Một người đàn bà mà tôi rất mến hôm qua xé chiếc áo dài nhung của mình. Một bi kịch não lòng diễn ra cả buổi tối. Trước hết bà ta không hiểu tại sao lại toạc ngang một đường dài như vậy. Ừ thì cho rằng chiếc váy chặt quá và khi bước đi... Nhưng dù sao thì số phận cũng chua xót quá! Đó là chiếc áo đẹp nhất của bà, chiếc áo cuối cùng mà bà dám nhờ một tiệm danh tiếng cắt cho. Tai nạn đó vô phương cứu vãn._ Thì tại sao bà không nhíp nó lại?_ Ôi, bọn đàn ông! Chẳng hiểu gì cả. Nhíp lại thì coi lồ lộ khác gì sống mũi ở giữa mặt không._ Thế thì bà mua một miếng nhung đen rồi thay cả cái vạt đi._ Ông quên rồi ư? Hai miếng nhung không khi nào cũng một màu, lóng lánh như nhau cả. Một thứ nhung đen đã cũ thì hơi ngã ra màu xanh. Và thì coi còn ra cái gì nữa. Các bà bạn tôi sẽ la lên._ Michel Ange, người ta đưa cho phiếu cẩm thạch nào để đục tượng thì lợi dụng những chỗ không đều của nó, thành thử đã có tật mà tượng lại hoá đẹp. Chỗ toạc đó sẽ gợi hứng cho bà. Bà tỏ ra có thiên tài đi nào. Thay vào đó một thứ hàng khác đi. Người ta sẽ cho rằng bà có dụng ý và sẽ thán phục bà._ Rõ ngây thơ! Con mắt chấp nhận được một sự bất chỉnh là khi nào có một trang sức cùng kiểu đó ở một chỗ khác, như ở "ve" áo đàn ông, ở cổ, ở dây lưng, như vậy có hô có ứng. Còn cái vạt lẻ lọi này, mà làm vậy thi vô lí! Tôi mà lại đi bận một chiếc áo vá à?Tôi đành phải thú nhận rằng tai hoạ vô phương cứu vãn. Tới đây, nhà luân lí thay người bạn an ủi. Tôi bảo:_ Vâng, quả là một bất hạnh. Nhưng bà cũng nhận rằng còn có những bất hạnh lớn hơn nhiều chứ. Chiếc áo của bà rách. Lòng tôi thực rầu rĩ, nhưng xin bà nghĩ rằng trong một tai nạn xe hơi, ruột bà có thể lủng một lỗ, mặt bà có thể rạch một đường ; xin bà nghĩ rằng bà có thể bị sưng phổi, bà có thể bị trúng độc, và cơ thể của bà quan hệ với bà hơn chiếc áo chứ ; xin bà nghĩ rằng đáng lẽ mất một chiếc áo thì bà có thể mất một số bạn thân: xin bà nghĩ rằng chúng ta sống ở một thời đại nguy hiểm, chiếc tranh có thể nổ và bà có thể bị bắt, bị giam, bị đày, bị giết, bị moi hết ruột, thiêu ra tro. Xin bà nhớ rằng năm 1940 bà không phải chỉ mất một chiếc áo mà mất tất cả gia sản và bà đã nhận tai vạ đó một cách can đảm tới nay tôi còn phục....Bà ta hỏi:_ Ông muốn kết luận ra sao đấy?_ Kết luận như vầy: thân phận con người điêu đứng, áo nhung thì rách mà người thì chết, buồn não lòng đấy, nhưng trong các tai vạ phải phân biệt cái lớn cái nhỏ. Montaigne bảo:"Tôi sẵn sàng lo công việc cho họ, nhưng tôi không muốn đau gan hoặc đau phổi ". Nghĩa là ông muốn nói:" Tôi, thị trưởng Bordeaux, tôi sẵn sàng vá lại những lỗ thâm thủng tài chánh cho các ông, nhưng tôi không muốn sinh bệnh mà sầu khổ". Câu đó áp dụng vào sự bất hạnh của bà được. Tôi có thể tặng bà một chiếc áo mới, nhưng tôi không chịu cho một chiếc áo cũ bị toạc ra là một tai nạn cho quốc gia hay thế giới.Cô bạn không quen biết của tôi, cô đừng đặt ngang hàng các nỗi rầu rĩ của cô, chẳng hạn đặt ngang hàng một chiếc bánh phồng lỡ để cho cháy, một chiếc vớ tuột mắt đan, với những kẻ vô tội bị hành hạ và một nền văn minh lâm nguy, mà phải xếp những cái đó cái trên cái dưới cho thành một kim tự tháp.Vạn an.