PHẦN HAI
Phần 2 - 9

Mọi tin tức về Châu tôi vẫn được biết, cũng như tôi biết về Luận với sự hồi sinh của anh ta chỗ chợ đời. Tôi có thể biết mọi thứ cần biết khi tôi lắng nghe. Từ trong rừng vắng, tiếng Châu réo gọi tổ tiên làm tôi đau buốt sống lưng và xót xa trong dạ. Tôi biết đấy là tiếng gọi của nguồn cội. Một thế giới khác người ta có thể cảm nhận mà không thể lý giải. Thế giới ấy vẫn luôn luôn hiện hữu cả trong hiện thể và trong vô thức. Tôi nghĩ rằng Châu đang sống so le giữa hai thế giới. Đấy là một bi kịch, nó không thể giải thoát vào thế giới bên kia, cũng như không thể hội nhập vào thế giới bên này. Tôi nói với Tâm:
- Con tìm cách đưa anh Châu vào Sài Gòn. Cần phải tách nó ra khỏi chỗ đó.
Tâm nói chuyện với Luận. Ngay ngày hôm sau, Luận đưa cho Tâm mấy cái giấy đi đường giả để khống. Một tháng sau, Châu và mẹ con Lan cùng có mặt ở Sài Gòn. Dẫu sao, tôi cũng coi đây như một sự đoàn tụ. Tôi gọi Lâm tới.
- Em con đã đến với chúng ta. Chúng ta có bổn phận phải lo cho nó, nhất là nó đang ở trong tình trạng sức khỏe như thế này. Má muốn con tìm chỗ chữa bệnh cho em rồi thu xếp tìm cho nó một chỗ làm thích hợp.
Lâm nói:
- Để con tính.
Nhưng Châu đã từ từ tỉnh ra mà không cần phải chữa chạy. Trong những ngày đầu về Sài Gòn, Luận ngày nào cũng tới chơi với Châu và dẫn Châu đi theo anh. Thế giới con người đông đúc đi lại và cọ xát đã nối lại một trí nhớ bị lãng quên. Một hệ thống ràng buộc mỗi ngày một thắt lại làm Châu tỉnh thức. Cuộc sống mở ra trước mắt anh đầy những vui buồn tục lụy và anh nghĩ mình chẳng thể nào từ chối.
Anh công an khu vực tới uống café thăm hỏi và hoàn toàn không đề cập đến việc Châu ở có khai tạm trú tạm vắng hay không. Châu chìm ngập trong vô số người đổ về thành phố tìm kiếm việc làm mỗi ngày một nhiều, không kể những người trở về từ các khu kinh tế mới. Họ sống không hộ khẩu và đôi khi không một tờ giấy lặn lưng. Họ sống bất chấp luật pháp. Bởi không có luật pháp nào ngăn cấm được những kẻ đi tìm sự sống. Tuy nhiên, Luận vẫn đến tìm anh công an khu vực và mời anh đi nhậu, gởi gấm gia đình Châu. Anh công an dắt theo mấy người bạn. Trong bàn nhậu, tất cả họ là môn đệ của Khổng Tử: Tứ hải giai huynh đệ.
Ít ra thì việc ấy cũng làm cho Châu yên tâm. Cả nhà gói ghém lại sống chung với nhau. Châu, Lan và hai đứa nhỏ được chia cho một cái giường. Buổi tối, tấm màn gió được kéo ra là giang sơn của họ. Ban ngày, Lan phụ Tâm bán café, đi chợ lo cơm nước. Châu được Lâm thu xếp cho một chân giữ xe trong khách sạn thuộc công ty của mình. Ngoài lương, mỗi ngày Châu gom được mấy chục điếu thuốc do khách cho mang về để Tâm bán lại. Đôi khi chợt nghĩ, Châu không ngờ miếng cơm manh áo lại làm cho mình trở nên tủn mủn đến thế.