Xóa Hận Thù Riêng

Loan, người đàn bà tuổi vào khoảng bốn mươi, cùng ba đứa con hồi hương về Pháp theo lối dân Tây. Qua đến nơi, chánh phủ Pháp lo cho ba mẹ con nàng một căn appartement ba phòng, trong một chung cư bình dân phía bắc ngoại ô Paris. Loan được trở lại làm thơ ký tại trung ương hãng... gần Place-Madeleine Paris 8ème. Loan thường xuyên điện thoại than thở nhiều điều với Lệ. Lệ, đứa em bạn nhỏ hơn nàng bảy, tám tuổi. Lệ cảm thương Loan như người chị, nàng thường mời Loan đến nhà ăn cơm. Loan thấy cảnh sống của Lệ với chồng là Marcel rất khang trang. Làm lòng nàng khao khát được có cuộc sống như Lệ. Nhưng với lương thơ ký quèn làm sao có được? Nên Loan ráng thả câu lòng vòng với mấy người bạn của Marcel, cố tình cho dính được một ông. Loan cũng câu dính, nhưng hết ông nầy tới ông kia. Cuối cùng, Loan cứ bị họ bỏ rơi. Từ đó Loan sanh tâm ganh tị với Lệ. Nàng quay sang gò-câu Marcel bằng cách bày xít nhiều điều quanh co, ám chỉ nói rằng Lệ đang có bồ Việt Nam... Trong tuần, giờ cơm trưa, Loan tìm cách đi ăn cantine chung với Marcel. Vì hai người làm cùng sở từ Sài-Gòn qua đến Paris... Một buổi ăn trưa, Loan ngồi giao đầu với Marcel, nàng mở lời:
- Sao! Dạo này anh và Lệ có vui không?
Mấy ngày trước đó, Marcel và Lệ có gây lộn, Loan đã biết qua Lệ bằng điện thoại mà nàng vẫn làm bộ hỏi. Marcel vô tình đem chuyện gia đình tâm sự với Loan. Để trả lời câu hỏi của Loan, nét mặt Marcel thoáng buồn và nói:
- Tôi với vợ tôi dạo nầy cãi nhau hoài... Tôi buồn quá cô Loan à!
Đôi mắt Loan vụt sáng lên, nàng tìm lời lẽ chế dầu thêm:
- Chắc Lệ nghe lời ai... Hay là... Lệ có nhân tình!
Marcel vội vàng hỏi nhanh:
- Có nhân tình! Thiệt à! Sao cô biết?
Loan nghe Marcel hỏi, nàng đưa ánh mắt tình tứ làm bộ ra cái điều buồn bã, tội nghiệp cho Marcel:
- Bữa hôm, tôi điện thoại cho Lệ. Lệ tâm sự với tôi là Lệ có quen một ông Sĩ Quan Việt Nam cùng ngành Hàng Hải Dân Sự như anh.
Marcel giựt mình hỏi vội:
- Ông ấy tên gì, cô biết không?
Loan khoái chí nhìn Marcel, và từ từ trả lời:
- Nghe đâu... tên Pierre Lê... gì đó! Mà Lệ rất sung sướng nói với tôi là ông ấy viết thư tình cho Lệ thường lắm.
Marcel như bị trời đánh. Chàng đưa hai bàn tay lên vuốt mặt. Từ từ trong đầu hiện lên, nhớ mài mại là đã thấy một hai lần tên... người đó. Bởi tánh Lệ hời hợt, khi đọc thư của ai xong, nàng cứ vứt bừa trên bàn. Lệ tự tin, vì lối sống giữa Marcel và nàng rất quý trọng sự tự do cá nhân. Khi nào ngoài bì thư đề ‘’ông và bà’’, họ mới mở ra đọc. Còn nếu đề tên riêng từng người thì tên ai nấy đọc, chớ họ không hề tò mò mất cách lịch sự. Họ sống như vậy đã mười mấy năm qua, từ Sài-Gòn đến Paris, họ vẫn tương nễ nhau như thế. Hôm nay, Marcel nghe Loan kể chuyện trên làm chàng suy nghĩ, nói với Loan:
- Giữa tôi và Lệ vấn đề thư riêng thì không ai đá động đến.
Loan đưa cặp mắt hí nhìn Marcel, nàng làm dáng điệu, ỏng ẹo, tình tứ, mời gọi. Mặc dù, Loan già và xấu hơn Lệ nhiều về sắc vóc. Nhưng Loan là ‘đồ mới’ của Marcel. Loan cố tình châm dầu vào lửa, nàng nói:
- Nhưng dạo này, Lệ và anh cứ gây lộn hoài thì chắc chắn phải có chuyện... đó rồi! Hôm nào, anh rình thấy lá thư có đề Maritime... anh lấy đưa cho em đọc và dịch lại cho anh nghe.
Từ đó, Marcel nghe lòng buồn buồn, tức tức, chàng luôn tìm Loan để tâm sự... Nhưng Loan rất tinh quái dùng mưu ma, chước quỉ. Một mặt nàng tìm đủ mọi cách đi ăn trưa chung với Marcel, để làm bộ tội nghiệp, an ủi chàng. Mặt khác, nàng điện thoại khai thác Lệ tối đa. Lệ quá thành thật và hay tin người nên trở thành kẻ ngây thơ, ngu dại. Nàng kể lể hết chuyện lòng mình cho Loan nghe, và có khi Lệ xì-nẹc nói xấu chồng đôi điều. Loan đem sự việc ấy tâu lại còn thêm bớt cho Marcel nghe. Loan cố tình chọc tức Marcel, để tự ái của người đàn ông nổi lên. Rồi Marcel rình rập ăn-cắp cho bằng được thư của Pierre Lê... gởi cho Lệ. Quả thật hơn một tháng, Marcel bắt được một lá, chàng vội vàng đưa cho Loan đọc và dịch lại. Nhưng trong lá thư chẳng nói gì đáng quan trọng, cũng chẳng đủ để làm bằng chứng ly dị... Vì Lệ là nghệ sĩ mới ngoài ba mươi tuổi, vóc dáng và sắc diện xinh xắn, thì có thể có cả trăm người đàn ông viết thư tỏ tình với nàng chẳng gì đáng ngạc nhiên? Trong lúc tự ái và máu ghen của Marcel phừng phực như lửa cháy. Thừa cơ hội ấy, Loan đem lời lẽ khéo léo bàn vô, tán ra và chỉ vẽ, bảo Marcel đem thư đến văn phòng chuyển qua Pháp ngữ và đóng dấu đàng hoàng để có bằng chứng mà dễ dàng ly dị. Vì Loan quyết bắt sống Marcel.
Những ngày tháng ấy, gia đình của Lệ và Marcel càng ngày càng căn thẳng. Thỉnh thoảng Loan vẫn điện thoại than thở với Lệ, nói là nàng đang buồn chán, cô đơn... Lệ nghe tưởng thật nên thấy tội nghiệp Loan. Lệ thường nhờ chồng đi rước Loan đến nhà ăn cơm, và đưa Loan về. Vì Lệ xem Loan như người chị bạn tri kỷ để tâm sự bao chuyện lòng mình. Nhưng Lệ lầm to!
Trong khi đó, Marcel và Loan, họ đã cặp bồ với nhau mà Lệ không hề hay biết hoặc nghi ngờ gì cả. Mải đến một đêm Lệ đi tập tuồng cải lương về, nàng thấy trên bàn ngủ có một lá thư. Lệ mở ra đọc... Marcel đòi ly dị. Sự việc chợt đến quá bất ngờ, Lệ hết hồn, lo lắng. Nàng chờ Marcel về hỏi lý do. Đêm ấy, Marcel không về nhà. Qua hôm sau Marcel về, Lệ hỏi:
- Tại vì sao anh đòi ly dị?
Marcel nhìn Lệ bằng ánh mắt thù ghét, chàng trả lời cộc lóc:
- Em có người khác rồi!
- Hả! Anh nói sao?
Marcel lập lại. Lệ đứng lên hỏi gằn từ tiếng:
- Bộ con Loan nói gì với anh phải không?
- Nè, em đừng có hồ đồ nói bậy cho bạn của anh nhé!
- Bạn của anh, chớ không phải bạn của em à?
Marcel lặng im, mắt nhìn xuống đất. Lệ hỏi tiếp:
- Có phải anh cặp bồ với nó không?
Marcel đứng lên nói lớn tiếng:
- Em đừng có nghi bậy!
- Xin lỗi anh! Mình nói chuyện, chứ không phải gây lộn nha!
Marcel đi xuống bếp lấy chai bia trở lên salon ngồi uống. Lệ nói tiếp:
- Nếu anh nói em nghi bậy. Được rồi. Anh muốn ly dị tùy anh. Nhưng sau nầy, anh lấy bất cứ ai cũng được, chỉ ngoại trừ con Loan. Nếu sự thật con Loan và anh lấy nhau thì em sẽ bằm xác nó ra từng mảnh vụn.
Marcel bưng ly bia uống ực ực đứng lên bỏ đi vô nhà tắm...
Thời gian trôi mấy tháng sau, Marcel thường đi làm về trễ, đôi khi bỏ nhà đi đêm luôn. Việc chăn gối giữa Lệ và Marcel bắt đầu lạnh nhạt từ đó. Bấy giờ, Lệ cứ mải mê lo văn nghệ, tổ chức hát cải lương để giúp vui cho đồng bào Tị-Nạn tại Paris. Nàng chẳng màng sự vắng mặt của Marcel những ngày cuối tuần và đôi khi cả trong tuần nữa.

*

Marcel cưới Lệ mười ba năm qua. Họ có hai đứa con, một trai mười một tuổi, và một gái chín tuổi. Bây giờ Marcel muốn quay lưng xa lìa vợ con, vì chàng đang bị Loan gài bẫy cho lọt vô vòng. Thuở trước, Marcel là người đàn ông rất đứng đắn và mực thước. Ngày nay thì con ma tình nó đã bắt chàng rồi.
Cuộc ly dị tiến hành. Trong khi đó Marcel đề nghị với Lệ là hai bên đồng ý ly dị cho đỡ tốn tiền Luật Sư. Lệ nghe lời. Nhưng khi Cảnh-Sát đem trác tòa đến tận nhà. Lệ mở ra đọc, bên trong Marcel tố và đổ tất cả lỗi lầm do Lệ gây ra. Sau khi đọc trác tòa xong, Lệ tức điên người lên. Nàng gào thét khóc than qua điện thoại gần hết với bạn bè quen thuộc khắp năm Châu. Lệ cứ đập tay, gục đầu vô tường tự hỏi: ‘’Tại sao? Tại sao mà Marcel trở cờ như thế này...?’’. Lệ khóc suốt buổi sáng, mãi đến trưa, bỗng dưng từ trong đầu nàng nở ra, sực nhớ lý do, Lệ la lên một mình: ‘’€! Thì ra Marcel không muốn cấp dưỡng tiền bạc cho mình! Đúng rồi! Đúng rồi! Đồ hèn! Tao không cần...’’. Lệ lấy lại bình tĩnh liền sau đó, rồi nàng để mặc tình cho Marcel làm gì thì làm.
Ngày ra tòa Dự Thẩm Paris, Lệ và Marcel gặp mặt, Marcel giới thiệu ông Luật Sư:
- Thưa, Luật Sư, đây là vợ của tôi!
Ông Luật Sư bắt tay chào và hỏi Lệ:
- Luật Sư của bà là ai?
Lệ nhìn ông Luật Sư với ánh mắt khinh thường, và nhếch môi mỉm cười một cách rất kiêu ngạo, nàng nói:
- Tôi không cần có Luật Sư!
Marcel và ông Luật Sư đều lặng câm. Khoảng mười phút sau, Marcel cùng Lệ và ông Luật Sư vào phòng số... của Tòa. Một bà Tòa trạc tuổi năm mươi, bước vô mọi người đứng dậy. Bà mời mọi người ngồi xuống. Bà lật lật hồ sơ và hỏi Lệ:
- Bà có muốn tôi đọc lại những gì mà chồng bà tố bà không?
Ánh mắt của Lệ buồn, nhìn bà Tòa như van xin cầu cứu, nàng lắc đầu nói:
- Không cần. Vì những gì chồng tôi nói đều đúng tất cả.
Bà Tòa trố mắt nhìn Lệ và hỏi:
- Tại sao bà không có Luật Sư?
Bằng một giọng nói đầy uất hận:
- Dạ, thưa bà, vì tôi không có tiền!
- Không có tiền, không hề gì hết. Chúng tôi sẽ cho bà Luật Sư không tốn tiền.
- Dạ, thưa bà, theo tôi thấy không cần thiết.
- Không được. Bà phải lấy Luật Sư.
Bà Tòa đứng lên đi đến nói nhỏ với ông Luật Sư của Marcel gì đó không biết...? Rồi ông Luật Sư mời Marcel ra khỏi phòng. Trong nầy chỉ còn lại bà Tòa và Lệ, bà bảo Lệ:
- Bà phải lấy Luật Sư để biện hộ cho bà chứ!
Lệ cảm thấy được bà Tòa bênh vực, nước mắt của nàng ươm ướm quanh tròng. Lệ cố nén nuốt đau thương bằng một giọng nghẹn ngào:
- Không. Tôi không muốn chống cự với chồng tôi. Hơn nữa tiếng Pháp, tôi không nói được nhiều.
- Chúng tôi sẽ cho bà một người thông dịch viên.
- Cám ơn bà, tôi không cần.
Bà Tòa nhìn Lệ bằng ánh mắt thương hại, bà hỏi:
- Vậy là bà bị áp lực nào, hay có ai hâm dọa bà không?
- Dạ, không. Không có áp lực và cũng chẳng ai hâm dọa tôi cả thưa bà!
- Thôi, được.
Bà Tòa đứng lên ra ngoài mời Marcel và ông Luật Sư trở vô. Phiên Tòa đầu tiên họ chính thức ly thân và sau đó xử ly dị. Nhưng ông Luật Sư và Marcel không ai nói được một lời nào. Vì có gì đâu mà phải nói! Bởi Lệ đã nhận lỗi hết rồi. Vài phút sau bà Tòa nhìn Lệ, bà nói tiếp:
- Chồng bà sẽ cấp dưỡng cho hai con của bà một ngàn năm trăm quan mỗi tháng. Và tất cả mọi chi phí giấy tờ và tiền Luật Sư bà là người phải trả.
Lệ quắc mắt nhìn Marcel, và quay sang lấy tay chỉ ông Luật Sư, nàng nói hơi mạnh:
- Xin lỗi! Tôi đâu có mướn ông Luật Sư này!
Marcel vội vàng lấy tay chỉ vô ngực:
- Của tôi. Của tôi. Tôi sẽ trả tiền Luật Sư.
Lệ chẳng thèm nhìn Marcel, nàng nói tiếp với bà Tòa:
- Còn tiền bạc, thì chồng tôi muốn cấp dưỡng cho các con tôi bao nhiêu cũng được, vì tôi vẫn còn khối óc và tay chân mạnh khỏe mà.
Bà Tòa nhìn cử chỉ và giọng nói của Lệ, bà nghĩ Lệ bị bệnh tâm thần, bà hỏi Lệ:
- Bà có muốn gặp Bác Sĩ tâm-thần (psychiatre) không?
Lệ nghe bà Tòa hỏi thế, nàng chưa điên, mà muốn phát điên lên, mắt nàng nhìn chăm chú bà Tòa trả lời từ tiếng:
- Dạ, thưa bà! Tôi đâu có phải là... người điên. Nếu tôi điên... thì... chắc chồng tôi không còn ngồi ở đây đâu!
Bà Tòa nghe Lệ nói vậy, bà đổi giọng nhẹ nhàng:
- Hôm nay kể như bà với chồng bà chánh thức ly thân. Nhưng ba tháng sau sẽ trở lại Tòa-Hòa-Giải.
Lệ lắc đầu nhìn bà Tòa và nói:
- Tôi đến đây lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng. Tôi sẽ không đến dự một phiên tòa nào nữa cả. Tất cả mọi sự tôi giao cho chồng tôi, để ông ấy muốn làm gì tùy ông.
Phiên tòa chấm dứt, Lệ đứng lên gật đầu chào ra về. Sau khi tòa tuyên bố, Lệ và Marcel chánh thức ly thân. Marcel về nhà dọn quần áo và những vật dụng cá nhân ra ở riêng. Nhưng không dám cho Lệ biết địa chỉ. Nếu Lệ muốn liên lạc việc gì với Marcel, thì nàng gọi đến sở làm. Còn Lệ thì bắt đầu lo tìm việc làm và mướn nhà ra riêng cùng hai con. Vì căn nhà hiện tại họ đang ở, sẽ đăng báo rao bán. Lệ xem như đã dứt khoát với Marcel, nàng không còn nghĩ gì ngoài chuyện là ráng đi làm lo nuôi cho con và lo cho gia đình bên nhà. Có vài người bạn gái xúi Lệ đi đánh ghen với Loan. Nhưng Lệ cố đè nén lòng không tin rằng Marcel cặp bồ với Loan. Cũng có vài người bạn khác khuyên can, an ủi. Và, một số bạn-xấu a-tòng theo Loan.
Mải đến hơn ba năm sau. Marcel không chịu nổi cảnh phải trốn tránh Lệ. Vì chàng đã vào ở hẳn trong nhà của Loan từ lâu rồi. Nhưng Marcel không dám dắt các con đến nhà Loan, vì sợ các con về mét lại với Lệ. Marcel cảm thấy mình hèn yếu. Chàng bực bội, suy nghĩ nát óc. Cuối cùng, chàng quyết liều mạng viết thư thú thật với Lệ. Buổi sáng thứ Bảy, giữa mùa đông, bầu trời Paris sương giăng, tuyết phủ, lạnh tái tê. Lệ nhận được thư của Marcel, đọc xong, tâm hồn nổi lên cơn ghen tức và phẩn nộ dữ dội, nàng nhớ lại lời nguyền khi xưa: ‘’Anh lấy ai cũng được, chỉ ngoại trừ con Loan. Nếu sự thật anh và nó lấy nhau thì em sẽ bằm xác nó ra từng mảnh vụn...’’. Vì sáng thứ Bảy, nên Lệ phải chờ đến thứ hai Loan vô sở làm, Lệ gọi điện thoại:
...
- A-lô! Chị Loan đó hả? Khỏe hôn?
Loan vẫn giữ cái giọng bình thường:
- Ừ, khỏe! Còn Lệ, có khỏe không cưng...?
Lệ nghe tiếng ‘cưng’’, nàng nghiến răng trả lời:
- Khỏe lắm! Mầy hãy lo thu xếp công việc và để lại di chúc cho các con mầy đi. Vì mầy là tên tử tội!
Lệ nói xong cúp ngay điện thoại. Loan vừa nghe qua những lời ấy liền té xỉu, tâm thần bị giao động mạnh. Nàng sợ Lệ giết nên xin nghỉ việc ở nhà trốn. Nếu có chuyện gì phải ra khỏi nhà, nàng luôn luôn kêu các con hộ vệ hoặc có Marcel đi theo.
Một sự mưu mô, phản phúc thật quá phũ phàng kia. Lệ như người điên loạn, trong đầu nàng chỉ muốn đi giết Loan. Nhưng Lệ tự trấn an để thu xếp và tìm kế hoạch thanh toán Loan. Tất cả bạn bè đôi bên ai ai cũng đều nghĩ rằng, Lệ sẽ giết Loan. Còn Marcel thì sợ hơn ai hết, vì chàng thừa biết tánh của Lệ nói là làm. Marcel đi cầu cứu vài người bạn thân của Lệ. Nhờ họ khuyên Lệ đừng làm bậy. Nhưng giây phút phẩn nộ ấy ai mà có thể ngăn cản Lệ được bây giờ?
Trong cơn giận dữ, làm tâm hồn của Lệ như bão giông, sấm sét. Đôi mắt của nàng lúc nào cũng trừng trừng như đang bốc cháy phừng phừng lửa căm thù. Nàng viết cho Marcel nhiều lá thư, cố ý khiêu khích cho họ đi thưa Lệ về tội dám nói là sẽ giết Loan. Nhưng họ tự biết họ có lỗi, nên im lặng mà chỉ đề phòng, thủ thế. Họ rất lo sợ Lệ rình để tấn công Loan bất thình lình. Còn phần Lệ, nàng tìm cách chạy chọt mua được cây súng sáu nhỏ. Nàng cương quyết đi giết Loan. Lệ viết di chúc cho hai con và một lá thư cho Cảnh-sát Pháp, nàng đem cất trong tủ sắt ở nhà băng BNP. Mọi việc Lệ đã chuẩn bị sắp xếp xong. Nàng xách khẩu súng theo mình và chui vô xe rồ máy nhứt quyết chạy thẳng lên nhà của Loan. Chiếc xe vừa ra khỏi Paris, vô xa lộ, thì nghe tiếng xe như có gì trục trặc, tự nhiên xe chạy chậm lại và cà giựt, cà giựt, Lệ cứ ráng cho chạy... Nhưng... mắt của Lệ như bị hóa lòa nhìn thấy lờ mờ hình dáng mẹ và hai con của nàng đang đứng trước đầu xe. Lệ sực nhớ nghĩ đến mẹ và các con, nàng chùn bước và tìm cách cho xe quay đầu trở về. Sau khi Lệ cho chiếc xe chạy tới ngã ra xa-lộ quay đầu lại, thì chiếc xe chạy rất bình thường. Về đến nhà tâm trí của Lệ bị quay cuồng, chấn động mạnh kinh khủng. Nàng lật đật tìm số điện thoại của ‘’S.O.S. Amitié’’. Lệ run cả người và run cả giọng nói:
- A...lô! A...lô!
Đầu giây bên kia, người ta liền hiểu ngay một giọng nói của người mất bình tĩnh, tiếng nói một bà trong điện thoại nhẹ nhàng đầy tình cảm:
- Xin bà bình tĩnh, có tôi đây!
- Nhờ bà cứu tôi! Cứu tôi!
- Bà ra sao đó?
- Tôi...vì...vì tôi đang muốn giết người!
Bằng một giọng dịu dàng:
- Được! Được! Bà hãy từ từ kể cho tôi nghe đi. Vì sao mà bà muốn giết người?
Tiếng nói của Lệ lặp cặp, nàng kể lể đầu đuôi lộn xộn hơn cả tiếng đồng hồ. Đầu giây bên kia xem như bà nọ đang châm chú lắng tai nghe. Sau đó, Lệ mệt lã người và mệt luôn cả thần trí. Bà kia nhẹ giọng giảng giải:
- Theo tôi thấy, bà là người có một tâm hồn rất vị tha, mà sao hôm nay bà lại muốn làm một việc không lành? Bà nên nhớ, nếu bà thực hiện theo lòng của bà. Bà có biết là bao nhiêu người sẽ khổ sỡ vì bà không?
Lệ nghe câu hỏi trên, tự nhiên thấy lòng vơi nhẹ đi phần nào. Bà bên đầu giây kia vẫn nói tiếp:
- Nếu tôi đứng vào địa vị của bà, chắc chắn tôi cũng làm như bà... Nhưng... nếu suy nghĩ kỹ thì tôi sẽ nghĩ đến mẹ và các con của tôi trước hơn hết, sau đó đến bà con giòng họ, bạn bè xung quanh. Bà nên suy nghĩ lại đi. Nếu bà ra tay thì sau này các con, các cháu của bà, chúng nó sẽ mang cái mặc cảm từ đời này sang tới đời khác. Vì người đời sẽ nói mãi với chúng nó, là có bà nội hay bà ngoại là một kẻ đã giết người!...A-lô! Bà còn đó không?
- Dạ! Dạ tôi còn đây và đang lắng nghe những lời của bà khuyên! Thôi, tôi cám ơn bà nhiều lắm! Chào bà!
- Tôi cũng vậy! Chào bà! Chúc bà sẽ được bình yên!
Sau khi Lệ trút hết nỗi niềm tâm sự với bà ‘’S.O.S. Amitié’’. Nàng nhức đầu kinh khủng, nàng liền quay điện thoại gọi Bác Sĩ Récand (bác sĩ gia đình):
- A...lô! Tôi là bà Marcel! Xin Bác Sĩ đến nhà tôi gấp!
- Bà Marcel đó hả? Bà đau gì mà khẩn cấp vậy? Xin bà chờ sáng mai, tôi sẽ lại khám bệnh cho bà.
- Không. Tôi muốn Bác Sĩ đến ngay bây giờ.
- Bà đau gì mà tôi nghe giọng nói của bà run quá vậy?
- Tôi... tôi muốn giết người!
Ông Bác Sĩ vừa nghe Lệ nói mấy lời trên, ông kinh ngạc hết hồn, ông lật đật nói:
- Tôi đến liền! Tôi đến liền!
Bác Sĩ đến, Lệ cũng kể lể chuyện trên vừa xẩy ra, vì ông Bác Sĩ ấy biết chồng của Lệ và cả Loan nữa. Ông cho Lệ hai viên thuốc ngủ cực mạnh. Ông bảo:
- Bà uống liền một viên, chút nữa bà sẽ ngủ hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Chừng nào bà thức dậy, bà nhớ uống tiếp viên này là bà ngủ tiếp, sau đó bà thức dậy sẽ được bình tĩnh tâm thần.
- Dạ, cám ơn Bác Sĩ.
- Xin chào bà tôi về. Bà nhớ uống thuốc nha! Nếu có chuyện gì cần thiết, bà cứ tự nhiên gọi tôi. Chào bà, tôi về.
- Dạ, chào Bác Sĩ.
Lệ nghe lời Bác Sĩ uống thuốc, nàng ngủ mê mang trong bốn mươi tám tiếng đồng hồ. Đến khi Lệ thực sự tỉnh dậy, nàng cảm thấy như đã giết Loan rồi. Lệ chợt nhớ đến khẩu súng mà nàng dấu dưới gầm cầu tiêu, Nàng đứng dậy liền chạy nhanh vô cầu tiêu móc khẩu súng và đếm xem, sáu viên đạn còn nguyên. Lòng Lệ nghe nhẹ nhổm, nhưng rồi liền sau đó lòng thấy thắp thỏm nghĩ:‘’Chết rồi! Mình làm gì với cây súng nầy? Để trong nhà nguy hiểm quá! Cũng may, trong lúc này các con mình đi trượt tuyết do nhà trường tổ chức...’’.
Qua mấy ngày, Lệ tỉnh táo trở lại, nàng lén đem cây súng liệng dưới mé sông Seine. Sau khi Lệ đã thủ tiêu được cây súng, nàng chợt nhớ đến Thầy mình, là Thượng Tọa Thích M. T., nàng liền điện thoại để thú tội với Thầy. Bằng một giọng đầy hối hận:
- A-lô! Kính bạch Thầy! Con là Lệ đây!
Thầy nghe giọng nói của Lệ như chất chứa buồn đau vô tận, Thầy hỏi:
- Có chuyện gì đó Lệ?
Giọng nói của Lệ nghẹn ngào:
- Thầy ơi! Con có tội nặng lắm!
Giọng của Thầy nhẹ nhàng hỏi tiếp:
- Lệ đã làm gì bậy vậy?
Lời nức nỡ của Lệ:
- Dạ bạch Thầy!... Vì con có ý nghĩ muốn giết người!
Giọng nói của Thầy vẫn nhẹ nhàng:
- Lệ đã làm chưa?
- Dạ chưa. Nhưng xém thôi!
- Vì sao mà đến nông nổi vậy?
Lệ kể lể lê thê về câu chuyện trên. Thầy Thích M. T. đem lý thuyết Đạo Phật ra giảng...(...). Lệ nhận mình có tội nặng, dù chỉ có ý nghĩ muốn giết người đã là có tội rồi, huống hồ là chuẩn bị sẵn sàng suýt xém thực hành... Thầy dùng lời lẽ dịu êm khuyên giải tiếp...
Một tuần lễ sau, Thầy Thích M. T. gởi đến cho Lệ rất nhiều Kinh sách Phật để cho Lệ đọc mà tự mình sửa-chữa, ăn-năn, sám-hối. Nhận được những Kinh sách do chính tay Thầy gởi. Lệ ôm những quyển Kinh vào lòng mà vô cùng cảm kích đội ơn Thầy. Từ đó nàng cố gắng đọc, học, sám-hối thật tâm. Xem như Lệ không còn có ý nghĩ giết Loan nữa. Nhưng trong lòng nàng cứ nặng trĩu mối hận thù với Loan.

*

Thời gian trôi qua nhanh. Lệ không biết làm sao mà gở mối thâm thù trong lòng của nàng được. Nhân dịp Rằm tháng bảy Đại-Lễ Vu-Lan Báo-Hiếu, Lệ đi mua hoa trái về cúng Phật và dâng hoa lên bàn thờ Đức Mẹ Lộ-Đức. Suốt mấy ngày đêm Lệ cố gắng lắng nghe băng tụng Kinh ‘’Bát-Nhã-Tâm-Kinh’’, Cầu-an và Sám-hối để cầu xin Trời, Phật giúp nàng xóa mối thù trong lòng đang quằn nặng.
Một sự linh ứng huyền diệu!
Vào ba giờ rưởi khuya, trong đầu của Lệ bừng nở ra...: ‘’Chỉ có một cách là mình phải thụt lùi, hạ mình với chị Loan... Ha! Chuyện này hay quá!’’. Lẩm nhẩm xong, trong người Lệ nghe như có một con quái vật vừa vụt bay ra khỏi lòng nàng, tâm hồn cảm thấy nhẹ nhàng kỳ diệu. Lệ ngồi ngay bàn Phật tiếp tục nghe Kinh, và chờ đến tám giờ rưởi sáng để gọi điện thoại vô hãng của Loan. Nhưng Lệ nghĩ:‘’Không biết chị Loan có chịu nói chuyện với mình không đây?’’.
Mặc dầu Lệ hơi bi quan nghĩ vậy. Nhưng nàng vẫn gọi Loan:
...
A-Lô! Loan, tôi nghe.
Lệ nghe tiếng Loan, nàng nói một giọng bình thản, vui vẻ:
- A-lô! Chị Loan! Chị Loan ơi! Cho em nhờ chị cái này! Em nhờ thiệt đó nha chị!
Loan nín thinh vài giây, sau đó nàng hỏi:
- Ờ, được! Mà chuyện gì vậy Lệ?
Lệ nghe nhẹ người, nàng nhanh nhẹn nói:
- Em nhờ chị viết thơ xin dùm em ba bổn khai sanh của Marcel, vì em rất cần!
Loan lặng im nghĩ: ‘’Ha! Lệ nhờ mình xin dùm khai sanh của Marcel, nghe giọng nói của Lệ không còn giận mình nữa. Thôi, mình cũng ráng làm dùm’’. Sau một phút suy nghĩ, Loan trả lời:
- Được, được! Để... mình xin dùm cho.
- Cám ơn chị Loan. Chào chị nhé!
Nói chuyện được với Loan, Lệ nghe lòng nhẹ nhàng như vừa trút đi một cái gì nặng ngàn cân. Qua mười ngày sau, Lệ nhận được thư từ tỉnh Angers gởi lên. Lệ mở ra thấy ba bổn khai sanh của Marcel. Lệ định quay điện thoại nói cám ơn Loan liền. Và đồng thời nhã ý mời Loan hôm nào rảnh đến nhà Lệ ăn cơm. Nhưng Lệ nghĩ: ‘’Cha! Chắc chị Loan không dám đến nhà mình đâu! Vì có thể chị ấy nghĩ mình gài bẫy để đánh chỉ quá! À! Nhưng... chắc là sẽ có Phật, Trời hộ độ! Vậy mình gọi và mời chỉ thử coi!’’. Lệ nghe lòng nhẹ phơi phới. Nàng liền điện thoại cho Loan, và nói chuyện với Loan bằng một giọng vui tươi:
- A-lô! Chị Loan ơi! Em nhận được khai sanh của anh Marcel rồi. Em cám ơn chị nhiều nha!... À, này! Cuối tuần chị có rảnh không?
-... Chi vậy Lệ?
- Em muốn mời chị đến nhà em ăn cơm chiều thứ Bảy này!
Loan suy nghĩ vài giây, nàng nói:
- Ừ, chị sẽ trả lời ngày mai được không Lệ?
- Dạ, được!
Sau khi tan sở, Loan về nhà, ăn cơm tối xong, Loan đến salon ngồi bên cạnh Marcel, nàng kể lại cho Marcel nghe, và hỏi ý kiến chồng:
- Anh thấy em nên đến nhà Lệ ăn cơm được không? Có bề gì không?
Bởi Loan cũng hơi ớn ớn, sợ Lệ gài bẫy. Nhưng Marcel trấn an và bảo đảm nói với Loan:
- Theo anh biết, tâm tánh của Lệ rất dễ nóng giận, nhưng cũng mau nguội và hay tha thứ. Có đôi khi Lệ cương quyết việc gì thì khó ai cản nổi. Nhưng Lệ cũng hay suy nghĩ và biết nhận xét điều phải, điều quấy. Anh nghĩ, hiện tại chắc Lệ không còn thù hận gì mình nữa đâu. Lệ không phải là loại người tráo trở. Em cứ nhận lời mời ăn cơm nhà Lệ đi. Nếu em muốn yên tâm, thì em rủ cô Ánh đi theo. Vì Lệ vẫn còn chơi với cô Ánh, bạn của em. Lệ không có tánh ghét ai, ghét luôn giòng họ, bạn bè người ấy đâu. Mà cũng khó ai bảo Lệ hùa theo họ được.
- Em nghe anh nói, em cũng yên lòng. Vậy ngày mai em hỏi Ánh và điện thoại trả lời cho Lệ biết là em sẽ đến cùng với Ánh.
Marcel choàng tay qua vai Loan và âu yếm, chàng từ tốn nói:
- Rồi đây, em sẽ thấy Lệ vui vẻ bằng lòng ngay!
Hôm sau, Loan điện thoại cho Lệ, nói là nàng nhận lời và có cả Ánh đi cùng.
°
Chiều thứ Bảy, mùa hè, ánh nắng vàng tỏa khắp nơi nơi. Đến giờ hẹn, Lệ hơi hồi họp, nàng chấp tay khấn vái trước bàn Phật:‘’Xin Phật, Trời hộ độ cho con bình tĩnh để tiếp đãi Loan’’. Vừa khấn xong, Ánh và Loan đến nhận chuông, Lệ ra mở cửa. Sau bao năm Loan và Lệ không gặp nhau. Hôm nay gặp lại, họ cùng chào hỏi, hun hít như thuở xa xưa. Trong lòng Lệ không còn một chút gì giao động. Lệ rất vui vẻ tiếp đãi Loan và Ánh.
Tất cả ngồi vào bàn ăn cùng với hai con của Lệ. Bữa cơm Việt thuần túy, đạm bạc, với những món canh khoai mỡ, cá trê vàng khô tiêu, sà-lách và dưa-chuột. Họ cùng nhau ăn uống, chuyện trò vui vẻ. Ánh và Loan ở lại chơi đến gần nửa khuya mới từ giã ra về. Trong lòng Lệ không còn gợn một chút hận thù. Xem như không có chuyện gì đã xẩy ra trước kia.
Thế là, Lệ xóa được mối hận thù rất nặng nề đã nằm trong lòng nàng bấy lâu nay. Nhân dịp lễ Đức Mẹ lên trời ‘’Thánh-Mẫu-Thăng-Thiên’’, vào ngày 15 tháng 8 năm 198... Lệ liền lấy xe lửa xuống Lourdes để tạ ơn Đức Mẹ Lộ-Đức và đứng sắp hàng nối đuôi vào bồn tắm. Lệ được tắm nước suối dưới chân Đức Mẹ. Tắm xong, nhìn vào gương thấy mặt của Lệ thật thanh thản và bình tĩnh, đôi mắt trở lại hồn nhiên, hiền hòa. Lệ khấn thầm: ‘’Con tạ ơn Đức Mẹ đã gỡ dùm con mối thù hận to lớn nhứt cuộc đời’’.
Từ Lourdes trở về, qua hôm sau, Lệ lái xe chạy thẳng vô chùa Khánh-Anh, ở Bagneux đốt nhang lạy Đức Phật Thích-Ca-Mâu-Ni và lạy Phật Bà Quan-Thế-Âm-Bồ-Tát. Sau khi lạy Phật xong, Lệ lái chiếc xe hơi hiệu Peugeot 304 màu đen chạy thẳng về nhà. Vô nhà, hai đứa con của nàng đang chờ mẹ về ăn cơm. Vừa thấy mẹ, chúng reo mừng và cả hai liền nhào vô vòng tay của mẹ. Lệ ôm hai con vào lòng mà nghe tâm hồn tràn đầy hạnh phúc!
Kể từ đó, Lệ cảm thấy nhẹ nhàng thân tâm, nàng nghĩ: ‘’Sự việc vừa qua, mình đã xóa bỏ được, thì sau này có chuyện gì đối với mình là quan trọng đâu!’’. Chiều về, Lệ thường đưa mắt hướng về phía trời Tây, nhìn những tia nắng hoàng hôn chói sáng của ánh tà dương phực lên một góc trời đầy màu hồng rực rỡ, Lệ nhủ thầm: ‘’Con rất đội ơn Trời, Phật và Chúa, Mẹ đã giúp con được xóa hận thù riêng’’.
Ngoài trời bắt đầu vào thu, ánh nắng hanh hanh, thời tiết lành lạnh, muôn ngàn chiếc lá chớm vàng lay bay trong gió nhè nhẹ đẩy đưa và thỉnh thoảng vài chiếc lá rơi rơi trông tuyệt đẹp...
°
Từ đây thù hận xóa tan
Tâm hồn nhẹ nhổm, sáng chang cõi lòng
Bây giờ, Lệ chỉ ước mong:
Mong sao nhân loại thoát vòng thù căm.
(Ivry-sur-Siene, Bạch-Am đêm xuân 2000)