Tác giả rời Luggnagg và đi đến Nhật bản - Từ đây tác giả quay về Amsterdam trên một con tàu Hà Lan và từ Amsterdam về nước Anh. Tôi hy vọng là chuyện kể của tôi về các struldbrug là một chuyện mới của mình sẽ giải trí phần nào cho đọc giả. Ít nhất là tôi không nhớ đã đọc được cái gì đó tương tự trong các sách về du lịch mà tôi có trong tay. Giữa vương quốc Luggnagg và hoàng đế Nhật Bản vĩ đại tồn tại mối quan hệ giao dịch buôn bán thường xuyên. Các nhà văn Nhật Bản chắc hẳn có đề cập tới những struldbrug. Nhưng chuyến viếng thăm của tôi ở Nhật Bản quá ư ngắn ngủi. Tôi hoàn toàn không biết tiếng Nhật Bản và cũng không có một khả năng nào để tìm hiểu cho vấn đề này. Nhưng tôi hy vọng rằng những người Hà Lan sau khi đọc xong câu chuyện của tôi mà có quan tâm tới vấn đề bất tử xin hãy bổ sung cho câu chuyện của tôi. Đức vua cố gắng thuyết phục tôi nhận một chức vụ nào đó trong cung đình của ngài. Nhưng khi biết rõ quyết định không lay chuyển được của tôi để quay về Tổ quốc, ngài đồng ý cho tôi trở về và rủ lòng thương viết một bức thư giới thiệu cho hoàng đế Nhật Bản. Ngài tặng tôi bốn trăm bốn mươi đồng tiền vàng lớn và một viên kim cương đỏ mà tôi đã bán ở Anh lấy một nghìn một trăm pound. Ngày 6 tháng Năm năm 1709 tôi long trọng từ giã đức vua và các bạn bè của mình. Đức vua đã tỏ ra hết sức lịch thiệp, ra lệnh đội cận vệ của mình hộ tống tôi cho đến tận Glanguenstald, hải cảng của vương quốc nằm ở phía Tây Nam của hòn đảo. Sau sáu ngày lênh đênh, con tàu bắt đầu đưa tôi đến Nhật Bản và hành trình kéo dài mười lăm ngày. Chúng tôi bỏ neo ở cảng Xamoschi không lớn lắm, nằm ở vùng Đông Nam Nhật Bản. Thành phố được xây dựng trên một mũi đất dài từ đó có một vịnh hẹp hướng lên phía Bắc theo một nhánh dài hẹp, ở phía Tây Bắc của vịnh là thủ đô của hoàng đế, Yedo. Sau khi lên bờ, tôi đưa trình viên chức hải quan bức thư của quốc vương Luggnagg gửi hoàng đế của ông ta. Ở hải quan người ta biết rất rõ quốc ấn có kích thước bằng lòng bàn tay của tôi. Trên đó có hình quốc vương đang giúp một người nghèo bị thọt chân đứng dậy. Thị trưởng sau khi nghe nói về bức thư này đã tiếp đón tôi như một đặc sứ của một cường quốc láng giềng. Ông cung cấp xe ngựa và người hầu cận cho tôi và gánh mọi chi phí cho chuyến đi của tôi lên Yedo. Khi đến đấy, tôi được phép vào triều kiến và trình thư. Bức thư đã được bóc theo một nghi lễ rất trọng thể và được người phiên dịch đọc cho hoàng đế. Theo mệnh lệnh hoàng đế, tôi được phép nêu nguyện vọng của mình. Nguyện vọng đó sẽ được hoàng đế thực hiện ngay vì sự kính trọng với người anh em hoàng tộc, quốc vương Luggnagg. Vì nhiệm vụ của người phiên dịch là tiến hành giao dịch với người Hà Lan, bởi thế qua vẻ ngoài của tôi anh ta đã nhanh chóng đoán ra tôi là một người châu Âu, anh ta nhắc lại lời của hoàng đế bằng tiếng Hà Lan, thứ tiếng mà anh ta nắm rất vững. Theo sự dự định từ trước, tôi trả lời rằng tôi là một thương gia Hà Lan bị đắm tàu ở ven bờ biển của một đất nước xa xôi. Từ đó tôi đến được Luggnagg và từ Luggnagg tôi lên tàu đến Nhật Bản, mà ở đây tôi biết những người đồng hương của tôi tiến hành công việc thương mại. Tôi hy vọng rằng người ta sẽ tạo cho tôi cơ hội trở về Tổ quốc với một người nào đó trong số ấy. Tôi kính cẩn xin hoàng đế che chở cho tôi và cho tôi đến Nagasaki , hải cảng duy nhất ở đó cho phép các tàu châu Âu ghé vào. Ở đó tôi sẽ đợi một cơ hội thuận tiện để trở về châu Âu. Trong lời kết luận, tôi xin hoàng đế do lòng kính mến người bảo hộ của tôi, quốc vương Luggnagg, rủ lòng nhân từ miễn cho tôi không phải thi hành lễ nghi bắt buộc với những người đồng hương của tôi là giày xéo lên cây thánh giá[1]. Hơn nữa tôi đã bị nỗi bất hạnh ném lên mảnh đất này và tôi không có ý định thương mại ở đây. Khi người phiên dịch dịch cho hoàng đế lời cầu xin này, ngài hơi ngạc nhiên. Ngài nói rằng tôi là người đầu tiên trong số những người đồng hương của mình bộc lộ ra điều tế nhị ấy. Ở ngài bất giác xuất hiện sự nghi ngờ rằng tôi không phải là người Hà Lan, từ những lời tôi nói rõ ràng tôi là một người Cơ Đốc giáo thật sự. Hơn nữa, do mong muốn biểu lộ sự kính mến quốc vương Luggnagg, ngài chấp nhận lời đề nghị kỳ quặc ấy của tôi. Tuy nhiên, ngài thấy rằng cần phải báo trước cho tôi biết ở đây cần phải hành động cực kỳ thận trọng. Ngài truyền cho các quan lại của mình mệnh lệnh, giả tảng như họ do đãng trí, đã quên không bắt tôi phải làm nghi lễ ấy. Bởi vì, nếu những người đồng hương Hà Lan của tôi mà biết rằng tôi không bị buộc tuân theo nghi lễ ấy thì hoàng đế đoán chắc là dọc đường họ sẽ cứa cổ tôi. Tôi nhờ người phiên dịch biểu lộ hộ tôi lòng biết ơn sâu sắc do đặc ân này. Cũng đúng dịp đó người ta phải phái một đội lính đến Nagasaki . Người ta đề nghị tôi đi với đội lính này và người đội trưởng được lệnh bảo vệ tôi dọc đường và được giao một chỉ lệnh đặc biệt về tôi. Sau một cuộc hành trình dài và mệt mỏi tôi đến Nagasaki vào ngày 9 tháng Sáu năm 1709. Ở đây, tôi được làm quen với một đội thủy thủ Hà Lan, phục vụ trên con tàu "Amboyna" của Amsterdam với trọng tải bốn trăm năm mươi tấn. Tôi đã từng sống lâu ở Hà Lan đã học tập ở Leyden và nói tiếng Hà Lan rất tốt. Các thủy thủ nhận ra rằng tôi đã từ đâu đến và bắt đầu tò mò hỏi về các chuyến du lịch và về cuộc đời tôi. Tôi bịa một câu chuyện thật ngắn gọn nhưng giống như thật, lược bỏ phần lớn các sự kiện. Tôi có khá nhiều người quen biết ở Hà Lan và tôi cũng chẳng khó gì mà không nghĩ ra họ của bố mẹ tôi, mà theo lời tôi họ sống ở một xóm làng nhỏ bé ở tỉnh Gelderland . Tôi đề nghị thuyền trưởng con tàu (không phải là anh chàng Theodorus Vangrult) lấy bao nhiêu tiền cũng được cho chuyến về Hà Lan. Nhưng sau khi biết tôi là nhà phẫu thuật, thuyền trưởng bằng lòng chỉ lấy một nửa số chi phí với điều kiện tôi làm nghĩa vụ của bác sĩ trên tàu. Trước khi lên đường, các thủy thủ nhiều lần hỏi tôi xem đã thực hiện lễ nghi với cây thánh giá như trên đã kể chưa, nhưng tôi đã trả lời hết sức mập mờ. Tuy nhiên, viên thuyền trưởng, một con người ác độc, đã chỉ tôi cho viên sĩ quan Nhật Bản và nói rằng tôi vẫn chưa bước qua thánh giá. Nhưng viên sĩ quan đã nhận được một chỉ lệnh đặc biệt với tôi nên đã cho tên đê tiện hai mươi gậy tre vào vai. Sau chuyện đó người ta không còn đặt các vấn đề đại loại như vậy với tôi nữa. Trong suốt cuộc hành trình không xảy ra chuyện gì đáng nhắc lại nữa. Đến mũi Hảo Vọng thì được gió thuận, chúng tôi dừng lại đó mấy ngày để lấy nước ngọt dự trữ. Ngày 10 tháng Tư năm 1710 chúng tôi thuận đường tới Amsterdam, bị mất bốn người trên đường: ba chết vì bệnh tật và người thứ tư bị ngã từ cột buồm xuống biển ven bờ Guinea. Từ Amsterdam tôi đi Anh trên một con tàu nhỏ đậu ở thành phố này. Ngày 16 tháng Tư chúng tôi bỏ neo ở Downs. Sáng ngày hôm sau tôi lên bờ và tôi lại trở về Tổ quốc mình sau năm năm rưỡi vắng mặt. Tôi đi thẳng đến Redriff và lúc hai giờ trưa cùng ngày tôi được gặp lại vợ và con vẫn khỏe mạnh.Chú thích:[1] Như các nhà du lịch kể lại, những người bị nghi là theo Cơ đốc giáo ở Nhật Bản thế kỷ XVII và XVIII bị bắt phải giày xéo lên cây thánh giá. Những người từ chối làm điều đó sẽ bị nhục hình và xử tử. Việc hành hạ người Cơ Đốc giáo vẫn tiếp tục ở Nhật Bản cho đến năm 1873.