121. Thường sau khi gửi Tiểu Đức ở nhà trẻ, tôi đến phụ coi chừng quán với Phụng cho vui. Thật ra, nhiệm vụ của tôi là mang mặt mình ra cầu tài với khách. Thân hữu biết tôi mở quán cho vợ, họ đến ăn uống ủng hộ, cũng là chỗ tụ tập để anh em gặp nhau. Một sinh khí mới rạng rỡ toả ra từ khuôn mặt đến những cử chỉ duyên dáng của Phụng. Lũ bạn tôi bảo: “Mày có phước”. Tôi không nghĩ vậy, dù tôi vẫn coi Phụng là một ân sủng dành cho những ngày tháng cuối đời của mình. 122. Anh hài lòng với tên nhà hàng là Tiểu Quán do tôi đặt. Tôi muốn nó gắn bó với tôi như Tiểu Đức. Quán đông khách vì dì Ba nấu ăn rất ngon, vì sự có mặt của anh, một hoạ sĩ nổi tiếng, và cũng vì có tôi. Tôi biết có những người đến chỉ để muốn được nhìn ngắm tôi đi lại. Tôi nói với anh: “Đây là lúc anh cần phải hưởng thụ em”. Tôi mua rượu thuốc cho anh với tất cả những thứ đặc sản cường dương bổ thận. Và tự tay tôi rót cho anh uống mỗi bữa ăn. Tôi sợ có ngày tôi sa ngã. 123. Thật may, dì Ba đối với tôi cũng như Phụng đã trở lại bình thường, dù dì đã bỏ ông bố vợ tôi, ít ra như tôi thấy. Có thể dì đã tìm được niềm vui với mấy cô tiếp viên trẻ trong quán. Tôi hỏi Phụng: “Em với dì Ba không còn quan hệ”? Phụng bảo: “Anh cũng biết là hồi đó em chiều anh mà. Em đâu có yêu dì Ba, mặc dù đôi khi làm tình có dì Ba em cảm thấy đầy đủ hơn”. 124. Không kể những ông khách trẻ, một vài người trong số bạn anh cũng thích tôi ra mặt. Đôi khi họ đùa, bảo: “Em bỏ thuốc độc cho ông chồng già của em chết đi, sống với anh”. Tôi bảo: “Chồng già là một loài động vật quí hiếm cần bảo tồn”. Hấp dẫn với tôi là một cô gái lúc nào cũng đi một mình. Rất tự tin. Cô khá đẹp. Có lẽ lớn hơn tôi dăm bảy tuổi. Một hôm cô bắt chuyện với tôi: “Bồ hôm nay trông không được khoẻ”. Tôi bảo: “Đêm qua em bị mất ngủ”. Cô nói: “Mình thì thường xuyên không ngủ được”. Tôi hỏi: “Chị làm gì”? “À, làm lăng nhăng một số thứ. Có một thứ giống ông Hoàng”. “Chị biết anh ấy”? Cô cười: “Nổi tiếng như ông ấy thì phải biết chứ, nhưng mình đến đây không phải vì ông ấy”. Tôi tò mò: “Thế chị đến vì điều gì”? “Vì bồ”. Hơi giật mình, bỗng dưng tôi bẽn lẽn: “Vì em”? “Đúng vậy. Bồ rất hay”. Tôi bối rối: “Em có gì đâu”. “Bồ là mẫu phụ nữ mình vẫn đi tìm. Ông Hoàng yêu bồ là đúng, nhưng có lẽ ông cũng chưa phải là người biết hết về bồ”. Không thích nhận xét đó của cô, tôi nói: “Chị không biết gì về tụi em”. Cô nhìn vào mắt tôi: “Mình không nói sai đâu”. Cô cầm tay tôi, vuốt nhẹ: “Mình hy vọng sẽ làm được điều gì đấy cho bồ hiểu”. Tay cô mềm và ấm. Bất giác tôi cũng nắm tay cô. Im lặng. “Một ngày của mình bắt đầu từ 5 giờ chiều với một chai bia khi trời nóng và một ly Capuchino khi trời mát. Lúc trời nhá nhem là thời điểm mình thích nhất”, cô nói. Tôi bảo tôi không có ý niệm gì về thời gian và tôi thấy cô lạ. “Rất ít người biết chọn cho mình một cách sống riêng biệt, điều ấy thật ngu xuẩn”. Khi nghe cô nói thế, tôi tưởng cô sẽ phà một hơi khói, nhưng cô không hút thuốc. Tôi bảo có những người sống mà không kịp nghĩ bất cứ điều gì, như tôi. Có lẽ cô cũng nhận ra có một khoảng cách giữa cô và tôi, cô vội nói: “Mình nhìn thấy ở bồ giống như sự đơn giản, nhưng dường như lại có một ký ức mù mịt. Nó làm cho bồ quyến rũ từ bên trong. Mình không thể không muốn đâm đầu vào, mặc dù mình không biết bồ đã cất giấu những ký ức gì”. Tôi chưa từng gặp ai, ngoại trừ chồng tôi, thấu suốt tôi đến vậy. Tôi nói: “Chị giống anh ấy”. Tôi nói thêm: “Nhưng có lẽ chị không nên đến đây nữa”. Tôi nhìn thấy cô hụt hẫng. Cô hỏi: “Tại sao”? Tôi bảo: “Em không muốn có thêm oan nghiệt”. 125. Dì Ba chỉ cho tôi thấy cô gái vẫn ngồi một mình. Đến chào cô, tôi nói:”Cho phép tôi ngồi với cô một lát”. “Không có gì”, cô rất bình thản. “Rất vui vì có những khách hàng quen thuộc như cô, tôi mời cô uống thêm một cái gì nhé”? Cô nhỏ nhẹ: “Cám ơn. Cho tôi xin một cà phê đá”. Tôi nói: “Được nói chuyện với những người trẻ như cô thì tuổi già là một sai lầm”. Cô cười: “Sai lầm của ông giết người”. Tôi hỏi lại: “Cô nghĩ tôi đã giết người thật sao”? Cô nói: “Biết đâu tôi sẽ chẳng là nạn nhân của ông”. Tôi bảo: “Cô đánh giá tôi hơi cao. Tôi luôn luôn là kẻ bị giết”. Chờ cho cô thấm hết điều tôi muốn nói, tôi tiếp: “Nhan sắc phụ nữ là điều tối thượng, cô còn có sự thông minh của một nghệ sĩ. Đấy lại là một tối thượng khác. Cô có quan tâm đến những vấn đề nữ quyền không”? Cô hỏi lại: “Ông nghĩ tôi quan tâm đến những chuyện vớ vẩn ấy à”? Tôi cười: “Thời sự mà”. Cô hỏi tiếp: “Ông có biết một phụ nữ đáng kính là thế nào không”? Tôi thấy vui: “Vâng thưa cô, tôi biết, họ không đòi hỏi cái người ta vốn có”. “Ông rất đáng ngưỡng mộ”, cô khen. Tôi nói: “Tôi mong được xứng đáng như thế”. Chúng tôi cùng cười to. Tôi nghĩ thế là đủ. Tôi hỏi thân mật: “Em cũng vẽ”? “Dạ, chút chút”. Tôi nói khi nào tiện cho tôi xem. Cô bảo: “Chỉ có một ngày tiện duy nhất là khi nào em triển lãm”. Tôi thích sự kiêu hãnh của cô. 126. Cô mời tôi đến nhà xem tranh. Biết đây chỉ là cái cớ, nhưng tôi không thể nào từ chối. Con hẻm ngoằn ngoèo, cô sống giữa một xóm lao động nổi tiếng nhiều tệ nạn. Cô bảo: “Mình không cảm thấy sợ, mà ngược lại, nó cho mình sự hiểu biết và nhiều cảm xúc”. Cô không biết tôi cũng từng là một cô gái từ những xóm nghèo như thế. Tôi hỏi: “Nhà chị thuê”? “Ừ, vừa rẻ vừa vui”, cô cười nói. Căn phòng đủ cho một người ở, có một gác. Tôi không nhìn thấy bức tranh nào. Cô tóm tắt cho tôi biết cuộc sống của cô ở những góc độ khác nhau: “Ở đây có thể nghe thấy tất cả mọi thứ âm thanh và mùi vị. Vì mình thường ra khỏi nhà vào lúc chiều tối, nên nhiều cô tưởng mình cũng làm đĩ như họ. Nhưng mình lại là người thích sự sạch sẽ. Điều này có ảnh hưởng nhất định đến tác phẩm”. Tôi bảo tôi không nhìn thấy tranh chị. “Ồ, để mình lấy. Mình không vẽ trên giá”. Cô bước vào góc nhà, lấy ra một cuộn vải và trải xuống đất vừa hết chiều dài căn phòng. “Mình hay nghĩ đến ngày tận thế”, cô nói. Tôi thấy cảnh tượng của một biển cạn, màu sắc nâu trầm. Cô bảo: “Cởi quần áo ra và bước vào bức tranh”. Tôi nghĩ có thể đây là một cách “xem” tranh của cô, cũng có thể đơn giản là cô muốn nhìn ngắm tôi. Một lần nữa, tôi không thể từ chối. 127. Cô pha cho tôi một bình trà, nói: “Nhà không được tiện nghi lắm”. Tôi nói: “Sự dấn thân mới quan trọng”. Cô bảo: “Em cũng nghĩ vậy và em muốn thực hiện một ý tưởng với anh”. Cô trải tấm bố trắng xuống đất. “Anh bước vào đó đi”, cô bảo. Tôi làm theo lời cô. “Hãy thở đều và nghĩ đến một thiên đàng. Anh có thể diễn đạt nó hoặc im lặng cũng được”. Tôi nói: “Anh không tin có thiên đàng”. “Vậy thì hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra ngay bây giờ”, cô nói. Tôi bảo: “Em cũng sẽ bước vào trong tấm bố này”. “Sao nữa”? Cô hỏi. “Và chúng ta sẽ hôn nhau”, tôi nói. “Không, anh cứ đứng yên đó. Em muốn anh cởi hết ra”, cô bảo. “Nếu em không cùng bước vào thì anh cởi ra làm gì”? Tôi nói. “Em chỉ muốn thực hiện một ý tưởng là xem người đàn ông sẽ tự phơi bày mình như thế nào trước mặt một cô gái”, cô bảo. “Em thật sự muốn biết điều ấy”? Tôi hỏi. “Dạ”, cô thưa. Tôi bước ra khỏi tấm bố. Cô nói: “Cám ơn anh”. Tôi nghĩ, tôi sẽ kéo quần xuống cho cô bú, hoặc tôi sẽ vén váy liếm cô, đấy là cách tôi muốn biểu lộ, nhưng tôi nói: “Anh thích thấy một phụ nữ thể hiện nữ quyền của mình trong ước muốn tình dục”. Lời khai của dì Ba: Tôi đã theo dõi và thấy cả hai vợ chồng họ đến nhà cô gái vài lần. Tôi không chịu nổi việc họ chơi nhau mà không có tôi. Bởi thế tôi đã đến đó và bày tỏ theo cách của mình. Tôi mua mấy trái táo và cầm theo một con dao. Họ ngạc nhiên và khó chịu, chỉ có Phụng hiểu được tôi muốn gì. Tôi bỏ bịch táo lên bàn, bảo: “Mời mọi người. Tôi muốn được chung vui”. Không ai nói gì. Tôi thản nhiên cầm một quả, lấy dao gọt vỏ, nói trống không: “Không ăn được thì đạp đổ cũng là lẽ thường”. Cô gái phản ứng: “Ra khỏi nhà tôi”. Bị xúc phạm, tôi bật dậy lao về phía cô ta. Đâm. 31.3.2007