VIII Những tấm lòng

Tôi đang sống những ngày căng thẳng và chật vật. Mọi cuộc dấn thân đều phải thấu hiểu trước và chủ động chấp nhận. Những nỗi đau và bất hạnh của nhân dân thối thúc tôi có thể làm được gì thì phải làm hết sức mình. Những thảm họa mang tầm vóc dân tộc trẻ em gầy ốm, tỷ lệ chết khi sinh của các em quá cao (57/1000 cao gấp sáu lần ở Pháp và Mỹ), nạn thất học lan tràn, hàng 300, 000 học sinh bỏ học, hơn 70, 000 giáo viên bỏ dậy, hệ thống bệnh viện xuống cấp, người bệnh phải chung nhau hai người một giường, thiếu thuốc men. Nạn tham nhũng, ăn hối lộ của mọi cửa đè nặng lên cuộc sống người dân lương thiện. Tất cả những điều ấy không cho phép tôi do dự, tính toán cho riêng mình. Tôi tin là mình đã làm theo lẽ phải và lương tâm.
Và tôi đã được những sự giúp đỡ tận tình -Những tấm lòng vàng. Xa gia đình bè bạn, đây là sự an ủi, cao hơn nữa là sức động viên, khuyến khích, cổ vũ tôi. Tôi có thêm biết bao bạn bè trên dất Pháp mới mẻ và xa lạ này. Anh chị em trí thức, làm báo, giáo sư, thầy thuốc...những người Việt yêu nước chân thành tìm hiểu việc tôi làm và giúp đỡ tôi rất chân tình. Những cuộc trao đổi ý kiến cởi mở, ngay thật về tình hình đất nước. Anh chị em ở Lyon, Marseille, Tonlouse, Lille...Paris đón tôi về nói chuyện và trao đổi ý kiến. Anh em theo dõi tình hình Việt nam rất chặt chẽ. Có gia đình đặt mua tất cả các loại báo hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng từ Việt nam, có những tủ sách cực kỳ hiểm, ở Việt Nam cũng khó có thể có, gồm đủ loại sách báo từ đầu thế kỷ này. Tủ sách của giáo sư Hoàng Xuân Hãn, và của nhà nghiên cưứ Tạ Trọng Hiệp, gồm những sách cổ văn, Hán văn và chữ Việt là những kho tàng vô gía. Các vị sẵn sàng hiến những sách quý nhất cho đất nước. " nhưng không phải bây giờ, vì sẽ không phát huy được tác dụng mong muốn do tình trạng không ổn định, còn hỗn loạn qúa: ".
Vợ chồng chị Ngọc Bình ngỏ ý đón tôi về nhà anh chị. Chị quê ở Bạc Liêu, sang đây đã hơn 30 năm, tốt nghiệp đại học rồi dạy học. Anh Jacques chồng chị, giáo sư ngôn ngữ ở Đại học Sorbonne 7. Năm 1989, hai anh chị về thăm quê hương Việt Nam, do đó hiểu khá rõ tình hình, thông cảm sâu sắc với tình cảnh gay gắt của nhân dân ta và rất tâm đắc với sự nghiệp đổi mới, nhất là với nhu cầu xây dựng một cuộc sống dân chủ về chính trị. Chị bảo tôi: " Tôi hiểu việc anh làm là cần thiết, là tâm huyết với nước mình. Anh hãy coi phòng này là phòng của anh, nhà này là nhà của anh. Anh cứ sử dụng tùy ý để làm việc ". Chị cho tôi ở một phòng, chị thường thay vỏ chăn, vỏ gối cho tôi- Anh đem cho tôi đài thu thanh để nghe tin tức và khi xem ti vi có tin thế giới lại gọi tôi sang xem. Anh rất giỏi nhiều ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, thường dự các cuộc họp quốc tế về ngôn ngữ học ở nước ngoài.
Thường trước khi đi làm, chị để ở trên bàn mảnh giấy nhỏ cho tôi: trong tủ lạnh có chả giò (nem Sài Gòn), có thịt gà, anh dùng đi nhé, hay: tôi có làm sẵn bánh cuốn, có thịt cưừ, anh ăn ngon nhé!...Đĩa trái cây luôn luôn đầy, gồm: cam, nho, táo, chuối...vì chị biết tôi rất thích ăn hoa quả. Chị luôn hỏi thăm sức khỏe, công việc, những tin tức gia đình, bạn bè tôi, động viên và an ủi tôi khi xa nhà. Cháu ngoại chị, bé Alise, 6 tuổi, là" bạn nhỏ " thân thiết của tôi. Nhà cháu ở gần nên mẹ cháu hay đưa cháu sang bà ngoại nhờ trông giúp. Cháu rất ngoan, hay hát, hay cười, hiếu động. Tôi cùng cháu chơi ú tim, đi trốn, đi tìm ngoài vườn, bế cháu hái mận, cùng cháu hát những bài dân ca Pháp. Những lúc ấy tôi càng nhớ thêm hai cháu ngoại của tôi -bé Hoài Anh năm tuổi và bé Quỳnh Anh tám tuổi. Tôi được sống những ngày tháng ấm áp trong một gia đình có nền văn hóa hòa hợp Việt-Pháp. Hai anh chị thường trao đổi ý kiến với tôi về tình hình Pháp, tình hình Việt Nam. Mới đây hai anh chị sinh hoạt trong một lực lượng mới của cánh tả mang tên " refondation ", đặt nền móng lại cho các lực lượng chung của phái tả. Hai anh chị cũng là những nhà giáo có quan điểm sâu sắc về giáo dục. Anh chị đã áp dụng để dạy hai con gái, hai con rể và hai cháu ngoại. Đó là cách thức giáo dục tự do, khơi gợi nhân cách, hướng dẫn cho các cháu tự suy nghĩ, tự kết luận, tự dạy mình, hoàn thiện mình, tạo nên phong cách sống độc lập và tự chủ rất thoải mái, êm ấm mà sâu sắc, vừa rất trí tuệ lại vừa rất tình cảm. Cả nhà sống chân thật với nhau, không mảy may mầu mè, khách sáo, giả tạo, luôn ngay thẳng và tôn trọng sở thích của nhau, tin yêu nhau rất mực. Những lần bé Alise về nhà, cháu cứ đòi vào phòng tôi để chào " tông tông Tín ", thơm tôi rồi mới chịu về. Chị Ngọc có quan điểm dân chủ rất mới mẻ, chính chị yêu cầu là trong đổi mới, mọi người không nên ở trong cấp ủy quá hai nhiệm kỳ, và tập trung làm việc thật tốt trong một thời gian nhất định, rồi sau đó nhường chỗ cho người khác. Có làm như vậy lãnh đạo mới được bồi bổ thường xuyên bởi các lực lượng trẻ kế tiếp và không làm những người bị thay thế có mặc cảm là kém cỏi. Theo đúng tinh thần: tre gìa măng mọc.
Tôi thường đưa chị xem những lá thư tôi nhận được từ Hà Nội. Đó là thư của vợ tôi, con gái, con rể tôi và cả của cháu Quỳnh Anh mới 8 tuổi, cũng như các thư của các chị tôi, ba chị ở Hà Nội, một chị ở Hải Phòng và một chị ở thành phố Hồ Chí Minh. Vợ tôi rất sửng sốt khi nghe tin tôi ở lại và vô cùng lo lắng khi nghe những buổi phát thanh đầu tiên của đài BBC truyền đi, những câu trả lời phỏng vấn của tôi. Cuối một lá thư vợ tôi kể có lần đang đạp xe trên đường phố, có người đạp theo để hỏi thăm, tuy chưa hề quen biết và nhờ chuyển lời hỏi thăm tôi, khuyến khích cả gia đình chịu đựng những khó khăn do việc tôi làm mà ông ấy cho là: can đảm, biết hy sinh cho đồng bào. Qua thư ấy tôi được biết có một số giáo viên quen biết gia đình hứa hẹn rằng: " Chị chớ quá lo, sau này anh ấy về, dù có khó khăn ra sao, bọn tôi sẽ góp phần cho cuộc sống của gia đình...". Tôi xây dưng gia đình tháng 9-1956. Vợ tôi quê ở thành phố Vinh. Hồi ấy tôi đóng quân tại đó. Tôi luôn đi xa, vợ tôi lo việc nuôi và dạy dỗ 2 con nên người. Vợ tôi là giáo viên, vừa nghỉ hưu năm 1990. Con gái tôi, Bùi Bạch Liên, 34 tuổi, là bác sĩ gây mê hồi sức ở bệnh viện Mắt trung ương. Được thư con gái, tôi ngồi tần ngân suốt cả buổi chiều. Cháu viết: " dù sao con cũng tin ở bố, ở sự sáng suốt và lòng chân thành của bố đối với đất nước. Con chỉ mong bố giữ sức khỏe thật tốt, đó là điều cần thiết nhất. Có những lúc thương bố quá, con chỉ mong được sang ở đó với bố, dù phải đi làm vất vả như rửa bát cũng được, miễn là được chăm sóc bố hàng ngày. Bố mà có làm sao thì đời chúng con chẳng còn ý nghĩa gì nữa..."
Tôi quý Bạch Liên từ nhỏ. Khi đi học, cháu rất chăm và được bạn bè rất qúi mến. Cháu hiền từ, chân thật. ở bệnh viện nơi cháu làm việc, ai cũng quý cháu, từ viện trưởng là giáo sư Nguyễn Trọng Nhân, đến các chị y tá, lao công. Tính cháu ngay thẳng, có lần cháu kể: " Con rất buồn bố ạ. Thuốc men ở bệnh viện đã thiếu mà có người nỡ đổi thuốc và lấy cắp thuốc của công, cũng là thuốc của bệnh nhân. ". Con rể tôi cũng lo lắng cho tôi. Cháu đã qua môt cuộc thi tuyển để đi học ở trường Đại học Harvard (Hoa Kỳ) về quản lý kinh tế và đã đỗ. Thế nhưng cơ quan cháu là Uỷ ban nhà nước hợp tác và đầu tư với nước ngoài không cho cháu đi nữa, khi có việc tôi làm. Đó là chuyện rất vô lý, vì lẽ ra ai làm người nấy chịu, không thể quy kết bừa là có liên quan...Cháu rất bình tĩnh và viết thư cho tôi: "...con hiểu việc ông làm và tin rằng thời gian sẽ ủng hộ ông. Con không được đi học nữa, nhưng con khóng ân hận và luyến tiếc một chút gì, con đã lường hết mọi chuyện cho đến mức xấu nhất..." Cháu Quỳnh Anh đã viết cho tôi đến bốn lá thư! Hai ông cháu như là bạn. Có những chuyên riêng của trẻ thơ cháu thích nhỏ to cùng tôi. Trước kia, tôi thường dắt cháu đi vườn hoa, đi mua sách thiếu nhi. Có khi hai ông cháu đi ăn chè, ăn kem. Một bức thư cháu viết: " ông ơi, con nguyền rủa trái tim bệnh tật nó làm cho ông đau..." Cháu xưng với tôi là " con ", rất năng vào bệnh viện thăm tôi hỏi tôi bị cơn đau tim nặng cách đây hai năm. Có bức thư cháu trêu tôi: " ông Thất Tín ơi, con vẫn tin ông Thành Tín và nhớ ông Thành Tín làm. Con đã biết đi xe đạp rồi, nhưng phải có mẹ con đi kèm ở bên cơ. Con đã bỏ vào ống tiết kiệm để dành tiền, con chờ ông về để đi mua sách, mua chuyện với ông..." Tôi bật cười khi đọc thư cháu- vì ông Mai Chí Thọ vừa chơi chữ, chụp mũ tôi là Thất Tín, còn gán cho tôi cái tội phản bội! Thật là quan trọng, vì từ mồm một ông Uỷ viên Bô Chính trị đương chức, lại là bộ trưởng Bộ Nội Vụ. Chắc trong gia đình nói chuyện với nhau về chuyện này, Quỳnh Anh nghe được, nhớ rồi viết, để vừa là trêu, vừa là an ủi tôi. Cháu tính rất hóm hỉnh. Thật đáng thương, từ bé, cháu đã phải sớm biết những chuyện vô lý, kỳ quặc như thế và cũng bắt đầu phải tìm hiểu những điều oan trái như vậy rồi...Tôi nhơ đến con, cháu, con dâu, con rể của các nhà văn Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, cũng đều bị phân biệt đối xử khinh thi, xỉ vả và dè bỉu hàng chục năm ròng. Chỉ vì những người có tâm huyết và tài năng ấy đã nói lên qúa sớm những sự thật.
Có một lá thư, trên phong bì chữ con gái tôi để gọn mấy chữ:
người gửi Quỳnh Anh - Thư đến quán ăn Việt Nam 80 Rue Monge - Paris - Cháu đề như vậy để cho tôi biết là thư gia đình. Thế mà chỉ một tuần sau, ở Hà Nội, cơ quan an ninh quốc gia đã mở một cuộc điều tra xem Quỳnh Anh là ai, làm gì, ở đâu, có phải là người trong nhóm Bùi Tín hay không! Chắc hẳn có người nào đó đã nhìn thấy phong bì và báo cho sử quán Việt Nam ở Pháp. Tôi đã viết thư cho đại sứ Phạm Bình, nguyên là bạn tôi, từng cùng nhau dự các cuộc họp quốc tế ở Indonesia, ở Malaysia, ở úc, nói rõ: " anh nên xem mấy anh phụ trách an ninh của sứ quán làm việc như vậy đó. Có gì xin cứ hỏi tôi. Tôi sẽ trả lời đầy đủ, không dấu diếm điều gì. Vì tôi làm việc này hoàn toàn từ đáy lòng tôi, từ suy nghĩ của riêng tôi, không liên quan đến bất cứ ai, không có phe hay nhóm gì cả! Quỳnh Anh là cháu ngoại tôi, mới lên 8, học lớp 3, trường phổ thông Trưng Vương Hà Nội".
Cũng như hồi cuối năm 1990, đã xảy ra một chuyện rất buồn cười. Số là vào dịp cuối năm, nhân tuần nghỉ từ ngày Thiên Chúa giáng sinh 25. 12 đến ngay Tết dương lịch I. I., các anh em làm báo tiếng Việt ở Tây Âu, trong các hội người Việt thường tụ tập về Paris để trao đổi về tình hình đất nước và nghiệp vụ làm báo. Tháng 12. 1990 vừa qua có hơn 20 anh em từ Đức, ý, Anh, Thụy sĩ, Bỉ, Hà Lan...sang Paris. Anh em mời tôi tham dự vì coi tôi là đồng nghiệp, vào tối 29. 12 ở quán Monge. Một chuyện ngẫu nhiên ngày ấy cũng là ngày sinh nhật của tôi. Có mấy anh biết nên có mấy lời chúc mừng ngắn. Chuyện chỉ có vậy. ấy thế mà có người quan trọng ở sứ quán điện báo cáo về Hà Nội. Và thế là có thông báo của Ban Bí thư cho các chi bộ rằng: Bùi Tín đang tập họp bọn phản động ở Tây Âu về Paris để bàn mưu lật đổ! Tại cuộc họp báo, Bùi Tín có đọc diễn văn và họ còn hô khẩu hiệu phản cách mạng! Tôi đã viết thư về cho ông Dương Thống, người tôi từng quen biết, nay phụ trách Tổng cục An ninh, để nói rõ rằng: " Các anh cần biết bộ hạ của các anh làm viêc như vậy đó! Đầy những chuyện suy diễn, tưởng tượng, bịa đặt...Các anh đã nhận định oan ức bao nhiêu người, làm cho họ bị đối xử bất công, mà nay vẫn chưa tỉnh ngộ và rút kinh nghiệm để sửa chữa. Tôi làm mọi việc ở đây công khai, đàng hoàng, đánh bài ngửa, không có gì khuất tất, ám muội, phải che dấu cả".
Cũng như trước Tết dương lịch, có vợ chồng anh Việt kiều ở Lille về thăm gia đình ở Hà Nội. Tôi nhờ hai anh chị mang về cho hai cháu ngoại hai con búp bê nhỏ. Thế mà cán bộ sứ quán ở Paris chạy đi hỏi hàng chục nơi: " Bùi Tín gửi qùa cho cháu là qua tay ai? có biết không? Sứ quán rất cần tin này! " Tôi gọi điện thoại đến sứ quán nói rõ tên người tôi gửi và nói thêm: " Đây là sự giúp đỡ hoàn toàn về tinh cảm, không mảy may có nghĩa là hai anh chị ủng hộ hay tán thành việc tôi làm, để rồi sứ quán sẽ gây khó dễ cho họ theo kiểu cách họ vẫn thường làm để trừng trị, trả thù vặt một cách vô lý ". Tôi rất xúc động nhận được ảnh chụp hai cháu ôm hai con búp bê qùa của ông ngoại. Mẹ cháu còn kể một tối thứ bảy, hai cháu về nhà tôi như thường lệ, từ dưới cửa hai đứa đã gọi to: " Ông ơi, ông ngoại ơi, ông đã về chưa?..." Và tối ấy lục tủ quần áo tôi ra, dành nhau mấy cái ao để ôm và đắp khi đi ngủ, " để chúng con đỡ nhớ ông! ". Bé Hoài Anh lên 5 rất sáng dạ và hiếu động, khi nhìn thấy ảnh tôi ở trên báo, còn nói to với bà ngoại: " Bà ơi, con nhìn thấy ảnh ông, mà con còn ngửi thấy mùi ông nữa! " Thật ngây thơ và thương cảm qúa!.
Con gái tôi sống rất tế nhị và tình cảm. Khi con trai tôi, Bùi Xuân Vinh, đi Hồng Kông với vợ chưa cưới, Bạch Liên buồn vì nhớ em vô cùng. Cháu gầy hẳn đi và sưu tầm tất cả những gì của em để cất giữ làm kỷ niệm. Nay cháu càng buồn: " Gia đình ta thế là chia thành 3, 4 nơi! Biết bao giờ mới găp lại nhau cho đủ! ". Hai chị em quấn quít nhau từ bé. Khi cháu Vinh mới đẻ, gia đình còn ở phố Bùi Bằng Đoàn trong thị xã Hà Đông (thật là ngẫu nhiên chúng tôi được ở phố mang tên cha tôi. Nhà do sở Giáo dục tỉnh Hà Tây phân phối cho vợ tôi là giáo viên) cả phố đều biết cháu vì tiếng khóc như còi. Khi di vườn trẻ, cháu được cổ giáo Tám qúy và gọi là: thằng Bống cuả cô. Cháu năng động, yêu thể thao và âm nhạc. Cháu thích chơi đàn phong cầm, ghi-ta, có đôi tai sành âm nhạc. Đá bóng rất hăng, chơi quần vợt cũng không kém. Cháu đã có bằng kỹ sư cơ khí trường Đại học Bách khoa, tự học tiếng Pháp rồi tiếng Anh. Cháu nói tiếng Anh cũng tốt. Vợ chưa cưới của cháu là Hoàng Lệ Hằng học đến năm cuối trường Đại học sư phạm ngoại ngữ Hà Nội, khóa tiếng Anh-Hai cháu xuống Hải phòng, rồi là "thuyền nhân" trên một chiếc tàu cũ. Trải qua 26 ngày đêm căng thẳng, sóng gió mới đến Hồng kông vào tháng 3. 1989. trong trại kín, đến tháng 7. 1990 hai cháu mới được ra phố tự do, hiện chờ ngày đi Hoa kỳ, do cô em tôi ở California bảo lãnh. Tôi nhớ con đến day dứt-đứa con trai duy nhất của tôi, cháu đích tôn duy nhất của cha tôi - vừa tự hào và yên lòng, vì cháu có nét riêng. Chan hòa với bạn bè, cháu được bạn tin cậy và quý mến. Tôi cũng mừng vì cháu có tinh thần tự lập, ý chí quyết đoán làm chủ đời mình, khát vọng được học thêm để thành tài. Cháu chỉ kịp xin giấy kết hôn với người yêu ở quận Đống đa (Hà Nội) chiều hôm trước, sáng hôm sau cùng nhau xuống Hải Phòng để lên đường. Vợ cháu thuộc một gia đình trí thức, dản dị, thanh bạch, rất hợp với nếp nhà tôi, hai cháu lại hợp nhau. Tháng 4 vừa rồi, cháu gửi thư cho tôi có đoạn:
".. Con luôn tin rằng đất nước rồi sẽ phải thay đổi. Nhân dân, nhất là thanh niên không thể chịu được mãi cảnh thiếu thốn, nhất là thiếu quyền dân chủ. Con hiểu tình hình đất nước ta là cực kỳ vô lý. Nhìn vào lịch sử, không bao giờ những chế độ cầm quyền không được lòng dân lại được lâu bền. Người dân chưa dám nói ra vì còn sợ đủ thứ, nhưng nhất định tình hình sẽ thay đổi-Con tin rằng gia đình ta sẽ đoàn tụ trong nỗi vui mừng của cả nước được tự do. Chúng con chỉ mong bố giữ thật tốt sức khỏe. Bố chớ lo gì cho chúng con. Chúng con đang chờ để sang với cô chú, nhưng có việc làm, nên cũng không sốt ruột như dạo trước..." Các chị tôi rất lo lắng cho tôi. Vì tôi tuy là con thứ 8 trong gia đình 10 người con, nhưng là con trai đầu. Hai chị lớn tôi mất từ hai, ba năm trước. Cả năm chị hiện còn đều thỉnh thoảng viết thư cho tôi và hàng ngày tụng kinh, cầu nguyện cho tôi. Gia đình lớn của tôi sống rất tình cảm, gắn bó - Hằng năm, ngày kỵ giỗ chính đều có mặt đông đủ tất cả các anh chị, em. Con cháu ngày càng đông. Nếp sống của gia đình thuộc dòng họ lớn là thế. Các chị tôi với hai anh em trai tôi (tôi và chú em Bùi Nghĩa, giáo sư y khoa) sống thuận hòa. Chúng tôi thương yêu, dùm bọc nhau, từ hồi tôi còn rất nhỏ, cho đến khi lớn, trưởng thành và cho đến tận ngày nay không hề gợn lên một điều gì bất thường xung khắc cả. Giáo dục trong một gia đình nề nếp mang tác dụng bền lâu. Sống ngay thật, không luồn cúi, không buông lỏng chạy theo tiền tài, danh vọng để rồi tham nhũng, hư hỏng là một định hướng sống đã thành máu thịt. Các chị tôi đều sửng sốt, bất ngờ trước việc làm của tôi hiện nay, nhưng đều tin rằng, việc làm ấy là từ một động cơ trong sáng. Song ai cũng không khỏi lo lắng cho số phận của tôi, vì e rằng kết qủa không chắc chắn, mà lại còn có thể chuốc họa cho bản thân và gia đình.
Em gái tôi hiện ở California, thường liên lạc qua thư từ và điện thoại với tôi. Đây là cô út, cả gia đình đều qúy mến. Cô từ Sài Gòn qua Mỹ cùng chồng tháng 4. 1975, đều là công chức dưới chế độ cũ. Chồng cô là cháu gọi cụ Nguyễn Thượng Hiền bằng bác ruột, người cùng làng Liên Bạt, _ng Hòa, Hà Sơn Bình. Em tôi có một con gái đã lấy chồng. Hai vợ chồng là kỹ sư cấp cao, ngành tin học. Trong một bức thư gửi cho tôi, con rể cô báo tin vừa sanh con gái đầu lòng và viết: " Cháu rất cảm động đọc thư bác bày tỏ nỗi lòng của mình với đất nước. Mong mỏi con dân nước Việt trong cũng như ngoài nước noi gương Lý Công Uẩn: " canh khuya chẳng dám co chân duỗi, chỉ ngại non sông xã tắc xiêu ", thì nước ta có cơ thoát vòng hoạn nạn. Bác đã gióng tiếng chuông chính trị lên rồi, bọn cháu hy vọng những người hiểu biết ở cả hai phía sẽ đứng dậy..."
Gần đây khi được biết ở Hà Nội, có người chụp mũ cho tôi là kẻ "phản bội", cô em tôi cản ngăn tôi chớ có trở về, khuyên tôi sang Hoa Kỳ ở, có sẵn nhà cửa, rồi sẽ dọn gia đình tôi sang đoàn tụ. Tôi rất hiểu tình cảm của cô em tôi, nhưng tôi trả lời tôi dứt khoát trở về. Trong cơn nước sôi lửa bỏng của nhân dân, không thể bỏ chạy, lo cho riêng mình được.
Các anh chị em còn ông bác ruột tôi cũng chung nỗi lo tương tự, khi sinh thời, cha tôi và các ông bác, bà cô tôi ứng xử đối với tất cả những thành viên trong họ hàng thân thuộc như chung một mái nhà vậy. Ông chú họ tôi năm nay gần 80 tuổi, hiện là bậc trên nhất của dòng họ, cũng nhắn tin, cổ vũ, căn dặn tôi: phải tỉnh táo, cẩn trọng trong mọi việc làm, tâm niệm giữ lòng ngay thật vì dân, vì nước...
Tôi cũng nhận được hơn một trăm lá thư của bè bạn. Vì an toàn của các bạn ấy, tôi không thể kể tên và địa chỉ ra đây. Có người rằng phải trung với đảng, hiếu với dân, song giờ đây anh lại đóng vai trọng tài phán xét, phủ nhận với luận điệu xuyên tạc cả quá khứ và hiện tại..."
Một số anh em ở báo Quân đội nhân dân đã đáp ngay lại bằng một bài báo ký tên " Bút bi chiễn sĩ " gửi cho tạp chí " Nhà báo và Công luận ". Tất nhiên bài này không được đăng. Anh em sao lại, gửi cho tôi. Trong có đoạn: "...Chúng tôi sửng sờ đọc bức thư ngỏ " Gửi anh Bùi Tín " của Tuấn Minh đăng trên tập san Nhà báo và Công luận. Những người cầm quyền lo sợ cái đứng đắn, hợp lòng dân qua " bản kiến nghị của một công dân " và các buổi phỏng vấn truyền thanh của Thành Tín đã mộ được một lính đánh thuê mẫn cán!"
Bài báo kkông hề nói đến nội dung đầy chân lý của bản kiến nghị và lời giải thích trên đài, vì không ai làm nổi việc bác bỏ nó cả. Có phải cơ hội hòa hợp và hòa giải dân tộc đã bị bỏ lỡ? Có phải chiến lợi phẩm và tài sản qua cải tạo tư sản và gian thương phần lớn đã bị tiêu tan? Có phải tuổi trẻ, trí thức, văn nghệ sĩ có tài năng và tâm huyết đã bị khinh thường và trù dập? Có phải những vụ án "xét lại ", " chống đảng ", " phản động " là bất công, cần minh oan? Có phải lăng Bác Hồ, cầu Thăng Long, Thủy điện Hòa Bình là trái với đạo lý dân tộc và coi thường giới kỹ thuật? Có phải di chúc của bác Hồ bị cắt xén và sửa chữa là coi thường người chết và coi thường người dân? Có phải tệ giáo điều và duy ý chí đã gây tai họa vô cùng? Có phải tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi lan tràn là do đảng độc quyền lãnh đạo, bóp nghẹt dân chủ?...Tất cả đều là sự thật.
Tuấn Minh không dám bác nội dung, chỉ dùng lời lẽ vu cáo, bôi đen, kiểu tiểu nhân, đánh ngưới vắng mặt để hòng lập công và tiến thân. Tự nhận là đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp mà phản bạn, phản bội chân lý.! Khi còn ở báo Quân đội, Thành Tín và Tuấn Minh là hai thái cực mà chúng tôi nhận thấy rất rõ. Thành Tín ngay thẳng, khiêm tốn, say nghề làm báo bao nhiêu, thì Tuấn Minh thủ đoạn, đạo đức giả, nịnh trên, nẹt dưới, bất nhân với anh em bấy nhiêu...
Chúng tôi thấy cần vạch mặt kẻ cơ hội mao-ít trước công luận và nhờ gia đình anh Thành Tín chuyển đến anh sự ngưỡng mộ và tin cậy của những người làm báo trẻ-quân nhân chúng tôi. Anh là tấm gương sáng cho mọi người làm báo, khi đất nước và nhân dân đang trong cảnh nước sôi, lửa bỏng này..."
Tôi còn nhận được hơn 80 bức thư của bạn nghe đài trong nước viết cho tôi hoặc viết về tôi được gửi cho đài phát thanh BBC ở Luân Đôn, hoặc qua bưu điện Paris, chưa kể hơn 100 bức thư của các bạn Việt Nam hải ngoại (ở Pháp, Mỹ, úc, Canada, Tiệp Khắc, Đức, Liên Xô, Bulgarie...). Còn qua điện thoại thì không sao kể xiết. Các nhà báo, phóng viên truyền thanh, truyền hình Pháp, ý, Anh, Bỉ, Hòa Lan, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nauy, Thái Lan, Hồng Công, Singapore, Indonesia, Philipin...từng quen biết hoặc chưa quen biết, đều gọi tới để phỏng vấn, trao đổi ý kiến, hỏi thăm sức khỏe hoặc tình hình riêng của tôi. Tôi đã ghi kín cả ba bốn cuốn sổ tay, tên địa chỉ và số điện thoại những bạn bè cũ và mới, thuộc đủ các giới, nghề nghiệp, quốc tịch và chính kiến...Thế mới biết dư luận còn quan tâm nhiều đến tình hình đất nước ta.
Một lá thư đề ngày 17. 4. 1991 của tập thể các em học sinh trường phổ thông trung học Lê Hồng Phong thành phố Hồ Chí Minh viết:"...học sinh chúng em rất ủng hộ bản kiến nghị của ông Bùi Tín và rất phẩn nộ trước thái độ thờ ơ của chính phủ. Chúng em mong anh Đỗ Văn phát lại phỏng vấn cho cả nước nghe một lần nữa..."
Một em học sinh (tôi không thể ghi tên em) lớp 12 G, trường phổ thông trung học Kim Thành, huyện Kim Yên, Hải Hưng viết: "...với trình độ hiểu biết của học sinh trung học, chúng em cũng có thể nhận thấy những điều ông Bùi Tín phát biểu trên đài BBC là hết sức thực tế và trách nhiệm. Dù sao đến lúc này, đất nước ta đã có một người dám đứng lên nói tiếng nói của nhân dân. Cho phép chúng em gửi lời cám ơn ông Bùi Tín và xin đài BBC cho chúng em biết địa chỉ của ông Bùi Tín hiện nay ở đâu...". Một bức thư khác đề ngày 7. 2. 1991 từ thành Phố Hồ Chí Minh viết "...ông Bùi Tín vừa bị khai trừ ra khỏi đảng và bị cách chức, tôi cho đây là một tin mừng. Trước hết tôi mừng cho ông Bùi Tín. Đảng lấy oán trả ân là đảng phụ ông chứ ông không phụ đảng. Đồng bào trong nước ai cũng biết và ái mộ ông hơn nữa. Tôi biết rất nhiều cán bộ và đảng viên cho rằng ông nói rất đúng, nhưng trong các buổi sinh hoạt họ vẫn phải buộc lên án ông..."
Bạn H. P. ở thị xã Sơn Tây viết: "...cho tôi gửi lời thăm ông Bùi Tín và chúc ông kiên trì trên con đường của mình. Tham quyền, tham nhũng, bảo thủ đang ở khắp nơi. Những người dân chúng tôi chỉ có cái thắt lưng to để thắt bụng. Hình như những người lãnh đạo đang có lý tưởng làm nghèo đất nước!..."
Bạn V. H. ở Nha Trang viết: " Tôi rất khâm phục ông Bùi Tín vì ông đã nói lên được những điều mà người dân Việt Nam chỉ được phép chứng kiến bằng mắt chứ không được quyền nói lên bằng lời. "
Một lá thư của bạn nghe đài ở Hậu Nghĩa để ngày 25. 3. 1991 viết:
"Thưa đại tá! Đảng bởi dân mà ra, đảng bởi dân mà còn. Dân không khai trừ đại tá ra khỏi đảng, thì không ai có quyền khai trừ cả. Đại tá vẫn là đảng viên của dân.
Mất hàng triệu đảng viên xấu không bằng mất đi một đảng viên biết thương dân...có người dân sẵn sàng hiến dâng trái tim mình để đại tá phẫu thuật thay tim mới, hầu bệnh tim không còn. Toàn dân đang cầu nguyện cho đại tá bình phục và chóng thành đạt...xin đại tá an tâm, toàn dân, bộ đội cùng đảng viên chân chính không bỏ đại tá đâu..."
Anh N. D. V. ở thành phố Hải Phòng trong thư đề ngày 15. 1. 1991 viết: " Nhờ qúy đài chuyển tới ông Bùi Tín lời đồng tình, ủng hộ của chúng tôi đối với những quan điểm, chính kiến của ông trong mục đích đưa đất nước thoát khỏi tình trạng hiện nay..."
Anh T. V. ở Hà Nội viết: " Anh Thành Tín đưa ra kiến nghị là môt tín hiệu khởi sắc đang được lưu ý trong trào lưu dân chủ hóa ở Việt Nam, nó báo hiệu rằng, trong thời vận hiện nay, trào lưu ấy đang từng bước tiến tới chỗ chín muồi..."
Ông C. A. D. ở Cần Thơ, Hậu Giang trong một bức thư dài có đoạn viết: " Xin thông tin ngược với anh chị ở đài BBC rằng, các buổi phát thanh của ông Bùi Tín thật là xuất sắc. Xuất sắc ở chỗ người thực hiện và xuất sắc ở con người Bùi Tín. Nhiều người đã nghe và rất đồng tình với ông Bùi Tín..."
Một lá thư khác gửi cho tôi viết: "...anh đã gây một chấn động rất lớn qua các buổi phỏng vấn. Việc làm của anh làm sôi động dư luận trong nước, bất cứ nơi nào tại Sài Gòn, những người có học vấn và quan tâm đến tình hình trong nước đều bàn luận và tán thành việc làm của anh...đến nỗi Mai Chí Thọ, em ruột Lê Đức Thọ, bộ trưởng Nội Vụ đã phải lên tiếng thóa mạ anh. Tôi xin ca ngợi anh Đỗ Văn đã làm đầy đủ chức năng của một người làm công việc truyền thông, giúp cho nhà biết được sự thật rất nhiều sự thật".
Tháng 1 năm 1991 một lá thư của nhóm Việt Kiều yêu nước ở Trung Quốc gửi cho tôi viết: " Chúng tôi rất ái mộ tấm lòng dũng cảm và yêu tổ quốc của ông. Song chúng tôi can ông rằng: " Ông chớ vội về Việt Nam trong lúc này, e rằng nếu không chết mất tăm trong nhà tù, thì cũng bị quản thúc không hoạt động được gì. Xin ông hãy nán lại ở ngoại quốc để làm việc có lợi cho dân tộc và đất nước..."
Một em học sinh ở đảo Lại Sơn viết cho tôi, giọng thư thật vô cùng cảm động: "...em vừa được nghe đại tá bị khai trừ và cất chức. Em học lớp 12, cuối cấp ba, nên cũng hiểu được phần nào về chính trị, nên rất qúy trọng ông, một con người dũng cảm và sáng suốt, nói một cách rất thẳng thừng về xã hội Việt Nam..."
Một bức thư dài từ Quảng Ngãi đề ngày 10. 3. 1991 của bạn P. V. M. ở Mộ Đức gửi cho tôi viết: " Xin báo tin để ông biết, đời sống công nhân, viên chức đất Quảng quá khổ - Một nữ giáo viên lương một tháng có 35. 000 đồng, có người phải đi làm để nuôi con dại vì một lon sữa ngoại 12. 000 đồng. Một số cán bộ phải đạp xe xích lô suốt đêm để nuôi sống gia đình, và còn cái nạn thất nghiệp nưã, khẩu hiệu được truyền bá hằng ngày nghe thật hay...
• Tất cả vì dân.
• Đảng viên, cán bộ là đầy tớ của nhân dân
• Lo trước cái lo của dân, sướng sau cái sướng của dân
• Không có chế độ nào dân chủ hơn chế độ ta...
Những Khẩu hiệu ấy chỉ là lừa dối người dân, nghe không lọt được lỗ tai! Tôi nhớ câu châm ngôn của người Anh:
Người ta có thể lừa dối một số người mãi mãi, hay lừa dối tất cả mọi người một thời gian nhất định. Nhưng không ai có thể lừa dối mãi mãi tất cả mọi người!
Kẻ lừa dối cứng đầu cuối cùng ắt phải bị chỉ mặt và bị trừng phạt. "
Tôi cũng nhận được 21 lá thư của bạn trí thức, lao động, hiện đang sống, làm việc ở Đức, Tiệp Khắc, Bulgarie và Liên Xô. Những bức thư kể về hoàn cảnh khó khăn của anh em đi xuất khẩu lao động, những vụ xô sát do kỳ thị chủng tộc của một số dân nước sở tại, thái độ vô trách nhiệm, bạc nhược và tham nhũng của một số nhân viên sứ quán Việt Nam, cũng như những lòng tốt của những người dân thương, trí thức và lao động các nước đó. Anh chị em rất chú ý đến bản kiến nghị của tôi và tỏ thái độ hoan nghênh rất mạnh mẽ. ở Đức, Tiệp Khắc và Bulgarie đã tự xuất bản một số tờ báo theo xự hướng dân chủ, hòa hợp, đa nguyên, không bạo động...Đó là những tờ báo Diễn đàn, Dân chủ, Cánh én, Điểm tin...in chưa thật đẹp nhưng mang nội dung đặc sắc, có đủ thế tài: ngôn luận, bình luận, phóng sự, điều tra, diễn đàn, truyện ngắn, thơ, tóm tắt tình hình trong nước, và tình hình quốc tế. Có bức thư viết: " Chúng tôi có thể đi buôn để kiếm sống, làm giầu cho bản thân và gia đình, mua xe ôtô, tậu nhà, để dành vốn lớn để tiêu xài. Nhưng còn đất nước và đồng bào ta thì sao? Lúc này phải cứu dân, phải cứu nước ra khỏi đói nghèo và lạc hậu. Có ra ngoài mới biết nước ta chậm tiến cả về chính trị, kinh tế và mức sống. Mà chậm tiến về chính trị, không có dân chủ là tai họa lớn nhất, là cái gốc của sai lầm và đau khổ..."
Một kỹ sư thay mặt cho " một nhóm các trí thức trẻ ". từ Tiệp Khắc về nước năm 1990, viết một lá thư dài cho tôi ngày 10. 3. 1991, có đoạn viết: " Trở về Tổ quốc, chúng tôi hoàn toàn thất vọng. Tình hình chính trị Việt Nam mới vang lên được vài tiếng nói dân chủ thì nay đã bị thay thế bởi những quan điểm cực hữu theo quan điểm Stalin và Mao. Thêm vào đó là rối loạn về kinh tế, lạm pháp về tài chính, sự tự cô lập về đối ngoại, làm cho cuộc sống của người dân vô cùng đau khổ. Qua thư này chúng tôi muốn bầy tỏ sự ủng hộ và đồng tình với quan điểm chính trị của ông. Chúng tôi đều cho rằng:
• 1- Cần phải tranh đấu chấm dứt sự chuyên quyền của một đảng, chuyển sang một thể chế đa nguyên, thể hiện dân chủ theo nguyên tắc công khai và tự do (tự do ngôn luận, tự do lập hội, báo chí.)
• 2- Cần tập hợp đông đảo trí thức, những người yêu nước, những thanh niên khát khao tự do và dân chủ...trong một tổ chức chính trị tổ chức tranh đấu thắng lợi.
• Những bản kiến nghị của những trí thức có tâm huyết vừa qua là tấm gương dũng cảm cho những ai thật sự yêu nước, thương dân và cho những người có lương tri, hiểu biết.
• 3- Cần phối hợp với quốc tế, kêu gọi sư ủng hộ và giúp đỡ nhiều mặt của quốc tế, của cả tổ chức dân chủ và từ thiện, xã hội...cho phong trào dân chủ ở Việt Nam.
• 4- Mục đích cuối cùng là: Xây dựng ở Việt Nam một xã hội dân chủ, một nhà nước pháp quyền thật sự do dân lựa chọn và tự do thật sự vì dân, xây dựng một chế độ đa nguyên là động lực của sự phát triển đất nước..."
• Đất nước ta vừa qua có đến gần 20 vạn người, phần lớn là thanh niên, đi xuất khẩu lao động. Đã có hơn 80. 000 đã trở về, mang những ước vọng sâu sắc về dân chủ và tự do. Anh chị em đã sống ở nước ngoài, nhận biết được nhiều thông tin trực giác ở các nước sở tại, cũng như từ nhiều nguồn thông tin đại chúng đồ sộ khác của nhiều quốc gia. Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Có điều kiện để so sánh một cách thực tế và rõ ràng, anh chị em đang nung nấu một hoàn bão rất trẻ, rất khỏe về dân chủ hóa đất nước...
• Một bác nông dân ở Minh Hải đọc cho con viết một lá thư bốn trang lớn gửi cho tôi. Bác kể:
• " Cả gia đình tôi rất siêng nghe BBC, nhứt là từ khi ông đưa kiến nghị. Vậy là người dân Nam Bộ biết được ông là người cùng ông Vũ Kỳ bí thơ cụ Hồ đưa ra công khai toàn bộ Di Chúc cụ Hồ mà họ đã cắt bớt không cho dân biết. Nhờ vậy, người dân mới được giảm thuế 50 phần trăm liền hai năm. Chúng tôi gửi lời cám ơn ông nhiều lắm. Ruộng đất là do công khai phá của tiền nhân, của cha ông để lại cho con cháu. Tiền nhân đổ mồ hôi và máu xương đất ruộng này. Ruộng này của nhân dân chớ! Chúng tôi yêu cầu trả lại ruộng cho nhân dân, trả lại quyền sở hữu chủ cho nông dân. Có quyền sở hữu đất ruộng, các gia đình mới đầu tư, ráng hết sức sản xuất, làm ra thiệt nhiều lúa gạo. Nông dân chúng tôi đòi chuyện này cho tới cùng đó. Các ông nói ruộng đất của toàn dân là nói sai, họ dành hết ruộng tốt chia cho bọn cường hào mới. Phải trả lại ruộng cho nông dân để người cày có ruộng". Bác nông dân đã nói lên khát vọng có lý lẽ của người nông dân nước ta.
• Tôi rất chú ý đến một số bức thư của anh chị em trí thức ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định, Huế...Điều lý thú là những lá thư ấy không chỉ tán thành những ý kiến của tôi, mà còn đề ra những ý kiến mới, chứng tỏ ở nước ta còn có biết bao nhiêu người đang cùng suy nghĩ về hiện tình đất nước, cố tìm ra những giải pháp thích hợp. Có thể nói những lá thư này truyền cho tôi thêm nghị lực và niềm tin. Một giáo sư ở thành phố Hồ Chí Minh viết: " Noi theo anh, tôi cũng mạnh dạn nêu lên một " bản chương trình toát yếu " gồm 5 điểm như sau:
• 1- Đảng cộng sản Việt Nam ra tuyên bố tự nguyện xác định laị vị trí chính trị của mình, từ bỏ ưu thế độc tôn, chuyên quyền trong 15 năm qua trên phạm vi cả nước. Đảng chỉ có thể dành ưu thế chính trị thông qua đua tranh với các tổ chức chính trị khác một cách bình đẳng, tự do, trong khuôn khổ một hiến pháp mới. Phải xóa bỏ cơ chế chính trị xã hội phi dân chủ đã lỗi thời.
• 2- Giải thể quốc hội và chính phủ hiện nay, thành lập quốc hội và chính phủ mới trên cơ sở tổng tuyển cử thực sự dân chủ, tự do và bình đẳng. Quốc hội mới tập trung dự thảo và thông qua hiến pháp sửa đổi, luật mới về ứng cử, bầu cử, luật kinh tế, luật về tổ chức hoạt động của các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, đài phát thanh, truyền tin, truyền hình). Nếu cần thì trưng cầu ý kiến toàn dân về một số vấn đề cơ bản nhất.
• 3- Giải thoát ý thức hệ hiện hữu khỏi những thiên kiến cũ kỹ, không áp đặt những chủ thuyết lỗi thời cho dân tộc. Xây dựng ý thức hệ tự do, đa nguyên, phù hợp với nền văn minh thời đại, đã được kinh nghiệm lâu dài của các nước tiến bộ kiểm nghiệm. Thực sự tự do tín ngưỡng, đòi sự bình đẳng, công bằng với các tôn giáo.
• 4- Thực hành phi quốc doanh hóa nền kinh tế theo quy luật tự nhiên của cơ chế thị trường. Chỉ giữ lại những cơ sở lớn cần thiết. Lấy sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất làm nền tảng của nền kinh tế quốc dân.
• 5- Giải tỏa mọi tư tưởng kình chống, định kiến với một số quốc gia trên thế giới. Thiết lập mọi bang giao bình thường với mọi quốc gia, đặc biệt với những cường quốc hàng đầu. Xin gia nhập chính thức ngân hàng thế giới WB và qũy tiền tệ quốc tế FMI, giao hoàn toàn vấn đề Campuchia cho người Campuchia...
Với kiến nghị của anh Thành Tín, của nhiều bậc thức giả khác, lối ra đã sáng tỏ, ngọn đèn xanh hy vọng đã bật sáng, hỡi những ai có lương tri và tâm hồn dân tộc, hãy hưởng ứng bằng mọi cách với lòng dũng cảm phi thường!..."
Vậy là không phải chỉ có những chính kiến của ông Nguyễn Khắc Viện, ông Hoàng Chí Minh, ông Lê Giản, ông Lữ Phương, ông Phan Đình Diệu...mà còn biết bao nhiêu ý kiến xây dựng, rất bổ ích và thức thời khác nữa đều bị bóp nghẹt và ngăn chặn truyền bá, coi như nguy hiểm cho trật tự và an ninh của đất nước!
Tôi biết ơn tất cả những bạn bè đã quen hoặc chưa biết mặt đã ủng hộ hoặc cổ vũ tôi.
Sau Tết âm lịch, hai nghệ sĩ cải lương là Đức Hậu, Ngọc Huyền từ thành phố Hồ Chí Minh sang biểu diễn ở Paris đến dự một cuộc họp mặt thân mật với Việt kiều. Tại đó, tôi ngồi gần nữ nghệ sĩ cải lương Kim Chung. Bà sang Phap từ lâu. Tôi nhớ khi còn nhỏ đã xem vở tuồng " Đổng Trác hý Điêu Thuyền " rất mùi mẫn. Bà ngồi cạnh một bà bạn đã lớn tuổi, tóc bạc trắng - Vô tình tôi nghe được câu chuyện của hai bà. Bà bạn nghệ sĩ Kim Chung kể: " Tôi vừa ở Hà Nội về hôm kia. Bà biết không, ở Hà Nội người ta tòan bàn về chuyện ông Bùi Tín. Cứ buổi tối, đang ở đâu là người ta lại xem đồng hồ để trở về nhà nghe đài BBC, nghe ông Bùi Tín nói. Hay không thể tả được! Đúng là không thể tả được! Ai cũng bảo các ông ấy chịu nghe ông Tín thì tốt biết bao nhiêu!" Chị Kim Chung, vốn biết tôi từ hôm trước Tết do tôi được chồng chị-anh Bàu Long - giới thiệu, cứ nhìn tôi mỉm mỉm cười, gật gật đầu. Sau đó chị nói với bà bạn: " Thế chị đã gặp ông Bùi Tín bao giờ chưa? Đây, ông ấy đây này, xin giới thiệu với chị..." Thế là tôi được nghe kể những chuyện rất cụ thể, cảm động về thủ đô, lại là những chuyện mới nhất.
Cũng tối âý tôi gặp lại một số anh chị em ở sứ quán Việt Nam. Bắt tay, chào hỏi bình thường, chúc nhau sức khỏe...Từ hồi tháng 9, 10 tôi đã nhiều lần đến sứ quán, trước khi tôi đưa ra bản kiến nghị.
Đại sứ Phạm Bình lại là bạn khá thân. Ông Bình mời tôi đến chơi ngay khi tôi đến Paris, đang ở khách sạn do báo L'Humanité thu xếp. Ông muốn biết thêm về tình hình nên yêu cầu tôi nói về những nội dung, tinh tiết cụ thể về nghị quyết trung ương lần thứ 9 (vừa họp cuối tháng 8. 1990). Sau đó ông lại mời tôi một bữa cơm riêng ở sứ quán, nghe kể về kết quả cuộc hội thảo về tướng Lơclec. Tiếp đó ông mời nhà văn Nguyễn Đình Thi và tôi đến bàn việc chúng tôi xuống Marseille dự cuộc họp bàn tròn về quan hệ Pháp -Việt, có bà Hoàng Xuân Sinh và bà Dương Quỳnh Hoa tới dự. Đầu tháng II, ông mời tôi đến dự quán nói chuyện cả một buổi chiều cho tất cả cán bộ của sứ quán (kể cả cơ quan thông tấn xã Việt Nam, đại diện kinh tế, ngân hàng, văn hóa Việt Nam ở Paris) về tình hình đất nước. Tôi đã nói khá rõ về hiện tình mọi mặt của đất nước và một vài khía cạnh chính kiến của tôi mục đích đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng. Khi kết thúc, một số anh chị em cán bộ trẻ đến gặp tôi, nói lên những nỗi băn khoăn của họ về tình hình sa sút về các mặt của xã hội và nhận xét: các ông cán bộ sang đây toàn nói những mặt tốt giả tạo, "chỉ có chú là nói lên tình hình thật, thư bọn cháu nhận được của gia đình còn bị đát hơn nữa kia ".
Tôi được biết, ngay sau khi tôi đưa bản kiến nghị đến sứ quán để chuyển về nước, Ban Bí thư trung ương đảng điện ngay sang cho đại sứ ở Paris yêu cầu được báo cáo rõ thêm những tin tức về tôi. Họ hỏi rằng Bùi Tín làm việc này là do quan hệ với những ai, chịu ảnh hưởng của ngươì nào, bị những người Việt hay người nước ngoàilôi kéo? Tôi cũng sớm được biết ông đại sứ Phạm Bình đã điện về nước rằng: theo chỗ ông ta hiểu và đánh giá thì Bùi Tín làm việc này do tự cá nhân mình và tự chuẩn bị khi còn ở trong nước. Ông ta viết thêm: Mấy năm nay tôi đã nhiều lần làm việc và đi họp với anh Bùi Tín. Do đó biết rằng anh ấy vốn có những ý kiến riêng của mình đã nhiều năm nay rồi".
Đây là một thái độ trung thực của ông Phạm Bình. Tất nhiên ông rất không tán thành và không bằng lòng với việc tôi làm nhưng ông vẫn cho người tiếp xúc hoặc gọi điện thoại cho tôi để hỏi thăm sức khỏe và mặt khác tìm hiểu thêm về tôi. Tôi vẫn gặp, nói chuyện với cán bộ sứ quán một cách bình thường. Một số quan chức cản ngăn, phê phán việc tôi làm, nhưng một số anh chị em trẻ hơn thì tỏ thiện cảm, thậm chí rất thông cảm với tôi. Vài người còn vượt qua cả những rằng buộc của cơ chế, những nguy hiểm có thể chuộc lấy cho mình để thăm hỏi và giúp đỡ tôi chút ít về vật chất. Để tránh tai vạ cho những anh chị em ấy, tôi đã hết sức cám ơn và xin phép chưa nhận những sự giúp đỡ qúy báu vô cùng ấy. Thậm chí gần đây, do tôi còn ở lại Pháp ít lâu nữa, một số anh chị em sứ quán gián tiếp hỏi thăm, an ủi và lo rằng tôi sẽ buồn trong khi chưa trở về nước. Những tấm lòng không thể nào quên!
Một số anh chị em Việt kiều ở Mỹ và Canada gửi thư và điện cho tôi. Chị Tương Như, nữ ký gỉa khá nổi tiếng của báo Mercury News phỏng vấn tối qua điện thoại, rồi viết ngay bài đăng báo. Những bức thư điện tử (electronic mail) đến rất nhanh, trong nháy mắt, truyền cho tôi tức thời hình chụp rõ từng nét chữ của các bạn ấy, qua máy fax của một luật sư và một nhà kinh doanh rất có lòng với đất nước. Anh chị em gửi sang cho tôi những tập báo tiếng Việt ra hàng ngày và hàng tuần ở bên đó.
Có những bài báo lên án tôi kiểu chửi bới, nào là Bùi Tín là "cuội ", tức là giả vờ phê phán để chuẩn bị cho một thay đổi nào đó, nào là phải vạch trần bộ mặt cò mồi của Bùi Tín, nào là: đây là một vụ trá hàng! Hoặc: đây là một khổ nhục kế của Hà Nội. Lại có báo chí rõ: Bùi Tín còn tự nhận là cộng sản, còn bênh vực chủ nghĩa xã hội thì vẫn còn là kẻ u mê, tăm tối...Có bài nhận xét tôi là một kẻ tay sai của một nhóm nào đó được cử đi để dọn đường, vận động cho một số đổi mới mi-ni sẽ được đề ra ở đại hội 7, nhằm mở xúp páp, làm xì hơi sự bức bội của dân chúng, một trò chiến tranh tâm lý nhăng cuội rẻ tiền. Cũng có bài báo chỉ trích tôi rằng chỉ chằm chằm vào một mục đích cứu đảng khỏi cơn khủng hoảng, chứ không hề có ý định cứu nhân dân ra khỏi thảm họa, rằng chỉ có một vấn đề là cứu nhân dân còn đảng cộng sản phải cút xéo, phải xuống đài, giải thể, thậm chí phải đưa ra xử tội. Cũng có bài báo chỉ trích tôi rất nặng lời: còn ca ngợi công lao của ông Hồ Chí Minh thì còn là một kẻ cuồng tín, vì ông Hồ là kẻ có tội lớn nhất!
Cũng có người cho rằng, tôi còn chưa xin tỵ nạn chính trị, còn tính chuyện trở về là chưa thể tin được: Họ còn ra điều kiện: tôi phải gia nhập tổ chức quốc gia chống cộng thì mới có thể đoàn kết, bắt tay, hòa hợp được...
Cũng có bài phê phán tôi là thái độ nhập nhằng, không rõ ràng. Họ nhận xét tôi theo chủ nghĩa cộng sản, ở trong đảng cộng sản lâu quá rồi cho nên nay bỏ thì thương, vương thì tội, không dứt khóat được. Họ bảo tôi ở trong tình trạng bế tắc, bị kẹt cứng giữa " hai làn đạn ", bơ vơ, lạc lõng, cứ thế này thì không có lối nào thóat cả...
Lại có những người quá khích, cực đoan, một mực chủ trương dùng bạo lực, chuyển lửa bạo động về quê hương, gây nội chiến, một chủ trương mù quáng, dại dột, chỉ đẩy người dưới quyền họ vào cái chết vô ích. Họ chống lại tôi khá quyết liệt là lẽ đương nhiên. Lại có những bài báo mở ra những cuộc tranh luận về tôi. Bùi Tín là người thế nào? Có những chủ định gì? Quan điểm và chính kiến ra sao? Đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài như thế nào? Có một số bài viết tốt, khách quan, am hiểu tình hình, lại có những bài viết theo nhận xét chủ quan, suy diễn, trích vài câu, vài chữ của tôi để phê phán, với thái độ cố chấp, vũ đoán: anh không có chính kiến giống như tôi, thi tôi không thể đồng tình được với anh, tôi phủ nhận anh cả gói!
Tôi sẵn sàng trao đổi ý kiến với mọi người luôn theo dõi và có ý kiến về tình hình và vận mệnh của đất nước. Tôi biết ơn họ đã quan tâm đến công việc của tôi và góp ý với tôi. Tôi cố lắng nghe để tiếp thu những ý kiến tốt. Trong anh chị em người Việt ở nước ngoài, không thiếu những tấm lòng và hiểu biết. Tuy xa đất nước, anh chị em vẫn nhận được những thông tin khá kịp thời và chính xác, qua đài, báo, thư từ gia đình...Có thể nói ai cũng mong đất nước sớm vượt qua cuộc khủng hoảng nặng nề kéo quá dài...Ai cũng thấy phải khôi phục lại uy tín của đất nước, không thể để nước mình tụt hậu đến thế này cả về mức sống, nền kinh tế và đời sống chính trị. Có ngưòi nói: nhục quá! Mình đâu có hèn kém mà thua xa các nước xung quanh qua xá rồi! Có người lo sợ về sự sa sút đáng sợ về đạo đức, có người lo về hệ thống y tế, giáo dục xuống cấp đến cùng cực. Có người từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh trở sang, buồn nản vô cùng về cái tệ hối lộ, lo lót, lót tay tùm lum. Ai cũng nung nấu một ước vọng Việt Nam mình phát triển, mở mặt với đời để lấy lại cái hãnh diện, niềm tự hào là người Việt Nam giữa thế giới ngày nay.
Trong những cuộc gặp gỡ, trao đổi ý kiến và đối thoại với mọi đối tượng, tôi luôn nói lên chính kiến rõ ràng của mình. Tôi coi trọng chủ nghĩa Mác, vâng, đúng thế - Nhưng tôi không cho chủ nghĩa Mác là chân lý tuyệt đối và duy nhất. Tôi coi đó là một trong những gía trị của tư duy và lý luận cần vận dụng một cách thích hợp. Tôi công nhận biện chứng pháp mác-xít là một trong những phương pháp suy luận khoa học, cần sử dụng như một công cụ có ích của nhận thức. Tôi là người cộng sản ư? Trước đây, tôi là người cộng sản như tôi vẫn quan niệm: người cộng sản phải là người yêu nước, thật thà, nhân hậu, không tham lam, ích kỷ, thật lòng phấn đấu cho một xã hội phồn thịnh, không có bóc lột, bình đẳng và nhân ái. Nếu không ai được như vậy mà mang danh cộng sản thì chỉ là cộng sản giả, cộng sản vỏ. Mặt khác tôi thấy chủ nghĩa cộng sản còn quá xa vời. Nói đến chủ nghĩa cộng sản, giữ cái tên đảng cộng sản lúc này là không thích hợp, là quá sớm vì nó ở ngoài tầm với của thế hệ hiện nay và thế hệ tiếp theo. Nay tôi không còn là người đảng viên cộng sản nữa. Họ đã khai trừ tôi. Hiện tôi là người yêu nước, không đảng phái. Còn chủ nghĩa xã hội? Chủ nghĩa xã hội hiện thực méo mó, dị dang, năng xuất thấp kém, quan liêu bao cấp, chứa đựng biết bao bất công và phi lý. Nó trái ngược với chủ nghĩa xã hội khoa học, thế nhưng chủ nghĩa xã hội khoa học chỉ mới tồn tại trên lý luận, trên sơ đồ của nhận thức, trên những trang sách, trong những ý định tốt đẹp. Tôi cho rằng chủ nghĩa xã hội khoa học muốn trở thành hiện thực phải hội đủ những điều kiện khách quan. Đó là một nền sản xuất phát triển rất cao, một giai cấp công nhân lớn mạnh, có đầy đủ nhận thức về sức mạnh tiền phong của mình, được lãnh đạo bởi một tổ chức chính trị mang trí tuệ của thời đại, do đó được nhân dân cả nước tín nhiệm. Các nước xã hội chủ nghĩa hiện thực lâm vào khủng hoảng nặng nề, phần lớn bị phá sản là do không thực hiện được như thế, và cũng chưa có điều kiện vươn lên tầm đó. Bệnh chủ quan, nôn nóng, duy ý chí, làm lấy được bất chấp điều kiện khách quan và chủ quan là nguyên nhân của thất bại tất yếu. Chính xã hội và nhân dân các nước ấy đã tự mình phủ định những chế độ xã hội chủ nghĩa dị dạng, độc đoán và chuyên quyền, bất công và nghèo khổ. ở nước ta, chủ trương đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay là vẫn tiếp tục con đường chủ quan, duy ý chí, bất chấp điều kiện khách quan và chủ quan. Việc gọi đúng bệnh, bốc đúng thuốc vẫn chưa làm nổi. Có gan nhìn thẳng vào sự thật. Nhìn cho rõ và thấu đáo. Và có gan đoạn tuyệt vời những sai lầm cũ. Có gan phác họa hẳn một con đường mới. Phải dũng cảm và sáng suốt làm mới làm được việc lớn này. Chớ có sỹ diện, nhùng nhằng, bỏ thì thương, vương thì tội với những bệnh tật của quá khứ. Cách đề cập mới là: đưa đất nước sớm ra khỏi khủng hoảng- Phát triển sản xuất, làm ra nhiều của cải là mối lo ưu tiên của toàn xã hội. Nếu công nhận quyền sở hữu ruộng đất một cách rõ ràng đầy đủ của ngừơi làm ruộng, kích thích mạnh mẽ sức sản xuất nông nghiệp, làm ra thật nhiều nông phẩm thì sao không dám làm? Sao cứ ngập ngừng không dám từ bỏ khái niệm sở hữu toàn dân chỉ vì lấn cấn bởi những khái niệm chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa xã hội? Vốn trong dân còn rất lớn, lớn gấp mấy chục lần vốn của nhà nước. Quyền tự do kinh doanh phải thành một động lực quyết định. Sao không hề có chính sách khuyến khích tư nhân mạnh dạn bỏ vốn sản xuất, làm ra nhiều hàng hóa, lập công ty, chủ hãng sản xuất, chủ xí nghiệp biết làm ăn, biết làm giầu trong khuôn khổ luật pháp. Khuyến khích hướng này phát triển thì mới hạn chế rồi chấm dứt được tình hình vốn trong dân nằm im lìm, hoặc chỉ bỏ vốn để đi buôn, nhất là đi buôn lậu, đi chạy mánh, đi làm giầu phi pháp, luồn lách qua những kẽ hở của cơ chế tham nhũng và hối lộ. Cần giới thiệu mạnh những nhà và nhóm kinh doanh sản xuất tư nhân mạnh dạn bỏ vốn lớn, làm ra hàng hợp thị trường và có lãi, người chủ, cổ động và công nhân đều có lợi vững chắc...Những hãng tư nhân xay gạo, chế biến nông sản, dệt, ngành điện tử, cơ khí, giao thông vận tải, vật liệu xây dựng, hóa chất...làm ăn phát đạt xuất hiện ngày càng nhiều sẽ chứng minh người Việt Nam ta không kém về đầu óc kinh doanh. Phải làm cho vị trí xã hội của các nhân vật kinh doanh nổi lên, được xã hội coi trọng, nganh hàng với những nhân vật chính trị, với những trí thức khoa học tự nhiên và khoa học xã hội là dấu hiệu tốt. Nếu họ được xã hội ngưỡng mộ hơn các nhân vật chính trị và những nhà khoa học cũng không sao. Cần bằng luật pháp và dư luận xã hội bịt chặt hoạt động của bọn làm ăn phi pháp và bất chính thì mới mở đường được cho những nhà kinh doanh chân chính thi thố tài năng và năng khiếu làm ăn, phương châm rất cần thiết lúc này: những cơ may đồng đều cho mọi cá nhân dẫn thân vào con đường kinh doanh sản xuất. Ai có tài thì ắt thành đạt. Thành đạt đàng hoàng và vững chắc.
Có người hỏi tôi: lúc này ông là người cộng sản hay người quốc gia? Có vẻ như buộc tôi phải có sự lựa chọn dứt khoát. Tôi đã bị khai trừ khỏi đảng do đó tôi không còn là người đảng viên cộng sản nữa. Tôi không bị bất ngờ vì đã lường trước chuyện ấy. Trước đây tôi không rút ra khỏi đảng vì tôi nghĩ rằng có thay đổi gì tốt đẹp ở nước ta cũng là phải do người ở trong nước đảm nhiệm và thực hiện. Những người yêu nước và dân chủ ở trong nước rất đông, phần lớn không ít còn ở trong đảng cộng sản. Vì đảng cộng sản có đến hơn hai triệu đảng viên, ngoài chính đảng này ra, mọi tổ chức chính trị khác đều bị cấm. Nếu tôi ra đảng, những đảng viên cộng sản cả những người xấu và những người tốt đều coi tôi là kẻ bỏ chạy, kẻ đào ngũ-Tôi có ý thức giữ mối liên hệ tinh thần đồng cảm với tất cả những đảng viên cộng sản trong sạch, có lòng yêu nước thương dân có hiểu biết và đang ở trong tâm trạng như tôi hiện nay. Cách thức tôi nói cũng là để cho anh chị em này nghe được, để vừa hòa đồng, vừa thức tỉnh họ, được họ tiếp nhận. Cả đồng đảo nhân dân ở trong nước cũng vậy. Họ chưa thật quen cách nói thật thẳng thừng, có phần xô bồ, kiếm nhã, họ cho là thiếu bình tĩnh, thiếu cân nhắc, không thấu tình đạt lý, khó lọt được tai...
Còn tôi có phải là người quốc gia? Tôi không cầu nệ về tên gọi, về xưng danh, về nhãn hiệu, ê-ti-két...vì như trên đã nói, có người không mang trong mình những hoài bão cao đẹp của chủ nghĩa cộng sản mà vẫn cứ tự trưng cái nhãn hiệu cộng sản, với chiếc thẻ đảng trong túi. Có những người tự xưng là " quốc gia " nhưng họ chẳng quan tâm đến nền độc lập và cuộc sống tốt đẹp của quốc gia Việt Nam ta hơn là túi tiền của họ. Họ là những chính khách xa-lông, họ làm chính trị bằng đủ mọi thủ đoạn vì họ trước hết, chứ đâu phải vì quốc gia, dân tộc. Nếu có những người quốc gia, mang ê-ti-két quốc gia, thật lòng lo đến đất nước, thật lòng muốn góp phần cứu vãn đất nước khỏi những thảm cảnh hiện tại, mong được góp hết sức mình cho việc phát triển đất nước phồn vinh thì tôi thật lòng kính trọng họ, bắt tay thân thiện với họ, coi như cùng chung một đội ngũ đấu tranh, theo ý nghĩa chung nhất.
Có người sẽ trách cứ tôi là nhập nhằng, ba phải, không minh bạch, rõ ràng! Có người còn muốn vận động tôi vào tổ chức này, hàng ngũ kia của họ. Tôi lịch sự và dứt khoát trả lời: tôi là tôi, tôi có lập trường và cách nghĩ của tôi. Không ai nên và không ai có thể ép được tôi cả.
ở Paris, tôi cũng gặp một số vị hòa thượng và linh mục. Chúng tôi trao đổi ý kiến với nhau về hiện tình đất nước, về nghĩa vụ của một người công dân yêu nước. Và chúng tôi tìm ra những điểm tương đồng. Năm ngoái, tôi có những cuộc tọa đàm rất bổ ích với các vị thượng tọa chủ trì các chùa Quán Sứ và chùa Bà Đá Hà Nội. Tôi cũng trò chuyện khá lâu với Hồng y Trịnh Văn Căn trước khi ông mất ở Hà Nội tháng 6 năm ngoái. Sau đó tôi cùng ông Vũ Ngọc Nhạ - ông cố vấn - xuống thăm bà con giáo dân và một số linh mục vùng Bùi Chu, Phát Diệm. Trong khi đất nước lâm vào khủng hoảng nặng nề, đạo lý suy đồi nhanh chóng, chỗ dựa cũ của niềm tin bị mất, lòng tin tôn giáo có tác dụng tích cực giữ cho con người khỏi sa đọa - Cái thiện trong con người được duy trì. Các vị linh mục ở quanh nhà thờ Phúc Nhạc cùng những thầy giáo địa phương chung sức để trẻ em khỏi bỏ học, cố duy trì nề nếp và chất lượng giảng dạy, thày ra thày, trò ra trò, trường ra trường, lớp ra lớp. Tôi thường nói với các cụ: lý tưởng của Các Mác, lý tưởng của Đức Phật Thích Ca, cũng như lý tưởng của Đức Chúa Giê Su rất gần nhau. Đó là xã hội thanh bình, có lòng vị tha, hỉ xả và bác ái. Ai cũng ham làm điều thiện, trừ điều ác, con người từ bỏ được những ham muốn thấp hèn. Lúc này là lúc những người cộng sản lương thiện cần sát cánh với các vị chân tu và đồng bào ngoan đạo, chung lòng chung sức đấu tranh, phấn đấu cho một nước Việt Nam độc lập, dân chủ và phát triển, để cả nước ta tai qua nạn khỏi.
Tôi rất mừng được biết bà con xứ đạo ở nước nhà chăm chú nghe đài về bản kiến nghị của tôi. Một bà người Pháp trong đoàn của trung tâm Dân Chủ Pháp sang thăm Việt Nam tháng 4. 1991, kể cho tôi nghe: khi đoàn đến Đà Lạt, một số bà sơ người Việt đang làm việc trong các trại mồ côi kể lại rằng:" hồi tháng 12. 1990, chúng tôi rất chăm chú nghe đài BBC không bỏ qua buổi nào cuộc trả lời phỏng vấn của ông Bùi Tín và bản kiến nghị của ông ấy. Những nội dung sao mà hợp với suy nghĩ của chúng tôi! "
Tôi rât biết ơn các bà sơ kể trên đã quan tâm đến ý kiến của tôi đối với hiện tình đất nước. 1976, tôi gặp các bà sơ làm việc trong Trung tâm chữa trị người nghiện ma túy ở Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Các bà, các chị chăm sóc trại viên còn tận tình hơn cả những người chị, người mẹ, cao quý hơn hẳn những người cộng sản " vỏ ", biến chất, chỉ lo thu vén riêng cho mình sau ngày Toàn thắng.
Mấy lá thư từ Hà Nội cho biết các vị chủ trì ở một số chùa tổ chức tụng kinh cầu nguyện cho tôi rất đều đặn suốt mấy tháng nay. Tôi xin kính gửi lòng thành biết ơn đối với những nghĩa cử đẹp đẽ ấy. Tôi hiểu rằng những việc làm ấy xuất phát từ niềm mong mỏi chân thành của các vị sớm thấy nước nhà thoát khỏi cảnh điêu linh thê thảm. Tôi buộc lòng không thể đưa tên và địa chỉ các chùa nói trên vì cần đề phòng các cơ quan an ninh cử người đến quấy rầy và xúc phạm những nơi tôn nghiêm ấy, vin cớ rằng các vị đã khuyến khích, ủng hộ do đó đồng phạm với " kẻ phản bội "! như một số cán bộ tuyên huấn, an ninh ở Hà Nội đang cố rêu rao trên đài, trên báo và trong một số buổi thông báo nội bộ.
Tôi giữ ấn tượng sâu sắc đối với những người bạn Pháp cũ và mới, thuộc đủ mọi xu hướng chính trị: cộng sản, xã hội, không đảng phái, các giáo sư, nhà báo, nhà kinh doanh,...Họ đã khuyến khích tôi: Hãy giữ vững tinh thần, hay giữ vững lòng can đảm! Họ chăm chú theo dõi tình hình Việt Nam và lo lắng cho nhân dân ta, cho đất nước ta. Họ cho rằng tình hình sẽ chuyển biến theo hướng tốt đẹp. Họ giúp tôi bằng vô vàn cách thức riêng, rất cảm động. Họ góp ý cho tôi nên liên lạc với tờ báo nào, với ai, ở đâu để đánh động dư luận về chính kiến của mình. Họ giới thiệu tôi với các đài phát thanh Luxemburg, Bỉ, Hòa Lan, ý, Đức,...để tôi trả lời phỏng vấn các đài ấy. Họ gửi cho tôi những cuốn sách bổ ích về tình hình thế giới, về Liên Xô, các nước Đông Âu, về Nhật bản, Đông Nam...sách bên naỳ rất đắt, nên đây là sự giúp đỡ thật qúy báu. Tôi đã có cả một tủ sách qúy. Họ gửi cho tôi tạp chí, báo hàng tháng, hàng tuần bằng các thứ tiếng tôi đọc được. Họ cắt các báo, tạp chí, các tập ghi lại các đài phát thanh, những đoạn nói về Việt Nam rồi gửi cho tôi đọc và lưu giữ. Họ gợi ý cho tôi về cuốn sách này, giới thiệu các nhà xuất bản có uy tín và đáng tin cậy...Một số người bạn còn gợi ý sẵn sàng dẫn tôi đi tham quan ở trong Paris và vùng ngoại ô để tận dụng thời gian tìm hiểu thêm về nước Pháp - Họ mời tôi một số cuộc gặp mặt, thảo luận về hiện tình nước Pháp...Phần lớn là những người am hiểu tình hình Việt Nam, có cảm tình với cuộc chiến đấu của Việt Nam dành độc lập, quý mến và khâm phục nhân dân ta. Khá nhiều người đã từng được chính trị hóa từ tuổi thanh niên trong phong trào ủng hộ Việt Nam chống chính sách thực dân của chính phủ Pháp. Họ chung một ước muốn Việt Nam thoát ra khỏi khủng hoảng, nhân dân Việt Nam đỡ cực nhọc, nước ta phát triển, thu hẹp khoảng cách đã quá xa về mức sản xuất với các nước láng giềng. Họ rất rầu lòng thấy vẫn còn nhiều người muốn bỏ nước ra đi, tăng cường không ngừng số " thuyền nhân " đang bị kẹt và chờ đợi ở các nước Đông Nam á. Họ rất nản lòng về kết quả của đại hội VII, khi thấy đổi mới không nhất quán, không đủ " đô" và có mặt còn thụt lùi...Có anh bạn trẻ Pháp rất qúy Việt Nam, lo tôi buồn, thỉnh thoảng lại ghé đến mời tôi đi ăn một bữa, đi chơi một vòng. Trời đông giá, anh mang đến một áo dạ ấm áp: " Đây là áo của ông cụ thân sinh ra tôi, còn rất tốt, tôi giữ lại làm kỷ niệm, nay rất mong được ông dùng để giữ sức khỏe mà làm việc cho đất nước - Trước nhiệt tình ấy, tôi không thể không đón nhận, mặc dù nhiều bạn Việt Nam đã cho tôi áo ấm.
Có gia đình Việt Nam ở lâu bên này hỏi chuyện tôi, cố hỏi được số điện thoại để gọi đến, mời tôi ghé chơi nhà, để bàn luận về tình hình đất nước. Biết rằng tôi dứt khoát không nhận tiền của bất cứ ai, các bác, các anh chị tìm cách ủng hộ tôi bằng đủ thứ: người mua vé tháng xe bus, tầu điện ngầm để đi trong thành phố Paris, người cho thuốc bổ, có bạn ép tôi vào hiệu giầy để mua đôi giầy có lót lông thú để chịu được lạnh âm 20 độ, có người lo cho mũ ấm, bít tất, găng tay và quần lót chống lạnh, ông linh mục đưa cho chiếc ô để đi mưa, cũng là kỷ niệm, có người biết tôi viết sách, liền gửi đến hàng tập giấy dầy hàng ngìn trang và cả máy chữ đánh tiếng Việt, rồi cả máy com-pu-tơ hiện đại. Có người gửi đến hàng tá bia hộp, hàng tút thuốc lá thơm...Từ tháng 4. 1991, theo yêu cầu của con gái và em gái, tôi đã bỏ hẳn thuốc lá, để những người thân yên tâm và vui lòng, cũng là một cách giữ sức khỏe được tốt. Tôi có ý định bỏ là bỏ được liền, không luyến tiếc vấn vương, dứt khoát với chính mình, trước đó tôi hút đến gần một bao mỗi ngày.
ở Pháp chi phí bệnh viện rất nặng. Không có bảo hiểm xã hội thì không sao thanh toán được viện phí. Chiếu điện, thử máu đều rất tốn kém. Tôi tự đặt kỷ luật cho mình phải giữ sức khỏe. Trận ốm nặng đầu tháng 6. 1989 đã làm cho tôi những suy nghĩ nhiều hơn về cuộc đời. Tôi bị một cơn nhồi máu cơ tim thập tử nhất sinh. May mắn vào đúng nửa đêm, người lái xe cơ quan ngủ ở cạnh phòng thường trực có điện thoại. Khi gia đình tôi gọi điện tới, anh cứ mặc quần áo ngủ phóng xe đến nhà tôi, cõng tôi ra xe đưa vào bệnh viện khi tôi đã lịm đi vì đau. Một cục máu đọng làm nghẹn một động mạch tim. Các bác sĩ phải cứa ngay động mạch cổ, luồn một chiếc "xông" nhỏ xíu vào tim để thông cho máu chạy. Vết thương để lại sẹo khá rộng, cả ở mặt trước và mặt sau tim, máu không tưới được hết. Tôi phải nằm hoàn toàn bất động 18 ngày. Các bác sĩ ở bệnh viện Việt Xô, Việt - Đức, Bạch Mai đều ghé qua bệnh viện tôi nằm, trao đổi, tham gia góp ý kiến với nhau để cùng trị bệnh cho tôi. Anh chị em các báo, đài phát thanh, vô tuyến truyền hình đến thăm tôi rất đông, với tình nghĩa của làng báo. Từ những người trong giới văn nghệ thuật, cho đến bà con khu phố, bạn bè ở một số tỉnh lân cận cũng về thăm. Một nhà báo Mỹ vừa ghé qua Hà Nội cũng đòi vào thăm tôi. Có vị sư ở chùa tuổi đã cao cũng đến thăm. Một số hòa thượng tận Cần Thơ, Đà Nẵng gửi thư cho tôi, còn làm thơ động viên tôi mau bình phục. Trong cơn bệnh hiểm nghèo, tình nghĩa nồng thắm như thế làm tôi xúc động, tác dụng như là thuốc bổ vậy. Tôi nghĩ hơi lẩn thẩn rằng, coi như từ nay trở đi là được " sống thêm ". Và trong thời gian " sống thêm " này cần tận dụng tốt hơn cho con người, cho cuộc đời, có ích hơn cho nhân quần, xã hội. Tôi thường nhớ đến những bạn bè thân thiết đã ngã xuống trong bom đạn ở Triệu Phong, Quảng Trị, ở Điện Biên Phủ, trên đường số 9, ở Tây Nguyên và ở miền Đông Nam Bộ...những nơi tôi từng đi qua. Tôi đã được sống sót, may mắn hơn những anh em khác biết bao. Tôi sửng sờ khi nghe tin người lái xe từng cấp cứu tôi đã chết trong một tai nạn xe cộ bất thần hồi tháng 12. 1990, để lại 6 người con (4 cháu còn nhỏ), vợ anh lại ở nông thôn cày ruộng, cuộc sống cực kỳ gieo neo. Anh cũng đã từng ở quân đội, chuyển sang báo Nhân dân như tôi và tình đồng đội, tình cựu chiến binh gắn bó hai chúng tôi.
Một số anh chị em Việt kiều làm việc trong ngành y ở Paris, hết sức nhiệt tình hỏi thăm sức khỏe và khám bệnh cho tôi. Các anh chị còn làm điện tâm đồ, góp ý cho tôi về phòng bệnh, nhiều lần châm cứu và cho đơn thuốc khi cần thiết, tất cả đều không lấy tiền. Tôi luôn giữ trong lòng mình những niềm biết ơn sâu đậm nhất đời với những tấm lòng qúy báu ấy.
ở Hà Nội, những người được lệnh viết bài để chống lại tôi bằng những thủ đoạn quen thuộc, đã tận dụng một số bài báo của phương Tây. Bên cạnh những bài báo tán đồng chính kiến của tôi, còn có những bài móc máy. Ngay trong một bài cũng có đoạn khen, đoạn chê. Đây là một điều tất yếu trọng tự do ngôn luận. Trong một bài báo ở Paris, tác giả cho tôi là một " ông già cô đơn " vì khi trả lời phỏng vấn, tôi nói rõ rằng làm việc này của tôi hoàn toàn mang tính chất cá nhân, và tôi không có ai thuộc gia đình thân thiết ở Paris cả. Paris lúc đó lại vào mùa đông giá lạnh. Báo " Hà Nội mới" trích những đoạn của bài báo này với ý định làm cho những bạn đọc ở bên nhà hiểu lầm rằng tôi đang ở trong tình trạng cô độc và lẻ loi về mọi mặt.
Sự thật là ngược lại. Tôi được nghe kể đồng bào ta chăm chú nghe những buổi phát thanh của BBC ra sao. Không ít cơ quan và gia đình ghi âm tiếng nói của tôi. Một số anh em trẻ còn nhân tài liệu của tôi qua máy chụp. Có mấy trường đại học, anh chị em tổ chức chép tay lại...Tôi đâu có lẻ loi và cô độc! và ở đây tôi bận tíu tít các mối quan hệ bè bạn. Rất nhiều anh chị em Việt kiều, các bạn Pháp tìm gặp tôi, chật kín thời gian. Rồi anh chị em Việt kiều ở các nước Tây Âu khác, ở Đông Âu, ở Canada, ở Mỹ, ở tận úc sang thăm hoặc viết thư thăm. Trả lời thư, điện thoại...chiếm phần lớn thời gian trong ngày. Tôi đâu có đơn độc! Ngược lại tôi biết rằng, chưa bao giờ niềm đồng cảm của đồng bào trong nước với tôi lại sâu rộng như hiện nay, cũng chưa bao giờ tôi có nhiều bạn bè quen biết ở nước ngoài như hiện nay. Tôi đã lượng trước rằng, mỗi cuộc dấn thân đều phải trả giá. Tôi bị khai trừ, bị vu cáo, gia đình tôi bị kiểm soát, bao vây và cô lập. Các bạn bè tôi ở nhà bị quấy rầy và đe dọa. Những người thân của tôi sống trong không khí căng thẳng chuẩn bị cho Đại hội VII, tất cả thư từ của tôi đi hay đến đều bị chận lại và tịch thu. Người ta đã thuyết phục - thực tế là đe dọa - tất cả những người thân và bạn bè của tôi phải cắt đứt dứt khoát mọi sự liên lạc. Ngừơi ta dựng lên vụ nhà quay phim Pháp Gesbe mang tài liệu và tiền của tôi về, một sự bịa đặt trơ tráo và lộ liễu, theo kiểu gắn nhiều việc liên quan một cách lấp lửng.
Cơ quan an ninh xét hỏi dồn dập bác sĩ Bùi Duy Tâm, một công dân Mỹ về mối quan hệ giữa ông Tâm và tôi chỉ vì ông Tâm có đem theo một lá thư tôi trả lời cho ông ta, trong đó tôi nói lên công khai chính kiến của tôi về hiện tình đất nước, không có điều gì khuất tất, cần phải che giấu cả.
Thế là không phải chỉ những người trong gia đình và bạn bè thân quen của tôi bụôc phải sống trong tình hình căng thẳng không bình thường. Cả những người ngay thật, không hề có quan hệ gì khác thường với tôi cũng bị quấy rầy và xúc phạm nặng nề đến thế.
Tôi không hề cảm thấy cô đơn. Chính những nối đau mới, những phẫn uất mới làm cho tôi tăng thêm nghị lực cùng toàn thể nhân dân yêu qúy phấn đấu cho một tương lai dân chủ và phồn vinh của đất nước thân yêu. Vô vàn bạn bè mới ở trong nước và nước ngoài đang tiếp sức cho tôi trong việc làm cần thiết hôm nay.