[13a] Kỷ nhà Lê ĐẠI HÀNH HOÀNG ĐẾ Họ Lê, tên huý là Hoàn, người Ái Châu283, làm quan nhà Đinh đến chức Thập đạo tướng quân; quân Tống xâm lược đem quân ra chống cự, rồi thay nhà Đinh làm vua; ở ngôi 24 năm, thọ 65 tuổi [941 - 1006], băng ở điện Trường Xuân. Vua trừ nội gian mà lấy được nước, đuổi giặc ngoài để yên dân, trong nước thanh bình, Bắc Nam vô sự. Tiếc rằng không sớm chọn con nối, khiến cho con cái tranh nhau bên trong, dẫn đến mất ngôi; về đạo vợ chồng có nhiều điều đáng thẹn. Trước kia cha vua là Mịch, mẹ là Đặng thị, khi mới có thai chiêm bao thấy trong bụng nở hoa sen, chỉ chốc lát đã kết hạt, bèn lấy chia cho mọi người, còn mình thì không ăn, tỉnh dậy không hiểu nguyên do thế nào. Đến khi năm Thiên Phúc thứ 6 thời Tấn [941] là năm Tân Sửu, mùa thu, tháng bảy, ngày 15, sinh ra vua. Đặng thị thấy tướng mạo khác thường, bảo với mọi người rằng: "Thằng bé này lớn lên, ta sợ không kịp hưởng lộc của nó". Được vài năm thì mẹ chết, sau đó cha [13b] cũng qua đời, trơ trọi một thân, muôn vàn cô đơn đói rét. Trong thôn có viên quan sát họ Lê trông thấy lấy làm lạ, nói: " Tư cách đứa trẻ này, người thường không sánh được". Lại thấy là cùng họ nên nhận làm con nuôi, sớm chiều chăm sóc dạy dỗ, không khác gì con đẻ. Có đêm mùa đông trời rét, vua úp cối mà ngũ. Đêm ấy ánh sáng đẹp đầy nhà, viên quan sát lén đến xem, thì thấy con rồng vàng che ấp bên trên, vì thế lại càng thêm quý trọng. Lớn lên theo giúp Nam Việt Vương Liễn, [tỏ ra] phóng khoáng, có chí lớn. Tiên Hoàng khen là người trí dũng, chắc thế nào cũng làm được việc, bèn giao cho cai quản 1 nghìn quân sĩ, thăng dần đến chức Thập đạo tướng quân điện tiền đô chỉ huy sứ. Đến đây thay họ Đinh làm vua, đóng đô ở Hoa Lư. [14a] Tân Tỵ, Thiên Phúc ] năm thứ 2 [981], (Tống Thái Bình Hưng Quốc năm thứ 6, xét các bản chép niên kỷ các triều đều ghi năm này là năm Thiên Phúc thứ 1, nay sửa lại ). Mùa xuân, tháng 2, Hầu Nhân Bảo, Tôn Hoàng Hưng đến Lạng Sơn, Trần Khâm Tộ đến Tây Kết, Lưu Trừng đến sông Bạch Đằng284. Vua tự làm tướng đi chặn giặc, sai quân sĩ đóng cọc ngăn sông Chi Lăng285. Vua sai quân sĩ trá hàng để dụ Nhân Bảo, đem chém. Bọn Khâm Tô. nghe tin quân thủy thua trận, dẫn quân về. Vua đem các tướng danh, quân của Khâm Tộ thua to, chết đến quá nửa, thây chết đầy đồng, bắt được tướng giặc là Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân đem về Hoa Lư. Từ đó trong nước rất yên. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Minh Càn Ứng Vận Thần Vũ Thăng Bình Chí nhân quảng Hiếu Hoàng Đế. Lê Văn Hưu nói: Lê Đại Hành giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc, tóm Quân Biện [14b], Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi định yên, công đánh dẹp chiến thắng dẫu là nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được. Có người hỏi: Đại Hành với Lý Thái Tổ ai hơn? Thưa rằng: Kể về mặt trừ dẹp gian trong, đánh tan giặc ngoài, làm mạnh nước Việt ta, ra oai với người tống thì Lý Thái Tổ không bằng Lê Đại Hành có công lao gian khổ hơn. Nhưng về mặt tỏ rõ ân uy, lòng người suy tôn, hưởng nước lâu dài, để phúc cho con cháu thì Lê Đại Hành không bằng Lý Thái Tổ lo tính lâu dài hơn. Thế thì Lý Thái Tổ hơn ư? Đáp: Hơn thì không biết, chỉ thấy đức của họ Lý dày hơn họ Lê, vì thế nên nói theo họ Lý. Sử Thần Ngô Sĩ Liên nói: Tam cương là đạo thường của muôn đời, không thể một ngày [15a] rối loạn. Khi Đại Hành giữ chức nhiếp chính, Vệ Vương tuy còn nhỏ nhưng vẫn là vua, thế mà Đại Hành tự xưng là Phó Vương, rắp tâm làm điều bất lợi. Đạo làm tôi không được rắp tâm, rắp tâm thì ắt phải giết. Đó là phép của sách Xuân Thu, người người điều được nêu lên mà thi hành. Nguyễn Bặc, Đinh Điền sao có thể nhẫn tâm điềm nhiên mà nhìn? Rồi lui về dấy quân hỏi tội, mưu giữ xã tắc, thế là bầy tôi trung nghĩa đấy. Việc không xong mà chết, thế là bề tôi tử tiết đấy. Lời bàn của Văn Hưu lái đánh đồng với hàng loạn tặc, khiến cho đạo nhân luân không được sáng tỏ với đời sau, gây mầm mống tiếm đoạt, để cho những kẻ có quyền lực tranh nhau bắt chước, quét sạch cương thường, vì thế không thể không biện bác. Giang Nam chuyển vận sứ của nhà Tống là Hứa Trọng Tuyên đem việc Nhân Bảo thua chết tâu lên. Vua Tống xuống chiếu rút quân về, sai sứ quở trách bọn Lưu Trừng, Giả Thực, Vương Soạn. Trùng ốm chết, Soạn bị giết ở [15b] Ung Châu, Tôn Hoàng Hưng cũng bị giết bêu ở chợ. Nhâm Ngọ, Thiên Phúc năm thứ 3 [982], (Tống Thái Bình Hưng Quốc năm thứ 7). Lập Hoàng thái hậu nhà Đinh là Dương thị làm Đại Thắng Minh Hoàng Hậu. Hậu là vợ của Tiên Hoàng, mẹ đẻ cuả Vệ Vương Toàn. Khi vua lấy được nước, đem vào cung, đến đây lập làm Hoàng hậu, cùng với Phụng Càn Chí Lý Hoàng Hậu, Thuận Thánh Minh Đạo Hoàng Hậu, Trịnh Quấc Hoàng Hậu, Phạm Hoàng Hậu là 5 hoàng hậu ( về sau, tục dân lập đền thờ, tô tượng hai vua Tiên Hoàng và Đại Hành và tượng Dương hậu cùng ngồi, hồi quốc sơ [đầu thời Lê] vẫn còn như thế. Sau An Phủ Sứ Lê Thúc Hiển mới bỏ). Sử Thần Ngô Sĩ Liên nói: Đạo vợ chồng là đầu của nhân luân, dây mối của vương hóa. Hạ kinh của Kinh Dịch nêu quẻ Hàm và quẻ Hằng lên đầu, là để tỏ cái ý lấy đàn bà tất phải chính đáng. Đại Hành thông dâm với vợ vua, đến chổ nghiễm nhiên lập làm hoàng hậu, mất cả lòng biết hổ thẹn. Đem cái thói ấy truyền cho đời sau, [16a] con mình bắt chước mà dâm dật đến nỗi mất nước, há chẳng phải là mở đàu mối họa đó sau? Vua thân đi đánh Chiêm Thành, thắng được. Trước đó vua sai Từ Mục, Ngô Tử Canh sang sứ Chiêm Thành, bị người Chiêm bắt giữ. Vua giận, sai đóng chiến thuyền sửa binh khí, tự làm tướng đi đánh, chém bê Mi Thuế286 tại trận. Chiêm Thành thua to. Bắt sống được quân sĩ của chúng nhiều vô kể, cùng là kỹ nữ trong cung trăm người và một nhà sư người Thiên Trúc, lấy các đồ quý đem về, thu được vàng bạc của báu kể hàng vạn, san phẳng thành trì, phá hủy tông miếu, vừa một năm thì trở về kinh sư. Năm ấy đói to. Quý Mùi, Thiên Phúc năm thứ 4 [983], (Tống Thái Bình Hưng Quốc năm thứ 8). Mùa xuân, sai sứ sang thông hiếu với nhà Tống. Trước kia vua đi đánh Chiêm Thành, Quảng Giáp Lưu Kế Tông trốn ở lại nước ấy. Đến đây, vua sai người con nuôi (không rõ tên) [16b] đi bắt được Kế Tông, đem chém. Kênh mới trên đường biển làm xong (chưa rõ ở chổ nào). Khi vua đi đánh Chiêm Thành, qua núi Đồng Cổ287 đến sông Bà Hòa288, đường núi hiểm trở khó đi, người ngựa mỏi mệt, đường biển thì sóng to khó đi lại, bèn sai người đào kênh. Đến đây đào xong, thuyền bè đi lại đều được thuận tiện. Giáp Thân, Thiên Phúc năm thứ 5 [984], (Tống Ưng Hy năm thứ 1). Muà xuân, tháng 2, đúc tiền Thiên Phúc. Làm nhiều cung điện nhà cửa: dựng điện Bách Bảo Thiên Tuế ở núi Đại Vân289, cột dát vàng bạc, làm nơi coi chầu; phía đông là điện Phong Lưu, phía tây là điện Tử Hoa, bên tả là điện Bồng Lai, bên hữu là điện Cực Lạc. Tiếp đó là lầu Đại Vân, dựng tiếp điện Trường Xuân làm nơi vua nghỉ. Bên cạnh điện Trường Xuân lại dựng điện Long Bộc, mái lợp ngói bạc. [17a] Ất Dậu, /Thiên Phúc/ năm thứ 6 [985], (Tống Ung Hy năm thứ 2). Mùa thu, tháng 7 ngày rằm là ngày sinh của vua, sai người làm thuyền ở giữa sông, lấy tre làm núi giả đặt trên thuyền, gọi là Nam Sơn, rồi bày lễ vui đua thuyền, về sau thành thường lệ. Nhà Tống sai sứ sang thăm. Vua sai sứ sang nhà Tống xin giữ chức Tiết Trấn290. Bính Tuất, /Thiên Phúc/ năm thứ 7 [986], (Tống Ung Hy năm thứ 3). Mùa thu, tháng 8, điểm dân để lấy lính. Mùa đông, tháng 10, nhà Tống sai Tả bổ khuyết Lý Nhược Chuyết, Quốc Tử Giám bác sĩ Lý Giác mang chế sách sang phong cho vua làm An Nam đô hộ Tĩnh Hải quân Tiết độ sử kinh triệu quận hầu (Lời chế nói: Đấng vương giả cả dựng ngôi cao, vỗ yên chư hầu. Dựng phủ đệ tại kinh sư, cho lễ hội đồng được long trọng; chia đất phong ở các nơi, để quyền tiết chế được nêu cao. Huống nay từ cõi đất diều rơi291 đến dâng đồ cống lông chim trả. Lúc đang đổi tướng, lợi dịp phong hầu, lòng cũng không quên thỉnh mệnh, bèn ban ân điển thưởng công. Nay quyền tri tam ty lưu hậu là Lê mỗ, tư cách gồm nghĩa dũng, bẩm tính vốn trung thuần, [17b] được lòng người trong nước, kính giữ tiết phiên thần. Vừa rồi Đinh Toàn đương tuổi trẻ thơ, không biết yên vỗ. Người là tâm phúc chỗ thân, giữ quyền coi quân lữ, hiệu lệnh ban phát, uy ái đều gồm. Họ Đinh bỏ quyền ba đời tiết sứ, chiều theo ý muốn mọi người. Người xa tỏ lòng thành, xin ban tiết việt. [Phải như] Sĩ Nhiếp cứng mạnh, sáng suốt, đổi tục Việt đều hay, Úy Đà cung kính, thuận tòng, vâng chiếu Hán chẳng trái. Nên xứng chức đứng đầu cõi xa, cùng dự hàng chư hầu tôn quý. Vỗ yên Man di bộ lạc, tuyên dương đức tốt vương triều). Vua nhận chế rất kính, lễ thết đãi rất hậu, hàng ngày đem những thứ quý lạ bày chật cả sân, để tỏ sự giàu có. Đem bọn Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân trả cho về. Lại Bảo Nhược Chuyết và Giác rằng: "Nước tôi bé nhỏ, sông núi xa xôi, nghìn dặm cách trời, ở lánh góc đất, sứ thần đi lại, lặn lội núi sông, há chẳng khó nhọc lắm ư?". Giác đáp: "Bản triều cõi bờ muôn dặm, các quận có đến bốn trăm, đất có chỗ bằng phẳng, cũng có chỗ hiểm trở, một phương này lấy gì làm xa". Lấy Từ Mục làm Tổng quản trị quân dân sự, ban cho tước hầu, Phạm Cư Lạng làm Thái uý. Sai Ngô Quốc [18a] Ân sang đáp lễ nhà Tống và nói về việc người Chiêm Thành là Bồ La Át đem hơn trăm người họ xin nội phụ Đinh Hợi, /Thiên Phúc/ năm thứ 8 [987], Tống Ung Hy năm thứ 4). Múa xuân, vua lần đầu cày ruộng tịch điền ở núi Đọi292 được một hũ nhỏ vàng. Lại cày ở núi Bàn Hải, được một hũ nhỏ bạc, nhân đó đặt tên là ruộng Kim Ngân. Nhà Tống lại sai Lý Giác sang. Khi Giác đến chùa Sách Giang293, vua sai pháp sư tên là Thuận294 giả làm người coi sông295 ra đón. Giác rất thích nói chuyện văn thơ. Lúc ấy nhân có hai con ngỗng lội trên mặt nước, Giác vui ngâm rằng: Nga nga lưỡng nga nga, Ngưỡng diện hướng thiên nha. (Ngỗng ngỗng hai con ngỗng, Ngữa mặt nhìn chân trời). Pháp sư đương cầm chèo296, theo vần làm nối đưa cho Giác xem: Bạch mao phô lục thủy, Hồng trạo bãi thanh ba. (Nước lục phô lông trắng, Chèo hồng sóng xanh bơi). Giác càng lấy làm lạ, khi về đến sứ quán, làm thơ gửi tặng: Hạnh ngộ minh thì tán thịnh du,Nhất thân nhị độ sứ [18b] Giao Châu. Đông Đô lưỡng biệt tâm vưu luyến, Nam Việt thiên trùng vọng vị hưu. Mã đạp yên vân xuyên lãng thạch, Xa từ thanh chướng phiếm trường lưu. Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu. Khê đàm ba tĩnh kiến thiềm thu. (May gặp thời bình được giúp mưu, Một mình hai lược sứ Giao Châu. Đông Đô mấy độ còn lưu luyến, Nam Việt nghìn trùng vẫn ước cầu. Ngựa vượt khói mây xuyên đá chởm, Xe qua rừng biếc vượt dòng sâu. Ngoài trời lại có trời soi nữa. Sóng lặng khe đầm bóng nguyệt thâu)292Thuận đem thơ này dâng lên. Vua cho gọi sư Ngô Khuông Việt298 đến xem. Khuông Việt nói: "Thơ này tôn bệ hạ không khác gì vua Tống". Vua khen ý thơ, tặng cho rất hậu299. Khi Giác từ biệt ra về, vua sai Khuông Việt làm bài hát300 để tiễn, lời rằng: Tường quang phong hảo cẩm phàm trương, Dao vọng thần tiên phục đế hương. Vạn trùng sơn thủy thiệp thương lang, Cửu thiên quy lộ trường. Tình thảm thiết, Đối ly trường, Phan luyến sử tinh lang. Nguyện tương thâm ý vị biên cương, Phân minh tấu ngã hoàng301. (Nắng tươi gió thuận cánh buồm giương, Thần tiên lại đế hương. Vượt sóng xanh muôn dặm trùng dương, Về trời xa đường trường. Tình thắm thiết, Chén lên đường, Vin xe sứ vấn vương. Xin đem thâm ý vì Nam cương, Tâu vua tôi tỏ tường)302Giác lạy ra về. Năm ấy được mùa to. Mậu Tý /Thên Phúc / năm thứ 9/ 988/, ( Tống Đoan củng năm thứ 1 b). Vua nước Chiêm Thành là Băng Vương La Duệ ở Phật thành303 tự đặt hiệu [ 19a] là Câu Thi Lị Ha Thân Bài Ma La304. Thái sư Hồng Hiến chết. Hiến là người Bắc [tức Trung Quốc], thông hiểu kinh sử, thường theo các cuộc chinh phạt làm quân sư, cùng là khuyên vua lên ngôi, mưu bàn việc nước, có công lớn, vua tin dùng như tâm phúc, đến đây chết. Năm ấy, vua Tống đổi niên hiệu, sai Hộ bộ viên ngoại lang là Ngụy Tường và Trực Sử Quán là Lý Độ mang chế sách sang gia phong vua làm Kiểm hiệu thái úy. Ký Sửu, / Hưng Thống / năm thứ 1/ 989/, (Tống Đoan Củng năm thứ 2 ). Mùa xuân, tháng giêng, đổi niên hiệu đại xá. Phong thái tử Thau làm Kình Thiên Đại Vương, hoàng tử thứ hai là Ngân Tích305 làm Đông Thành Vương, hoàng tử thứ ba là Việt làm Nam Phong Vương. Dương Tiến Lộc lấy hai châu Hoan, Ái306 làm phản. Vua thân đi đánh, Tiến Lộc bị giết. Bấy giờ vua sai viên Quảng giáp là Tiến Lộc đi thu thuế hai châu Hoan và Ái, Tiến Lộc đem người hai châu ấy xin theo về với Chiêm Thành. Chiêm Thành không nhận. Vua nghe tin, đem các quân [19b] đến đánh Châu Hoan, Châu Ái, đuổi bắt được Tiến Lộc và giết người hai châu ấy không biết bao nhiêu mà kể. Canh Dần, /Hưng Thống/ năm thứ 2 [990] (Tống Thuần Hoá năm thứ 1). Nhà Tống sai Tả chính ngôn là Tống Cảo, Hữu chính ngôn là Vương Thế Tắc mang chế sách sang phong thêm cho vua hai chữ là "Đặc tiến". Vua sai Nha nội chỉ huy sứ là Đinh Thừa, Chính đem 9 chiếc thuyền dẫn 300 người đến quân Thái Bình307 đón, theo cửa biển mà vào, nửa tháng đến sông Bạch Đằng, theo nước triều mà đi. Mùa thu, tháng 9, đến trạm Nại Chinh ở Trường Châu. Vua ra ngoài giao308 để đón, bày thủy quân và chiến cụ để khoe. Vua cầm cương ngựa cùng đi với sứ thần. Đến cửa Minh Đức, vua bưng chế thư để lên trên điện, không lạy, nói dối là năm vừa rồi đi đánh giặc Man, bị ngã ngựa đau chân. Cảo và Tắc tin là thực. Sau đó bày yến tiệc thết đãi. Vua bảo Cảo rằng: "Sau này có quốc thư thì cho giao nhận ở đầu địa giới, khỏi phiền sứ thần đến tận đây nữa". Cảo về tâu, [20a] vua Tống bằng lòng. Tân Mão, /Hưng Thống/ năm thứ 3 /991/, (Tốn Thuần Hóa năm thứ 2). Mùa xuân, tháng 2, sai Đào Cần sang nhà Tống thăm đáp lễ. Phong hoàng tử thứ tư là Đinh làm Ngự Man Vương, đóng ở Phong Châu, hoàng tử thứ sáu là Cân làm Ngự Bắc Vương, đóng ở trại Phù Lan309. Nhâm Thìn, /Hưng Thống/ năm thứ 4 /992/, (Tống Thuần Hóa năm thứ 3). Mùa xuân, tháng giêng, vua ngự điện Càn Nguyên xem đèn. Phong hoàng tử thứ năm là Đĩnh làm Khai Minh Vương, đóng ở Đằng Châu310. Trần tiên sinh ở núi Tuyên Hoa đến cửa khuyết. (Xét nước ta không có núi Tuyên Hoa, có lẽ là việc nhà Tống triệu Chủng Phóng ở núi Chung Nam, hoặc có triệu cả Trần Đoàn ở Hoa Sơn mà sử chép lầm là việc nước ta? Nếu không phải thế, thì sao tiếng tăm của Trần tiên sinh không truyền lại đời sau? Dười chữ "tuyên" ngờ có sót chữ "triệu"311. Vân Đài quán ở Hoa Sơn là nơi ở của Trần Đoàn). Mùa hạ, tháng 6, cho người Chiêm Thành nhận lĩnh hơn 360 người ở thành cũ châu Điạ Lý312 đem về châu Ô Lý (Điạ Lý [20b] nay là Tân Bình313, Ô Lý nay là Thuận Hóa)314. Muà thu, tháng 8, sai Phụ quốc Ngô Tử An đem 3 vạn người đi mở đường bộ từ cửa biển Nam Giới đến Châu Điạ Lý. Quý Tỵ, /Hưng Thống/ năm thứ 5 /995/ (Tống Thuần Hoá năm thứ 4). Muá xuân, tháng 2, ngày Kỷ Mùi, mồng 1, nhật thực. Phong hoàng tử thứ bảy là Tung làm Định Phiên Vương, đóng ở thành Tư Doanh, Ngũ Huyện Giang315 ; hoàng tử thứ tám là Tương làm Phó Vương, đóng ở Đỗ Động Giang, hoàng tử thứ chín là Kính làm Trung Quốc Vương, đóng ở Càn Đà huyện Mạt Liên316. Nhà Tống sai Vương Thế Tắc và Lý Cư Giản đem sách thư sang phong cho vua làm Giao Chỉ Quận Vương. Giáp Ngọ, /Ứng Thiên/ năm thứ 1 /994/, (Tống Thuần Hoá năm thứ 5). Mùa xuân, tháng giêng, đổi niên hiệu. Phong hoàng tử thứ mười là Mang làm Nam Quốc Vương, đóng ở châu Vũ Lung317. Sai nha hiệu là Phí Sùng Đức sang nhà Tống [21a] sang thăm đáp lễ. Cháu vua nước Chiêm Thành là Chế Cai vào chầu. Trước đây, nước Chiêm Thành sai Chế Đông dâng sản vật địa phương, vua trách là trái lễ, không nhận. Vua nước đó sợ, mới sai Chế Cai vào chầu. Ất Mùi, /Ứng Thiên/ năm thứ 2 /995/, (Tống Chí Đạo năm thứ 1). Phong hoàng tử thứ mười một là Đề (tức Minh Đề) làm Hành Quân Vương, đóng ở Bắc Ngạn châu Cổ Lãm318 ; con nuôi làm Phù Đái Vương, đóng ở hương Phù Đái319. Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Vua một nước, thờ tông miếu, giữ xã tắc, chẳng may không có con nối thì chọn con của người tông thất nuôi làm con mình, để mong truyền mãi không cùng, thế thì cũng có, chứ chưa thấy vua nào có con nuôi. Vả lại, nhánh họ của vua đã đông người rồi, cái gọi là con nuôi, chẳng qua là muốn thỏa lòng dấu yêu riêng với người ấy mà thôi, sao không nghĩ như thế là gây mầm cướp ngôi hay sao? [21b] Sai Đỗ Hanh sang nhà Tống thăm đáp lễ. Bấy giờ nhà Tống ngại việc chinh chiến, vua cậy có núi biển hiểm trở, hơi buông thả cho dân biên giới lấn cướp vào cõi của nhà Tống. Mùa xuân năm ấy, Chuyển vận sứ Lộ Quảng Tây nước Tống là Trương Quan, Binh mã giám áp trấn Như Hồng thuộc Khâm Châu là Vệ Chiêu Mỹ đều tâu rằng chiến thuyền của Giao Chỉ hơn trăm chiếc, xâm phạm trấn Châu Hồng, cướp bóc cư dân và lương thực rồi đi. Mùa hạ năm ấy, châu Tô Mậu320 nước ta lại đem 5 nghìn hương bình xâm lược Ung Châu nước Tống, bị Đô tuần kiểm Dương Văn Kiệt đánh phải trở về. Vua Tống muốn vỗ yên, không muốn dụng binh, bỏ không hỏi đến. [Trương] Quan lại nói dối là vua bị họ Đinh đánh đuổi, đem dư chúng ra ở miền hải đảo, cướp bóc để tự cấp, nay đã chết; bọn Quan dân biểu mừng. Vua Tống sai Thái thường thừa Trần Sĩ Long làm Thái phỏng sứ để dò xem hư thực, biết là vua không có chuyện gì. [22a] Bính Thân, /Ứng Thiên/ năm thứ 3 [996], (Tống Chí Đạo năm thứ 2). Mùa xuân, tháng 2, vua thân đi đánh lấy được bốn động Đại, Phát, Đan, Ba ở Ma Hoàng. Nhà Tống xử tội bọn Trương Quan, Quan đã ốm chết, chém Vệ Chiêu Mỹ ở trấn Như Hồng, lấy Trần Nghiêu Tẩu làm Quảng Tây chuyển vận sứ, rồi sai Khải Khang úy là Lý Kiến Trung mang chiếu sách sang ban. Trước đây, bọn Văn Dũng là dân ở trấn Triều Dương321 nước ta làm loạn, giết người rồi trốn sang trấn Như Tích thuộc Khâm Châu của Tống (trấn Như Tích liền với trấn Như Hồng), được trấn tướng là Trần Lệnh Đức chứa chấp. Vua sai trấn tướng Triều Dương và Hoàng Thành Nhã đuổi bắt. Lệnh Đức không chịu trả về. Nghiêu Tẩu đến Như Tích, tra ra được nguyên do việc chứa chấp ấy, đem hết trai gái, già trẻ đã chứa dấu tất cả 113 người gọi Thành Nhã sang giao cho nhận về. Vua cảm ơn nhà Tống, sai sứ sang tạ ơn, lại nói về việc đã bắt được giặc biển 27 người, giao trả cho chuyển vận sứ, và đã răn cấm các khe động không được quấy rối nữa. Vua Tống [22b] lại sai Lý Nhược Chuyết mang chiếu thư và đai ngọc sang ban cho vua. Khi Nhược Chuyết đến, vua ra đón ngoài giao, có ý ngạo mạn không làm lễ để tỏ ra cao quý khác thường, bảo Nhược Chuyết rằng: "Việc cướp trấn Như Hồng là do bọn giặc biển ở ngoài, Hoàng đế có biết đó không phải là quân của Giao Châu không? Nếu Giao Châu có làm phản thì đầu tiên dánh vào Phiên Ngung, thứ đến đánh Mân Việt322, há chỉ dừng ở trấn Như Hồng mà thôi?". Nói xong mới cuối đầu tạ lỗi. Đinh Dậu, /Ứng Thiên/ năm thứ 4 [997], (Tống Chí Đạo năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 3, vua Tống băng. Mùa hạ, tháng 4, nhà Tống phong vua làm Nam Bình Vương. Vua sai sứ sang nước Tống đáp lễ. Vua Tống ban chiếu thư khen ngợi. Trước kia sứ Tống sang thường mượn cớ đòi cống nước mắm, nhân thể bắt đóng góp. Đến đây Tống Chân Tông lên ngôi, nghe biết chuyện ấy, chỉ sai quan giữ biên giới đến nhận mệnh, không sai người sang sứ nữa. Mùa thu, tháng 7, vua thân đi đánh giặc ở Đỗ Động Giang, bắt được đồ đảng đem về kinh sư. Chiêm [23a] Thành đem quân dòm ngó nước ta. Mậu Tuất, /Ứng Thiên/ năm thứ 5 [998], (Tống Chân Tông Hằng, Hàm Bình năm thứ 1). Mùa xuân, tháng 3, động đất 3 ngày. Mùa hạ, tháng 5, ngày Mậu Ngọ mồng 1, nhật thực. Tháng ấy không mưa. Tháng 6, cũng không mưa. Dân bị bệnh ho, trâu, ngựa chết nhiều. Mùa đông, tháng 10, ngày bính tuất, mồng 1, nhật thực. Kỷ Hợi, /Ứng Thiên/ năm thứ 6 /999/, (Tống Hàm Bình năm thứ 2). Vua thân đi đánh Hà Động323 v. v..., tất cả 49 động và phá được /động/ Nhật Tắc, châu Định Biên324. Từ đó các châu động điều quy phục. Canh Tý, /Ứng Thiên/ năm thứ 7 /1000/, (Tống Hàm Bình năm thứ 3). Xuống chiếu đi đánh giặc ở châu Phong là bọn Trịnh Hàng, Trường Lệ, Đan Trường Ôn, bọn Hàng chạy vào vùng núi Tản Viên. Đại Thắng Minh hoàng hậu mất. Kình Thiên Vương (Thau) mất. Sai Thống tướng Từ Mục đi tuần ở miền Hải Tây, Ngô Tử An đi tuần cõi Bắc để dò xét tình hình biên giới. [23b] Tân Sửu, /Ứng Thiên/ năm thứ 8 /1001/, (Tống Hàm Bình năm thứ 4). Vua thân đi đánh giặc Cử Long325. Quân giặc thấy vua, giương cung nhắm bắn thì tên rơi, lại giương cung thì dây đứt, tự lấy làm sợ mà rút lui. Vua bèn đi thuyền vào Cùng Giang326 để đuổi. Giặc bày trận hai bên bờ chống lại, quan quân bị hãm ở [giữa] sông, vua cũ [nhà Đinh] là Vệ Vương Toàn trúng tên chết tại trận. Vua kêu trời ba tiếng rồi thúc quân đánh, giặc tan vỡ. Nhâm Dần, /Ứng Thiên/ năm thứ 9 /1002/, (Tống Hàm Bình năm thứ 5). Mùa xuân, tháng 3, định luật lệnh, chọn quân lính, chia tướng hiệu làm hai ban: đổi mười đạo làm lộ, phủ, châu. Xuống chiếu làm mấy nghìn mũ đâu mâu, ban cho sáu quân. Quý Mão, /Ứng Thiên/ năm thứ 10 /1003/, (Tống Hàm Bình năm thứ 6). Vua đi Hoan Châu, vét kinh Đa Cái (nay là Hoa Cái)327 (cho Thông) thẳng đến [24a] Tư Củng trường ở ám Châu328. Người Đa Cái làm phản, chém đầu để rao. Dân ở thành Nhật Hiệu329 và đầu mục là bọn Hoàng Khánh Tập đem gia thuộc hơn 450 người trốn sang Khâm Châu nước Tống. Tống sai sứ đến dỗ bảo phải về. Bọn Khánh Tập sợ tội không về, bèn ra ở bờ biển. Mùa thu, tháng 8, vua ốm, tháng 9 thì khỏi. Giáp Thìn, /Ứng Thiên/ năm thứ 11 /1004/, (Tống Cảnh Đức năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, lập Nam Phong Vương Long Việt làm hoàng thái tử, gia phong Long Đĩnh làm Khai Minh Đại Vương, Long Tích làm Đông Thành Đại Vương. Trước đó Long Đĩnh xin làm thái tử, vua có ý muốn cho. Đình thần nghị bàn cho rằng không lập con trưởng mà lập con thứ là không phải lễ. Vua bèn thôi. Đến đây lập Long Việt làm hoàng thái tử mà gia phong Long Đĩnh và Long Tích làm Đại Vương. Sai Hành Quân Vương Minh Đề330, xưng là nhiếp Hoan Châu thứ sử, [24b] sang thăm nước Tống. Minh Đề đến Biện Kinh331 khẩn cầu ân mệnh cho tuyên phủ đất xa. Vua Tống bằng lòng cho; gọi vào điện riêng thăm hỏi và ban thưởng rất hậu, cho Minh Đề chức Kim tử vinh lộc đại phu kiểm hiệu thái úy Hoan Châu thứ sử. Vua xem kéo lưới ở sông Đại Hoàng332, có con rắn to nằm cuộn giữa lưới, người đánh cá tâu lên. Vua dừng thuyền ở giữa sông muốn xem. Con rắn vụt chốc lội ngược dòng mà đi. Sai người bơi thuyền nhỏ cản đuổi, rắn không trở lại, sau lại về chỗ cũ. Ất Tỵ, /Ứng Thiên/ năm thứ 12 [1005], (Tống Cảnh Đức năm thứ 2). Mùa xuân, tháng 3, vua băng ở điện Trường Xuân, gọi là Đại Hành Hoàng Đế, sau nhân đó dùng làm miếu hiệu mà không đổi, chôn ở sơn lăng châu Trường Yên (sách Điạ Chí bản cũ chép vua băng vào năm Bính Ngọ [1006], đó là lấy khi Lê Ngọa Triều xin mệnh (nhà Tống) mà mói, không phải là thực. Nay theo Lê Văn Hưu là đúng). Lê Văn Hưu nói: Thiên tử và hoàng hậu khi mới băng, chưa chôn vào sơn lăng, thì gọi là [25a] Đại Hành Hoàng Đế333. Đại Hành Hoàng Hậu. Đến khi lăng tẩm đã yên thì hợp bầy tôi bàn xem đức hạnh hay hay dỡ để đặt thụy là mỗ hoàng đế, mỗ hoàng hậu, không gọi là Đại Hành nữa. Lê Đại Hành thì lấy Đại Hành làm thụy hiệu mà truyền đến ngày nay là làm sao? Vì Ngọa Triều là con bất tiếu334, lại không có bề tôi Nho học để giúp đỡ bàn về phép đặt thụy cho nên thế. Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Vua đánh đâu được đấy, chém vua Chiêm Thành để rửa cái nhục phiên di bắt giữ sứ thần, đánh lui quân Triệu Tống để bẻ cái mưu tất thắng của vua tôi bọn họ, có thể gọi là bật anh hùng nhất đời vậy. Song trong khi làm nhiếp chính mà tự xưng là Phó Vương, dẫn đến việc bọn Điền, Bặc phải khởi binh, lên ngôi vua thì phải nhờ bọn Cự Lạng đem binh đến uy hiếp, [25b] làm cung điện thì lấy vàng, bạc mà trang sức. Phàm những việc như thế thì không bằng Lý [Thái] Tổ biết nghĩ xa hơn. Văn Hưu nói lấy đức của nhà Lý mà soi đức của nhà Lê thì [đức của Lý] dày hơn, há chẳng đúng sao! TRUNG TÔNG HOÀNG ĐẾ Tên húy là Long Việt, con thứ ba của Lê Đại Hành, mẹ là Chi hậu Diệu Nữ335. Lên ngôi được 3 ngày thì bị em cùng mẹ là Long Đĩnh giết, thọ 23 tuổi (983-1005). Vua không biết phòng giữ từ khi mới chớm, đến nỗi bị họa nạn, tính nhân hậu nhưng không biết làm vua, tiếc thay! Sau khi Đại Hành Hoàng Đế băng, vua cùng hai vương Đông Thành, Trung Quốc và em cùng mẹ là Khai Minh Vương tranh nhau lên ngôi, giằng co 8 tháng, trong nước không có chủ. Mùa đông, tháng 10, Đông Thành Vương thua chạy vào đất Cử Long. Vua đuổi bắt, lại chạy sang Chiêm Thành, chưa đến nơi thì bị người châu Thạch Hà336 giết ở cửa biển Cơ La (nay là Kỳ La)337. Khi ấy, người nước cũng quy phụ Ngự Bắc Vương ở trại Phù [26a] Lan. Vua lên ngôi được 3 ngày thì bị Long Đĩnh giết. Bầy tôi điều chạy trốn, duy có Điện tiền quân là Lý Công Uẩn ôm xác mà khóc. Long Đĩnh lên ngôi, truy đặt thụy cho vua là Trung Tông Hoàng Đế, cho Công Uẩn làm Tứ sương quân phó chỉ huy sứ. Lê Văn Hưu nói: Ngọa Triều giết anh, tự lập làm vua; bạo ngược với dân chúng để thỏa lòng hung ác, đến nỗi mất nước mất ngôi, không phải là sự bất hạnh của nhà Lê, lỗi ở Đại Hành không sớm đặt Thái tử và do Trung Tông không biết phòng giữ từ khi mời chớm nên đến nỗi thế. Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Sách Dã sử chép rằng: Đại Hành băng, Trung Tông vâng di chiếu nối ngôi. Long Đĩnh làm loạn, Trung tông vì anh em cùng mẹ không nỡ giết, tha cho. Sau Long Đĩnh sai bọn trộm cướp đêm trèo tường vào cung giết Trung Tông. Thế thì Trung Tông về tình anh em [26b] tuy là hậu, nhưng việc đứng chủ cúng tế, nối dõi tổ tiên thì xã tắc là trọng, anh em là khinh, huốngchi là em bất dễ! Lúc ấy Trung Tông phải nêu việc Quản Thúc, Thúc Nha338 mà trị tội thì mới phải, nếu không làm thế thì đem giam cầm ở một nơi riêng cho đến khi chết cũng được. Nhưng Trung Tông lại thả lỏng thì sao cho khỏi bị phản, rốt cuộc tan họ, diệt dòng là tự Trung Tông làm ra cả. Ngọa Triều thì có bõ trách làm chi? Cho nên người làm vua tất phải cư xử cho thật đúng đắn và phải xét hết lẽ vậy. NGỌA TRIỀU HOÀNG ĐẾ Tên húy là Long Đĩnh, lại có tên là Chí Trung, con thứ năm của Đại Hành ở ngôi 4 năm, thọ 24 tuổi (986-1009) băng ở tẩm điện. Vua làm việc càn dỡ giết vua cướp ngôi, thích dâm đãng tàn bạo, muốn không mất nước sao được? Mùa đông, vua cướp ngôi, tôn hiệu là Khai Thiên Ứng Vận Thánh Vân Thấn Vũ Tắc Thiên Sùng Đạo [27a] Đại Thắng Minh Quang Hiếu Hoàng Đế. Truy tôn mẹ là Hưng Quốc Quảng Thánh Hoàng Thái Hậu. Lập bốn hoàng hậu. Ngự Bắc Vương cùng với Trung Quốc Vương chiếm trại Phù Lan339 làm phản. Vua thân đi đánh. Đến Đằng Châu, Quản giáp là Đỗ Thị đem việc người anh em họ ngoại là Lê Hấp Ni làm phản tâu lên. Vua sai bắt tra hỏi, Hấp Ni và những kẻ dự mưu 12 người điều bị giết. Đến trại Phù Lan, người trại đóng cửa trại cố thủ. Đánh không hạ được, bèn vây chặt vài tháng, người trong trại hết lương ăn. Ngự Bắc Vương tự biết kế cùng thế khuất, bèn bắt Trung Bắc Vương đem nộp. Chém Trung Quốc Vương, tha tội cho Ngự Bắc Vương, rồi đem quân đánh Ngự Man Vương ở Phong Châu. Ngự Man Vương phải chịu hàng. Quân về đến Đằng Châu, đổi tên châu ấy làm phủ Thái Bình. Từ đấy về sau các vương và giặc cướp đều hàng phục cả. Chuyến đi này khi quan quân đánh nhau với người trại Phù Lan, chợt thấy trạm báo tin là giặc Cử Long vào cướp đã đến cửa biển Thần [27b] Đầu (nay là cửa biển Thần Phù)340. Vua về đến sông Tham đi sang Ái Châu để đánh giặc Cử Long. Bính Ngọ, /Ứng Thiên/ năm thứ 13 [1006], (Vua vẫn theo niên hiệu Ứng Thiên; Tống Cảnh Đức năm thứ 3). Mùa xuân, tháng hai, phong con trưởng là Sạ làm Khai Phong Vương, con nuôi là Thiệu Lý làm Sở Vương, cho ở bên tả; Thiệu Huân làm Hán Vương, cho ở bên hữu. Sửa đổi quan chế và triều phục của các quan văn võ và tăng đạo, theo đúng như nhà Tống. Hành Quân Vương Minh Đề thấy trong nước loạn không thể về được, trú lại ở Quảng Châu, Tri Châu là Cao Nhật thôi không cấp giấy quán khoán341 cho nữa. Vua Tống phải xuống chiếu cho riêng 50 vạn (quan) tiền, 150 hộc gạo và tiếp tục cấp quán khoán. Mùa hạ, tháng 6, trí Quảng Châu là Lãng Sách dâng thư nói: "Này nhân Giao Chỉ có loạn, xin cho thần và Duyên biên an phủ sứ Thiệu Việp cùng nhau bàn tính công việc tâu lên. Bọn thần dựa theo lời của bọn Hoàng Khánh Tập hơn nghìn người ở Giao Chỉ, do Liêm Châu342 đưa đến, nói [28a] rằng các con của Nam Bình Vương đều đặt trại sách phân tán các nơi, quan thuộc lìa tan343, nhân dân lo sợ, xin đem quân sang đánh dẹp, bọn Khánh Tập nguyện làm tiên phong, có thể hẹn ngày lấy được. Nếu triều đình chuẩn lời thỉnh cầu, thì xin lấy binh đóng đồn ở các châu tuộc Quảng Nam344 và cho thêm 5 nghìn quân mạnh ở Kinh Hồ, thủy bộ cùng tiến, có thể bình định được ngay". Vua Tống nói: "Họ Lê thường sai con vào chầu, góc biển yên tĩnh, không mất trung thuận, nay nghe tin mới chết, chưa có lễ tham viếng, đã vội đánh kẻ có tang, há phải là việc làm của bậc vương giả?". Xuống chiếu cho bọn Sách vỗ yên như trước, cốt được êm lặng. Lại sai Việp đưa thư sang bày tỏ uy đức của triều đình, bảo không nên giết hại lẫn nhau, nếu anh em để lâu không định ngôi thứ khi đó quân thiên triều sang hỏi tội, thì họ Lê không một móng nào sống sót. Vua sợ, xin sai em sang cống. Vua Tống xuống chiếu cho Việp đem việc nước bảo cho Minh Đề biết, cho tự chọn ở lại hay về nước. Nếu muốn về thì cấp người, thuyền [28b] cùng quán khoán và cho tiền để tự lo liệu. Minh Đề về, Việp muốn nhân đó lấy nước Việt ta, mới dâng bản đồ đường thủy, đường bộ từ Ung Châu đến Giao Châu. Vua Tống đem cho Cận thần xem và nói rằng: "Giao Châu nhiều lam chướng dịch lệ, nếu đem quân sang đánh thì chết tất nhiều, nên cẩn thận giữ gìn cõi đất của tổ tông mà thôi". Việp bèn thôi. Mùa đông, tháng 10, ngày Bính Ngọ là sinh nhật của vua, lấy tre làm một ngọn núi nhỏ, ban yến cho các quan. Châu Vi Long (nay châu Đại Man)345 dâng ngựa trắng bốn chân có cựa. Đinh Mùi, /Ứng Thiên/ năm thứ 14 [1007], (Vua vẫn dùng niên hiệu Ứng Thiên; Tống Cảnh Đức năm thứ 4). Mùa xuân, sai em là Minh Xưởng và Chưởng thư ký là Hoàn Thành Nhã dâng tê ngưu trắng cho nhà Tống, xin kinh Đại Tạng. Mùa thu, tháng 8, nhà Tống phong vua làm Giao Chỉ Quận Vương, lĩnh Tĩnh Hải quân tiết độ sứ và cho tên là Chí Trung, ban tước cho Minh Xưởng và Thành Nhã. Tháng 9, [nhà Tống] đúc ấn "Giao Chỉ Quận Vương", sai Quảng Nam chuyển vận sứ [29a] đem sang ban. Mậu Thân, niên hiệu Cảnh Thụy năm thứ 1 /1008/, (Tống Đại Trung Tường Phù năm thứ 1). Phong con nuôi của Cảm Thánh Hoàng Hậu là Lê Ốc Thuyên làm Tam Nguyên Vương). Vua thân đi đánh hai châu Đô Lương346, Vị Long, bắt được người Man và vài trăm con người,sai lấy gậy đánh, người Man đau qúa kêu gào, nhiều lần phạm tên húy của Đại Hành, vua thích lắm. Lại tự làm tướng đi đánh Hoan Châu và châu Thiên Liễu, bắt được người thì làm chuồng nhốt vào rồi đốt. Kỷ Dậu, /Cảnh Thụy/ năm thứ 2 /1009/, (Tống Đại Trung Tường Phù năm thứ 2). Mùa xuân, Minh Xưởng ở Tống về, xin đưởc kinh Đại Tạng và dụ được người con gái nước Tống là Tiêu thị đem dâng. Vua thu nạp làm cung nhân. Sai sứ đem biếu nhà Tống con tê ngưu thuần. Vua Tống cho rằng tê ngưu từ xa đến, không hợp thủy thổ muốn trả lại, nhưng sợ trái ý vua, sai đợi cho sứ nước ta [29b] về rồi thả ra biển. Vua lại xin áo giáo mũ trụ giát vàng, vua Tống bằng lòng cho. Vua lại xin được đặt người coi việc tại chợ trao đổi hàng hóa347 ở Ung Châu, nhưng vua Tống chỉ cho mua bán ở chợ trao đổi hàng hóa tại Liêm Châu và trấn Như Hồng thôi. Bọn Ngô đô đốc, Kiểu hành hiến348 dâng biểu xin đào kênh, đắp đường và dựng cột bia349 ở Ái Châu. Vua xuống chiếu cho lấy quân và dân ở châu ấy đào đắp từ cửa quan Chi Long345 qua Đỉnh Sơn đến sông Vũ Lung. Vua đi Ái Châu, đến sông Vũ Lung. Tục truyền người lội qua sông này phần nhiều bị hại, nhân thế vua sai người bơi lội qua lại đến ba lần, không hề gì. Xuống chiếu đóng thuyền để ở các bến sông Vũ Lung, Bạt Cừ, Động Lung bốn chỗ để chở người qua lại. Mùa thu, tháng 7, vua thân đi đánh các châu Hoan Đường351, Thạch Hà. Đến Hoàn Giang352, sai Phòng át sứ là Hồ Thủ Ích đem hơn 5 nghìn quân của châu Hoan Đường353, sửa chữa đường từ sông Châu Giáp354 đến cửa biển Nam Giới để quân đi cho tiện [30a]. Thuyền rồng rời cửa Hoàn355 ra ngoài biển, chợt gió to sóng lớn, mây mưa tối sầm, bèn sai quay thuyền trở lại. Sau đó sợ đường biển khó khăn nguy hiểm đi đường bộ về kinh sư. Vua tính hiếu sát, phàm người bị hành hình, hoặc sai lấy cỏ gianh quấn vào người mà đốt, để cho lửa cháy gần chết, hoặc sai kép hát người Tống là Liêu Thủ Tâm lấy dao ngắn dao cùn xẻo từng mảnh, để cho không được chết chóng. Người ấy đau đớn kêu gào thì Thủ Tâm nói đùa rằng: "Nó không quen chịu chết". Vua cả cười. Đi đánh dẹp bắt được tù thì giải đến bờ sông, khi nước triều rút, sai người làm lao dưới nước, dồn cả vào trong ấy, đến khi nước triều lên, ngập nước mà chết; hoặc bắt trèo lên ngọn cây cao rồi chặt gốc cho cây đổ, người rơi xuống chết. Vua thân đến xem lấy làm vui. Có lần vua đi đến sông Ninh356, sông ấy nhiều rắn, vua sai trói người vào mạn thuyền357, đi lại giữa dòng muốn cho rắn cắn chết. Phàm bò lợn [30b] muốn làm thịt thì tự tay vua cầm dao chọc tiết trước, rồi mới đưa vào nhà bếp sau. Có lần vua róc mía trên đầu sư Quách Ngang, giả vờ lỡ tay làm đầu sư bị thương chảy máu rồi cả cười. Hoặc nhân yến tiệc, giết mèo cho các vương ăn, ăn xong lấy đầu mèo giơ lên cho xem, các vương đều sợ, vua lấy làm thích. Mỗi khi ra chầu, tất sai bọn khôi hài hầu hai bên; vua có nói câu gì thì bọn ấy nhao nhao pha trò cười để cho loạn lời tâu việc của quan chấp chính. Lại lấy thạch sùng làm gỏi, bắt bọn khôi hài tranh nhau ăn. Mùa Đông, tháng 10, ngày Tân Hợi, vua băng ở tẩm điện358 gọi là Ngọa Triều, vì vua mắc bệnh trĩ phải nằm mà coi chầu (Dã sử chép: vua say đắm tửu sắc phát ra bệnh trĩ). Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Vua Kiệt nhà Hạ thích giết người, đến nỗi có hình phạt leo cột đồng nung nóng359, vua Trụ nhà Thương thích giết người đến nỗi có việc chặt đùi người lội nước buổi sáng360, tuy có Long Bàng361, Tỷ Can362 là người hiền hết lòng trung [31a]có sức can ngăn mà đều bị giết, vì thế mất nước một cách đột nhiên. Đời sau những vua thích giết người như Tôn Hạo363 nước Ngô cũng nhiều, cuối cùng đều diệt vong cả. Ngọa Triều không những chỉ thích giết người, lại còn oán vua cha không lập mình làm thái tử, đánh đau người Man, cho họ kêu gào, nhiều lần phạm húy cha mà lấy làm thích, thật quá tệ. Mất nước mau chóng, há phải không do đâu mà ra? Lại xét Trung Tông và Ngọa Triều, đều không chép việc tang lễ, đó là do sử cũ bị thiếu, há dám coi vua như là Di Địch mà không chép việc tang đâu. Tháng ấy, ngày Qúy Sửu, Lý Công Uẩn tự lập làm vua. Trước đây ở hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp364 có cây gạo bị sét đánh, người hương ấy xem kỹ dấu sét đánh thấy có chữ: "Thụ căn điểu điểu, mộc biểu thanh thanh, hòa đao mộc lạc, thập bát tử thành, đông a nhập địa, mộc dị tái sinh, chấn cung kiến nhật, đoài cung ẩn tinh, lục thất niên gian, thiên hạ thái bình" (Gốc cây thăm thẳm, ngọn cây xanh xanh, cây hòa đao rụng, mười tám hạt thành, cành đông xuống đất, cây khác lại sinh, đông mặt trời mọc, tây sao náu hình, khoảng sáu bảy năm, thiên hạ thái bình). Sư Vạn Hạnh tự đoán riêng rằng: "Thụ căn điểu điểu", chữ căn nghĩa là gốc, gốc tức là vua, chữ điểu đồng âm với yểu, nên hiểu là yếu. "Mộc biểu thanh thanh", chữ biểu nghĩa là ngọn, ngọn tức là bề tôi, chữ thanh âm gần giống với chữ thanh nghĩa là thịnh; Hòa, đao, mộc [ghép lại] là chữ Lê; Thập, bát, tử là chữ Lý; Đông A là chữ Trần; nhập địa là phương Bắc vào cướp: "Mộc dị tái sinh" là họ Lê khác lại sinh ra. "Chấn cung kiến nhật", chấn là phương Đông, kiến là mọc ra; nhật là thiên tử. "Đoài cung ẩn tinh", "đoài" là phương tây, "ẩn" cũng như lặn, "tinh" là thứ nhân. Mấy câu này ý nói là vua thì non yểu, bề tôi thì cường thịnh, họ Lê mất, họ Lý nổi lên, thiên tửở phương đông mọc ra thì thứ nhân ở phương tây lặn mất, trải qua 6, 7 năm thì thiên hạ thái bình365. Vạn Hạnh mới bảo Lý Công [32a] Uẩn rằng: "Mới rồi tôi thấy chữ bùa sấm kỳ lạ, biết họ Lý cường thịnh, tất dấy lên cơ nghiệp. Nay xem trong thiên hạ người họ Lý rất nhiều, nhưng không ai bằng Thân vệ là người khoan thứ nhân từ được lòng dân, lại đang nắm binh giữ quyền trong tay, đứng đầu muôn dân chẳng phải Thân vệ thì còn ai đương nỗi nữa. Tôi đã hơn 70 tuổi rồi, mong được thư thả hãy chết, để xem đức hóa của ông như thế nào, thực là cái may nghìn năm có một". Công Uẩn sợ câu nói ấy tiết lộ, bảo người anh đem Vạn Hạnh giấu ở Tiêu Sơn366. Song từ ấy cũng lấy thế tự phụ mới nảy ra lòng nhòm ngó ngôi vua, mà người ta cũng quy phụ. Có lần Ngọa Triều ăn qủa khế lại thấy hột mận367, mới tin lời sấm ngữ, ngầm tìm người họ Lý giết đi, thế mà Công Uẩn ở ngay bên cạnh, rốt cuộc vẫn không biết. Đến khi Ngỏa Triều băng, vua nối còn bé, Công Uẩn cùng với Hữu điện tiền chỉ huy sứ là Nguyễn Đê mỗi người được đem [32b] 500 quân tùy long368 vào làm túc vệ. Khi ấy Chi hậu là Đào Cam Mộc dò biết Công Uẩn có muốn nhận việc truyền ngôi, mới nhân lúc vắng nói khích rằng: "Gần đây chúa thượng ngu tối bạo ngược, làm nhiều việc bất nghĩa, trời chán ghét nên không cho hết thọ, con nối thơ ấu, không kham nỗi nhiều khó khăn. Mọi việc phiền nhiễu thần linh không ưa, dân chúng nhao nhác, mong tìn chân chúa. Sao Thân vệ không nhân lúc này nghĩ ra mưu cao, quyết đoán sáng suốt, xa xem dấu cũ của Thang Vũ, gần xem việc làm của Đinh, Lê, trên thuận lòng trời, dưới theo ý dân, mà cứ muốn khư khư giữ tiểu tiết làm gì!". Công Uẩn trong lòng thích lời nói đó nhưng còn ngờ Cam Mộc có mưu khác, mới giả cách mắng rằng: "Sao ông lại nói như thế, tôi phải bắt ông nộp quan!". Cam Mộc thong thả bảo Công Uẩn rằng: "Tôi thấy thiên thời nhân sự như thế, cho nên mới dám phát ngôn. Nay ông lại muốn cáo giác tôi thì tôi không phải là người sợ chết". [33a] Công Uẩn nói: "Tôi đâu nở cáo giác ông, chỉ sợ lời nói tiết lộ thì chết ráo, nên răng ông đó thôi". Hôm sau Cam Mộc lại bảo Công Uẩn: "Người trong nước ai cũng nói họ Lý khởi nghiệp lớn, lời sấm đã hiện ra rồi, đó là cái họa không thể che dấu được nữa. Chuyển họa làm phúc, chỉ trong sớm chiều. Đây là lúc trời trao người theo, Thân vệ còn nghi ngại gì nữa?". Công Uẩn nói:" Tôi đã hiểu rỏ ý ông, không khác gì ý của Vạn Hạnh, nếu thực như lời ấy thì nên tính kế thế nào?". Cam Mộc nói:" Thần Vệ là người khoan thứ, nhân từ, lòng người chịu theo. Hiện nay trăm họ mỏi mệt kiệt quệ, dân không chịu nổi, Thân vệ nên nhân đó lấy ân đức mà vỗ về, thì người ta tất xô nhau kéo về như nước chảy chỗ thấp, có ai ngăn được!". Cam Mộc biết việc cần kíp, sợ sinh biến, mới nói chuyện với khanh sĩ và các quan, ai cũng vui theo. Ngay ngày hôm ấy, điều họp cả ở trong triều, bàn rằng:" Hiện nay, dân chúng ức triệu khác lòng, trên dưới lìa [33b] bỏ, mọi người chán ghét tiên đế hà khắc bạo ngược, không muốn theo về vua nối mà đều có lòng suy tôn quan Thân vệ, bọn ta không nhân lúc này cùng nhau sách lập Thân vệ làm thiên tử, lỡ bối rối có xảy ra tai biến gì, liệu chúng ta có giữ được cái đầu hay không?". Thế rồi cùng nhau dìu Công Uẩn lên chính điện, lập làm thiên tử, lên ngôi Hoàng đế. Trăm quan đều lạy rạp dưới sân, trong ngoài đều hô "vạn tuế", vang dậy cả trong triều. Đại xá cho thiên hạ, lấy năm sau làm niên hiệu Thuận Thiên năm đầu. Đốt giềng lưới, bãi ngục tụng, xuống chiếu từ nay ai có việc tranh kiện cho đến triều tâu bày, vua thân xét quyết. Các quan dâng tôn hiệu là "Phụng Thiên Chí Lý ứng Vận Tự Tại Thánh Minh Long Hiện Duệ Văn Anh Vũ Sùng Nhân Quảng Hiếu Thiên Hạ Thái Bình Khâm Minh Quang Trạch Chương Minh Vạn Bang Hiển Ứng Phù Cảm Uy Chấn Phiên Man Duệ Mưu Thần Trợ Thánh Tri Tắc Thiên Đạo Chính Hoàng Đế. [34a] Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Kinh thư tôn xưng vua Nghêu là Phóng Huân, vua Thuấn là Trùng Hoa. Bề tôi đời sau lấy đức hạnh thực mà tôn xưng vua, đến hơn mười chữ đã là nhiều lắm rồi. Bấy giờ bầy tôi dâng tôn hiệu đến 50 chữ, thế là không biết kê cứu cổ học mà chỉ biết nịnh vua.[Lý] Thái Tổ nhận mà không từ, đó là muốn khoe khoang để cho đời sau không ai hơn được. Thế là sai. Sau, tôn Thái Tông cũng đến gần 50 chữ là vì bắt chước ở đây. Truy phong cha là Hiển Khánh Vương, mẹ là Minh Đức Thái Hậu. Lê Văn Hưu nói: Nhà Chu dấy nghiệp vương, truy phong là Thái Vương, Vương Quý, nhà Tống xưng đế truy phong là Hy Tổ, Dực Tổ, là theo nghĩa cha vì con mà được tôn quý. Lý Thái Tổ ta đã xưng đế mà truy phong cha là Hiển Khánh Vương, bấy giờ [34b] lễ quan không biết cải chính, thế là tự ti vậy. Lập sáu hoàng hậu, duy có đích phu nhân gọi là Lập Giáo Hoàng Hậu, quy chế xe kiệu và y phục khác hẳn với các cung khác. Sách lập con trưởng là Phật Mã làm Hoàng thái tử, các con khác đều phong tước hầu. Con gái 13 người đều phong công chúa. Gả con gái trưởng là công chúa An Quốc cho Đào Cam Mộc, phong Cam Mộc làm Nghĩa Tín Hầu, phong cho anh làm Vũ Uy Vương, chú làm Vũ Đạo Vương, con Vũ Uy Vương là Trưng Hiển làm Thái úy, con Dực Thánh Vương369 là phó làm Tổng quản, Trần Cảo làm Tướng công, Ngô Đinh làm Khu mật sứ, Đào Thạc Phụ làm Thái bảo, Đặng Văn Hiếu làm Thái phó, Phí Xa Lỗi370 làm Tả kim ngô, Vệ Trúc làm Hửu kim ngô, Đàm Thản làm Tả vũ vệ, Đỗ Giản làm Hửu vũ vệ, các người khác đều như cũ. Ban y phục cho các tăng đạo. [35a] Trở lên là triều Lê 3 vua, khởi từ năm Tân Tỵ mất năm Kỷ Dậu [981-1009], tất cả 29 năm. Chú thích:283 Ái Châu: tức Thanh Hóa ngày nay. Đại Việt sử lược (q.1,18b) chép Lê Hoàn người Trường Châu, nay thuộc tỉnh Hà Nam Ninh. Đại Việt sử ký tiền biên (q1) phần chính văn bản chép Lê Hoàn người Ái Châu, nhưng phần cước chú lại ghi Lê Hoàn người Bảo Thái, huyện Thanh Liêm nay thuộc tỉnh Nam Hà. 284 Sông Bạch Đằng: còn gọi là sông Rừng, chảy qua giữa hai huyện Yên Hưng tỉnh Quảng Ninh và Thủy Nguyên, Hải Phòng. 285 Sông Chi Lăng: Cương mục (CB1, 18) chú là con sông ở xã Chi Lăng, tức khúc sông Thương chảy qua Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. 286 Bê Mi Thuế: Đại Việt sử lược (q.1, 19b) nói là vua Chiêm, Cương mục (CB1, 19a) nói là tướng Chiêm. G.Maspéro khôi phục tên Phạn ngữ của người này là Parames'varavarman I (Le Royaume de Champa); nhưng vẫn coi là giả thuyết vì chưa có cứ liệu xác nhận. 287 Núi Đồng Cổ: ở xã Đan Nê, huyện Thuyệu Yên, tỉnh Thanh Hóa. 288 Sông Bà Hòa: sông chảy qua xã Bà Hòa, sau đổi là xã Đồng Hòa, nay thuộc huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. 289 Núi Đại Vân: ở thành Hoa Lư, tỉnh Hà Nam Ninh. 290 Tiết Trấn: tức Tiết độ sứ ở phiên trấn. 291 Chỗ này toàn thư chép là "Diên Chỉ chi ngung", bản dịch cũ dịch là "Diên Chỉ cõi xa" và chú thích Diên Chỉ là Chu Diên và Giao Chỉ (bản dịch cũ, tập 1, tr.332). Nhưng xem lại Tống sử (Giao Chỉ truyện) ta thấy đoạn văn này được chép là "Diên Diếp chi ngung". Diên Diếp hay Điếp Diên là từ lấy trong Hậu Hán thư, Mã Viện truyện. Theo Mã Viện truyện, khi Mã Viện vào Giao Chỉ, đến Tây Lý, đất nhiều khí độc bốc lên, "ngửng mặt nhìn thấy diều bay, lả tả rơi xuống trong nước" (ngưỡng thị phi diên điếp điếp đọa thủy trung). Như vậy, "diên điếp chi ngung" có thể dịch là "cõi đất diều rơi", chỉ miền đất Giao Chỉ mà người Trung Quốc coi là nhiều khí độc. Chữ Diên Điếp gần với chữ Diên Chỉ nên có sự lầm lẫn như trên. 292 Núi Đọi: tên chữ Hán là Đội Sơn hoặc Long Đội Sơn, ở xã Đại Sơn, huyện Duy Tiên, nay thuộc tỉnh Nam Hà. 293 Sách Giang tự: tên chùa, gọi theo tên sông. Sông Sách Giang, theo Phan Huy Chú, là con sông chảy qua Nam Sách. (Lịch triều hiến chương loại chí, bang Giao Chỉ). Có lẽ bây giờ, cũng như về thời Trần sau này, sông Sách là một đoạn sông Thương. 294 Pháp sư Thuận: tức thiền sư Pháp Thuận (1-990) họ Đỗ, trụ trì chùa Cổ Sơn, hương Thư ở ái Quận; thuộc thế hệ thứ 11 thiền phái Tì-ni-đa-lưu-chí (dòng thiền Nam Phương). 295 Nguyên văn là "giang lệnh". 296 Nguyên bản in là: "Bả điệu"; nhầm chữ trạo thành chữ điệu; dùng ở đây không có nghĩa; ba trạo có nghĩa là cái mái chèo. 297 Theo bản dịch cũ. 298 Ngô Khuông Việt (933-1011): tức Ngô Chân Lưu, người hương Cát Ly; huyện Trường Lạc; trụ trì chùa Phật Đà, thuộc thế hệ thứ tư dòng thiền Vô Ngôn Thông. 299 Nguyên bản in "hậu khiển chi", chữ khiển (sai khiến) do chữ di (tặng, biếu) khắc lầm. 300 Nguyên văn: chế khúc. Khúc là bài hát có lời, là bài từ đặt theo một ca điệu có sẳn. 301 Bài từ này có một truyền bản khác ở Thiền uyển tập anh, bản in năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715), di biệt một số chữ so với văn bản Toàn thư phiên âm trên đây. Trong bài Về bài từ ở thế kỷ X, Hoàng Văn Lâu đã khỏa dị nhận xét, hai bản để phục nguyên bài từ (xem: Một số vấn đề văn hóa học Hán Nôm, NXB Khoa Học Xã Hội, H. 1983, tr. 191-211). 302 Bản dịch của Hà Văn Tấn, Lịch sử Phật giáo Việt Nam NXB. Khoa Học Xã Hội, H. 1988, tr. 127. 303 Phật thành tức là thành Phật Thệ (Vijaya), Cũng gọi là thành Chà Bàn, kinh đô của Chiêm Thành; ở về phía Bắc thành phố Quy Nhơn, ngày nay khoảng 27 Km. 304 Tức vua Chiêm Sri Harivarman II (ở ngôi 988-999). 305 Ở đọan sau (BK1,24a) ghi hoàng tử này là Long Tích. 306 Các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa ngày nay. 307 Thái Bình quân: sau đổi là Liêm Châu tức tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, quân là đơn vị hành chính đầu thời Tống. 308 Giao: ngoại vi đô thành gọi là giao. 309 Phù Lan: Cương mục chú là tên trại, sau là xã Phù Vệ, huyện Đường Hào (CMCB1, 27a) nay thuộc tỉnh Hải Hưng. 310 Đằng Châu: tên xã thuộc huyện Kim Động, nay thuộc huện Kim Thi, tỉnh Hải Hưng; tên đất tương đương với Khoái Châu thời Lý, Khoái Lộ thời Trần, Khoái Châu thời Lê, gồm gần cả tỉnh Hưng Yên cũ. 311 Tuyên Triệu: cho gọi đến. 312 Điạ Lý: tên châu của Chiêm Thành, sau khi sáp nhập vào lãnh thổ nhà Lý đổi gọi là châu Lâm Bình (1075). Nay là phần đất huyện Lệ Ninh, tỉnh Quảng Bình. 313 Tân Bình: tên phủ thời Lê, nay gồm toàn bộ đất Quảng Bình cùng với đất huyện Bến Hải, tỉnh Quảng Trị. 314 Ô Lý: tên hai châu của nước Chiên Thành, thời Trần (năm 1306) đổi gọi châu Ô là Thuận Châu, Châu Lý gọi là Hoá Châu - nay là phần phía nam tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên. 315 Ngũ Huyện Giang: Cương mục (CMCB1, 27a) chú là con sông chảy qua 5 huyện Kim Anh, Đông Ngàn, vòng quanh đến huyện Yên Phong và Tiên Du, rồi đổ vào sông Nguyệt Đức (sông Cầu). 316 Mạt Liên: Cương mục chú là huyện Tiên Lữ (CMCB1, 27b). Nay thuộc đất huyện Phù Tiên, tỉnh Hải Hưng. 317 Vũ Lung: tên châu, thuộc tỉnh Thanh Hoá, chưa biết rõ vị trí (CMCB1, 27a). 318 Cổ Lãm: tức là châu Cổ Pháp thời Lý, nay là đất huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. 319 Phù Đái: Cương mục chú là xã Phù Đái, huyện Vĩnh Lại (CMCB1, 27a), nay thuộc đất huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. 320 Tô Mậu: là vùng Nà Dương, Đình Lập, An Châu, tỉnh Lạng Sơn. 321 Triều Dương: tên châu, nay thuộc phần đất các huyện Tiên Yên, Hải Ninh tỉnh Quảng Ninh. 322 Mân Việt: chỉ vùng tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. 323 Hà Động: tức động Hà Man, thuộc huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa (CMCB1, 34). 324 Châu Định Biên: Nguyễn Thiên Tùng chú thích Dư địa chí của Nguyễn Trãi, có ghi mỏ vàng ở Định Biên, tỉnh Cao Bằng, có lẻ châu Định Biên ở vùng này. Bản Dịch cũ cho là vùng thượng du Thanh Hóa. 325 Cử Long: tên đất thuộc vùng dân tộc Mường huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hoá. Cương mục ghi là tên dân tộc, thời Đinh, Lê gọi là Man Cử Long. Khoản năm Thuận Thiên (1428-1433), nhà Lê đặt là huyện Lạc Thủy, khỏang năm Quang Thuận (1460-1469) đổi là Cẩm Thủy (CMCB1, 35a). 326 Cùng Giang: con sông ở vùng Mường Cử Long huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Cương mục chép là "Duyên Giang", nghĩa là đi theo dọc sông (bản dịch cũ theo ý đó). Xét đoạn văn trên đây thì Cùng Giang phải là tên riêng, vì tiếp theo có nói rõ: "giặc bày trận hai bên bờ..., quan quân bị hãm ở giữa sông". 327 Đa Cái: tên xã, thuộc huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Kênh Đa Cái tức là khúc kênh nối kênh Sắt với sông Lam 328 Cương mục có chép việc Lê Đại Hành đi vào kênh Hoa Cái, nhưng bỏ qua không nói đến ám Châu và Tư Củng trường. Những tên đất này chưa khảo được. 329 Thành Nhật Hiệu: Cương mục dẫn tên ghi trong An Nam chí của Cao Hùng Trưng là Hiệu Thành trường, nay không khảo được (CMCB1, 36a). 330 Minh Đề: ở BK1, 21a viết (chữ Hán) ở đây viết (chữ Hán) cùng âm Đề. 331 Biện Kinh: kinh đô nhà Bắc Tống (960-1126), nay là Khai Phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. 332 Sông Đại Hoàng: theo Cương mục, là con sôngf chảy qua xã Đại Hữu, huyện Gia Viễn (CMCB1, 37a). Bản dịch cũ chú là khúc sông Hồng ở ngã ba Tuần Vương xã Đại Hoàng. 333 Đại Hành: khi vua mới mất chưa đặt thụy hiệu thì gọi là Đại Hành Hoàng Đế. Có sách giải thích "đại hành" là đi xa hẳn không trở lại. Có sách giải thích "đại hành" là đức hạnh lớn (hành và hạnh viết cùng một chữ, âm cổ đọc như nhau). 334 Bất tiếu: là không giống cha, tức là không phải là người hiền. 335 Mẹ của Lê Trung Tông Long Việt, Cương mục chú là: con gái quan chi hậu, tên là Diệu, không rõ họ gì (CMCB1, 39a). Đại Việt sử lược (q.1,21a) chép là mẹ của Long Việt là " hầu Di nữ " (con gái người hầu gái người Chiêm Thành?). 336 Thạch Hà: tên châu đời Tiền Lê, nay là vùng huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. 337 Cửa biển Kỳ La là cửa Nhượng Bạn ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. 338 Quản Thúc: em Chu Vũ Vương và Chu Công, gây loạn để cướp ngôi của cháu là Thành Vương, bị Chu Công bắt giết. Thúc Nha: em của Lổ Trang Công, khi Trang Công chết, Thúc Nha muốn làm lọan, bị quan nhiếp chính là Quý Hửu (cũng là em Trang Công) bắt uống thuốc độc chết. 339 Tại Pù Lan: xem chú thích (1) tr. 227. 340 Thần Đầu: tên cửa biển xưa (ngày nay đã bị lấp) ở xã Thần Đầu, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá; đầu đời Lê đổi gọi là Thần Phù, thời Nguyễn (1838) xã Thần Đầu nhập vào huyện Yên Mỗ, tỉnh Ninh Bình. 341 Quán khoán: tờ giấy cho phép sử dụng quán trọ. 342 Liêm Châu: tên châu thời Đường - Tống, nay là đất tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. 343 Các bản in Toàn Thư đều in là "Lí Chiết" (lìa gãy), nghĩa tạm hiểu được. Nhưng đúng ra ở đây chữ chiết là do chữ tích viết nhầm Lí tích nghĩa là chia lìa. 344 Quảng Nam: lộ Quảng Nam thời Tống tức là đạo Lĩnh Nam thời Đường, nay là đất các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Trung Quốc. 345 Vi Long: nay là huyện Chiêm Hóa, tỉnh Hà Tuyên. 346 Đô Lương, Thiên Liễu: tên châu, chưa rõ ở vùng nào. 347 Nguyên văn: cầu Thi Ung Châu Khưu thị, chữ khưu do chữ hỗ khắc lầm. Hỗ thị là chợ trao đổi hàng hóa (với người nước ngoài) không dùng tiền. 348 Nguyên văn: "Ngô đô đốc Kiểu hành hiến đẳng..." "Cương mục khi sử dụng sử liệu này, coi Kiểu Hành Hiến là tên riêng, do đó bỏ hai chữ Ngô và đẳng (coi như Toàn Thư in thừa chữ). Vì có chữ "đẳng" nên chúng tôi cho rằng ở đây Toàn Thư nói việc dâng biểu cho hai người: Ngô đô đốc và Kiểu hành hiến (đều không ghi tên). Như thế thì "hành hiến" phải lá một chừc quan. Xin ghi lại đây để chờ tra cứu. 349 Nguyên văn: "bi hậu", cột mốc chỉ dặm đường, mỗi dặm trồng một cột (như cột cây số ngày nay). 350 Chi Long: theo Cương mục, là tên cửa quan thuộc huyện Chi Nga, tức huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa (CMCB2, 1b). 351 Hoan Đường: Cương Mục ghi làtên châu đời tiền Lê (CMCB2, 2b). Nay thuộc đất các huyện Nam Đàn, Anh Sơn, Đô Lương, tỉnh Nghệ An. 352 Hoàn Giang: Cương Mục (CB1, 38) chú là "không khỏa được". Bản dịch cũ cho cửa Hòan là cửa Sót (Nam Giới) và do đó sông Hoàn là sông chảy ra cửa Sót. 353 Nguyên bản in là "Hoàn" Đường (với chữ "Hoàn" là ngọc hoàn), ngờ vẫn là châu Hoan Đường đã nói ở trên, mà do ảnh hưởng các chữ "Hoàn" trên và dưới nên đọc và khắc in nhầm. 354 Nguyên văn "Châu Giáp Giang", chưa rõ ở đâu. 355 Hoàn Hải Khẩu: hẳn là cửa sông Hoàn nói ở trên. 356 Sông Ninh: có lẽ là sông Ninh ở huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây. Đại Việt sử lược, q.1, 21b chép là sông Chỉ Ninh. 357 Nguyên bản: "Hệ nhân chu đáo", đúng chữ là: "hệ nhân chu trắc" (buộc người vào bên cạnh thuyền), chữ trắc khắc in nhầm thành đáo. 358 Tẩm điện: nhà ngũ của vua. 359 Nguyên văn: "Bào lạc chi hình" bôi mỡ lên cột đồng bắt tội nhân trèo lên, trơn rơi xuống đống than lửa, xuất sứ ở Sử ký của Tư Mã Thiên, nói tội ác của vua Trụ (q.1, ân bản kỷ). 360 Vua Trụ thấy người sáng sớm đi chân trần trên tuyết, khen giỏi, bắt chặt ống chân xem bên trong có gì. 361 Long Bàng: người hiền thời Hạ, bị Kiệt giết. 362 Tỷ Can: người hiền thời Ân, nhiều lần can ngăn Trụ, Trụ nói: "Ta nghe nói quả tim của thánh nhân có 7 lỗ", rồi mỗ bụng Tỷ Can moi tim để xem. 363 Tôn Hạo: tức Ngô Hậu chủ thời Tam Quốc. 364 Cổ Pháp: tên châu, thời Đinh gọi là Cổ Lãm, thời Tiền Lê đổi là Cổ Pháp, nay thuộc đất huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc. 365 Bài thơ này cũng được chép trong Đại Việt sử lược(q.1, 1a) của soạn giả thời Trần, nhưng không có hai câu "Đông A nhập địa, Mộc dị tái sinh". Điều đó một mặt chứng tỏ rằng bài sấm này được làm ra để tạo dư luận cho Lý Công Uẩn lên ngôi; một mặt cho thấy người đời sau (Trần, Lê) còn xen thêm vào hai câu đã dẫn. Còn câu "Lục thập niên..." thì Đại Việt sử lược chép là "Lục thập nhật...", hợp lý hơn. 366 Tiêu Sơn: nay thuộc xã Tương Giang, huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc. 367 Chữ Lý nghĩa là cây mận. 368 Tùy Long Binh: đội quân hầu của vua. 369 Soát lại việc Lý Công Uẩn phong tước ghi tại đây, ngờ toàn thư chép sót về người được phong là Dực Thánh Vương. Đại Việt sử lược (q.2, tờ 2b) ghi vua phong "cho anh làm Vũ Uy Vương, phong cho em làm Dực Thánh Vương". Cương mục (CB2, 8a) không thấy dẫn Đại Việt sử lược, nhưng dẫn Nam Thiên trung nghĩa lục (của Phạm Phi Kiến) nói Dực Thánh Vương là con thứ của Lý Thái Tổ. Phối hợp cả Toàn thư ghi tại đây là Đại Việt sử lược, ngờ Cương mục chú nhầm. 370 Phí Xa Lỗi: Đại Việt sử lược (q.2, 2b) chép là Bùi Xa Lỗi.