Chương 4


Chương 6
ĐI HẾT MÙA XUÂN

    
HỮNG BAN HÁT NHÀ NGHỀ tản cư về hậu phương và đi lưu diễn trong kháng chiến giống hệt gánh chèo “Dọc đường gió bụi” của Khái Hưng. Thời đại của tôi là thời đại của những đêm kịch không màn nhung, không phong cảnh, không son phấn và không cả vai nữ. Không đạo diễn nữa, dĩ nhiên. Chỉ cần một ngọn đèn măng-sông, sân khấu đã thừa sức lôi cuốn. Những đêm kịch ấy đã giết chết những đêm chèo mùa xuân và làm tôi xa lạ với vọng cổ, xàng xê. Huỳnh Thái, Bích Hợp, Tường Vi, Khánh Hợi, Sĩ Tiến vẫn quyến rũ bố tôi. Ông sẵn sàng dẹp công việc, sang Đống Năm, Trực Nội từ sớm để tối coi Huỳnh Thái diễn tuồng chống Pháp mà nhớ Trương Quân Thụy gục bên mồ Thôi Oanh Oanh một thuở xa vời. Với tôi, kép Mộng Tần, đào Bích Thược của ban Thống Nhất của ông Đặng Xuân Dư hát thường xuyên ở Từ Thánh làng Ô Mễ chẳng có gì đáng tán thưởng. Anh hề Tư Liên không làm tôi cười bằng vai thằng nhỏ vác chổi tập bắn súng giết Tây trên sân khấu đình nhà. Tôi khoái Ngọc Toàn, trong khi đợi thay đổi lớp lang, ra hát bài “Ngọn trào quay súng”: “Quay súng giết quân thực dân, quay đầu gươm giết quân tham tan. Việt Nam, Việt Nam, quốc dân tưng bừng đang đón chờ đàn con”. Hát xong, Ngọc Toàn dựng cây lục huyền cầm lên hai chân chụm sát, hai tay nắm chặt đầu cần đàn, mỉm cười cúi đầu chào khán giả. Bạn tôi, Đặng Xuân Côn, con của ông bầu Thống Nhất, rủ tôi xuống Mễ. Tôi được gặp nhiều đào kép lừng danh. Như Bích Hợp cũng ghé nhà bạn tôi ăn ở. Và tôi thấy cuộc sống phường tuồng chán ngán, bệ rạc. Ấy vậy mà tôi đã bỏ nhà theo một gánh hát đi hết mùa xuân.
Một đêm, không thể nào nhớ sai, một đêm đầu tháng giêng, qua làng Thụy Bình chúc tết thầy học, thầy giữ lại lại và cho đi coi ban hát của chị em cô Phụng Khánh. Tôi quên mất cô Phụng Khánh đóng vai nào trong vở “Tội của ai”, vở tuồng thích hợp với hoàn cảnh bấy giờ. Ông bố theo Tây làm Việt gian. Con ông ta căm thù ông ta, tình nguyện vào bộ đội, đánh tan đồn Tây bắt ông bố Việt gian, hát mấy câu vọng cổ rồi đâm lưỡi dao găm thấu phổi bố mình. Khán giả vỗ tay hoan hô! Vở tuồng như thế, chẳng đáng nhớ vì chúng tôi đã diễn kịch nhiều lần. Nhưng không tài nào quên nổi chị em cô Phụng Khánh song ca bản “Gió mùa chinh phu”: “Gió mùa chinh phu, êm êm như ru, như khơi mong nhớ, như gợi căm thù. Có nàng giặt lụa hồ thu…”. Hai chị em vừa hát vừa nhìn nhau cười duyên dáng. Đến chỗ cô Phụng Khánh hát một mình: “Thu hề thu rơi, nhẹ lá vàng rơi. Em ngồi trông ngóng chàng xa phương trời. Thu hề cho nhắn đôi lời. Hay tình quân đã quên rồi hỡi thu…”. Tôi mới biết thưởng thức âm nhạc. Rồi không ai giới thiệu cả, từ sân khấu, một con bé lách tấm màn nhung bạc mầu, hát bài “Bông hoa rừng”: “Nhà em ở tận nẻo xa. Có cây bên suối có nhà sàn bương. Quanh co độ mấy thôi đường. Men rừng men suối men nương men đồi. Nhà em ở tận khoảng trời. Gió lùa hiu hắt mây trôi êm đềm. Hôm qua anh đến nhà em. Thấy đôi mắt đẹp anh thèm muốn xin. Môi em nở nụ cười duyên. Thân em thoáng hiện dáng hiền tình yêu. Ra về anh vấn vương theo. Phấn hương ân ái gió chiều thoảng đưa. Đường đi cảnh mộng dần thưa. Vắng em vũ trụ hầu như không hồn. Sương mai nắng muộn trăng hôm. Giục lời chim nhắn bồn chồn lòng ai…”.
Con bé hát, đàn lục huyền cầm dìu giọng nó cho ngọt ngào thêm. Và khi nó ngừng, tiếng kèn clarinette vút lên. Nũng nịu. Êm ái. Tôi bỗng quên những đêm kịch đình nhà, quên những bài hát căm thù giặc Pháp, quên luôn cả núi rừng việt Bắc âm u, nơi Bác của tôi đang nhớ chúng tôi. Lời ca và giọng hát của con bé thu hồn tôi. Nó là bông hoa rừng. Và tôi, tôi là kẻ chiêm ngưỡng bông hoa. Con bé hát thêm một lần. “Đường đi cảnh mộng dần thưa”… Nó cúi đầu chào. “Môi em nở nụ cười duyên”. Tiếng vỗ tay rào rào. Con bé đã khuất sau tấm màn nhung bạc mầu gió bụi hậu phương. Tôi ngẩn ngơ. Tôi ngơ ngác, tâm sự cơ hồ tâm sự anh chàng vừa lớn đi xem cô gái cưỡi ngựa ở Gánh xiếc trong thơ Huy Cận. Đêm hát tan. Trên đường về nhà thầy, lòng tôi vấn vương một cảm giác lạ. Đêm ấy, đêm đầu tiên của đoạn đầu đời, tôi biết mơ mộng vẩn vơ. Máu giang hồ làm ngứa đôi chân tôi. Và tôi bắt đầu mê con bé phường tuồng.
Gánh hát nào cũng có cái lệ này: Hễ hát quá nửa vở, người ta vui vẻ tháo khoán cho trẻ con vào xem phõ. Tôi là thứ khán giả xem phõ. Ban Phụng Khánh rời đình làng Thụy Bình sang đóng đô ở quán chợ Ô Mễ. Rạp được che quanh bằng phên liếp, bằng cánh cửa, bằng gỗ ván thôi. Mùa xuân đã hết mưa dầm. Chỉ có mưa xuân rắc bụi. Tháng giêng, tháng của ăn chơi, hội hè, đình đám. Khán giả đi xem hát đông đảo. Tôi đến từ buổi chiều quan sát địa thế để lẻn vào sớm. Chờ tháo khoán, sợ bông hoa rừng của tôi đã hát mất rồi. Mười đêm rình đợi xem phõ, tôi hoàn toàn thất vọng. Có hôm hì hục nâng mảnh ván lên, mới chui vào được nửa thân hình thì bị người kiểm soát cầm chân lôi ra như lôi một con chó. Bị bợp tai, đá đít. Có hôm gồng bắp thịt kéo cánh cửa cho những thằng khác lách vào ngon ơ, tới phiên mình chẳng đứa nào kéo hộ. Đành đừng ngoài nghe con bé hát: “Hôm qua anh đến nhà em. Thấy đôi mắt đẹp anh thèm muốn xin”. Nghe xong, lủi thủi đi về đường đêm, băng qua những cánh đồng đầy gốc rạ. Tôi sẽ say sưa mãi mãi bài “Bông hoa rừng” nếu con bé ấy hát mãi mãi. Lạ ghê. Nó chỉ hát bài này. Đêm nào cũng “Môi em nở nụ cười duyên”. Và nó cười duyên dáng. Đứng ngoài tôi tưởng tượng nụ cười của nó. Nụ cười ấy không nở khi khán giả xem phõ ào ào kéo vào theo lệnh tháo khoán. Cô Phụng Khánh hát không hay nữa. Cô Ngọc Dậu hát “Trường ca sông Lô” không hay nữa. Tôi cuốc bộ năm sáu cây số xuống chợ Mễ để nghe một con bé không tên hát bài hát chưa ai dạy tôi. Gánh hát về Đại Đồng. Tôi có mặt mỗi tối. Tôi mới khám phá thấy cái máy điện quay tay của gánh hát đặt cách xa sân khấu phía ngoài đình. Bốn người thay phiên nhau quay. Người này mỏi tay, người kia quay tiếp. Tôi mon men tới xem và gạ quay giúp. Họ cho tôi quay liền. Tôi quay nhanh, lâu, quay không biết mệt. Họ khen tôi quay giỏi và hỏi tôi muốn vào xem hát không. Tôi muốn quá. Tôi xin với họ vào sớm nghe hát bài “Bông hoa rừng” rồi ra ngay quay máy điện. Họ bằng lòng. Vài ba hôm quen họ, tôi hỏi tên con bé. Họ bảo tên nó là Kiều Nhị.
Kiều Nhị, tên đẹp như người. Kiều Nhị, bông hoa rừng của tôi. Tại sao người ta không giới thiệu tên cô gái ấy? Kiều Nhị, cô gái ấy mỗi đêm một lần hát “Bông hoa rừng” và chẳng ai biết tên, trừ tôi. Kiều Nhị, nhìn em ảo huyền dưới ánh điện quay tay trên sân khấu thê lương nhất của đời nghệ sĩ, nghe em rót mật ngọt thấm hồn, đêm đềm, tôi đã mang tiếng hát của em về. “Ra về anh vấn vương theo. Phấn hương ân ái gió chiều thoảng đưa…”. Tôi mê em. Tôi mê giọng hát của em. Tôi mê bài hát em chọn. Tôi mê sân khấu em đứng. Tôi mê đoạn đường em lưu lạc. Mà em không biết. Em chẳng bao giờ biết tôi mê em, bàn tay tôi chai dầy, cánh tôi dài thêm. Vì quay máy điện. Em chẳng bao giờ biết những thôi đường tôi đến nghe em, nhìn em và tôi về yêu em, nhớ em dài nghìn lần “mấy thôi đường” quanh co của chàng thi sĩ tìm tới nhà cô sơn nữ mà Ngọc Bích phổ nhạc mà em đã hát đêm đêm. Kiều Nhị, bông hoa rừng hay bông hồng cho tình đầu thơ dại của đời tôi? Tôi sẽ đi theo em, đi theo tiếng hạt mật ngọt, phù thủy của em. Đi mãi.
Gánh hát lên Giai. Tôi lên Giai. Gánh hát lên Lạng. Tôi lên Lạng. Gánh hát băng qua đường Số Mười vào Thông, Lựa. Đã quá xa nhà tôi. Thưở chưa kháng chiến, mê thần tượng bóng tròn Hào hoét, tôi đã bỏ học, trốn nhà theo đội bóng thị xã Thái Bình phiêu du mười hai phủ huyện, sang Nam Định, Ninh Giang, tâm hồn phơi phới. Đòn vọt của bố như bàn tay phủi bụi giang hồ vặt. Mắng mỏ của mẹ tựa lời thăm hỏi sàng khôn. Kiều Nhị, em chẳng bao giờ biết, vì em tôi bỏ nhà theo em, đói rét, ngủ đường ngủ quán, quay máy điện mệt phờ để nhìn em ảo huyền, nghe em ru ngủ, mỗi đêm một lần. Và chỉ cần thế thôi. Là tôi quên đói rét, quên khổ cực. Là giấc ngủ đầu đình, góc quán của tôi vẫn no tròn chiêm bao. Tôi đi theo Phụng Khánh, đi theo tiếng hát Kiều Nhị lưu diễn khắp huyện Thư Trì. Đi hết mùa xuân mà tôi không hay. Và hết mùa xuân huyền diệu, tiếng hát Kiều Nhị chưa làm no mộng ước, chưa làm chán ham mê. Em mỗi đêm trên sân khấu dưới ánh điện vàng mơ. Tôi mỗi đêm đứng dưới đóng vai gã si tình ngu ngốc. Như chuyện thần tiên. Đôi người tra gái gặp nhau ban đêm. Ban ngày họ là cỏ cây, bèo bọt. Một tối, người quay máy điện nói gánh hát sắp sang bên kia sông Hồng, tìm đường về Thanh Hóa. Họ hỏi tôi có dám theo không. Thanh Hóa, chiến khu tư, miền Trung xa vời vợi. Tôi đã đi hết mùa xuân. Không, tôi hèn mọn, không thể đi hết đời mình. Nhìn Kiều Nhị, nghe Kiều Nhị lần cuối cùng, tôi trở về. Tôi thẫn thờ bước suốt đêm. Đường về buồn vắng. “Vắng em vũ trụ hầu như không hồn”… Hai hôm sau mới đến nhà. Vừa đi vừa khóc. Bây giờ tôi vẫn còn khóc. Tôi nhớ Kiều Nhị và thương sự đam mê của mình đã chết từ cuối mùa xuân năm ấy.
Kiều Nhị,
Giọng hát kỷ niệm của đời tôi,
Hai mươi bốn năm rồi, em ạ! Tôi không biết sau tôi có ai say mê em như tôi. Tôi không biết em còn sống hay em đã chết. Một ngày giáp tết, ngồi nhớ chuyện xưa, tôi đã hối hận vì không dám vượt “truông nhà Hồ”. Yêu mà sợ thì chưa biết yêu. Nhưng tôi đã yêu em. Tôi chỉ có một lần đam mê trong cuộc đời. Lần đó tôi gửi tặng em, gửi theo tiếng hát ru ngủ của em và quãng đời còn gọi là gói kín và giả vờ. Sau em, nghe ai hát tôi cũng chẳng thấy tâm hồn tôi xao xuyến, rung động. Tôi đã ngợi ca bao nhiêu giọng hát. Toàn giả vờ cả. Tôi chung tình với em, với giọng hát của em. Với bông hoa rừng thơm ngát. Tai tôi điếc từ lâu. Hồn tôi ngủ từ lâu. Em, Kiều Nhị, giọng hát kỷ niệm mãi mãi thiết tha, mãi mãi ngọt lịm, giọng hát tôi không được nghe bao giờ nữa. Em, Kiều Nhị, giọng hát của riêng tôi, giọng hát làm xuân đời hồng thắm mỗi lần hồi tưởng. Cảnh mộng quá thưa. Phấn hương đã thoảng. Em dĩ vãng huy hoàng. Tôi hiện tại chết khô. Nhưng mỗi năm, vào một ngày cuối tháng chạp, nhả khói thuốc xanh nhìn theo để quên đi phiền muộn, tôi vẫn mơ hồ nghe đâu đây, bước chân mùa xuân len lén sang với nụ cười em, với tiếng hát em thơm ngát một bông hoa rừng.
(24 – 1 – 72)
THÁNG GIÊNG NGON NHƯ CẶP MÔI GẦN
Truyện Duyên Anh
Bìa Đinh Tiến Luyện
Xuất bản Tuổi Ngọc
Ấn loát Nguyễn Bá Tòng
63 Bùi Thị Xuân
Saigon II
In xong ngày 10 tháng 02 năm 1975
Giấy phép số 324-75-BDVCH PHBCNT-ALP-TP ngày 31 tháng 1 năm 75.

Xem Tiếp: ----