dịch giả Lê Đình Nhất-Lang & Lưu Diệu Vân hiệu đính & bổ sung
- 6 -

51.
Những giấc mơ của tôi màu đỏ. Những chiếc lá chết cũng màu đỏ.
52.
Lời khai của người dì cả:
Ông bỏ nhà đi Nam Vang, nói là làm ăn, nhưng suốt mấy năm trời, tôi không nhận được đồng bạc nào của ông. Chẳng những thế ông còn phản bội tôi và mang về một đứa bé đáng tởm. Ông bắt tôi phải nuôi nó nếu tôi còn muốn sống với ông. Tôi bảo tôi không muốn sống với ông nữa, nhưng tôi sẵn sàng nuôi đứa bé với điều kiện nó không phải là con hoang của ông. Ông ta hỏi tôi tại sao không cho ông nhận con? Tôi bảo: “Đó không phải là điều ông muốn sao? Vả lại, tôi cũng không muốn mang tiếng nhục”. Nhưng rồi ông vẫn tiếp tục làm nhục tôi lần thứ hai khi ăn ở với một cô gái khác ngay dưới chân núi. Tôi nói: “Nếu ông yêu nó thì đi mà sống với nó. Tôi không muốn nhìn thấy ông trong căn nhà này”. Ông ta nói đây là nhà của ông, không đi đâu cả. Tôi bảo: “Nếu ông không đi, tôi sẽ phá nát hết cho ông biết, ông không sống được với con kia đâu”. Ông ta mê lồn hơn mọi thứ trên đời, bởi thế ông đã ra đi. Tôi bán căn nhà lấy vốn làm ăn và dẫn mấy đứa nhỏ theo những nẻo đường cơm áo. Từ lúc ba tuổi, Tiểu Phụng đã cùng tôi và hai đứa lớn sống lang thang theo các mùa hành hương, du lịch. Không biết mệt mỏi. Chúng tôi thường đến những ngôi chùa nổi tiếng để bán thuốc. Nhà ở có khi thuê, có khi chỉ là một cái lều dựng tạm. Tôi vẫn đi lại núi Cấm để lấy hàng mà không phải trả tiền. Tôi nói với ông ta: “Đây là nghĩa vụ của ông với các con ông và với tôi”. Khi Tiểu Phụng lên mười, tôi giao cho nó một thùng thuốc và một xô nước sâm nhỏ, nói: “Con bán được nhiều dì thưởng”. Tôi không hiểu bằng cách nào, bao giờ nó cũng bán được nhiều hơn các chị. Tôi mua cho nó một cái radio cassette nhỏ. Cái máy trở thành bạn nó, đi bán hàng nó cũng mang theo. Ngoài ca nhạc, nó thích nghe giảng kinh của các thày. Nhiều khi tôi cũng thấy nó hát vào máy và mở cho khách hàng nghe. Thật kinh dị, nhiều người thích giọng hát của nó. Nhưng tôi ghét cay ghét đắng điều ấy. Nó cho tôi liên tưởng tới tính đĩ thoã của mẹ nó. Thật ra, nuôi nó nhiều năm, tôi cũng thương. Nhưng nó như con dao lúc nào cũng đâm vào tôi, nhức buốt. Không biết tôi có ghen với nó không. Nhiều lúc nhìn nó, tôi vẫn thấy có điều gì khác thường, hơn hẳn mấy đứa con mình. Càng lớn, sự khác biệt ấy càng rõ. Và tôi muốn triệt hạ nó. Tôi đã cho đi và giờ đây, tôi muốn lấy lại. Một trong những người đàn bà tôi quen bán thuốc lá ở Vũng Tàu đã mang con gái đi bán trinh. Bà ta hỏi tôi có muốn bán trinh mấy đứa nhỏ không? Tôi nói tôi không dám. Bà ta khuyến khích: “Trinh tiết chỉ là trò trưởng giả của đàn ông. Bán mẹ nó đi lấy ít tiền không hơn là để dành cho những thằng chồng khốn kiếp, luôn luôn ngoại tình, luôn luôn đạo đức giả?”. Tôi nghĩ bà ta nói đúng, nhưng chưa dám quyết định. Dẫu sao tôi cũng sợ thất đức. Ngày hôm sau, thua đề hai trăm ngàn, tôi nói với bà bán thuốc lá cũng là người ghi đề: “Giới thiệu cho tôi người mua trinh”. Bà ta bảo: “Chuyện này tôi đâu có rành, phải có mối mang mới được, để tôi hỏi giùm. Mà bà muốn bán đứa nào trước?”. “Con Phụng”, tôi nói ngay. “Tiền cò của tôi hai mươi phần trăm”, bà ta nói mà không cần biết tôi có đồng ý hay không.
53.
Tôi đã nhìn thấy ông ấy từ dưới chân núi. Và tôi đoán biết được việc ông trở lại. Tôi nói với ba: “Ông ta trở lại để mang con đi. Nhưng con không muốn. Cha nói với ông ta con đi tu rồi”. Rồi tôi ra khỏi nhà. Tôi không còn xứng đáng với ông.
54.
Đi hết các chùa sư nữ, không ở đâu có Tiểu Phụng. Khỉ thật. Tôi trở lại nhà cô, hỏi ông bố: “Tiểu Phụng đâu?”. “Ngộ đâu có biết”, ông ta nói giọng Tàu. Tôi muốn văng tục.
55.
Con Múp nói với tôi: “Mày lên thành phố đi, bán cà phê với tao”. Gom đủ tiền đi xe, tôi lên thành phố và thuê xe ôm đến quán cà phê của Múp. Tôi không mường tượng được việc bán cà phê lại phức tạp đến thế. Trong quán có bốn đào. Ba cô đã có chồng con. Múp nói với tôi: “Làm ở đây tuy không có lương, nhưng tiền bo của khách cho cũng khá”. Tôi ngây thơ hỏi: “Thật không?”. “Thì mày cứ làm thử khắc biết”. Tôi hỏi: “Mày nói làm là làm cái gì”? Nó nói: “Tiếp khách bên trong”. Nó chỉ tôi cái phòng nhỏ sau quầy. Rồi nó giải thích thêm, dụ khách vô trong đó làm tình, nhưng không được cho chơi, bà chủ biết là bị đuổi. Tôi nói với nó: “Tao muốn đi bán cà phê đàng hoàng, chớ không muốn làm kiểu này”. Nó nói tôi đừng có rởm đời. Vấn đề là làm sao có tiền nhiều và dễ dàng. Tôi nói tôi không còn gì để mất, nhưng tôi vẫn có lòng tự trọng. “Nếu mày muốn tự trọng thì về đi bán thuốc dạo với dì mày. Cứ suy nghĩ kỹ đi”. Nó nói như đâm vào ngực tôi. Một chị nói với con Múp: “Mày giới thiệu nó vô làm, coi chừng mất duyên đó”.
Tôi muốn quay về. Nhưng đâu là nhà tôi? Vả lại tôi cũng không có tiền đi xe. Con Múp ra điều khó khăn, nó nói từ hôm qua đến nay chưa kiếm được đồng nào. Một người khách bước vào quán. Con Múp chỉ tôi nói: “Đào mới nè anh Năm”, rồi bảo tôi đến ngồi với ông. “Làm từ bao giờ?”, ông Năm hỏi. Tôi nói mới tức thì. “Chuyển địa bàn hoạt động à?”. “Không, ngày đầu tiên đi bán và em cũng chưa ngồi với ai”. “Thật à?”. Tôi lý sự: “Thì cũng phải có ngày đầu tiên mới có ngày tiếp đó chớ”. Ông Năm bảo cũng đúng. “Thế có dám ôm không?”. Tôi gật đầu. “Em cần tiền đi xe về quê. Em không muốn làm nghề này”. “Thế sao lại vào đây?”. “Em tưởng là bán cà phê bình thường”. Ông Năm nhìn tôi. “Cũng xinh đấy”. Tôi hỏi: “Anh có vào trong không?”. Ông gật đầu. Toàn thân tôi căng thẳng. Tôi nói với ông: “Em không biết làm gì”. Ông Năm bảo tôi không cần phải làm gì, rồi ông cởi áo tôi. “Em sợ”, tôi run rẩy nói. Ông Năm bảo: “Anh sẽ không làm cho em sợ”. Ông nhẹ nhàng hôn đầu vú tôi. Rồi càng lúc càng ngấu nghiến. Một cảm giác tê dại chạy khắp thân thể, tôi giữ chặt đầu ông. Ông thì thào: “Cho anh hôn ở dưới nhé”. Tôi bảo: “Anh làm gì cũng được”. Ông Năm tụt quần tôi. Bú liếm. Ông thật sự làm cho tôi sướng, mặc dù tôi cảm thấy không thoải mái. Ông trở thành người đàn ông đầu tiên của tôi, một cách nào đó. Tôi hỏi: “Xong chưa?”. Ông bảo trên nguyên tắc thì chưa. Tôi hỏi nguyên tắc là cái gì? Ông bảo ông chưa ra. “Nhưng với em như thế cũng được rồi, ông nói tiếp, em cần bao nhiêu tiền thì đủ để về quê”. Tôi bảo: “Dạ khoảng ba trăm, tôi giải thích thêm, em cần giải quyết vài chuyện khác nữa”. Ông móc bóp đưa tôi đúng ba trăm. Tôi nói: “Em hứa sẽ rời khỏi đây trong ngày mai”. Tôi nói tiếp: “Em đói quá, từ sáng đến giờ chưa ăn gì cả”. Ông ôm tôi. Không nói gì. Tôi xin số điện thoại của ông: “Khi về đến nhà em sẽ gọi điện thoại báo cho anh”.
Thấy tôi có tiền, con Múp bắt tôi dẫn đi ăn như một cách trả công nó. Tôi có dịp suy nghĩ chín chắn hơn. Ngày hôm sau, tôi gọi điện thoại cho ông Năm: “Em xin lỗi vì chưa về quê. Nhưng em hứa sẽ không làm điều gì có lỗi với mình và có lỗi với anh”. Tôi muốn ở lại thành phố kiếm một công việc nào đó để sống, nhưng tôi không biết đi đâu, chỉ cầu mong vào sự tử tế của ông. Tôi nói tiếp với ông: “Anh cho em gặp được không?”. Ông bảo được.
Dẫn tôi đi ăn, ông hỏi: “Em định làm gì?”. “Em cũng chưa biết. Có lẽ em sẽ tìm một quán nhậu nào đó, bưng bê cho người ta”. Ông lại hỏi: “Tối em ngủ ở đâu?”. “Nhà trọ của con Múp. Không thoải mái lắm vì có thằng bồ của nó cũng ở đó”. Ăn xong, ông đưa tôi vào khách sạn. Giường nệm và bồn tắm làm tôi phấn khích. Tôi hỏi ông: “Chắc ở nhà anh cũng ngủ giường nệm?”. Ông bảo ừ.
Ông hôn tôi từ dưới chân lên. Tôi cố cưỡng lại cơn co giật. Nhưng rồi tôi mệt lả và buông mình theo những cảm xúc. Toàn thân tôi như sóng. Tôi khám phá ra mình và muốn hôn lại ông. Tôi hỏi: “Em phải làm sao?”. “Em cứ làm những gì em cảm thấy mình muốn làm”, ông bảo tôi. Tôi bú ông và tôi thấy lạ về chính tôi. Khi ông vào trong tôi, cùng với sự cọ xát là một nỗi niềm thân thiết và yêu dấu vừa lắng đọng vừa dâng trào làm tôi muốn hét lên.
Ôm tôi, ông nói: “Anh không muốn em bưng bê. Việc ấy không có gì xấu, nhưng không thể ổn định cuộc sống. Hãy học một nghề nào đó, như làm tóc, trang điểm chẳng hạn”. “Em vẫn mơ ước làm nghề đó. Nhưng tiền đâu em học?”, tôi nói. “Nếu em thật sự muốn sống đàng hoàng, anh sẽ giúp em”, ông bảo. Tất nhiên tôi muốn sống đàng hoàng và tin vào ông. “Em cứ đi hỏi thử xem một chỗ nào đó để học, chi phí anh lo”, ông điềm đạm nói. Tôi muốn nhảy cẫng lên, đây có phải là giấc mơ của tôi không? “Không có anh, em không biết cuộc đời sẽ ra sao. Anh làm thay đổi đời em”. Ông cười bảo: “Khi ta ở cùng đường, Chúa sẽ cho ta lối thoát”. Tôi hỏi: “Anh có đạo à?”. “Ừ”. Tôi bảo: “Anh là Chúa của em”.
Tôi về hỏi con Múp chỗ nó đi làm tóc. Người chủ tương đối trẻ, tôi liều mạng hỏi: “Em muốn học nghề, thày có nhận dạy không?”. “Dạy chứ. Vấn đề là học phí thôi”, anh ta thẳng thắn. Tôi hỏi tiếp: “Bao nhiêu ạ?”. “Toàn bộ bốn triệu. Dạy cho tới khi làm được thì thôi. Nếu học tốt, làm giỏi, tháng thứ tư có thể trả lương. Cơm nuôi ngày hai bữa”.
Con Múp bảo tôi: “Mày đang mơ à?”. Tôi nói ừ. Rồi mượn điện thoại nó gọi cho ông Năm báo tin. Đúng như tôi đã tin, ông đưa đủ tiền học phí cho tôi và thêm một ít để mua quần áo, ăn uống. Trong lúc làm tình với ông, tôi đã chia trí về số tiền này.
Thày dạy tôi tên Đức. Sau khi biết hoàn cảnh khó khăn của tôi, thày hỏi: “Có muốn đi làm thêm buổi tối không?”. Tôi hỏi làm gì? Thày bảo làm tiếp viên nhà hàng. Tôi chột dạ, chẳng lẽ lại cũng bia ôm nữa, hỏi kỹ lại thày: “Nhà hàng gì ạ?”. “Quán nhậu hải sản, vợ anh làm chủ”. Tôi cám ơn thày.
Mỗi ngày tôi đi bộ hai cây số đến chỗ học làm tóc, thêm ba cây số đến nhà hàng bưng bê, quay về nhà thêm năm cây số nữa. Một giờ sáng mới đặt lưng xuống ngủ. Mỗi tuần tôi gặp ông Năm một lần trong khách sạn quen thuộc. Tôi tự coi mình như vợ ông, mặc dù tôi vẫn cảm thấy không cân xứng. Tôi chỉ là một cô gái quê, mới học hết lớp ba, trong khi ông vừa giàu có vừa trí thức, tôi nghĩ về ông như thế, vì thật ra chưa bao giờ ông cho tôi biết tên tuổi thật và làm nghề gì.
56.
Lời khai của ông Năm:
Cách cô đau đớn và hạnh phúc cũng như máu chảy từ cửa mình cô làm tôi cảm động. Không ngờ tôi đã phá trinh cô. Ít ra tôi đã không lầm khi muốn giúp đỡ cô, dù đối với tôi việc chơi bời thì trinh tiết không phải điều cần thiết và thú vị. Nhưng trong bản chất của một người đàn ông, điều ấy vẫn làm tôi mãn nguyện đồng thời cũng ít nhiều áy náy. Và tôi cảm thấy không nên truy vấn về sự trinh tiết bất ngờ này.
Thú thật, tôi không hiểu điều gì nơi cô khiến tôi phải thương xót hay mê đắm, ngoại trừ cái màu da đen rất Miên của cô. Tôi hoàn toàn không có một chút ý thức nào về màu vàng của da mình, nhưng màu đen làm tôi nghĩ đến một da màu khác. Và nó quyến rũ tôi vì sự khác biệt đó. Hơn nữa, ở cô, tôi cảm nhận được một thế giới khác, không phải thấp kém mà là nguyên bản. Tôi không nghĩ mình đang chơi một thú vui thời thượng, mà tôi đã gặp một con người hồn hậu và nồng nhiệt. Tôi cũng không nghĩ mình đồi truỵ hay tội lỗi. Thoả mãn sự khao khát trong công bằng và đồng thuận, với tôi cũng là một thứ đạo đức nguyên thuỷ.
57.
Anh Năm hôn tôi trong bồn tắm. Anh bảo đái cho anh uống, nhưng tôi không đái được. Tôi cũng muốn anh được sung sướng hạnh phúc, nên nói: “Anh dạy em nhé”. Anh bảo không thích cái chuyên nghiệp trong tình dục, cũng không thích kiểu gái đức hạnh, với anh thì đừng giữ kẽ, đừng e dè, đừng ngại ngùng, đừng mắc cỡ, đừng phân biệt… Cứ yêu và làm tất cả những gì mình khao khát. Tôi nghe lời anh, tưởng tượng ra các tình huống khác nhau với những thân phận khác nhau, tôi nghĩ tất cả con người dù khác biệt cũng đều có thể làm tình với nhau. Tôi sắp xếp con người trên một bàn cờ và giả định mọi sự gặp gỡ, đặc biệt tôi thích những tình huống éo le như bà chủ với đầy tớ, ông vua với ăn mày… Và mỗi cuộc làm tình là một sự tàn sát. Anh khen tôi: “Em là người sáng tạo”.
58.
Từ bến xe nhìn qua bên kia sông, thị trấn Hà Tiên khác hẳn tất cả các phố thị ở miền Nam. Có thể vì nó đã khởi đầu là nơi ngụ cư của những người Minh Hương. Tôi đi bộ qua cầu phao vào thị trấn. Mấy anh xe ôm bám theo với tấm bản đồ du lịch. Lằng nhằng mời chào như của nợ, chỉ đến khi vào hẳn phòng trong khách sạn mới thoát được. Cô quản lý cho biết khách sạn này đã có trên một trăm năm. Tôi không khỏi nhớ đến nhà thơ Đông Hồ với tên đường ngay trước mặt. Nhưng người tôi nhớ hơn vẫn là Mạc Thiên Tích và cô gái đã vào chùa Phù Dung ẩn mình giải trừ nghiệp chướng. Trong nhà thương Rạch Giá, tôi đã kể cho Tiểu Phụng nghe chuyện tình của họ như sau:
“Ngày xưa, có một cô gái quê từ Thanh Hoá theo cha trốn vào Hà Tiên sống để tránh những phiền luỵ áp chế của bọn quan quân nhà Trịnh. Khi ấy, trấn thủ Mạc Thiên Tích lập thi đàn Chiêu Anh Các, thường tổ chức những buổi đọc vàbình thơ trong dinh của mình với các tao nhân mặc khách. Mặc dù là gái, nhưng cô đã được cha vốn là một thày đồ dạy cho ít chữ nghĩa thánh hiền. Cô vừa thông tuệ vừa tài hoa. Thời ấy, phụ nữ đoan trang không đến chỗ đông người. Yêu văn chương, muốn đến chỗ thi thơ xướng hoạ, cô phải cải nam trang và tài năng của cô làm cho Mạc Thiên Tích ngưỡng mộ. Ngài âm thầm theo dõi và được biết cô là con gái của ông đồ xứ Thanh. Gái quốc sắc, trai anh hùng, lời cầu hôn của Mạc Thiên Tích được cha và cô chấp thuận. Ngài xây dựng một lâu đài để chuẩn bị đón cô về dinh. Ngày cưới, để cho cả thiên hạ biết oai phong và diễm lệ của tình yêu hai người, ngài cho tổ chức đón dâu bằng một cuộc duyệt binh vô tiền khoáng hậu. Quan quân gươm giáo sáng loà hò reo vang dậy. Bà vợ cả trên khán đài tỏ ra cao thượng nói với ngài: “Hương trời sắc nước như cô ấy, phu quân hãy đích thân cưỡi ngựa dẫn hùng binh đi thao dượt cho thêm phần linh đình lẫm liệt”. Ngài phấn khích nghe theo. Chờ đoàn quân đi xa, bà vợ cả cho người tâm phúc bắt cô dâu, bẻ gãy tay chân, trói bỏ vào lu chứa nước mưa. Bỗng đâu mây trời u ám vần vũ kéo tới, mưa như trút nước. Biết điềm chẳng lành, Mạc Thiên Tích vội thu quân quay về. Lâu đài im vắng bất thường. Ngài quát hỏi gia nhân: “Nàng đâu?”. May thay, ngài kịp tìm thấy nàng trong lu nước đang dần đầy lên. Thấy đời quá oan nghiệt, nàng thưa: “Nếu chàng còn thương thiếp, thì xin chàng hãy xây cho thiếp một ngôi chùa”. Mạc Thiên Tích đồng ý. Nàng vào chùa tu và không bao giờ gặp lại chàng nữa”.
Tiểu Phụng nói: “Giống như Lan đã cắt đứt dây chuông không cho Điệp vào chùa, phải không?”. Tôi cười bảo: “Phải, nhưng khác Điệp ở chỗ ngày ngày vì nhớ thương, Mạc Thiên Tích từ bên kia sông trên lưng ngựa vẫn ngóng qua, mong nhìn thấy bóng dáng nàng…”. Phụng nói: “Buồn quá, nếu Phụng có bề gì, Phụng sẽ không xa ông đâu”.
Thế mà, Phụng vẫn xa tôi.
59.
Tiệm cắt tóc nhỏ, anh Đức vừa làm chủ vừa làm thợ chính, thêm một thợ phụ là chị Thu lớn hơn tôi ít tuổi, học nghề trước tôi. Cả anh Đức và chị Thu đều rất tử tế. Anh Đức nói sẽ tận tình chỉ bảo và cho tôi thực tập sớm. Những khi vắng khách, anh thường tán dóc với hai đứa tôi. Anh nói chuyện rất có duyên và hay giả giọng con gái. Tôi hoàn toàn hài lòng về việc học của mình. Nhưng ở quán nhậu, ngay ngày đầu tiên, tôi đã phải đối diện với khó khăn. Bà chủ bảo: “Ở đây qui định tiếp viên phải mặc đồng phục. Áo thì quán cung cấp, nhưng váy thì em phải tự lo. Nhớ mua váy thật ngắn”. Tôi làm gì có tiền, lại phải cầu cứu anh Năm. Gọi điện cho anh Năm, anh nói đang rất bận, mượn tiền của ai đó mua đi rồi anh sẽ trả sau cho. Tôi hỏi mượn con Múp, nó nói: “Hai ngày nay không kiếm được một xu”. Tôi thấy nó mới có thêm một chiếc khoen mới. Bọn con Múp thường giữ của bằng cách mua vàng từng chỉ một. Tôi không dám mượn vàng của nó. Chị Thu cho tôi mượn tiền. Tôi mua hai cái váy hết gần một trăm ngàn. Đôi chân của tôi đẹp, bà chủ nhìn tôi nói: “Em coi được đấy, khỏi bưng bê, ra đứng ở cổng đón khách, nhưng làm tiếp tân thì phải mặc áo dài”. Trời ơi, làm sao tôi may được bộ áo dài bây giờ? Tôi sang quán bên cạnh xin việc. Họ cho tôi làm. Anh Đức hỏi tôi sao không làm quán của chị? Tôi nói thẳng em không có tiền may áo dài. Anh chỉ lắc đầu: “Thôi, làm quán khác cũng tốt”. Anh càng tận tình với tôi hơn.
60.
Một hoạ sĩ trẻ rủ tôi làm nghệ thuật sắp đặt. Tôi nói nghệ thuật sắp đặt với tôi chỉ biểu hiện một sự bế tắc và với nghệ sĩ Việt Nam, nó là chỗ cho những nghệ sĩ thất bại trên giá vẽ. Tôi không phải là người thất bại nên không tham gia, vả lại những trào lưu thời thượng không phải là mục đích tôi theo đuổi, vì tôi cũng nghĩ, một nghệ sĩ đích thật chỉ sáng tạo từ những đòi hỏi của chính mình, không vì nhu cầu hiện đại, hậu hiện đại hay một thứ gì khác.
Những bức tranh tôi vẽ về Tiểu Phụng càng trở nên u ám. Một loạt tranh trong tư thế nằm mà tôi đã quan sát được khi Tiểu Phụng còn ở nhà thương cùng với những phụ nữ khác. Những phế liệu của đời sống. Họ được xếp đống hoặc rải rác, không còn cả cái gọi là số phận. Một thế giới âm bản. Không hy vọng cũng không tuyệt vọng. Một thế giới bị quên lãng.