hồn vừa tậu được một khu vườn xinh đẹp. Nó trồng su, cà rốt, củ cải, cà, ớt, xà lách đủ thứ. Ngày nào nó cũng vun xới, bón phân tưới nước. Hoa mầu ngày một tươi tốt, cây lớn vùn vụt trông thấy. Cứ mỗi buổi sáng, buổi chiều, nó chắp tay sau lưng, đi qua đi lại ngắm vườn rau mát dượi cả ruột. Nó nuôi trong đầu óc không biết bao nhiêu là dự định. Bán rau cải nó sẽ sửa sang nhà cửa, may sắm áo quần cho nó và cho vợ và nhất là tậu một chuồng gà vịt để bắt ăn lần, khỏi len lén đến các nông trại rình rập để bắt trộm. Nhớ đến trận đòn của ông chủ trại giáng xuống trên đầu trên lưng mà nó còn rùng mình, nhất là hàm răng nhọn của con Vá cắn sâu vào bắp đùi của nó, may nhờ lanh chân không thì nó bỏ xác bên cạnh ao nước rồi!
Chồn nhận thấy bao giờ siêng năng làm lụng cũng vẫn hơn. Mới cắt có mấy bụi cải, đào bới một ít cà rốt mà nó đã bán được khá tiền, mua hơn mười quả trứng, vợ chồng đánh chén khoái khẩu hết sức.
Nhưng một buổi sáng trở dậy, nó trông thấy vườn rau mà ngao ngán, cổ họng như tắt nghẹn lại. Nó dẫm chân xuống đất thình thịch, nghiến răng, nắm chặt hai tay để hăm dọa kẻ vô danh nào đó đã dám đến đây mà trộm của nó hết hai vồng vừa su hào vừa cà rốt, đó là chưa kể những vồng khác bị dẫm nát bừa bãi.
Tối hôm ấy, nó ngồi rình suốt đêm ở ngoài trời để canh chừng tên trộm. Quân gian đâu chẳng thấy, Chồn chỉ thấy ho hen, đau đầu sổ mũi vì cảm sương gió, nằm suốt một ngày đêm không dậy được.
Khi lành bệnh trở ra vườn thì nó thấy bị mất thêm ba vồng rau cải nữa. Nó điên tiết lên, phải tìm cách giết chết tên gian phi mới hả dạ, chứ tình trạng này mà kéo dài thì nó sẽ sạt nghiệp.
Nó chưa nghĩ ra cách nào để bắt gian phi thì chị vú bên nhà vợ sang tin nhạc mẫu của nó mệt nặng trở lại.
Chồn Cái trở về săn sóc mẹ đã hơn tuần nay, trong nhà chỉ còn lại mình nó. Nếu nó cũng đi nữa thì ai trông nom vườn rau? Nó càu nhàu, nó gắt gỏng, trở lại oán luôn cả mẹ vợ nữa. Mà oán là phải. Cả năm mười hai tháng nó rỗi rãi thì giờ lại không chịu đau, bây giờ nó bấn ruột bấn gan lại nằm liệt chiếu liệt giường không dậy nổi.
Nếu nó không sang thăm bà nhạc thì lỗi đạo rể con, thiếu tình nghĩa đối với vợ. Còn bỏ nhà mà đi thì thằng kẻ cắp sao khỏi trở lại vơ vét, làm sao để bắt được nó mà trả thù? Rõ thật khó nghĩ!
Chồn chắp tay sau lưng đi qua đi lại không biết bao nhiêu vòng nữa. Cuối cùng nó nhếch mép mỉm cười hăm dọa. Nó lấy một sợi thừng, bắc thang cột một đầu vào cành cây còn đầu kia làm thành thòng lọng. Chồn rào chung quanh thật kỹ, chỉ chừa một con đường hẹp chạy vào vườn rau. Giữa con đường này, nó cắm một cái cọc để giữ dây thòng lọng từ trên cành cây vít xuống. Nó phải nhọc nhằn suốt mấy tiếng đồng hồ mới hoàn thành được cái bẫy. Nó xoa hai tay vào nhau ra vẻ khoan khoái. Nó lẩm nhẩm một mình: “Con hái trộm đào trộm của bố đã nhiều lần rồi, nay bố xử ác với con, con cũng đừng nên trách bố!”
Đặt xong cái bẫy, Chồn yên bụng hết sức, khăn gói lên đường, mang theo một ít trứng gà để biếu bà nhạc.
*
Kẻ trộm vườn rau của Chồn không ai khác hơn là Thỏ. Sau khi thua hết năm quan, tiếp theo đó, nó phải mất thêm một số tiền mời thầy chữa bệnh cho vợ nên Thỏ trở thành nghèo khó túng thiếu. Những thứ gì để dành lâu nay, hai vợ chồng Thỏ ăn hết sạch.
Một hôm nó đi tìm những nơi nào lương thực dồi dào thì kiếm mà đem về tích trữ. Trước kia chỉ có hai vợ chồng nay có thêm thằng con, nếu không biết lo xa, để đến mùa đông tháng giá, rủi có những trận lụt bất thần xảy ra thì tránh sao khỏi nạn đói!
Khi đi ngang qua vườn rau của Chồn nó đứng lại ngắm nghía. Nó tự bảo: Thằng cha này ngày thường nó lười lắm, chỉ trộm gà trộm vịt là tài giỏi. Sao nay nó lại vun xới được một vườn rau tươi tốt như thế này?
Trong loài thú chỉ có Chó Sói và thằng này là ghét mình nhất. Hễ gặp cơ hội tốt, thì nó kiếm cách hại mình cho bằng được. Nhưng nó đã muốn hại mình thì việc gì mình lại không hại nó. Chúng ta sẽ hay nhau!
Lý luận như vậy rồi thì tối hôm đó Thỏ đến đào cà rốt, củ cải, xà lách v.v... của Chồn, phần ăn cho no bụng, phần đem về cho vợ con, ăn chán chê rồi còn phơi trên giàn phòng khi đói kém.
Thỏ dò biết rất rõ ràng về tình hình trong nhà của Chồn. Nào là bà nhạc ốm nặng chị vợ phải trở về săn sóc, chỉ còn có mình Chồn hiu quạnh, nào là vì Chồn ngồi rình ngoài trời mà phải bị cảm sương cảm gió lên cơn sốt suốt ngày đêm...
Lần này, Thỏ núp trong hốc cây, thấy Chồn đi ngang qua, tay xách cái bọc trứng. Nó đoán là Chồn sang thăm bà nhạc. Thỏ như mở cờ trong bụng, mừng sẽ được tự do thao túng. Nhưng nó không rõ, Chồn đi như thế bao lâu mới về? Thỏ biết trước, chuyến này mà Chồn nắm được nó thì nhất định tính mệnh của nó không còn. Nó phải thận trọng lắm mới được. Nó theo rình Chồn và đi sau một quãng khá xa để Chồn khỏi trông thấy.
Khi Chồn vào nhà vợ rồi, Thỏ nằm nép ngoài bờ rào nghe ngóng. Mặt trời đi khuất từ lâu và bóng tối đã phủ xuống. Thỏ yên trí Chồn sẽ ở lại suốt đêm với bà nhạc và vợ.
Thỏ về nhà ăn uống xong, chờ canh khuya thì đến vườn rau của Chồn. Trời mờ mờ. Ánh trăng le lói như một ngọn đèn cạn dầu. Gió hiu hiu thổi, bốn bề lặng lẽ. Thỏ hoàn toàn vững bụng. Trên vai mang một cái đãy to tướng, nó định bụng chuyến này phải làm một mẻ cho sạch cả. Vì ngày mai Chồn về, biết đâu vợ nó không về theo, thì dễ gì đã hái trộm được nữa.
Không như hai lần trước phải đục bụi, đục bờ, lần này Thỏ đi vào cửa chính. Nhưng vừa đến nơi thì nó vấp phải cái cọc đau điếng. Nó cúi nhổ cái cọc thì vụt một cái, cành cây bị níu xuống nay bật trở lên, dây thòng lọng nắm chặt lấy chân Thỏ treo lên, đưa tòn ten qua lại giữa không khí. Đau cha chả là đau! Chưa bao giờ Thỏ bị treo ngược lên như vậy. Nó có cảm tưởng ruột gan như đảo lộn và càng vùng vẫy gút dây càng siết vào, chân càng đau đớn hơn.
Nó tự mắng thầm: “Rõ đã tốt phước chưa? Ai bảo mầy trộm cắp? Bị trừng phạt như thế này là đáng đời lắm rồi còn oán thán gì nữa? Sáng mai, Chồn trở về, chưa biết nó sẽ xử trị mầy như thế nào? Nó xé xác mầy ra cũng chưa biết chừng. Chồn là một thằng lưu manh gian ác, nó cố tâm hãm hại mầy thật đó, nhưng mầy đâu có quyền cướp công mồ hôi nước mắt của nó? Nếu chỉ chờ kẻ khác làm lụng khó nhọc rồi mầy đến trộm về ăn thì còn đâu là lương tâm, là công bình nữa? Bạn bè thân thuộc, khi trông thấy mầy bị treo trên cành cây như thế này vì trộm cắp thì nhục nhã biết bao?” Nó tự mắng nhiếc một hồi như thế rồi ngủ quên đi lúc nào không hay.
Mặt trời tuy chưa nhô lên cao nhưng ánh sáng đã chan hòa khắp mọi nơi. Bóng tối chỉ còn lởn vởn trong những lùm cây bụi rậm. Bầy chim ló đầu ra khỏi tổ, nhìn Thỏ với một vẻ ngạc nhiên. Chúng hỏi nhau:
- Anh ấy tập thể dục đấy à?
Một con ra mặt thạo cãi lại:
- Chúng mầy không biết cóc gì cả. Anh ấy tập dượt để đóng trò vì hình như có một ban xiếc sắp trình diễn cho mọi người xem.
Thỏ thấy Chồn từ đường xa đi lại. Trống ngực nó đánh bình bịch bình bịch như trống đua trải. Toàn thân nó run lên bần bật, nó nhắm nghiền đôi mắt lại đành liều với số phận.
Bỗng nó nghe có tiếng hỏi:
- Nầy cậu Thỏ, chú tôi có nhà không?
Thỏ hoàn hồn nhìn lại thì ra Chồn Cháu mà Thỏ đã từng nhiều lần gặp mặt.
Thỏ đáp giọng bình tĩnh:
- Chú anh đi vắng rồi và mãi chiều nay mới về.
- Thế còn cậu làm gì mà treo chân treo cẳng như vậy?
- Tôi ấy à? Anh không thấy rõ sao? Chú anh thuê tôi canh chừng vườn rau này vì sợ có kẻ hái trộm, cứ mỗi tiếng đồng hồ chú anh trả cho tôi một quan tiền. Tính từ đầu hôm đến giờ tôi được chín quan rồi đấy. Và từ giờ đến chiều tôi còn được thêm mười quan nữa vị chi mười chín quan cả thảy.
Chồn cháu nghe nói đến một số tiền quá lớn thì thèm nhưng cũng chưa hiểu rõ nên hỏi tiếp:
- Nhưng sao canh gác cậu lại phải treo chân lên như thế?
- Rõ anh không hiểu gì cả. Chú anh đi vắng không thể kiểm soát được, sợ tôi bỏ đi chơi mà vẫn lãnh tiền nên yêu cầu tôi phải để chú anh treo chân lên cho được chắc chắn.
Chồn cháu thở dài nói:
- Không giấu gì cậu, độ này tôi túng quá định đến xin chú tôi một vài quan để về lợp lại mái tranh kẻo bị nước dột ngay nơi chỗ tôi nằm không sao ngủ được. Không ngờ chú tôi lại đi vắng.
- Nghe anh nói tôi cũng không đành lòng. Thôi thì tôi nhường cho anh canh vườn rau này từ giờ cho đến chiều. Chú anh đưa ra bao nhiêu, tôi và anh sẽ chia hai phần bằng nhau mỗi người một nửa.
Chồn cháu tính nhẩm: Lẽ ra thì nó được mười quan mà Thỏ được chín. Nhưng thôi chia cân cũng được. Số tiền mười quan đối với nó trong lúc này quá lớn lao không sao tưởng tượng được.
Thỏ bày cách cho Chồn Cháu bắc thang leo lên tháo gút dây để Thỏ lôi chân ra rồi tra chân của nó vào.
Trước khi từ giã, Thỏ nói:
- Nếu tôi về chậm thì anh giữ hộ số tiền cho tôi và đừng có tiêu đi nhé!
Chồn vừa đưa lắc lư theo gió vừa đáp bằng một giọng cảm động:
- Cậu đã giúp tôi qua cơn túng thiếu lẽ đâu tôi lại tham lam xén bớt số tiền của cậu?
*
Trải qua một đêm ở nhà bà nhạc, Chồn nóng ruột như lửa đốt. Nó trông cho mau sáng trở về xem lại vườn rau. Nó vừa đi vừa chạy, ai hỏi gì cũng không đáp. Từ xa, nó thấy một con vật đang đưa tòn ten dưới cành cây, nó khoái chí hết sức.
Nó tự bảo: “Chồn ơi, trí thông minh của mầy thật chẳng ai bì kịp. Mầy mà đặt bẫy thì kẻ gian phi dẫu tài giỏi đến đâu cũng không tài nào thoát được. Quân trộm cắp phải bị trừng phạt một cách thật xứng đáng”.
Nó bẻ một cành cây, thủ sẵn sau lưng, bước nhanh đến, không cần tra hỏi lôi thôi, vụt mạnh vào lưng Chồn cháu không chút xót thương.
Chồn cháu hai mắt nhắm lại đang ngủ một giấc mơ màng. Nó mộng thấy mười quan vấn quanh lưng quần nó. Nó tháo ra thả từng đồng một từng đồng một, bỏ vào lòng bàn tay của vợ nó đang ngửa ra để hứng lấy. Nó thích chí cười khách khách, vợ nó cũng vui sướng cười theo. Nhưng bỗng đâu có tên cướp xồng xộc tông cửa nhảy vào. Vợ nó hoảng hốt hét lên một tiếng rùng rợn. Nó giật mình tỉnh giấc thì nghe đau nhói sau lưng. Mở mắt nhìn gương mặt hùng hổ của chú nó cũng đủ khiếp. Ngọn roi vẫn tiếp tục mết vào lưng nó.
Chồn cháu la lớn:
- Cháu giữ vườn cho chú, chú chưa trả tiền công còn lấy gậy phang vào lưng cháu là nghĩa lý làm sao?
Nó vừa xuýt xoa vừa quằn quại cái lưng trông rất thảm hại.
Chồn ngừng tay hỏi:
- Ai bảo mầy giữ vườn? Mầy còn bịa chuyện định đánh lừa tao à?
- Dạ cậu Thỏ bảo cháu.
Nghe nói hai tiếng cậu Thỏ, Chồn đoán ngay là có việc gì bí ẩn chứ chẳng không.
Chồn cháu thuật lại việc gặp Thỏ đang treo chân trên cành cây... Thỏ giao lại việc giữ vườn rau cho nó v.v... Chồn tức giận lấy gậy đánh sàn sạt vào bụi cây cho hả giận và mắng cháu:
- Mầy đần độn một cây! Mầy phá mất công trình vĩ đại của tao, không thì giờ phút này tao đã đánh nó tan xương nát thịt rồi. Mầy ngu lắm, giữ vườn gì lại treo ngược mình lên trên cây?
Khi đã bớt cơn giận, thương tình cháu bị đòn oan, Chồn vào nhà lấy tiền cho cháu và dặn:
- Bận sau mầy đừng có dại dột như vậy nữa. Để tao tìm cách bắt nó cho mầy coi.