Quyển Hạ
Chương VII
Bờ sông Dịch thủy

     ừa đóng cửa phòng, Lê Tùng ngửi thấy mùi thuốc lá thơm ngát. Chàng nhận ra mùi thuốc Cherry, một trong các thứ thuốc hút tẩu ngon dịu nhất thế giới do Mỹ chế tạo.
Phạm Huề đang dọc bao mỉm cười chào chàng, dáng điệu thân mật. Hắn ngồi chểm chệ trong ghế bành, miệng phì phèo tấu thuốc Dunhill, trông như chủ nhà. Cửa phòng của Lê Tùng được lắp một loại khóa Yale cực tốt, không có chìa không thể nào mở được. Thế mà Phạm Huề đã nghênh ngang vào phòng và khóa lại cẩn thận.
Lê Tùng tỏ vẻ khó chịu:
- Anh lấy chìa khóa ở đâu?
Phạm Huề đập cái tẩu vào long bàn tay cho tàn thuốc trắng xóa rơi ra:
- Tôi mở bằng sợi thép.
Lê Tùng nhăn mặt:
- Người ta biết thì hỏng bét.
- Người ta là ai?
- Là ai, thì anh đã biết.
- Anh yên tâm. Không ái dám nghi ngờ tôi đâu. Vả lại, lúc tôi lên lầu không có ai hết.
Lê Tùng rót một ly rượu rum :
- Anh gặp tôi về chuyện gì ?
 Phạm Huề chậm rãi châm lửa vào tẩu thuốc mới nhồi.
- Mời anh sửa soạn va ly.
- Đi đâu ?
- Đi gặp cấp chỉ huy của tôi.
- Nếu vậy cần gì phải mang hành lý ?
- Có lẽ anh sẽ rời Sài Gòn.
Lê Tùng buông hai tiếng “thế à’’, rồi ngồi phịch xuống ghế. Phạm Huề rót thêm một ly bacađi cho chàng giọng ngọt ngào :
- Sợ anh về muộn, tôi đã thu xếp quần áo vào va li cho anh rồi.
- Anh tự tiện quá.
- Xin anh tha lỗi. Tôi và anh đã trở thành đồng nghiệp. Tôi có bổn phận bảo vệ anh.
- Tôi không phải là đứa trẻ lúc nào cũng đòi mẹ đi kèm.
- Anh lầm rồi. Ông Hoàng cho người theo anh từng giờ từng phút. Nếu anh chần chờ, sợ không kịp nữa.
Lê Tùng ấn cái mũ lên đầu:
- Ừ, thì đi.
Chàng xách cái va li đặt lên bàn lại. Lần nữa sẽ có người mang tới cho anh. Anh xách va li kè kè trong tay, thiên hạ sẽ ngờ vực.
Ra hành lang, Phạm Huề chỉ sang bên trái:
- Chúng mình xuống bằng lối này.
Lê Tùng chột dạ. Phạm Huề am hiểu đường đi trong bin đinh, như người ở đó đã lâu. Sự kiện này chứng tỏ đối phương có một tổ chức theo dõi, và điều tra hùng hậu. 
Cầu thang cấp cứy dẫn xuống một cái sân nhỏ, dành riêng cho nhân viên chửa lửa. Từ nhiều năm nay, tòa nhà không bị hỏa họan lần nào nên cầu thang cấp cứu mọc đầy rêu xanh. Sân gạch bên dưới cũng đầy rêu. Lê Tùng phải bặm chân để khỏi trượt.
Hai người đi qua một hẻm tối rồi ra đại lộ Trần Hưng Đạo. Một cái taxi đậu sẵn không biết từ bao giờ. Phạm Huề mở cửa sau, nhường Lê Tùng lên. Tài xế sang số, phóng về Sài Gòn.
Người lạ mặt gác cây dù vào ghế, rồi ngồi xuống, rút thuốc lá Bát Tốt xanh ra hút. Phạm Huề đứng bên, vẻ mặt hiền lành, pha lẫn sợ sệt như cậu học trò lên bảng đọc bài. Lê Tùng cũng không nói gì hết. Chàng thản nhiên nhìn cặp mắt sâu ròm, và cái miệng nhỏ xíu, điểm đôi môi thâm sì của người lạ.
Hắn lên tiếng:
- Huýt ky nhé?
Lê Tùng xua tay:
- Cảm ơn. Tôi thích rum.
Người lạ quay sang Phạm Huề:
- Công việc của anh xong rồi. Anh có thể rời Sài Gòn được.
Phạm Huề lí nhí hai tiếng “chào ông” rồi đi ra ngoài. Trong căn phòng rộng còn lại hai người đối diện, trước ly rượu sủi bọt. lê Tùng phê bình:
- Ông có một thuộc viên trung thành ghê.
Người lạ đáp:
- Hắn có tính ba hoa, còn thua anh nhiều. À, chúng ta là bạn, gọi nhau bằng anh thân mật hơn. Tôi là Biên. Nguyễn văn Biên. Anh gọi tôi là Nguyễn Biên cho tiện.
Lê Tùng cười:
- Chào anh Biên. Anh mang tên Biên từ bao giờ ?
- Anh tò mò quá ! Tôi hoạt động ở đây đã lâu.
- Anh từ Hà Nội tới ?
- Không. Tôi không phải là nhân viên của Hà Nội.
- Vậy anh là nhân viên của Bắc Kinh ?
- Cũng không phải. Vì điều kiện an ninh, Tôi chưa thể nói anh biết rõ. Tuy nhiên, khi ra đến ngoài, anh sẽ biết.
Lê Tùng mường tượng đến một bờ biển vắng vẻ, gần Long Hải, một tia đèn bấm lóe lên xanh lè nhiều lần làm hiệu, một cái xuồng cao su nhỏ xíu rẽ sóng vào bờ, một người mặt đồ đen, đeo dao găm, cầm tiểu liên, mời chàng ra khơi. Trong đời hoạt động, chàng đón tàu ngầm ban đêm ở đất địch nhiều lần, song đây là lần đầu chàng lên tàu ngầm của địch, với sự thỏa thuận của ông Hoàng.
Nguyễn Biên tiếp :
- Vả lại, tổ chức của tôi là GRU, KGB, IS, MI-5, CIA, Phòng NHì … hay là gì nữa, cũng không quan hệ ? Làm nghề tình báo này, không ai là đồng minh của ai. Hai quốc gia có thể là đồng minh, song về phương diện trình báo sự đồng minh này chỉ có gia trị trên giấy tờ. Trong đại chiến thứ hai, Liên bang Sô viết là đồng minh với Anh, Pháp, Mỹ, thế mà khi Đức quốc xã bị thua, OSS  của Mỹ, Phòng Nhì của Pháp và IS của Anh đánh nhau quyết liệt ; để cướp các nhà bác học Đức ! lấy ví dụ cụ thể nhất : Trung Hoa Cộng sản và Liên sô. Từ nhiều năm nay, GRU và KBC vẫn hoạt động bí mật tại Trung hoa lục địa.
Điều quan hệ là thỏa thuận với nhau trên một vài nguyên tắc nào đó. Anh bị ông Hoàng bỏ rơi, chúng tôi muốn dùng anh, và sẵn sàng trả tiền hậu hĩ, thế thôi.
- Một lần nữa, tôi cần minh xác là tôi không bao giờ nhận lời chống lại tổ quốc.
- Ha ha, tổ quốc là một vấn đề trừu tượng . Mỗi cá nhân có một quan niệm riêng về tổ quốc. Tuy nhiên, tôi cũng minh xác là không ép anh làm điều gì ngược lại quyền lợi của nước Việt Nam.
- Có hai nước Việt Nam, miền Nam và miền Bắc. Tôi muốn biết rõ hơn nữa.
- Ồ, anh lại đề cập tới chánh trị rồi. Chánh trị là điều tối kỵ trong nghề trình báo.
Lê Tùng nín lặng. Nguyễn Biên lại nói :
- Giờ đây, đến vấn đề thù lao. Như Phạm Huề đã nói với anh, xong việc anh sẽ được trả hai triệu.
- Khi Phạm Huề đề nghị, tôi không có phản ứng vì tôi biết hắn là nhân viên cấp dưới. Tôi muốn đặt lại vấn đề này với anh.
- Anh đã ký tên vào tờ cam kết và chịu nhận hai triệu.
- Vâng. Song số tiền hai triệu này chỉ là món quà các anh tặng tôi, đúng hơn số tiền thưởng sau khi tôi về với các anh. Những danh ca như Thanh Nga, Út Trà Ôn, Kim Cương còn được thưởng bạc triệu khi rời đoàn này gia nhập đoàn khác, huống hồ là tôi, một nhân viên tình báo cao cấp.
- Anh đòi bao nhiêu ?
- Hai triệu tiền thưởng  ‘‘ đầu quân’’. Còn thù lao sẽ định sau, tùy theo công việc.
- Thú thật với anh, tôi chưa biết nội dung công việc của anh ra sao ?
- Được . Vấn đề này tạm gác lại. Còn số tiền hai triệu, bao giờ tôi có ?
- Khi anh rời Sài Gòn.
- Không. Tôi muốn có ngay.
- Hiện tôi không đủ hai triệu.
- Không đủ thì thôi.
- Anh đừng bắt bí. Tôi chỉ nhấc điện thoại lên là anh sẽ vào khám Chí Hòa, và lần này là tù rục xương.
- Hừ, anh chẳng dại gì tố giác tôi. Dầu sao, tôi cũng là cái mỏ tin tức của anh. Vả Lại, nếu anh tố giác tôi, tôi sẽ lập công chuộc tội bằng cách phản tỉnh với ông Hoàng. Dĩ nhiên tôi sẽ vào tù, nhưng chỉ 5, 10 tháng là được phóng thích. Còn anh, anh sẽ mất Lệ Thanh, mất Phạm Huề, và biết đâu cả anh cũng bị xộ khám. Và một nhân viên quan trọng như anh không thể ở tù 5, 10 tháng như tội tôi đâu.
- Anh là kẻ hám tiền.
- Vì hám tiền tôi mới hợp tác với anh.
- Anh còn là thằng đểu.
- Ha, ha, cũng chưa đểu bằng anh. Anh thiếu gì tiền ? Nếu tôi không lầm, anh đã có hai triệu trong ngăn kéo.
Nguyễn Biên hừ một tiếng rồi nói :
- Giỏi như anh mà lão Hoàng không biết trọng dụng ! Uổng thật ! Đây, anh cầm lấy hai triệu.
Hắn mở ô kéo, rút ra một bó giấy bạc to tướng. Lê Tùng cười :
- Cám ơn anh.
Nguyễn Biên hỏi :
- Chúng ta sắp đi rồi, anh định cất tiền ở đâu ?
- Tôi có một tủ sắt trong Giao thông ngân hàng. Chỉ cần ba phút là xong.
Nguyễn Biên nhìn đồng hồ tay :
- Mời anh ra xe.
- Đi đâu ?
- Lên phi trường.
- Tân sơn nhất ấy à ?
- Không lẽ đáp máy bay quân sự ở Biên Hòa
Lê Tùng thở phào ra :
- Tôi cứ đinh ninh mình xuống tàu ngầm hoặc vượt biên giới Cao miên.
Nguyễn Biên cười :
- Anh yên tâm. Lên phi cơ phản lực của hãng hàng không Pháp, có vé, có thông hành hẵn hoi.
Hắn vứt trước mặt Lê Tùng một cuốn sổ thông hành màu xanh lá mạ. Thông hành này do nha Tổng Giám Đốc công an cấp phát cho công dân Nam Việt. Mở ra, Lê Tùng ngạc nhiên - người xử dụng thông hành là đàn bà.
- Sao lại thông hành này ?
Nguyễn Biên đáp :
- Tôi muốn cho anh thấy tổ chức làm giấy tờ giả của tôi. Thế nào, có không không ?
- Rất giống. Là nhân viên chuyên môn, tôi cũng tưởng là thông hành thật. Tuy nhiên …
- Tôi đoán anh muốn nói gì rồi. Dùng thông hành này ít hy vọng thoát khỏi hàng rào cảnh sát phi trường, vì lẽ người Việt nào xuất ngoại cũng phải ghi tên và ngày đi tại trụ sở hàng không, phù hợp với giấy thông hành. Cảnh sát phi trường đã có bản danh sách hành khách trước giờ máy bay cất cánh. Song đối với người ngoại quốc, thủ tục này được giản dị hóa đến triệt để. Vì thế, tôi đã xoay cho anh một tờ giấy thông hành Phi luật Tân. Anh là công dân Phi đi Hồng Kông, trên đường về nước.
- Còn anh ?
- Tôi chỉ đưa anh lên Tân sơn Nhất rồi ở lại. Một người khác sẽ đi với anh.
- Người này là ai ?
- Bí mật. Tôi không thể tiết lộ được, vì điều kiện an ninh ? Đến Hồng Kông, sẽ có người đón anh. Mật hiệu là : Ông từ Vọng Các đến phải không ? Và anh đáp : Không. Tôi từ Tân gia ba tới. Người đón anh sẽ mặt bộ com lê tréo, màu hung hung, sơ mi vàng, và vạt đỏ nhạt, gài cây kim bằng vàng, giữa có hột ngọc thạch xanh, đi giày mũi nhọn, tay trái cầm một cái dù đàn bà. Thôi, mời anh ra xe.
Xe hơi của Nguyễn Biên là một cái Peugeot sơn màu mát – tích. hắn ngồi trước vô lăng, mở đề ma rơ. Lê Tùng hỏi :
- Va li của tôi đâu ?
Nguyễn Biên đáp :
- Đã cất vào thùng xe rồi.
Chiếc Peugeot từ từ lẩn vào đám đông. Nguyễn Biên lái từ từ, điếu Bát tốt xanh ngất ngưởng trên môi. Lê tùng thản nhiên nhìn sang hai bên đường.
Những cây cổ thụ dọc đại lộ Pasteur đã úa vàng, lá rụng lả tả. Mặt trời buổi sáng chưa đủ sức đẩy lui màn sương mù trắng xóa. Bỗng nhiên Lê Tùng nhớ nhung vô tận. Hình dáng thân yêu của Huệ Lan quay cuồng trong óc chàng, song dần dần Huệ Lan chỉ còn là cái bóng mờ. Tình yêu nhiệm vụ đã vùng ldậy.
Nguyên Biên đậu xe ngoài phi cảng. Lê Tùng xách va li bước vào phòng kiểm vé. Nguyễn Biên dặn chàng lần chót :
- Đừng quên đấy. Anh là người Phi luật Tân. Ai hỏi gì phải trả lời bằng tiếng Anh.
Nguyễn Biên ngồi xuống ở cái băng sát tường, hai mắt không rời Lê Tùng. Tuy trời còn sớm, phi cảng đã đông nghẹt. Quày kiểm vé hành khách Hồng kông đã có một đoàn người xếp hàng. Chàng không dám nhìn chung quanh, sợ gặp người quen. Nguy nhất là gặp nhân viên của sở Mật vụ. Một cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên có thể làm kế hoạch của ông Hoàng thất bại. Chàng tin chắc Lê Diệp hay Văn Bình đang có mặt ở đâu đây, theo dõi từng giây, từng phút.
Cô chiêu đãi mỉm cười hỏi chàng một câu lấy lệ. Chàng cũng mỉm cười đáp lại. Còn 15 phút nữa, máy bay cất cánh : nhân viên công an và quan thuế kiểm soát một cách nhanh chóng. Chàng không biết là họ được lệnh riêng của ông Hoàng hay họ bị lừa. Tuy nhiên, chàng nhận thấy sổ thông hành của chàng giống như thật.
Chàng xô cửa kính vào nhà hàng gắn máy điều hòa khí hậu của phi cảng. Một người bồi thắt nơ đen tiến lại. Lê Tùng khựng lại một giây đồng hồ. Gã bồi là Lê Diệp. Tuy Lê Diệp gắn trên mép bộ râu lún phún, và đeo kính cận thị. Lê Tùng vẫn nhận ra ngay.
- Thưa ông dùng gì ? Lê Diệp hỏi:
Lê Tùng đáp:
- Cà phê đen, bánh mì.
Lê Diệp hỏi giọng nho nhỏ:
- Đi đâu?
- Hồng Kông.
- Thưa, ông dùng đường không?
- Không.
- Chỉ còn xăng úych gà. Hết bánh mì dăm bông rồi.
- Xăng uých gà cũng được.
5 phút sau, Lê Diệp trở lại, bưng tách cà phê bốc khói nghi ngút. Chàng nói:
- Anh cẩn thận. Thằng đi theo anh đang nhìn vào trong này.
- Anh dặn gì không?
- Không.
Giọng Lê Tùng bỗng đổi khác:
- Này anh, tôi nhờ anh trình với ông Hoàng điều này. Xin ông đừng để Huệ Lan dính vào. Nàng là một cô gái ngây thơ.
- Lạ nhỉ, tôi không nghe ông Hoàng nói tới Huệ Lan.
- Tôi có cảm tưởng Huệ Lan, cũng như tôi, sẽ là con cờ. Riêng tôi, điều đó là thường. Nhưng còn nàng … Tôi có thể chết vì nàng được.
- Vâng, tôi sẽ trình với ông Hoàng.
- Chào anh.
Lê Tùng cúi xuống tách cà phê. Chợt máy phóng thanh kêu oang oang:
- Yêu cầu  … yêu cầu …
Nhân viên hàng không mời khách hàng lên máy bay. Lê Tùng quăng tờ bạc một trăm xuống bàn. Một cô chiêu đãi mặc áo dài xanh, cổ thêu con rồng, đon đả chào chàng bằng tiếng Anh:
- Chúc ông thượng lộ bình an.
Miệng nàng xinh xắn như trái táo chin đỏ. Chàng muốn ôm ghì lấy mà hôn. Song chàng cố kềm hãm những cảm giác phiến loạn thức dậy trong long.
Trời đang nắng bỗng tối sầm. Lê Tùng đang dấn vào cuộc phiêu lưu đầy bóng tối, rùng rợn.

*

Phi cơ đáp nhẹ như lá rụng xuống trường bay Kaitak. Suốt chuyến bay, Lê Tùng lim dim, ngủ gà, ngủ gật. Thật ra, chàng muốn kéo một giấc ngủ say sưa, nhưng cứ 5, 10 phút, chàng lại choàng dậy, dường như nghe chuông reo trong đầu