Chương XI
Lòng mẹ


Chương XII
Những ngày cuối cùng

     hững ngày cuối cùng của ông giáo Chính cũng làm cho Đức lo mất ăn mất ngủ, suốt cả ngày thờ thẫn như người mất trí. Phú hỏi, Đức thở dài, đáp:
- Tôi có việc gia đình rất khó nghĩ. Nhưng anh không nên biết, vì là việc riêng của tôi.
Phú lại nhận thấy Đức đi Hà Nội luôn.
Nhiều lúc, Phú tưởng bạn giận gì mình nên cố gạn hỏi, song Đức đều nói là chuyện rất kín.
Đức sở dĩ buồn, chỉ tại đầu tháng năm vừa rồi, Đức không được nhà cái chồng họ cho, vì đã bỏ hạ quá.
Nếu không có tiền họ, thì hạn nợ của ông giáo Chính đến nơi rồi, Đức lấy gì mà trả? Mồng một tháng sáu. Cái ngày ác nghiệt ấy cứ lững thững tiến lại gần dần dần. Nó sẽ quyết định cho ông giáo Chính của Đức một bề: Hoặc mất nhà, hoặc sạch nợ. Nhưng mà sạch nợ sao được?
Ông tham Tống hết sức xếp tiền cho Đức vay, nhưng ông không dám nói chắc trước. Vì một nghìn đồng bạc, lo vào lúc này, khó lắm.
Đến ngày mua họ tháng thứ tám, tức là tháng Sáu tây, ông tham Tống viết giấy cho Đức lên hôm hai mươi tháng Năm, vì hôm ấy mua họ.
Đức hồi hộp, đánh liều bỏ hai trăm, may sao lại mua được.
Nhưng mà món tiền một nghìn, đã phải trừ đi hai trăm, chỉ còn có tám trăm. Vậy muốn trả cho hết nợ, Đức còn phải lo thêm hai trăm nữa.
Cho nên Đức phải đâm ngược, chạy xuôi chịu nói khó để vay những chỗ bạn bè thân mà Đức chắc mẩm sẵn tiền, nhưng cũng không ai có cả.
Thôi thì Đức đã có tám trăm, cho nên Đức nhờ ông tham Tống cố xếp cho Đức được tiêu trước ngày mồng một tháng Sáu. Ông tham Tống thấy bạn cần lắm, nhận lời và cam đoan không để cho bạn phải lỡ.
Cùng quá, Đức bèn đến người chủ nợ ông giáo Chính, để xin trả trước tám trăm, còn bao nhiêu khất lại trả dần, nhưng người ấy không nghe, nói:
- Tôi không thể cho chịu được một đồng xu nhỏ. Ông cứ bảo ông giáo cố xoay cho được một nghìn, rồi tôi trả văn tự. Bằng không, tôi sẽ kiện tại tòa.
Đức nói sao, người ấy cũng vẫn một niềm sắt đá.
Hôm ấy cũng là hai mươi chín tháng Năm. Đức nóng cả ruột, cả gan. Còn ba hôm nữa là hết hạn nợ. Đức lo quá, thành ra phát sốt, phải xin nghỉ ba ngày.
Phú săn sóc, trông nom cho Đức, giục Đức uống thuốc. Nhưng Đức chỉ thở dài thành những tiếng rên kinh hồn.
Nào Phú có hiểu Đức đang vì cha Phú và Phú mà đến nỗi này đâu. Khốn nạn thân Đức! Chỉ một mình biết tấm lòng của mình, hết lòng vì thầy, đến nỗi vất vã, khổ sở.
Lúc ấy, Đức đang nằm trùm kín chăn và Phú ngồi ở cạnh giường, bỗng thằng đầy tớ đưa cho Phú một phong thư.
Phú nhìn phong bì, ngạc nhiên, nói:
- Lạ quá, anh ơi! Sao Hội Việt Nam Hàn Lâm lại viết thư cho tôi?
Đức vừa rên hừ hừ, vừa nói:
- Anh thử xem họ nói gì?
Phú bóc thư ra đọc:
Thưa Ngài!
Hội Việt Nam Hàn Lâm có giải hàng năm để thưởng cho những tác phẩm nào có ích.
Nay xét quyển Việt Nam Văn học sử của Ngài thực là có ích, soạn rất công phu, vậy hội định thưởng giải nhất.
Vậy Việt Nam Văn Học hội xin kính tặng Ngài số tiền ba trăm bạc, xin Ngài vui lòng nhận cho.
Nay kính thư
Hội trưởng
(ký tên)
Tái bút. - Mời Ngài quá bộ đến Hội quán hồi tám giờ sáng ngày ba mươi tháng năm, để Hội đồng được tiếp chuyện và giao số tiền thưởng.
Phú chưa đọc xong thư, Đức ngồi nhỏm dậy, sửng sốt cả người, run lẩy bẩy và châu đầu vào tờ giấy để cùng đọc.
Rồi hai anh em reo rầm, vỗ tay, nhảy nhót như trẻ con.
Một lát, Phú ngẫm nghĩ, nói:
- Phần thưởng này là của riêng anh, anh nhận lấy, vì công anh.
Đức cảm động, lắc đầu:
- Không. Anh không sẵn tiền, vậy anh lấy mà tiêu.
Phú đáp ngay:
- Thế này thì công bằng: ta để làm của công, rồi đem tiêu vào những việc công ích của xã hội.
Đức gật:
- Phải lắm.
Nhưng kỳ thực, Đức đã sướng mê lên, vì món tiền này, thêm vào với tám trăm kia thì thừa trả nợ.
Cho nên Đức khỏi sốt liền, và mong cho chóng đến ngày hôm sau.
Hai anh em hôm ấy rất vui vẻ, mở tiệc ăn mừng.
Cơm xong, Đức nghiêm trang, bảo Phú:
- Bây giờ là lúc anh về nhà, cho ông bà đỡ mong.
Phú ngậm ngùi như quyến luyến bạn, nhìn Đức, không đáp. Đức lại bảo:
- Đến mồng một tháng Sáu thì anh về. Rồi nếu tiện, anh lại đến đây ở chung với tôi ngại gì.
Phú lau nước mắt, đáp:
- Nhưng tôi lo lắm. Vì có lẽ tôi sẽ bị thầy tôi bắt ở nhà.
- Anh không lo. Rồi ta sẽ gặp nhau luôn luôn. Tôi quyết thế.
Phú thở dài:
- Ngày mông một tháng Sáu là ngày rất buồn của gia đình tôi. Món nợ của thầy tôi và món nợ của tôi đều hết hạn... Sao anh lại bảo tôi về?
Đức lắc đầu:
- Anh không ngại. Ngày ấy, gia đình anh sẽ rất vui vẻ.
Phú cho là Đức muốn khuyên mình về, và nói cho mình yên tâm, cho nên càng gần hôm mồng một tháng Sáu bao nhiêu, Phú càng buồn bấy nhiêu.
Rồi khi ra xe lửa về nhà, Phú bơ phờ vừa nhớ bạn, vừa lo lắng.
Chẳng mang theo quần áo gì cả, Phú chỉ lấy cái ảnh của Đức làm đồ hành lý là đủ thôi.
Lúc chia tay, Phú gạt nước mắt, bắt tay bạn.
Đi xe gần đến nhà, Phú trống ngực thình thình, lo quá. Tới nơi, Phú không dám vào thẳng nhà vội, còn lảng vảng ở ngoài công để dò la.
Lúc ấy, ở trong nhà, ông giáo Chính đang mong tin con gái. ông đã quyết định trút sạch nợ đời.
Ông ngồi thần trên ghế, thỉnh thoảng thở dài, ra ý chán nản quá.
Bỗng có người phu trạm đem vào hai bức thư. Ông giáo thấy chữ đề bì rất lạ thì xám ngắt mặt lại. Bà giáo ở trong nhà đi ra, thấy chồng có vẻ lo sợ quá, bèn hỏi:
- Thư của ai vậy?
- Không biết. Nguy lắm rồi! Tôi đoán là chủ nợ dọa bỏ tù.
Bà giáo hết vía, hỏi:
- Nhưng mà hai bức thư à?
- Phải.
Rồi run run, ông đeo kính, mở cái thư dày ra xem trước. Bỗng ông rú lên một tiếng, mừng rỡ bảo vợ:
- Trời ơi! Thằng Phú đã trả hết nợ hai trăm rưỡi riêng của nó rồi. Đây là cái biên lai người ta gửi lại cho nó.
Bà giáo mừng rộn người lên, hỏi dồn:
- Thế à? Thế à?
- Phải, trong biên lai nào cũng có viết một câu: “Nhận một món tiền bốn mươi đồng của ông Nguyễn văn Phú”.
- À, ra nó trả dần từng tháng một.
Nhưng vui vẻ chỉ được một lát, ông giáo lại bắt đầu lo. Còn cái phong bì dẹt chưa mở ra. Đấy có lẽ mới là cái thư nó quyết định cái đời ông. Vì vậy, trong khi bóc, ông đã tưởng tượng đến chiều nay, ông chỉ còn là cái xác không hồn, xung quanh thì vợ con ăn mặc sô gai mà gào khóc thảm thiết.
Phong bì vừa bóc ra, ông giáo nhìn tờ giấy bỗng đứng phắt dậy, kinh ngạc:
- Ồ! Nó lại trả được cả món nợ một nghìn! Đây là cái văn tự ấy, có chua một câu: “Trả cả gồc lẫn lãi, ngày ba mươi tháng Năm tây”.
Rồi hai người nhìn nhau nghẹn ngào, không nói được một câu nào cả. Một lúc, bà giáo buồn bã, bảo:
- Bây giờ tôi thương nó quá! Biết nó ở đâu mà tìm nó về?
Bỗng bà òa lên khóc:
- Con ơi!
Nhưng vừa lúc ấy, Phú ở ngoài bước vào vẻ mặt lo lắng. Nhất là Phú thấy trong nhà có tiếng khóc, chắc cha mẹ đang có tin buồn.
Phú cúi chào, sợ hãi.
- Ố kìa! Con! Trời ôi!
Rồi hai cha mẹ chạy ra, ôm choàng lấy Phú, khiến Phú hết hồn, chẳng hiểu làm sao cả. Bà giáo mừng quá, nói một thôi, một hồi như mê sảng. Ông giáo lặng một lúc, thong thả bảo Phú:
- Thầy me thấy con biết hối, làm sách có ích và được giải thưởng đầu của Việt Nam Hàn Lâm hội, thì thầy me rất vui lòng. Vả con lại trả được nợ cho thầy và nợ riêng của con, thầy me rất sung sướng.
Phú ngơ ngác. Ông giáo đứa cho Phú xem tám cái biên lai và một cái văn tự. Phú càng ngạc nhiên.
Bỗng có tiếng gót giày mang cá ở ngoài cửa bước vào, và tiếng reo lanh lảnh:
- Lạy thầy ạ, lạy me ạ. Con đỗ rồi! Ô kìa, anh Phú!
Mọi người quay lại, thì ra cô Mai. Mai cười khanh khách:
- Con đỗ rồi! Con đi ô-tô với bà đốc nên về được sớm.
Cả nhà như chiêm bao, cuống quýt lên. Bà giáo rối rít hỏi han và kể chuyện Phú cho Mai nghe. Lúc bấy giờ, Phú mới hiểu đầu đuôi việc
Cảm động quá, Phú bèn rút cái ảnh của Đức trong túi ra, nói:
- Thưa thầy me, thế thì ân nhân của gia đình ta là người này. Chính người này đã khuyên bảo cho con nên người. Chính người này đã trả nợ cho nhà ta. Chính người này bấy lâu đã nuôi con.
Ông giáo Chính ngẩn mặt ra nghe, rồi đeo lại kính để nhìn ảnh cho rõ. Bỗng ông giật mình:
- Ồ, anh huyện Đức! Trời đất ơi!
Bà giáo sửng sốt nhìn ảnh, rồi chảy nước mắt, nói với Phú và Mai:
- Tức là cái anh học trò thầy, ngày xưa được thầy giúp cho mỗi tháng ba đồng để ăn học, các con ạ.
Mọi người đều cảm động, hết lời khen ngợi Đức.
Ông giáo Chính thấy gia đình không ngờ đoàn tụ vào giữa lúc trong nhà được bao nhiêu tin mừng, sung sướng quá, nói cười rất vui vẻ và kể lại chuyện Đức cho mọi người nghe.
Nhưng chỉ vui vẻ, độ năm phút thôi, tự nhiên ông bỗng nghĩ ngợi nhăn mặt, ra ý buồn bã.
Rồi ông chống tay vào má, hai mắt mơ màng. Mọi người im lặng, chẳng hiểu vì sao, thì thấy ông thở dài và than rằng:
- Ta không ngờ trước ta làm cái ơn nhỏ mọn đến nỗi ta quên đi, mà người chịu ơn nhớ mãi và đền ta một cách trung hậu như thế này. Thật là tấm lòng vàng, ta lấy làm khó nghĩ quá.
Nói đoạn, ông lại thở dài. Rồi như chợt nghĩ ra điều gì, ông đưa mắt nhìn Mai, ngồi trước mặt.
Lúc ấy, hai má hây hây, Mai đang cầm cái ảnh Đức, ngắm nghía bằng đôi mắt ngây thơ, ra chiều bồi hồi, man mác...

HẾT


Xem Tiếp: ----