19.