Mấy hôm nay, các cầu thủ thiếu nhi trong toàn quận bàn tán xôn xao về giải bóng đá sân nhỏ do Ban thể dục thể thao và Câu lạc bộ thiếu nhi phối hợp tổ chức trong những ngày sắp tới. Ðây là giải bóng đá chào mừng ngày 22 tháng 12, ngày thành lập Quân độn nhân dân. Lần đầu tiên, các cầu thủ chân đất dưới mười lăm tuổi được tham gia một giải bóng đá có quy mô “người lớn” như vậy. Theo điều lệ giải quy định, các trận thi đấu sẽ diễn ra trên sân bóng có kích thước bằng phân nửa sân của người lớn. Cầu thủ mỗi bên là bảy người, tính luôn thủ môn. Mỗi trận đấu sẽ diễn ra trong hai hiệp, mỗi hiệp 30 phút. Vòng đầu của giải là cuộc đua tranh ráo riết giữa các đội bóng khu phố trong từng phường. Hai đội bóng nhất nhì sẽ được chọn tham gia đội tuyển phường để đi thi đấu cấp quận. Các đội hạng ba trở xuống coi như “chầu rìa” ở vòng hai. Do tính chất “khốc liệt” đó mà ngay từ khi thông báo của Ban tổ chức giải vừa phát ra, khắp các ngõ hẻm, đường phố dậy lên một không khí sôi nổi, nhộn nhịp. Các cầu thủ nhỏ tuổi lao vào tập luyện, bất kể giờ giấc. Ở đội “Mũi tên vàng”, các chú nhóc cũng khẩn trương không kém. Bây giờ, ngoài những ngày tập dượt ở sân bóng phường theo lịch quy định, tụi nó còn tranh thủ ở lại trường sau giờ học, tập kỹ thuật trên sân xi-măng. Tân độ rày học hành có tiến bộ nên ba má nó đã nới tay cho nó phần nào. Ba nó nói: “Con muốn đi đá bóng hay muốn đi chơi đâu cũng được miễn là phải học bài và làm bài đầy đủ, đâu vô đó rồi mới được đi”. Ðứa con đành phải chấp nhận điều kiện ông bố đưa ra, không còn cách nào khác. Ðể được bay nhảy trên sân bóng, Tân bắt buộc phải chúi mũi vô cuốn tập trước đã. Không dè vậy lại hóa hay! Thứ hạng của Tân trong lớp cứ nhích lên từng tháng. Ba nó hài lòng. Nó sung sướng. Vì đám con gái, nhất là nhỏ Thúy, nhỏ Ái không còn nhìn nó bằng ánh mắt khi dễ nữa. Và “vua phá lưới” khi ra sân không còn thấy rờn rợn sau lưng vì sợ khán giả nhớ chuyện học tập chẳng ra gì của mình. Trong niềm hạnh phúc tràn trề đó, Tân rất biết ơn môn bóng đá. Nó nghĩ, chính nhờ bóng đá mà nó mới học tập “ra gì” đến như vậy. Chính vì muốn thanh toán lẹ bài vở để được ra sân đuổi theo cái vật tròn tròn quyến rũ kia, mà nó phải mài mòn hai con mắt trên trang sách, tụng bài đến rã họng và viết đến móp hai đầu ngón tay. Nói tóm lại, rõ ràng bóng đá giúp cho học tập chớ học tập thì đâu có giúp được quái gì cho bóng đá! Thiếu gì đứa học giỏi hơn mình, có đứa học trên mình hai ba lớp mà tụi nó đá bóng có ra cái khỉ mốc gì đâu. Thậm chí có đứa dẫn bóng xuống, còn mình thằng gôn trước mặt, mà đá cũng không vô. Tân nghĩ vậy và nó cảm thấy tự hào về tài nghệ của mình. Trưa nay, như thường lệ, khi tiếng kẻng hết giờ vang lên, học trò ôm cặp tuôn ra cổng như một bầy ong thì các cầu thủ đội “Mũi tên vàng” ở lại. Tụi nó xúm quanh gốc phượng cuối sân, cặp xách, tập vở gom lại một chỗ. Tân vừa cởi áo vừa đề nghị: - Bữa nay tụi mình tập đội đầu nghe! Cả bọn đồng ý liền. Tình nhảy cẫng lên, khoe: - Hôm qua tao đội đầu được bốn cái, mày ơi! - Thua tao, tao đội được năm cái! - Thành lên tiếng. Thịnh trề môi, khi dễ: - Có vậy mà cũng khoe! Tao đội tới tám cái lận. Thành không tin: - Sức mấy mày đội được tám cái! Bóng nhựa mày làm như bóng da không bằng! - Thiệt mà! - Thịnh cố làm cho tụi bạn tin mình - Không tin mày hỏi thằng Tân coi! Trái bóng tao đội còn đầy hơi, chưa xì. Tình cười ha hả: - Tưởng sao! Bóng chưa xì thì tao đội tới hai chục cái lận. Thịnh hừ mũi: - Ðừng có xạo! Mày mà đội được hai chục cái lát nữa tao cõng mày về tới nhà liền. - Thôi, thôi! - Tân lên tiếng - Có gì đâu mà cãi. Bây giờ tụi mày đội thử coi đứa nào được bao nhiêu cái biết liền. Vừa nói nó vừa thảy trái bóng đang kẹp dưới nách xuống đất. Trái bóng nẩy tưng tưng. - A ha, trái bóng mới tinh, tụi mày ơi! Quân kêu lên và cầm trái bóng dồi lên cao rồi đưa chân ra hứng. Nhưng trái bóng không chịu nằm yên trên bàn chân nó mà rớt bịch xuống đất khiến tụi bạn cười rần. Đó là trái bóng anh Sáu mua cho Tân bữa trước. Nó cất kỹ trong nhà, đợi trái bóng cũ của đội nó tơi tả rồi mới đem ra. Các cầu thủ đội “Mũi tên vàng” thi nhau đội đầu, coi ai hơn ai. Tụi nó vừa chơi vừa cãi cọ, châm chọc nhau ồn ào vui vẻ. Trong khi đó thì có một đứa tách biệt hẳn không khí sôi nổi của đồng bọn. Đó là thằng Hoàng. Nó ngồi một mình dưới gốc phượng, hai tay ôm cặp, nhìn bạn bè đang vui chơi bằng cặp mắt buồn rầu. Tiếng cười đùa của tụi kia như những mũi dùi xoáy vô lòng nó. Nhiều lúc nó muốn chạy lại nhập bọn, muốn chạy nhảy la hét vang trời như trước đây nhưng rồi nó lưỡng lự và tiếp tục ngồi yên tại chỗ. Tụi bạn dường như quên bẵng sự có mặt của vị khán giả cô độc. Chúng vẫn say sưa tập luyện. Mãi đến khi trái bóng bất thần văng về phía gốc phượng thì Tân mới bước lại chỗ Hoàng. Nó lượm trái bóng, ném cho mấy đứa kia rồi ngồi xuống cạnh Hoàng. Hai đứa ngồi im lặng bên nhau một cách ngượng ngập. Tân mấy lần định bắt chuyện nhưng rồi có một cái gì đó khiến nó cảm thấy rất lúng túng, không thể mở miệng được. Hai đứa đều nhìn ra trước mặt, làm bộ như đang theo dõi tụi bạn tập dượt. Lâu thật lâu, Tân mới lên tiếng: - Mày vô tập chung với đội mình đi! Nghe hai chữ “đội mình”, Hoàng hơn nhăn mặt. Nó thở dài: - Ðội mình gì nữa mà đội mình! - Vẫn là đội mình chớ! - Tân hăng hái nói - Khi nào lớp mình đá với lớp khác, mày vẫn là thủ môn của đội “Mũi tên vàng” kia mà! Giọng Hoàng vẫn ỉu xìu: - Nhưng mà hiện giờ thì tao không còn ở đội “Mũi tên vàng” nữa. Tao là thủ môn của đội “Sư tử”. Tân vẫn tiếp tục an ủi bạn: - Nhưng mai mốt mày cũng trở về với đội mình vậy, hổng lẽ mày ở hoài bên kia sao? Hoàng ngồi im. Nó nhìn thằng Tân bằng ánh mắt khó hiểu khiến thằng này phải quay mặt đi chỗ khác. Số là kỳ tranh giải này, cầu thủ ở khu vực nào thì chỉ được chơi cho khu vực đó, không có tình trạng lẫn lộn lung tung. Do đó, Hoàng phải trở về chơi cho đội khu phố 2, tức là đội “Sư tử” chớ không được quyền đứng trong đội hình của đội “Mũi tên vàng” ở khu phố 1 nữa. Mất một thủ môn giỏi, đứa nào trong đội “Mũi tên vàng” cũng tiếc. Nhưng điều khiến tụi nó buồn nhất là phải chia tay một người bạn tốt như thằng Hoàng, chia tay một cầu thủ tận tụy, siêng năng, trung trực và gắn bó với đội suốt hai năm nay trong hàng trăm trận đấu. Thằng Hoàng ra đi khiến cho cả bọn đều cảm thấy như bị mất mát một cái gì vô cùng thân thiết và quý giá, thành ra chúng cố quên đi thằng Hoàng đang ngồi đó, dưới gốc phượng và nhìn tụi nó bằng ánh mắt buồn bã. Chúng không đủ can đảm để gợi lại nỗi đau của cả đội và nhất là của người thủ môn đáng mến. Về phía Hoàng, việc rời khỏi đội “Mũi tên vàng” đối với nó cũng xót xa ghê lắm, không khác chi tâm trạng một chiếc lá lìa cành. Dù rằng hằng ngày tới lớp, nó vẫn gặp mặt đông đủ tụi bạn, vẫn ngồi chung bàn với chúng nhưng trên sân cỏ thì nó không còn được bảo vệ khung thành cho đội bóng thân yêu của nó nữa. Bây giờ nó đã thuộc về một đội bóng khác, đội “Sư tử”. Đó là chưa kể đội “Sư tử” là đội địch thủ đáng gờm xưa nay với đội “Mũi tên vàng”. Thật là trớ trêu. Sắp tới đây, nó phải đứng trong khung gỗ của đội “Sư tử” và ra sức ngăn chặn mọi cú sút xuất phát từ chân thằng Tân và đồng bọn. Mấy ngày nay, Hoàng đã tập dượt chung với đội “Sư tử”. Ngày tranh giải sắp tới rồi. Nhưng không vì thế mà nó tỏ ra không dính dáng gì tới đội bóng cũ. Như trưa nay chẳng hạn, mặc dù không tham gia luyện tập với các cầu thủ “Mũi tên vàng”, nó vẫn ngồi nán lại đợi tụi bạn cùng về. - Tụi nó đối xử với mày cũng tốt chớ hả? - Tân hỏi sau một hồi im lặng. - Tụi nào? - Thì đội “Sư tử” chớ tụi nào. - À, cũng bình thường! - Hoàng nói thêm - Tụi nó lúc này chơi lên chân lắm. Tân nhìn bạn: - Có thêm mày về nữa thì ngon rồi. Hoàng liền ngó lơ chỗ khác. Nó có cảm tưởng như thằng Tân đang trách mình, mặc dù nó biết không phải vậy. - Thôi mày về trước đi! - Tân lên tiếng giục. Hoàng lắc đầu: - Tao đợi tụi mày về luôn thể. Tân đứng dậy: - Vậy mày ngồi đây nghe! Tao dợt một chút! Hoàng gật đầu. Nó nhìn thằng Tân đang đi lại chỗ tụi bạn. Các cầu thủ đội “Mũi tên vàng” đứa nào đứa nấy mồ hôi mồ kê nhễ nhại nhưng vẫn chưa chịu ngừng tập. Thịnh đội đầu được mười hai cái. Dương đội được mười cái. Ðứa tệ nhất như thằng Thành cũng đội được năm cái. “Ðội mình lúc này cũng tiến bộ ghê!” - Hoàng thầm nhận xét và nó ngạc nhiên không hiểu sao mình cứ gọi đội “Mũi tên vàng” là “đội mình” y như không có gì thay đổi. Khi tụi bạn bắt đầu mặc quần áo, chuẩn bị ra về thì Hoàng cũng ôm cặp đứng dậy. Cả bọn sánh vai tuôn ra cổng. Tân đi bên cạnh thằng Hoàng, nó hỏi: - Chú Tám mày độ rày còn mê đội Công nghiệp Thực phẩm nữa không? - Mê như điên! - Ðội này lên hạng A1 không nổi mà ổng cứ mê hả? Thằng Hoàng cười toe: - Ổng kêu là cái số nó còn lận đận. - Ðá hay thì lên, đá dở thì xuống chớ lận đận khỉ gì! - Ổng kêu là đội bóng của ổng gặp xui chớ không phải dở. Tân cười hì hì: - Ổng thì lúc nào chẳn nói vậy. Ổng thiên vị thấy mồ! Hoàng im lặng. Nó không bênh vực cho chú nó. Tại thằng Tân nói đúng quá xá cở. Chú Tám nó mê coi đá bóng thuộc loại số một. Mà ổng thiên vị thì cũng không ai bằng. Ổng khoái đội Công nghiệp Thực phẩm dữ lắm. Ðội Công nghiệp Thực phẩm đi đá ở đâu ổng cũng đáp xe đò đi theo cổ vũ cho bằng được mặc dù lúc này đội bóng thân yêu của ổng đã tụt xuống hạng A2 và Hải Quan, Cảng Sài Gòn đang là hai đội được mến mộ nhất ở thành phố. Chú Tám mê đội bóng của mình đến mức tỏ ra thiên lệch quá đáng. Chú có hàng trăm lý do để giải thích và bào chữa cho cái thua của đội nhà cũng như có hàng mớ những lời dè bỉu, khích bác để nhận chìm thắng lợi của đội đối phương xuống tận bùn đen. Ra ngoài, chú khoái đội Công nghiệp Thực phẩm. Về xóm, chú khoái đội “Mũi tên vàng”. Bởi vì thằng cháu chú bắt gôn trong đội này. Bây giờ, Hoàng chuyển qua đội “Sư tử”, tình cảm của chú cũng chuyển theo. Chú lại ủng hộ đội của Hùng bụi. Ðiều này thì Hoàng giấu tụi thằng Tân. Mặc dù khi ra tranh giải thì tụi này cũng sẽ biết. “Thiệt chưa thấy ai như ông chú mình!” - Hoàng buồn cười trong bụng khi nghĩ tới niềm mê say cuồng nhiệt và rất là vô nguyên tắc của chú Tám. - Chú mày còn làm ở hãng giày Ba-ta không? - Tân lại hỏi. - Thì ổng làm ở đó chớ đâu! - Hoàng sực nhớ ra - Hình như bữa trước ổng có hứa cho mày đôi giày phải không? Tân gật đầu: - Ừ, sao lâu quá không nghe ổng nói gì hết. Hay ổng quên rồi không biết. Mày về nhắc giùm ổng coi! - Ðược rồi, tao sẽ nhắc. Hoàng hứa với bạn trước khi rẽ về nhà ở khu phố 2. Chiều đó, đội “Mũi tên vàng” và đội “Sư tử” lại tập chung với nhau ở sân bóng phường 2 như thường lệ. Trước khi đấu “tập huấn” với nhau, mỗi đội tản về một khu thành để tập kỹ thuật cơ bản. Ở phía đội “Sư tử”, tân thủ môn Hoàng nhảy nhót trong khung gỗ đón đỡ những cú sút của đồng đội. Cựu thủ môn Long quắn, nay là thủ môn dự bị kiêm tiền vệ, đứng chung trong đám thằng Sĩ, Tâm sún chờ tới lượt mình thử chân sút. Lúc thằng Hoàng trở về đội khu phố 2, đứa nào trong đội “Sư tử” cũng mừng ra mặt, trừ Long quắn. Ðiều nó hằng lo lắng đã xảy ra. Ðội “Sư tử” coi việc thằng Hoàng sẽ đứng trong khung thành của đội là chuyện đương nhiên không cần bàn cãi. Kể cả thằng Sĩ là đứa trước đây hành hung Hoàng cũng nhất trí như vậy. Long quắn coi chuyện đó như một sự sỉ nhục đối với mình. Nó cũng chẳng làm gì lớn chuyện, cũng chẳng nói cạnh nói khóe gì nhưng thái độ của nó đối với người thủ môn mới rất là lạnh nhạt. Hoàng thừa biết chuyện đó. Nó không muốn làm Long quắn mất lòng. Mặc dù Long quắn là đứa duy nhất trong đội “Sư tử” tỏ ra không ưa nó trong mấy ngày tập dượt chung vừa qua, nó có cảm tình với Long quắn nhất đội. So với những đứa khác, Long quắn có vẻ hiền lành, dễ thương hơn. Với lại, nó muốn mọi sự rành mạch đâu đó rõ ràng. Long quắn bắt gôn cho đội “Sư tử” từ trước tới nay, bây giờ bị mình chiếm chỗ ngang xương không nói qua một tiếng kể cũng kỳ. Hoàng liền đề nghị Hùng bụi cho thi đá phạt đền. Nó và Long quắn mỗi đứa bắt năm trái, đứa nào để lọt ít thì làm thủ môn chính, đứa kia làm gôn phụ hoặc lên đá hàng trên. Như vậy cho công bằng, không ai nói ai được. Cả đội đồng ý ngay lập tức. Hoàng vỗ vai Long quắn: - Như vậy nghe! Tao đã về đây thì tao cũng như mày đều phải bảo vệ danh dự cho đội. Nếu tao để lọt lưới nhiều hơn mày thì tao sẵn sàng nhường cho mày bắt gôn liền. Long quắn mất vẻ lạnh lùng thường ngày, nó cũng vỗ lên lưng thằng Hoàng, cười nói: - Ý kiến của mày hay đó! Tao sẵn sàng! Kết quả cuộc thi tài, Long quắn đỡ được một trái, Hoàng đỡ được hai trái và một lần đấm trúng bóng nhưng lưới vẫn bị thủng như thường. Sau lần đó, Long quắn vui vẻ làm thủ môn dự bị và khi chưa cần thay thế thì nó sẽ thay phiên với Thuận ròm đá ở vị trí tiền vệ cánh trái. Hoàng nhấp nhổm giữa hai cột gôn như một con mèo. Ðôi mắt nó mở to nhìn chằm chằm vô trái bóng đang xé gió bay tới. Cú dứt của Sơn cao khá mạnh nhưng không hiểm. Trái bóng bay thẳng vô tay thủ môn. Hoàng ném bóng ra. Tới lượt Thuận ròm dứt. Trái bóng đi sệt vô góc trái khung thành. Hoàng nhảy bổ tới và nằm đè lên trái bóng. Minh Mông Cổ dứt. Thủ môn lại lao theo. Bóng trúng cột dọc, nẩy ra, Long quắn trờ tới, gẩy nhẹ bóng vô góc lưới, thằng Hoàng bó tay. Nhưng trong tích tắc, nó kịp thời nhoài người tới, lấy chân hất trái bóng văng ra ngoài. Cú “chuồi” của nó không thua gì Tam Lang. Tụi bạn vỗ tay hoan hô ầm ĩ. Hoàng nhe răng cười khoái chí. Khi đã đứng vô khung thành, nó lập tức quên đi tất cả những dằn vặt phiền muộn hằng ngày. Không cần biết là mình đang bảo vệ khung thành cho đội nào, khu phố 1 hay khu phố 2, lúc đó Hoàng chỉ có mỗi một suy nghĩ là làm sao đừng để cho bóng lọt vô gôn. Nhiệm vụ của người thủ môn lúc này là trên hết. Nó tả xung hữu đột, bay lượn giữa hai cột gôn như một con dơi sung sức, hăng hái đấm bắt mọi cú kết thúc nguy hiểm từ bất cứ hướng nào bay tới. Trong đội “Sư tử”, đứa nào cũng nể cho sự tập dượt đến nơi đến chốn của Hoàng. Lần nào cũng vậy, sau khi tập, người nó ướt mèm mồ hôi như mới ở dưới sông lên. Lần này cũng vậy, tập cho đến khi không còn thở nổi nữa, Hoàng mới chịu rời khung thành cho Long quắn vô thay. Thực ra, tài nghệ của Long quắn không thua kém Hoàng bao nhiêu. Nó thuộc loại thủ môn xuất sắc mà các đội bóng khác đều thèm muốn. Nếu cho Hoàng là thủ môn số một thì Long quắn phải là thủ môn số hai. Nhưng xui cho nó là “số một” và “số hai” lại ở chung trong một đội, thành ra “số hai” dĩ nhiên phải chịu lép hơn. Chớ nếu nó ở đội khác, như đội khu phố 4 của thằng Sinh chẳng hạn, thì Long quắn sẽ được trọng vọng ra trò chớ không phải chơi. Ðội “Sư tử” tiếp tục thử tài thủ môn dự bị. Tới khi Long quắn mệt nhoài, phản xạ bắt đầu loạng quạng thì các chân sút trứ danh như Hùng bụi, thằng Sĩ cũng đứng hết muốn nổi. Tụi nó ngồi bệt xuống đất, nghỉ xả hơi. Có đứa nằm ngửa mặt lên trời, đầu gối lên hai tay, ngắm mây và... mặt trời. Hùng bụi ngồi kế bên thằng Hoàng. Trong khi tụi bạn tán dóc đủ thứ chuyện trời ơi đất hỡi thì Hùng bụi ghé vô tai Hoàng, khoe: - Tao sắp được kết nạp Ðội rồi mày. Hoàng trố mắt nhìn bạn. Nó reo lên: - Thiệt hả mày? - Thiệt! Không tin mày hỏi Long quắn với Thuận ròm coi! Tụi nó cũng sắp vô Ðội một lượt với tao. - Chi đội trong lớp mày hả? - Ừ, chỉ riêng Long quắn thuộc chi đội khác. Tại nó học khác lớp tao mà! Hùng bụi chợt nhớ ra một điều, nó khoe: - Chi đội lớp Long quắn do anh Long phụ trách đó mày. Hoàng không hiểu: - Anh Long nào? Hùng bụi huých vai bạn: - Thì anh Long chớ anh Long nào nữa! Anh bữa trước dẫn mình vô đá bóng trong sân vận động của phường đó. - À! Hết sẩy hén! Hoàng gật gù. Té ra anh Long phụ trách thiếu nhi ở phường. Hùng bụi ngoắc Long quắn và Thuận ròm lại. Bốn đứa ngồi chụm đầu trò chuyện. - Còn Minh Mông Cổ sao không vô Ðội? - Hoàng tò mò hỏi. Thuận ròm cười hích hích: - Nó già rồi ai mà cho vô Ðội. Hình như nó sắp mười sáu tuổi thì phải. Hoàng cũng cười: - Còn Tâm sún? Nó đâu có nhiều tuổi? - Tâm sún hả? - Hùng bụi tặc lưỡi - Tao cũng không rõ nữa, tại nó học lớp ba với Minh Mông Cổ chớ đâu có học chung lớp tao hay lớp Long quắn đâu.Thuận ròm nhún vai: - Tao nghe Minh Mông Cổ nói là nó không chịu đi sinh hoạt Ðội. Tối nào có giờ học hát hay sinh hoạt gì gì đó do chị phụ trách hướng dẫn là nó chuồn mất tiêu. Long quắn giải thích thêm: - Mấy lần tao hỏi nó thì nó nói là nó phải ở nhà giúp má nó nấu khoai để sáng sớm bày hàng. Nó kêu nó chỉ đi học mấy buổi dạy văn hóa thôi, còn nó không khoái đi sinh hoạt, nó ghét học hát chung với tụi con gái. Câu chuyện đang sôi nổi thì bị giọng cười hô hố của thằng Sĩ cắt ngang. - Ha ha! - Sĩ nãy giờ nghe lỏm cuộc trò chuyện của mấy đứa này, bây giờ liền ngoác miệng ra cười - Tụi Hùng bụi, Long quắn sắp trở thành “cá ba đuôi” rồi tụi mày ơi! Ít bữa tao mua “cá thia lia” về bỏ trong lọ thủy tinh đá chơi! Ha ha! Long quắn trừng mắt: - Ðừng có bép xép cái miệng, mày! Chuyện mình không lo, cứ đi lo chuyện thiên hạ. Sĩ nhe răng, chọc: - Tao có sắp mọc đuôi như tụi mày đâu mà lo! Hùng bụi “hừ” một tiếng, bực bội: - Mày thì suốt ngày chạy rong ngoài đường, biết cái khỉ mốc gì mà nói! - Mày cũng chạy rong như tao chớ có khá gì hơn đâu mà bày đặt lên mặt. Hùng bụi khịt mũi: - Nhưng mà buổi tối tao đi học. - Thì kệ mày! - Sĩ so vai - Mày muốn học thì mày học, còn tao không muốn học thì tao đi chơi, ai cấm! - Thì đâu có ai cấm mày. Nhưng mày không được nói đụng đến tụi tao. Sơn cao đột ngột lên tiếng bênh vực thằng Sĩ: - Nó thấy đứa nào đeo khăn quàng đỏ thì nó kêu là “cá ba đuôi” chớ nó đụng tới mày hồi nào. Hoàng nãy giờ cố dằn nhưng không dằn được, nó đứng bật dậy: - Nhưng nó không được nói vậy! Sĩ nhếch mép: - Miệng tao, tao nói! “Cá ba đuôi”! Hoàng mặt mày đỏ gay, lao tới: - Mày nói tiếng nữa coi! - Ðồ “cá ba đuôi”! Nhưng Hoàng chưa kịp làm gì thì Hùng bụi đã kéo tay nó lại, nói lớn: - Mày để tao! Không khí căng thẳng tột độ. Cuộc ấu đã sắp sửa xảy ra và thằng Sĩ có nguy cơ trở thành nạn nhân của những lời khiêu khích vừa rồi. Nhưng thiệt may cho nó vì ngay lúc đó, tụi thằng Tân kêu giật giọng: - Lẹ lên chớ tụi mày. Gần hết giờ tập rồi. Các chú nhóc đội “Sư tử” sực nhớ ra mình tới đây để đá bóng chớ không phải để đánh lộn. Những con gà đang hăng tiết lập tức xếp cựa lại và tiến ra sân, đứng vô những vị trí đã được sắp xếp từ trước. Thủ môn Hoàng lầm lũi đi về phía khung thành. Khung thành quá rộng so với vóc dáng thủ môn. Sân bóng cũng quá rộng so với những cầu thủ trên sân. Các chú nhóc chạy nhảy trên mặt sân giống như những chiếc thuyền con bơi trên đại dương. Nhưng hai đội vẫn nhứt quyết rải người ra đá trên toàn sân y như người lớn, vừa chạy vừa thở hồng hộc. Chúng cho rằng thi đấu trên sân rộng cũng là một cách tập thể lực thuận lợi. Một công đôi ba chuyện mà! Dù sao thì ngày tranh giải cũng sắp tới rồi. Các cầu thủ đội “Sư tử” trong nháy mắt đã quên đi những mối bất hòa nội bộ. Khi trái bóng lăn đi, những tính khí khác nhau kia đã thống nhất lại thành một khối, với cùng một quyết tâm và mục đích giống nhau là giành chiến thắng cho đội mình. Hoàng nhô lên hụp xuống trong khung gỗ theo dõi những đường bóng tấn công của đối phương. Hai bàn tay nhỏ bé của nó như hóa thành bốn, thành tám, thành mười sáu chia nhau bịt kín khung thành. Nó đón bên này, đỡ bên kia, hăm hở cản phá hoặc tóm gọn mọi cú kết thúc của các cầu thủ đội “Mũi tên vàng”, đội mà mới ngày nào đây nó còn là một thành viên nòng cốt. Nhưng giờ đây, khi đã đứng giữa hai cột gôn để đóng vai trò tấm lá chắn cuối cùng của một đội bóng, nó quên hết mọi điều. Nó chỉ nhớ một điều duy nhất là phải hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, không được để lọt bất cứ một trái bóng nào vô cái ô hình chữ nhựt đằng sau lưng mình. Nhưng đây chỉ là một trận tập dượt. Ít bữa nữa, nó sẽ phải gặp lại đối thủ nặng tình nghĩa này trong những trận đấu chính thức, căng thẳng hơn, quyết liệt hơn, những trận đấu giành quyền vào sâu trong giải.