Dịch giả: Lưu Anh
Chương 12

  Lynn chưa nhập học trở lại vào mùa thu. Ba mẹ nói đó là do bệnh thiếu máu của chị vẫn còn. Khi tôi tra chữ “Bệnh thiếu máu” trong cuốn từ điển của bọn tôi, tôi đọc thấy: tình trạng lượng hêmôglôbin trong máu thấp dưới mức bình thường và lượng tế bào hồng cầu sản xuất bị suy giảm, thường gây nên xanh xao và mệt mỏi. Xanh xao và mệt mỏi nghe không tệ đến nỗi phải khiến người ta nghỉ học nhiều tới vậy.
Sau đó Lynn được đưa vào một bệnh viện trong thị trấn lớn hơn kế bên suốt một phần tháng Mười. Có vài hôm, khi mẹ ở lại bệnh viện cả ngày lẫn đêm, ba dẫn Sammy và tôi tới trại ấp trứng với ông. Đôi khi bọn tôi ngủ lại đêm ở đó. Có một cái tivi trong phòng sau, nên bọn tôi tới ngồi coi và đọc truyện suốt cả ngày. Thậm chí có vài ngày bọn tôi không đi học. Bọn tôi không tắm nhiều như ở nhà. Lẽ ra ba mẹ có thể sắp xếp để bọn tôi ở lại nhà bác Katsuhisa và đi học từ đó, nhưng ba mẹ không làm vậy. Có lẽ ba cũng chẳng muốn tôi đi học, bởi vì ba muốn chúng tôi ở bên cạnh để ông có thể yên tâm.
Trại ấp trứng là một tòa nhà rất lớn. xây bêtông và không có cửa sổ nằm trên một cánh đồng rất đẹp. Không giống như nhà máy chế biến gia cầm, chúng tôi có thể đi lại thoải mái trong trại ấp trứng. Những gì chúng tôi phải làm là rửa đế giày của mình bằng nước xà phòng mỗi lần đi vào trong. Những người phân loại phải mang khẩu trang để không hít phải đống bụi từ lũ gà con.
Tôi thấy rất thích thú khi nhìn thấy đám gà con. Những người công nhân chẳng cần để ý tới tôi và Sammy khi cả hai đứa tôi đi vô phòng làm việc của họ. Chúng tôi có thể sờ vào mấy con gà trống bởi vì chẳng ai thèm quan tâm tới tụi nó. Mỗi còn nhìn đều khác nhau: ốm, mập, vàng, vàng và nâu, to, nhỏ…
Suốt giờ nghỉ chúng tôi ngồi bên ngoài nhà máy với những người phân loại trứng, hầu hết họ đều hút thuốc, và lúc nào cũng mệt mỏi. Cả ba trông cũng mệt mỏi, đến nỗi không chăm sóc cho tôi và Sammy được. Có một lần bọn tôi ngồi cạnh một người phân loại trẻ tuổi đang hút thuốc và thở ra những vòng khói tròn. Khi ông hút xong một điếu, ông lại châm ngay điếu tiếp theo. Ông nhìn tôi và Sammy:
“Tụi cháu có muốn trở nên có ích hay không?”
Tôi hỏi: “Nghĩa là sao chứ?”
“Ông Billy có một đứa nhỏ lo việc rót cà phê và đem đồ giải khát tới cho ổng, tụi cháu có biết ông Billy không?
“Dạ không.”
“Ông là tay phân loại giỏi giỏi nhất Georgia. Ông đã thắng cuộc thi toàn quốc ở Nhật Bản trước khi tới Mỹ. Ổng có thể phân loại một ngàn hai trăm con gà trong vòng một tiếng mà chính xác một trăm phần trăm.”
Tôi đoán như vậy thì rất là giỏi. Một người thợ phân loại khác nói: “Billy Morita.” Rồi ông gục gặc đầu vẻ thán phục.
“Vậy chú có thể phân loại bao nhiêu con trong một giờ?”
“Một ngàn con, chính xác khoảng chín mươi phần trăm.”
Một người thợ khác lên tiếng: “Ê, phải đó, mấy đứa có thể châm thuốc lá và bưng cà phê tới cho tụi bác.”
Tôi nhìn ba để coi ba thấy sao, nhưng ông đang nhìn vào khoảng không, đầu óc tận đâu đâu. Tôi nói: “Dạ được.”
Vì vậy khi họ bắt đầu làm việc trở lại, Sam và tôi trở nên rất bận với việc bưng cà phê tới cho họ, gãi lưng cho họ, đem thuốc lá đến cho họ trong phòng nghỉ… Tôi biết có lần ba mỉm cười sau tấm khẩu trang. Ba là người duy nhất không yêu cầu bọn tôi làm gì hết, nhưng lúc nào bọn tôi cũng đem đồ tới cho ông. Bọn tôi luôn luôn mang cà phê tới cho ba vào lúc nó nóng và ngon nhất, rồi khi một trong những người trợ lý ở trại mua đậu phụng về, bọn tôi để dành cho ba những hột ngon nhất, bởi vì chúng tôi biết đó là món ông thích nhất.
Có khá nhiều lò ấp và máy ấp trứng, ở đó trứng được ủ ấm cho tới khi gà nở. Khi người ta mở lò ấp trứng ra, bọn tôi chạy tới coi và nhìn thấy hàng ngàn cái trứng trắng tinh. Hơi nóng phả vào mặt chúng tôi – nhiệt độ quanh đó phải được giữ ở mức ba mươi bảy độ. Rồi ngày kế khi chúng tôi nhìn vào trong những cái máy ấp thì lại thấy hàng ngàn con gà con màu vàng ửng. Ngay khi gà vừa nở, những người thợ phân loại phải gấp rút tách riêng con trống và con mái ra. Họ làm việc một lèo mười hai tiếng, rồi họ đi ngủ trong lúc đợt trứng mới được ủ ấm. Vài tiếng sau họ lại thức dậy khi đợt trứng khác nở.
Những người thợ công nhân phân loại được trả nửa xu cho mỗi con gà. Hầu hết bọn họ phải tới trường đào tạo ở Chicago hoặc Nhật Bản học để làm công việc này. Việc phân loại gà bắt nguồn đầu tiên ở Nhật Bản. Rồi sau đó một người Nhật đến bang Chicago và bắt đầu mở trường để dạy những người Mỹ gốc Nhật cách phân loại gà. Đó là nơi ba đã theo học, trước khi ba mẹ mở cửa tiệm. Ba đã từng làm việc ở một trại ấp trứng trước khi tôi ra đời. Nhưng công việc lúc đó chỉ là làm theo mùa, khi tôi sinh ra, ba phải kiếm cho được nhiều tiền hơn.
Những người thợ tiêm chủng đều là phụ nữ da trắng. Họ chích những mũi kim đầy thuốc vô đám gà mái con, để chúng khỏi mắc bệnh và chết. Cô Angel hầu như là người đứng đầu toán thợ tiêm chủng. Angel là một phụ nữ to lớn vạm vỡ có quấn băng quanh mắt cá chân, bà nói đứng suốt ngày làm bà đau chân.
Ngày đầu bọn tôi tới đây, Sam và tôi rụt rè đứng coi bà làm việc. Cuối cùng tôi thấy phải hỏi vài câu.
“Kim tiêm có làm tụi nó đau không cô?”
“Cái gì?”
“Tụi gà có đau khi cô chích kim vô người nó không?”
“Nè cưng, bộ tướng cô giống người biết nói tiếng gà lắm hả?”
Tôi không biết trả lời ra sao. Cô ta hạ giọng, “Cô nghĩ gà không đau đâu trừ khi mình vô ý bẻ gãy cổ nó. Thỉnh thoảng chuyện đó cũng xảy ra.”
Tôi dẫn Sam vào phòng sau. Ngay cả nơi đó chúng tôi vẫn còn nghe được tiếng hàng ngàn con gà kêu chíp chíp. Chúng tôi ngồi coi tivi cho tới khi nhức cả mắt. Rồi tôi mặc cho Sammy bộ pijama màu lính, còn tôi thì mặc bộ pijama cổ áo viền đăng-ten mà mẹ may cho tôi.
Khi những người thợ kéo vào trong để ngủ, hầu hết họ đều nhìn Sammy và tôi rồi mỉm cười theo cái kiểu mà Lynn hay cười với tụi tôi mỗi khi chị nghĩ hai đứa tôi còn quá con nít, ngây thơ một cách rất dễ thương. Một người công nhân lớn tuổi có gương mặt sạm đen nói với tôi: “Chúc ngủ ngon, công chúa Đăng-ten.” Ông ta cười phá lên như thể ông ta vừa nói một câu ngộ nghĩnh. Tôi cũng lịch sự mỉm cười. Mấy người công nhân thậm chí chẳng thay đồ ra. Họ chui vô túi ngủ rồi ngủ ngay. Tất cả chúng tôi đều ngủ chung với nhau trong một căn phòng. Ngoại trừ người công nhân lớn tuổi có gương mặt đen sạm, không ai chúc ngủ ngon cả. Tôi nghĩ họ đã mệt lắm rồi.
Ba chỉ ngủ được có bốn tiếng trước khi tới giờ làm việc trở lại. Khi ba sửa soạn làm việc, tôi hỏi: “Sao giờ này ba phải dậy rồi?”
Ba trả lời: “Bởi vì lúc này lũ gà đã nở ra rồi.”
Tôi ngủ trở lại. Có một cơn bão bên ngoài, người quản lý trại ấp trứng đã thông báo các công nhân về cơn lốc bão này. Tôi thích được ở trong một căn phòng ấm áp, bất cứ căn phòng ấm áp nào, mỗi khi trời có bão. Tôi ước gì có Lynn ở cùng tôi. Có lẽ tôi còn ghét bão hơn nữa nếu tôi phải nằm trong bệnh viện, cho dù có ấm và có mẹ ở một bên. Khi tôi vừa mới mơ màng ngủ tôi nghe có tiếng la từ khu vực chính của trại ấp trứng. Tôi tìm trên tường cái công tắc đèn nhưng không thấy. Tôi cũng chẳng thấy cái khe sáng ở dưới cánh cửa. Một phút sau, tôi tìm thấy cánh cửa và mở nó ra. Bên ngoài tối thui, nhưng một số người đang la hét.
Một người kêu lên: “Tìm một cây đèn pin!”
Một người khác nói: “Sao cái máy dự trữ lại không hoạt động vậy cà?”
Rồi một ánh đèn pin xuất hiện, tôi đi theo đó để vào phòng ấp trứng. Viên quản đốc trại ấp trứng đang nghiến răng cau mày tưng bừng. Tôi nhìn thấy ba trong cái ánh sáng lờ mờ và chạy lại phía ông. Ba và những người thợ khác đã gỡ khẩu trang ra. Phòng của họ cũng tối thui. Ba vòng một tay ôm tôi lại.
Tôi hỏi: “Có chuyện gì vậy ba?”
“Điện bị cúp, còn cái máy phát điện dự trữ thì không hoạt động. Nếu mấy cái lò ấp trứng này bị lạnh quá lâu thì có thể đợt ấp trứng này sẽ bị hư.”
“Tức là lũ gà con sẽ chết phải không ba?”
“Hoặc là có nở ra cũng bị biến dạng.”
Một người đàn ông hô lên: “Có nên gọi cho ông Lyndon không?”
Mọi người im lặng.
Sau cùng, viên quản đốc nói một cách dứt khoát: “Chưa cần.”
“Giờ có ai sửa máy phát điện được không?”
Lại im lặng.
Người quản lý trại đi gọi điện thoại, chúng tôi nghe ông ta nói chuyện rất nhỏ nhẹ. Cứ một hồi ông ta lại nói: “Vâng, thưa Ngài”, chỉ lặp đi lặp lại chừng đó. Tất cả chúng tôi ngồi xúm lại trong phòng ấp trứng để nhiệt độ từ cơ thể chúng tôi tạm giữ ấm cho căn phòng. Rồi chúng tôi nghe tiếng còi hụ từ đằng xa. Sau đó ông cảnh sát trưởng bước vào cùng một người đàn ông khác tới để sửa máy phát điện dự phòng.
Ông cảnh sát trưởng nói: “Cả tỉnh đều bị cúp điện.”
Ba dẫn tôi đi ngủ trở lại. Tôi nằm cạnh Sammy khi xung quanh tối thui. Ông Lyndon phải là một người quyền lực lắm mới sai được một người tới sửa cái máy phát điện của ông ta và có một ông cảnh sát trưởng đi theo để hộ tống giữa đêm như vậy. Đó là những gì tôi suy nghĩ trước khi chìm vào giấc ngủ.
Vào buổi sáng cơn bão đã chấm dứt. Tôi nằm im trên giường chờ cho đến khi Sam thức dậy, mất tới mấy tiếng đồng hồ. Tôi nằm im đó và nghĩ tới tất cả mọi thứ tôi còn nhớ nổi đã từng xảy ra với tôi. Đó là cái lần tôi nằm im lâu nhất trong đời mình. Tôi nghĩ về người phụ nữ Tàu ở Iowa, người có thể lấy hàm răng trên của mình ra, về chuyện dọn nhà tới Georgia, về một thằng nhóc ở trường mà tôi thấy dễ thương. Tôi nghĩ về Lynn đang bị bệnh. Tôi nghĩ về tất cả mọi chuyện trong cuộc đời mình, tôi tự hỏi “Tại sao!.” Tại sao người phụ nữ Trung Quốc đó lại không có răng? Chắc do bà đánh răng chưa đủ. Tôi tự hỏi tại sao chúng tôi lại dọn nhà tới Georgia? Chắc vì ba tôi cần phải làm việc ở trại ấp trứng này để ông có thể lo cho chúng tôi tốt hơn. Tại sao tôi hơi thích thằng nhóc đó? Bởi vì nó cũng hơi dễ thương. Và tại sao Lynn bị bệnh? Tại sao? Không có câu trả lời nào cho chuyện này.
Cuối ngày hôm đó tôi lấy trộm hai con gà trống rồi thả nó ra cánh đồng. “Tụi mày tự do rồi!”, tôi nói. Sam và tôi đi bộ dọc trên con đường, tới một bụi cây hồ đào, và nhặt những hột hồ đào dưới đất. Sam có một hàm răng cứng khủng khiếp y như đá, nó cắn bể vỏ bọc hột hồ đào và chúng tôi ăn phần cơm bên trong. Tôi nhớ cái lúc khi cả nhà tôi mới dọn tới Georgia và nhìn thấy những dinh thự với đủ loại cây trái. Tôi nghĩ rằng hầu như cái gì trên đời cũng đều đẹp như rặng cây hồ đào này. Tôi nghĩ rồi tất cả mọi nơi sẽ đều có những dinh thự và những vườn cây quả, và trái cây cùng với hột của chúng sẽ rụng xuống và lăn trên mặt đường mỗi lần có gió thổi qua. Tôi nghĩ có thể lúc đầu chưa ai thích Lynn nhưng khi mọi người đã hiểu ra chị, chị sẽ là người nổi bật nhất lớp và ngày nào đó sẽ tốt nghiệp thủ khoa đại học. Tôi vẫn còn nghĩ rằng điều này hoàn toàn có thể xảy ra với chị.
Vào một buổi tối ngày lễ Halloween ba mẹ dẫn tôi và Sam vào bệnh viện thăm chị. Tôi ăn bận như một bà tiên đỡ đầu. Tôi lấy đống kim tuyến ra rồi quăng lên người Lynn và nói: “Kira-Kira!” Chị ốm nhom và xanh mét, mắt thâm quầng. Đám kim tuyến rơi xuống như một cơn mưa lấp lánh xung quanh chị. Chị mỉm cười.
Ba mẹ cũng mỉm cười, nhưng yếu ớt. Hai người đều mệt mỏi. Để trả tiền thuốc cho Lynn và khoản vay mới đây, ba phải làm việc hầu như không nghỉ. Khi về nhà ba chỉ nghĩ tới Lynn. Cuộc sống của chúng tôi chỉ xoay quanh điều gì Lynn muốn, điều gì tốt cho Lynn, và điều gì cả nhà có thể làm cho chị. Lynn trở về nhà vào tuần đầu tiên của tháng mười một, đó là một ngày thứ bảy mưa tầm tã. Chúng tôi đã trang trí căn phòng của chị và giăng một dải băng rôn có hàng chữ “Mừng Trở Về Nhà.” Chúng tôi mua nó ở một cửa hàng. Nó cùng màu với những sợi kim tuyến để trang hoàng trong đêm Giáng Sinh. Trong cửa hàng thì trông rất đẹp, nhưng với cảnh Lynn nằm mẹp trên giường bệnh với vẻ mặt xanh xao tiều tụy như vậy, rõ ràng cái băng-rôn hoàn toàn sai chỗ rồi. Ba lặng lẽ gỡ nó xuống.
Chúng tôi nhanh chóng hình thành một thói quen. Cứ mỗi tối sau khi mẹ lau người cho Lynn, cả nhà ngồi xung quanh giường bọn tôi trong lúc tôi đọc cho Lynn nghe bộ từ điển Bách Khoa mà ba mua để tặng sinh nhật chị vào tháng mười một. Nó đã qua sử dụng và nó cũng không phải là bộ Từ Điển Bách Khoa Britannica – chúng tôi không mua nó nổi – nhưng dù sao Lynn cũng thích bộ từ điển này. Như xưa nay, Lynn luôn luôn say mê đại dương, đặc biệt là vùng biển ở California. Tôi đọc bất cứ thứ gì trong bộ từ điển mà tôi nghĩ là có liên quan đến đại dương. Chị muốn biết về tất cả mọi thứ, từ con cá nhỏ xíu hiền lành nhất cho tới loài cá mập khát máu nhất. Lynn nghĩ tất cả điều đó đều thật tuyệt diệu, và tôi cũng vậy. Một vài buổi tối sau khi tôi đọc, chị kêu ba mẹ ra ngoài, rồi chị và tôi trò chuyện với nhau về những ngôi nhà bên bờ biển mà chúng tôi sẽ tới sống một ngày nào đó. Những ngôi nhà cả bọn tôi sẽ phô cho mọi người thấy những cái cửa sổ khổng lồ, và những hàng cây cọ được trồng chạy dài ở sân trước. Sau đó tôi vào phòng khách và ngủ trên cái giường nhỏ kê cạnh cái xô-pha.
Thỉnh thoảng tôi lại trốn học để ở bên cạnh Lynn. Tôi đóng vai mẹ để viết đơn xin phép nghỉ học gửi thầy cô giáo, rồi thỉnh thoảng khi thầy cô trực tiếp hỏi tôi là có chuyện gì vậy, tôi nói xạo là tôi bị bệnh ngày hôm trước.Ở nhà tôi đọc cuốn từ điển Bách Khoa cho Lynn hoặc chải tóc cho chị hoặc sơn móng tay cho chị. Có một bữa chị trông rất buồn rồi nói với tôi là chị ước gì có được một lọ sơn móng tay màu hồng có nhũ kim tuyến. Tôi chẳng còn cắc bạc nào nhưng tôi đi tới cửa tiệm tạp hóa bán giá rẻ, loại “năm – mười.” Tôi quyết định chôm vài lọ sơn móng tay về cho Lynn. Trước đây tôi chưa bao giờ chôm cái gì, nhưng chắc chẳng khó gì đâu.
Khi tôi tới cửa tiệm, không có ai ở đó ngoại trừ một người phụ nữ ngồi ở quầy tính tiền đằng trước. Bà ta đang đọc báo.
Đầu tiên tôi nhìn quanh cái dãy bán bông băng và thuốc khử trùng. Rồi tôi giả bộ thích thú trước những đôi giày chơi quần vợt ở cách đó hai dãy. Cuối cùng, tôi đi tới chỗ bán mấy lọ sơn móng. Không có ai ở đó. Đúng là quá dễ! Tôi nhét hai lọ sơn màu hồng thật đẹp vào túi của mình và từ tốn đi ra. Tôi nhoẻn miệng cười khi bước qua khỏi cánh cửa. Trời vừa mới mưa, có một cái cầu vồng giăng trên bầu trời. Trời thật đẹp! Đột nhiên tôi thấy một cánh tay nắm lấy tay tôi. Tôi chẳng quay lại – tôi vùng mạnh tay của mình ra rồi cắm đầu cắm cổ chạy. Tôi chờ coi có ai đó đuổi bắt không, nhưng không có ai. Tôi không hề quay lại nhìn ra sau.
Về nhà tôi sơn móng tay cho Lynn với màu hồng lấp lánh. Chị trông rất hài lòng, tôi không thấy hối tiếc về việc mình vừa làm nhưng trước khi đi ngủ tối hôm đó, tôi để cửa sổ mở để nhìn ra ngoài đường coi có ông cảnh sát trưởng tới hay không. Đường vắng tanh, vì vậy tôi ngủ một cách thanh thản.
Sáng hôm sau trước khi tôi đi học, tôi nhìn qua chị Lynn. Chị vẫn ngủ say, nhưng cánh tay chị thò ra khỏi mền. Móng tay chị nhìn thật đẹp, và miệng chị hơi mỉm cười.
Tôi ghét việc phải đánh thức chị dậy, nhưng tôi đành phải làm để cho chị uống thuốc. Thỉnh thoảng khi chị khỏe lên, có vài ngày tôi lại để yên cho chị và không bắt chị uống thuốc. Một phần tôi cũng không muốn làm chị khổ sở bằng cách này – tôi nghĩ một vài thứ trong toa thuốc của chị làm chị thấy khủng khiếp hơn cả những gì chị đang chịu. Có vài ngày tôi nghĩ chị rất đau, bởi vì chị khóc rất nhiều. Tôi phải tìm cách giả lơ trước tiếng khóc của chị, Mình phải giả lơ nhiều điều lắm khi ai đó trong gia đình bệnh nặng. Tôi đang giúp Lynn tranh thủ từng cơ hội một để khỏe lên mặc dù nó khiến chị khổ sở tới đâu đi nữa. Tôi lay chị dậy.
“Tới giờ chị uống thuốc rồi!”
“Chị phải uống thuốc sao?”
“Dạ.”
Chị rên khe khẽ khi tôi đỡ chị ngồi dậy. Tôi chưa bao giờ hỏi vì sao chị lại rên, chưa bao giờ hỏi chị đau chỗ nào khi tôi đỡ chị, tôi cũng chẳng biết cái gì làm chị đau hay cái gì đó giúp được chị thấy đỡ hơn. Tôi chỉ biết ba mẹ phải đi làm, và nhiệm vụ của tôi là phải cho chị uống thuốc. Tôi chờ tới khi chị nuốt hết nước xuống cổ. Rồi tôi nhẹ nhàng đỡ chị nằm xuống. Tôi giúp Sam sửa soạn đi học và gọi bà Kanagawa tới, bà sẽ ở cạnh Lynn suốt ngày. Khi tôi bước đi, chị đang quay đầu để ngắm mấy cái móng tay xinh đẹp của chị một cách thích thú. Suốt ngày hôm đó tôi thấy vui đến nỗi trả lời được một câu hỏi trong bài lịch sử.
Khi tôi về nhà, không biết vì sao mẹ đã về trước. Mẹ đang nói chuyện với một người phụ nữ da trắng mà tôi chưa từng gặp. Ngay khi tôi vừa bước vào cửa, bà ta nói: “Nó đó.”
Mẹ tôi khẽ cúi người trước bà ta rồi nói: “Tôi thật sự xin lỗi.” Rồi mẹ lấy tiền trong ví ra: “Xin để tôi trả tiền cho nó.”
Bà kia cầm một đô-la từ tay mẹ tôi, hỏi: “Nó sẽ bị phạt chớ?”
“Vâng, chắc chắn rồi, thưa bà.”
Bà kia gật đầu. Bà ta bước ra, vừa đi vừa trừng mắt nhìn tôi. Ngay lúc bước ra cửa, bà ta nói: “Xấu hổ!”
Khi người phụ nữ đó đi khỏi, mẹ bật khóc. Mẹ kêu lên: “Gia đình tôi không còn ra gì nữa rồi.” Rồi mẹ tôi chạy ra khỏi phòng.
Lúc này tôi cảm thấy thật có lỗi. Ngay lập tức tôi đi tới bàn học ở cái góc hóng gió và bắt đầu làm bài tập của mình. Mỗi khi mẹ hoặc ông bác của Silly có thể chở nó, nó lại tới đây một vài tiếng vào buổi chiều để giúp tôi làm bài. Giống như chị tôi, Silly cũng là một học sinh luôn luôn được điểm A. Học kỳ này tôi học còn tệ hơn bình thường, và người ta đã bàn về chuyện bắt tôi ở lại lớp nếu tôi không cố lên.
Tối hôm nay tôi phải viết một bài tường trình về cuốn truyện Tiếng gọi nơi hoang dã. Đó là cuốn sách hấp dẫn nhất mà tôi từng đọc, nên tôi nghĩ bài tường trình sẽ rất dễ viết. Những câu hỏi mà tôi phải trả lời trong bài tường trình là: chủ đề chính của cuốn Tiếng gọi nơi hoang dã là gì? Tôi không rõ thế nào gọi là “chủ đề”, tôi viết rằng chủ đề của nó là loài chó rất trung thành với những người tốt bụng. Tôi viết: Hơn nữa, chó là loài thú cưng nên nuôi vì lòng trung thành của chúng. Lòng trung thành chính là chủ đề. Đó là một chủ đề hay. Rồi gì nữa? Ở Alaska người ta cần phải có chó để kéo xe trượt tuyết. Điều này chứng tỏ chó và người là bạn bè nhau. Đây là một chủ đề khác của cuốn Tiếng gọi nơi hoang dã.
Rồi tôi dắt Sam đi xuống chung cư cũ của tôi để xem tivi với bà Muramoto. Chúng tôi coi tivi đến tận giờ đi ngủ mới về nhà. Khi tôi bước vào cửa, mẹ đang ngồi đợi.
“Ba đang ở trong bếp. Ba muốn nói chuyện với con.”
Đây là một tín hiệu xấu. Ba chưa bao giờ nói chuyện với tôi. Lynn thì dĩ nhiên nói chuyện với tôi quá trời. Còn mẹ đã có lần nói chuyện với tôi hồi năm ngoái về việc những gì xảy ra khi tôi bắt đầu có kinh. Còn bà Hiệu phó gần đây thì nói chuyện với tôi về việc nếu thứ hạng của tôi ngày càng tệ trong lớp, tôi sẽ chẳng bao giờ tốt nghiệp, và cuối cùng phải nhận một công việc tồi tệ hay lấy một ai đó làm một công việc tồi tệ.
Tôi vào nhà bếp rồi ngồi xuống. Ba đang đọc báo. Lúc đầu ba lơ tôi. Tôi mân mê một chỗ sứt trên cái bàn bằng mica màu vàng. Mấy cái ghế lại màu xanh. Một người hàng xóm đã cho chúng tôi cái bàn, còn bác tôi thì cho mấy cái ghế. Trong nhà tôi chẳng có thứ gì hợp với nhau cả.
Ba đặt báo xuống và nhìn tôi. Ba nói, “Lynn bị bệnh thiếu máu. Nhưng chị cũng bị cả bệnh bạch cầu nữa, bệnh này rất nguy hiểm.” Ba có vẻ suy nghĩ lung lắm. “Ngày mai ba muốn con đi tới cửa tiệm tạp hóa và xin lỗi vì đã lấy cắp chai sơn móng tay đó.”
“Dạ.”
“Ba biết con là một đứa bé ngoan,” ba nói.
“Lúc nào ba cũng biết như vậy. Nhưng thỉnh thoảng ba muốn thấy điều đó, chỉ để nhắc cho ba nhớ thôi. Con nghĩ con có thể nhắc cho ba nhớ điều đó thường xuyên hơn không?”
“Dạ được. Thiếu máu là gì vậy ba?”
“Đó là căn bệnh rất tệ. Nhưng chị con sẽ khỏe lại thôi. Giờ thì mình có nhà rồi, chị con sống vui hơn.”
Tôi bước vào phòng ngủ. Lynn đang ngủ như mọi khi. Tôi tìm chữ “bệnh bạch cầu” trong cuốn từ điển. Tôi tốn tới mười lăm phút để nghĩ xem từ đó đánh vần ra sao.Trong từ điển ghi là: Bất cứ khối u ác tính nào xuất hiện trong các bướu bạch cầu hoặc các tế bào bạch cầu khác. Rồi tôi tra chữ “ác tính” trong từ điển. Nó ghi rằng: Đe dọa tới tính mạng; do virút gây ra, một bệnh chết người. Có nguy cơ gây di căn, ung thư. Nói về các khối u.
Và như vậy, tôi nhận thức được rằng Lynn có thể chết.
Tôi quay lại nhìn chị. Trong lúc ngủ, ngó chị vẫn rất giống những lúc còn khỏe mạnh. Tôi vẫn nghĩ chị mình rất đẹp, và cả chị cũng nghĩ vậy. Nhưng tôi không khỏi nhận ra rằng tóc và da của chị không còn đẹp như trước đây nữa, và người chị gầy gò đi.
Người quản lý cửa hàng tạp hóa mười xen đó là một người đàn ông nhỏ con, hói đầu và múa may quá chừng. Sau khi tôi xin lỗi ông, ông lên lớp tôi bằng câu chuyện về đứa con trai hư hỏng trong nhà ông. Tôi nghĩ mình là đứa bé bị lên lớp nhiều nhất ở Georgia lúc này.
Đứa con hư trong gia đình ông ta tên là Oscar, và y đã từng ra vào trường cải tạo hồi còn thiếu niên và từng ra vào tù khi đã trưởng thành. Ông ta cho tôi xem một tấm ảnh căn cước của Oscar. Ông nói rằng Oscar đã khởi đầu cuộc đời đầy tội lỗi của y bằng một chuỗi các vụ trộm ở cửa hàng khi còn bằng tuổi tôi. Câu chuyện này khiến tôi khá ngạc nhiên. Tôi không tin có ngày mình phải vô tù, cho nên một phần của bài giảng chẳng làm tôi sợ chút nào. Nhưng tôi tự hỏi không biết liệu có khi nào tôi rốt cuộc lại trở thành một đứa con hư trong gia đình tôi không. Gia đình tôi thật sự không có đứa con hư nào. Nói cách khác là chưa ai thành một người như vậy.
Dĩ nhiên là tôi không kể cho Lynn nghe về vụ trộm cái lọ sơn móng tay. Tối hôm đó tôi thức dậy lúc nửa đêm và đem mền của mình vào phòng ngủ để tôi có thể ngủ trên sàn nhà kế bên giường Lynn. Mẹ vẫn muốn tôi và Sam ở phòng khác để khống quấy rầy Lynn. Tôi không nghĩ là bọn tôi quấy rầy chị, nhưng khi mẹ đạp lên người tôi lúc nửa đêm khi mẹ tới xem chừng Lynn, mẹ lại bồng tôi ra ngoài giường tôi. Tôi nhìn ánh đèn lờ mờ từ cái khách sạn hắt ánh sáng lên bức tường phòng khách. Khi mẹ quay về phòng để ngủ, tôi lại mò tới chỗ cái sàn kế bên giường của Lynn. Tôi quyết định sẽ ngủ như vậy hằng đêm cho tới khi… đúng, hằng đêm cho tới khi chị khỏe lại.
Thật vậy, có vài ngày chị cũng khỏe lên. Có nghĩa là, chị vẫn chưa bình phục, nhưng mấy hôm đó chị đi lại được và ăn tối cùng với bọn tôi. Trong bữa đó, bọn tôi tranh nhau chăm sóc cho chị. Thậm chí nếu bọn tôi nghĩ rằng chị muốn uống chút sữa hay đậu xanh hay bất cứ thứ gì, bọn tôi liền chạy ù vô nhà bếp để lấy thứ chị muốn.
Khi chị không khỏe lắm, mẹ và tôi đặt chị ngồi lên một cái mền. Mỗi người nắm một đầu cái mền và khiêng chị ra ngoài, nơi chị thích nằm trên bãi cỏ của chị, trong cái sân của chị và ngắm bầu trời, dù đó là ngày hay đêm cũng không quan trọng. Chị thuộc về bầu trời, và bầu trời cũng thuộc về chị. Rồi một hôm khi chúng tôi khiêng chị ra ngoài, tôi thấy cặp mắt của chị trở nên đờ đẫn trong lúc chị trở nên đờ đẫn trong lúc chị ngước nhìn bầu trời xanh trong vắt. Ngày hôm đó có vẻ như bầu trời chẳng có ý nghĩa gì đối với chị. Ngày hôm sau cũng vậy.